Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Sắc Lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio) Lời Giới Thiệu

Lời Giới Thiệu  / Lời Mở Đầu  / Chương I  / Chương II  / Chương III

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất
Unitatis Redintegratio

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Lời Giới Thiệu

Sắc Lệnh này ghi dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Khi Ðức Gioan XXIII loan báo triệu tập một công đồng chung, ngài đã nhắm đến nguyên nhân của việc hiệp nhất. Ðể đạt mục tiêu đó, ngài thiếp lập Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu (ngày 5 tháng 6 năm 1960). Người ta có thể nhận ra rằng chiều theo ý định của Ðức Giáo Hoàng, nhiều lược đồ tiền công đồng đã đề cập thẳng đến vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Lược đồ về Giáo Hội có chương XI nói về hiệp nhất. Ủy ban về các Giáo Hội Ðông Phương khởi thảo một lược đồ nhằm việc nối kết các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu cũng đã soạn sẵn một lược đồ nghiêng về mục vụ. Trong kỳ họp I, Công Ðồng quyết định chỉ soạn thảo một sắc lệnh về Hiệp Nhất dưới sự giám sát của Văn Phòng Hiệp Nhất. Chính lúc ấy, chương XI chỉ đề cập đến các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương.

Lược đồ nhất thống về Hiệp Nhất đã được đệ trình trong kỳ họp II của Công Ðồng. Lược đồ gồm 5 chương:

I. Các nguyên tắc Công Giáo về Hiệp Nhất.

II. Cách tham dự phong trào Hiệp Nhất.

III. Các Kitô hữu ly khai với Giáo Hội Công Giáo.

IV. Những tương giao giữa người Công Giáo với người ngoài Kitô giáo, đặc biệt với người Do Thái.

V. Tự do tôn giáo.

Lúc ấy hai chương cuối cùng do hai tiểu ban của Văn Phòng Hiệp Nhất đảm trách. Nhưng chẳng bao lâu các Nghị Phụ đã đi đến kết luận là phải bàn luận hai vấn đề này trong những văn kiện riêng biệt. Như thế, lược đồ mới chỉ gồm ba chương đầu cộng thêm lời mở. Sự phân chia này đã được duy trì trong bản văn cuối cùng.

Lược đồ này được tranh luận từ 5 đến 7-10-1964. Theo thỉnh nguyện của các Nghị Phụ, nhiều đề nghị tu chỉnh đã được thêm vào lược đồ bản văn hiệu chính. Ðáng lẽ lược đồ được biểu quyết ngày 20-11-1964. Nhưng trước ngày ấy, vị Tổng Thư Ký của Công Ðồng, Ðức Cha P. Felici, loan báo rằng có 19 điểm đổi thay đã được hoàn thành vào giờ chót theo yêu cầu của một thẩm quyền cao cấp. Vì thế vấn đề biểu quyết lược đồ được hoãn lại. Quả thực, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị một loạt các tu chính án; trong số đó, hội đồng thu hẹp của Văn Phòng Hiệp Nhất đã giữ lại 19 điểm. Do đó, các Nghị Phụ đã biểu quyết sắc lệnh ngày 21-11-1964 với 2,137 phiếu thuận,11 phiếu chống. Cũng chính hôm ấy, Ðức Phaolô VI đã phê chuẩn và công bố sắc lệnh này.

Sắc Lệnh mang tựa đề "Về Hiệp Nhất". Hiệp Nhất là gì? Chúa Giêsu Kitô đã chỉ sáng lập một Giáo Hội và Người đã muốn tất cả các môn đệ kết hiệp với nhau trong Giáo Hội duy nhất ấy. Trước ngày tử nạn, Người đã khẩn thiết nguyện cầu cho việc hiệp nhất này: "Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21). Nhưng qua bao thế kỷ, đã xảy ra nhiều cuộc phân rẽ đau thương. Một số lớn các Giáo Hội Ðông Phương đã tách lìa khỏi Roma. Vào thế kỷ XVI, nhiều miền đã biến thành Tin Lành. Ở thế kỷ hiện tại của chúng ta, người ta mới ý thức hơn về những phân rẽ này. Nhiều người đã suy tưởng lại lời nguyện của Chúa Giêsu cũng như nghĩ đến việc cứu vãn mối bất hòa ly tán giữa các Kitô hữu. Vậy người ta đã gọi "Hiệp Nhất" là tất cả mọi nỗ lực trong những giáo phái Kitô giáo khác nhau, nhằm mục đích kết hiệp cộng đoàn Kitô hữu đang bị phân rẽ. Danh từ Hiệp Nhất phát sinh từ tiếng Hy Lạp "Oikoumene"; thời xưa, chữ này biểu thị một Giáo Hội phổ quát lan rộng khắp hoàn cầu. Như thế, Hiệp Nhất có nghĩa là ước muốn và nỗ lực đạt đến việc liên kết mọi Kitô hữu nên một trong Giáo Hội phổ quát của Chúa Kitô. Công cuộc hiệp nhất này đặt nền tảng trên khát vọng sâu xa của tất cả Kitô hữu thiện chí nhằm thể hiện sự hiệp nhất toàn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã mong muốn. Phong trào hướng về hiệp nhất đã khởi sinh trước tiên giữa lòng các giáo phái Tin Lành. Phong trào nầy đã mặc một hình thức rất cụ thể khi "Hội Ðồng hiệp nhất các Giáo Hội" được thành lập năm 1948 tại Amsterdam. Người Công Giáo đã tham dự vào phong trào bằng tuần Bát Nhật cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu (từ ngày 18 đến 25 tháng giêng mỗi năm). Ngoài sự tham gia đó, người ta đã không thể nói đến một phong trào hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dù các Ðức Giáo Hoàng đã nhiều lần mời gọi những cộng đoàn ngoài Kitô giáo hãy đến với Giáo Hội phổ quát. Chắc hẳn có nhiều người Công Giáo, với tư cách cá nhân, đã hoạt động cho việc hiệp nhất các Kitô hữu, như cha Paul Couturier (+1953) và cha Lambert Beaudoin dòng Benedictô (+1960). Dầu vậy, phong trào hiệp nhất nơi những người Công Giáo trước tiên đã nhờ vào hoạt động của Văn Phong Hiệp Nhất các Kitô hữu rất nhiều. Hơn nữa, công cuộc chuẩn bị Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và chính sự tán dương của Công Ðồng Vaticanô II đã góp phần dồi dào vào việc đào luyện tâm thức hiệp nhất cho toàn thể các Giám Mục Công Giáo. Sắc Lệnh được Công Ðồng phê chuẩn, sự kiện nầy là một biểu hiện sáng chói của tâm thức ấy.

Từ đó, chúng ta có thể thẩm định tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Hiệp Nhất. Quả thực, theo ngôn từ của Ðức Hồng Y Bea, Sắc Lệnh đã biểu lộ lập trường chính thức của quyền tối cao trong Giáo Hội Công Giáo trước vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu nói chung và trước phong trào hiệp nhất nói riêng. Sắc Lệnh không chỉ trình bày một giáo thuyết, nó còn là một hành động: qua Sắc Lệnh đó, Công Ðồng đã ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo nhiệm vụ hiệp nhất. Sắc Lệnh đã tạo nên một bầu khí Kitô giáo đầy tình huynh đệ giữa những phần tử của Giáo Hội Công Giáo và các anh em ngoài Công Giáo. Nó còn là khởi điểm cho nỗ lực hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo sau Công Ðồng.

Sắc Lệnh nhấn mạnh một số điểm quan trọng đối với phong trào hiệp nhất. Tất cả những ai đã được rửa tội đều kết hiệp với Chúa Kitô và thật sự là anh em với nhau trong Người. Qua phép Rửa Tội, họ cũng hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo một cách nào đó, cho dù mối thông hiệp này chưa toàn hảo. Những Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng thừa hưởng các sản nghiệp phong phú đích thực về chân lý và ân sủng. Chúa Thánh Thần sử dụng các cộng đồng Kitô giáo khác nhau như những khí cụ ân sủng. Cho nên, những hành vi thánh mà họ thực hiện có thể làm nẩy sinh và tăng triển đời sống ân sủng của họ. Vậy nên Sắc Lệnh công nhận rằng: tín đồ của những cộng đồng ly khai này có khả năng đạt được ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, Sắc Lệnh không che dấu những gì tách biệt chúng ta khỏi các anh em Kitô hữu không Công Giáo. Họ không thừa hưởng sự hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã muốn ban phát cho tất cả những ai Người đã sinh thành và bồi dưỡng trong chính một thân thể. Vì thế, họ không hưởng thụ hết tất cả những kho tàng thiêng liêng Chúa Kitô đã ký thác trong Giáo Hội Người. Sau hết, Sắc Lệnh vạch ra một chương trình hành động hiệp nhất bao la. Kế hoạch này mở nhiều viễn ảnh rộng lớn và cống hiến một sự chọn lựa đề mục thật phong phú để đối thoại với những anh em ly khai của chúng ta. Một nhận xét về cách dụng ngữ của Sắc Lệnh có thể thật hữu ích. Thông thường, danh từ "Hiệp Thông" chỉ định những cộng đồng Kitô ngoài Công Giáo, không phân biệt Ðông Phương ly khai, Anh Giáo hay Tin Lành và không thẩm định giá trị tín lý của những cộng đoàn khác nhau này. Danh từ "Giáo Hội" thỉnh thoảng được áp dụng cho những cộng đoàn đông phương ly khai, những cộng đoàn quả thực có cơ cấu của một Giáo Hội. Lúc đề cập đến anh em Tin Lành, Sắc Lệnh nói đến những Giáo Hội và những "cộng đoàn" giáo hội. Những kiểu danh xưng ấy lúc đó hiểu theo một nghĩa rộng. Bởi lẽ, theo nghĩa hẹp, danh từ Giáo Hội dường như dòi buộc một cơ cấu bí tích và phẩm trật; cơ cấu nầy, nói cho đúng, không thấy có nơi những anh em Tin Lành. Hơn nữa, có vài nhóm Tin Lành từ khước danh hiệu "Giáo Hội" ấy. Vì thế "Cộng Ðoàn Giáo Hội" muốn diễn tả những cộng đoàn tín hữu có vẻ tương tự với một Giáo Hội: đó là một từ ngữ khá mơ hồ.

2777    17-11-2012 10:12:28