Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Sắc Lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio) Chương II

Lời Giới Thiệu  / Lời Mở Đầu  / Chương I  / Chương II  / Chương III

Chương II: Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất

5. Mọi người phải lưu tâm đến sự hiệp nhất. Mối bận tâm tái lập hiệp nhất liên hệ đến toàn thể Giáo Hội, tín hữu cũng như chủ chăn, mỗi người đều phải lưu tâm tùy theo sức riêng của mình, hoặc trong đời sống Kitô hữu thường nhật, hoặc trong các công trình khảo cứu thần học và sử học. 19* Nỗi bận tâm này chứng tỏ một phần nào sự liên kết huynh đệ vốn tiềm tàng giữa các Kitô hữu và dẫn đưa tới sự hiệp nhất đầy đủ và toàn hảo theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

6. Canh tân Giáo Hội. Vì mọi việc canh tân Giáo Hội 1 cốt yếu nhằm sống trung thành với ơn gọi của Giáo Hội hơn, nên chắc chắn đó là lý do giải thích tại sao có phong trào hiệp nhất. Trên đường lữ hành, Giáo Hội được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Giáo Hội vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến. Do đó, nếu vì hoàn cảnh mà tuân giữ ít chu đáo một vài điểm hoặc về luân lý hoặc về kỷ luật Giáo Hội hoặc cả trong cách trình bày giáo lý - cách trình bày này phải được thận trọng phân biệt với chính kho tàng đức tin - thì phải lo cải tổ cho đúng mức khi thuận tiện 20*.

Vì thế, sự canh tân này có giá trị rất lớn đối với công cuộc hiệp nhất. Giáo Hội thực hiện cuộc canh tân ấy bằng nhiều hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội như phong trào Thánh Kinh và phụng vụ, việc rao giảng lời Chúa và giáo lý, hoạt động tông đồ giáo dân, những hình thức mới trong đời tu trì, nền đạo đức hôn nhân, học thuyết và hoạt động xã hội của Giáo Hội; phải coi những hình thức ấy như là đảm bảo và là điềm báo những tiến bộ tương lai của phong trào hiệp nhất.

7. Hoán cải tâm hồn. Không thể có phong trào hiệp nhất chính danh mà không có sự hoán cải nội tâm. Thật vậy, những ước vọng hiệp nhất bắt nguồn và chín mùi nhờ sự đổi mới tâm trí 2, từ bỏ chính mình và bác ái một cách hết sức quảng đại. Vì thế, phải nguyện xin Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta ơn thành thật quên mình, khiêm nhượng và hiền hòa trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông Ðồ dân ngoại đã nói: "Tôi đây tù nhân trong Chúa, tôi khẩn khoản nài xin anh em hãy tiến bước đàng hoàng theo ơn kêu gọi mình đã được với tất cả lòng khiêm nhượng và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo lắng duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hòa bình" (Eph 4,1-3). Lời khuyên nhủ ấy trước hết liên hệ đến những ai được nhắc lên chức thánh để tiếp tục sứ mệnh Chúa Kitô, Người đến giữa chúng ta "không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ người ta" (Mt 20,28).

Lời chứng sau đây của Thánh Gioan vốn còn giá trị trước những lỗi lầm hủy hoại hiệp nhất: "Nếu ta nói rằng mình vô tội, ta kể Người là kẻ dối trá và Lời của Người không ở trong chúng ta" (1Gio 1,10). Vậy chúng ta hãy khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi những anh em ly khai, cũng như chúng ta tha kẻ có nợ chúng ta 21*.

Hết mọi Kitô hữu hãy nhớ luôn là càng cố gắng sống trong sạch hơn theo Phúc Âm, càng cổ võ và thực hiện sự hiệp nhất các Kitô hữu cách hữu hiệu hơn. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, họ càng dễ dàng thắt chặt tình tương thân tương ái với nhau hơn 22*.

8. Hiệp nhất trong lời nguyện. Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện làm một với những lời khẩn cầu chung hay riêng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu phải được coi như là linh hồn của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là "sự hiệp nhất thiêng liêng".

Người công giáo thường có thói quen hội nhau để cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất, lời cầu nguyện mà chính Ðấng Cứu Thế trước ngày tử nạn đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha: "Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21).

Trong vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như những dịp được chính thức tổ chức để cầu nguyện "cho hiệp nhất" và trong các buổi hội thảo về hiệp nhất, chẳng những người công giáo được phép mà còn phải được khuyến khích hiệp nhau cầu nguyện với anh em ly khai. Những kinh nguyện chung như thế là phương tiện rất hữu hiệu để xin ơn hiệp nhất và tiêu biểu thực sự mối dây còn đang liên kết người công giáo với anh em ly khai: "Vì đâu có hai ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ giữa họ" (Mt 18,20) 23*.

Nhưng không được phép áp dụng bừa bãi việc "thông dự vào sự thánh" 24* như phương thế để tái lập hiệp nhất các Kitô hữu. Việc thông dự ấy đặc biệt tùy thuộc hai nguyên tắc: biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội và tham dự các phương tiện ban ân sủng. Nhiều khi, việc biểu hiệu sự duy nhất của Giáo Hội ngăn trở sự hiệp thông, nhưng đôi khi nhu cầu ban ân sủng lại khuyến khích sự hiệp thông ấy. Về phương cách hành động trong thực tế, hãy theo mọi hoàn cảnh thời gian, không gian và nhân sự được Giám Mục bản quyền khôn ngoan định đoạt, trừ khi Tòa Thánh hay Hội Ðồng Giám Mục theo qui chế riêng ấn định thể khác.

9. Tìm hiểu nhau. Phải biết tâm trạng của các anh em ly khai. Vì thế, cần tìm hiểu họ trong chân lý và với lòng nhân hậu. Người công giáo đã được chuẩn bị đầy đủ cần phải tìm hiểu sâu rộng hơn về học thuyết và lịch sử, về đời sống tu đức và phụng tự, về tâm lý tôn giáo và văn hóa riêng của anh em ly khai. Ðể đạt được kết quả ấy, các buổi hội thảo song phương, nhất là khi bàn về các vấn đề thần học, sẽ giúp ích rất nhiều. Trong các cuộc hội thảo ấy, mọi người được bình đẳng bàn luận, miễn là những người tham dự, dưới sự giám sát của Giám Mục, thật sự là những nhà chuyên môn. Nhờ đối thoại như thế lập trường của Giáo Hội Công Giáo được nhận thức rõ ràng hơn. Rồi cũng như thế tư tưởng của anh em ly khai được am hiểu hơn và chúng ta có thể trình bày đức tin cho họ cách thích hợp hơn 25*.

10. Sự huấn luyện trên phương diện hiệp nhất. Thần học và các môn học khác, nhất là sử học, cũng phải được trình bày theo chiều hướng hiệp nhất hầu đáp ứng với thực tại cách chính xác hơn.

Vậy các chủ chăn và linh mục tương lai phải am tường khoa thần học đã được trình bày xác đáng như thế, chứ đừng theo lối bút chiến 26*, nhất là trong những vấn đề liên hệ đến những tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và các anh em ly khai.

Sự giáo dục và huấn luyện tu đức thiết yếu của các tín hữu và tu sĩ tùy thuộc rất nhiều ở nền giáo dục của các linh mục.

Người công giáo dấn thân hoạt động truyền giáo trong những phần đất chung với các Kitô hữu khác, nhất là trong lúc này, phải am tường các vấn đề và các thành quả do phong trào hiệp nhất đem đến cho việc tông đồ của họ 27*.

11. Cách thức diễn tả và trình bày đức tin. Phương pháp và cách diễn tả đức tin công giáo không được gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Cần phải trình bày rõ ràng nguyên vẹn giáo lý. Không gì phá hoại hiệp nhất cho bằng chủ trương xu thời sai lệch 28*, nó làm tổn thương giáo lý công giáo thuần túy và làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của những giáo lý này.

Ðồng thời, đức tin công giáo phải được giải thích sâu xa và chính xác hơn bằng cách thức và ngôn từ để các anh em ly khai có thể hiểu đúng nghĩa.

Hơn nữa, khi cùng các anh ly khai tìm hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đối thoại hiệp nhất, các nhà thần học công giáo gắn bó với giáo lý của Giáo Hội, phải tiến hành với lòng yêu mến chân lý, bác ái và khiêm nhường. Khi so sánh các giáo lý với nhau, phải nhờ rằng có một "phẩm trật" 29* trong các chân lý của giáo lý công giáo vì liên hệ giữa các chân lý ấy với nền tảng đức tin không đồng đều. Quan niệm như thế tức là đã vạch ra được một đường hướng để nhờ sự tranh đua thân hữu, tất cả được thúc đẩy tìm hiểu sâu rộng và biểu hiệu rõ ràng hơn nguồn phong phú khôn lường của Chúa Kitô 3.

12. Cộng tác với anh em ly khai. Trước mặt muôn dân 30*, toàn thể các Kitô hữu hãy tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, vào Con Thiên Chúa nhập thể, cứu chuộc và là Chúa chúng ta; và trong sự tôn trọng lẫn nhau, hãy cùng nỗ lực làm chứng cho niềm trông cậy của chúng ta, niềm trông cậy không bao giờ luống công. Vì ngày nay sự hợp tác trong các hoạt động xã hội đang được thiết lập rộng rãi, nên hết mọi người đều được kêu gọi để chung lưng làm việc, huống chi những người tin nơi Chúa nhất là các Kitô hữu, vì họ đã được mang danh Chúa Kitô. Sự hợp tác của tất cả các Kitô hữu nói lên cách hùng hồn tình liên kết đang thắt chặt họ lại với nhau và biểu dương khuôn mặt của Chúa Kitô Tôi Tớ cách rực rỡ hơn. Sự hợp tác này đã được thiết lập trong nhiều quốc gia và cần được cải thiện thêm mãi, nhất là trong những vùng tiến bộ về mặt xã hội cũng như kỹ thuật bằng cách làm cho nhân phẩm được tôn trọng đúng mức, bằng cách cổ võ hòa bình hoặc nỗ lực áp dụng Phúc Âm vào đời sống xã hội, bằng cách phát triển khoa học và nghệ thuật trong tinh thần Kitô giáo, bằng cách áp dụng đủ loại phương dược chống các khổ nạn của thời đại chúng ta, như nạn đói ăn, thiên tai, mù chữ, nghèo túng, vô gia cư, bất bình đẳng trong việc phân phối phẩm vật. Nhờ sự cộng tác ấy, tất cả mọi kẻ tin vào Chúa kitô có thể dễ dàng học hỏi cho biết cách tìm hiểu, tôn trọng nhau hơn và dọn đường tiến tới hiệp nhất các Kitô hữu.



Chú Thích:

19* Những cuộc nghiên cứu sử học và thần học có thể giảm thiểu các thiên kiến và chứng tỏ rằng đã xảy ra nhiều hiểu lầm, như vậy mối liên kết sẽ thêm dễ dàng hơn. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Lateranô V, khóa XII (1517), Hiến chế Constituti: Mansi 32, 988 B.C. (Trở lại đầu trang)

20* Cách diễn đạt một chân lý mạc khải có thể thật rõ ràng trong môi trường lịch sử của nó, song lại rất khó hiểu trong một hoàn cảnh lịch sử khác. Trong trường hợp này nên tìm một công thức khác, nhưng không thay đổi ý nghĩa đã được mạc khải. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Eph 4,23. (Trở lại đầu trang)

21* Tinh thần hiệp nhất là tinh thần hòa giải và bác ái với nhau. Do đó người công giáo và không công giáo phải tha thứ cho nhau những lỗi phạm chống lại tinh thần này. (Trở lại đầu trang)

22* Bằng nhiều cách khác nhau, trọn số này diễn tả một chân lý rất căn bản: để hiệp nhất các Kitô hữu, trước tiên tất cả mọi người công giáo hãy sống trọn vẹn và trung thành với tôn giáo của mình. (Trở lại đầu trang)

23* Công Ðồng khuyến khích việc cầu nguyện chung giữa người công giáo và không công giáo khi tiện dịp. Những kinh nguyện chung có thể là Lạy Cha, Sáng Danh, các Thánh Vịnh hay bài đọc Thánh Kinh. (Trở lại đầu trang)

24* Có "thông dự vào sự thánh" khi một người công giáo tham dự vào sinh hoạt tôn giáo của một cộng đoàn không công giáo, hay trái lại. Lúc ấy người ta gọi những kinh nguyện chung như sự tham dự nào đó được ban phép và cổ võ. Ðiều kiện để một hoạt động tôn giáo được chuẩn nhận là nó phải biểu hiệu được tính cách hiệp nhất của Giáo Hội và thực sự là một phương thế ban ân sủng. Ðiều kiện thứ nhất thường thiếu sót; trường hợp ấy, người công giáo không được phép tham dự. Cũng thế, lễ Tiệc Ly Tin Lành và Thánh Lễ Công Giáo không có cùng ý nghĩa; do đó người công giáo không được quyền tham dự vào Tiệc Ly Tin Lành. Vậy nên, các Giám Mục phải ban hành những tiêu chuẩn chính xác để các tín hữu biết rõ điều nào được phép, điều nào không trong vấn đề tế nhị này. (Trở lại đầu trang)

25* Ðể tán trợ tinh thần hiệp nhất, người công giáo và không công giáo phải tìm hiểu nhau. Một sự hiểu biết hỗ tương như thế quả thật rất cần thiết trước nhất cho các linh mục và các thừa sai (xem số 10). (Trở lại đầu trang)

26* Khi gặp những sai lầm về giáo lý, cần phải bình tâm và khách quan chứng tỏ căn nguyên của sai lầm, không nên buộc tội hay công kích những người chủ trương cách sai lầm ấy. (Trở lại đầu trang)

27* Tinh thần hiệp nhất không cho phép công kích những nhà thừa sai ngoài công giáo, song phải biểu lộ niềm tôn kính họ theo như đức ái đòi buộc, cho dù, tùy hoàn cảnh cũng cần phải gìn giữ các tín hữu tránh khỏi những sai lầm mà họ có thể truyền bá. (Trở lại đầu trang)

28* Danh từ "xu thời" (irenismus) phát xuất từ tiếng hy lạp "eirene" có nghĩa "chủ hòa". Trong những tương giao với người không công giáo phải nhằm sự hòa hợp với nhau. Tuy nhiên nếu chúng ta che giấu một chân lý Công Giáo nào đó hoặc thay đổi ý nghĩa đích thực của một học thuyết Công Giáo cốt cho người không công giáo dễ chấp nhận hơn, quả thực đó là một phương thế giả tạo để đạt tới sự hòa hợp vừa nói. Ðó cũng chính là chủ trương xu thời sai lệch bị Sắc Lệnh này ngăn cấm. (Trở lại đầu trang)

29* Danh từ "phẩm trật" ở đây hiểu theo nghĩa bóng, nó biểu thị một sự dị đồng về giá trị, về sự cần thiết về lợi ích của những chân lý khác nhau mà Giáo Hội Công Giáo truyền dạy. Trong Giáo Huấn ấy có những chân lý đức tin, nên bất biến và những chân lý khác không thuộc đức tin. Trong những chân lý đức tin, dù cần phải tin toàn thể tất cả, song cũng có một số chân lý buộc phải hiểu biết cách minh bạch. Khi đối thoại với người không công giáo, không được quên những dị biệt ấy để khỏi bó buộc họ phải tin tất cả giáo thuyết cùng một mức độ như nhau. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Eph 3,8. (Trở lại đầu trang)

30* "Muôn dân" ở đây ám chỉ toàn thể những người ngoài Kitô giáo mà tất cả Kitô hữu công giáo hay không công giáo đều có bổn phận làm gương sáng hiệp nhất trong một số các chân lý nền tảng và trong đức bác ái qua việc cộng tác mật thiết với nhau nhất là trên bình diện xã hội. (Trở lại đầu trang)

1761    17-11-2012 10:02:58