Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Yêu như Thầy đã yêu

23  23  X  Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên.

(Tr) Thánh Rôsa Lima, Trinh nữ.

R 1,1.3-6.14b-16.22; Mt 22,34-40.

YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU

          Thánh Rosa Lima (1586 -1617) là Nữ Tu Đa-minh người Pê-ru, và là người sáng lập một Đan Viện chiêm niệm đầu tiên tại Pê-ru. Không chỉ là Nữ Bổn Mạng của Mỹ Châu La-tinh, Thánh Nữ còn được đặt làm Bổn Mạng của đất nước Pê-ru, của thủ đô nước này là Li-ma, của Tây Ấn-độ và của Philippine. Ngài sinh vào ngày 20 tháng 04 năm 1586 tại Li-ma, Pê-ru, với tên trong giấy khai sinh là Isabel de Flores. Cha mẹ Ngài là một cặp vợ chồng nghèo túng người Tây-ban-nha, nhưng lúc đó đã di cư sang Pê-ru, Nam Mỹ, và sống ngay tại thủ đô Lima của nước này.

          Theo tương truyền, ngay sau khi Isabel được sinh ra, thân mẫu của Ngài đã nhìn thấy một bông hồng tươi thắm đang bay lơ lửng trên chiếc nôi của em bé sơ sinh, kể từ đó, cha của cô chỉ gọi cô là Rosa (bông hồng) mà không gọi là Isabel nữa. Và không chỉ có cha cô gọi thế. Một phụ nữ da đỏ khi nghe về câu chuyện đẹp của cô hồi cô mới được sinh ra, cũng ngay lập tức gọi Isabel là Rosa. Và rồi, kể từ đó, không ai còn gọi tên cô theo giấy khai sinh là Isabel de Flores nữa, nhưng chỉ gọi là Rosa.

          Năm 1606, Rosa đã chính thức gia nhập Dòng ba Thánh Đa-minh (1170-1221). Kể từ đó, vị tân Nữ Tu này tự gọi mình là “Rosa a Santa Maria”.

          Trước khi vào Dòng, với công việc của mình bên chiếc máy dệt, và với tư cách là người làm vườn, Rosa đã có thể giúp đem đến nguồn sống cho gia đình. Kể từ khi cô còn rất nhỏ, cô vẫn thường xuyên cầu nguyện rằng, lạy Chúa, xin cho Lời Chúa mau đến và lấp đầy thế giới này. Trong lòng mình, cô cảm thấy vô cùng kính trọng vị Linh mục Dòng Thánh Phan-xi-cô tên là Phan-xi-cô Solanus, người lúc đó đang hoạt động giữa những thổ dân da đỏ.

          Về trình độ học vấn, Rosa chỉ được học tới lớp 4. Và vì học vấn kém như vậy, nên Rosa đã coi Thánh Catarina Siena (1347-1380) là mẫu gương, bởi vì vị Thánh này cũng mới chỉ học tới lớp 4 như cô. Trong khu vườn của cha mẹ mình, cô dựng lên một chiếc chòi bằng gỗ và vào sống trong đó. Dù chưa phải là một Nữ Tu, nhưng khi còn sống tại gia đình cha mẹ, Rosa vẫn thường xuyên đến thăm những người nghèo và các bệnh nhân, dành nhiều thời gian để cầu nguyện, nhưng lại ăn uống và ngủ nghỉ rất ít. Và sau khi đã trở thành Nữ Tu Đa-minh, Sơ Rosa vẫn tiếp tục lối sống đó.

          Rosa đã chịu đựng những nỗi đau rất lớn cả về thể xác lẫn tinh thần với sự kiên nhẫn phi thường. Các bằng chứng về ơn thần bí vẫn thường xuyên được lập lại đối với người Nư Tu đơn sơ này. Sơ đã can đảm để chứng minh cho thấy những hậu quả vô cùng tai hại phát xuất từ sự xâm lược Pê-ru của người Tây-ban-nha, và vì thế đã chuốc lấy cho mình những chỉ trích vừa công khai, vừa rất cay nghiệt. Thông qua đời sống thống hối nghiêm túc của mình, Sơ Rosa muốn đền tội thay cho những hành vi bỉ ổi mà những người Tây-ban-nha đồng hương của Sơ đã gây ra cho những thổ dân da đỏ.

          Vào ngày 12 tháng 04 năm 1671, Mẹ Rosa đã được Đức Clemens X tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Mẹ trở thành vị Thánh đầu tiên của Nam Mỹ. Giáo hội cử hành Lễ Kính Thánh Rosa Lima vào ngày 23 tháng 08 với bậc Lễ nhớ không buộc. Còn trong Dòng Đa-minh, Lễ kính Thánh Rosa Lima được cử hành với Lễ bậc III.

          Trang Tin Mừng hôm nay mô tả lại việc một vị Kinh sư đến gặp Đức Giêsu. Ông đã hỏi Chúa về điều răn quan trọng nhất. Đức Giêsu đã khẳng định rằng điều răn đầu tiên và quan trọng nhất đó là yêu mến Thiên Chúa. Ta phải yêu mến Chúa với hết sức lực và trọn vẹn bản thân. Chúa Giêsu chỉ được hỏi về điều răn quan trọng nhất nhưng Người còn tỏ cho ta biết một điều răn thứ hai quan trọng không kém là phải yêu người thân cận như chính mình. Tình yêu đối với người thân cận cũng phải có cùng một bản chất của tình yêu đối với bản thân ta. Yêu thương chính mình là chấp nhận bản thân ta theo ý muốn của Thiên Chúa.

          Hai điều răn trên không thể tách rời mà chúng là biểu hiện một tình yêu duy nhất. Thánh Gioan đã nói: "Nếu ai nói: 'tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20). Yêu thương Thiên Chúa không có nghĩa là cho Ngài cái gì đó như: thì giờ, lời kinh, tiếng hát…, nhưng là đón nhận các quà tặng của Ngài, nhất là trở thành công cụ trong tay Ngài để Ngài tùy nghi sử dụng.

          Yêu thương là cốt lõi của lề luật. Lề luật nào không phục vụ cho giá trị tình yêu thì sẽ không có ý nghĩa. Giá trị tình yêu là những giá trị gì?

          Ta thấy thấy có hai câu trả lời trái ngược nhau khi được hỏi: “Yêu Chúa và yêu người – yêu ai dễ hơn?” Đối với các bạn trẻ chắc có lẽ tâm hồn còn khoáng đạt, mở rộng, trong lòng ấp ủ biết bao lý tưởng cao đẹp, tình yêu còn mãnh liệt dâng tràn sức sống… nên hầu hết các bạn đều cảm thấy “yêu con người cụ thể dễ hơn yêu Chúa nhiều”(!) Còn đối với những bậc phụ huynh, những người lớn tuổi thì câu trả lời là : “Yêu Chúa dễ hơn yêu người nhiều” (!)

          Phải chăng vì nơi những người lớn tuổi và các bậc phụ huynh, tình yêu đối với họ không còn là mầu hồng, họ đã trải nghiệm được biết bao những sự thật phũ phàng trong cuộc sống : người với người đối xử với nhau thật tồi tệ, đôi khi chẳng bằng loài cầm thú! Do đó họ cảm thấy Chúa dễ yêu hơn – một Thiên Chúa không va chạm gì với họ; một Thiên Chúa luôn có sẵn để họ kêu cầu, than van, càm ràm...- Họ cần một Thiên Chúa để đáp ứng những lời họ nguyện xin.

          Yêu thương anh em không phải chỉ bởi vì Thiên Chúa yêu cầu, để vâng lời Thiên Chúa. Liên hệ giữa hai tình yêu này không phải là một liên hệ pháp lý, võ đoán, mà là liên hệ nội tại: ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương anh em. Trong khi yêu thương người khác vì chính họ, ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Người. Chỉ có một tình yêu duy nhất, vì con người chỉ có một con tim. Ta có thể suy ngẫm lại bài thánh ca đức mến của thánh Phaolô để thêm xác tín về điểm này (1 Cr 13, 4-6).

          Sự liên kết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận, đồng thời sự khác biệt giữa hai tình yêu đó, giúp ngăn cản một sự tách biệt giữa tôn giáo và xã hội, giữa bản tính bên trong và đời sống bên ngoài. Yêu mến bản thân mình có thể được nhờ tình yêu đối với Thiên Chúa; chính tình yêu đối với Thiên Chúa đưa tới chỗ không tuyệt đối hóa bản thân, mà lại có một sự nội tâm hóa mới, đồng thời có một tình yêu nồng nàn hơn đối với người thân cận.


1783    21-08-2019