Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Viết về Cha

          Sinh ra trên đời mỗi người đều có một người cha. Cũng như bao người khác, tôi diễm phúc có được một người cha sinh ra tôi trên đời. Thế nhưng, để viết, để nói về cha của mình, chắc có lẽ với người khác thật dễ viết, còn tôi thì ngược lại, không phải là khó viết cho bằng không biết viết gì bởi lẽ cuộc đời của cha tôi bình dị và lặng lẽ đến độ không thể hiểu.

Sau ngày "lập lại trật tự" của chiến tranh, cha tôi cũng như bao người khác là phải đi "học tập cải tạo" vì đã đi lính cho quốc gia. Thế nhưng, chỉ với chức vụ "khá mềm" nên cha đi học tập cũng ngắn. Ngược lại, cậu lại ở trong cấp tá của ngành tâm lý chiến nên cậu đi học tập muốn "rục xương".

Vốn dĩ hiền lành từ trong trứng nước nên sau cái ngày trở về từ nơi học tập đó cha tôi cũng chẳng làm gì được khi phải đối phó với hoàn cảnh cuộc đời thật khó sống. Xã hội sống trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn để rồi có những anh hùng dù muốn vươn lên cũng thật là khó.

Cha trở về quê nghèo đắp đổi qua ngày tìm kế sinh nhai. Rồi dần dà sức khỏe không cho phép nên cha tôi lại trở thành người về hưu sớm. Có thể vì lý do đó nên cha lại càng trở nên âm thầm và lặng lẽ hơn trong mái ấm gia đình.

Thật sự ra mà nói, để viết về cha, tôi chẳng có gì để mà viết cả bởi lẽ cha chẳng nói mà cũng chẳng làm gì cho gia đình cả. Và, theo cái nhìn của thế gian, có thể nói cha tôi chỉ là người vô dụng.

Thế nhưng, nhìn vào chiều sâu tâm linh và về tinh thần, phải nói rằng chúng tôi được sở hữu một gia tài vô cùng quý giá. Cha không làm được gì thật, cha không nói gì thật nhưng cha đã làm, đã nói rất nhiều, đã thay cho cả gia đình bằng đời sống chiêm niệm và hiền lành.

Cách đây cũng khá lâu, tham dự lễ an táng của người anh cuối cùng của ba bên nội ở giáo xứ kia ở quận Gò Vấp. Giảng trong Thánh Lễ an táng cho người anh của ba cũng là bác ruột của tôi và cũng là bõ đỡ đầu tôi, cha xứ lục mãi những ký ức về người dân dân mà cha chăm sóc mục vụ cũng chẳng có gì để mà ghi công tán thưởng ngoài chuyện hiền lành và khiêm nhượng. Cha kể lại, chỉ 1 lần quá nóng, người bác ném cái dĩa xuống nền nhà cho thỏa cơn giận là một lần duy nhất trong đời cũng là lần hối hận cho cả đời của người bác yêu dấu.

Anh sao em vậy, có lẽ cha tôi còn hiền hơn cả bác nghĩa là cha chưa bao giờ ném cái dĩa hay cái bát nào cả. Lúc nào cha cũng chỉ cười và gật đầu đồng ý.

Ngay như hiện tại, sức khỏe đã hạn chế nhiều do tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn cứ gồng gánh và chẳng một tiếng kêu than. Thậm chí, cha thấy tiền thuốc hàng tháng cũng đáng kể và cha ngỏ ý không uống nữa để khỏi hao tiền con cháu. Thế nhưng, con cháu không bao giờ chiều theo ý ông vì biết rằng cha chúng mình sống cũng không còn nhiều năm nữa.

Quá cố gắng chống chọi với lỗ tai phần nào kém thính, đến độ khi đi khám bác sĩ cha không còn đủ thính lực để nghe lời bác sĩ hỏi thì khi ấy cha đầu hàng với độ thích lực quá kém của cha. Cũng chỉ mỉm cười chứ không hề có ý trách móc hay giận hờn.

Có những lúc thăm cha, chúng tôi phải gặng hỏi để moi móc  thông tin xem cha thích gì để lo lắng cho cha. Dù thế, hỏi mãi thì vẫn chỉ nhận được nụ cười và cái lắc đầu nhẹ là giờ này bố chẳng cần gì nữa, tất cả như thế là đủ cho bối rồi!

Cha tôi đơn giản, hiền lành là như vậy đó. Nhiều lúc muốn bù đắp thêm nữa cho những thiệt thòi bởi cuộc sống chìm trong khổ hạnh nhưng cha không hề muốn hưởng thụ cho mình thêm bất cứ một thứ gì nữa.

Có thể, theo cái nhìn của thế gian, của người đời cha thua thiệt, cha không làm được gì cho gia đình nhưng chúng tôi thì thấy khác. Chính đời sống hiền lành, chiêm niệm và chịu đựng tất cả những nghịch ý của cuộc đời lại là chất sống cho cả gia đình chúng tôi.

Vẫn biết rằng đến một ngày nào đó cha sẽ đi thật xa bởi không thể nào thoát khỏi định luật của cuộc đời, của phận người nhưng chúng tôi vẫn xin, vẫn mong cụ cứ sống mãi với lũ cháu đàn con. Có ông, chúng tôi được bình an, được thanh thản bước đi trong cuộc đời đầy phong ba bão táp nhờ lời cầu nguyện, những hy sinh và lối sống khiêm hạ mà cha vẫn sống.

 

Huệ Minh

 

910    11-06-2015 22:36:24