Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Từ thủ lĩnh thiếu nhi đến người chăn chiên tận tụy

Từ thủ lĩnh thiếu nhi đến người chăn chiên tận tụy

Một ngày thu tháng 9, chúng tôi đến nhà hưu giáo phận Vĩnh Long thăm linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thãnh, nguyên chánh sở họ đạo Bãi Xan (GP Vĩnh Long), người từng có nhiều cống hiến trên chặng đường mục tử hơn nửa thế kỷ.

Dấu ấn Bãi Xan

Tính từ khi chịu chức linh mục (1958) đến nay, cha Thãnh có nhiều năm phục vụ tại Bãi Xan, một họ đạo lớn có bề dày lịch sử hơn trăm năm, trong cương vị phó xứ (1958 - 1964) và chánh xứ (1975 - 2016). Trong ngần ấy thời gian gắn bó, ngài giống như một con ong chăm chỉ, cần mẫn gầy dựng, vun đắp để Bãi Xan hôm nay khoác lên mình chiếc áo tươi mới.

 

Sau năm 1975, Bãi Xan trải qua rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cha Thãnh ngày đêm lo nghĩ, làm sao để tạo nên một nguồn sinh khí mới, vực dậy họ đạo. Đảm nhận cương vị chánh xứ, có hai điều cha luôn canh cánh bên lòng là chuyện học vấn và vấn đề phát triển xã hội. Bãi Xan là một vùng quê nghèo, dân ở đây đa số làm ruộng hoặc đến nơi khác làm mướn để kiếm sống. Gánh nặng cơm áo trên vai nên việc học hành nhiều khi bị xem nhẹ. Trong hoàn cảnh như vậy, cha bắt tay vào việc tạo dựng cơ sở dạy và học. Cha cho làm trường mẫu giáo, mỗi năm thu hút gần 200 học sinh lương giáo. Nơi đây còn mở thêm lớp dạy giáo lý để các em gần gũi hơn với đức tin. Thời đó, vùng Bãi Xan chưa có trường cấp III. Con em ở hai xã Đại Phước và Đức Mỹ cứ hết lớp 9 là phải về Trà Vinh tìm kiếm con chữ. Đường sá bấy giờ đi lại khó khăn, xa xôi nên hầu hết các em đều phải mướn nhà trọ. Trước tình cảnh ấy, năm 1998, cha mua đất rồi cất một căn nhà lưu trú ở Trà Vinh cho học sinh. Căn nhà nhỏ với diện tích khoảng gần 100m2này có khi đón gần cả trăm em đến trọ. Một năm sau, cha mua đất rồi phối hợp với địa phương cất trường cấp III ở Bãi Xan. Ngôi trường gồm 10 lớp học này đã giúp học sinh trong vùng có được một cơ sở gần nhà để học và cũng giảm bớt được mối lo cho phụ huynh khi con cái còn ít tuổi mà phải trọ học xa nhà. Còn nhà lưu trú ở Trà Vinh đã có lúc trở thành nơi trọ cho các em vùng Bãi Xan ra tỉnh học đại học.

 

Nhà thờ Bãi Xan

Song song với việc học hành của lớp trẻ, cha Thãnh luôn ôm mối trăn trở về cuộc sống của người dân. Lúc đó nơi đây còn là một vùng hoang vu: đường sá thì lầy lội, cầu kiệu không có, chợ búa cũng không. Cha đã tổ chức, kêu gọi dân đắp đập, đào kinh rồi xắn tay áo làm cùng với mọi người. Cầu bằng bê tông lần lượt thay thế cho nhiều cây cầu khỉ lắt lẻo bắc qua sông. Những con đường thông thoáng, sạch đẹp ngoằn ngoèo chạy qua các nơi trong vùng cũng tuần tự thành hình. Ngày trước, dọc hai bên đường lớn gần nhà thờ, dân chúng ngồi buôn bán rất nhốn nháo. Tuy vẫn gọi là chợ, nhưng chỉ là chợ dã chiến, không có mái che nên trời nắng hay mưa, dân đều khổ sở, chật vật. Năm 1992, cha mua khu đất bên cạnh nhà thờ rồi cất một cái chợ nhỏ. Dân chúng từ đó có một nơi khang trang họp chợ, mua bán, không còn cảnh nhốn nháo, ồn ào bên đường như trước. Đến bây giờ, ghé thăm Bãi Xan, có thể nhìn thấy khu chợ trù phú ngày nào do cha Thãnh gầy dựng. Không chỉ vậy, cha cũng chú tâm nhiều đến công việc làm ăn của các gia đình trong vùng. Ở đây, nhà nào có ruộng thì còn sẵn việc, ai không có, phải chạy vạy khắp nơi làm mướn. Một số giáo dân của họ đạo phải lên tận Sài Gòn, Bình Dương tìm kế mưu sinh. Xa nhà, lại phải lo việc cơm áo, nhiều người, nhất là giới trẻ dần bỏ bê nhà Chúa, lắm lúc lại vướng vào tệ nạn. Thấy vậy, cha nghĩ cách tạo công ăn việc làm cho dân để họ vừa có việc làm, vừa gần gũi gia đình. Cha mở ra cơ sở may và trang bị 30 máy may công nghiệp trong khuôn viên nhà thờ, sau đó là cơ sở dệt chiếu và mời thợ rành nghề về dạy cho dân.

Bước chân không mỏi

Ngoài chân dung sống động của một vị chủ chăn ở xứ Bãi Xan, nhắc đến ông cố Thãnh, những ai đã từng tham gia vào phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) trước năm 1975 không thể nào quên được hình ảnh một người tổng phụ trách nhiệt tâm, hăng hái. Đảm nhận trọng trách trong phong trào TNTT Việt Nam từ năm 1964 - 1974, cha như con thoi đi lại nhiều nơi giải quyết công việc, hội họp, tổ chức các chương trình sinh hoạt cho thiếu nhi. Ngày đó, cha còn là Tổng Biên tập của hai tờ báo “Tông đồ giới trẻ” và “Thiếu nhi thánh thể” dành cho huynh trưởng và các em thiếu nhi. Cha có một chiếc xe bán tải nhỏ dùng để chở đồ đạc, sách vở phía sau và thường một mình lái ngược xuôi tận các tỉnh miền Trung. Cha Thãnh hay kể lại câu chuyện về một người cầu thủ, khi già lại chuyển sang làm huấn luyện viên vì quá đam mê trái bóng và về cuối đời để lại chúc thư nguyện được chôn cùng trái bóng. Ngài ví von sự gắn bó của người huynh trưởng với phong trào TNTT cũng thế, luôn phải bền bỉ đến cùng.

 

Chợ Bãi Xan do cha Thãnh xây dựng

Trong quãng thời gian cha đương nhiệm, phong trào TNTT đã có nhiều đổi mới. Trước đây, thiếu nhi chỉ như một hội tông đồ cầu nguyện, thường ngày đến nhà thờ đi lễ, cầu nguyện, chầu Thánh Thể. Đến năm 1965, phong trào áp dụng phương pháp giáo dục tự nhiên, tổ chức cho thiếu nhi nhiều sinh hoạt ngoài trời. Bản nội quy mới của TNTT đã được Hội đồng Giám mục phê chuẩn năm 1971. Năm 1972, Đại hội toàn quốc “Về đất hứa 1” được tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2000 huynh trưởng và gần 40.000 em thiếu nhi. Đây là một hoạt động tầm cỡ vào thời điểm đó.

Nhớ lại những tháng ngày “chinh chiến” cùng cha trong phong trào, nhiều huynh trưởng một thời không khỏi xúc động và khâm phục tinh thần chịu thương chịu khó và tình yêu lớn lao của cha Thãnh dành cho TNTT. Ông Đỗ Công Minh, một thành viên của phong trào ngày xưa kể lại: “Một trong những kỷ niệm về cha mà đến đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là năm 1971 diễn ra một đại hội để đưa ra đường lối và bầu ban quản trị mới. Sau cuộc họp dài trong ngày, ai cũng mệt mỏi. Tôi đi về phòng mình, ngang qua nhà tĩnh tâm thì trông thấy cố Thãnh đang quỳ trước Thánh Thể, đầu cúi xuống, lặng im nguyện cầu. Tôi có cảm tưởng ngài phó thác mọi việc trong tay Chúa. Hình ảnh ấy khiến tôi càng thêm quý trọng người chủ chăn đạo đức, tận tụy này”.

Chưa hết, cha Thãnh còn là một cây bút cần mẫn với nhiều đầu sách đã xuất bản, phần lớn thuộc loại sách tu đức. Ba cuốn “Suy nghĩ và cầu nguyện” từng được chọn là sách gối đầu của các linh mục, tu sĩ và những giáo dân thích sống chiêm niệm trong thập niên 1960 - 1970, sau năm 1975, từng được tái bản thêm hai lần. Từ đầu năm 2016 đến nay, cha còn viết thêm hai tập “Những đoạn sách hay” và tái bản năm tập “Viếng Chúa Thánh Thể” giúp nhiều người tập thói quen đọc sách và cầu nguyện bên Thánh Thể.

Cha Thãnh nghỉ hưu từ tháng 8.2016 khi đã bước vào tuổi 82. Trong từng câu nói, kỷ niệm mà cha chia sẻ về quãng đường phục vụ đã qua, người đối diện vẫn còn nhìn thấy nơi vị mục tử này ánh lửa nhiệt tình, tinh thần hy sinh phục vụ quên mình và lòng yêu người, yêu đời chan chứa.

THIÊN LÝ

Nguồn CGVDT

 

 

1548    14-09-2016 20:07:07