Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Trẻ và Những Câu Chuyện Đắng Lòng

TRẺ VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẮNG LÒNG

          Ngồi đợi xe về quê cùng với nhóm người cùng cảnh ngộ.

          Và rồi những người nhà quê râm ran những câu chuyện đời.

          Bà cũng không đúng nhưng cô thì lại sai vì cũng có tuổi. Thôi thì gọi là cô cho trẻ một tí. Cô lên Sài Gòn để hầu tòa vì đứa cháu của cô đã lỡ dại phạm cái tội "hiếp dâm trẻ em".

          Đang chờ xe ôm chở lên tòa án, như trút lòng với những người đồng hương đồng khói, cô kể sự tình của người cháu.

          Cũng chỉ vì cha mẹ chúng bỏ nhau, cô mang về nuôi nhưng không đủ sức cũng như đủ lực để quán xuyến và rồi chuyện gì nó đến nó phải đến. Lần trước, đứa cháu ra tòa với bản án 5 năm tù tội. Gia đình kháng án vì lẽ cô bé gọi là bị can nhưng dường như cũng liên lụy và có sự đồng ý của cô ta nữa.

          Chào mọi người lên xe ôm, bà mỉm cười chua chát với số phận.

          Bóng bà đã xa, chị phụ xếp người và hành lý cho chủ cũng tỏ ra chán ngán với đứa con gái của chị. Chị nói con chị mới lớp 9 thôi nhưng chằng chằng trong nhà như "của hiếm". Răn đe, nhắc nhở thì bị nói là nói nhiều nhưng không nói thì chị chịu không nổi. Chị nói : "Nuôi nó trong nhà như ôm bom nổ chậm !"

          Rồi người kia lại chen vào câu chuyện để xem ra có vẻ ly kỳ hơn.

          Chuyện là gần sát nhà bà, thằng trẻ con học lớp 9 đã bị bắt cùng với con nhỏ cùng lớp cùng xóm đang ở trong nhà vệ sinh. Thầy giáo bắt được chúng và gia đình cô bé đòi đi báo chính quyền. Thế là thằng bé đã bỏ dở chuyện học và phải rơi vào vòng lao lý.

          Nghe chuyện như vậy, và rồi người này người kia kể những câu chuyện đời ngay trong xóm, trong làng cũng thế. Giờ thì giới trẻ sống chung với nhau, để lại những di chứng đau lòng cho xã hội là chuyện quá thường.

          Tưởng chừng miền Tây sông nước là như vậy nhưng lội ngược lên vùng núi Tây Nguyên cũng thế. Người quen kể lại là bằng mọi giá phải đưa đứa cháu gái năm nay vừa lên lớp 8 phải chuyển trường lên phố học gấp chứ nếu để lại thì nay mai gia đình lại phải cùng nhau giải quyết hậu quả.

          Ở cái vùng quê nghèo huyện lẻ Gia Lai đó, người ta phải chấp nhận những nỗi đau con cái có bầu sớm và phải làm cha làm mẹ ở cái tuổi vừa đủ trăng rằm.

          Câu nói "như ôm bom nổ chậm" của người mẹ có đứa con gái năm nay học lớp 9 xem ra đắng lòng nhưng đó là thực trạng của xã hội, cách riêng của bọn trẻ ngày hôm nay.

          Không thể nào đổ thừa cho chúng được. Phải chăng cần nhìn lại cái gốc vẫn là cha mẹ và gia đình của chúng. Kèm theo đó là hiện trạng về giáo dục của xã hội.

          Ngày nay, phải nói như chị kia nói là "ôm bom nổ chậm" vì bọn trẻ bây giờ không còn biết gì đến tương lai. Bọn trẻ bây giờ lao vào những thú vui, những khoái cảm của tuổi mới lớn, những tò mò của thân thể để rồi để lại một thực trạng đau lòng cho gia đình và xã hội.

          Câu chuyện đang còn râm ran thì chị chủ xe mời mọi người lên xe để xe lăn bánh.

          Xe đi được một đoạn xe dừng lại để rước hai mẹ con đang chờ xe đón.

          Lên xe, buộc miệng chị kể là chị phải bỏ việc ở nhà lên thành phố để lôi thằng nhóc con chị về. Chị nói là không biết nghe ai rủ rê mà mới có học xong lớp 9 mà đòi lên thành phố làm việc. Chị nói may mắn tìm về được chứ cũng đã có những trường hợp bị dụ và bị bán nữa.

          Thế đó ! Thế thái nhân tình và cõi nhân sinh của con người là như vậy đó.

          Nhìn vào lớp trẻ ngày nay cũng như thực trạng của cuộc sống vẫn là nỗi đau khôn cùng và cũng rất khó để đi tìm lời đáp cùng đường để giải quyết.

Huệ Minh

1151    26-09-2015 22:38:31