Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 4_Đoạn 1_Chương 3

CHƯƠNG BA: ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

567.  Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện?

2697-2698
2720

Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi đưỡng việc cầu nguyện liên tục: kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.  

"Chúng ta phải nhớ đến Chúa, thường hơn là chúng ta hít thở" (thánh Grêgôriô thành Nazianze)

568.  Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện?

2697-2699

Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính để diễn tả và sống việc cầu nguyện:  khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Đặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm trí.

NHỮNG HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

569.  Khẩu nguyện có đặc tính gì?

2700-2704
2722

Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng phải cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khẩu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha.

570.  Suy niệm là gì?

2705-2708
2723

Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Việc suy tư này phải bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng lý trí, trí tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Đức Kitô. Đây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.  

571.  Cầu nguyện chiêm niệm là gì?

2709-2719
2724
2739-2741

Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Đức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêsa Avila định nghĩa chiêm niệm như  "một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên  Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta.

CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA CẦU NGUYỆN

572.  Tại sao cầu nguyện lại là một cuộc chiến đấu?

2725

Cầu nguyện là một quà tặng của ân sủng, nhưng trước đó phải có một lời đáp trả dứt khoát từ phía chúng ta. Ai cầu nguyện cũng "phải chiến đấu" chống lại chính bản thân mình, chống lại những gì chung quanh và nhất là chống lại tên cám dỗ, là kẻ làm tất cả để ngăn chận việc cầu nguyện. Cuộc chiến đấu trong cầu nguyện phải gắn liền với sự tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.  

573.  Có những chướng ngại nào cản trở việc cầu nguyện không?

2726-2728
2752-2753

Có nhiều quan niệm sai lệch về cầu nguyện. Nhiều người cho rằng họ không có thời giờ để cầu nguyện hay cầu nguyện là vô ích. Người cầu nguyện có thể nản lòng trước những khó khăn và những điều xem ra thất bại. Để thắng vượt những chướng ngại này, chúng ta cần sự khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.  

574.  Đâu là những khó khăn trong việc cầu nguyện?

2729-2733
2754-2755

Lo ra (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyến luyến điều gì. Lúc đó tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai muốn chiến thắng sự khô khan, phải gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dù không cảm thấy một sự an ủi nào. Sự nguội lạnh là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chểnh mảng của tâm hồn.  

575. Làm thế nào để củng cố lòng tin tưởng hiếu thảo của chúng ta?

2734-2741
2756

Lòng tin tưởng của người con hiếu thảo bị thử thách khi nghĩ rằng chúng ta không được Thiên Chúa nhậm lời. Lúc đó, phải tự vấn xem, đối với chúng ta, Thiên Chúa thực sự là một người Cha mà chúng ta đang cố gắng thực thi ý Ngài, hay Ngài chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được điều mong muốn. Nếu kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta còn nhiều ơn hơn chúng ta cầu xin: đó là chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng thay đổi tâm hồn chúng ta.  

576.  Có thể cầu nguyện trong mọi lúc hay không?

2742-2745
2757

Chúng ta có thể cầu nguyện luôn luôn, vì thời gian của người Kitô hữu là thời gian của Đức Kitô phục sinh, Đấng "ở với chúng ta mọi ngày" (Mt 28,20). Cầu nguyện không thể tách rời khỏi đời sống của người Kitô hữu.

"Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng, khi  ở ngoài chợ hay khi đi dạo một mình, khi đang ngồi ở cửa hàng hay khi đang mua bán, và ngay cả khi làm bếp" (thánh Gioan Kim Khẩu).  

577.  Kinh nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người là gì?

2604
2746-2751
2758

Người ta gọi kinh nguyện này là "lời nguyện tư tế" của Chúa Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng. Chúa Giêsu, vị Thượng tế của Giao ước mới, dâng lời cầu nguyện này lên Cha của Người khi Giờ của "cuộc vượt qua", Giờ Hy tế của Người, đã đến.

924    12-02-2011 07:37:28