Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 3_Đoạn 2_Chương 2


CHƯƠNG HAI:
"NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH"

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: NGƯƠI HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ

455.  Điều răn thứ tư dạy điều gì?

2196-2200
2247-2248

Điều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính và chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta.

456.  Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào?

2201-2205
2249

Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu. Trong Đức Kitô, gia đình trở thành một Hội thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến.

457. Gia đình có vai trò gì trong xã hội?

2207-2208

Gia đình là tế bào nguyên thủy của xã hội loài người, có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.

458.  Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình?

2209-2213
2250

Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Các chính quyền phải tôn trọng, bảo vệ và cổ võ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, đạo đức chung, các quyền của cha mẹ và sự thịnh vượng của các gia đình. 

459.  Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?

2214-2220
2251

Con cái phải hiếu thảo, biết ơn, ngoan ngoãn và vâng phục cha mẹ. Nhờ những tương quan tốt đẹp với anh em, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện của toàn bộ đời sống gia đình. Khi cha mẹ nghèo túng, bệnh tật, cô đơn hay già yếu, con cái đã trưởng thành phải trợ giúp các ngài về vật chất và tinh thần.

460.  Cha mẹ có những trách nhiệm nào đối với con cái?

2221-2231

Vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, và cũng là những người đầu tiên giáo dục đức tin cho con cái. Họ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái, là những nhân vịcon cái của Thiên Chúa; Họ có nhiệm vụ cung cấp cho con cái, theo hết khả năng mình, những nhu cầu vật chất và tinh thần, chọn cho chúng những trường học thích hợp, và với những lời khuyên khôn ngoan, giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái.

461.  Làm thế nào cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái?

2252-2253

Cha mẹ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái chủ yếu bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống giáo hội.

462.  Các mối liên hệ trong gia đình có giá trị tuyệt đối không?

2232-2233

Các mối liên hệ trong gia đình, dù rất quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối, bởi vì ơn gọi tiên quyết của người Kitô hữu là bước theo Đức Kitô bằng cách yêu mến Người: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con trai con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy" (Mt 10,37). Cha mẹ phải vui mừng giúp đỡ con cái bước theo Chúa Giêsu trong tất cả các bậc sống, kể cả trong đời sống thánh hiến hay thừa tác vụ linh mục.

463.  Quyền bính phải được thực thi thế nào trong những lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự?

2234-2237
2254

Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thực thi quyền hành, mỗi người phải tìm lợi ích cho tập thể chứ không phải cho bản thân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.

464.  Người công dân có những bổn phận nào đối với chính quyền dân sự?

2238-2241
2255

Công dân phải coi cấp trên như những người đại diện Thiên Chúa, góp phần cộng tác cách chính trực với họ để đời sống công cộng và xã hội được hoạt động tốt đẹp. Điều này bao gồm cả tình yêu và việc phục vụ tổ quốc, quyền lợi và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc và quyền phê phán mang tính chất xây dựng.

465.  Khi nào người công dân không được vâng phục chính quyền dân sự?

2242-2243
2256

Theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những mệnh lệnh của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người" (Cv 5,29).

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI

466.  Tại sao phải tôn trọng sự sống con người?

2258-2262
2318-2320

Vì sự sống con người là điều linh thánh.  Ngay từ đầu, sự sống cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của mình. Không ai được phép trực tiếp huỷ hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. "Ngươi không được giết người vô tội và người công chính" (Xh 23,7).

467.  Tại sao bảo vệ con người và xã hội một cách hợp pháp không đối nghịch với luật tuyệt đối này?

2263-2265

Qua việc bảo vệ hợp pháp, người ta chọn sự tự vệ và bảo vệ mạng sống cho bản thân hay cho người khác, chứ không phải chọn việc giết người. Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, không được sử dụng bạo lực vượt quá những gì cần thiết.

468. Hình phạt có mục đích gì?

2266

Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra có mục đích để sửa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây nên, để bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, và để góp phần cải hóa phạm nhân.

469.  Người ta có thể đề ra những hình phạt nào?

2267

Hình phạt được chính quyền dân sự đề ra phải tương xứng với tính chất trầm trọng của hành vi tội ác. Ngày nay với những khả năng Nhà Nước có thể sử dụng để dẹp được tội ác bằng cách vô hiệu hoá kẻ phạm tội, những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải sử dụng án tử hình "từ nay sẽ hiếm đi, nếu như trong thực tế có thể nói là không còn tồn tại nữa" (Evangeliun vitae). Nếu các phương tiện không gây đổ máu là đủ, thì chính quyền phải sử dụng các phương tiện này, vì chúng tương ứng hơn với những điều kiện cụ thể của công ích, chúng phù hợp hơn với phẩm giá con người và không xoá sổ cách vĩnh viễn khả năng sửa sai của kẻ phạm tội. 

470.  Điều răn thứ năm cấm những gì?

2268-2283
2321-2326

Điều răn thứ năm cấm những tội trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý:

  •     tội giết người cố ý và trực tiếp, cũng như việc đồng lõa trong tội đó;
  •      tội phá thai trực tiếp, có ý coi đó là mục đích hay phương tiện, cũng như việc cộng tác vào tội này. Hội thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội này, bởi vì những con người, ngay từ lúc được thụ thai, phải được bảo vệ và che chở một cách tuyệt đối trong sự toàn vẹn của nó;
  •      tội an tử trực tiếp, có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hay hấp hối, bằng một hành động hay bỏ không làm một hành động cần kíp;
  •      tội tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát, tội này là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.

471.  Những chữa trị y dược nào được phép khi cái chết như sắp gần kề?

2278-2279

Việc cắt ngang những chăm sóc thường xuyên cho bệnh nhân không thể coi là hợp pháp được. Tuy nhiên, được phép sử dụng các thuốc giảm đau nào không có mục đích làm cho chết, và được phép từ chối "việc trị liệu khắc nghiệt," nghĩa là việc chữa trị quá tốn kém, nhưng không đem lại chút hy vọng nào để đạt được kết quả tích cực.

472.  Tại sao xã hội có trách nhiệm phải bảo vệ mọi thai nhi?

2273-2274

Quyền sống của con người, ngay từ lúc được thụ thai, là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. Khi Nhà Nước không cố gắng phục vụ cho các quyền lợi của mọi người, và đặc biệt cho những người yếu đuối nhất, trong số đó có các em béù đã được thụ thai mà chưa được sinh ra, thì chính những nền tảng của Nhà Nước pháp quyền đã bị xói mòn. 

473.  Làm thế nào để tránh gương xấu?

2284-2287

Gương xấu hệ tại ở việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Người ta phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai cố ý dẫn dắt người khác phạm một điều xấu nặng nề, thì chính người dẫn dắt đã phạm một tội nghiêm trọng

474.  Chúng ta có trách nhiệm nào đối với thân xác?

2288-2291

Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra còn phải tránh việc sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men.

475.  Khi nào các thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý, trên con người hay nhóm người, là hợp pháp về mặt luân lý?

2292-2295

Về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn của cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; những người nhận thí nghiệm phải được thông báo trước, và đã ưng thuận

476.  Trước và sau khi chết, có được phép hiến tặng và ghép các bộ phận hay không?

2296

Về mặt luân lý, việc ghép các bộ phận cơ thể có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.

477.  Những việc nào đối nghịch với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người?

2297-2298

Những việc đó là: bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó

478.  Phải chăm sóc những người hấp hối như thế nào?

2299

Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào những giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống

479.  Phải đối xử với thân xác kẻ chết như thế nào?

2300-2301

Thi hài người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không gây rắc rối cho đức tin về sự phục sinh thân xác

480.  Chúa đòi hỏi mỗi người điều gì về vấn đề hòa bình?

2302-2303

Đức Kitô, Đấng đã tuyên bố "phúc cho ai xây dựng hòa bình" (Mt 5, 9), đòi hỏi sự bình an của tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, là muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và lòng thù ghét, là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, đều là những tội trọng nghịch lại với đức ái

481.  Hòa bình trên thế giới là gì?

2304-2305

Hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là sự "ổn định trật tự" (thánh Augustinô), "thành quả của công lý" (Is 32, 17) và hiệu quả của đức ái. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Kitô

482. Hòa bình trên thế giới đòi buộc điều gì ?

2304;
2307-2308

Hòa bình trên thế giới đòi buộc sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tự do giao tiếp giữa con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ

483. Về mặt luân lý, khi nào được phép sử dụng sức mạnh quân sự?

2307-2310

Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ được biện minh về mặt luân lý khi hội đủ những điều kiện sau đây: chắc chắn về sự thiệt hại phải chịu là trầm trọng và kéo dài; tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại; những điều kiện quan trọng để thành công; việc loại bỏ những thiệt hại lớn nhất, sau khi đã cân nhắc về sức tàn phá của những phương tiện chiến tranh hiện đại

484. Trong trường hợp có nguy cơ chiến tranh, ai có quyền phán đoán về những điều kiện đó?

2309

Quyền này tùy thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những vị cầm quyền, những vị này cũng có quyền đề ra cho công dân nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Những ai vì lý do lương tâm không thi hành nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, phải phục vụ xã hội  bằng những hình thức khác

485. Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì?

2312-2314
2328

Ngay cả trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý vẫn luôn có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải xử sự cách nhân đạo với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và các tù binh. Các hành động cố ý đi ngược với quyền lợi của các dân tộc và các mệnh lệnh buộc thi hành các hành động đó, đều là những tội ác mà sự vâng phục tối mặt không đủ để chạy tội. Phải kết án những sự huỷ diệt hàng loạt, cũng như việc tiêu diệt một dân tộc hay một sắc tộc thiểu số. Đó là những tội rất nặng nề. Về mặt luân lý, phải chống lại các mệnh lệnh buộc thi hành các tội ác như thế

486. Chúng ta phải làm gì để tránh chiến tranh?

2315-2317
2327-2330

Vì chiến tranh gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chận chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Đặc biệt phải tránh việc tích trử và buôn bán vũ khí không do các chính quyền hợp pháp qui định; phải tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội;  tránh việc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo; phải tránh ganh ghét, thách thức, kiêu căng và tinh thần báo thù. Tất cả những gì được thực hiện để khắc phục các tệ hại này và những xáo trộn khác, đều giúp xây dựng hòa bình và đẩy xa chiến tranh

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH

487.  Con người có bổn phận gì đối với phái tính của mình?

2331-2336
2392-2393

Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá nhân bản. Ngài đã khắc ghi ơn gọi yêu thương và hiệp thông nơi mỗi người. Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và việc hai phái tính bổ túc cho nhau. 

488.  Khiết tịnh là gì?

2337-2338

Khiết tịnh là sự hoà nhập phái tính trong con người của mình cách thành công. Tính dục thực sự nhân bản khi được hoà nhập cách đúng đắn trong liên hệ giữa người và người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn huệ của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Chúa Thánh Thần. 

489.  Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi những gì ?

2339-2341

Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi sự rèn luyện để làm chủ bản thân, như cách biểu lộ sự tự do nhân bản, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng

490.  Có những phuơng tiện nào giúp chúng ta sống khiết tịnh?

2340-2347

Có nhiều phuơng tiện như ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự tự biết mình, việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm để lý trí hướng dẫn các đam mê.

491. Tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi sống đức khiết tịnh theo cách nào?

2348-2350
2394

Các người Kitô hữu luôn nhìn Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh; họ được mời gọi sống khiết tịnh tuỳ theo bậc sống của mình: những người sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn; những nguời lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng đuợc mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục

492. Những tội chính phạm đến đức khiết tịnh là những tội nào?

2351-2359
2396

Những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh, tùy theo bản chất của từng đối tượng, đó là ngoại tình, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, các hành vi đồng tính luyến ái. Các tội này là biểu hiện của đam mê dâm đãng. Nếu phạm các tội này với các trẻ vị thành niên, thì sẽ xúc phạm cách nặng nề hơn vào sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các em.

493. Tại sao giới răn thứ sáu "Ngươi không được ngoại tình" lại ngăn cấm tất cả các tội lỗi nghịch với đức khiết tịnh?

2336

Dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười điều răn, chúng ta chỉ đọc "Ngươi chớ phạm tội ngoại tình" (Xh 20,14), nhưng Truyền thống Hội thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem giới răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh.

494.  Đâu là trách nhiệm của chính quyền dân sự đối với đức khiết tịnh?

2354

Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng có trách nhiệm góp phần tạo ra một môi truờng xã hội thuận lợi cho đức khiết tịnh. Nhờ những luật lệ thích hợp, chính quyền phải ngăn chận việc bành trướng các trọng tội nghịch đức khiết tịnh đã kể trên, đặc biệt để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người yếu đuối.

495.  Tình yêu hôn nhân, gồm cả tính dục được Thiên Chúa định hướng vào hôn nhân, có được những điều tốt lành nào?

  2360-2361
2397-2398

Đối với những người đã được rửa tội, những điều tốt lành của tình yêu hôn nhân, một tình yêu đã được thánh hoá bằng Bí tích Hôn phối, đó là sự duy nhất, chung thủy, tính bất khả phân ly và sẵn sàng đối với việc truyền sinh

496.  Hành vi vợ chồng có ý nghĩa gì?

2362-2367

Hành vi vợ chồng có hai ý nghĩa: sự kết hợp (là hành vi hiến thân cho nhau của đôi vợ chồng), và việc truyền sinh (là hành vi mở ngỏ cho việc sinh sản con cái). Không ai được phép phá vỡ sự liên kết bất khả phân ly, do Thiên Chúa thiết lập, giữa hai ý nghĩa đó của hành vi vợ chồng, bằng cách loại bỏ một trong hai ý nghĩa đó

497.  Khi nào việc điều hòa sinh sản là phù hợp với luân lý?

2368-2369
2399

Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện của trách nhiệm làm cha làm mẹ. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai.

498.  Đâu là những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý?

  2370-2372

Những hoạt động sau đây phải coi là không phù hợp với luân lý, đó là trực tiếp triệt sản hoặc ngừa thai, được thực hiện trước hoặc trong khi giao hợp, hoặc trong quá trình dẫn đến kết quả tự nhiên của việc giao hợp, nhằm mục đích hay tạo phương thế để ngăn cản sự truyền sinh.

499.  Tại sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý?

2373-2377

Thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với sự giao hợp, trong hành động này đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai do người khác, tức là có một người thứ ba can thiệp vào hành vi vợ chồng nhờ qua kỹ thuật; hành động này vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó, hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ. 

500.  Người ta phải nhìn em bé như thế nào?

2378

Em bé là một tặng phẩm của Thiên Chúa, tặng phẩm tuyệt hảo nhất của hôn nhân.  Không có một quyền nào để có những đứa con (theo nghĩa là được quyền có con với bất cứ giá nào). Trái lại, đứa con có quyền là hoa trái của hành vi hôn nhân của cha mẹ em, cũng như có quyền được tôn trọng là một nhân vị ngay từ lúc em được thụ thai. 

501.  Đôi vợ chồng có thể làm gì nếu họ không có con?

2379

Nếu không đuợc Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hay tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như vậy họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.  

502.  Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân?

2380-2391
2400

Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là: ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung (chung sống không hôn nhân, nhân tình), hành vi tính dục trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân.

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: NGUƠI KHÔNG ĐƯỢC TRỘM CẮP

503.  Điều răn thứ bảy nói lên điều gì?

  2401-2402

Điều răn này nói lên sự xác định và phân phối của cải cách phổ quát, nói về quyền tư hữu, việc tôn trọng con người và tài sản của họ, việc tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. Hội thánh nhìn giới răn này là nền tảng cho giáo huấn xã hội của mình, để xét đến hành động đúng đắn trong lãnh vực kinh tế, trong đời sống xã hội và chính trị, trong quyền lợi và trách nhiệm lao động của con người, trong công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia, trong tình thương đối với người nghèo

504.  Đâu là những điều kiện của quyền tư hữu?

2403

Người ta có quyền tư hữu với điều kiện là tài sản đó đạt được hay nhận được một cách chính đáng, và việc sử dụng của cải là nhằm thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mọi người

505.  Mục đích của quyền tư hữu là gì?

2404-2406

Tài sản riêng có mục đích bảo đảm sự tự do và phẩm giá của các cá nhân, giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, và cho cả những ai đang sống thiếu thốn

506.  Điều răn thứ bảy quy định những gì?

2407
2450-2451

Điều răn thứ bảy buộc phải tôn trọng tài sản của người khác, qua việc thực thi công bằng và bác ái, sống tiết độ và liên đới. Đặc biệt, điều răn này đòi buộc:

  •  
    •      tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết;
    •      đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp;
    •      tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo, bằng cách sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, đặc biệt quan tâm đến những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

507.  Con nguời phải có thái độ nào đối với các động vật?

2416-2418
2457

Con nguời phải đối xử tốt đẹp với các động vật vì chúng là những thụ tạo của Thiên Chúa, tránh cách yêu thương thái quá hoặc sử dụng mù quáng, nhất là với các thí nghiệm khoa học vượt quá giới hạn hợp lý và gây đau đớn vô ích cho chúng

508.  Điều răn thứ bảy cấm những điều gì?

2408-2413
2453-2455

Điều răn thứ bảy cấm:

  •  
    • trộm cắp, đó là việc chiếm đoạt tài sản người khác trái với ý muốn hợp lý của họ.
    • trả lương không công bằng,
1167    12-02-2011 07:35:57