Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 3_Đoạn 2_Chương 1

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN

Xuất hành 20, 2-17

"Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.  

Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài  một cách bất xứng.

Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Ngài đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng gian hại người.

Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."

Đệ nhị luật 5, 6-21

"Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 

Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng.

Ngươi hãy giữ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi. 

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng dối hại người.

Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."

Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn

Thứ nhứt, thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài  trên hết mọi sự.

Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba, giữ ngày Chúa Nhật,

Thứ bốn, thảo kính cha mẹ,

Thứ năm, chớ giết người,

Thứ sáu, chớ làm sự dâm dục,

Thứ bảy, chớ lấy của người,

Thứ tám, chớ làm chứng dối,

Thứ chín, chớ muốn vợ chồng người,

Thứ mười, chớ tham của người.                   

434.  "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" (Mt 19,16)

2052-2054 2075-2076

Khi người thanh niên hỏi câu này, Chúa Giêsu trả lời: "Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn," rồi Người thêm: "Hãy đến theo Tôi" (Mt 19, 16-21). Việc theo Chúa Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề luật không bị phá bỏ, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại Lề luật nơi Con người của Vị Tôn sư thần linh của mình, Đấng thực thi trọn vẹn Lề luật nơi chính mình, Đấng mạc khải trọn vẹn ý nghĩa của Lề luật, và chứng nhận tính trường tồn của Lề luật.

435.  Chúa Giêsu giải thích Lề luật thế nào?

2055

Chúa Giêsu giải thích Lề luật dưới ánh sáng của giới răn yêu thương duy nhất nhưng có hai vế, là sự viên mãn của Lề luật: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22,37-40).

436.  "Mười điều răn" nghĩa là gì?

2056-2057

"Mười điều răn" có nghĩa là "mười lời" (Xh 34, 28), tóm tắt Lề luật do Thiên Chúa ban cho dân Israel trong bối cảnh của Giao ước qua trung gian Môsê. Khi trình bày các giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (ba giới răn đầu) và đối với tha nhân (bảy giới răn sau), Mười điều răn vạch ra cho dân Chúa và từng người con đường dẫn đến cuộc sống được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi.

437.  Liên hệ giữa Mười điều răn với Giao ước như thế nào?

2058-2063 2077

Mười điều răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao uớc; trong ánh sáng đó Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Bằng việc tuân giữ các giới răn, dân Chúa muốn nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn.

438.  Hội thánh dành cho Mười điều răn tầm quan trọng nào?

2064-2068

Trung thành với Thánh Kinh và với gương của Chúa Giêsu, Hội thánh nhìn nhận Mười điều răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu. Các người Kitô hữu buộc phải tuân giữ Mười điều răn.

439.  Tại sao Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất?

2069 2079

Mười điều răn tạo thành một thể thống nhất và không thể phân chia, vì mỗi giới răn đều liên kết với các giới răn khác và với toàn thể Mười điều răn. Vì vậy, vi phạm một giới răn là vi phạm toàn bộ Lề luật.

440.  Tại sao Mười điều răn đòi buộc một cách nghiêm trọng?

2072-2073, 2081

Bởi vì Mười điều răn trình bày những trách nhiệm căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

441.  Chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn không?

2074 2082

Thưa có, vì Đức Kitô, Đấng mà không có Người chúng ta không thể làm được việc gì, ban cho chúng ta có khả năng tuân giữ Mười điều răn, nhờ hồng ân Thánh Thần và ân sủng của Người.

CHƯƠNG MỘT
"NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI
HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI"

ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT:
TA LÀ ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI.
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC CÓ THẦN NÀO KHÁC.

442.  Lời tuyên bố của Thiên Chúa: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi" (Xh 20,2) bao hàm điều gì?

2083-2094 2133-2134

Đối với người tín hữu, câu này buộc phải giữ và thực hành ba nhân đức đối thần, tránh các tội nghịch lại những nhân đức ấy. - Đức tin giúp tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ những gì trái ngược, chẳng hạn như cố tình nghi ngờ, cứng tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo. - Đức cậy  giúp tin tưởng chờ đợi sự hưởng kiến Thiên Chúa và ơn phù trợ của Ngài, tránh sự ngã lòng và tự phụ. - Đức mến giúp yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và phải loại trừ tội lãnh đạm, vô ơn, nguội lạnh, lười biếng hoặc uể oải tinh thần, và tội oán ghét Thiên Chúa phát sinh từ kiêu ngạo.

443.  Lời Chúa truyền "Ngươi phải thờ phượng một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài   mà thôi"  gồm những điều gì ?

2095-2105 2135-2136

Câu này buộc phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa tể của tất cả những gì hiện hữu; phải tôn thờ Ngài xứng đáng với tư cách cá nhân hay tập thể; phải cầu nguyện bằng những lời ca ngợi, tạ ơn và cầu khẩn; phải dâng lên Ngài những lễ tế, nhất là lễ tế thiêng liêng của cuộc đời chúng ta, kết hợp với hy lễ tuyệt hảo của Đức Kitô; phải giữ những lời hứa và lời khấn đã dâng lên Thiên Chúa.

444.  Bằng cách nào con người thực hiện quyền lợi của mình, là được thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do?

2104-2109 2137

Mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải tìm kiếm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan đến Thiên Chúa và Hội thánh của Ngài. Và một khi đã nhận biết Ngài, mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải đón nhận Ngài, trung thành với Ngài, bằng việc dâng lên Ngài một sự thờ phượng đích thực. Đồng thời, phẩm giá con người đòi hỏi về phương diện tôn giáo không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, và cũng không ai được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, riêng tư cũng như công khai, một mình hay chung với những người khác, trong ranh giới của trật tự công cộng. 

445.  Thiên Chúa cấm đoán điều gì khi Ngài ra lệnh: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20, 2)?

2110-2128 2138-2140

Giới răn này cấm:

  • tội đa thầnthờ ngẫu tượng là thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc hay cả ma quỉ.
  • tội mê tín là một lệch lạc trái với việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Mê tín biểu lộ dưới những hình thức khác như: bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn;
  • tội vô đạo biểu hiện bằng hành động thử thách Thiên Chúa, trong lời nói hay trong hành động; bằng việc phạm thượng, nghĩa là xúc phạm đến người hay đồ vật đã thánh hiến, nhất là Bí tích Thánh Thể; mại thánh, nghĩa là muốn mua bán những thực tại linh thiêng;
  • tội vô thần  là loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người;

chủ thuyết bất khả tri là cho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa, và bao gồm chủ trương lãnh đạm tôn giáo và vô thần thực hành.

446.  Giới răn của Thiên Chúa: "Ngươi không đựơc tạc tượng, vẽ hình . . .", có phải là cấm việc tôn thờ ảnh tượng không?

2129-2132 2141

Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, việc tôn kính ảnh tượng thánh của người Kitô hữu được xác nhận (qua Công đồng Nicea II, năm 787), vì việc tôn kính này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình.  Đây không phải là việc thờ lạy ảnh tượng, nhưng là việc tôn kính Đấng được trình bày qua ảnh tượng: Đức Kitô, Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh.

ĐIỀU RĂN THỨ HAI: NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC KÊU TÊN THIÊN CHÚA CÁCH BẤT XỨNG

447.  Chúng ta phải tôn kính thánh Danh Thiên Chúa như thế nào?

2142-2149 2160-2162

Chúng ta tôn kính thánh Danh Thiên Chúa bằng việc kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Ngài. Vì vậy, cấm không được kêu đến Danh Ngài để làm chứng cho một tội ác, và không được sử dụng cách bất xứng Danh thánh Ngài, như lộng ngôn, điều này tự bản chất là một tội trọng, cũng như chửi thềbất trung với những lời hứa nhân Danh Thiên Chúa.

448.  Tại sao cấm thề gian?

2150-2151 2163-2164

Vì người ta nại đến Thiên Chúa, Đấng là chính Chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối.

 "Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi ta nói thành thật và cần thiết với lòng tôn kính" (thánh Inhaxiô Loyola).

449.  Bội thề là gì?

2152-2155

Bội thề khi đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề, nhưng cố ý không tuân giữ hay sau đó sẽ phá bỏ. Đó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Ngài là Đấng luôn trung tín với những lời Ngài đã hứa.

ĐIỀU RĂN THỨ BA: NGƯƠI PHẢI THÁNH HÓA NGÀY CỦA ĐỨC CHÚA

450.  Tại sao Thiên Chúa "đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh" (Xh 20, 11)?

2168-2172 2189

Trong ngày sabát, dân Do Thái tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy theo như trình thuật Tạo dựng, cũng như nhớ đến việc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhớ đến Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài.

451.  Chúa Giêsu xử sự thế nào đối với ngày sa-bát?

2173

Chúa Giêsu công nhận sự thánh thiêng của ngày sabát và Người dùng thẩm quyền thần linh để đưa ra giải thích đích thực về ngày này: "Ngày sabát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì ngày sabát" (Mc 2, 27).

452.  Lý do nào người Kitô hữu thay thế ngày sabát bằng ngày Chúa nhật?

2174-2176 2190-2191

Ngày Chúa nhật là ngày Phục sinh của Đức Kitô. Là "ngày thứ nhất trong tuần" (Mc 16,2), ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là "ngày thứ tám" tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đối với các người Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ: ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Đức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa.

453.  Phải thánh hóa ngày Chúa nhật thế nào?

2177-2185 2192-2193

Các người Kitô hữu thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác bằng việc tham dự tiệc Thánh Thể của Chúa và tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, hay làm xáo trộn niềm vui đặc thù trong ngày của Chúa, cũng như việc nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thân xác. Tuy nhiên, trong ngày Chúa nhật, các người Kitô hữu có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu gia đình hay phục vụ cho những lợi ích quan trọng của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành những thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe.

454. Tại sao phải đấu tranh để luật dân sự công nhận ngày Chúa nhật là ngày lễ nghỉ?

2186-2188 2194-2195

Để cho tất cả mọi người đều có thể nghỉ ngơi đầy đủ và có được một thời gian rảnh rỗi để chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội; tìm được thời gian thuận tiện để suy niệm, suy tư, yên tĩnh và học tập; để làm những việc thiện ích, đặc biệt là việc phục vụ những người bệnh tật và già yếu.

1220    12-02-2011 07:33:33