Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 2_Đoạn 2_Chương 2

295.  Tại sao Đức Kitô lập Bí tích Thống hối và Xức dầu bệnh nhân?

1420-1421 1426

Đức Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác, Người đã lập các Bí tích này vì đời sống mới do Người ban cho chúng ta qua các Bí tích khai tâm Kitô giáo, có thể bị suy yếu và thậm chí bị mất đi do tội lỗi. Vì thế, Người muốn rằng Hội thánh tiếp tục công trình chữa lành và cứu độ của Người qua hai Bí tích chữa lành.

 BÍ TÍCH THỐNG HỐI HAY GIAO HÒA

296.  Bí tích này được gọi như thế nào?

1422-1424

Bí tích này được gọi là Bí tích Thống hối, Giao hòa, Tha thứ, Xưng tội và Sám hối. 

297.  Tại sao lại có một Bí tích Giao hòa sau Rửa tội?

1425-1426 1484

Vì đời sống mới trong ân sủng, được lãnh nhận khi lãnh Bí tích Rửa tội, không tiêu hủy sự yếu đuối của bản tính con người, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi (có nghĩa là dục vọng, concupiscentia), nên Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Giao hoà để những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có thể ăn năn trở lại một khi họ xa lìa Người vì tội lỗi.  

298. Đức Kitô thiết lập Bí tích này khi nào?

1485

Đức Kitô sống lại đã thiết lập Bí tích này khi Người hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục sinh và nói với họ: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ  ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23). 

299.  Những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội có cần phải hoán cải hay không?

1427-1429

Lời kêu gọi hoán cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh Bí tích Rửa tội. Việc hoán cải này là một cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội thánh, tuy có đặc điểm là thánh thiện, nhưng lại bao gồm các tội nhân. 

300. Thống hối nội tâm là gì?

1430-1433 1490

Là biểu hiện của "tâm hồn tan nát" (Tv 50 [51],19), được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Lòng thống hối bao hàm sự đau khổ và quay lưng lại với tội lỗi đã phạm, quyết tâm trong tương lai sẽ không phạm tội nữa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lòng thống hối được dưỡng nuôi bằng niềm hy vọng vào sự thương xót của Thiên Chúa.  

301.  Việc thống hối trong đời sống người Kitô hữu được diễn tả dưới những hình thức nào?

1434-1439

Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ sáu là ngày sám hối. 

302.  Các yếu tố chính yếu của Bí tích Giao hòa là gì?

1440-1449

Có hai yếu tố chính: hành vi của người sám hối, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và lời xá giải của linh mục, nhân danh Đức Kitô, trao ban ơn tha thứ và xác định cách đền tội.  

303.  Hối nhân phải có những hành vi nào?

1450-1460 1487-1492

Những việc hối nhân phải làm là: xét mình cẩn thận; ăn năn tội cách trọn khi phát xuất từ lòng yêu mến Chúa và cách không trọn khi dựa vào những động lực khác, và quyết tâm không tái phạm nữa; xưng tội, tức là xưng thú tội lỗi với linh mục; đền tội, tức làm một số việc thống hối mà cha giải tội ấn định để đền bù những hậu quả do tội gây ra. 

304.  Phải xưng những tội nào?

1456

Chúng ta phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng sau khi đã xét mình cẩn thận. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường duy nhất để được ơn tha tội.  

305.  Khi nào phải xưng thú các tội trọng?

1457

Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng của mình ít nhất một năm một lần và, trong mọi trường hợp, phải xưng các tội trọng trước khi rước lễ.  

306.  Tại sao khi xưng tội cũng nên xưng thú các tội nhẹ?

1458

Hội thánh tha thiết khuyên chúng ta xưng thú các tội nhẹ, mặc dầu điều này không phải là cần thiết theo nghĩa hẹp, bởi vì việc xưng thú như vậy giúp tạo nên lương tâm ngay thẳng và giúp chiến đấu chống lại những hướng chiều về đàng xấu, để chúng ta được Đức Kitô chữa lành và được tiến triển trong đời sống theo Thánh Thần.   

307.  Ai là thừa tác viên Bí tích này?

1461-1466 1495

Đức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao hòa cho các Tông đồ của Người, cho các Giám mục kế nhiệm các ngài, và cho các linh mục, là những cộng tác viên của Giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. 

308.  Việc tha thứ một số tội được dành riêng cho ai?

1463

Việc xá giải một số tội đặc biệt nghiêm trọng (như những người bị vạ tuyệt thông) được dành riêng cho Tòa thánh hay vị Giám mục sở tại hay một số linh mục được các ngài ủy nhiệm. Trong trường hợp nguy tử, bất kỳ linh mục nào cũng có thể xá giải bất cứ tội lỗi hay vạ tuyệt thông nào.  

309.  Cha giải tội có bị ràng buộc với bí mật tòa giải tội hay không?

1467

Vì sự tế nhị và cao cả của thừa tác vụ này và vì phải tôn trọng những người xưng tội, mọi cha giải tội buộc phải giữ "ấn tín tòa giải tội," nghĩa là phải bí mật tuyệt đối về những tội lỗi người ta đã xưng thú cho ngài trong tòa giải tội. Vấn đề giữ ấn tín tòa giải tội không có luật trừ, ai vi phạm sẽ bị những hình phạt rất nặng. 

310.  Hiệu quả của Bí tích này là gì?

1468-1470 1496

Hiệu quả của Bí tích Thống hối là: được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy, được tha thứ tội lỗi; được giao hòa với Hội thánh; được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất; được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm và, ít nhất một phần, những hình phạt tạm là hậu quả của tội; được bình an thư thái trong lương tâm và được an ủi; được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành. 

311.  Trong một số trường hợp, có thể cử hành Bí tích này bằng việc xưng tội chung và xá giải tập thể không?

1480-1484

Trong những trường hợp thật sự khẩn cấp (như có nguy cơ sắp chết) người ta có thể cử hành chung Bí tích Giao hòa, gồm có việc xưng tội chung và xá giải tập thể, nhưng vẫn phải tuân giữ các luật lệ của Hội thánh và với quyết tâm sẽ xưng riêng các tội trọng vào thời gian sớm nhất. 

312.  Ân xá là gì?

1471-1479 1498

Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội thánh, như là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các thánh.


BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

313.  Trong Cựu Ước, người ta quan niệm thế nào về bệnh tật?

1499-1502

Trong Cựu Ước, con người, trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình,  đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc các tội lỗi cá nhân của mình và của người khác. Vì thế người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài  chữa lành. 

314.  Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân có ý nghĩa gì?

1503-1505

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa  Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác. 

315.  Hội thánh đối xử thế nào đối với các bệnh nhân?

1506-1513 1526-1527

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Đặc biệt, Hội thánh có một Bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Đức Kitô thiết lập và thánh Giacôbê chứng nhận: "Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa," (Gc 5, 14-15). 

316.  Ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân?

1514-1515 1528-1529

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng,  trước khi cử hành Bí tích này.

317.  Ai ban Bí tích này?

1516 1530

Chỉ có các tư  tế (Giám mục hay linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này.

318.  Bí tích này được cử hành thế nào?

1517-1519 1531

Việc cử hành Bí tích này chính yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Rôma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị tư  tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này.

319.  Bí tích này mang lại những hiệu quả gì?

1520-1523 1532

Bí tích này mang lại một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với  cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội thánh. Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sức mạnh, bình an, can đảm và ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Đôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua để tiến về Nhà Cha.

320.  Của Ăn đàng là gì?

1524-1525

Của Ăn đàng là Bí tích Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Được lãnh nhận vào lúc sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Đức Kitô tử nạn và phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục sinh.

1546    10-02-2011 07:21:08