Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 1_Đoạn 2_Chương 2


CHƯƠNG HAI
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA

79.    Tin Mừng cho con người là gì?

422-424

Tin Mừng là lời loan báo về Đức Giêsu Kitô, "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), Đấng đã chết và đã sống lại. Vào thời vua Hêrôđê và Hoàng Đế Xêdarê Augustô, Thiên Chúa đã thực hiện những lời Ngài đã hứa với Ábraham và dòng dõi qua việc Ngài đã sai "Con Mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Ga 4,4-5).

80.    Tin Mừng này được loan truyền như thế nào?

425-429

Ngay từ đầu, các môn đệ tiên khởi đã khao khát loan báo Đức Giêsu Kitô, nhằm làm cho mọi người tin vào Người. Ngày nay cũng thế, sự hiểu biết say mê Đức Kitô làm nẩy sinh nơi các tín hữu niềm khao khát rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý, nghĩa là giúp mọi người nhận thấy tất cả kế hoạch của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu và dẫn đưa nhân loại đến hiệp thông với Người.

"TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ, LÀ CON MỘT ĐỨC CHÚA CHA, CÙNG LÀ CHÚA CHÚNG TÔI"

81.    Danh thánh  "Giêsu" nghĩa là gì?

430-435 452

Danh thánh Giêsu, được thiên thần gọi ngay từ lúc Truyền tin, có nghĩa là "Thiên Chúa cứu độ". Danh thánh này nói lên căn tính và sứ mạng của Chúa Giêsu, vì "chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội" (Mt 1,21). Thánh Phêrô khẳng định rằng "dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ" (Cv 4,12).

82.    Tại sao Chúa Giêsu lại được gọi là "Đấng Kitô" ?

436-440 453

"Kitô" là tiếng Hy Lạp, còn "Mêsia" là tiếng Hypri, có nghĩa là "được xức dầu". Chúa Giêsu là Đấng Kitô vì Người được Thiên Chúa thánh hiến, được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần để đảm nhận sứ mạng cứu chuộc của Người. Người là Đấng Mêsia mà dân Israel mong đợi, được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Giêsu đã chấp nhận tước hiệu Mêsia, nhưng đã xác định rõ ràng ý nghĩa tước hiệu này: "từ trời xuống" (Ga 3,13), chịu đóng đinh và rồi sống lại, Người là Tôi Trung Đau Khổ, "hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Từ tước hiệu Kitô này, chúng ta được mang danh hiệu là người Kitô hữu.

83.    Chúa  Giêsu là "Con Một Thiên Chúa" theo ý nghĩa nào?

441-445 454

Chúa Giêsu là "Con Một Thiên Chúa" theo một ý nghĩa duy nhất và trọn hảo. Vào lúc Người chịu phép rửa và trong cuộc Hiển Dung, tiếng của Chúa Cha cho thấy Chúa Giêsu là "Con yêu dấu" của Ngài. Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Con, chỉ mình Người "biết Chúa Cha" (Mt 11,27), Người khẳng định mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của mình với Thiên Chúa là Cha của Người. "Người là Con duy nhất của Thiên Chúa" (1 Ga 4,9), là Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Người là trung tâm của lời rao giảng của các thánh Tông đồ: các Tông đồ đã thấy "vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một" (Ga 1,14).

84.    Tước hiệu "Đức Chúa" có ý nghĩa gì?

446-451 455

Trong Thánh Kinh, thường tước hiệu này để chỉ Thiên Chúa tối cao. Chúa Giêsu tự nhận cho mình tước hiệu này và mạc khải quyền tối thượng thần linh của Người qua quyền năng của Người trên thiên nhiên, trên ma quỉ, trên tội lỗi và trên cái chết, và nhất là qua cuộc phục sinh của Người. Những tuyên xưng đầu tiên của các người Kitô hữu công bố quyền năng, danh dự và vinh quang dành cho Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Chúa Giêsu, Đấng mà Thiên Chúa "đã ban tặng danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu" (Pl 2,9). Người là Đức Chúa của trần gian và của lịch sử, là Đấng duy nhất mà mọi người, với sự tự do của mình, phải hoàn toàn tùng phục.

"BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH"  

85.    Tại sao Con Thiên Chúa làm người?

456-460

Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, có nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người  "được thông phần bản tính Thiên Chúa ( 2 Pr 1,4).

86.     Hai tiếng "Nhập Thể" có nghĩa là gì?

461-463 483

Hội thánh dùng từ "Nhập Thể" để gọi mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu rỗi chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành "xác thể" (Ga 1,14), trở thành con người thật. Đức tin vào mầu nhiệm Nhập thể là dấu chỉ phân biệt của niềm tin Kitô giáo.

87.    Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như thế nào?

464-467 469

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha", Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, tuy không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta.

88.    Công đồng Chalcedonia (năm 451) dạy gì về vấn đề này?

  467

Công đồng Chalcedonia dạy chúng ta phải tuyên xưng: "một Chúa Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người hoàn hảo trong thần tính, Người cũng hoàn hảo trong nhân tính, thật sự là Thiên Chúa và thật sự là người, có một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính, "giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi" (Dt 4,15), sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những ngày cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa."

89.    Hội thánh diễn tả mầu nhiệm Nhập thể như thế nào?

464-469 479-481

Hội thánh diễn tả mầu nhiệm này khi xác quyết rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, với hai bản tính là thần tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng kết hợp trong Ngôi Lời. Vì thế, trong nhân tính của Chúa Giêsu, tất cả - các phép lạ, đau khổ và cái chết - đều được qui về Ngôi vị thần linh của Người, Đấng hoạt động qua nhân tính mà Ngôi vị này đảm nhận.

"Ôi Con duy nhất và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa đã nhập thể nơi Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và mãi mãi đồng trinh... Chúa là Một trong Ba Ngôi chí thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con !" (Phụng vụ Byzantin của thánh Gioan Kim Khẩu).   

90.    Có phải Con Thiên Chúa làm người có một linh hồn với tri thức nhân loại không?

470-474 482

Con Thiên Chúa đã đón nhận một thân xác được một linh hồn nhân loại có tri thức làm cho sinh động. Với tri thức nhân loại, Chúa Giêsu đã học hỏi nhiều qua kinh nghiệm. Nhưng cũng với tư cách là con người, Con Thiên Chúa có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên Chúa, Cha của Người. Người cũng nhìn thấu những tư tưởng thầm kín của con người và hiểu biết đầy đủ các ý định muôn thuở mà Người đến để mạc khải.

91.    Hai ý muốn nơi Ngôi Lời nhập thể hợp tác với nhau như thế nào?

475 482

Chúa Giêsu có một ý muốn của Thiên Chúa và một ý muốn của con người. Trong cuộc sống nơi trần gian, Con Thiên Chúa đã muốn làm theo con người điều mà Người đã quyết định theo thần tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần về ơn cứu độ chúng ta. Ý muốn nhân loại của Đức Kitô luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã tùng phục ý muốn thần linh. 

92.    Đức Kitô có một thân xác con người thật không?

476-477

Đức Kitô đã đón nhận một thân xác thật sự của con người, qua đó Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Vì thế, Đức Kitô có thể được trình bày và tôn kính qua các ảnh tượng thánh.

93.    Trái tim của Đức Kitô nói lên điều gì?

478

Đức Kitô biết và yêu thương chúng ta bằng một trái tim của con người. Trái tim của Người bị đâm thâu để cứu độ chúng ta, là biểu trưng cho tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với tất cả mọi người.  

94.    Câu "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai..." có ý nghĩa gì?

484-486

Câu này muốn nói lên rằng Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai trong lòng mình Người Con Vĩnh Cửu là bởi tác động của Chúa Thánh Thần chứ không có sự cộng tác của một người nam: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà" (Lc 1,35), đó là lời thiên thần đã nói với Đức Maria lúc Truyền tin.

95.     "... sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh": tại sao Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa?

495 509

Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa bởi vì là Mẹ của Chúa Giêsu (Ga 2,1; 19,25). Thật vậy, Đấng mà Mẹ đã cưu mang bởi tác động của Chúa Thánh Thần và đã thực sự là con của Mẹ, chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa Cha. Chính Người là Thiên Chúa.

96.     "Vô Nhiễm Nguyên Tội" nghĩa là gì ?

487-492 508

Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Con mình. Để chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn vô nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai. 

97.    Đức Maria đã cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào?

493-494 508-511

Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria, suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào. Mẹ là "Đấng đầy ân phúc "(Lc 1,28), "Đấng rất thánh." Khi Thiên Thần báo tin rằng Mẹ sẽ sinh "Con Đấng Tối cao" (Lc 1,32), Mẹ đã tự do chấp nhận trong "sự vâng phục của đức tin" (Rm 1,5). Đức Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa  Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn tâm hồn Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa.

98.    Việc mang thai Chúa Giêsu một cách đồng trinh có ý nghĩa gì?

496-498 503

Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, không có sự can thiệp của người đàn ông. Người là Con Thiên Chúa trên trời theo thần tính, là Con của Đức Maria theo nhân tính, nhưng thực sự là Con Thiên Chúa trong hai bản tính, cùng hiện diện trong một Ngôi vị duy nhất, là ngôi vị thần linh.   

99.    Câu "Đức Maria trọn đời đồng trinh" có ý nghĩa gì?

499-507 510-511

"Đức Maria trọn đời đồng trinh" có nghĩa là Mẹ "vẫn còn đồng trinh khi thụ thai Con mình, đồng trinh khi sinh Con, đồng trinh khi bồng ẵm Người, đồng trinh khi cho Người bú mớm, là người mẹ đồng trinh, vĩnh viễn đồng trinh" (thánh Augustinô). Khi các Phúc Âm nói về "anh chị em của Chúa Giêsu," thì đó là những người bà con họ hàng gần của Chúa Giêsu, theo như cách nói thông thường trong Thánh Kinh.

100.     Bằng cách nào tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria mang tính phổ quát?

501-507 511

Đức Maria chỉ có một người Con duy nhất, là Chúa Giêsu, nhưng trong Người, tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ nới rộng cho hết mọi người đã được Chúa Giêsu cứu độ. Vâng phục bên cạnh Ađam mới là Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ là bà Evà mới, bà mẹ đích thực của chúng sinh. Với tình yêu từ mẫu, Mẹ cộng tác vào việc sinh hạ và nuôi dưỡng họ trong trật tự ân sủng. Vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Đức Maria là hình ảnh của Hội thánh, là sự thể hiện toàn hảo nhất của Hội thánh.

101.     "Cả cuộc đời Đức Kitô là một Mầu nhiệm" nghĩa là gì?

512-521 561-562

Cả cuộc đời của Đức Kitô là một sự kiện mạc khải. Điều có thể thấy được trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến Mầu nhiệm vô hình, nhất là Mầu nhiệm Con Thiên Chúa của Người: "Ai thấy Tôi là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9). Đàng khác, mặc dù ơn cứu độ đã được hoàn thành trọn vẹn qua thập giá và cuộc phục sinh, nhưng trọn cuộc đời của Đức Kitô là Mầu nhiệm cứu độ, vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói và đã chịu đau khổ đều có mục đích là để cứu độ loài người sa ngã và để tái lập ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta.

102.     Các mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị như thế nào?

522-524

Trước hết, đã có một thời gian hy vọng lâu dài hằng bao thế kỷ, mà chúng ta cảm nhận lại khi cử hành Phụng vụ mùa Vọng. Ngoài sự chờ đợi lờ mờ mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn các người ngoại giáo, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho việc Con Ngài ngự đến qua Giao ước cũ, cho đến thời ông Gioan Tẩy Giả, là người cuối cùng, nhưng lại vĩ đại nhất trong số các tiên tri.

103.     Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?

525-530 563-564

Vào lúc Giáng sinh, vinh quang thiên quốc được tỏ lộ trong sự yếu đuối của Hài Nhi. Việc cắt bì Chúa Giêsu đã lãnh nhận là dấu chỉ Người thuộc về dân Do Thái và tượng trưng cho Bí tích Rửa tội của chúng ta. Hiển Linh là việc Vua-Mêsia của Israel tỏ mình ra cho tất cả muôn dân. Lúc dâng Chúa vào trong Đền Thờ, người ta nhận ra nơi ông Simeon và bà Anna sự chờ đợi của dân Israel, nay đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ của mình. Cuộc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát trẻ vô tội báo trước cả cuộc đời của Đức Kitô sẽ chịu nhiều bách hại. Việc Người rời bỏ Ai Cập để trở về nhắc lại cuộc xuất hành và giới thiệu Đức Kitô như ông Môsê mới: Người là Đấng giải phóng đích thực và tối hậu.

104.     Quãng đời ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth dạy chúng ta điều gì?

533-534 564

Suốt cuộc sống ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu đã âm thầm sống một cuộc sống bình thường. Như vậy, Người cho phép chúng ta hiệp thông với Người trong sự thánh thiện của đời sống thường ngày được dệt bằng lời cầu nguyện, sự đơn sơ, lao động, tình yêu gia đình. Việc vâng phục của Người đối với Đức Maria và thánh Giuse, cha nuôi của Người, là hình ảnh của sự vâng phục con thảo đối với Chúa Cha của Người. Với đức tin, Đức Maria và thánh Giuse đón nhận mầu nhiệm của Chúa Giêsu, dù rằng không phải lúc nào các ngài cũng hiểu được mầu nhiệm ấy. 

105. Tại sao Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của ông Gioan để "sám hối hầu được ơn tha tội" (Lc 3,3 ) ?

535-537 565

Để khởi đầu quãng đời công khai và để tham dự trước vào Phép rửa là cái chết của mình, Chúa Giêsu, dù không có tội lỗi nào, và là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian" (Ga 1,29), cũng chấp nhận liệt mình vào hàng các tội nhân. Chúa Cha tuyên bố Người là "Con yêu dấu" của mình (Mt 3,17) và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Phép rửa của Chúa Giêsu là hình ảnh báo trước Bí tích Rửa tội của chúng ta.

106.     Những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nói lên điều gì?

538-540 566

Những cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc thu tóm cơn cám dỗ của Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của Israel trong sa mạc. Satan cám dỗ Chúa Giêsu về sự vâng phục sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Đức Kitô, Ađam mới, đã chống lại cơn cám dỗ, và chiến thắng của Người báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người. Trong thời gian Phụng vụ Mùa Chay, Hội thánh kết hợp với Mầu nhiệm này cách đặc biệt.

107. Ai được mời gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện?

541-546 567

Chúa Giêsu mời gọi mọi người tham dự vào Nước Thiên Chúa. Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi sám hối và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Ngay trên mặt đất này, Nước Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn. Những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải cho những người này.

108. Tại sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ?

547-550 567

Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ kèm theo lời của Người, để chứng tỏ rằng Nước Trời đang hiện diện nơi Người, là Đấng Mêsia. Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân, Người  không đến để loại trừ mọi cái xấu ra khỏi trái đất, nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ báo trước rằng thập giá của Người sẽ chiến thắng "thủ lãnh thế gian" (Ga 12,31).

109. Trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã trao quyền hành nào cho các Tông đồ của Người?

551-553 567

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai, những chứng nhân tương lai cho cuộc phục sinh của Người. Người cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Người để dạy dỗ, tha thứ tội lỗi, xây dựng và điều khiển Hội thánh. Trong Nhóm này, thánh Phêrô lãnh nhận "chìa khóa Nước Trời" (Mt 16,19) và chiếm địa vị thứ nhất, có sứ mạng gìn giữ đức tin được toàn vẹn và củng cố các anh em mình.

110. Việc Hiển Dung có ý nghĩa gì ?

554-556 568

Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cuộc Hiển Dung: "Chúa Cha trong lời nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói" (thánh Tôma Aquinô). Khi gợi lên cho ông Môsê và ông Êlia về cuộc "ra đi của mình" (Lc 9,31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải kinh qua thập giá; và Người sống trước cuộc phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, lúc Người "sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,21).

"Chúa đã hiển dung trên núi và các môn đệ chiêm ngắm vinh quang Người tùy khả năng, để mai sau khi thấy Người chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Người đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho muôn dân biết Người chính là vinh quang Chúa Cha chiếu tỏa" (Phụng Vụ Byzantin).

111. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia như thế nào?

557-560 569-570

Vào thời gian đã định, Chúa Giêsu quyết lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại từ cõi chết. Với tư cách là Đức Vua-Mêsia, Đấng loan báo Vương quốc của Thiên Chúa đến, Người đi vào thành của Người, cỡi trên một con lừa. Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung hô mà về sau được đưa vào kinh "Thánh! Thánh! Thánh!" trong Thánh Lễ: "Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa" (Mt 21,9). Phụng vụ Hội thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố này.

  "ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU NẠN ĐỜI QUAN PHONGXIÔ PHILATÔ, CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THÁNH GIÁ, CHẾT VÀ TÁNG XÁC"

112.     Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào?

571-573

Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu độ của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

113. Chúa Giêsu bị kết án vì những lời buộc tội nào?

574-576

Một số thủ lãnh Israel đã kết án Chúa Giêsu chống lại Lề Luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự tuyên bố mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình.

114. Đâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề luật Israel?

577-582 592

Chúa Giêsu không hủy bỏ Lề luật do Thiên Chúa trao ban cho ông Môsê trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho Lề luật nên trọn bằng cách đem lại cho Lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, Đấng chu toàn Lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất có khả năng cứu chuộc tất cả "tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước đầu tiên" (Dt 9,15).

115. Đâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Đền thờ Giêrusalem?

583-586 593

Chúa Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Đền thờ. Thực ra, Người đã tôn trọng Đền thờ như là "nhà của Cha mình" (Ga 2,16). Chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người. Nhưng Người cũng báo trước Đền thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người.

116.     Chúa  Giêsu có chống lại niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và là Đấng cứu độ hay không?

587-591 594

Chúa Giêsu không bao giờ chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người hoàn tất công trình của Thiên Chúa cách trọn hảo, chu toàn các lời hứa về Đấng Mêsia và đồng thời mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa: đó là việc tha thứ các tội lỗi. Người mời gọi chúng ta phải tin vào Người và phải sám hối, giúp chúng ta nhận ra sự hiểu lầm bi thảm của Công nghị đã kết án Người đáng phải chết vì lý do phạm thượng. 

117.     Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa  Giêsu?

595-598

Không thể qui trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, đặc biệt nhất là các người Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và vui thoả trong những điều xấu xa.

118.      Tại sao cái chết của Chúa Giêsu  lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?

599-605 619

Để tất cả chúng ta, là những kẻ đáng chết, được giao hòa trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch tràn đầy tình yêu là sai Con mình đến phó mình chịu  chết vì những kẻ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi Tớ chịu đau khổ, và đã xảy ra "theo như lời Thánh Kinh."

119.     Đức Kitô đã dâng hiến mình cho Chúa Cha như thế nào?

606-609 620

Đức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống "làm giá chuộc cho nhiều người" (Mc 10,45). Nhờ đó, Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo để Thiên Chúa, Đấng muốn cứu độ mọi người, thể hiện tình yêu của Ngài.

120.     Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly?

610-611 621

Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối truớc cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã tham dự trước, nghĩa là Người ám chỉ và thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình: "Đây là Mình Thầy bị nộp vì anh em" (Lc 22,19); "Đây là Máu Thầy, máu đổ ra..." (Mt 26,28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc "tưởng nhớ" (1 Cr 11,25) đến hy tế của Người, vừa thiết lập các Tông đồ của Người thành những tư tế của Giao ước mới.

121.     Điều gì đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Giếtsêmani?

612

Mặc dầu nhân tính rất thánh của Đấng là "Tác giả sự sống" (Cv 3,15) đã khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn tùng phục thánh ý Chúa Cha: để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta trong thân xác mình, Người "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết" (Pl 2,8).

122.           Hiệu quả hy tế của Đức Kitô trên thập giá là gì?

613-617 622-623

Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người sửa lại tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến chết. Tình "Yêu thương đến cùng" (Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Như vậy, Hy lễ Vượt qua của Đức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

123.     Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ?

  618

Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp vào hy tế ấy. 

124.      Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ?

624-630

Đức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi bị hư  nát. 

"ĐỨC GIÊSU KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG, NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI"

125.      "Ngục tổ tông" mà Chúa Giêsu đi xuống là gì?

632-637

"Ngục tổ tông" - khác với hỏa ngục của án phạt - là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa Giêsu, dù họ lành thánh hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp với Ngôi vị thần linh, Chúa Giêsu xuống với những kẻ công chính trong ngục tổ tông, là những người đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết lẫn ma quỉ là "lãnh chúa của sự chết" (Dt 2,14), Người giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa trời cho họ.

126.      Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?

631,638

Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

127.     Những "dấu chỉ" nào làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu?

  639-644 656-657

Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ ;  họ  là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã "hiện ra với K

2305    10-02-2011 07:16:52