Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Toát Yếu Giáo Lý HTCG_Phần 1_Đoạn 1_Chương 2

CHƯƠNG HAI: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI

Mạc khải của Thiên Chúa

 6.      Thiên Chúa mạc khải cho con người điều gì?

50-53

68-69

Với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình cho con người. Qua các hành động và lời nói, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cũng như ý định của lòng nhân hậu, mà Ngài đã hoạch định tự muôn đời trong Đức Kitô. Ý định này nhằm đón nhận tất cả mọi người trở thành nghĩa tử trong Người Con duy nhất của Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần và cho họ tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.

7.      Những giai đoạn đầu tiên của Mạc khải là gì?

54-58

70-71

  Từ nguyên thủy, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nguyên tổ của chúng ta, là ông Ađam và bà Evà, và mời gọi họ bước vào sự hiệp thông mật thiết với Ngài. Sau khi họ sa ngã, Ngài đã không chấm dứt việc Mạc khải, nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho tất cả miêu duệ của họ. Sau cơn lụt đại hồng thủy, Ngài đã ký kết với ông Noe một Giao ước giữa Ngài với tất cả các sinh linh.  

8.      Những giai đoạn tiếp theo của Mạc khải của Thiên Chúa là gì?  

59-64

72

Thiên Chúa chọn ông Abraham, khi gọi ông rời bỏ quê hương để làm cho ông trở thành "cha của vô số dân tộc" (St 17 ,5) và hứa qua ông sẽ chúc lành cho "mọi gia tộc trên mặt đất" (St 12,3). Con cháu của ông Abraham là những kẻ thừa hưởng các lời Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ họ. Thiên Chúa đã lập Israel làm dân Ngài tuyển chọn, cứu thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, ký kết với họ Giao ước Sinai và, qua ông Môsê, Ngài ban cho họ Lề luật của Ngài. Các tiên tri đã loan báo một ơn cứu chuộc toàn diện cho dân Chúa cũng là ơn cứu độ dành cho tất cả mọi dân tộc, trong một Giao ước mới và vĩnh cửu. Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã được sinh ra từ dân Israel, và từ dòng dõi Vua Đavít. 

9.      Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa là gì?

65-66

73

Giai đoạn Mạc khải trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa được thực hiện nơi Ngôi Lời nhập thể, là Đức Giêsu Kitô, Đấng là trung gian và là viên mãn của Mạc khải. Chúa Giêsu, Con duy nhất của Thiên Chúa, đã làm người, là Lời hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Mạc khải đã được hoàn tất cách trọn vẹn qua việc Thiên Chúa Cha sai Con Ngài và ban tặng Thánh Thần, mặc dù đức tin của Hội thánh phải dần dần trải qua bao thế kỷ mới nhận biết ý nghĩa đầy đủ của Mạc khải.

 "Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với  chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa" (Thánh Gioan Thánh Giá).

10.  Các mạc khải tư có gía trị gì?

67

Mặc dầu các mạc khải tư không thuộc về kho tàng đức tin, nhưng chúng có thể giúp chúng ta sống đức tin, với điều kiện chúng có một liên hệ chặt chẽ với Đức Kitô. Huấn quyền Hội thánh, có thẩm quyền để phân định các mạc khải tư đó, không thể chấp nhận những mạc khải tư nào vượt qua hay muốn sửa đổi Mạc khải dứt khoát là chính Đức Kitô.       

Lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa

11.  Tại sao phải lưu truyền Mạc khải của Thiên Chúa và lưu truyền bằng cách nào?

74

Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2 ,4), nghĩa là nhận biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, phải rao giảng Đức Kitô cho mọi người, như chính lời Người dạy: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28 ,19). Điều này đã được thực hiện bởi Truyền thống các Tông đồ, gọi tắt là Truyền thống tông đồ. 

12.  Truyền thống tông đồ là gì?

75-79

83

96, 98

Truyền thống tông đồlà việc chuyển đạt sứ điệp của Đức Kitô, đã được thực hiện ngay từ lúc khởi đầu Kitô giáo, qua việc rao giảng, làm chứng, các cơ chế, phụng tự, và các sách được linh ứng. Các Tông đồ đã chuyển đạt mọi điều các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô và học hỏi từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm các ngài, là các giám mục, và qua họ, cho  mọi thế hệ đến tận thế.

13.  Truyền thống tông đồ được thực hiện như thế nào?  

76

Tông truyền được thực hiện bằng hai cách: qua việc chuyển đạt sống động Lời Chúa (được gọi cách đơn sơ là Thánh truyền) và qua Thánh Kinh, trong đó cùng một lời rao giảng ơn cứu độ được ghi lại thành chữ viết.

14.  Tương quan giữa Thánh truyền và Thánh Kinh như thế nào?

80-82

97

Thánh truyền và Thánh Kinh liên kết và giao lưu mật thiết với nhau. Thật vậy, cả hai làm cho mầu nhiệm Đức Kitô được hiện diện và sung mãn trong Hội thánh và cả hai cùng xuất phát từ một cội nguồn là Thiên Chúa. Cả hai làm nên một kho tàng đức tin duy nhất, nơi Hội thánh nhận được sự đảm bảo chắc chắn về tất cả những chân lý được mạc khải.  

15.  Kho tàng đức tin đã được ủy thác cho ai?

84, 91

94, 99

Từ thời các thánh Tông đồ, kho tàng đức tin đã được ủy thác cho toàn thể Hội thánh. Nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ và nhờ Huấn quyền hướng dẫn, với cảm thức siêu nhiên của đức tin, toàn thể dân Chúa đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa, hiểu biết mỗi ngày một sâu xa hơn, và cố gắng sống Mạc khải đó. 

16.  Ai có thẩm quyền để   giải nghĩa kho tàng đức tin?

85-90

100

Chỉ có Huấn quyền sinh động của Hội thánh, nghĩa là vị kế nhiệm thánh Phêrô làm Giám mục Rôma và các Giám mục hiệp thông với ngài, mới có đủ thẩm quyền giải thích kho tàng đức tin. Huấn quyền, trong việc phục vụ Lời Chúa, được hưởng đặc sủng về chân lý, có trách nhiệm xác định các tín điều, nghĩa là những công thức trình bày các chân lý chứa đựng trong Mạc khải của Thiên Chúa; thẩm quyền này cũng áp dụng trên các chân lý có liên hệ thiết yếu với Mạc khải.

17.  Đâu là mối tương quan giữa Thánh truyền, Thánh Kinh và Huấn quyền?

95

Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền liên hệ chặt chẽ với nhau, đến độ thực thể này không hiện hữu nếu không có hai thực thể kia. Dưới tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, cả ba góp phần cách hữu hiệu vào ơn cứu độ loài người, mỗi thực thể theo cách thức riêng của mình. 

Thánh Kinh

18.  Tại sao Thánh Kinh lại có thể dạy chân lý?

105-108

135-136

Bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Thánh Kinh là quyển sách được linh ứng và dạy dỗ cách không sai lạc những chân lý cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta. Thật vậy, Chúa Thánh Thần linh ứng cho các tác giả phàm nhân để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo không phải là một "tôn giáo của sách vở", nhưng là của Lời Thiên Chúa, "không là một ngôn từ được viết ra và câm lặng, nhưng là Ngôi Lời nhập thể và sống động" (thánh Bênađô Clairvaux).

19.  Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?

109-119

137

Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và phải theo sự hướng dẫn của Huấn quyền Hội thánh, theo ba tiêu chuẩn: (1) phải chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh; (2) phải đọc Thánh Kinh trong Thánh truyền sống động của Hội thánh; (3) phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin, nghĩa là đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau.

20.  Quy điển (Canon) của các Sách Thánh là gì?              

120, 138

Quy điển  các Sách Thánh là danh mục đầy đủ về các Sách Thánh, mà Tông truyền đã phân định rõ ràng cho Hội thánh. Quy điển này gồm có bốn mươi sáu tác phẩm Cựu Ước và hai mươi bảy tác phẩm Tân Ước.

21.  Đâu là tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các người Kitô hữu?

121-123

Người Kitô hữu tôn kính Cựu Ước như là Lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh ứng nên có một giá trị trường tồn. Cựu Ước là bằng chứng cho thấy nghệ thuật giáo dục bằng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Và nhất là, các tác phẩm Cựu Ước được viết ra để chuẩn bị cho việc Đức Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài, ngự đến.

22.  Đâu là tầm quan trọng của Tân Ước đối với các người Kitô hữu?

124-127

139

Trung tâm của Tân Ước là Đức Giêsu Kitô. Tân Ước dạy chúng ta chân lý dứt khoát được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân Ước, bốn quyển Phúc Âm - Matthêu, Marcô, Luca và Gioan - là những chứng từ chính yếu về đời sống và về lời giảng dạy của Chúa Giêsu; bốn quyển sách này tạo thành trung tâm của tất cả Sách Thánh và có một vị trí độc nhất trong Hội thánh.  

23.  Đâu là sự thống nhất giữa Cựu Ước và Tân Ước?

128-130

140

Thánh Kinh chỉ là một, vì chỉ có một Lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa và một linh ứng duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước: cả hai soi sáng cho nhau.

24.  Thánh Kinh giữ vai trò nào trong đời sống Hội thánh?

131-133

141-142

Thánh Kinh đem lại sự hỗ trợ và sức mạnh cho đời sống Hội thánh. Đối với con cái Hội thánh, Thánh Kinh là sự củng cố đức tin, là lương thực và nguồn mạch của đời sống tinh thần. Thánh Kinh là linh hồn của các môn thần học và giảng thuyết mục vụ. Thánh Vịnh gọi Thánh Kinh là "đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 118 [119] ,105). Vì thế, Hội thánh khuyến khích chúng ta thường xuyên đọc Thánh Kinh, vì "không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô" (thánh Giêrônimô).


1197    10-02-2011 07:16:03