Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tìm Mình, Tìm Nhau

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

(Bài chia sẻ sau buổi toạ đàm chuyên đề về Đồng Tính - Tình yêu - Hôn nhân và Những Trăn trở, ngày 19-2-2011, tại Trung tâm Mục vụ TGP TP.HCM)

Lời mở

Tôi đến tham dự buổi toạ đàm là để tìm hiểu và muốn giúp đỡ anh chị em tôi. Thú thật, khi gặp các hối nhân xưng tội có quan hệ tình dục đồng tính, tôi đã không biết phải khuyên giải thế nào cho hợp với lời dạy của Chúa và lời khuyên của Giáo Hội. Tôi không muốn các bạn ấy cứ phải khóc mãi về “số phận hẩm hiu” hay mang nặng những mặc cảm thua thiệt trong khi các bạn vẫn có thể sống bình thường và “tự hào” về tình yêu của mình. Cuộc toạ đàm đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều và muốn làm nhiều việc để cảm thông cũng như giúp đỡ các bạn Đồng Tính Ái (ĐTA).

1. Lời tuyên bố lý do buổi toạ đàm của nữ tu Hồng Quế tuy chỉ kéo dài 10 phút nhưng đã giới thiệu được các điểm cơ bản đáng quan tâm về vấn đề ĐTA. ĐTA là một thực trạng xã hội với số lượng người khá lớn trong gia đình nhân loại: hàng trăm ngàn người ở Việt Nam cũng như hàng triệu người trên thế giới nếu ta chỉ lấy tỉ lệ nhỏ của những người có khuynh hướng đồng tính từ 3-5% hay số lớn hơn đến 20% như tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt nhắc đến trong bài thuyết trình của mình.

Giáo Hội quan tâm đến con người vì con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa khi Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người (x. Ga 1, 14). Giáo Hội chỉ tồn tại để cứu độ con người với Đức Giêsu Kitô. Đến một lúc nào đó, Giáo Hội, hay cụ thể là những Kitô hữu, nhất là những người lãnh đạo cộng đồng, không còn quan tâm đến con người nữa thì Giáo Hội cũng không còn lý do tồn tại. Cũng vì quan tâm đến con người nên nhiều linh mục, tu sĩ cùng với giáo dân đã đến với buổi toạ đàm này để cùng trăn trở với các bạn ĐTA.

Trong thiệp mời gửi đi trước đó, tôi đọc được từ “Hệ luỵ” ở phần giới thiệu chủ đề: “Tình yêu, hôn nhân đồng tính và những hệ luỵ”. Nhưng khi đến Trung Tâm Mục Vụ, những biển quảng cáo đã thay từ “hệ luỵ”, hiểu như là mối quan hệ ràng buộc, bằng từ “trăn trở” để nhấn mạnh đến trọng tâm của buổi toạ đàm không còn phải là tình yêu hôn nhân của người đồng tính với những hệ luỵ của nó mà là thực trạng và những trăn trở của người đồng tính về tình yêu và hôn nhân. Chủ đề được giới thiệu như sau: “Đồng tính - Tình yêu - Hôn nhân và Những Trăn trở”.

Thật vậy, với thời lượng một buổi sáng, các thuyết trình viên chưa có giờ đi sâu vào tình yêu và nhất là hôn nhân của người đồng tính. Hai bài thuyết trình đầu tiên mới chỉ nói đến định nghĩa và ít điểm về thực trạng của người đồng tính. Bài thuyết trình của Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Gia đình, TGP TP.HCM, cũng chỉ mới đưa ra một vài nguyên tắc nền tảng của tình yêu và hôn nhân Công giáo vì đây là một đề tài lớn, cần nhiều giờ để triển khai. Chúng ta hy vọng sẽ còn nhiều dịp khác để trở lại đề tài này.

2. Trăn Trở

Những trăn trở của người ĐTA được 5 vũ công của vũ đoàn Number One trình bày thật ấn tượng. Hai cặp nam nữ diễn tả tình yêu bình thường của người khác giới tính thì người nhập vai ĐTA bị thôi thúc hướng đến người cùng giới với mình. Vũ công nhập vai người ĐTA với khuôn mặt chia đôi nửa nam (không trang điểm), nửa nữ (gắn long mi giả, đánh phấn) nói lên nỗi trăn trở, giằng xé trong chính con người mình trước những ngăn cản của xã hội và thiếu cảm thông của gia đình. Đó là chưa kể nỗi dằn vặt của chính lương tâm đối với niềm tin tôn giáo. Nền nhạc bài Secret Garden (Khu vườn Bí mật) của nhóm nhạc nổi tiếng Na Uy tạo nên một cảm giác tuyệt vời, vừa lắng đọng vừa day dứt để tham dự viên đồng cảm với những người ĐTA trong nỗi đớn đau cũng như vui sướng của họ.

3. Đồng tính ái dưới cái nhìn của y học và xã hội học

Điểm chính của buổi toạ đàm là phần trình bày của các thuyết trình viên. Trong vòng 50 phút, bác sĩ Trương Trọng Hoàng, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, trình bày rất rõ về người ĐTA dưới góc độ của y học.

Theo định nghĩa: đồng tính luyến ái là tình trạng một người có quan hệ yêu thương, ham muốn tình dục với người cùng giới tính (x. Viện Ngôn Ngữ học, Từ điển Tiếng Việt). Hiện tượng này gần đây được dư luận và xã hội chú ý vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây lan tràn AIDS: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (x. Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách Khoa Việt Nam, quyển 1). Bác sĩ cho biết bây giờ có thể gọi là đồng tính ái thay vì đồng tính luyến ái vì từ “luyến” có nghĩa là yêu đương đã hàm ý trong từ “ái” rồi.

Bác sĩ đã phân biệt những dạng đồng tính ái khác nhau như: đồng tính ái nam (gay), đồng tính ái nữ (lesbian) với những người thích mặc trang phục của người khác phái (transvestite), người chuyển giới tính (transsexual), người thích gần gũi và quan hệ tình dục với cả 2 giới gọi là lưỡng tính ái (bisexual), người không thích gần gũi với giới tính nào (a sexual) và cả người lưỡng giới tính (intersexual) có cùng 1 lúc cả bộ phận sinh dục nam và nữ, nhưng thường không hoàn chỉnh. Họ có thể được giải phẫu để trở thành người bình thường về phương diện sinh lý.

Thuật ngữ “đồng tính” có từ năm 1860 và y học cũng như tâm lý học cho đó là 1 loại bệnh. Tuy nhiên, kể từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã không còn coi ĐTA là 1 bệnh nữa và chỉ coi đây là một khuynh hướng tình dục. Các nhà tâm lý học như Byzne và Parsons cho ĐTA là sự lựa chọn của cá nhân hơn là do xã hội và bệnh lý di truyền. Các nghiên cứu cho thấy khuynh hướng này không gây bất cứ một hậu quả nào cho sức khoẻ, người ĐTA vẫn có thể sống ổn định và đóng góp nhiều cho gia đình và xã hội. Chỉ khi nào họ hoang mang khổ sở, muốn thay đổi khuynh hướng tính dục của mình, lúc đó mới bị rối loạn và cần chữa trị.

 4. Nguyên nhân dẫn đến ĐTA

Người ta vẫn còn bàn cãi nhiều về những nguyên nhân dẫn đến ĐTA bởi vì con người gồm 2 yếu tố cấu thành là thể xác và tinh thần nên có những nguyên nhân đến từ cả hai phía. Hơn nữa, khi sống chung trong xã hội, con người cũng có thể bị tác động bởi môi trường và hoàn cảnh dẫn đến ĐTA.

4.1. Về thể xác

Trong một số trường hợp, khoa học khám phá ra những yếu tố di truyền ở người đồng tính ái. Trong 23 đôi nhiễm sắc thể, người ta thấy các đôi Xq28, 7q36, 8p12, 10q26 có những điểm bất thường nơi một số người ĐTA, nhưng ở những người khác lại không có. Hoặc khoa học khám phá ra nhóm tế bào thần kinh INAH3 ở vùng dưới đồi (Hypothalamus) có liên quan đến ĐTA nhưng ở một số trường hợp khác lại không có. Chúng ta hy vọng trong tương lai, khoa học tiến bộ sẽ cho ta giải đáp chính xác hơn.

Yếu tố di truyền hay bất thường ở bộ não đã trở thành một dấu hiệu cơ bản để phân biệt người ĐTA tự bản thể (Homosexual identity) với người ĐTA có hành vi quan hệ tình dục (QHTD) đồng giới nhưng không có xáo trộn ở bộ gen hay bộ não. Số người ĐTA tự bản thể ước tính khoảng 2% trong khi số người có QHTD đồng giới chiếm đến 13% trong gia đình nhân loại.

Gần đây y học cũng khám phá ra rằng số người ĐTA tự bản thể càng ngày càng tăng một phần do các phụ nữ trong thời kỳ đầu tiên mang thai, nhất là 3 tháng đầu lúc đó bào thai chưa phân hoá giới tính, đã bị những yếu tố như chất thuốc ngừa thai còn trong máu người mẹ, các loại thực phẩm thay đổi gen, các loại hoá chất tăng trọng, hoặc thêm chỉ số IQ… tác động trong cơ thể và làm thay đổi tiến trình phát triển não của thai nhi.

Cho đến nay y học vẫn bó tay trong việc điều trị người ĐTA tự bản thể, giống như y học không thể chữa lành cho một người mù bẩm sinh.

4.2. Về tinh thần

Rất nhiều người ĐTA có bộ gen và bộ não bình thường nhưng trong sự phát triển tinh thần, cấu trúc tâm lý của họ có thể bị tổn thương do nhiều biến cố: gia đình (mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, không thoả mãn đời sống sinh lý trong hôn nhân, giáo dục sai lầm -cho trẻ ăn mặc không phù hợp giới tính…), môi trường xã hội (sống trong trường nội trú, quân đội, nhà tù, dòng tu chỉ có người cùng giới…).

Bác sĩ Trương Trọng Hoàng và Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt đã trình bày sơ qua những nguyên nhân tâm lý xã hội. Hiểu rõ những nguyên nhân này, các bậc phụ huynh có con em ĐTA có thể tránh được những nguy hiểm cho con em mình và nhất là các bạn ĐTA có thể tự điều chỉnh khuynh hướng tình dục của mình. Chúng ta có thể tóm tắt một số nguyên nhân sau đây.

Trước hết, chúng ta nên lưu ý đến cấu trúc tâm lý quân bình của con người từ lúc mới sinh đến tuổi trưởng thành (khoảng 25 tuổi), trải qua 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều cần nâng đỡ để phát triển hài hoà.

 Tiến sĩ Duyệt nhắc đến mặc cảm Oedipe. Mặc cảm này thôi thúc con trai gắn bó với mẹ và con gái gắn bó với cha trong độ tuổi từ 3-7 để học biết, bắt chước tâm tính, thái độ của cha/mẹ như người yêu của mình. Nhờ đó, đứa con trai với bản tính mạnh mẽ, nhìn xa trông rộng sẽ học được nơi người mẹ tâm tình hiền hậu, cách nhìn chi tiết, tỉ mỉ và đứa con gái cũng học được bài học từ người cha. Vì thế, trong mỗi con người có sự hài hoà của cả nam lẫn nữ nhờ sự bổ túc này. Tuy nhiên, nếu không may trẻ mất đi một người thân hay do cha mẹ ly hôn, phải sống với một người, tâm lý chắc chắn sẽ bị xáo trộn và dễ dẫn tới ĐTA.

Tiếp theo chúng ta cũng nên lưu ý đến môi trường xã hội như gia đình, học đường, công ty, xí nghiệp hoặc tu viện nơi chúng ta sinh sống để có những quan hệ trong sáng. Chúng ta biết rằng nhiều học sinh rất bình thường nhưng sau khi được gửi vào học nội trú, các trường quân sự đã rơi vào tình trạng ĐTA. Khởi đầu chỉ vì các em tò mò xem những phim ảnh đồi truỵ trên mạng rồi thử nghiệm, thấy thích,… rồi do cứ lặp đi lặp lại các QHTD đồng tính, các em đã trở thành những người ĐTA hoặc lưỡng tính ái.

Thí dụ: một người đã lập gia đình, nhưng không thoả mãn tình dục với người chồng/vợ của mình. Khi gặp một bạn đồng nghiệp cùng giới và được người này chiều chuộng bằng những cử chỉ thân mật, thậm chí cả những quan hệ tính dục, đã cảm thấy được thoả mãn hơn người chồng/vợ của mình. Mối quan hệ giữa hai người đồng tính được lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen và dẫn đến việc thay đổi cấu trúc tâm sinh lý.

Chúng ta nhớ lại thí nghiệm của Pavlov về phản xạ có điều kiện: khi những con chó nghe tiếng chuông và trông thấy miếng thịt, chúng tiết ra dịch vị. Dần dần người ta vẫn đánh chuông đều nhưng bớt những lần đưa ra miếng thịt để đến cuối cùng con chó chỉ cần nghe tiếng chuông, dù không thấy miếng thịt, vẫn tiết ra dịch vị là người ta đã tạo được phản xạ nơi con chó. Con người cũng thế, khi thường xuyên lặp đi lặp lại một hành vi nào đó, bộ não con người chứa đầy các dữ liệu về hành vi ấy. Những dữ liệu này sẽ đi từ tầng ý thức đến tiềm thức và cuối cùng ẩn trong vô thức của cấu trúc tâm lý con người tạo thành thói quen và lâu dần thành cá tính của họ. Hành động lặp đi lặp lại những quan hệ tính dục của người ĐTA khởi đầu rất bình thường, nhưng sau trở thành bất thường cũng là do những điều kiện như thí nghiệm của Pavlov đã chứng minh.

Vì thế đối với những người ĐTA do tâm lý, môi trường xã hội, các nhà tâm lý học khẳng định rằng có thể tạo ra những nhận thức mới về hành vi để tạo nên những thói quen mới và thay đổi được khuynh hướng tình dục của con người. Vì thế, ĐTA không phải là một căn bệnh bất trị nhưng chỉ là một khuynh hướng mà chúng ta có thể thay đổi được.

5. Đồng tính dưới khía cạnh tâm linh

 Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Gia đình, TGP TPHCM, đã trình bày rất ngắn gọn trong vòng 17 phút về ĐTA dưới cái nhìn của Giáo Hội. Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn mình và người ĐTA trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Hiện diện trong buổi toạ đàm này có nhiều vị khách quý từ các tôn giáo khác như các mục sư Tin Lành, các ni sư Phật giáo, các đại đức và nhiều tham dự viên của các tôn giáo khác. Tuy nhiên, linh mục xin được phép chia sẻ những suy tư về ĐTA theo quan điểm Công giáo để cùng đồng cảm với các bạn ĐTA.

Công giáo quan niệm rằng: trong mọi truyền thống văn hoá, bất cứ kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào cũng đều dẫn người ta tới chỗ linh cảm một huyền nhiệm nào đó và huyền nhiệm này thường giúp chúng ta nhận ra 1 vài nét trong dung mạo Thiên Chúa (x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 20). Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn mỗi người một cách nhiệm mầu và vô điều kiện vì Ngài vừa là Đấng tạo hoá, nguồn gốc mọi sự hiện hữu, vừa là chuẩn mực cho mọi hành động của con người để con người đạt tới hạnh phúc và bình an.

Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho con người biết Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu và đồng thời cũng mạc khải ơn gọi của con người là yêu thương. Mạc khải này soi sáng cho chúng ta hiểu được phẩm giá con người và sự tự do trong mọi khía cạnh cũng như hiểu bản tính xã hội của con người một cách sâu xa (Sđd, số 34).

Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ (St 1,27). Như thế con người, dù là nam hay nữ, có một phẩm giá vô cùng cao cả. Phẩm giá này được thể hiện trong mối tương quan với một “cái tôi” khác vì bản thân Thiên Chúa vừa là 1 vừa là 3 (x. Sđd, số 34).

Sau cùng, con người là một với thể xác và tinh thần (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 61). Tinh thần này luôn mở ra với siêu việt là đặc tính của con người: Con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo để cảm nhận niềm vui và hạnh phúc. Khi con người vượt ra khỏi chính mình để bước vào mối quan hệ đối thoại và hiệp thông với những người khác là con người có thể vươn tới sự thật và sự thiện. Còn nếu con người khép kín vào chính mình hoặc một yếu tố nào của vật chất hay tinh thần để tìm thoả mãn cho tham vọng hay dục vọng thì con người luôn cảm thấy khổ đau và bất hạnh (Sđd, số 130).

6. Các chứng nhân

Từ 10g45 đến 12g00, những bạn trẻ ĐTA đã chia sẻ rất thật những cảm xúc, suy tư, trăn trở và ước mơ của họ. Các bạn Vũ Minh Thư, Lê Minh Thành, Trần Thanh Ly đã giúp cho các tham dự viên thấu hiểu bản chất của người ĐTA để dẫn đến sự thông cảm sâu xa. Chắc chắn phần phỏng vấn được ghi lại sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm hồn của các bạn ấy và qua các bạn ấy, hiểu được tâm hồn của những người ĐTA.

Các bạn đã xác quyết về hiện trạng ĐTA của mình với tất cả niềm tự tin qua 4 giai đoạn được bác sĩ Trương Trọng Hoàng giới thiệu: giai đoạn nhạy cảm hoá, hoang mang về bản thể, giả định về bản thể và cuối cùng là xác quyết. Tuy nhiên, đối với nhiều người ĐTA khác, họ vẫn còn đang hoang mang trước khuynh hướng tình dục của mình và đặt câu hỏi: “Mình có thể thoát ra khỏi khuynh hướng có vẻ bất bình thường này không? Mình có thể tự chữa trị để tìm ra một khuynh hướng đúng đắn cho mình không?”.

7. “Tôi đi tìm mình, ta đi tìm nhau”

Ngồi toà giải tội, nhiều bạn ĐTA kể cho tôi nghe nỗi bức xúc về tình yêu đồng giới của mình. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn rằng: “Các bạn hãy an tâm và cảm nhận hạnh phúc từ tình yêu đó thay cho những mặc cảm tội lỗi”. Tại sao?

Tại vì bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,16), là bác ái, hiểu theo nghĩa một tình yêu quảng đại, rộng lớn, luôn luôn ban tặng, cho không. Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi và ai sợ hãi thì không đạt đến tình yêu hoàn hảo (1Ga 18), vì Thiên Chúa dựng nên con người giống Ngài nên ơn gọi của con người là yêu thương (Sđd, số 34). Dù bạn yêu người đồng giới hay khác giới với tình yêu trong sáng, quảng đại, tích cực, được Thiên Chúa thôi thúc thì bạn hãy tự hào về tình yêu đó và đừng bao giờ sợ hãi, dù có ai nói gì đi nữa về tình yêu của bạn.

Chúng ta là con người có thể xác và tinh thần, nên khi diễn tả tình yêu, chúng ta dùng những cử chỉ, lời nói, hành động để biểu lộ cảm xúc của mình. Những cái nắm tay thân thiết, những quà tặng, những bức thư… dành cho người mình yêu thương.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên con người chúng ta đã đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ khi con người đầu tiên đã vi phạm giới răn Chúa (Sđd, số 115) nên chúng ta phải lưu tâm để mình đừng chiều theo những dục vọng ích kỷ, thấp hèn dẫn đến những quan hệ tính dục dù đồng tính hay dị tính.

Đức Giêsu trong bài giảng về Tám Mối Phúc (Mt 5,1-11) đã mời gọi chúng ta giữ lòng trong sạch vượt lên trên những hành vi dâm đãng và ham muốn xấu xa để cảm nghiệm được sự hiện diện đầy hạnh phúc và niềm vui của Thiên Chúa. “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” trong mọi người, mọi vật quanh mình (Mt 5,8).

Chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng mình thuộc giới tính thứ ba, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ, vì chúng ta được mời gọi vượt lên trên giới tính nam nữ để phát huy hình ảnh cao đẹp của một con người mới mà Đức Kitô Phục Sinh đã xây dựng trong chúng ta: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (GL 3, 27 -28).

Cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn ĐTA rằng dù chúng ta được tự do chọn lựa khuynh hướng tình dục của mình, nhưng các bạn đừng quên lời mời gọi của gia đình nhân loại và của chính Thiên Chúa nói với chúng ta hôm nay: “chúng ta không phải chỉ sống cho mình, chúng ta chỉ tìm được con người đích thực của mình nếu chúng ta tìm ra nhau trong các mối quan hệ xã hội để phục vụ và yêu thương nhau”.

Nếu đây là một khuynh hướng do chúng ta tự chọn, thì chúng ta cũng có quyền chọn một khuynh hướng khác để thể hiện chính mình. Rất nhiều bạn rơi vào tình trạng ĐTA chỉ vì hoàn cảnh, môi trường xã hội làm biến động cấu trúc tâm lý. Nếu chúng ta thay đổi nhận thức để có thái độ sống mới, những hành vi mới thì cá tính của cá nhân và ngay cả bản sắc của cộng đồng xã hội cũng có thể thay đổi.

Nhiều người chúng ta không biết rằng những con chó của Pavlov đã tập được phản xạ có điều kiện, trong một cơn lụt lâu ngày, bị đói cùng cực, khi vớt chúng lên, đánh tiếng chuông, chúng không tiết ra dịch vị. Chúng đã đánh mất phản xạ. Áp dụng cho con người về lĩnh vực tâm lý, người ta thấy rằng có thể thay đổi khuynh hướng, thói quen, cá tính của con người nếu giúp họ thanh tẩy trí não của mình (tẩy não) bằng những nhận thức mới mẻ để tập thói quen mới. Trong lĩnh vực ĐTA, người ta cũng có thể giúp đỡ những bạn nào muốn thay đổi khuynh hướng tính dục của mình. Đây là một đoạn đường khó vì phải thanh luyện trí não, thay đổi nhận thức, tập luyện thói quen mới mà nhiều bạn không biết phải làm như thế nào. Tôi khuyên các bạn nên tìm đến các nhà tâm lý và các nhà tư vấn tâm linh để xin hỗ trợ, giúp tìm ra những nguyên nhân sâu xa, những biến động tâm lý, những giải pháp để thanh luyện, thay đổi.

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngoài các giải pháp tâm lý, các bạn hãy cậy trông vào ơn Chúa, Đấng Tạo Hoá dựng nên con người và biết rõ từng người chúng ta. Ngài có thể biến sa mạc thành vườn cây, cho hổ báo ăn cỏ chung với chiên cừu (Is 11,6-8), thay đổi lòng người để họ biến gươm đao thành cuốc thành cày (Is 2,4). Ngài sẽ giúp các bạn vượt qua giai đoạn khó khăn để sống đúng là người theo ý nguyện ngay chính của bạn.

Kết luận

Cuộc toạ đàm về “Đồng Tính - Tình Yêu - Hôn Nhân và Những Trăn Trở” chỉ diễn ra một buổi nhưng đã giúp tất cả chúng ta gặp nhau, hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn.

Chúng tôi cám ơn Ban Tổ chức Chương trình Chuyên đề và hy vọng còn có những dịp gặp gỡ khác để đào sâu hơn về vấn đề ĐTA cũng như những phương cách giúp tất cả chúng ta phát triển trọn vẹn con người mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

1765    27-02-2011 21:17:54