Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Thư Mục Vụ Tháng 7: Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

Vĩnh Long ngày 25.06.2016

Kính gửi: Quý Cha

           Quý Tu sĩ nam nữ

               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

 Anh chị em thân mến. Tháng trước tôi có dịp nói với anh chị em những nét tổng quát về Lòng thương xót được thực thi giữa người với người trong cuộc sống hằng ngày. Tháng nầy, tôi đề cập chủ để Lòng thương xót trong luật công bình (số 20-21).

- Luật Công bình và Lòng thương xót. Lãnh vực nầy không muốn nhắm vào tầm nhìn mang tính pháp lý: có tội thì phạt, nhưng muốn nói về sự biểu hiện của tình yêu thương xót.

Công bình là gì? “Công bình được hiểu là những gì thuộc về ai, thì phải trao cho người ấy” (số 20). Công bình chính trực trong kinh thánh là chu toàn việc tuân giữ Lề Luật, giữ luật nghiêm nhặt. Nhưng để tránh sự khắt khe nầy, “đức công chính chủ yếu được hiểu là sự phó thác đầy tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa” (số 20). Đâu là thánh ý Thiên Chúa?

Đối với Chúa Giêsu: thánh ý Thiên Chúa là ở đức tin hơn lề luật. Chúa cần lòng thương xót hơn lề luật căn cứ trên sự công bình. Công bình theo nghĩa là ai giữ lề luật là người công chính, còn ai không giữ lề luật là người tội lỗi. Làm như thế, chúng ta sẽ chia xã hội chúng ta đang sống thành hai nhóm người: Người công chính và người tội lỗi. Mỗi nhóm có sinh hoạt riêng của nhóm. Kết quả sẽ sinh ra những mặc cảm, sự phân biệt tốt xấu. Chắc Chúa mong muốn xã hội nầy chỉ còn một nhóm người sống không phân biệt, biết tha thứ thương yêu nhau, mọi người sống chung và nhìn nhau bằng cặp mắt yêu thương hơn.

Chúa Giêsu trích dẫn câu nói của tiên tri Ôsê: “Ta muốn lòng thương xót chứ không muốn hy lễ” (Os. 6, 6). Thật rõ ràng, Chúa muốn lòng thương xót, Chúa đặt nặng lòng thương xót, lấy lòng thương xót làm tiêu chuẩn để sống, chớ không dựa vào nghi thức của hy lễ, bởi vì nghi thức hy lễ là do con người đặt ra những qui định có thể thay đổi hoặc mất đi. Những qui định đôi khi khó thực hiện đối với một số người. Không thi hành thì không làm đúng luật qui định, họ sẽ trở thành người “bất chính”.

Vào một khoảng nào đó, Đền thờ đổ nát và những lễ hy sinh không còn, chỉ còn lòng thương xót là có giá trị như hy lễ trước mặt Chúa. “Lòng thương xót” theo nghĩa cụ thể là những “nghĩa cử bác ái” (nuôi dưỡng người nghèo, thăm viếng bệnh nhân...). Chúa Giêsu vượt trên lề luật và tiếp xúc ngay cả đối với tội nhân nói lên rất nhiều về lòng thương xót.

Lòng thương xót không hề đối nghịch với đức công bình, vì cả hai đều hướng tới tình yêu. Theo đức công bình thì ai có tội thì phải chịu phạt, hình phạt là sự công bình, nhưng hình phạt còn là điểm khởi đầu cho việc hoán cải, và khi con người hoán cải thì con người được tha thứ. Hình phạt như thế là để nhắc nhớ con người đừng tái phạm, hình phạt có tính cách sửa chữa. Từ hình phạt con người mới cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa (x. số 21).

Xin Chúa giúp chúng ta sống đức tin, sống sự công chính và đặc biệt là sống lòng thương xót một cách cụ thể: thương linh hồn bảy mối, thương xác bảy mối. Nhờ đó, cộng đoàn Họ đạo chúng ta mới cảm nghiệm được bầu khí yêu thương, mới cảm nghiệm được tình Chúa bao la đối với con người.

 

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

 

1000    05-07-2016 07:01:32