Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Thánh Gia, Gia Đình Của Thiên Chúa - tháng 12 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Quới Chức
  14. Hỏi Đáp Mục Vụ
  15. Sống Đẹp
  16. Chuyện Thường Ngày
  17. Thần Học Kinh Thánh
  18. Một Chút Tâm Tình

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.11.2014

Kính gửi: Quý Cha             
               Quý Tu sĩ nam nữ
               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v  Mùa Vọng, Mùa Trông Đợi

Con người chúng ta thường sống trong tình trạng mong đợi, hy vọng hoàn cảnh tốt hơn, gặp gỡ những người thân thích, bạn hữu tốt hơn, đạt được những thành quả tốt: lên chức tăng lương, sức khỏe khả quan …Những người có đạo, có đức tin thì mong được nhiều ơn Chúa, được gặp gỡ Chúa. Vậy người Do Thái trước kia mong đợi gì?

Dân tộc Do Thái là con cháu tổ phụ Abraham, đã được Chúa chọn gọi và ra đi từ đất Ur đến Đất Chúa hứa. Khoảng đầu kỷ nguyên, dân Do Thái làm thuộc địa cho Đế quốc Rôma nên mong ước được độc lập tự do; hơn thế nữa được hùng mạnh đứng đầu những dân tộc khác, nên họ đã trông chờ Đấng Cứu Thế Mêsia đến để giải thoát khỏi ách thuộc địa và làm cho họ được rạng danh …

Chúa Giêsu là Đấng CứuThế đã đến, không giải thoát họ, không làm cho họ nức tiếng, mà lại để bị bắt, bị làm nhục và đóng đinh trên thập giá.

Giáo Hội Công Giáo và chúng ta ngày nay sống Mùa Vọng, không mong ước vinh quang thế trần, nhưng mong ước Chúa đến với Hội Thánh, với mỗi gia đình, mỗi người chúng ta để làm ta tin và yêu mến Chúa hơn. Chưa bao giờ chúng ta tin Chúa đủ, yêu Chúa đủ, chúng ta còn có những bất toàn trong đời sống, trong việc giữ đạo, nên ta xin Chúa đến với mỗi người chúng ta, gia tăng lòng tin yêu, làm ta luôn hân hoan sống làm con Chúa và vui rao giảng Tin Mừng. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta Chúa đã đến, đã yêu thương, đã cứu chuộc và đang dẫn đưa chúng ta vào Nước Trời. Xin Chúa giúp chúng ta vui mừng đón tiếp Chúa, sám hối và sống đạo như lòng Chúa mong ước trong những ngày Mùa Vọng này.    

Lm. Phêrô Dương Văn Thạnh
Giám Quản GP. Vĩnh Long

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: THÁNH GIA, GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Hôn nhân và gia đình được thiết lập trên sự ưng thuận của đôi vợ chồng, nhằm vào lợi ích của họ cũng như vào việc sinh sản và giáo dục con cái. Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái tạo ra những tương quan nhân vị và những trách nhiệm hàng đầu, giữa những phần tử trong gia đình (GLHTCG  2201).

Gia đình Ki-tô giáo là một hiệp thông nhân vị là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hy tế của Đức Ki-tô. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa củng cố đức mến trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo mang sứ mạng loan báo Tin Mừng truyền giáo (GLHTCG 2205)

"Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Ki-tô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (x. CIC, khoản 1055, triệt 1)

DIỄN GIẢI

GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Lời Chúa: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Mt 1, 23)

Ý cầu nguyện: Tạ ơn Thiên Chúa đã đến chia sẻ phận người với chúng con trong một gia đình phàm nhân như chúng con.

Bài ca ý lực: Cầu xin Thánh gia.

1. Mẫu gương Thánh Gia

- Thánh Gia của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là Hội thánh tại gia nguyên thủy[1].

- Đức Maria và thánh Giuse, đã nói tiếng «xin vâng» với Thiên Chúa trong đức tin để tận hiến hoàn toàn phụng sự thánh ý Thiên Chúa.

- Đức Maria và thánh Giuse kết hợp với nhau không chỉ bởi mối dây tình cảm của con người và theo Lề Luật Môsê, nhưng nhất là bởi tặng phẩm thần linh, là Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa đã chọn các ngài để trao phó Người Con Duy Nhất nhập thể làm người của mình, để rồi các ngài trao ban Người lại cho thế giới. Trong cuộc sống thường nhật của gia đình, đức Maria và thánh Giuse được kết hợp với Chúa Cha trên trời trong mối quan hệ vừa nhân bản vừa thiêng linh với Chúa Giêsu. Bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu vừa là Người thật vừa là Thiên Chúa thật đã hiệp nhất nơi ngã vị mình Ba Ngôi thần linh với ba ngôi thế trần đến muôn đời. Xuyên qua kinh nghiệm sống rất đơn sơ khi làm việc, cầu nguyện, chuyện vãn, đức Maria và thánh Giuse kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, các đấng đã góp phần vào giáo dục, nhờ ơn làm cha làm mẹ khiết trinh.

2. Mẹ Maria và cha Giuse

- Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại trong Chúa Giêsu Kitô. Điều đó được thực hiện nhờ trung gian đích thật của đức Maria làm mẹ, cũng như của thánh Giuse làm cha.

- Đức Maria làm mẹ là điều hiển nhiên kể từ tiếng “xin vâng” ngày truyền tin. Nhưng đó là làm mẹ về thể lí. Mẹ còn làm mẹ về mặt thiêng liêng khi cưu mang Lời trong tâm hồn: Mẹ đã suy đi nghĩ lại Lời trong lòng, Lời vang lên từ trong các biến cố đời sống. Tiếp tục làm mẹ Ngôi Lời cho đến tận chân thập giá. Và trở thành mẹ Hội thánh.

- Còn vai trò làm cha của thánh Giuse thì sao? «Được dìm trực tiếp vào mầu nhiệm Nhập thể, bản thân Thánh Gia Nadaret cũng là một mầu nhiệm đặc biệt. Và, cũng như mầu nhiệm Nhập thể, sự kiện ngài (thánh Giuse) làm cha thật cũng thuộc về mầu nhiệm này.Hình thức phàm nhân của gia đình Con Thiên Chúa, một gia đình đích thật là người, được hình thành nên bởi mầu nhiệm Thiên Chúa.Trong gia đình ấy thánh Giuse là người cha. Sự kiện làm cha ấy không do việc ngài sinh con, nhưng không vì thế mà vai trò làm cha của ngài chỉ như là “bề ngoài”, hoặc “thay thế”, mà là một Vai trò làm cha nhân bản đích thật và trọn vẹn, nhờ sứ mệnh làm cha trong gia đình»[2]. Sự thật ấy là hệ luận của mầu nhiệm ngôi hiệp (hai bản tính thần-nhân trong một ngôi vị duy nhất của Đức Giêsu). Thánh Giuse có một liên hệ cá biệt với Chúa Cha trên trời, bởi Ngài đã chọn thánh nhân làm dung mạo người cha trong tiến trình thành nhân cho trẻ Giêsu Con Cha làm người. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi “phục vụ trực tiếp” chính bản thân và sứ vụ của Chúa Giêsu qua thực thi vai trò làm cha[3].

3. Các gia đình tiếp nối Hội thánh tại gia nguyên thủy

- Chúa Cha đã ban con trẻ Giêsu (tặng phẩm thần linh) cho Thánh Gia Nadaret cũng là ban cho Hội thánh và cho toàn thể nhân loại. Ngài còn tiếp tục ban trẻ này cho các gia đình Kitô hữu, đặc biệt qua bí tích Rửa tội, là dịp sinh hạ Con của Ngài trong các thành viên của Nhiệm Thể Người. Bởi thế, Chúa Giêsu sống ở trong những người con và Người phải lớn lên trong họ nhờ cha mẹ trong gia đình giúp đỡ cho đến khi đạt đến sự trưởng thành của một con người hoàn thiện. Những gì thánh Giuse và đức Maria đã sống vì thế cần được kéo dài trong các gia đình, là Hội thánh tại gia. Những quan hệ hằng ngày của cha mẹ với con cái ẩn chứa một “mầu nhiệm cao cả”, đó là mầu nhiệm làm cha làm mẹ thiêng liêng đối với những đứa con của mình, những đứa con mà họ đón nhận từ Thiên Chúa Cha, chúng như anh chị em của Người Con Duy Nhất của Ngài. Từ đó, người cha người mẹ phải đối xử yêu thương làm sao để những đứa con của họ có thể cảm nhận được, qua tình yêu rất nhân loại của cha và của mẹ chúng, tiếng đập của con tim của Người Cha vĩnh cửu.

4. Gia đình Kitô hữu phong nhiêu

- Tình yêu đôi vợ chồng dành cho nhau trong Chúa, một đàng, thật lớn lao đến nỗi chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy, và đàng khác, được trao ban như ân sủng chất chứa lời hứa phong nhiêu. Lời hứa hẹn ấy vẫn trọn vẹn nằm trong tay Thiên Chúa, đôi vợ chồng không nắm được sở hữu.

“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và phán với họ: ‘hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất’“ (St 1,28). Chính sự trao hiến yêu thương giữa đôi vợ chồng đòi hỏi họ phải có thái độ mở ngỏ sẵn sàng với sự sống mà Chúa có thể trao ban, không “tính toán” hơn thiệt. Sự tính toán loại trừ có con cách tiên thiên (ngừa thai) hoặc yêu sách có con như đòi một quyền lợi (thụ thai nhân tạo), không có ý nghĩa gì cả đối với các đôi vợ chồng Kitô hữu sống trong ân sủng.

- Có thực hiện lời hứa phong nhiêu hàm ẩn trong tình yêu vợ chồng hay không là tùy thuộc tự do của ân sủng Chúa. «Mọi hôn phối kitô hữu đều được Thiên Chúa chúc lành và phong nhiêu trong Người, hoặc với phúc lành con cái, hoặc với phúc lành hi sinh. Nếu Thiên Chúa chọn khả năng thứ hai, thì sự phong nhiêu của hôn nhân sẽ khuếch trương và tăng trưởng một cách thiêng liêng và vô hình hơn trong cộng đoàn»[4]. Khi ấy, sự phong nhiêu của vợ chồng, vì trải qua con đường hi tế, nên giống với sự phong nhiêu siêu nhiên của bậc sống đồng trinh.

- Trong đức tin, việc hiến thánh tình yêu vợ chồng cho Chúa Kitô đưa họ tham dự vào sự phong nhiêu của hi tế Thập Giá, vốn là nguồn mạch và là nguyên mẫu của mọi sự phong nhiêu. Đứa con không đơn giản chỉ là kết quả của tình yêu “tự nhiên” của họ nhưng là hoa trái của việc đôi bạn tận hiến cho Chúa trong đức tin, vì Thiên Chúa chúc lành cho mọi sự tấn hiến bằng một tặng phẩm là con cái hay sự sống siêu nhiên.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Gia đình tôi có cố gắng theo mẫu gương của Thánh Gia là luôn sống tiếng “xin vâng”, nghĩa là luôn tìm kiếm và sống theo thánh ý Cha trên trời hay không?

2. Những người làm cha, làm mẹ trong gia đình, vốn là Hội Thánh tại gia, có ý thức trách nhiệm Phúc-Âm-hóa gia đình mình qua việc giáo dục đức tin cho con cái bằng gương sáng và lời nói hay không?

3. Đâu là những hi sinh thường ngày trong cuộc sống gia đình tôi như là hi tế Thập Giá, chúng có sinh hoa kết quả thiêng liêng gì hay không?


[1] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Redemptoris Custos (RC), 7.

[2] RC, 21.

[3] Cf. RC 8; Thánh Gioan Kim Khẩu, In Matth. Hom. V, 3: PG 57, 57f.

[4] A. VON SPEYER, Il Verbo si fa carne, Jaca Book, Milano 1985, 82.

Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Gia đình là cộng đoàn cùng chia sẻ và phát triển một sự sống. Gia đình nhân loại, phát triển sự sống nhân loại; gia đình Thiên Chúa, chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Thánh Gia là gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Đức Maria đáp: “Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, noi gương Thánh Giuse và Đức Maria mà luôn vâng lời Thiên Chúa trên hết mọi sự, và luôn làm đẹp lòng Chúa.

2. “Chúa Giêsu trở về Na gia rét, và hằng vâng phục cha mẹ Người”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, luôn yêu thương nhau, giúp đỡ nhau phát triển sự sống nhân loại và sự sống Thiên Chúa trong gia đình mình.

3. “Ngay lập tức, Thánh Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, luôn biết nương tựa nhau, vững tin vào Lời Chúa và vào tình yêu vô cùng của Chúa.

4. “Cả Thánh Gia cùng lên Đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, cùng nhau đọc kinh chung, cùng nhau dâng lễ và cùng nhau sống Lời Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Gia Thất làm gương mẫu cho các gia đình sống ơn gọi nên thánh. Xin cho chúng con biết làm cho sự sống của Thiên Chúa luôn phát triển mạnh mẽ trong gia đình chúng con.Chúng con cầu xin…Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THIÊN CHÚA BA NGÔI, KHUÔN MẪU CHO MỌI GIA ĐÌNH

Gia đình là phần tử nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Gia đình được xây dựng trên tình yêu: tình yêu của vợ chồng với nhau, tình yêu của cha mẹ đối với con cái, và tình yêu của con cái đối với cha mẹ. Tình yêu, tương quan giữa con người với nhau, cần được trân trọng và vun trồng, để đạt tới mức trọn hảo trong Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế chương hai cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng, và cho con người được quyền đặt tên mọi sinh vật. Adam không tìm thấy cái gì thích hợp với mình cho tới khi Thiên Chúa tạo dựng Evà, và dẫn Evà tới gặp Adam. Adam tìm được niềm vui đặc biệt khi được Evà sống bên cạnh làm bạn đồng hành. Người nam và người nữ được tạo dựng, để sống bên nhau và nâng đỡ nhau, để cùng nhau tiến bước về với Thiên Chúa.

Thật đẹp tình yêu giữa người nam và người nữ. Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau. Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc. Họ sống cho nhau và vì nhau. Con cái là tình yêu của hai người, là điểm nối kết hai người, giúp họ sống triển nở và hạnh phúc. Tình yêu và hạnh phúc giữa hai người nam nữ, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và chúc phúc cho con người, cụ thể là hai người đang yêu nhau này. Không ai phá hủy được tình yêu giữa hai người, nếu không phải là chính một trong hai người. Hành vi tội của một trong hai, có thể phá vỡ hạnh phúc của họ.

Sau khi Evà và Adam phạm tội, Adam đã nhìn Evà với một ánh mắt khác, như nguyên nhân làm cho mình trở nên tệ hơn và xa lìa Thiên Chúa: “chính người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi, đã hái trái Ngài cấm đưa cho tôi nên tôi đã ăn”. Adam đã không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Evà. Đúng là Evà có cám dỗ Adam ăn trái cấm, nhưng Adam hoàn toàn tự do. Nếu Adam dứt khoát không ăn, thì Evà đâu có làm gì được ông. Adam ăn, là do chọn lựa của ông, vì Adam tự do!

Tình yêu không chỉ là cảm tính mà còn là hành vi nhân linh. Để thành vợ thành chồng, hai người nam nữ phải chọn nhau suốt đời. Họ muốn chọn nhau ngay cả lúc bệnh hoạn yếu đau, họ chọn nhau lúc vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Tuy nhiên, con người là hữu thể tự do, một hữu thể có thể thay đổi chọn lựa của mình. Hôm nay một người chọn điều này, ngày mai có thể họ lại chọn điều khác. Hai người nam nữ muốn thành vợ thành chồng, họ cũng ý thức thân phận con người mong manh mỏng dòn đó, nhưng họ vẫn muốn tình yêu của họ thành vĩnh cửu, thế nên họ đã thề nguyền chọn nhau cả đời, thề nguyền trọn đời chung thủy với nhau.

Tội là cố tình làm điều xấu. Chính hành vi chọn điều xấu này đã làm biến dạng con người phạm tội, đã làm họ ra khác, trở nên tệ hơn, xấu hơn. Quỷ chính là thiên thần đã muốn độc lập với Thiên Chúa, đã không vâng phục Thiên Chúa, đã từ chối sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Evà đã muốn thành một thần linh không tùy thuộc Thiên Chúa; tuy nhiên không thể là một thần linh mà không tùy thuộc Thiên Chúa vì con người chỉ là tạo vật. Không chấp nhận thân phận thụ tạo, là không chấp nhận chính mình, là muốn phản kháng chống lại Thiên Chúa. Một hành vi như vậy không làm con người triển nở và hạnh phúc; Hành vi đó đã làm biến dạng con người, đã làm họ ra xấu, và làm họ không hạnh phúc; Họ không hạnh phúc với chính họ, và không hạnh phúc với người khác.

Không chung thủy, muốn chọn người khác, là một cám dỗ có thể xảy đến trong đầu của một người đã lập gia đình. Con người được mời gọi để thắng vượt cám dỗ, để là một người vợ người chồng chung thủy và tuyệt vời. Muốn những điều mới lạ, đó là khuynh hướng bình thường của con người; tuy nhiên, con người được mời gọi vươn lên thành người tuyệt vời qua việc thắng vượt chính mình, để người bạn đời là người chồng người vợ và con cái được hạnh phúc hơn. Chung thủy trong đời sống gia đình, là dấu chỉ của một người trưởng thành thật sự.

Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị. Làm sao để hai người mãi yêu nhau? Làm sao để hai vợ chồng tin nhau hơn, trân trọng nhau, quan tâm săn sóc nhau hơn? Có lẽ hai người cần biết rằng tình yêu có thể chết nếu không được vun tưới chăm bón. Nghĩa là, họ có thể mất nhau nếu họ không cố gắng để đẹp hơn mỗi ngày. Nét đẹp về thể lý có thể mai một nhưng nét đẹp về tinh thần có thể được tăng lên với thời gian. Để được vậy, người này phải để ý tới người kia, phải quan tâm đến người bạn mình khi họ vui khi họ buồn, nâng đỡ họ khi họ gặp khó khăn.

Con người, cần được yêu một cách thật cụ thể, chẳng hạn, cần được yêu qua lời nói, qua sự quan tâm săn sóc. Con người cần thấy mình được yêu mỗi ngày. Mỗi người cũng cần cho thấy mình đẹp, mình đáng yêu mỗi ngày. Để được vậy, mỗi người phải tập quên mình, phải tập sống cho người khác, phải tập quan tâm đến người khác, tập săn sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với người khác, tập coi người khác là quan trọng và rất quý đối với mình.

Thiên Chúa là tình yêu. Mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa. Tình yêu nam nữ cũng có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau đến độ tất cả tùy thuộc lẫn nhau. Đức Giêsu luôn lấy Ý Cha làm lương thực và lẽ sống cho mình; Ngài luôn cố gắng lấy Ý Cha làm ý mình. Là một trong thân xác, chưa đủ để duy trì và phát triển tình yêu; con người cần là một trong tâm trí, trong phán đoán, trong chọn lựa giáo dục con cái, trong cách sống ... Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên mẫu và phải là nguyên mẫu của tình yêu gia đình.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

BÍ TÍCH RỬA TỘI (tt)
CHA MẸ ĐỠ ĐẦU

2. Cha Mẹ Đỡ Đầu (vú - bõ, cha mẹ thiêng liêng)

a/ Khái niệm và ý nghĩa

Ngoài cha mẹ là những người hướng dẫn, gương mẫu cho con cái mình trong đời sống đức tin và thực hành đạo, Giáo luật còn nói đến những người đỡ đầu cũng có cùng một trách nhiệm ấy. Điều 872 của Bộ Giáo luật dạy như sau:

Trong mức độ có thể, người sắp lãnh nhận bí tích Rửa tội phải có một người đỡ đầu. Người nầy giúp người thành niên sắp lãnh nhận bí tích Rửa tội trong việc khai tâm Kitô giáo; còn đối với nhi đồng sắp được Rửa tội, thì người đỡ đầu cùng với cha mẹ đưa em đến chịu phép Rửa tội và lo liệu sao cho em sau nầy sống một đời Kitô giáo xứng hợp với bí tích Rửa tội và trung thành chu toàn những nghĩa vụ gắn liền với bí tích ấy (đ.872).

Danh hiệu “đỡ đầu” trong tiếng Việt chúng ta có thể do ám chỉ việc họ nâng đầu của người được rửa tội đang khi thừa tác viên đổ nước. Trong tiếng Anh có nơi người ta dùng từ “sponsor”, có nơi dùng từ “godfather, godmother” hay gọi chung là “godparents”; trong tiếng Latin thì dùng “patrinusmatrina”, những danh từ nầy gợi lên một ý nghĩa mà trong lịch sử của Giáo hội người đỡ đầu cũng chính là người hướng dẫn giáo lý cho người dự tòng, giới thiệu người tân tòng cho thừa tác viên rửa tội, hoặc nơi nào không có thừa tác viên thì chính người hướng dẫn là người rửa tội cho họ. chính vì vậy, điều 872 của bộ giáo luật nhắc tới “người nầy (người đở đầu) giúp người thành niên sắp lãnh nhận bí tích rửa tội trong việc khai tâm Kitô giáo”. Trong ý nghĩa đó những danh từ “godfather”, “godmother”, “godparents” hay “patrinus” và “matrina” là cha mẹ thiêng liêng, người sinh ra con không phải là thể xác nhưng sinh ra con trong đời sống đức tin và nuôi dưỡng họ trong đời sống thiêng liêng. Cho nên chúng ta gọi người đỡ đầu là cha mẹ thiêng liêng thì thật là gần gũi. 

b/. Những điều kiện để làm cha mẹ đỡ đầu

Vì là người hướng dẫn cho con đỡ đầu của mình tăng trưởng trong đời sống đức tin và thực hành trong đời sống đạo, nên điều 874 của bộ giáo luật đưa ra một số những điều kiện cốt để bảo đảm những đòi hỏi tối thiểu mà chu toàn bổn phận nầy. Những điều kiện đó là:

1)    Phải được chọn lựa bởi chính người sắp được rửa tội, hay cha mẹ của đương sự hoặc người thế quyền cha mẹ, nếu không có cha mẹ và người thế quyền thì cha sở hay thừa tác viên rửa tội sẽ chọn lựa. Người được chọn phải có khả năng và chủ ý thi hành nhiệm vụ đỡ đầu.

2)    Đã được mười sáu tuổi trọn, trừ khi giám mục giáo phận ấn định tuổi khác, hoặc cha sở hay thừa tác viên thấy có thể nhận một ngoại lệ vì lý do chính đáng.

3)    Phải là người Công giáo, đã chịu bí tích Thêm sức và bí tích Mình Thánh, lại có đời sống xứng hợp với đức tin và chức vụ sắp lãnh nhận.

4)    Không mắc một hình phạt giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố hợp lệ.

5)    Không phải cha hay mẹ của người được rửa tội.

6)    Người nào đã được rửa tội nhưng thuộc về một giáo đoàn không Công giáo thì chỉ được nhận cùng với một người đỡ đầu Công giáo, và với tư cách chứng nhân của bí tích Rửa tội mà thôi.

c/. Một vài lưu ý

Ngày nay (luật 1983), không còn cấm các giáo sĩ, tu sĩ làm cha mẹ đỡ đầu nữa. Tuy nhiên, là giáo sĩ hay tu sĩ thì sẽ được thuyên chuyển đi nơi nầy nơi khác, không ở cố định một nơi sẽ khó gần gũi con đỡ đầu, cũng như đa đoan nhiều công việc nên sẽ khó chu toàn trong bổn phận là nâng đỡ hay hướng dẫn con đỡ đầu của mình trong đời sống thiêng liêng tốt được. Nên cũng khuyên nhủ giáo sĩ hay tu sĩ từ chối vai trò cha mẹ đỡ đầu nầy.

Việc chọn cha mẹ đỡ đầu cũng không buộc phải cùng phái với con đỡ đầu, nghĩa là khác phái cũng được. Nói cách khác, không hề đòi hỏi phải người nam đỡ đầu cho người nam và người nữ đỡ đầu cho người nữ.

Ngoài ra, luật hiện hành không còn ngăn trở hôn nhân do việc đỡ đầu (cognatio spiritualis) như luật 1917 nữa (cha mẹ thiêng liêng và con đỡ đầu). Tuy nhiên vì nền văn hoá Á Đông thì việc nầy chẳng đặng làm tí nào! 

TRANG LINH MỤC

TÂN PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố vào cuối tháng 10.2014 kêu gọi các thành phần dân Chúa nỗ lực thực hiện việc Tân Phúc  m hoá đời sống của cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ. Theo lời kêu gọi trên, linh mục phụ trách giáo xứ là những người trước tiên lãnh trách nhiệm Phúc  m hoá đời sống giáo xứ của mình. Linh mục có thể chu toàn trách nhiệm đó bằng ba cách khác nhau như sau:

1. Cách thứ nhất là Phúc Âm hoá đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu:

1.1. Xây dựng đời sống của người tín hữu trên nền giáo dục toàn diện, gồm bốn phương diện, mang bốn chữ H như sau:

* Head: Mở rộng kiến thức, nâng cao óc phán đoán và sáng tạo;

* Health: Phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần;

* Hands:  Đắc thủ kỷ năng văn hoá, lịch sử, kinh tế, chính trị;

* Heart: Rèn luyện nhân cách có con tim mở rộng;

(theo lời khuyên của bài thơ: “Hãy Dành Thời Giờ”)

1.2. Phúc  m hoá đời sống theo con đường yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. (xem 20 Mầu Nhiệm Mân Côi)

2. Cách thứ hai là Phúc  m hoá đời sống và sinh hoạt của gia đình trong giáo xứ:

2.1. Xây dựng gia đình thành cái nôi của sự sống, thành mái ấm tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục nên người tốt và hữu ích, thành thành trì bảo vệ phẩm giá con người.

2.2. Xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội, củng cố nội lực gia đình vượt qua những tệ nạn xã hội, học tập gương Thánh Gia Thất, coi trọng thánh ý Thiên Chúa hơn là những tính toán của riêng mình.

3. Cách thứ ba là Phúc  m hoá các sinh hoạt, hội họp, công tác của các tổ chức trong giáo xứ, cách riêng của hội đồng giáo xứ (HĐGX), của các nhóm tín hữu, của cộng đoàn giáo xứ. Phúc  m hoá đời sống giáo xứ có nghĩa là đưa ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an của Lời Chúa, của Tin Mừng, vào trong đời sống và mọi sinh hoạt của các tổ chức trong giáo xứ, của cộng đoàn giáo xứ.

Lời Chúa được ghi trong Sách Thánh. Lời Chúa còn là lời Chúa nói qua các biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá đạo đức. Lời Chúa bày tỏ ý Chúa muốn người tín hữu trước hết và trên hết phải mến Chúa yêu người.

Mến Chúa như ý Chúa muốn là sống hiếu thảo thuận thục và phó thác theo gương Thánh Gia Thất.

Yêu người như ý Chúa muốn là đối xử với nhau với tình huynh đệ hiệp thông và trân trọng phẩm giá cùng các quyền con người.

Yêu người như ý Chúa muốn là yêu thương nhau không chỉ bằng công tác từ thiện xã hội, song còn giúp nhau đưa ánh sáng Lời Chúa vào trong các tổ chức giáo xứ, trong đời sống giáo xứ, đồng hành với nhau đi đến sự sống dồi dào.

Yêu người như ý Chúa muốn còn là cải thiện và thăng tiến phẩm giá con người, đặc biệt người lao động đang lâm vào tình cảnh con người là mục đích phát triển bị biến thành phương tiện sản xuất.

Yêu người còn đòi hỏi lòng tự trọng và trung thực, liên kết với nhau xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, góp phần phát triển và thăng tiến xã hội. Nếu là nhà sản xuất: Không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, sản phẩm hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Nếu là người tiêu thụ: Người VN ưu tiên dùng hàng VN.

Yêu người còn là giúp nhau tôn trọng quyền làm người, cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Linh mục có thể sử dụng bốn cách khác nhau giúp cộng đoàn Phúc  m hoá đời sống giáo xứ:

1. Chú giải Lời Chúa trong các sinh hoạt phụng tự, đạo đức.

2. Giúp các tổ chức trong giáo xứ, HĐGX, các nhóm, cộng đoàn, cùng cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa.

3. Giúp gia đình giữ giờ kinh tối chung, suy niệm Lời Chúa, ngắn gọn, đưa vào thực hành trong đời sống thường ngày.

4. Giúp cá nhân, gia đình và các cộng đoàn suy niệm 20 Mầu Nhiệm Mân Côi như lời kinh xin ơn Phúc  m hoá đời sống yêu thương, phục vụ, đổi mới của Chúa Giêsu. Thực hiện việc suy nhiệm này theo từng cá nhân hoặc chung trong gia đình, trong các tổ chức giáo xứ, HĐGX, trong lớp giáo lý, trong nhóm, trong cộng đoàn của mình…

Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn

TRANG TU SĨ

NOI GƯƠNG THÁNH GIA

Gia đình là nền tảng của xã hội và của Giáo hội. Không thể nào có một xã hội tốt đẹp, một Giáo hội thánh thiện nếu không có những gia đình đạo đức thánh thiện.

Gia Đình Thánh Gia đã trở thành mẫu gương cho các gia đình Kitô giáo noi theo: Thánh Giuse luôn vâng theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, lao động vất vả trong âm thầm khiêm nhu để bảo vệ che chở cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu tránh khỏi những thế lực toan tính của con người, ngài xứng đáng là trụ cột của gia đình; Mẹ Maria dịu hiền chu đáo chăm lo cho gia đình bằng tình yêu và sự khéo léo của người vợ - người mẹ; Chúa Giêsu “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan” Người luôn vâng lời Cha Mẹ và nghe theo sự dẫn dắt của các ngài. Gia Đình Thánh Gia tuy sống trong nghèo khó thử thách trăm chiều nhưng nhờ có tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau, nên Thánh Gia trên thuận dưới hòa, ấm êm hạnh phúc trong ân nghĩa với Thiên Chúa.

Một lần trên đường đi công tác mục vụ tôi tình cờ gặp hai em bé đi bán vé số, áo quần xốc xếch, chân không mang dép đi giữa trời trưa nắng mong có thể bán kịp xấp vé số trước giờ sổ số.  Nhìn hai đứa bé ai cũng mủi lòng, thương các em tuổi còn quá nhỏ nhưng đã sớm va chạm với cuộc sống nhiều gian khổ: em gái lớn chỉ mới 11 tuổi, và em trai nhỏ vừa tròn 7 tuổi. Thấy hai em mặt mày bừng đỏ vì cái nóng của trời nắng, bước chân liêu xiêu vì đói mệt, tôi vội tìm một quán ăn nhỏ bên đường để mua gì đó cho các em ăn đỡ đói. Trong khi chờ đợi thức ăn đưa đến, tôi ân cần hỏi chuyện các em:

- Hai đứa con có đói lắm bụng không? Con chờ chút chủ quán sẽ mang thức ăn đến liền!

- Dạ, đói. Sáng nay bà ngoại bị bệnh nên hai chị em con vẫn chưa có ăn gì.

Tôi nhờ chủ quán làm cho hai tô hủ tiếu mang đến cho các em, cặp mắt của cậu bé trai sáng quắc hạnh phúc, nhưng cô chị thì có vẻ ngần ngại:

- Dì ơi, tụi con không có nhiều tiền để ăn hủ tiếu như vậy đâu.

- Không sao đâu, Dì mời hai con mà. Hai đứa cứ ăn cho no rồi mới có sức đi bán tiếp chứ.

- Dạ, con cám ơn Dì.

Lúc đầu các em còn tỏ ra ngần ngại nhưng một lúc sau các em có vẻ cởi mở hơn. Hỏi ra mới biết là hai chị em ruột, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cha mẹ bỏ nhau nên hai chị em về sống với bà ngoại tuổi đã cao. Cuộc sống chật vật lại thêm tuổi già sức yếu nên bà ngoại đành phải để hai cháu nghỉ học đi bán vé số tìm lo miếng cơm qua ngày...

Có lẽ đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đau thương của xã hội hôm nay, những cảnh tượng gia đình tan vỡ, rạn nứt do cha mẹ ly dị, sống lang bang, bất hòa chia rẽ... đã làm con cái bị tổn thương tâm lý, tinh thần và mất đi tình yêu thương của cả cha và mẹ. Đó cũng là nguyên nhân của những trẻ em phạm pháp, lang thang, bụi đời... Thương làm sao những em thơ vô tội phải là nạn nhân của cho những ích kỷ mà bậc làm cha mẹ đã gây ra. Tương lai của các em sẽ như thế nào nếu cuộc sống như thế cứ dần trôi qua? Quan trọng hơn là đời sống đức tin của các em sẽ ra sao khi cha mẹ là trụ cột đã bị lung lay? Nền tảng đạo đức đã không còn thì con người sẽ đi về đâu?...

Mong sao cho các gia đình, đặc biệt các gia đình Công giáo chúng ta biết xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, biết noi gương Gia Đình Thánh Gia sống hòa thuận yêu thương: người chồng biết noi gương Thánh Giuse, luôn sống đạo đức và thực hiện thánh ý Chúa, chăm lo cho gia đình; người vợ biết noi gương Mẹ Maria, luôn chung thủy trong tình yêu, biết hy sinh cho gia đình, cho chồng và con; những người làm con, biết noi gương Chúa Giêsu, vâng lời thảo hiếu với cha mẹ, chăm chỉ học hành... để góp phần xây dựng và phát triển Gia Đình Giáo Hội ngày thêm thánh thiện và hiệp nhất.

MTG Cái Nhum

GIA ĐÌNH CÓ CHÚA

Câu chuyện từ một gia đình:

Vào một buổi chiều sau khi tan lớp giáo lý, vừa về tới phòng, tôi đã thấy có người ngồi đợi mình. Thì ra, đó là Xuân, một giáo dân của họ đạo, người đã làm đám cưới cách đây không lâu. Vừa nhìn thấy tôi, Xuân đã òa khóc như mưa. Tôi ngồi xuống và cứ để cho cô khóc. Một lúc sau, khi đã hết xúc động, Xuân bắt đầu nói về cuộc sống gia đình sau khi cưới.

Đó là một cuộc sống không mấy dễ chịu giữa vợ chồng cô vì nhiều lý do như: sự vụng về, không khéo nấu ăn của người vợ, sự phục vụ không chu đáo của cô sau khi chồng đi làm về mệt, sự cáu gắt của cô những lúc chồng say mèm sau những bữa tiệc vui chơi với bạn bè, sự lạnh nhạt đến vô tình của chồng - thường vắng nhà mà không đoái hoài tới cô… và, cuối cùng là việc vợ chồng cô muốn kết thúc cuộc sống chung dù cô đang mang thai tháng thứ sáu, còn người chồng thì đang theo đuổi mối tình mới. Hiện tại, cô đã về nhà cha mẹ và chờ ngày ra tòa ly dị.

Câu chuyện gia đình mang tên “Thánh Gia”:

Tại làng quê nghèo Nazareth, xứ Palestine, có một cô thôn nữ tên là Maria…

Đó là câu chuyện của một gia đình Thánh mà bất cứ người Công Giáo nào cũng phải nằm lòng. Không cần kể hết, chúng ta cũng biết điều gì đã xảy ra tiếp sau đó về gia đình thật sự hạnh phúc, thật sự thánh thiện, gương mẫu và hoàn hảo của Thánh Gia – Gia đình Nazareth: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Gia đình Ba Đấng Thánh là một gia đình hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện trong đời sống. Tình yêu mà các Ngài dành cho nhau là một thứ tình yêu thuần khiết, luôn luôn chan hòa và đầy lòng kính trọng; đặc biệt, tình yêu đó luôn hướng về Cha trên trời và làm vinh danh Người. Gương thánh thiện nhân đức của các Ngài xuất phát từ lòng kính mến một Thiên Chúa vô cùng tốt lành và đầy lòng thương xót. Lòng tín thác và sự tuân phục ý Chúa của các Ngài đáng cho mọi đời ca tụng.

Thật vậy, dù phải trả giá rất đắt cho tình yêu và sự tuân phục đó, các Ngài vẫn một lòng trung kiên với Thiên Chúa.

- Mẹ Maria: trong thinh lặng và suy gẫm, Mẹ đã dùng cả cuộc đời với những đêm tối dai dẳng của đức tin khi mang thai, sinh Con Chúa, nuôi dưỡng Người, theo Con trên những chặng đường đau khổ, rồi cái chết nhục nhã của con yêu dấu trên thập hình… để đổi lấy sự vâng phục tuyệt hảo nhất với Thiên Chúa là Đấng Mẹ hết dạ tôn thờ, yêu mến, tin tưởng và phó thác.

- Chúa Giêsu: dù là Con Thiên Chúa, Người đã từ khước tất cả, trở nên một con người yếu đuối như chúng ta, sống kiếp phàm nhân và cuối cùng đã dùng chính cái chết chỉ vì vâng phục Chúa Cha và làm theo Thánh ý Người là cứu rỗi nhân loại. Tình yêu của Người vượt xa tình yêu con người chúng ta, vì tình yêu đó đến từ Thiên Chúa, một Thiên Chúa chỉ biết yêu và không bao giờ phản bội.

- Thánh Giuse: một người công chính và luôn tuân giữ luật Chúa. Ngài đã chiến thắng con người tự nhiên của mình để chỉ đón nhận và làm theo ý Chúa (khi định tâm lìa bỏ Mẹ Maria). Trong âm thầm và nghèo khó, Ngài đã giữ gìn, bảo vệ Con Chúa và Mẹ Người cách cẩn mật. Trọn cuộc đời Ngài là lời xin vâng trong âm thầm và khiêm tốn, bên cạnh Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Cũng là một gia đình như bao gia đình nhân loại khác, cũng trải qua biết bao gian nan, thử thách… nhưng Thánh Gia đã để cho Thiên Chúa làm chủ và hướng dẫn, nên không bao giờ vắng bóng tình yêu Chúa. Chính nơi gia đình tốt lành này, Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian, đã được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng bằng chính tình yêu của cha mẹ trần gian, để rồi qua đó, tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ cho nhân loại. Thánh Gia xứng đáng là gia đình mà Thiên Chúa muốn, là “Gia đình của Thiên Chúa”.

Dựa vào những tiêu chuẩn vừa nêu nơi Thánh gia, chúng ta có thể hiểu được lý do gia đình mình hay bao nhiêu gia đình khác, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay: dễ dàng đổ vỡ khi gặp bất trắc trong đời sống. Gia đình cô Xuân trong câu chuyện trên đây là một điển hình. Nếu như có tình yêu trong gia đình, thì người chồng sẽ dễ dàng kiên nhẫn với sự vụng về cuả vợ, và người vợ cũng dễ dàng nhẫn nhịn, phục tùng, cố gắng và hy sinh nhiều hơn… Trên hết là vì gia đình không để cho Chúa hiện diện trong mọi hoạt động của mình.

Trong Mùa Vọng và hướng tới lễ Chúa Giáng Sinh - nhất là trong thời điểm “Năm Phúc  m hóa đời sống Gia đình” đang khép lại – chúng ta hãy năng ngắm nhìn máng cỏ ở Belem, nơi có Thánh Gia hiện diện, để suy gẫm và học hỏi, để xin các Ngài chỉ dẫn, nâng đỡ và phù giúp gia đình chúng ta còn thiếu tình yêu và vắng bóng sự hiện diện của Thiên Chúa.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

Đời Thánh Hiến Là Hồng Ơn Qúy Giá Cho Giáo Hội Và Thế Giới

(VietCaholic News 17-08-2014) Tại Hội Trường của Cộng Ðồng Kkottognae, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với khoảng 5,000 nam nữ tu sĩ, đại diện các hội dòng Công Giáo tại Hàn Quốc . Trong buổi gặp gỡ này, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:

"Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

"Cha xin chào hỏi anh chị em tất cả với tâm tình âu yếm trong Chúa. Quả là điều tốt đẹp được hiện diện với anh chị em hôm nay và được chia sẻ các giờ phút hiệp thông này. Tính đa dạng lớn lao trong các đặc sủng và việc tông đồ, mà anh chị em đại diện, đang làm đời sống của Giáo Hội tại Ðại Hàn và nhiều nơi khác phong phú một cách kỳ diệu... Cha cám ơn anh chị em và tất cả các anh chị em của anh chị em, về các cố gắng xây dựng Nước Thiên Chúa tại xứ sở thân yêu này...

"Lời Thánh Vịnh: 'Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn' (Tv 73:26) mời gọi chúng ta suy nghĩ về chính cuộc sống của mình. Thánh vịnh gia tiết ra một niềm tin tưởng hân hoan vào Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết rằng dù niềm vui không được phát biểu cùng một cách ở mọi lúc trong đời, nhất là lúc gặp khó khăn lớn lao, nhưng "nó vẫn luôn tồn tại, dù chỉ lấp loé, phát sinh từ niềm chắc chắn bản thân của ta rằng, xét cho cùng, ta được Thiên Chúa yêu thương vô hạn" (Evangelii Gaudium, 6). Niềm xác tín được Thiên Chúa yêu thương nằm ở ngay tâm điểm ơn gọi của anh chị em: trở thành cho người khác dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, một sự nếm trước các niềm vui thiên đàng vĩnh cửu. Chỉ khi nào chứng tá của ta vui tươi, ta mới lôi cuốn được những con người nam nữ cho Chúa Kitô. Và niềm vui này là một hồng phúc cần nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm lời Thiên Chúa, cử hành các bí tích và cuộc sống cộng đoàn. Điều này rất quan trọng. Thiếu những điều này, các yếu đuối và khó khăn sẽ diễn ra làm tan biến niềm vui mà chúng ta đã biết ở lúc bắt đầu cuộc hành trình.

"Đối với anh chị em, những người nam nữ tận hiến cho Thiên Chúa, niềm vui này bắt rễ trong mầu nhiệm thương xót của Chúa Cha đã được mạc khải trong lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Bất kể các đặc sủng của anh chị em hướng anh chị em vào chiêm niệm nhiều hơn hay vào đời hoạt động nhiều hơn, anh chị em vẫn bị thách thức trở thành "các chuyên viên" về lòng Chúa Thương Xót qua cuộc sống của anh chị em trong cộng đoàn. Do kinh nghiệm, cha biết rằng cuộc sống cộng đoàn không luôn dễ dàng, nhưng nó là cơ sở huấn luyện mà Chúa quan phòng đã dành cho trái tim chúng ta. Không chờ đợi tranh chấp là điều không thực tiễn chút nào; các hiểu lẩm sẽ xẩy ra và cần được đối phó. Bất chấp các khó khăn này, chính trong cuộc sống cộng đoàn, chúng ta được mời gọi lớn lên trong từ bi, nhẫn nhịn và bác ái hoàn toàn.

"Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và cộng đoàn, phải lên khuôn tất cả những gì anh chị em là và anh chị em làm. Ðức khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời của anh chị em sẽ là chứng tá hân hoan cho tình yêu Thiên Chúa bao lâu anh chị em đứng vững trên tảng đá lòng Người thương xót. Nó là tảng đá. Nhất định đúng như thế với đức vâng lời. Việc vâng lời trưởng thành và đại lượng đòi anh chị em phải bám vào việc cầu nguyện với Chúa Kitô, Đấng, khi mặc lấy thân phận tôi trung, đã học vâng lời nhờ những gì Người chịu đau khổ (xem Perfectae Caritatis, số 14). Không có đường tắt: Thiên Chúa muốn trái tim ta cách trọn vẹn và điều này có nghĩa ta phải "để ta đi" và "đi ra ngoài" chính ta mỗi ngày mỗi hơn.

"Một cảm nghiệm sống động về lòng thương xót vững bền của Chúa cũng nâng đỡ uớc mong đạt được sự hoàn hảo về đức ái vốn phát sinh từ một tâm hồn trong sạch. Sự trong sạch nói lên sự toàn tâm toàn trí tận hiến cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng vốn là "sức mạnh của trái tim ta". Tất cả chúng ta đều hiểu việc này hàm ẩn một dấn thân có tính bản thân và đòi hỏi đến chừng nào. Các cám dỗ trong lãnh vực này đòi ta phải khiêm nhường tin tưởng vào Thiên Chúa, phải tỉnh táo và kiên tâm. [...]

"Nhờ lời khuyên tin mừng về nghèo khó, anh chị em có khả năng nhận ra lòng thương xót của Chúa không những như nguồn sức mạnh mà còn như một kho tàng. Xem ra như mâu thuẫn nhưng sống nghèo khó quả có nghĩa đã tìm ra một kho tàng. Ngay khi ta mệt mỏi, ta vẫn có thể dâng lên Người trái tim nặng chĩu tội lệ và yếu đuối của ta; vào những lúc ta cảm thấy bất lực nhất, ta vẫn có thể vươn tới Chúa Kitô, "Đấng đã tự làm ra nghèo để ta được nên giầu" (xem 2Cor 8:9). Nhu cầu căn bản này của ta muốn được tha thứ và chữa lành tự nó đã là một hình thức nghèo khó mà ta không bao giờ nên quên, bất kể ta đã tiến bộ bao xa về nhân đức. Cũng nên tìm ra cách phát biểu cụ thể lối sống của anh chị em, cả như các cá nhân lẫn như các cộng đoàn. Cha nghĩ cách riêng tới nhu cầu phải tránh né tất cả những gì làm phân tâm anh chị em và tạo nơi người khác sự ngỡ ngàng và tai tiếng. Trong cuộc sống tận hiến, nghèo khó vừa là "tường" vừa là "mẹ". Là tường vì nó che chở cuộc sống tận hiến, là mẹ vì nó giúp cuộc sống này lớn lên và hướng dẫn nó tiến thao đường nẻo chính trực. Sự giả hình của những người tận hiến nam nữ khấn hứa nghèo khó mà lại sống như người giầu sẽ làm linh hồn tín hữu bị thương và gây hại cho Giáo Hội. Anh chị em cũng hãy nghĩ về việc sẽ là một cám dỗ nguy hiểm xiết bao khi chấp nhận một não trạng chỉ hoàn toàn có tính chức năng, theo trần đời dẫn ta tới chỗ đặt hy vọng vào các phương thế nhân bản mà thôi và tiêu diệt mất chứng tá nghèo khó mà Chúa Giêu Kitô của chúng ta đã sống vã đã dạy dỗ ta [...]

"Anh chị em thân mến, với lòng khiêm nhường lớn lao, anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể làm được để chứng minh rằng đời sống tận hiến là hồng ơn qúy gía đối với Giáo Hội và đối với thế giới. Đừng giữ nó cho anh chị em; hãy chia sẻ nó, bằng cách đem Chúa Kitô tới mọi ngõ ngách của xứ sở thân yêu này. Hãy để niềm vui của anh chị em tiếp tục tìm được biểu thức trong các cố gắng của anh chị em nhằm lôi cuốn và nuôi dưỡng các ơn gọi, và thừa nhận rằng mọi người anh chị em đều có phần trong việc đào tạo các người nam nữ tận hiến của ngày mai [...] Bất kể anh chị em hiến thân cho chiêm niệm nhiều hơn hay cho đời sống tông đồ nhiều hơn, anh chị em hãy nhiệt thành trong tình yêu đối với Giáo Hội tại Ðại Hàn và ước nguyện được đem các đặc sủng riêng của anh chị em đóng góp vào sứ mệnh công bố Tin Mừng và xây dựng dân Chúa của Giáo Hội này trong hợp nhất, thánh thiện và yêu thương.

"Phó thác tất cả anh chị em, và cách riêng, các thành viên già nua và bệnh hoạn trong các cộng đoàn của anh chị em cho sự chăm sóc yêu thương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, cha thân ái ban phép lành của cha làm bảo chứng ơn thánh và bình an bền vững trong Chúa Giêsu, Con trai ngài".

Vũ Văn An

TRANG THIẾU NHI

THÁNH GIA - GIA ĐÌNH GƯƠNG MẪU

Mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể và Nhập Thế là hai trong ba mầu nhiệm căn bản quan trọng của đạo Công giáo. Nhắc đến hai mầu nhiệm này mà ta không nói đến gia đình Thánh Gia là một thiếu sót lớn.

Con Thiên Chúa đến với con người trong khung cảnh một gia đình như bao nhiêu con người khác. Gia đình này hạnh phúc không phải vì tiền của. Gia đình này hạnh phúc không phải vì quyền cao chức trọng. Gia đình này hạnh phúc cũng không phải được nhiều người kính nể hay trọng vọng. Gia đình này hạnh phúc chỉ vì gia đình này có Chúa ở cùng.

Để được có Chúa ở cùng những thành viên trong gia đình này đã biết lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực cho đời sống của mình.

Với Chúa Giêsu: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4:34)

Với Đức Mẹ: "Này tôi là tôi tớ Chúa tôi xin vâng như lời thiên thần truyền" (Lc 1, 38)

Với Thánh Giuse: "Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy (Mt 1, 24)

Những câu Kinh Thánh này muốn gợi lên để ta thấy được trọn cả đời của Ba Đấng là sống theo thánh ý Chúa Cha. Đó là con đường gần nhất và cũng là cần thiết để gia đình Thánh gia giữ được sự hạnh phúc.

Ngày nay, có nhiều gia đình  Công giáo dù thời gian sống với nhau chưa được lâu nhưng đã có nhiều nảy sinh làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình. Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng có thể nói không có Chúa ở cùng đã dẫn đến nhiều nguy cơ tan vỡ hạnh phúc.

Họ không giữ được trọn vẹn lời cam kết của mình trước Chúa và Hội thánh. Họ không ghi nhớ được lời Chúa nói với họ ngày thành hôn:" Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly". Từ đó, tính ích kỷ và sự tự ái đã nảy sinh và dần dần làm chủ cuộc đời họ.

Chiêm ngắm kỷ hơn ta thấy một sự gian nan cực khổ của đời sống gia đình và những gì kém may mắn hầu như đã có mặt đầy đủ nơi gia đình Thánh gia. Chính Lời Chúa đã gìn giữ gia đình Thánh gia và giúp các ngài vượt qua khó khăn thử thách. Ước gì các gia đình trẻ Công giáo ngày nay cũng biết nhìn vào gương mẫu của gia đình Thánh gia để đón Chúa và gìn giữ Chúa ở với mình. Nhờ đó gia đình của họ cũng sẽ luôn hạnh phúc như gia đình Thánh gia

LỜI NÊN NÓI THAY VÌ DỌA, KHI DẠY CON

Bạn muốn con bạn đi ngủ và nằm ngoan trên giường, thay vì dọa: ‘Ra khỏi giường là mẹ chặt chân đấy’, hãy nói: ‘Mẹ vui vì con nằm ngoan trên giường'. Lý do câu nói này tốt hơn lời đe dọa: Bé biết rõ ràng kỳ vọng của mẹ và làm thế nào để được mẹ vui.

- Nếu bạn muốn: Bé ăn bốc hết rau xanh trong bát

- Đừng dọa: Ngồi yên trên bàn cho đến khi nào ăn hết rau mới được xuống.

- Thử nói: Con không ăn hết thì sẽ không còn bữa phụ nào, từ giờ tới lúc đi ngủ.

- Lý do: Nó nhắc bé rằng, chẳng có món nào thay thế món này cả. Nhưng bé vẫn có quyền được chọn hoặc là ăn hoặc là không ăn thêm nữa.

- Nếu bạn muốn: Bé đánh răng.

- Đừng dọa: Không đọc "chuyện chiếc" gì cả nếu con không đánh răng.

- Thử nói: Sắp đến giờ ngủ rồi. Mẹ con mình phải làm gì trước giờ đi ngủ nhỉ?

- Lý do: Nó nhắc bé về thói quen đánh răng trước giờ ngủ mà không bị phạt.

- Nếu bạn muốn: Bé ngoan khi đi siêu thị.

- Đừng dọa: Con cứ chạy lung tung đi rồi mẹ để con lại ở đây luôn đấy.

- Thử nói: Hãy giúp mẹ tìm chai nước mắm nào.

- Lý do: Giúp bé xao lãng hành vi tiêu cực và cung cấp cho bé một việc tích cực để làm.

- Nếu bạn muốn: Bé hỏi thay vì 'lè nhè chè thiu'.

- Đừng dọa: "Lè nhè nữa là mẹ khâu mồm lại đấy".

- Hãy thử: Mẹ chỉ hiểu con muốn gì nếu con nói rõ cho mẹ biết thôi.

- Lý do: Cho phép bé biết mẹ đang quan tâm đến những gì bé nói và mẹ không chấp nhận chuyện khóc lóc ỉ ôi.

- Nếu bạn muốn: Bé thu dọn đồ chơi.

- Đừng dọa: Con phải nhịn bữa tối nếu không dọn sạch phòng.

- Thử nói: Dọn dẹp đồ chơi của con đi. Con có thể dọn trước hoặc sau bữa tối.

- Lý do: Bé hiểu rõ ràng yêu cầu của mẹ nhưng bé cũng được lựa chọn.

- Nếu bạn muốn: Bé không gây mất trật tự trên xe.

- Đừng dọa: Con còn gây ồn ào nữa là mẹ cho về nhà đấy.

- Thử nói: Mẹ không thể lái xe nếu con làm mẹ mất tập trung như thế.

- Lý do: Nó cho bé biết giới hạn và hậu quả hành vi của mình.

Chúc bạn thành công!

Nhất Việt
Nguồn: nhatvietedu.vn

TRANG GIỚI TRẺ

 Bài Giáo Lý X Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh Là Thân Thể Đức Kitô

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ mười của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 19 tháng 6 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi sẽ chú tâm vào một biểu thức mà Công Đồng Vaticanô II dùng để biểu thị bản chất của Hội Thánh: đó thân thể, Công Đồng nói rằng Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (x. Lumen Gentium, 7).

Tôi muốn bắt đầu từ một đoạn văn của sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết rõ: việc trở lại của ông Saolô, người sau đó được gọi là Phaolô, một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất (x. Cv 9:4-5).  Ông Saolô là một kẻ bách hại các Kitô hữu, nhưng trong khi ông đang trên đường đến thành Đamascô, bỗng nhiên một luồng ánh sáng bao bọc ông, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói: “Saolô, Saolô, sao ngươi bách hại Ta?”.  Ông hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”.  Và giọng nói trả lời: “Ta là Giêsu, Đấng mà ngươi đang bách hại” (câu 3-5). Kinh nghiệm này của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự liên kết giữa các Kitô hữu và Đức Kitô thắm thiết thế nào.  Khi Chúa Giêsu lên trời, Người không để chúng ta mồ côi, nhưng với hồng ân Chúa Thánh Thần, sự kết hợp của chúng ta với Người đã trở nên thắm thiết hơn. Công đồng Vaticanô II nói rằng Chúa Giêsu“qua việc thông truyền Thánh Thần của Người cho các anh em của Người, tụ tập từ mọi dân tộc, Người làm cho họ một cách mầu nhiệm thành thân thể của Người” (Hiến Chế Tín Lý. Lumen Gentium, 7).

Hình ảnh thân thể giúp chúng ta hiểu mối liên hệ sâu xa này giữa Hội Thánh và Đức Kitô, mà thánh Phaolô đã đặc biệt khai triển trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô (x. ch. 12). Trước hết, thân thể làm cho chúng ta lien tưởng đến một thực tại sống động.  Hội Thánh không phải là một hội từ thiện, văn hóa hay chính trị, nhưng là một thân thể sống động, hành trình và hành động trong lịch sử.  Và thân thể này có một đầu, là Chúa Giêsu, Đấng hướng dẫn nó, nuôi nấng nó và nâng đỡ nó.  Đây là một điểm tôi muốn nhấn mạnh: nếu đầu bị tách ra khỏi phần còn lại của thân thể thì toàn thể con người không còn có thể sống được.Vì vậy, chính trong Hội Thánh, chúng ta phải luôn liên kết mật thiết hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu. Nhưng không chỉ có thế: như một thân thể điều quan trọng là các mạch máu phải luân chuyển trong đó, cho nên chúng ta phải để cho Chúa Giêsu hoạt động trong chúng ta, để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta, để cho sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể nuôi nấng chúng ta, linh động hóa chúng ta, để cho tình yêu của Người củng cố tình yêu tha nhân của chúng ta.  Và điều đó phải luôn luôn! Luôn luôn, luôn luôn!  Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta hãy tín thác nơi Người, chúng ta hãy định hướng đời mình theo Tin Mừng, nuôi dưỡng mình bằng cầu nguyện hàng ngày, bằng lắng nghe Lời Chúa và tham dự các Bí Tích.

Và ở đây tôi đi đến một bình diện thứ nhì của Hội Thánh như Thân Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng như các chi thể của thân thể con người, mặc dù khác nhau và nhiều, hợp thành một thân thể, vì vậy tất cả chúng ta đã được được rửa tội vào một thân thể duy nhất bởi cùng một Chúa Thánh Thần (x. 1 Cor 12:12-13).  Do đó, trong Hội Thánh, có nhiều nhiệm vụ và chức năng đa dạng; không có sự đồng nhất tẻ nhạt, nhưng có sự phong phú của những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban phát.  Nhưng có sự hiệp thông và hiệp nhất: tất cả đều liên hệ với nhau và tất cả kết hợp để tạo thành một thân thể quan trọng duy nhất, liên kết mật thiết với Đức Kitô.  Chúng ta hãy nhớ rõ: là một phần tử của Hội Thánh có nghĩa là được kết hợp với Đức Kitô và nhận được từ Người sự sống thần linh là sự sống làm cho chúng ta sống như Kitô hữu, nghĩa là luôn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, là công cụ của sự hiệp nhất và hiệp thông; điều này cũng có nghĩa là học cách thắng vượt chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, để hiểu nhau hơn, để hòa hợp sự đa dạng và phong phú của mỗi người; tóm lại, để yêu mến Thiên Chúa và những người lân cận chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ, trong các đoàn thể, hơn.  Để sống, thân thể và các chi thể phải thống nhất! Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột! Các xung đột, nếu không được giải quyết một cách tốt đẹp, sẽ tách biệt chúng ta khỏi nhau, tách biệt chúng ta khỏi Thiên Chúa.  Xung đột có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng cũng có thể chia rẽ chúng ta.  Chúng ta đừng đi theo con đường chia rẽ, con đường tranh chấp giữa chúng ta!  Tất cả hãy hiệp nhất, tất cả hiệp nhất với những khác biệt của mình, nhưng thống nhất, luôn luôn: đây là con đường của Chúa Giêsu.  Sự hiệp nhất luôn luôn hơn các xung đột.  Sự hiệp nhất là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin từ Chúa, để Người giải thoát chúng ta khỏi những cám dỗ về chia rẽ, khỏi những tranh chấp giữa chúng ta, khỏi tính ích kỷ và ngồi lê mách lẻo.  Việc nói hành nói xấu nguy hại biết bao, nguy hại biết bao!  Đừng bao giờ nói chuyện của người khác, đừng bao giờ!  Những chia rẽ giữa các Kitô hữu, tinh thần bè phái, những tư lợi nhỏ nhen, đã gây cho Hội Thánh không biết bao nhiêu là thiệt hại!

Những chia rẽ giữa chúng ta, nhưng còn những chia rẽ giữa các cộng đồng: các Kitô hữu Tin Lành, các Kitô hữu Chính Thống, các Kitô hữu Công Giáo, tại sao chúng ta lại chia rẽ?  Chúng ta phải cố gắng để mang lại sự hiệp nhất.  Tôi sẽ nói với anh chị em một điều: ngày hôm nay, trước khi ra khỏi nhà, tôi đã dành trên dưới bốn mươi phút, hay nửa giờ, với một mục sư Tin Lành và chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện, và cố gắng tìm sự hiệp nhất.  Nhưng chúng ta phải cầu nguyện giữa chúng ta như những người Công giáo và cũng cầu nguyện với các Kitô hữu khác, cầu nguyện rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta sự hiệp nhất, hiệp nhất giữa chúng ta.  Nhưng làm sao chúng ta đạt được sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu nếu chúng ta không thể đạt được sự hiệp nhất giữa chúng ta là những người Công giáo?  Có sự hiệp nhất trong gia đình chúng ta không? Biết bao nhiêu gia đình đang lục ục và chia rẽ!  Hãy tìm sự hiệp nhất, sự hiệp nhất làm thành Hội Thánh. Sự hiệp nhất đến từ Đức Giêsu Kitô.  Người sai Chúa Thánh Thần  xuống với chúng ta để tạo sự hiệp nhất.

Anh chị em thân mến chúng ta hãy cầu xin Chúa:  Xin giúp chúng con trở thành những chi thể của Thân Thể Hội Thánh luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đức Kitô; xin giúp chúng con không làm cho Thân Thể Hội Thánh bị đau khổ vì những xung đột, chia rẽ và ích kỷ của chúng con; xin giúp chúng con thành những chi thể sống động liên kết với nhau bằng một sức lực duy nhất, là sức lục của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng con (x. Rm 5:5).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: giaoly.org.vn

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 10:  Có sách ghi Phaolô là tác giả thư gởi tín hữu Do thái,
sao không thấy Giáo hội nói đến?

Một số sách xưa có ghi tên Phaolô là tác giả thư gởi tín hữu Do thái, nhưng ngày này phần lớn các nhà Thánh Kinh không tin như vậy. Trong phụng vụ của Giáo hội, chúng ta để ý là các bài đọc trong thánh lễ không còn để tên Phaolô là tác giả, mà chỉ đọc: “Bài trích thư gởi tín hữu Do thái.”

Việc tìm hiểu tác giả là ai đã có nhiều tranh cải từ những thế kỷ đầu tiên. Giáo phụ Origen (chừng năm 185-254) cũng đã kết luận: “Chỉ có Thiên Chúa biết tác giả thư này là ai.”

Về thời gian, các nhà nghiên cứu chắc chắn rằng thư được viết trước năm 96, vì vào năm đó, Đức Giáo Hoàng Clementê từ Roma gởi thư cho giáo đoàn Corintô có trích một đoạn trong thư gởi tín hữu Do thái này (1 Clement 17:1; 36:2-5). Ngày nay các chuyên gia chỉ đoán thư được viết vào giữa những năm 69-95.

Có vài lý do đưa đến việc nhiều người nghĩ rằng Phaolô là tác gỉa thư này. Trước hết, trong những thế kỷ đầu tiên, nhiều người giàu có hay có quyền thế trong xã hội đôi khi đọc cho người khác viết thư cho mình, hay gợi ý cho người khác viết thư thay mình và nhân danh mình. Một số tin tác giả thư này là những học trò hay một học trò (môn đệ) của Phaolô viết nhân danh Phaolô.

Thứ hai, khi sắp xếp thứ tự các thư trong sách Tân Ước, các nhà Thánh Kinh ngày xưa đã đặt thư gởi tín hữu Do Thái ngay sau thư gởi tín hữu Roma. Việc này làm nhiều người khi tìm hiểu bản quyền của thư gởi Do Thái đã nghĩ đến Phaolô là tác giả, vì thư này được đặt gần với thư gởi tín hữu Roma, mà tác giả thư gởi Roma là Phaolô.

Thứ ba, trong thư có một chi tiết nhỏ nhắc đến tên Timôthê (13:23), mà Timôthê là môn đệ và người đồng hành quen thuộc với Phaolô (Rom 16:21; 1 Cor 4:17). Vì thế, có người cho rằng chính Phaolô là người viết và nhắc đến tên này.

Thứ tư, vì Phaolô nổi tiếng là người viết thư hay, nội dung sâu sắc, thần học thâm thúy nên nhiều người gắn tên Ngài cho thư này vì nội dung súc tích và tính thần học thâm sâu của nó.

Những tín hữu Đông phương (Ai cập và lân cận) thừa nhận Phaolô là tác gỉa thư này. Những tín hữu Tây phương (Roma và lân cận) không công nhận cho đến thế kỷ thứ tư.

Ngày nay, các nhà Kinh Thánh không tin Phaolô là tác giả vì: (1) hình thức và cấu trúc của thư này hoàn toàn khác với những thư khác của Phaolô; (2) những danh từ dùng cũng không trùng hợp với những danh từ Phaolô thường dùng; (3) cách trình bày lá thư giống như một tiểu luận về thần học hơn là một lá thư trình bày những ý kiến hay vấn nạn muốn nói như Phaolô thường viết; và cuối cùng (4) nội dung của thư này trình bày tư tưởng mà người ta không tìm thấy trong bất cứ thư nào của Phaolô (và ngay cả những thư khác của các tông đồ trong Tân Ước), chẳng hạn tư tưởng về chức Thượng tế của Chúa Giêsu Kitô.

Về độc giả của thư, chúng ta cũng không biết chính xác là ai. Điều ta biết chắc là nội dung thư nói và trích nhiều tư tưởng thần học trong Cựu Ước. Vì thế chúng ta có lý do để tin là độc giả của thư là những người Do Thái theo Kitô giáo. Những từ “thư gởi tín hữu Do thái” được các giáo phụ thêm vào cuối thế ký thứ hai, vì tự lá thư không thấy gởi cho ai một cách cụ thể.

Tóm lại, chúng ta không biết ai là tác giả thư này, nhưng thư đã có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng thần học của mọi Kitô hữu kể từ cuối thế kỷ thứ nhất.

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

SỐNG ĐẸP

Nhà Thờ Dành Người Nghèo Không Cần Vẻ Nghèo Khó

“Ôi, tôi thích một Giáo hội nghèo, và vì người nghèo làm sao”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Tất cả chúng ta đều biết người nghèo cần lương thực và quần áo, giáo dục tốt và việc làm tốt. Nhưng còn nhu cầu tâm linh và văn hóa thì sao? Nhà thờ có thể phục vụ người nghèo về mặt tâm linh thông qua vật chất không? Đây là một đề xuất tốn kém nhưng tôi ủng hộ. Vấn đề nào dẫn chúng ta đến câu hỏi làm thế nào để thiết kế một nhà thờ cho người nghèo.

Thứ nhất, chúng ta hãy xem xét những mặt nhà thờ dành cho người nghèo không cần có: nó không phải là nhà thờ dành cho các tu sĩ khổ hạnh, những người khấn sống nghèo khổ, dành hàng ngày cầu nguyện và thích cảnh đẹp giản dị của tu viện hơn là sự giàu có và hỗn độn của thế gian. Trái lại, nhà thờ dành cho người nghèo cần được xem là nơi dành cho những giáo dân năng động cần được cuốn hút vào nhà thờ nhờ vật chất và các phương tiện rõ ràng. Đó là lúc tránh xa thế gian, giúp những người sống ởNinevehthoáng nhìn thấy Giêrusalem trên trời.

Nhà thờ dành cho người nghèo không có tranh vẽ các nhân vật trừu tượng hay xấu xí nhưng đầy những hình ảnh đẹp đẽ về những con người thánh thiện từ bỏ tội lỗi để đến gần bên Chúa. Quan trọng hơn đó là nhà thờ dành cho người nghèo có đầy các dấu chỉ, biểu tượng và bí tích: dấu chỉ bên ngoài biểu hiện ơn huệ bên trong. Nó không thể trở thành một nơi mà bí tích cứu độ bị che giấu, vì nó cần được nâng lên giống như Đức Kitô trên thập giá hiến thân mình để chữa lành thân xác chúng ta.

Một ngôi nhà dành cho người nghèo không phải là một cấu trúc tân thời được truyền cảm hứng bởi máy móc, vì người nghèo bị vây quanh và thậm chí là bị nô dịch hóa bởi máy móc và công nghệ. Nó phải là một tòa nhà được truyền cảm hứng bởi con người, Adam mới, và sự phong phú của các tạo vật của Ngài. Đối với những người có cuộc sống có thể gặp phải cảnh lo âu và đau khổ họ không cần một tòa nhà xiên xẹo biểu lộ sự bất hòa và lộn xộn. Thay vì thế, họ cần một kiểu kiến trúc chữa lành, mang lại niềm vui cho tâm hồn thông qua khích thước, vật liệu và ánh sáng tinh thần. Nhà thờ hoan nghênh những người sống trong cảnh nghèo khổ không phải là một nhà hát ép khách viếng thăm lên sân khấu. Tôn trọng phẩm giá của họ bằng cách cho phép họ ngồi ở nơi nào họ muốn, cho dù làm như thế là đồng nghĩa với ở phía sau hay núp bên hông nhà nguyện. Ánh sáng bố trí không thể quá sáng đến độ người này có thể nhìn thấy khuyết điểm của người kia, nhưng có một nơi để che chở cầu nguyện.

Nhà thờ dành cho người nghèo không nên trông có vẻ nghèo khó. Nó là một trong ít tòa nhà công cộng hoan nghênh những người không có địa vị hay tiền của vào viếng thăm. Người nghèo có thể không thường viếng thăm bảo tàng nghệ thuật, hội trường biểu diễn hòa nhạc giao hưởng hay khách sạn sang trọng. Tuy nhiên, một nhà thờ xứng đáng có thể tạo cho người nghèo có cùng trải nghiệm về nghệ thuật, âm nhạc hay, và vẻ cao quý mà người giàu và tầng lớp trung lưu bằng lòng bỏ tiền mua. Và bằng cách này Giáo hội thừa nhận văn hóa sang trọng còn dành cho những người không có gì.

(UCAN 20.09.2014/Aleteia)

TRANG QUỚI CHỨC

GIA ĐÌNH THÁNH

Khi dạy giáo lý cho các em, có giáo lý viên giải thích từ Thánh gia cách đơn giản: Thánh gia là gì ? Thưa là gia đình của Chúa Giê-su ở Nazareth, vì gia đình đó có Chúa Giê-su ở giữa họ nên được gọi là gia đình thánh. Thật đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ cho các em.

Thế nhưng vấn đề đặt ra là đối với các “thiếu nhi lâu năm” chúng ta có thể thỏa mãn với cách giải thích đơn sơ dễ hiểu đó được không?

Thánh gia là từ ghép bởi hai từ : thánh gia

Chữ thánh: có nhiều nghĩa, một trong những ý nghĩa của từ này dựa theo Wikipedia là: “Thánh là những người nam hay nữ bằng nhiều cách thức khác nhau tuyên xưng niềm trung thành của họ với Thiên Chúa, sống chứng nhân cho Chúa…”

Chữ gia: ở đây đơn giản nghĩa là gia đình. Mà gia đình gồm những ai? Gồm cha, mẹ, con cái.

Vấn đề tiếp theo được đặt ra là: nếu một thành viên trong gia đình đó không tôn thờ Chúa, không sống chứng nhân cho Chúa, ví dụ như thánh Giuse hay Đức Mẹ, không thi hành thành ý Chúa, thì gia đình này có còn được gọi là gia đình thánh nữa hay không ? Dù Chúa Giê-su vẫn sống giữa họ, trong nhà họ ?

Đâu phải có Chúa ở giữa là thành thánh ! trên núi Sọ Chúa Giê-su cũng ở giữa hai tên tử tội, thế nhưng chỉ có một người trở nên thánh thôi ! thế nên, gia đình Nazareth được mệnh danh là Thánh gia bởi lý do khác: là vì mọi thành viên trong gia đình đó đều là thánh.

Thánh Giuse tuy rất ít được nhắc đến nhưng mỗi khi được nhắc đến đều liên quan đến việc thực hiện thánh ý Chúa.

Đức Mẹ thì quá rõ, Người đã dâng cuộc đời mình cho Chúa để Chúa sử dụng theo ý của Ngài.

Còn Đức Giê-su (sẽ có người ngạc nhiên đây) Đức Giê-su có thể không thực ý Chúa Cha hay không ?

Đức Giê-su có khả năng không cần thực hiện ý của Chúa Cha như khi Ngài cầu nguyện trong vườn cây dầu “….nhưng xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha.” Câu này cho thấy Chúa Giê-su vẫn có quyền quyết định theo ý riêng đó chứ ! Thế nhưng cuối cùng Ngài cũng đã vâng phục thánh ý của Chúa Cha

Thế nên, Thánh gia không phải đơn giản là vì gia đình đó có sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Đức Giê-su, nhưng vì trong gia đình đó, tất cả các thành viên đều là những người đã biết lắng nghe và trung thành thực thi thánh ý của Chúa. Họ có Chúa không phải chỉ bằng xương bằng thịt mà quan trọng hơn, họ có Chúa ngự giữa cách thiên liêng.

Hiểu như thế thì tất cả các gia đình công giáo đều có thể trở thành thánh gia, nếu tất cả các thành viên trong gia đình đó đều trung thành phụng sự thánh ý Chúa bởi họ luôn có Chúa hiện diện giữa họ vì Chúa Giê-su đã nói: Ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì đó chính là mẹ và là anh chị em ta.

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

ĐẠO THIÊN CHÚA HAY ĐẠO CÔNG GIÁO ?

Hỏi: xin cha giải thíchĐạo Thiên Chúa là gì à khác Đạo Công Giáo như thế nào?

Trả lời: Trong thực tế, nhiều người đã lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay "Thiên Chúa Giáo" để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism) tức là Đạo thánh mà chính Chúa Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương tiện để loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.

Đó là Đạo cứu rỗi mời gọi mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Ngài.

Xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nôi dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội hay Đạo có danh xưng khác nhau như sau:

1- Do Thái Giáo (Judaism), hay còn gọi là Đạo Mai-sen (Mosaic Religion) là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Mai-sen, đã giải phóng cho dân Do Thái  thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Mai-sen, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương. Tín hữu Do Thái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yaweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ cũng  không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai (Stk 18:1-15).

Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.

2- Công Giáo La Mã (Roman Catholicism) chính là KitôGiáo, tức là Đạo Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi rao giảng Tin Mừng, chữa  lành  và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.

Đạo Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Do đó, Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament) với tổng cộng 72 Sách thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng đời sống đức tin nhờ  nghe  Lời Chúa để  biết sống theo đường lối của Người.

3- Chính Thống Giáo là Nhánh KitôGíáo Đông Phương (Eastern Orthodox  Churches) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số  bất đồng về  tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên  đã có nhiều thiện chí và cố gắng để xích lại gần nhau. Công Giáo và Chính Thống đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bình của Đấng thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.

4- Tin Lành (Protestantism) là Nhánh KitôGíáo đã ly khai khỏi Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) do Martin Luther chủ xướng tại Đức năm 1517,  lan qua Pháp với John Calvin, Thuy sĩ với Ulrich Zwingli .

Nhưng chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ khác nhau như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians, Pentecostals, Quakers, Church of Christ .v.v  Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior) cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ giảng dạy (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ, quyền bính và Kinh Thánh (Họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ). Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin lành đều không công nhận vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã. Một điểm quan trọng nữa cần nói thêm là các nhánh Tin lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên họ không có các bí tích hiệu như Công Giáo và Chính Thống trừ phép rửa mà đa số họ có.

5-      Anh Giáo (Anglicanism) tức nhóm KitôGiáo đã tách khỏi Công Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong thế kỷ 16. Henry đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là Anh Giáo, hoàn toàn  khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của nước Anh hiệp thông  trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Rome).

Nhưng cách nay gần hai năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh giáo cũng với giáo sĩ của họ đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cựu Anh Giáo này, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16, ngày 9-11-2009 đã cho công bố Tông Thư "Anglicanorum  coetibus" (Các tín hữu Anh Giáo) theo đó Tòa Thánh cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

Mới nhất, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh giáo đã được tấn phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục này, cha Keith Newton đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một Quản hạt tòng nhân đầu tiên  mới được thành lập ngày 15-1 vừa qua để đón nhận các cựu tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sở dĩ có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước và sau này có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.

Lại nữa, vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ phong linh mục Công giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.

Ngoài ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi (Islam) do Muhammad sáng lập vào năm A.D 622. Từ ngữ Islam trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa = (Submission to the will of God)” nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và các Nhánh KitôGíáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v  và kinh thánh của họ là kinh Koran.

Như vậy, không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả vì trong thực tế thì tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều tôn thờ Thiên Chúa (God) nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt về phương thế thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy). Nói khác đi, các Nhánh Kitô giáo và Do Thái giáo nói  trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau về quan điểm  thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và quyền bình. Do đó, không thể gọi Đạo Công Giáo là Đạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy sẽ lẫn lộn với các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên đây.

TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO?

Để trả lới câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19:5).

Như thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho họ Mười Điều Răn làm Giao ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do Thái.

Nhưng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy Chúa. (x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ. Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ  riêng cho dân Do Thái. Vì thế, trước ngày về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Đây là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập giá của Người. Vì thế từ ngữ “Công giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát (universal), dành cho hết moi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa. Như vậy từ ngữ “công giáo” (catholicam = catholique = catholic…..) không hề có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì nhưng đã có ác ý dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy cũng tương tư như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water stone”!  Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là Pecado original’, chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả. Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.

Tóm lại, danh xưng phải chính xác về các vần đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục rao giảng và chuyển chở ơn cứu độ đó đến cho những ai muốn tiếp nhận. Giáo Hội này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Người duy nhất nối tiếp Sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô  với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục trong toàn Giáo Hội.

Đó là những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

TÔI XIN CHỌN NGƯỜI (KỲ 3) CÁM DỖ-THỬ THÁCH CỦA NIỀM TIN

Các bạn thân mến, cuộc sống của A-đam và E-và nơi vườn Địa Đàng năm xưa thật yên bình biết bao. Ông bà chẳng cần phải ra công cày cấy hay làm lụng vất vả vì mọi nhu cầu của ông bà đều được Thiên Chúa đáp ứng. Những tưởng cuộc sống như mơ ấy sẽ mãi êm đềm trôi như dòng sông phẳng lặng và hiền hòa. Nào ngờ có ngày giông tố nổi lên cuốn phăng mọi dự tính tốt lành của Thiên Chúa và đưa đẩy ông bà nguyên tổ vào tấn thảm kịch bi thương. Tai họa đã ập xuống đầu con người và vận đổi sao dời khiến cho họ bắt đầu phải long đong nơi dòng đời nghiệt ngã.

Kẻ đã gieo tai ương cho con người là con rắn xảo quyệt và xấu xa. Thấy E-và dạo chơi trong vườn, rắn giả vờ thương xót bà vì Thiên Chúa độc đoán cấm không được hái bất kỳ loại trái cây nào trong vườn. Hết sức đơn sơ và ngây thơ, E-và đã nhiệt tình biện hộ bênh vực cho Thiên Chúa. Ngài chỉ muốn ông bà đừng đụng vào cây biết lành biết dữ ở giữa vườn thôi vì ăn phải trái cây đó sẽ phải chết. Chỉ chờ có thế, rắn trấn an bà trái cây ấy chẳng chết chóc gì đâu và buông lời dèm pha rằng Thiên Chúa sợ ông bà sẽ ngang hành với mình nếu ăn được trái cây ấy. Lời ngon ngọt của rắn đã làm bà dao động và lòng trí bà trỗi dậy bao nỗi hoài nghi. Hóa ra Thiên Chúa chẳng thương yêu gì ông bà vì Ngài đâu muốn ông bà ngang hàng với mình. Hóa ra Thiên Chúa chỉ lấy cái chết làm tấm bình phong để che đậy cho ước muốn độc tôn của chính mình. Nếu Thiên Chúa đã bạc đãi với con người như thế thì Ngài cũng chẳng thể trách bà làm trái lời mình được. Bà thà phụ Thiên Chúa chứ nhất quyết chẳng để Thiên Chúa lừa dối mình. Bà đã ăn và quyến rũ A-đam cùng thưởng thức với mình. Chẳng thấy được bằng Thiên Chúa, chỉ thấy ông bà xấu hổ vì nhận ra nơi mình tham vọng muốn ngang hàng và độc lập với Thiên Chúa. Cãi lời Thiên Chúa nên ông bà bị trục xuất ra khỏi Địa đàng và phải nai lưng kiếm ăn vất vả. Vất vả cả đời rồi cả hai cũng phải bước qua ngưỡng cửa của cái chết chứ còn chẳng được phúc trường sinh. Ông bà nguyên tổ đã chiều theo ước muốn xấu mà bất tuân và phản bội Thiên Chúa. Họ đã bị cám dỗ và đã sa ngã.

Các bạn thân mến

Cám dỗ không buông tha một ai và là thước đo lòng tin của ta vào Thiên Chúa. Có những cơn cám dỗ chợt đến khơi gợi sự tò mò và kích thích ta hãy thử nếm trải nó lần đầu tiên. Ta không mất trắng niềm tin vào Chúa nếu đồng thuận với cám dỗ loại này, nhưng ít nhiều niềm tin đã bị sứt mẻ mặc dù sau sa ngã ta đã hối hận ăn năn. Sa chước cám dỗ ở hình thức này cho thấy niềm tin của ta chưa thật kiên vững và cần dứt khoát hơn để nói không với cám dỗ dù chỉ là thử một lần rồi thôi. Cám dỗ nào cũng đẹp và cũng hấp dẫn cả. Có hối hận sau sa ngã lần đầu nhưng cảm giác khoan khoái mà cám dỗ mang lại sẽ đeo đuổi ta mãi. Nó mời gọi ta hãy hưởng nếm lại cảm giác đó lần thứ hai rồi nhiều hơn nữa, và cứ thế ta càng lún sâu vào vũng lầy của cám dỗ. Niềm tin trong trường hợp này có nguy cơ bị xóa xổ nếu ta cứ tiếp tục trượt dài trong chước cám dỗ. Có đôi khi, ta đã dùng hết sức mình để vượt thoát những cám dỗ thô thiển được một hai lần thì ma quỷ cố làm ta nản lòng thối chí rằng nỗ lực làm gì cho mất công rồi ta lại ngựa quen đường cũ mà thôi. Ta cần củng cố niềm tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình và sẽ giúp mình vững vàng qua cám dỗ. Tựu trung lại, dù dưới dạng thức nào, cám dỗ đều đẩy đưa ta đến những sự xấu xa và làm thui chột niềm tin của ta vào Thiên Chúa.

Ai cũng bị cám dỗ nhưng không phải ai cũng sa ngã. Đức Giêsu là  mẫu gương sống động cho ta về kinh nghiệm vượt thoát này. Ngài cũng phải trải qua cám dỗ sau khi vào hoang địa để tĩnh tâm 40 đêm ngày. Lần đó, Đức Giêsu đã nói không với cám dỗ vì Ngài hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa Cha. Ngay cả lúc mạng sống của mình như mành chỉ treo chuông, nơi Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng đã vâng lời Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Trên thập giá quỷ dữ đã dùng môi miệng của biết bao nhiêu người để xúi dục Đức Giêsu phản bội Cha cho bằng được. Nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn vì lòng tin son sắt của Đức Giêsu vào Thiên Chúa Cha.

Bạn thân mến, ta không tránh được cám dỗ nhưng thuận theo cám dỗ hay không là hoàn toàn do ta. Cám dỗ có đó không phải để giăng bẫy con người nhưng là dịp để trắc nghiệm con người có vững tin vào Thiên Chúa không. Có kinh qua cám dỗ mới biết tin thật hay giả vờ tin, tin mạnh hay yếu tin. Niềm tin vào Thiên Chúa như E-và và A-đam chỉ cần ít lời dèm pha của con rắn đã tan tành trong mây khói. Tin thật là phải tin cho đến hết hơi, cho đến trọn đời như Đức Giêsu. Như thế, chính yếu không hệ tại cám dỗ có tồn tại hay không nhưng tùy thuộc con người có niềm tin son sắt vào Thiên Chúa hay không? Lòng tin thật vững vàng sẽ nâng đỡ ta nhẹ nhàng thoát khỏi cạm bẫy của mưu chước cám dỗ.

Jos. Nguyễn Huy Mai, SJ
Nguồn: dongten.net

THẦN HỌC KINH THÁNH

Tín Hữu Sống Lại Thế Nào Và Thân Xác Phục Sinh Của Họ Ra Sao?

Sau khi chứng minh cho một số tín hữu Côrintô không tin vào sự phục sinh của những người đã chết thấy rằng kitô hữu sẽ được Chúa cho sống lại, trong phần hai chương 15 thư thứ I gửi giáo đoàn này, thánh Phaolô khai triển đề tài các tín hữu sống lại thế nào và thân xác phục sinh của họ ra sao. Do thái giáo thời đó tin rằng cuộc sống phục sinh của các tín hữu tiếp tục cuộc sống hiện tại trên trần gian này và miêu tả nó với các sắc thái rất là ”duy vật”. Chính vì vậy các tín hữu duy linh Côrintô lại càng ngờ vực cuộc sống phục sinh hơn nữa. Thánh Phaolô trả lời cho vấn nạn trên bằng cách khẳng định rằng các tín hữu đã sống lại có một thân xác thật, nhưng là một thân xác đã hoàn toàn được biến đổi (cc. 36-49). Tiếp đến thánh nhân khai triển thêm đề tài chiến thắng cái chết (cc. 50-58) và khuyên tín hữu hãy dấn thân sống kiên trung và tiến tới trong lòng tin.

Để minh giải cho sự thật liên quan tới tình trạng sống mới hoàn toàn được biến đổi của thân xác phục sinh, thánh Phaolô dùng một vài hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên. Trước hết là hình ảnh hạt lúa mì. Thánh nhân nêu bật sự biến đổi phẩm chất giữa hạt lúa mì bé nhỏ được gieo vào lòng đất, mục rữa, chết đi để nẩy mầm trở thành cây lúa, và cây lúa lớn lên và đơm bông kết hạt. Giữa hai thực tại hạt lúa và cây lúa trổ bông là thực tại thê thảm của cái chết, của sự rữa nát thối mục đi. Sự biến đổi đó không phải là một tiến trình binh thường mà là một rạn nứt, đổ vỡ, thương đau. Thân xác con người phải bị hủy hoại rữa nát đi để trở thành một thụ tạo mới của Thiên Chúa.

Thí dụ thứ hai nhấn mạnh trên sự khác biệt giữa thịt xác của các sinh vật: thịt xác của con người và thịt xác của thú vật, và giữa loài vật thịt xác của thú vật cũng khác với thịt xác của cá biển và chim trời. Và quan sát thứ ba liên quan tới sự khác biệt giữa thân xác trần gian và thân xác thiên linh. Ở đây sự sáng láng rạng ngời là tiêu chuẩn phân biệt. Trong trường hợp sự sống lại của thân xác con người cũng thế. Có sự khác biệt hoàn toàn giữa thân xác của tín hữu khi còn sống trên trần gian này và thân xác phục sinh của họ sau cái chết. Cũng như hạt giống chết rữa đi để trở thành cây lúa trổ bông, thân xác con người cũng rữa nát đi để trở thành một thân xác phục sinh hoàn toàn được biến đổi: thân xác của một thụ tạo mới (cc. 42-44a). Có sự đối chọi giữa hai thực tại: một bên là thân xác có thể rữa nát, bên kia là thân xác không thể rữa nát nữa; một bên là thân xác đáng khinh chê, bên kia là thân xác rạng ngời vinh quang; một bên là thân xác yếu đuối, bên kia là thân xác mạnh mẽ; một bên là thân xác tâm lý, bên kia là thân xác thần thiêng. Nhìn chung có thể kết luận rằng thánh Phaolô nhấn mạnh trên tình trạng rữa nát, mau qua, hạn hẹp bất toàn của thân xác trên trần gian này, và đề cao sự toàn thiện của thân xác phục sinh. Cùng một thân xác ấy nhưng trong hai trạng thái hoàn toàn khác biệt nhau. Sự khác biệt triệt để ấy được ghi dấu bằng cái chết, tức sự gãy đổ toàn diện đánh dấu sự biến đổi sâu thẳm ấy.

Trong các câu 44-49 thánh Phaolô cho thấy sự khác biệt cuối cùng: đó là tình trạng đối chọi giữa thân xác tâm lý và thân xác thiên linh. Thánh nhân khai triển điểm này bằng cách dùng lại hình ảnh kiểu mẫu của Adam thứ nhất và Adam thứ hai để chú giải các trang đầu của Kinh Thánh. Khi đối chọi trình thuật chương 1 với trình thuật chương 2 sách Sáng Thế, người ta nghĩ rằng Adam, con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, là mẫu người lý tưởng của nhân loại, trong khi Adam, con người được dựng nên bằng đất bụi, là mẫu người trần gian phải chết của lịch sử. Thánh Phaolô cũng lấy nguồn cảm hứng từ đó, nhưng với nét độc đáo riêng biệt. Thánh nhân ám chỉ thực tại cụ thể của Đức Giêsu đã chết và phục sinh. Và dĩ nhiên là cái khung của suy tư thần học Do Thái bị nổ tung. Đức Kitô mới chính là Adam toàn vẹn, là con người ”thiên linh” là con người ”thiên quốc”, đối nghịch với Adam, con người ”tâm lý” và ”trần gian”. Nhưng Người không đại diện cho con người tiên khởi và lý tưởng, mà là con người của thời sau hết, vị cứu chuộc nhân loại lịch sử tội lỗi.

Nhưng đâu là ý nghĩa của của phản đề: ”tâm lý-thiên linh”, ”trần gian-thiên quốc”? Cả hai đều ám chỉ con người sống động, nhưng con người thứ nhất là con người của cuộc sống tự nhiên, giòn mỏng, và hư nát; con người thứ hai là con người của cuộc sống siêu nhiên và thiên linh, quyền năng và không tàn phai. Trong ngôn ngữ của truyền thống kinh thánh thần khí không đồng nghĩa với không vật chất, mà có nghĩa là sức mạnh, quyền năng, sự sinh động, sự sáng tạo. Thánh Phaolô di chuyển trong phạm trù này với tất cả sự tự nhiên, vì thế thánh nhân nói tới thân xác ”thiên linh”. Tuy nhiên, ở đây cần ghi nhận thêm rằng theo viễn tượng lịch sử-cứu độ trong tư tưởng của thánh nhân, con người tâm lý, con người tự nhiên là con người làm mồi cho tội lỗi, cho cái chết cuối cùng, và con người ”thiên linh” là con người đã được quyền lực của Thần Khí giải phóng và cứu chuộc. Nghĩa là thánh Phaolô di chuyển trên lãnh vực nhân chủng học hiện sinh một cách chính xác và nghiêm chỉnh.

Cả hai loại người nói trên đều có một người mẫu: Adam là mẫu của con người ”tâm lý”, nô lệ của tội lỗi và bị định đoạt phải chết đời đời; Đức Kitô phục sinh là mẫu của con người ”thiên linh”, được giải thoát và cứu độ ( x. Rm 5,12tt.). Nhưng có một khác biệt giữa hai bên: đó là sự đồng hình đồng dạng của nhân loại tội lỗi với Adam, mẫu người tiêu cực đã hoàn tất, trong khi sự đồng hình đồng dạng của nhân loại được cứu độ với Đức Kitô, mẫu người tích cực, sẽ thành toàn trong tương lai: ”Như chúng ta đã mang trong mình hình ảnh của con người trần gian thế nào, thì cũng sẽ mang trong mình hình ảnh của con người thiên quốc như thế” (c. 49). Chuyện đó xảy ra khi nào và ra sao? Theo văn bản trong sự sống lại, Đức Kitô là con người ”thiên linh”, vì đã phục sinh (c. 20) Nhưng Ngài cũng là nguyên lý tích cực sự sống lại mai sau của các tín hữu: Ngài là ”bản vị thiên linh”, vì là Đấng tạo dựng sự sống. Nhưng chính vì Đức Kitô phục sinh là Đấng tạo dựng ra sự sống ”thiên linh” theo hình ảnh của Ngài, nên Ngài là nguyên do mẫu mực của các kẻ được sống lại.

Còn một điểm khác cần xác định ở đây: đó là từ các câu 42-44 sang các câu 45-49 thánh Phaolô cũng thay đổi từ vựng. Từ sự đối chọi giữa thân xác ”tâm lý” và thân xác ”thiên linh” thánh Phaolô chuyển sang sự đối chọi giữa con người ”tâm lý” và con người ”thiên linh”, và dùng phạm trù này cho Adam-Kitô cuơng như cho nhân loại tội lỗi. Điểm lưu ý này rất qúy báu vì nó cho chúng ta thấy rằng từ ”thân xác” được hiểu không phải như là một phần, mà như là sự toàn vẹn tâm lý thể lý của con người. Và chính con người toàn vẹn tâm thể lý đó là chủ thể của sự sống lại mai sau, cuơng như nó đã là chủ thể của lịch sử tội lỗi và cái chết. Như thế, niềm hy vọng kitô liên quan tới con người trong sự toàn vẹn hồn xác của nó. Ngoài ra, với từ ”thân xác” thánh Phaolô ám chỉ con người trong sự bất định hiện sinh hay lịch sử - cứu độ của nó. Nó là thân xác ”tâm lý” trong điều kiện phải chết và tùng phục tội loăi và cái chết, và nó cũng là thân xác “thiên linh” trong điều kiện mai sau của cuộc sống phục sinh. ”Thân xác” là một xác định cấu trúc hay bản thể của con người, trong nghĩa nó là chủ thể rộng mở cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho thế giới, trước khi xác đ#nh sự hiện thực của nó trong cuộc sống tích cực hay tiêu cực, nghĩa là trong điều kiện nô lệ tội lỗi và cái chết, hay trong cuộc sống tự do mà Thần khí trao ban cho nó. Như thế, trong câu 35 thánh Phaolô trả lời rõ ràng cho tín hữu Côrintô biết rằng con người sống lại là con người trong sự toàn vẹn và hiệp nhất tâm lý thể lý, được quyền năng trao ban sự sống của Thần Khí biến đổi theo h#nh ảnh của Đức Kitô phục sinh.

Các câu 50-57 khai triển đề tài cuộc sống tương lai của thụ tạo mới và ơn nhưng không Chúa ban với sắc thái khải huyền như tiếng kèn thổi vang ngày sau hết, và thái độ nôn nóng chờ đợi ngày tận thế tới gần. Nhưng trọng tâm của đoạn cuối cùng trong chương 15 thư thứ I gửi Côrintô là tính chất diệu huyền của chiến thắng chống lại cái chết. Nó diễn tả phép lạ quyền năng của Thiên Chúa. Nó cho thấy sự cách biệt xa vời giữa thực tại tự nhiên của thịt xác, máu huyết và cuộc sống phục sinh bất tử, cuộc sống thông chia vào nước Chúa (c. 50) Những gì là hư nát và phải chết tự chúng không thể đạt tình trạng bất tử (cc. 50b.53-54). Cần phải có sự can thiệp của Thiên Chúa, là Đấng cho kẻ chết sống lại và biến đổi hoàn toàn nhương người còn đang sống (cc. 51.52). Bởi vì sự biến đổi này là một bước nhảy vọt trong phẩm chất sự sống. Tự nó, con người không thể nào vượt qua được vực thẳm phân chia t#nh trạng sống trên trần gian và điều kiện của nhương người đã sống lại.

Phép lạ nhiệm mầu đó của Thiên Chúa khiến cho thánh Phaolô cảm động hát lên bài thánh ca chúc tụng chiến thắng trên cái chết, bằng cách trích hai văn bản của các ngôn sứ Isaia 25,8 và Hôsêa 13,14. tiếp theo đó là suy tư thần học về tương quan giữa luật lệ, tội lỗi và cái chết. Tương quan này sẽ là trọng tâm các suy tư thần học trong các thư gửi giáo đoàn Galát và Roma. Con người nổi loạn chống lại luật lệ của Thiên Chúa càng ngày càng rơi vào chổ bất phục tùng và khước từ luật lệ. Và quyền lực tội lỗi lạm dụng tình trạng đó để hoạt động trong con người và dẫn đưa nó tới cái chết và sự hư mất đời đời. Bài thánh ca tiếp tục với lời chúc tụng sự can thiệp diệu huyền của Thiên Chúa qua Đức Kitô để đem lại ơn cứu độ cho con người. Thánh Phaolô kết luận chương 15 với lời khuyên tín hữu bền vững và tấn tới trong lòng tin. Vì trong Đức Kitô phục sinh mọi khó nhọc của họ sẽ không uổng công vô ích.

Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.net

CHÚT TÂM TÌNH

KHAI MẠC NĂM THÁNH HIẾN TẠI RÔMA

VATICAN- Năm Thánh Hiến đã được chính thức khai mạc tại Rôma vào dịp đầu năm phụng vụ mới, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. Thánh lễ khai mạc được Đức Hồng Y Braz de Aviz, Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ của Tòa Thánh, chủ tế tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào sáng Chúa Nhật ngày 30/11/2014. Trước đó, đêm canh thức đã được diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi tối hôm Thứ Bảy 29/11/2014.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất cả bậc sống thánh hiến đã được đọc trong thánh lễ khai mạc. Trong đó, ngài bày tỏ niềm vui mừng đối với Năm Thánh Hiến và lấy làm tiếc vì không thể có mặt trong dịp trọng đại này. Đức Thánh Cha cũng ưu ái khích lệ đời sống thánh hiến qua việc đề cao dạng thức đặc biệt trong Giáo Hội của bậc sống thánh hiến, sẵn sàng « vất bỏ tất cả để bắt chước Đức Kitô », bằng cách gợi lại điều mà ngài đã nói với các bề trên thượng cấp đã gần một năm : « Hãy lay động thế giới ! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình ».

Đức Thánh Cha cũng đưa ra ba từ mấu chốt để sống trong năm này: vui tươi ; can đảm và hiệp thông. Vui tươi để cho thấy sự theo Chúa và thực hành Tin Mừng của Người tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và gửi gắm nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng của mình, giống như các Đấng sáng lập dòng đã làm. Hiệp thông trước hết phải được bén rễ trong mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa để trở nên những người xây dựng tình huynh đệ qua việc thực hành tình bác ái tương trợ xuất phát từ Tin Mừng đối với người nghèo khó.

Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: «Hãy chỉ cho thấy tình huynh đệ phổ quát không phải là sự ảo tưởng, nhưng chính là ước nguyện của Đức Giêsu đối với toàn thể nhân loại».

Trong phần bài giảng, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ đặc biệt bày tỏ niềm vui mừng về buổi cảnh thức vào tối hôm trước tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, vốn đánh động nhiều người. « Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm, chúng ta muốn trao phó cho Đức Trinh Nữ Maria con đường và những hoa trái trong suốt Năm Thánh Hiến này », Vị đứng đầu Bộ Tu Sĩ của Tòa Thánh biểu lộ.

Năm Thánh Hiến sẽ kết thúc vào ngày 02 tháng 02 năm 2016, nhằm dịp lễ Đức Mẹ Dâng Con trong đền thờ

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng, 30/11/2014

ÂN XÁ TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

WHĐ (30.11.2014) – Trong Năm Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha sẽ ban ơn toàn xá, với những điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) cho tất cả những thành viên của các cộng đoàn sống đời thánh hiến và các tín hữu được tinh thần bác ái thúc đẩy có lòng ăn năn sám hối thật sự, bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng năm nay cho đến ngày mùng 02 tháng Hai năm 2016, ngày bế mạc Năm Đời sống Thánh hiến. Ân xá này có thể nhường lại cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Ân xá được ban như sau:

Ở Rôma, khi tham dự những cuộc gặp gỡ quốc tế hay những cử hành những nghi lễ được ấn định trong niên lịch của những Cộng đoàn sống đời thánh hiến và những Hiệp hội đời sống tông đồ, và khi suy niệm vào những thời điểm thích hợp, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới mọi hình thức đã được phê chuẩn, và khẩn cầu Đức Trinh nữ Maria.

Trong các Giáo hội địa phương, vào những ngày được dành riêng để cầu nguyện cho đời sống thánh hiến trong giáo phận, và trong các buổi cử hành có quy mô toàn giáo phận dành cho Năm Đời sống thánh hiến, bằng cách đi viếng Nhà thờ chính toà hay một thánh đường nào khác được vị Bản quyền sở tại chỉ định, hay một nhà nguyện của một tu viện hoặc một đan viện, và đọc các giờ kinh Phụng vụ cách công khai hay dùng một thời gian thích hợp để suy niệm, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới mọi hình thức đã được phê chuẩn, và khẩn cầu Đức Trinh nữ Maria.

Những thành viên của các Hội dòng sống đời thánh hiến, vì lý do đau ốm hay những lý do nghiêm trọng nào khác, không thể đi viếng các nơi thánh trên đây, cũng có thể nhận được Ơn Toàn xá, nếu hoàn toàn sạch tội, và có ý thi hành 3 điều kiện thông thường càng sớm càng tốt, viếng các nơi ấy trong tinh thần, dâng bệnh tật và các đau khổ mình phải chịu lên Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót qua Đức Trinh nữ Maria, và đọc các kinh đã chỉ định.

Để dễ dàng được hưởng ơn thánh nhờ các phương thế của lòng bác ái mục vụ, Đức hồng y Mauro Piacenza, Chánh án Toà Ân giải tối cao, người đã ký sắc lệnh này, xin các kinh sĩ, các linh mục của những Hội dòng sống đời thánh hiến và tất cả các linh mục khác có thể giải tội, hãy sẵn lòng quảng đại ban bí tích Hòa giải và thường xuyên kiệu Mình thánh Chúa cho người đau yếu.

An Phú Sĩ
Nguồn:  WHĐ

1836    10-12-2014 21:02:07