Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Suy Niệm Tuần VII Năm 2014

Thứ Hai Tuần VII TN
Khôn ngoan của Thần Khí
Con người với lương tâm ngay thẳng, trong thâm tâm mình có định hướng về những giá trị thiêng liêng; khôn ngoan không phải là một nhận thức có được từ trải nghiệm hằng ngày. Đoạn văn sách Huấn Ca (thế kỷ II trước Đức Kitô) chỉ cho thấy nguồn gốc của khôn ngoan: khôn ngoan được nhân cách hóa; được xuất phát từ Thiên Chúa và luôn ở với Người. Đây là khởi đầu mạc khải về sự hiện hữu của Thánh Thần, thần khí khôn ngoan và lòng kính sợ Thiên Chúa. 'Người rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người' (Hc 1,10). Suy niệm về vai trò của các Ngôi Vị thần linh, người tín hữu ước mong có được tinh thần cầu nguyện  để nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh sử Mátcô nói đến quyền năng chữa lành của Đức Giêsu Đấng giải thoát con người khỏi quỷ ám và chỉ cho biết phương cách duy nhất để có thể làm điều đó là cầu nguyện. Trải nghiệm hàng ngày về sự dữ cho ta thấy thật cần thiết phải gặp gỡ Chúa. 'Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ': chính Đức Kitô thực hiện chương trình cứu độ và thánh hóa của Thiên Chúa. Cần có đức tin, cầu nguyện và tinh thần trách nhiệm. Sự cứng lòng tin lúc nào cũng sẵn chờ những ai không ý thức những ân ban qua các bí tích thanh tẩy và thêm sức và không biết củng cố đời sống mình bằng việc cầu nguyện.

Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi

Mọi sự đều có thể đối với người tin? Các môn đệ không thể làm phép lạ vì lòng tin của họ yếu kém, và thiếu tinh thần cầu nguyện là dấu chỉ của đức tin, nghĩa là thông hiệp với sức mạnh của Thiên Chúa. Trong đức tin chính Thiên Chúa hành động. Thiếu đức tin đưa đến bất lực. Và không phải lúc nào chúng ta cũng có đức tin mạnh mẽ; nên tốt hơn hết là cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa, như người cha đứa trẻ bị quỷ ám: Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi. Môn đệ của Đức Kitô phải tin tưởng luôn luôn vào sức mạnh của Thầy, là sức mạnh duy nhất giải thoát mọi sự dữ. Chúng ta sánh ví thế giới này như đứa trẻ bị quỷ ám. Chỉ có lời của Chúa Giêsu Kitô mới chữa lành. Ngài chính là Đấng tác tạo và cũng là Đấng cứu chuộc.

Sức mạnh của Đức Kitô ở nơi lời của Ngài nhưng cũng còn ở nơi sự cầu nguyện.Thế giới ngày nay cần nâng đỡ tinh thần vì đang đầy dẫy bạo lực, chiến tranh và xung đột. Chúa bảo chúng ta là muối đất là ánh sáng thế gian, nên chúng ta cần tìm gặp Ngài giữa những biến động. Làm thế nào? Chúng ta cảm thấy bất lực...Chúa dạy ta những phương thế: đức tin và cầu nguyện. Cần tin thật sự thì ta mới có thể làm được bất cứ điều gì trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Và với đức tin chúng ta có thể cầu nguyện một cách hiệu quả. Ta để ý đến sự biến đổi của người cha đứa bé. Ngược lại thái độ của các kinh sư Israel, luôn bám vào những thực hành tôn giáo như là phương thế bảo đảm, chúng ta thấy người cha này đã vượt qua thói thường của dân tộc mình mà quỳ gối xuống cầu xin Đức Giêsu chữa lành con mình.

Thứ Ba Tuần VII TN
Hôm nay chúng ta đọc đoạn văn hay của sách Huấn Ca, với giọng văn ngọt ngào và thân tình, đã đưa ra một giáo huấn thật cần thiết. 'Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa....' Ai dấn thân phụng sự Đức Chúa, nếu không được gấp trăm ở đời này thì cũng được sự thanh thản và an bình tâm hồn. Vậy mà lời Chúa nói ngược lại: 'Nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách'. Thử thách không phải là điều dữ cho ta, nhưng là điều thiện, một dấu chỉ của tình yêu Chúa, là điều kiện để lớn lên trong tình yêu Ngài, để nhận lãnh những ân huệ quý giá.

Và còn viết tiếp: 'Và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục'. Bởi lẽ trong chúng ta có cái quý giá bội phần mà Thiên Chúa muốn thanh luyện, để làm cho nó sáng đẹp hơn. Nhưng trong thử thách, một điều cần là phải nương tựa vào Chúa: 'Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người'. Vì ai bền tâm kính sợ Chúa, sẽ đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót.

Bài tin mừng soi sáng ta rõ hơn: thử thách là tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu. 'Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau Người sẽ sống lại'. Chúng ta bước đi trong cuộc đời không chút ảo tưởng: thử thách, đau khổ luôn có, nhưng chúng ta vẫn luôn được ánh sáng phục sinh soi chiếu, trở nên ích lợi cho chúng ta và cho mọi người.

Các tin mừng nhất lãm đều nhắc đến sự kiện này. Nhắc đến không chút ngại ngùng, không làm nhẹ vấn đề chút nào: các môn đệ chẳng hiểu gì về điều loan báo của Đức Giêsu. Lời loan báo mạc khải sứ mạng thiên sai của Ngài, nhưng họ không muốn hiểu phần kế tiếp, nói về thập giá, về sự tự hiến. Các môn đệ, những người mà Đức Giêsu đã phải cầu nguyện để tuyển chọn, không cùng chung một hướng với Thầy. Họ bàn luận về quyền hành, về vinh quang, về chỗ nhất...Họ không biết mình đang nói gì, họ chưa hiểu điều Đức Giêsu muốn thực hiện. Và một lần nữa, Thầy Giêsu kéo họ ra riêng để dạy dỗ cho họ hiểu.
+++
Hay các ngươi nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên?
Thánh Giacôbê đã chỉ cho thấy vẻ đẹp và sự cần thiết của các nhân đức kitô giáo xây dựng nên một cộng đoàn đích thực, nghĩa là nơi đó có sự hòa thuận. Cảm thấy cay đắng vì thái độ của những người làm theo tính ích kỷ, thánh nhân đưa ra nguyên do của mọi chia rẽ. Sự bất hòa xuất phát từ lòng dục vô độ và và cốt lõi vấn đề là sự bất trung với Thiên Chúa, ngoại tình trong giao ước tình yêu mà Thiên Chúa ký kết với ta: giao ước mà lẽ ra phải tìm gặp trong lòng và trong cuộc sống ta một sự trung tín đối với Thiên Chúa. Lời mời gọi hãy giũ bỏ mọi thông đồng, liên kết với sự dữ.

Anh em không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Đây không phải là lời kêu mời chúng ta tẩy chay và ruồng bỏ những gì là chân thực, là đẹp, là tốt lành mà thế giới trao tặng cho ta. Nhưng chính là tinh thần thế gian, chỉ nghĩ đến những gì trong thế gian này, một cuộc sống hoàn toàn duy vật, chính là điều mà Giacôbê lên án.
Và thật đẹp và đáng khích lệ khi nói về 'sự ghen của Thiên Chúa': 'tình cảm' đó của Thiên Chúa dành cho con người chỉ là đối nghịch lại với ghen tương mà chúng ta cảm thấy đối với một người nào đó mà ta yêu một cách ích kỷ. Loại ghen tương này hủy diệt kẻ được yêu và cả người yêu. Trái lại Thần Khí trong lòng ta chăm sóc mỗi người chúng ta và sự 'ghen tương' của Ngài là ơn cứu độ cho ta.

 
Thứ Tư Tuần VII TN

Hôm nay thánh Giacôbê cho ta một bài học thật thích đáng. Cho ta đụng chạm đến tính kiêu căng trong thái độ và dự tính của chúng ta, làm như thể chúng ta là chủ cuộc sống và những thực tại trần gian này vậy: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Thánh nhân kêu mời ta nhận biết sự hoàn toàn lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa, chúng ta không thể làm cho mình cao thêm một centimét nếu không do Thiên Chúa. Nên cần phải biết đến sự chóng qua của chúng ta, để trong cuộc sống chúng ta biết hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, đừng bao giờ lạm quyền cho rằng mình là chủ của thời gian và đời sống.

Đoạn tin mừng cũng mời gọi ta cùng một suy tư với những sắc thái riêng. Thiên Chúa ban các ân sủng tùy theo ý muốn của Ngài...nhưng tông đồ Gioan cho thấy là một người không nhượng bộ, đã ngăn cấm một người trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu. Đây cũng là dấu chỉ của tính kiêu căng. Hoàn toàn độc chiếm những đặc ân mà Thiên Chúa ban tặng. Đức Giêsu đã sửa dạy: 'Đừng ngăn cấm người ta, vì không ai lấy dang nhgiã Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta'.
+++++
Đoạn tin mừng ngắn hôm nay cho ta một bài học quan trọng. Gioan nhân danh các tông đồ khác, thưa với Đức Giêsu: 'Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta'. Các ông ý thức mình là một cộng đoàn nhỏ nhưng là đoàn chiên đích thực của Đức Kitô. Họ có lý, họ thuộc về Đức Kitô và để đi theo Đức Kitô thì cần phải ở với Ngài, nên hợp lý là phải ngăn cản những ai không thuộc về nhóm họ, và muốn dùng danh của Đức Kitô với lợi riêng của mình thôi. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thì không phải thế.  Đức Giêsu bảo: 'Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy'.

Các tông đồ cho rằng mình độc quyền Đức Kitô, độc quyền ân sủng của Ngài. Nếu Thiên Chúa hành động qua nhiều cách thức khác nhau, nhiều nơi khác nhau không phải là đoàn chiên của Đức Kitô, điều đó không phải là cớ để chống đối nhưng phải là lý do để vui mừng. Chúng ta cũng thế, thường cho mình nắm giữ chân lý trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thường bị cám dỗ tin rằng điều thiện, chân lý chỉ có nơi đây mà thôi. Thiên Chúa không theo bất cứ quan điểm nào của con người. Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta sống liên đới: 'Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta'. Lòng chúng ta mở rộng thay vì chật hẹp. Bất cứ ai làm điều thiện, đó là bạn hữu của ta, cho dù có thể trong trường hợp khác họ chống lại chúng ta. Còn chúng ta thì thường hay nghĩ: cùng với chúng tôi thì tốt, ngược lại chúng tôi là xấu. Thiên Chúa cho mưa xuống trên người lành kẻ dữ. Hãy vui mừng khi thấy một ai đó làm điều thiện, đó là một bước tiến gần đến Thiên Chúa.

Thứ Năm Tuần VII TN

Sách Huấn Ca hôm nay khuyên chúng ta đừng cậy dựa vào điều giả dối: 'Đừng cậy vào tài sản con và đừng nói: tôi có đủ cả rồi'. Tài sản vật chất không phải là tất cả cho con người đâu, cần phải tìm cho mình những của cải thiêng liêng nữa.  'Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con...Đừng nói: tôi phạm tội nhưng nào có sao?...Đừng nói: Người rất mực cảm thương, tôi có phạm tội nhiều, Người cũng tha thứ cả'. Lòng tín thác của ta chỉ nên dựa trên lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng tín thác không có nghĩa là lạm dụng lòng thương, nếu không ta sẽ chồng chất thêm tội này lên tội khác. Lòng thương xót của Chúa mời gọi chúng ta sám hối trở về chứ không phải lý do để ta tiếp tục phạm tội với ý nghĩ rằng Thiên Chúa rộng lượng vô cùng và Ngài sẽ luôn luôn tha thứ; là lời mời gọi đáp trả tình yêu, chứ không phải là sự ích kỷ.

Và Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay cũng đòi hỏi chúng ta sự nhất thống đời sống, vì một tình yêu lớn lao hơn: 'Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi...Nếu chân anh... Nếu mắt anh...Mọi người phải đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng chính tình yêu của mình.

Câu cuối của đoạn tin mừng cũng là lời mời gọi: 'Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em'. Ướp cho mặn lại đó là ơn gọi của người kitô hữu, được kêu mời làm muối cho đời và anh sáng thế gian. Thường xuyên tiếp cận lời Chúa là phương thế giúp ta không trở nên nhạt và cho ta đáng hưởng mối phúc nói đến trong thánh vịnh: 'Phúc thay người vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa hoa quả trổ sinh'.

Hãy giữ muối trong lòng chúng ta làm ta có thể hiến dâng đời sống mình, ngay cả trong những việc nhỏ nhặt tầm thường hằng ngày, đem vào đó chất mặn kitô, không để mình biến dạng bởi não trạng thế gian, và như thế truyền lại cho kẻ khác hương vị của Đức Kitô.

 
Thứ sáu Tuần VII TN

Lời Thánh Phêrô trong thư thứ nhất: 'Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt'. Sự bất diệt và sự trung tín đi đôi với nhau. Là một bài học mà con người không dễ dàng hiểu được, vì họ quan niệm tình yêu quá tự nhiên, luôn mang tính ích kỷ. Thật vậy, trong tình yêu con người có xen lẫn ích kỷ và quảng đại và vì thế mà cần phải huấn luyện tình yêu của ta để luôn trung tín và vô vị lợi.

Ngay trong hôn nhân, sự kết hiệp đích thực giữa hai người nam nữ không thể đặt nền tảng trên đam mê và tính thiếu kiên định tình cảm, nhưng phải trên sự trung thành. Không dễ dàng, bởi lẽ ai cũng muốn tìm hạnh phúc cho riêng mình và nghĩ rằng đó là tình yêu. Nhất là, khi tình yêu không được thanh luyện, sự khao khát tìm thỏa mãn bản năng tính dục sẽ trổi vượt và khi sự thỏa mãn này không có được hoặc người ta nghĩa rằng có thể tìm được một nơi khác, chính là lúc chia tay nhau.

Nhưng chương trình của Thiên Chúa hoàn toàn khác: 'Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt'. Đức Giêsu nhắc lại chương trình này của Thiên Chúa, và chương trình này trở nên của con người  khi con người không tìm thỏa mãn riêng mình, hạnh phúc riêng, nhưng hạnh phúc của kẻ khác, cho dù phải hy sinh chính mình. Như thế điều Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly. Đây là luật của Thiên Chúa và đồng thời là một ân ban của Thiên Chúa, như sách Huấn ca nói về tình bạn.

'Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy'. Nếu một người tùng phục Thiên Chúa, sẽ mang vào trong tình bạn của mình sự quảng đại chỉ có nơi Thiên Chúa; nên 'ai kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình'. Dựa vào Thiên Chúa, là tình yêu quảng đại, thì người quảng đại và trung thành sẽ tìm gặp được một bạn hữa giống như mình, 'vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế'.

 
Thứ Bảy Tuần VII TN

Bài đọc trích sách Huấn Ca ca tụng sự cao cả của con người: 'Người theo hình ảnh mình mà làm ra nó...Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu'. Và điều đáng quý hơn là: 'Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết'. Dĩ nhiên đề cập đến giao ước với Môsê và những điều luật ghi trên hai bia đá. Chúng ta càng phải ca ngợi lòng nhân từ của Thiên Chúa hơn nữa khi nghĩ đến giao ước mới được ký kết bằng máu của Đức Kitô và luật mới được ghi khắc trong lòng ta, làm cho ta sống trong Thánh Thần như nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong tin mừng, Đức Giêsu nhiều lần lập lại lời mời gọi con người cao cả nhờ ân sủng của Thiên Chúa đó, hãy trở nên trẻ nhỏ: là điều kiện để vào Nước Thiên Chúa. Và để trở nên trẻ nhỏ, ta có một con đường: làm con cái của Đức Maria, Đấng đã sống bé nhỏ và bằng lòng với thân phận bé nhỏ: 'Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa...vì Người nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn'. Thật khó mà chấp nhận những giới hạn của mình! Bí quyết là sống khiêm nhượng và cao thượng. Cảm tạ Chúa đã ban cho ta Đức Maria, mẫu gương và người mẹ để giúp ta hiểu sự cần thiết phải sống bé nhỏ theo tin mừng để nhận lãnh những ơn thiêng.

Thông hiểu về thế giới cổ người ta sẽ rất đổi ngạc nhiên trước thái độ của Đức Giêsu đối với trẻ nhỏ: Vị Thầy Nagiarét không chỉ tiếp nhận chúng mà còn đề nghị cung cách của chúng như mẫu mực sống cho người môn đệ. Thời xưa, trẻ em không gợi lên tình cảm yêu mến như thời đại ngày nay: trong nền văn hóa hy lạp cũng như la mã và cả do thái nữa, trẻ em được xem như là chưa phải con người và việc giáo dục được giao phó cho các người mẹ và thật đáng tiếc nhiều lúc trẻ em được xem như vật sở hữu của cha mẹ, muốn sử dụng hoặc bán buôn cho người khác, tùy ý. Một trong những gia sản kitô giáo để lại cho thế giới chính là sự tôn trọng mỗi con người và cách riêng là người yếu đuối, bé nhỏ. Đức Giêsu đưa các trẻ em vào trong các dụ ngôn của mình, Ngài chúc lành cho chúng, quở trách các tông đồ đã ngăn cản chúng.

Là người môn đệ chúng ta bắt chước gương các trẻ nhỏ trong đời sống. Đức Giêsu không bảo ta phải có đức tin ấu trĩ nhưng  biết mở lòng mình ra để biết ngạc nhiên trước mọi sự, và đón nhận Nước Thiên Chúa một cách khiêm tốn. Biết bao bài học người trưởng thành chúng ta có thể rút ra từ các trẻ em!

 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Nguồn giaophannhatrang.org

780    23-02-2014 20:10:39