Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Sách GLHTCG_Tông Hiến FiDei Depositum

Tông hiến
FIDEI DEPOSITUM


về việc ấn hành

CUỐN GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
được soạn thảo sau Công đồng Vaticanô II

GIOAN- PHAOLÔ, GIÁM MỤC
Đầy tớ của các Đầy tớ Thiên Chúa
để ghi nhớ muôn đời

Nhập đề

GÌN GIỮ KHO KÝ THÁC ĐỨC TIN, là sứ mạng Chúa đã trao phó cho Hội Thánh và Hội Thánh vẫn chu toàn trong mọi thời đại. Được vị tiền nhiệm đáng nhớ của tôi là Đức Gio-an XXIII khai mạc cách đây 30 năm, công đồng chung Va-ti-ca-nô II đã có ý định và ước muốn làm nổi bật sứ mạng tông đồ và mục vụ của Hội Thánh, cũng như, nhờ chân lý Tin Mừng chiếu tỏa, dẫn đưa mọi người tìm kiếm và đón nhận điều quý trọng hơn hết mọi sự là tình yêu của Đức Ki-tô (x . Ep 3,19).

Đức Gio-an XXIII ấn định nhiệm vụ chính yếu của Công Đồng là gìn giữ và giải thích tốt hơn kho tàng quý báu nền đạo lý ki-tô giáo, để giúp các kitô hữu cũng như mọi người thiện chí dễ tiếp thu hơn. Vì vậy, Công Đồng không đặt nặng việc kết án các sai lạc của thời đại, nhưng ưu tiên cho việc nỗ lực bày tỏ một cách hồn nhiên sức mạnh và vẻ đẹp của đạo lý đức tin. Ngài nói : "Đối với Hội Thánh, ánh sáng của Công Đồng này sẽ... là một nguồn mạch phong phú thiêng liêng. Sau khi đã múc được ở đó những năng lực mới, Hội Thánh sẽ vững vàng nhìn vào tương lai ... Chúng ta vui vẻ và không sợ hãi khởi đầu công việc mà thời đại chúng ta đòi hỏi để tiếp tục con đường Hội Thánh đã đi từ gần 20 thế kỷ nay" ( Gioan XXIII, Diễn văn Khai mạc Công đồng Vaticanô II, ngày 11/10/1962, AAS 54 (1962), tr. 788.

Nhờ Thiên Chúa giúp đỡ, qua 4 năm làm việc, các nghị phụ Công Đồng đã đúc kết được một tổng lược chỉ đạo thích hợp trình bày đạo lý và những chỉ đạo mục vụ cho toàn thể Hội Thánh. Mục tử và tín hữu tìm được ở đây những đường hướng cho cuộc đổi mới suy nghĩ, hành động, phong hóa, sức mạnh tinh thần, niềm vui và hy vọng : đó chính là mục đích của Công đồng (Phao-lô VI, Diễn từ kết thúc Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II ngày 8/12/1965 : AAS 58(1966) trang 7-8).

Sau khi kết thúc, Công Đồng không ngừng gợi hứng cho đời sống Hội Thánh. Năm 1985, tôi đã có thể tuyên bố : "Tôi đã được đặc ân tham dự và cộng tác tích cực vào tiến trình của Công đồng Va-ti-ca-nô II. Từ trước đến nay, và một cách đặc biệt trong những năm của nhiệm kỳ Giáo hoàng, Công Đồng vẫn luôn luôn là điểm quy chiếu của mọi hoạt động mục vụ của tôi, trong nỗ lực có ý thức để những chỉ đạo của Công Đồng thành áp dụng cụ thể và trung thành, ở bình diện mỗi Giáo Hội cũng như trong toàn thể Hội Thánh. Phải luôn luôn trở về với nguồn mạch này" (Diễn từ ngày 30-5-1986 , số 131) 5:AAS 78(1986), trang 1273).
Trong tinh thần ấy, ngày 25.1.1985, tôi đã triệu tập một hội nghị bất thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công Đồng kết thúc. Mục đích của hội nghị là tạ ơn Thiên Chúa về các ân huệ và hoa trái thiêng liêng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, đào sâu nhằm gắn bó hơn với giáo huấn của Công Đồng, và giúp cho mọi người hiểu biết và áp dụng các giáo huấn ấy tích cực hơn.

Nhân dịp này, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã bày tỏ ước nguyện "soạn thảo một quyển giáo lý hay yếu lược toàn bộ đạo lý công giáo cả về đức tin và luân lý, để làm bản văn tham khảo cho các sách giáo lý hay yếu lược trong các quốc gia. Việc trình bày đạo lý phải có tính cách Kinh Thánh và Phụng vụ, diễn đạt một đạo lý chắc chắn và đồng thời thích nghi với đời sống hiện nay của các Ki-tô hữu" (Báo cáo tổng kết của Thượng Hội Đồng bất thường ngày 7/12/1985, II,B,a số 4: Enchiridion Vaticanum, tập 9,trang 1758, số 1797). Ngay khi Thượng Hội Đồng kết thúc, tôi đã theo ý kiến ấy vì nó "đáp ứng hoàn toàn một nhu cầu thực sự của Hội Thánh toàn cầu cũng như của các Giáo Hội địa phương" (Diển văn bế mạc của Thượng Hội Đồng bất thường ngày 7/12/1985 số 6: AAS 78 (1986) trang.435).

Hôm nay chúng tôi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, vì chúng tôi có thể giới thiệu cho toàn thể Hội Thánh quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo này. Đây là bản văn tham khảo để canh tân huấn giáo theo các nguồn mạch sống động của đức tin.

Sau việc canh tân phụng vụ và soạn thảo bộ Giáo Luật mới cho Giáo Hội La-tinh và các khoản luật cho các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo, quyển giáo lý này sẽ góp phần rất quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn bộ đời sống Hội Thánh, như Công Đồng Va-ti-ca-nô II mong muốn và đã khởi sự.

Lộ trình và tinh thần việc soạn thảo văn bản này

Cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là kết quả của một sự cộng tác rộng rãi của 6 năm làm việc khẩn trương trong tinh thần chăm chú cởi mở và với một nhiệt tâm nồng cháy.
Năm 1986, tôi uỷ thác nhiệm vụ dự thảo một quyển giáo lý theo yêu cầu của các nghị phụ Thượng Hội Đồng cho một ủy ban gồm 12 Hồng Y và Giám Mục, do Hồng y Giuse Ratzinger làm chủ nhiệm. Tiểu ban biên tập gồm 7 Giám mục giáo phận, những chuyên viên thần học và huấn giáo, đã giúp ủy ban trong công việc này.

Với nhiệm vụ đề ra những chỉ đạo và giám sát tiến trình công việc, ủy ban đã chăm chú theo dõi tất cả các giai đoạn biên tập 9 bản văn nối tiếp nhau. Về phần mình, tiểu ban biên tập đảm nhận nhiệm vụ viết bản văn, sửa đổi theo yêu cầu của ủy ban và nghiên cứu những nhận xét của nhiều nhà thần học, nhà chú giải, huấn giáo, nhất là của các Giám mục trên toàn thế giới nhằm hoàn chỉnh bản văn. Nhờ tiểu ban đó, chúng ta đã có được những trao đổi hiệu quả và phong phú, bảo đảm cho bản văn được thống nhất và đồng bộ.

Bản dự thảo đã được gởi đến các Giám Mục Công Giáo, các Hội Đồng Giám Mục hay Thượng Hội Đồng, các viện Thần Học và Huấn Giáo để tham khảo ý kiến. Nói chung, bản dự thảo đã được hàng Giám Mục tiếp nhận rất thuận lợi. Người ta có quyền nói quyển giáo lý này là kết quả sự cộng tác của toàn thể hàng Giám Mục Hội Thánh Công Giáo. Các ngài đã quảng đại đáp lại lời tôi mời gọi, nhận phần trách nhiệm của mình trong sáng kiến chung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Hội Thánh. Việc các giám mục hưởng ứng làm cho tôi rất vui mừng, bấy nhiêu tiếng nói đã tạo nên bản "giao hưởng đức tin" nầy. Việc thực hiện quyển Giáo Lý cho thấy tính tập đoàn của hàng giám mục : đó là tính công giáo của Hội Thánh.

Sự phân phối đề tài

Sách giáo lý phải trình bày một cách trung thành và có hệ thống giáo huấn của Thánh Kinh, Truyền thống sống động trong Hội Thánh và Huấn Quyền đích thực, cũng như gia sản thiêng liêng của các Giáo Phụ, các thánh nam nữ của Hội Thánh, để có thể giúp người ta hiểu biết hơn về Mầu nhiệm Ki-tô giáo và làm sinh động đức tin của dân Thiên Chúa. Sách giáo lý phải lưu ý đến những minh định về đạo lý mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong Hội Thánh qua các thời đại. Sách giáo lý cũng phải giúp chúng ta dùng ánh sáng đức tin soi sáng những hoàn cảnh mới và những vấn đề chưa được đặt ra trong quá khứ.

Quyển Giáo Lý này cũng sẽ gồm cả những điều mới và điều cũ, vì đức tin vừa không thay đổi vừa là nguồn mạch của những ánh sáng mới (Mt 13,52).

Để đáp ứng hai đòi hỏi ấy, quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo lấy lại thứ tự "cũ", đã trở thành truyền thống mà cuốn Giáo lý của Thánh Pi-ô V đã theo, khi chia nội dung thành 4 phần : Kinh Tin Kính; Phụng Vụ, đặc biệt là các bí tích; Luân Lý Ki-tô giáo, được trình bày dựa trên các giới răn; cuối cùng là Kinh Nguyện của Ki-tô hữu. Mặt khác, nội dung phải được trình bày một cách "mới" để đáp ứng những câu hỏi của thời đại.

Bốn phần được nối kết với nhau : Mầu nhiệm ki-tô giáo là đối tượng của đức tin (phần I); mầu nhiệm ấy được mừng kính và thông truyền trong các lễ nghi phụng vụ (phần II); mầu nhiệm ấy hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Thiên Chúa trong đời sống luân lý (phần III); mầu nhiệm ấy đặt nền móng cho kinh nguyện được diễn tả đặc biệt qua kinh "Lạy Cha" và là nội dung cho lời cầu xin, ca ngợi và chuyển cầu của chúng ta (phần IV).

Chính Phụng Vụ cũng là kinh nguyện: Việc tuyên xưng đức tin có chỗ thích đáng trong việc cử hành phụng tự. Ân sủng, hoa trái của các bí tích, là điều kiện không gì thay thế được trong đời sống luân lý Ki-tô giáo, cũng như đức tin là điều kiện để tham dự phụng vụ của Hội Thánh. Nếu đức tin không được triển khai bằng việc làm, đó là đức tin chết (x. Gcb 2,14-26) và không thể đem lại hoa quả cho đời sống vĩnh cửu.

Đọc cuốn sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy được sự thống nhất đáng phục của mầu nhiệm Thiên Chúa, của ý định cứu độ của Người, cũng như vị trí trung tâm của Đức Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha cử đến làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a rất thánh, nhờ Chúa Thánh Thần, để làm Đấng Cứu độ chúng ta. Người đã chết và sống lại nhưng vẫn luôn hiện diện trong Hội Thánh, đặc biệt trong các bí tích. Người là nguồn mạch đức tin, mẫu mực cho đời sống luân lý Ki-tô giáo và Thầy dạy chúng ta cầu nguyện.

Giá trị giáo lý bản văn

Ngày 25.6.1992, tôi đã phê chuẩn và hôm nay tôi nhân danh quyền tông đồ ra lệnh phổ biến quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo này. Đây là bản trình bày đức tin Hội Thánh và đạo lý Công Giáo, được Thánh Kinh cũng như truyền thống tông đồ và huấn quyền Hội Thánh xác nhận và soi sáng. Tôi coi đây là một phương tiện có gía trị và có thẩm quyền để giúp Hội Thánh được hiệp thông và là một khuôn mẫu chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin. Ước mong quyển sách này giúp đẩy mạnh công cuộc canh tân mà Chúa Thánh Thần không ngừng kêu gọi Hội Thánh của Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, đang trên đường lữ hành về với ánh sáng rực rỡ của Nước Trời.

Việc phê chuẩn và phổ biến quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, người kế nhiệm Thánh Phê-rô muốn phục vụ Hội Thánh, để cũng như tất cả các giáo hội địa phương đang hòa hợp và hiệp thông với tông tòa Rô-ma : đó là nâng đỡ và củng cố đức tin các môn đệ Chúa Giê-su (x.Lc 22, 32), cũng như tăng cường các mối dây hiệp nhất trong cùng một đức tin tông truyền.

Vậy tôi xin các mục tử của Hội Thánh cũng như các tín hữu đón nhận quyển Giáo lý này trong tinh thần hiệp thông và năng sử dụng trong việc chu toàn sứ mạng loan báo đức tin và kêu gọi con người sống theo Tin Mừng. Quyển Giáo Lý này được trao cho họ để làm bản tham chiếu chắc chắn và trung thực cho việc giảng dạy đạo lý công giáo, và một cách rất đặc biệt cho việc soạn những sách giáo lý địa phương. Quyển sách này cũng được trao đến các tín hữu ước muốn hiểu biết hơn về những phong phú khôn lường của ơn cứu độ (x.Ga 8,32). Quyển sách này muốn nâng đỡ những nỗ lực đại kết, do ước muốn thánh thiện tác động, để hiệp nhất tất cả các kitô hữu, bằng cách cho thấy một cách chính xác nội dung và sự mạch lạc hài hoà của đức tin công giáo.

Cuối cùng quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được trao cho bất kỳ ai thắc mắc về niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1Pr 3,15) và muốn biết Hội Thánh Công Giáo tin gì. Quyển Giáo Lý này không có ý định thay thế các sách giáo lý địa phương được phê chuẩn do giáo quyền, các Giám mục giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục, nhất là nếu được Tòa Thánh phê chuẩn. Quyển sách này có ý khích lệ và giúp đỡ việc soạn thảo những sách giáo lý mới ở từng địa phương theo những hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, nhưng vẫn lưu tâm gìn giữ sự hiệp nhất trong đức tin và lòng trung thành với đạo lý công giáo.

Kết luận

Để kết thúc văn kiện giới thiệu quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Rất Thánh, Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Hội Thánh, dùng lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ, mà nâng đỡ công việc huấn giáo của toàn thể Hội Thánh trên mọi cấp độ, trong giai đoạn này, khi Hội Thánh được mời gọi có một nỗ lực mới cho việc Phúc Âm hóa nhân loại. Xin cho ánh sáng đức tin chân thật giải thoát nhân loại khỏi cảnh u tối và nô lệ của tội lỗi, để dẫn đưa họ đến sự tự do duy nhất xứng đáng với danh nghĩa ấy (x.Ga 8,32) : đó là sự sống trong Đức Giê-su Ki-tô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ở đời này và trong Nước Trời, trong sự sung mãn của hạnh phúc được thấy Thiên Chúa nhãn tiền (x.1Cr 13,12; 2Cr 5,6-8).

Ban hành ngày 11.10.1992,
nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai mạc
Công Đồng Va-ti-ca-nô II,
năm thứ 14 nhiệm kỳ Giáo hoàng của tôi

2099    09-02-2011 20:24:17