Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Sách GLHTCG_Phần 3_Đoạn 1_Chương 2_Mục 1

 CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

1877 355.
Ơn gọi của nhân loại là biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Người Con duy nhất của Chúa Cha. Ơn gọi này vừa được ban cho từng cá nhân, vì mỗi người đều được mời gọi vào hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, vừa được ban cho toàn thể cộng đồng nhân loại.

Mục 1CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

I.TÍNH CÁCH CỘNG ĐỒNG CỦA ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

1878 1702.
Tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến cùng đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong chân lý và tình yêu. Yêu người không thể tách rời khỏi mến Chúa.

1879 1936.
Con người cần đến đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một cái gì được thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát triển các tiềm năng; nhờ đó họ đáp lại ơn gọi của mình (GS 25,1).

1880 771.
Xã hội là tập thể những người sống liên kết với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại mãi : tiếp nhận dĩ vãng và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành "người thừa tự", lãnh nhận các "nén bạc" để làm giàu căn tính mình và phải phát triển các "nén bạc" ấy (x. Lc 19.13.15 ). Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích.

1881 1929. 
Mỗi cộng đồng được định nghĩa theo mục đích của nó; do đó, phải tuân theo những quy tắc đặc thù, nhưng "nhân vị con người chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" (x. GS 25,1 ).

1882 1913.
"Có những mối liên hệ xã hội đáp ứng trực tiếp được bản tính sâu xa của con người, đó là gia đình và nhà nước" (x. GS 25,2 ). Chúng cần thiết cho con người. Để đa số có thể tham gia đời sống xã hội, nên khuyến khích thành lập các hiệp hội và những tổ chức "nhằm các mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí, nghề nghiệp, chính trị...trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế" (x. MM :Thông điệp Mẹ và Thầy. 60 ). Công cuộc "xã hội hóa" này đặt nền tảng trên xu hướng tự nhiên thúc đẩy con người hợp tác với nhau, để đạt tới những mục tiêu vượt quá khả năng của từng người. Công cuộc này giúp phát triển các đức tính của con người, nhất là óc sáng kiến và tinh thần trách nhiệm, cũng như giúp bảo đảm các quyền của con người ( x. GS 25; CA 12 ).

1883 2431.
Công cuộc xã hội hóa cũng kèm theo những nguy hiểm. Sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước có thể đe dọa tự do và sáng kiến cá nhân. Hội Thánh đề ra nguyên tắc hỗ trợ : "một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp đến độ tước mất các thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết, và giúp nó phối hợp hoạt động với những tập thể khác, để mưu cầu công ích" ( x. CA 48; Đức Pi-ôXI ).

1884 307 302.
Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ nó có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Xã hội loài người phải bắt chước cách lãnh đạo này. Cách Thiên Chúa cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa quan phòng.

1885.
Nguyên tắc bổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, xác định giới hạn cho việc can thiệp của Nhà Nước, hòa hợp các tương quan giữa cá nhân và xã hội, hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực.

II. HOÁN CẢI VÀ XÃ HỘI

1886 1779
Con người cần đến xã hội để thực hiện ơn gọi làm người. Để đạt tới mục tiêu này, cần phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị : "các chiều kích thể lý và bản năng phải lệ thuộc các chiều kích nội tâm và thiêng liêng" ( x. CA 36 ).

2500
Đời sống xã hội trước hết phải được coi là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chu toàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất của mình và mong ước cho nhau được ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Đây là những giá trị phải nuôi dưỡng và định hướng cho những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội, các phong trào và các thể chế chính trị, pháp luật và mọi sinh hoạt khác nữa của đời sống xã hội trong tiến trình chuyển biến không ngừng của nó ( x. PT 35 ).

1887 909 1869
Việc lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích (x.CA 41) dẫn tới việc coi phương tiện như cùng đích tối hậu, hay xem những con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Điều này tạo ra những cơ cấu bất công "làm cho người Ki-tô hữu gặp khó khăn hay không thể sống phù hợp với các giới răn của Đấng Lập Luật Thần Linh" ( x. Đức Pi-ô XII,bài giảng ngày 1-6-1941 ).

1888 787,1430.
Để đạt được những cải tổ giúp xã hội thực sự phục vụ con người, chúng ta cần nhờ đến các khả năng tinh thần và luân lý của con người và việc thường xuyên hoán cải nội tâm. Việc hoán cải nội tâm chiếm vị trí ưu tiên. Điều này không loại trừ, mà trái lại, càng củng cố trách nhiệm phải lành mạnh hóa các cơ chế và điều kiện sống khi chúng gây nên dịp tội, để chúng phù hợp với tiêu chuẩn của công bình và giúp phát huy điều thiện thay vì ngăn trở ( x. LG 36 ).

1889 1825.
Không có ân sủng trợ lực, con người không thể "khám phá ra con đường thường là nhỏ hẹp, giữa việc hèn nhát nhượng bộ sự dữ và việc dùng bạo lực để đấu tranh nhưng lại làm cho sự dữ thêm trầm trọng ( x. CA 25 )". Đó là con đường đức mến, yêu Chúa và yêu người. Đức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Đức mến tôn trọng tha nhân và các quyền lợi của họ, đòi buộc thực thi công bình mà chỉ có đức mến mới giúp ta thực hiện được. Đức mến thúc đẩy chúng ta sống dấn thân : "Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống" (Lc 17, 33).

TÓM LƯỢC

1890.
Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi với tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau.

1891.
Con người cần đến đời sống xã hội để tự phát triển theo đúng bản tính. Có những mối liên hệ xã hội như gia đình và Nhà Nước, đáp ứng trực tiếp được bản tính con người.

1892.
"Nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội"( x. GS 25,1 ).

1893.
Nên khuyến khích mọi người tích cực tham gia các hiệp hội và các tổ chức.

1894.
Theo nguyên tắc bổ trợ, Nhà Nước hay một tập thể lớn, không có quyền lấn át sáng kiến và trách nhiệm của những cá nhân và các tổ chức nhỏ.

1895.
Xã hội không được gây trở ngại, nhưng phải giúp con người thực thi những điều thiện hảo. Vì thế, xã hội phải tôn trọng bậc thang đúng đắn của các giá trị.

1896. 
Tội lỗi càng làm băng hoại xã hội, con người cần phải hoán cải nội tâm và nhờ đến ân sủng của Thiên Chúa. Đức mến thúc đẩy thực hiện những cuộc cải tổ chính đáng. Không có giải đáp nào cho các vấn đề xã hội ngoài Tin Mừng Chúa Giê-su ( x. CA 3).


2399    15-02-2011 16:30:54