Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Sách GLHTCG_Phần 1_Đoạn 2_Chương 2_Mục 4_Tiết 1

Mục 4: "CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ CHỊU KHỔ HÌNH
DƯỚI THỜI PHONGXIÔ- PHILATÔ, NGÀI ĐÃ BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ, CHẾT VÀ MAI TÁMG"

571 1067.        Mầu nhiêm Vượt Qua từ Thập Giá đến Phục Sinh của Chúa Ki-tô là trọng tâm Tin Mừng mà các tông đồ và Hội Thánh tiếp nối các ngài, phải loan báo cho thế giới cái chết của Thánh Tử Giê-su Ki-tô đã hoàn tất ý định cứu độ của Thiên Chúa "một lần dứt khoát" (Dt 9,26).

572 599.          Hội Thánh vẫn trung thành với cách "giải thích toàn bộ Thánh Kinh" mà chính Đức Giê-su đã đưa ra trước cũng như sau cuộc Vượt Qua : "Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người sao?" (Lc 24, 26-27, 44-45). Những khổ đau của Đức Giê-su mang dấu chứng lịch sử cụ thể vì Người đã "bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ" (Mc 8, 31); họ đã "nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá" (Mt 20, 19).

573 158.          Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc cứu chuộc, chúng ta cố gắng tìm hiểu kỹ càng các tình tiết về cái chết của Đức Giê-su, đã được các sách Tin Mừng (x. DV 19) trung thành truyền lại và được các nguồn lịch sử khác soi sáng.

Tiết 1: ĐỨC GIÊSU VÀ ISRAEL

574 530 591.   Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su, những người Pha-ri-sêu và nhóm Hê-rô-đê, cùng với các tư tế và kinh sư đã toa rập với nhau để hại Người ( x.Mc 3,6). Vì một số hành động của Người (trừ quỉ (x.Mt 12,24); tha tội ( x.Mc 2,7); chữa bệnh ngày sa-bát (x.Mc 3,1-6); giải thích độc đáo những giới luật thanh sạch (x.Mc 7,14-23); thân thiện với những người thu thuế và kẻ tội lỗi công khai (x.Mc 2,14-17)), mà nhiều người có ý xấu nghi ngờ Người bị quỉ ám (x.Mc 3,22; Ga 8,48; 10,20). Họ buộc tội Người là kẻ phạm thượng (x.Mc 2,7; Ga 5,18; 10,33)và là ngôn sứ giả (x.Ga 7,12; 7,52); đây là những tội thuộc lãnh vực tôn giáo mà theo Luật Mô-sê, phải bị xử tử bằng cách ném đá (x.Ga 8,59; 10,31).

575 993.          Không phải đa số dân Thiên Chúa (Ga 7,48-49), nhưng chủ yếu là các nhà chức trách tôn giáo tại Giê-ru-sa-lem, những người mà Tin Mừng Thánh Gio-an thường gọi là "người Do Thái" (x.Ga 1,19; 2,18; 5,10; 7,13; 9,22; 18,12; 19,38; 20,19), đã coi nhiều hành động và lời nói của Đức Giê-su là "dấu hiệu chống đối" (Lc 2,34) (x.Ga 7,48-49). Giữa Chúa Giê-su với nhóm Pha-ri-sêu không phải chỉ có luận chiến. Chính những người Pha-ri-sêu đã báo trước cho Người mối nguy đang đe dọa Người (x.Lc 13,31). Đức Giê-su ca tụng một số Pha-ri-sêu như kinh sư trong Mc 12,34, và Người cũng nhiều lần dùng bữa tại nhà họ. Đức Giê-su chuẩn nhận những giáo huấn thịnh hành nơi nhóm ưu tú tôn giáo này của dân Chúa: việc kẻ chết sống lại, những hình thức đạo đức (bố thí, giữ chay và cầu nguyện), và thói quen gọi Thiên Chúa là cha, tính cách trọng tâm của giới răn mến Chúa yêu người.

576.     Đối với nhiều người Ít-ra-en, Đức Giê-su xem ra hành động nghịch với những định chế cơ bản của Dân Chúa như :

-Việc tuân phục Lề Luật, gồm tất cả những giới luật thành văn không trừ luật nào, và theo nhóm Pha-ri- sêu, gồm cả những lời giải thích truyền khẩu nữa;

-Vị trí trung tâm của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem như nơi thánh, nơi Thiên Chúa ngự cách đặc biệt;

-Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất mà không ai có thể chia sẻ vinh quang với Người.

I. ĐỨC GIÊ-SU VÀ LỀ LUẬT

577 1965.        Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su bày tỏ lập trường của mình đối với Luật Cũ dưới ánh sáng ân sủng của Luật Mới. Người cảnh giác :

1967.   "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc giáo huấn của các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, và cho đến khi mọi sự được hoàn thành, thì một chấm một phết trong sách Luật cũng không thể bỏ đi được. Vậy ai vi phạm dù chỉ là một trong những điều luật nhỏ nhất này, và dạy kẻ khác làm như thế, thì sẽ được coi là người nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân giữ, và dạy kẻ khác làm như thế, thì sẽ được coi là người lớn nhất trong Nước Trời" (Mt 5,17-19).

578 1953.        Theo Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en, người lớn nhất trong Nước Trời phải chu toàn Lề Luật bằng cách thi hành trọn vẹn, ngay cả trong các điều luật nhỏ nhất. Thật ra, Người là Đấng duy nhất có thể làm điều này một cách trọn hảo. Chính Người Do Thái thú nhận không thể chu toàn được Lề Luật mà không vi phạm điều luật nhỏ nào. Vì thế trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Ít-ra-en xin lỗi Thiên Chúa về những vi phạm Lề Luật. Lề Luật họp thành một khối thống nhất; thánh Gia-cô-bê nhắc nhở, "ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm" (Gcb 2,10).

579.     Nhóm Pha-ri-sêu tha thiết với nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề Luật này, không những sát mặt chữ mà cả trong tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Ít-ra-en, họ đã đưa nhiều người Do Thái thời Đức Giê-su, đến một lòng đạo cực đoan. Lòng đạo này, nếu không biến thành một thứ luân lý biện luận (Casuistique) "giả hình", thì có thể chuẩn bị Dân Chúa đón nhận sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa: Đấng Công Chính duy nhất sẽ thực hiện Lề Luật cách trọn hảo thay cho mọi kẻ tội lỗi.

580 527.          Chỉ có Con Thiên Chúa, Đấng ban hành Lề Luật, sinh làm người sống dưới Lề Luật mới có thể chu toàn lề luật cách trọn hảo ( x. Gl 4,4). Nơi Đức Giê-su, Lề Luật không còn được ghi trên bia đá, nhưng "trong đáy lòng" (Gr 31, 33) của Người Tôi Tớ được đặt làm "giao ước với dân" (Is 42,6), vì Người đã "trung thành làm sáng tỏ công lý" (Is 42,3). Đức Giê-su chu toàn Lề Luật đến nổi gánh lấy "lời nguyền rủa của Lề Luật" (Gl 3,13) mà những ai "không thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật" (Gl 3,10) đã chuốc lấy. "Người lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ" (Dt 9,15).

581 2054.        Trước mắt người Do Thái cũng như các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Đức Giê-su xuất hiện như một vị "Ráp-bi" (x. Ga 11,28; 3,2; Mt 22,23-24; 34-36). Người thường lý luận trong khuôn khổ cách giải thích Luật của các Ráp-bi. Nhưng đồng thời, Đức Giê-su cũng va chạm đến những luật sĩ vì Người không chỉ đưa ra cách giải thích luật của Người, nhưng "còn giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền chớ không như các luật sĩ" (Mt 7,28-29). Nơi Người, chính Lời của Thiên Chúa đã từng vang dội trên núi Xi-nai để ban hành Lề Luật cho Mô-sê, nay lại vang dội trên Núi Bát Phúc (x. Mt 5,1). Lời Thiên Chúa ấy không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề Luật bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu của Thiên Chúa : "Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng ... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết" (Mt 5,33-34). Với cùng một thẩm quyền ấy của Thiên Chúa, Người phủ nhận một số "truyền thống của người phàm" (Mc 7,8) nghĩa là của những người Pha-ri-sêu "hủy bỏ Lời Thiên Chúa" (Mc 7,13).

582 368 548 2173.      Đi xa hơn nữa, Đức Giê-su còn kiện toàn Luật thanh khiết về các thức ăn, điều mà người Do Thái coi là rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày (x. Gl 3,24), bằng cách giúp ta hiểu : "Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế ... như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh khiết. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu" (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền của Thiên Chúa đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề Luật, Đức Giê-su phải đương đầu với một số luật sĩ không chịu đón nhận cách giải thích của Người, dù lời giải thích này được bảo đảm bằng những dấu lạ kèm theo (x. Ga 5,36; 10,25-37-38; 12,37). Mâu thuẫn lại càng gay gắt hơn trong vấn đề ngày sa-bát. Đức Giê-su thường dựa theo lập luận của các Ráb-bi (x. Mc 2,25-27; Ga 7,22-24) , nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi của ngày sa-bát không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa (x. Mt 12,5; Nb 28,9) và anh em (x. Lc 13,15-16; 14,3-4) qua các việc chữa bệnh của Người .

II. ĐỨC GIÊ-SU VÀ ĐỀN THỜ

583 529 534.   Cũng như các ngôn sứ, Đức Giê-su, tỏ ra hết lòng tôn kính Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Bốn mươi ngày sau khi sinh (x. Lc 2,22-39), Người được thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đem dâng trong Đền Thờ. Năm mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền Thờ để nhắc cha mẹ nhớ rằng Người phải ở nhà Cha Người ( x. Lc 2,46-49). Trong thời ẩn dật, Người lên Đền Thờ hằng năm ít nhất là trong lễ Vượt Qua (x. Lc 2,41). Sứ vụ công khai của Người cũng nhịp theo những cuộc hành hương của Người lên Giê- ru-sa-lem vào những ngày lễ lớn của đạo Do Thái (x Ga 2,13-14; 5,1,14; 7,1,10,14; 8,2; 10,22-23).

584 2599.        Đức Giê-su lên Đền Thờ, nơi ưu biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Người, Đền Thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện. Người phẫn nộ vì tiền đường Đền Thờ đã trở thành nơi buôn bán ( x. Mt 21,13). Vì yêu Cha tha thiết, Người xua đuổi con buôn khỏi Đền Thờ : "Đừng biến nhà Cha tôi thành chợ búa". Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: "Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa, sẽ thiêu đốt tôi (Tv 69,10)" (Ga 2,16-17). Sau khi Người phục sinh, các tông đồ vẫn một lòng tôn kính Đền Thờ
(x. Cv 2,46; 3,1; 5,20,21:vv...).

585.     Trước khi chịu nạn, Đức Giê-su đã loan báo Đền Thờ sẽ bị tàn phá và không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào (x. Mt 24,1-2). Đây là dấu chỉ tiên báo thời cánh chung sẽ khởi đầu với cuộc Vượt Qua của Người ( x. Mt 24,3, Lc 13,35). Những lời tiên báo đó đã bị những kẻ chứng gian bóp méo, khi vị Thượng Tế thẩm vấn Đức Giê-su, và sau đó, người ta lại dùng để nhục mạ Người khi Người bị đóng đinh trên cây thập giá (x.Mt 27,39-40).

586 797 1179. Đức Giê-su không chống đối Đền Thờ (x.Mt 8,4; 23,21; Lc,17,14; Ga 4,22) nơi mà Người đã trình bày một phần lớn giáo thuyết (x. Ga 18,20). Người còn muốn nộp thuế Đền Thờ cho phần mình và phần Phê-rô (x.Mt 17,24-27) mà Người vừa mới đặt làm nền tảng Hội Thánh tương lai (x. Mt 16,18). Hơn nữa, Người tự đồng hóa với Đền Thờ khi coi mình là nơi Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn giữa loài người ( x.Ga 2,21; Mt 12,6). Vì vậy, việc Người bị giết chết về thể xác, loan báo việc phá hủy Đền Thờ. Sự phá hủy này cho thấy lịch sử cứu độ bước vào thời đại mới : "Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem nữa" (Ga 4,21) (x.Ga 4,23-24; Mt 27,51; Dt 9,11; Kh 21,22).

III. ĐỨC GIÊ-SU VÀ ĐỨC TIN CỦA ÍT-RA-EN VÀO THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ DUY NHẤT

587.     Nếu Lề Luật và Đền thờ Giê-ru-sa-lem là cơ hội để các nhà chức trách "chống báng Chúa Giê-su" (x.Lc 2,34), thì thật ra vai trò cứu chuộc khỏi tội lỗi của Người, công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, mới chính là hòn đá vấp ngã cho họ (x.Lc 20,17-18; Tv.118,22).

588 545.          Đức Giê-su làm cho nhóm Pha-ri-sêu bất bình, khi thân mật dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi (x.Lc 5,30), y như đã thân mật dùng bữa với họ (x.Lc 7,36; 11,37; 14,1). Với những người "tự đắc cho mình là công chính mà khinh chê người khác" (Lc 18,9) (x.Ga 7,49; 9,34), Đức Giê-su khẳng định : "Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32). Người còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố trước mặt nhóm Pha-ri-sêu rằng, mọi người đều có tội (x.Ga 8,33-36), cho nên ai tự cho mình không cần được cứu độ thật là đui mù về chính bản thân (x.Ga 9,40-41).

589 431,1441 432.      Đức Giê-su làm cho người Do Thái bất bình nhất là vì đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người với kẻ tội lỗi là thái độ của chính Thiên Chúa (x.Mt 9,13; Hs.6,6). Thậm chí Người còn muốn cho họ thấy rằng khi đồng bàn với kẻ tội lỗi (x.Lc 15,1-2), Người đón nhận những người ấy vào bàn tiệc thời Mê-si-a ( x.Lc 15,23-32). Đặc biệt khi tha tội, Đức Giê-su dồn các nhà chức trách của Ít-ra-en vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong cơn hoảng hốt, họ có lý khi nêu vấn nạn : "Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội" (Mc 2,7)? Hoặc là Đức Giê-su phạm thượng khi tha tội vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa ( x.Ga 5,18; 10,33), hoặc là Người nói đúng, và như vậy, chính nơi Người, Thiên Chúa hiện diện và mặc khải danh Thiên Chúa ra (x.Ga 17,6,26).

590 253.          Chỉ với căn tính là Thiên Chúa, Đức Giê-su mới có quyền đưa ra đòi hỏi tuyệt đối : "Ai không theo tôi, là chống lại tôi" (Mt 12,30); hay tuyên bố : "ở đây có người còn hơn ông Giô-na nữa,... còn hơn vua Xa-lô-mon nữa" (Mt 12,41-42), "hơn cả Đền Thờ nữa" (Mt 12,6); cũng như khi nhắc lại lời Đa-vít đã gọi Đấng Mê-si-a là Chúa của ông (x.Mt 12,36-37); Người khẳng định : "Trước khi có tổ phụ Áp-ra-ham, vẫn có tôi " (Ga 8,58); thậm chí Người còn nói : "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30).

591 526 574.   Đức Giê-su đòi buộc các nhà chức trách tôn giáo của Giê-ru-sa-lem phải tin vào Người vì Người đã chu toàn những công việc của Chúa Cha (x.Ga 10,36-38). Muốn tin như vậy, phải chết đối với bản thân, để được "sinh ra từ trời cao" (Ga 3,7) dưới tác động của ơn thánh (x.Ga 6,44). Một đòi hỏi hoán cải quá gay gắt như vậy đối diện với việc thực hiện các lời hứa cách lạ lùng (x.Is 53,1) giúp chúng ta có thể hiểu được sự sai lầm bi đát của Công Nghị Do Thái (Sanhédrim) khi phán quyết Chúa Giê-su đáng chết vì phạm thượng ( x.Mc 3,6; Mt 26,64-66). Họ hành động như vậy vì "không biết việc họ làm" (x.Lc 23,34; Cv 3,17-18)và vì "lòng chai đá" (Mc 3,5; Rm 11,25) mà "cứng tin" (Rm 11,20).

TÓM LƯỢC

592.     Đức Giê-su không hủy bỏ Lề Luật núi Xi-nai, nhưng đã kiện toàn (x.Mt 5,17-19) cách tuyệt hảo ( x.Ga 8,46): Người mặc khải ý nghĩa tối hậu (x.Mt 5,33) của Lề Luật và chuộc tội lỗi người ta đã phạm đối với Lề Luật (x.Dt 9,15).

593.     Đức Giê-su tôn kính Đền Thờ : Người lên Đền Thờ vào những dịp lễ hành hương của Do Thái và Người yêu nơi Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người này với một tình yêu tha thiết. Đền Thờ báo trước mầu nhiệm của Người. Người loan báo Đền Thờ bị phá hủy là để tỏ cho biết chính Người sẽ bị giết và lịch sử cứu độ bước vào thời đại mới, trong đó Thân Thể Người sẽ là Đền Thờ vĩnh viễn.

594.     Đức Giê-su có những hành vi như việc tha tội tỏ ra Người là chính Thiên Chúa Cứu Độ (x.Ga 5,16-18). Một số người Do Thái không nhìn nhận Người là Thiên Chúa Làm Người, chỉ thấy Người "là một phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa" (Ga 10,33), nên đã kết tội Người là phạm thượng.

1961    15-02-2011 20:29:38