Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Sách GLHTCG_Phần 1_Đoạn 1_Chương 3_Mục 1

 CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA

142 1102         Nhờ mặc khải, "do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ, để mời gọi cho họ hiệp thông với Người" ( x. DV 2). Đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

143 2087         Nhờ Đức Tin, con người đem tất cả trí khôn và ý chí của mình suy phục Thiên Chúa. Con người đặt trọn bản thân qui thuận Đấng mặc khải là Thiên Chúa (x.DV 5) : Thánh Kinh gọi cách đáp trả này là "sự vâng phục bằng Đức Tin" ( x. Rm 1,5;16,26).

Mục 1
1814-1816
TÔI TIN

I. SỰ VÂNG PHỤC BẰNG ĐỨC TIN

144.     Vâng phục trong đức tin là tự nguyện vâng phục lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn ông Áp-ra-ham như gương mẫu của sự vâng phục này. Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là người thể hiện lòng vâng phục ấy cách hòan hảo nhất.

Abraham - "người cha của mọi kẻ có lòng tin"

145 59, 2570 489        Thư gửi tín hữu Do Thái, trong bài tán dương đức tin của tổ tiên, đặc biệt nhấn mạnh đức tin của ông Áp-ra-ham: "Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi, đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11,8) ( x. St 12,1-4). Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ xa lạ và người lữ hành trong đất hứa ( x. St 23,4). Nhờ đức tin, bà Sa-ra đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ ( x. St 11,17).

146 1819         Như vậy, ông Áp-ra-ham thực hiện điều thư Do Thái định nghĩa về đức tin: "Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng,là bằng chứng của những điều ta không xem thấy" (Dt 11,1). "Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế, được kể làngười công chính" (Rm 4,3) ( x. St15,6). Nhờ"đức tin vững mạnh ấy" (Rm 4,20), ông Áp-ra-ham trở thành "tổ phụ của tất cả những người tin" (Rm 4,11.18)( x. St 15,5).

147 839           Cựu Ước nêu lên rất nhiều chứng từ về đức tin ấy. Thư Do Thái tán tụng đức tin gương mẫu của tiền nhân, "nhờ đó các ngài đã được Thiên Chúa chứng nhận" (Dt 11,2.39). Tuy nhiên, "Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn": ơn được tin vào Đức Giê-su Con của Người, "là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin của chúng ta" (Dt 11,40 ; 12,2).

Đức Ma-ri-a - "Người Diễm Phúc vì đã tin"

148 494, 2617 506      Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thể hiện cách hoàn hảo nhất lòng vâng phục bằng đức tin. Vì tin rằng "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được" (Lc 1,37) nên Mẹ đã đón nhận lời của sứ thần Gáp-ri-en loan báo và đoan hứa, và tỏ lòng ưng thuận : "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Bà Ê-li-sa-bét đón chào Mẹ: "Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết" (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Mẹ sẽ được mọi đời khen là diễm phúc ( x. St 18,14 ; Lc 1,48).

149 969 507,829         Trong suốt cuộc đời, và cho đến giờ thử thách cuối cùng ( x. Lc 2,35), khi Đức Giê-su Con của Mẹ chết trên Thánh Giá, đức tin của Mẹ không hề lay chuyển. Mẹ không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ "ứng nghiệm". Chính vì thế, Hội Thánh tôn kính Mẹ là Người đã thể hiện đức tin tinh tuyền nhất .

II. "TÔI BIẾT TÔI ĐẶT NIỀM TIN NƠI ĐẤNG NÀO" (2Tm 1,12)

Tin vào một mình Thiên Chúa

150 222           Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Kitô giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật là chính đáng và phải đạo khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy. Thật vô ích và lầm lạc khi trao gởi một niềm tin như thế cho một thụ tạo (Gr 17, 5-6; Tv 40,5; 146,3-4).

Tin kính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa

151 424           Đối với người Ki-tô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời được với tin vào Đấng mà Người đã cử đến là "Con Chí Ái của Người" đẹp lòng Người mọi đàng" (Mc 1,11); và Thiên Chúa dạy chúng ta phải nghe lời Đấng ấy ( x. Mc 9,7). Chính Chúa cũng nói với môn đệ : "Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14,1). Chúng ta có thể tin vào Đức Giê-su Ki-tô vì chính Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể : "Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, chỉ có Con Một, là Đấng hằng ở trong lòng Chúa Cha, chính Người mới tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa" (Ga 1,18). Vì "thấy Chúa Cha" (Ga 6,46) nên chỉ một mình Người biết và có thể mặc khải Chúa Cha cho chúng ta ( x. Mt 11,27).

Tin kính Chúa Thánh Thần

152 243, 683   Người ta không thể tin vào Đức Giê-su mà không thông phần vào Thánh Thần của Người. Chính Thánh Thần mặc khải cho loài người biết Đức Giê-su là ai. Không ai có thể tuyên xưng "Đức Giê-su là Đức Chúa, nếu không nhờ tác động của Thánh Thần" (1Cr 12,3). "Thánh Thần thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa" (1Cr 2,10-11). Chỉ mình Thiên Chúa biết trọn vẹn về Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Thánh Thần vì Người là Thiên Chúa.

232      Hội Thánh không ngừng tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỨC TIN

Đức tin là một ân sủng

153 552 1814 1996 2606        Khi Thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giê-su tuyên bố với thánh nhân rằng : "Phàm nhân không tài nào mặc khải cho anh điều ấy được, nhưng chính là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải"(Mt 16,17) ( x. Gl 1,15; Mt 11,25). Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, là nhân đức siêu nhiên do Người phú bẩm. Để có được đức tin nầy, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" (DV 5).

Đức tin là một hành vi nhân linh

154 1749 2126            Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ lực bên trong của Thánh Thần. Tuy vậy, tin vẫn là một hành vi đích thực của con người. Tin tưởng Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý mặc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người. Ngay trong những giao tiếp giữa người với người, chúng ta không đi ngược với phẩm giá của mình khi tin những gì người khác nói về chính họ hoặc về ý hướng của họ, và khi tin tưởng vào những lời hứa của họ (chẳng hạn lời hứa hôn nhân) để hiệp thông với họ. Vậy càng không ngược lại với phẩm giá con người, nếu "với đức tin, chúng ta hoàn toàn sáng suốt và tự do qui phục Thiên Chúa, Đấng mặc khải" ( x. Cđ Va-ti-can I; DS 3008), hiệp thông mật thiết với Người.

155.     Trong đức tin, trí khôn và ý chí con người hợp tác với ân sủng Thiên Chúa : "Tin là một hành vi của trí khôn chấp nhận chân lý mặc khải theo lệnh của ý chí được ân sủng Thiên Chúa tác động" ( Th. Tô-ma Aq.toàn thư 2-2,2,9; x.Cđ Va-ti-can I:DS 3010).

Đức tin và trí khôn

156 1063 2465 548 812          Lý do để tin không nằm ở chỗ các chân lý mặc khải được chúng ta thấy là đúng và hiểu được theo ánh sáng của lý trí tự nhiên. Chúng ta tin "vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải không thể sai lầm cũng như không lừa dối chúng ta". "Tuy vậy, để sự ưng thuận của đức tin phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn những bằng chứng bên ngoài của mặc khải đi kèm theo ơn Thánh Thần trợ lực bên trong ( x. Nt, DS 3009). Vì thế các phép lạ của Đức Ki-tô và các thánh

( x. Mc 16,20;Dt 2,4), các lời tiêntri, sự lan tràn và sự thánh thiện, sự phong nhiêu và sự vững bền của Hội Thánh "là những dấu chỉ chắc chắn của mặc khải, phùhợp với trí khôn của mọi người", là những lý do của tính khả tín giúp cho sự ưng thuận của đức tin "hoàn toàn không phải là động tác mù quáng của tinh thần" ( x. Cđ Va-ti-can I: DS 3008-3010).

157 2088         Đức tin chắc chắn, chắc chắn hơn mọi hiểu biết phàm nhân, vì lấy chính Lời Thiên Chúa làm nền tảng, mà Thiên Chúa thì không thể nói dối được. Hẳn là các chân lý mặc khải có thể bị lý trí và kinh nghiệm loài người cho là mờ tối, nhưng "sự chắc chắn mà ánh sáng Thiên Chúa ban còn lớn hơn sự chắc chắn mà ánh sáng của lý trí tự nhiên đem lại" ( Th. Tô-ma Aq. tổng luận 2-2,171,5/3). "Trăm ngàn khó khăn không đủ làm thành một ngờ vực nào" ( Newman, biên hộ).

158 2705 1827 90 2518          "Khi tin người ta muốn tìm hiểu điều mình tin" ( Thánh An-xen-mô, prosl.proem) : có một điều gắn liền với đức tin là người tin ước muốn biết rõ hơn Đấng mình tin và hiểu rõ hơn điều Người mặc khải; ngược lại, một hiểu biết thấu đáo hơn lại đòi hỏi một đức tin lớn hơn, ngày càng đượm nồng tình yêu. Ơn đức tin mở "con mắt tâm hồn" (Ep 1,18) dẫn đến một hiểu biết sống động về nội dung mặc khải, tức là về toàn bộ ý định của Thiên Chúa và những mầu nhiệm đức tin, về tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với Đức Ki-tô, trung tâm của mầu nhiệm được mặc khải. Đằng khác, để "làm cho việc hiểu biết mặc khải luôn thêm sâu sắc, Thánh Thần không ngừng nhờ các ân huệ của Người giúp đức tin được thêm hoàn hảo" (x. Pv 5). Thánh Âu Tinh nói : "Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin tốt hơn" (Bài giảng 43,7,9).

159 283 2293  Đức tin và khoa học. "Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ hai bên thực sự mâu thuẫn nhau : Đấng mặc khải các mầu nhiệm và thông ban đức tin, cũng chiếu rọi ánh sáng khôn ngoan xuống tâm trí con người, Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật" (x. Cđ Va-ti-can I:DS 3017). Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù không ý thức, họ như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng" (GS 36,2).

Sự tự do của đức tin

160 1738,2106 616     Để là một hành vi của con người, "đức tin mà con người đáp lại Thiên Chúa phải là tự nguyện. Do đó, không ai bị cưỡng bức phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn. Thật vậy, tự bản chất đức tin là một hành vi tự ý".

Sự cần thiết của đức tin

161 432,1257846        Tin vào Đức Giê-su Ki-tô và Đấng đã cử Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ ấy ( x. Mc 16,16; Ga 3,36; 6,40 e.a). "Vì "không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa" (Dt 11,6) và cũng không thể chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa mà không cần Đức Tin, và "nếu không bền chí trong đức tin cho đến cùng"( Mt 10,22; 24,13), không ai đạt tới cuộc sống muôn đời" ( Cđ Va-ti-can I: DS 3012; x. cđ Tren-tô:DS 1532).

Vững vàng trong Đức Tin

162 2089 1037,2016 2573, 2849        Đức Tin là một hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phao-lô cảnh giác Ti-mô-thê : "Hãy chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm" (1Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và bền chí đến cùng trongđức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa;chúngtaphảinài van Chúa giatăngđứctin ( x. Mc 9,24; Lc 17,5; 22,32). Đứctin phải "hành động nhờ đức ái" (Gl 5,6) ( x. Gc 2,14-26), được đức cậy nâng đỡ ( x. Rm 15,13)và đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.

Đức tin là khởi điểm của cuộc sống muôn đời

163 1088         Đức tin cho ta được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn phúc nhìn thấy Thiên Chúa, mục đích của cuộc lữ hành dưới thế này của chúng ta. Bấy giờ chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa "mặt giáp mặt" (1Cr 13,12), và "Ngườithế nào chúngta sẽ được thấy như vậy" (1Ga 3,2). Do đó đức tin là khởi điểm của cuộc sống muôn đời :

Ngay từ bây giờ chúng ta chiêm ngắm những phúc lộc của đức tin như một hình ảnh phản chiếu trong gương, vànhư thể chúng ta đang nắmđược những điều kỳ diệumà đức tin bảo đảm với chúng ta rằng một ngày kia chúng ta sẽ được hưởng ( Thánh Ba-si-li-ô, Thánh Thần 15,36; x.Thánh Tô-ma Aqu. toàn thư 2-2,4,1).

164 2846 309,1502 1006        Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta "tiến bước trong đức tin chứ chưa được thấy nhãn tiền" (2Cr 5,7), và nhận biết Thiên Chúa "như trong một tấm gương,một cách lờ mờ, có ngần, có hạn" (1Cr 13,12). Mặc dầu đức tin được sáng tỏ nhờ Đấng chúng ta tin, chúng ta thường phải sống đức tin trong mờ tối. Đức tin có thểbị thử thách. Thế giới nơi chúng ta đang sống thường có vẻ khác xa những gì đức tin đoan quyết với chúng ta. Các kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như phản bác Tin Mừng. Những điều đó có thể làm cho đức tin nao núng và trở thành một cám dỗ cho người tin.

165 2719         Chính bấy giờ là lúc chúng ta phải hướng lòng về các nhân chứng đức tin: - Ông Áp-ra-ham, là người đã tin,"vẫn trông cậy, mặc dầu không còn gì để trông cậy" (Rm4,18) - Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, là người,"trong cuộc lữ hành đức tin" ( LG 58), đã đi vào tận "đêm tối của đức tin" ( Gio-an Phao-lô II, RM 18) khi hiệp thông với khổ hình Thập Giá và đêm đen trong mồ của Con; - và bao nhiêu nhân chứng đức tin khác nữa : "Được ngần ấy nhân chứng đức tin bao quanh, khác nào một đám mây, chúng ta hãy cởi bỏmọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt gắn chặt vào Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin chúng ta" (Dt 12,1-2).

2270    14-02-2011 17:13:44