Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Óc Vụ Luật

Ta vẫn thường nghe sống ở đời “nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Trong thực tế cuộc sống, ta thấy lề luật cũng chỉ là phương tiện ví như con thuyền đưa lữ khách qua sông, cũng chỉ là những rào chắn bên đường dẫn ta đi. Đến bến bờ rồi, người lữ khách phải để lại con thuyền ở đó mà tiếp tục hành trình cũng như nhờ có luật ta đi đường được vững tâm hơn.

Thời Chúa Giêsu, nổi lên một  Nhóm Biệt Phái khá nổi tiếng bởi lẽ họ chỉ giữ luật một cách máy móc hình thức, nô lệ cho luật mà quên rằng tinh thần của luật mới là điều quan trọng. Trên tất cả mọi lề luật chẳng có luật nào bằng luật yêu thương.

Lề luật làm ra để bảo vệ sự sống con người. Lề luật của các lề luật là luật bác ái. Luật nghỉ ngày Sabát nhằm lợi ích cho con người. Mọi lề luật trở nên trống rỗng, nếu nó không được thực thi vì lòng bác ái.

Chúng ta bắt gặp một cuộc tranh luận của những người Biệt phái với Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay. Giản đơn vì họ thấy lạ khi các môn đệ bứt bông lúa ăn trong ngày Sabát và điều này đã làm sai luật: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabát” (Mt 12,1).

Hẳn nhiên các môn đệ thừa biết làm như vậy là sai nhưng rồi các ông vẫn làm. Qua đó, ta thấy Chúa đã có dự định cho việc tranh luận này: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao?”(Mt 12,3).

Hẳn các ông vẫn nhớ thời xưa, cha ông của họ cũng đã vi phạm điều đó, như các tư tế và ông Đavít, “Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao?” (Mt 12,4). 

Cứ theo truyền thống Do Thái, việc bứt lúa coi như việc gặt hái là một trong 39 việc cấm làm trong ngày Sabát. Vì thế các người biệt phái đã nại vào luật này để chỉ trích các môn đệ đã bứt lúa ăn trong ngày Sabát. Hành động bứt lúa của các môn đệ không chỉ để mua vui mà vì một nhu cầu lớn hơn liên quan đến sự sống: “Đói”!

Điều đáng nói là những người Biệt Phái thông luật lại không nắm được cái cốt tuỷ của lề luật đó là sự yêu thương và lòng nhân hậu. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đến để chấn chỉnh lại lề luật, Ngài muốn con người được yêu thương và được sống. Đavít khi đói còn được ăn “bánh tiến” nữa là ...

Thế nên, sự sống con người quý trọng hơn thái độ nệ luật biết bao. Nếu chúng ta giữ luật mà không chú trọng đến trọng tâm của luật thì luật chỉ còn là gánh nặng và là xích xiềng ràng buộc chúng ta.

Chính tâm tình lòng yêu mến cao hơn cách giữ luật, ràng buộc con người vào ngày nghỉ mà các ông đang tuân giữ. Lòng nhân từ của Chúa bao phủ con người, từ khi con người được Chúa tạo dựng, chính điều đó lòng mến Chúa phải trên lề luật. Chúa muốn nhắn gửi đến các ông điều hết sức quan trọng: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ” ( Mt 12,7).

Lòng nhân từ của ta phải phát xuất từ trái tim yêu thương chứ không phải thái độ lên án người anh chị em xung quanh ta. Khi đối với ai chúng ta cần có cách hành xử theo lòng yêu thương của Chúa, đừng nên xét đoán ai đó khi ta chưa có lòng yêu thương nhiều. Chính Chúa là nguồn hạnh phúc viên mãn, nên các môn đệ bên Chúa đã quá đầy đủ, đó là mục tiêu cao nhất của lòng yêu hơn luật.

Và rồi ta thấy Chúa Giêsu lên tiếng không chỉ để bênh vực các ông, mà để cho mọi thời biết rõ đường lối của Chúa, cách xử thế tùy hoàn cảnh, Tình Yêu vượt lên trên tất cả lề luật. Hẳn ta còn nhớ ở sách Xuất hành cho thấy mục đích của lễ Vượt qua là tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô lệ cho người Aicập, để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải chỉ là để giữ những luật lệ thật chi tiết cách vụ luật.

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Với Chúa, người ta thường tạo ra kiểu “lễ tế”, khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa. Chúa ở mãi tận trên cao, xa vời, cao siêu, nắm quyền hành ban phát ơn lộc. Còn “con người hèn mọn ấy chúng tôi” thì thấp hèn, chờ chực xin xỏ, với không tới, đây là hướng chiều dọc. Còn hướng chiều ngang đối với anh em là “lòng nhân” thì được biểu lộ bằng sự thân tình cởi mở, cảm thông tha thứ và đón nhận nhau.

 Thật sự, nếu như ta yêu Chúa, ta đâu còn sống vì luật lệ hình thức theo mặt chữ. Nhưng ta sẽ mến thương, gần gũi anh em do lòng yêu mến Chúa thúc đẩy. Vì hoa trái tốt đẹp của tình anh em là dấu chứng tương quan mật thiết trong Chúa.

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày ta yêu thương anh chị em đồng loại của ta hơn bởi lẽ : “yêu thương là chu toàn lề luật !”

Huệ Minh

1493    15-07-2016 10:13:49