Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Những Câu Chuyện Suy Ngẫm Phần 10

Câu Chuyện từ  1 - 10
Câu Chuyện từ 11 - 20
Câu Chuyện từ 21 - 30
Câu Chuyện từ 31 - 40
Câu Chuyện từ 41 - 50
Câu Chuyện từ 51 - 60
Câu Chuyện từ 61 - 70
Câu Chuyện từ 71 - 80
Câu Chuyện từ 81 - 90
Câu Chuyện từ 91 - 100
Câu Chuyện từ 101 - 110

91. XƯƠNG NGƯỜI CHẾT KHÓ TÌM

Một hôm Alexandre đại đế nhìn thấy triết gia Hêl-lên-kê Dâ-mon-kra-tia đang chăm chú nhìn một đống xương người chết.

Đại đế hỏi ông ta:

- "Nhà người đang tìm gì vậy ?"

- "Tìm một chút đồ cũng không thấy."

- "Đó là thứ gì vậy ?"

- "Xương của phụ thân ngài, và xương của tên nô lệ cho phụ thân ngài giống nhau quá."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Khi còn sống ở đời này thì ông vua, ông tổng thống ông chủ tịch khác với người thường dân, vì các ông ấy đi đâu cũng có xe trước xe sau hộ tống, tiền hô hậu ủng; người giàu có khác với người nghèo khổ, vì người giàu có ăn sung mặc sướng, không lo nghĩ nhiều đến ngày mai; người có học khác với người không có học, vì người có học thì thường được người khác trọng vọng...

Nhưng khi con người ta chết đi thì tất cả mọi người đều giống nhau, bởi vì tất cả chỉ còn lại nắm tro tàn, cũng chỉ là một bộ xương ghê gớm giống nhau khiến cho người yếu bóng vía khiếp sợ...

Nhưng người có đức tin và người không có đức tin thì khác nhau xa chừng chừng, người có đức tin khi sống ở thế gian này họ tin vào Thiên Chúa, và tin có đời sau, biết thực thi Lời Chúa dạy, cho nên họ biết đem cuộc sống của mình phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con người ta khi chết thì ai cũng giống nhau, cũng chỉ một nấm mồ lạnh lẽo.

Nhưng nếu có Thiên Chúa và có đời sau, thì những người không tin có Thiên Chúa và có đời sau thì sao nhỉ ?

Thật tội nghiệp cho họ.

Về mục lục

92. DÊ TRẮNG VÀ DÊ ĐEN

Người mục tử chăm chăm nhìn đàn dê của mình, người qua đường nói với anh ta:

- "Bầy dê này nhìn kỷ thì thật tốt, tôi muốn hỏi một vài vấn đề được chứ ?"

- "Được."

- "Dê của ông mỗi ngày đi được bao nhiêu đoạn đường ?"

- "Anh hỏi loại dê nào ? Loại trắng hay loại đen ?"

- "Dê trắng."

- "Dê trắng mỗi ngày đi được khoảng bốn dặm đường."

- "Vậy dê đen thì thế nào ?"

- "Dê đen thì cũng như dê trắng."

Người qua đường lại hỏi tình trạng ăn cỏ của dê:

- "Chúng nó mỗi ngày ăn bao nhiêu cỏ ?"

- "Loại nào, dê trắng hay dê đen ?"

- "Dê trắng."

- "Mỗi ngày dê trắng ăn khoảng bốn cân cỏ."

- "Vậy còn dê đen ?"

- "Dê đen thì cũng như dê trắng."

- "Mỗi năm có thể cắt được bao nhiêu lông dê ?"

- "Anh hỏi dê trắng hay dê đen ?"

- "Dê trắng."

- "Dê trắng mỗi đầu năm cắt được khoảng sáu cân."

- "Vậy còn dê đen ?"

- "Dê đen thi cũng như dê trắng."

Người qua đường đi vào mê hoặc:

- "Tôi có thể hỏi thêm câu hỏi nữa được không ? Khi anh trả lời câu hỏi của tôi, tại sao đều phải hỏi rõ ràng dê trắng dê đen ?"

- "Đó là chuyện đương nhiên, bởi vì dê trắng là của tôi."

- "Té ra là như thế, vậy dê đen thì sao ?"

- "Cũng là của tôi."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Cùng một đàn dê nhưng có dê trắng và dê đen, bởi vì không có đàn dê nào chỉ toàn một màu trắng, hoặc chỉ một màu đen. Cùng một cộng đoàn tu viện nhưng có tu sĩ này thì làm việc ở trong tu viện, tu sĩ kia làm việc ngoài tu viện nơi các trường học, giáo xứ, bệnh viện.v.v...

Cùng một giáo xứ, nhưng có giáo dân thánh thiện, có giáo dân tội lỗi; có giáo dân nhiệt thành với nhà Chúa, có giáo dân khô khan lãnh đạm với những công việc của giáo xứ.

Bổn phận của người chăn dê là làm thế nào để cho dê trắng hoặc dê đen đều béo no mập mạp như nhau, dê trắng khỏe mạnh thế nào thì dê đen cũng khỏe mạnh như thế.

Cũng vậy, bổn phận của một mục tử trong giáo xứ là làm thế nào để cho mọi giáo dân (con chiên) của mình -dù là nhiệt thành hay nguội lạnh- đều giống nhau, người nhiệt thành được chăm nom thế nào, thì người nguội lạnh cũng được chăm nom như thế; người giàu có hay người nghèo khó đều được lãnh nhận các ơn lành của Chúa giống nhau.

Người chăn dê hãnh diện vì dê trắng tốt lành là của mình, và dê đen cũng là của mình, bởi vì đàn chiên đó là của anh ta.

Ước gì các mục tử của Chúa dám vươn mình đứng lên ra khỏi "tháp ngà" nhà xứ để đi tìm "chiên đen" của mình; ước gì các mục tử của Chúa biết hy sinh chút thời gian của mình để mau mắn tiếp đón các "chiên đen" của mình khi họ đến xưng tội ngoài giờ quy định, khi họ đến bàn chuyện linh hồn với các ngài...

Ước gì các mục tử của Chúa "dám" cười ha ha vui vẻ với những con "chiên trắng" và "chiên đen" của mình, mà không chỉ cười vui với một số con "chiên trắng" mà thôi.

Bởi vì sẽ có một ngày Chúa Giê-su sẽ nghiêm khắc hỏi chúng ta đã làm gì cho đàn chiên của Ngài đã được giao phó cho mình.

Lúc đó thì đáng sợ thật.

Về mục lục

93. TIỂU THƯƠNG BÁN KẸO

Người tiểu thương bán kẹo đem bột làm thành những con vật không giống nhau, màu sắc lại rất rực rỡ. Trẻ con sau khi mua kẹo của anh ta thì thường so bì với nhau:

- "Con thỏ của tớ dễ thương hơn con hổ của bạn..."

- "Con sóc của tớ không có lớn như bạn, nhưng tương đối ngọt, tương đối tốt..."

.................................

Người tiểu thương bán kẹo nghe lọt tai những lời ấy, thì trong lòng nghĩ: khi người lớn so sánh người này với người kia ai tốt hơn, nếu so với những trẻ em này thì -đại khái- họ càng ngu dốt hơn.

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta thường đứng núi này trông núi nọ, thường so đo phân bì với nhau:

- Có tiền của đầy khi đầy lẫm thì so đo phân bì với những người có chức quyền.

- Có chức quyền thì so đo với những đại gia lắm tiền lắm bạc.

- Có nhà cao cửa rộng thì so đo với tư thất cầu kỳ to lớn của ông này bà nọ.

- Không có tiền thì so đo phân bì với người có tiền.

- Làm việc cực khổ thì so đo với những người ăn sung mặc sướng.

- Người này thì tốt hơn người kia.v.v...

Cuộc sống của con người toàn là so đo phân bì, cho nên họ không tìm thấy được hạnh phúc trong bổn phận và trong cuộc sống đời thường của mình.

So đo phân bì thì chỉ có những trẻ em mà thôi, bởi vì chúng nó thấy sao nói vậy, đẹp thì nói đẹp, xấu thì nói xấu, cao nói cao, thấp nói thấp, đúng sự thật.

Nhưng sự so đo phân bì của người lớn thì do lòng tham mà ra, và có khi không đúng sự thật, bởi vì lòng tham không đáy thì không bao giờ biết được sự thật và công bằng...

Ai hiểu thì hiểu.

Về mục lục

94. CON VOI CỦA NGƯỜI TU HÀNH

Có một lần, con voi của quốc vương Ấn Độ nổi khùng, chạy xồng xộc vào các thôn làng phá hoại rất nhiều thứ, không một ai dám không chế lại hành động của nó, bởi vì đó là con voi của quốc vương.

Có một vị tu hành đang chuẩn bị rời khỏi thôn làng, người dân trong thôn vội vàng khuyên không nên đi, bởi vì có một vài người nhìn thấy con voi đang hại người bên ngoài thôn, vị tu hành nghe vậy thì rất vui ! Có thể đó là thời cơ phát huy trí tuệ, bởi vì ông ta vừa mới nghe một đoạn huấn thị từ nơi đại sư dạy ông ta nhận ra Phật tính trong mọi sự.

- "Các ngươi thật là một đám người dung tục, lẽ nào không có thể nhìn sâu vào bất cứ mọi việc sao ? Các ngươi chưa hề nghe qua tất cả mọi sự đều có Phật tính sao ? Người nhận được Phật tính trong tất cả mọi sự, thì đều nhận được sự bảo hộ của Phật. Đừng cản tôi, tôi không hề sợ con voi ấy."

Dân trong thôn biết và người như thế có bàn bạc thì cũng không thông, nên để ông ta đi. Ông ta rời khỏi thôn làng chưa đầy hai bước đường, con voi xông đến vòi cuốn lên, sau đó ném một cái, người này tông vào một cành cây khô, đau quá kêu lên một tiếng. Thật số mạng ông ta còn lớn, vì thị vệ của nhà vua đã cấp thời chạy đến chế phục con voi.

Dưỡng thương được hơn mấy tháng, người tu hành ấy lại có thể đi bốn phương. Trước tiên ông ta đi tìm vị đại sư của mình, và nói:

- "Huấn thị của ngài không chính xác, ngài muốn tôi nhận ra Phật tính trong mọi sự, kết quả thì ngài coi tôi đây nè, nó phát sinh ra như thế này."

Vị đại sư nói:

- "Kỳ thật, tại sao ngươi không nhận ra Phật tính nơi người trong thôn làng ?"

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người Ki-tô hữu không đi tìm Chúa Giê-su nơi tha nhân, nhưng luôn nhìn thấy Ngài trong tất cả mọi người: người nghèo, người giàu, người đau khổ, người hạnh phúc, người có học, người không học.v.v...tất cả đều là hình ảnh của Chúa Giê-su, bởi vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là anh cả của đàn em là chúng ta. (Cl 1, 15)Cho nên họ sẽ không ngại ngùng khi thục thi đức ái với hết mọi người mà không phân biệt một ai, không phân biệt giai cấp hoặc tôn giáo.

Người Ki-tô hữu cũng nhìn thấy Chúa Giê-su trong vũ trụ vạn vật, bởi vì như thánh Phao-lô tông đồ dạy rằng trong Chúa Giê-su mà muôn vật trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình, được tạo thành (Cl 1, 16)do đó mà họ luôn chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống, để làm đẹp vũ trụ này, để làm cho xã hội nơi họ đang sống thấm nhuần tinh thần Phúc Âm của Chúa Giê-su...

Đại sư dạy cho người tu hành biết là nơi mỗi con người đều có Phật tính, nhưng người tu hành lại đi tìm Phật tính nơi con voi hung dữ, và kết quả là suýt mất mạng vì con voi...

Trước hết hãy nhìn thấy Chúa Giê-su nơi người anh em chị em chung quanh mình để yêu thương và phục vụ, bởi vì nếu không nhìn thấy Ngài nơi anh chị em của mình, thì cũng không thể nào nói yêu thương họ cách chân tình.

Về mục lục

95. MỖI NGÀY TRỜI LUÔN ĐẸP

Khách du lịch:

- "Hôm nay thời tiết sẽ như thế nào ?"

Mục tử:

- "Sẽ là thời tiết mà tôi ưa thích."

Khách du lịch:

- "Anh làm sao biết đúng là thời tiết mà anh ưa thích ?"

Mục tử:

- "Tiên sinh, sau khi tôi phát hiện tôi hoàn toàn không thể thỏa mãn như ý nguyện, thì tôi bèn học tập ưa thích những cái mà tôi đang có. Cho nên nói thời tiết hôm nay nhất định là loại thời tiết mà tôi ưa thích."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người có đức tin và luôn đặt mình trước mặt Thiên Chúa, thì luôn nhìn thấy mọi hoàn cảnh, mọi việc không ngoài tình yêu của Thiên Chúa, do đó mà họ luôn học tập đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa kho gặp hoàn cảnh không thuận lợi hoặc khó khăn xảy đến cho mình.

Cái mà chúng ta có hôm nay là những cái mà chúng ta chắc lọc qua những đau khổ để trở thành hạnh phúc; cái mà chúng ta được hôm nay chính là những cái mà chúng ta đã phấn đấu trong khó khăn để được thành tựu. Vậy thì tại sao chúng ta không học tập sẵn sàng chấp nhận những sự việc không thuận lợi xảy đến cho chúng ta ?

Cuộc sống luôn là một trường lớp mà Thiên Chúa dùng để dạy chúng ta những bài học hạnh phúc, khôn ngoan và khiêm tốn và yêu thương, nếu chúng ta chưa thuộc những bài học đó, thì Thiên Chúa sẽ vẫn còn dùng người này người nọ, hoàn cảnh này hoàn cảnh kia để dạy chúng ta, cho đến khi chúng ta thuộc những bài học đó mới thôi.

Như thế thì mỗi ngày đều đẹp, trời đều quang đãng đối với chúng ta -những người Ki-tô hữu.

Về mục lục

96. ÁO ĐẠI BÀO CỦA LỄ AN TÁNG

Nữ tu sĩ già mặc thử cái áo đạo sĩ mới may, cùng thảo luận với nữ viện trưởng về lễ án táng của mình, bà ta nói:

- "Tôi hy vọng mặc áo đạo bào cũ trong lễ an táng."

Nữ viện trưởng trả lời:

- "Đó là chuyện đương nhiên, nếu bà cảm thấy thoải mái khi mặc như thế."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Khi còn sống với biết bao là dự định cho lễ an táng của mình, dự định cho quan tài của mình phải bằng gỗ hay bằng thép, đem xác mình chô trong lòng đất hay hỏa táng, nhưng khi chết đi thì không còn lo liệu cho mình được, những dự tính lo liệu ấy sẽ do những người còn sống lo liệu...

Đã tu luyện hết quảng đời rồi mà vẫn còn chưa từ bỏ những vinh hoa của thế gian, gần đất xa trời rồi mà vẫn chưa thể dứt bỏ được những gì là của thế gian, kể cả chiếc áo đạo sĩ phải mặc khi tẩm liệm, thì lòng vẫn còn quyến luyến thế gian.

Phải lo cho linh hồn mặc như thế nào để khi trình diện trước nhan thánh Chúa, thì linh hồn thêm đẹp đẽ: mặc chiếc áo khiêm cung để tẩm liệm, đem chiếc áo yêu thương để dâng tặng cho Thiên Chúa khi đối diện với Ngài, thì là có ích hơn là mặc chiếc áo đạo sĩ mới cho thân xác đã chết của mình.

Cần thảo luận với linh mục về đời sống tâm linh của mình, cần bàn hỏi với linh mục về cuộc sống mai sau của mình, thì tốt hơn là lo cho lễ an táng của mình nổi đình nổi đám, bởi vì cử hành lễ an táng cho thật trọng thể có kèn có trống, mời nhiều linh mục đồng tế, mà mất linh hồn thì có ích chi.

Về mục lục

97. VỀ NHÀ TÌM ĐƯỢC ĐẠO THẬT

Người thanh niên đi tìm đạo thật mà đột nhiên bị nhiều khó khăn, thế là cáo biệt người nhà và bạn hữu để đi cầu đạo. Đi qua lục địa, trôi qua biển lớn, vượt qua non cao núi đồi chập chùng, vượt qua trăm ngàn đau khổ.

Một hôm, sau khi tỉnh lại thì thấy mình đã bảy mươi lăm tuổi rồi mà vẫn chưa tìm được đạo thật, không thể làm gì được bèn bỏ cuộc trở về nhà.

Bởi vì tuổi tác đã lớn rồi nên bỏ ra mấy tháng trời mới về đến nhà. Vừa đẩy cửa nhà ra. A ! Chính đạo thật rõ ràng ở đây có tính kiên nhẫn vẫn cứ đang chờ đợi ông ta ở nhà.

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Có những người theo đạo khi mới sinh ra, có những người theo đạo khi tuổi được đôi mươi đầy sức sống, nhưng có bao nhiêu người trong số những người ấy tìm được đạo ?

Có những người tìm đạo trong các tu viện kín cổng cao tường, nhưng rồi vẫn cứ có lòng tham sân si; có những người tìm đạo trong nhà thờ với tinh thần phục vụ không chê vào đâu được, nhưng vẫn cứ mang một cái tâm kiêu ngạo khi tiếp xúc với tha nhân; có những người tìm đạo ở trong rừng sâu một mình với thiên nhiên, nhưng cuộc sống có những tiện nghi tối thiểu mà hiện đại...

Đi tìm đạo khi đầu tóc còn đen mướt, đến bảy mươi lăm tuổi đầu tóc bạc phơ mà vẫn chưa tìm ra được đạo, bởi vì người thanh niên cứ tưởng đạo thật phải là nơi có thánh điện nguy nga, đạo thật phải là nơi ngọn núi cao kia có tiên có thần có thánh.

Đạo thật chính là -như lời thánh Phao-lô tông đồ dạy- tin vào Chúa Giê-su vừa là Thiên Chúa và là người, đã xuống thế sinh trong hang lừa máng cỏ, chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá và sống lại để chuộc tội cho nhân loại, sau cùng lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (Rm 3, 21-26). Cho nên khi trong tâm hồn của chúng ta có Chúa Giê-su thì đó là đạo, bởi vì Ngài đã xác nhận: "Thầy là Đường (đạo), là Sự Thật và là Sự Sống."(Ga 14, 6)

Đạo thật chính là ở trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta chu toàn bổn phận của người cha người mẹ trong gia đình là chúng ta tìm được đạo thật; khi chúng ta đem tâm tình yêu thương của Chúa Giê-su mà sống chan hòa với hết mọi người, thì đó chính là đạo thật...

Về mục lục

98. DÂY CHUYỀN CÁ SẤU

Một phụ nữ từ tây phương đến, trong khi du lịch nhìn thấy dây chuyền mang nơi cổ của phụ nữ ở địa phương thì rất thích, bèn hỏi:

- "Dây chuyền kết bằng thứ gì vậy ?"

Người địa phương trả lời:

- "Làm bằng răng cá sấu."

- "Té ra là như thế, tôi nghĩ giá trị của nó trong mắt các bạn, thì giống như châu báu trong mắt chúng tôi vậy."

- "Không nhất định là như thế, cái vỏ con trai thì bất cứ người nào đều có thể bẻ ra được."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Dây chuyền mang nơi cổ có nhiều loại, có loại bằng vàng ròng, vàng tây, có loại được kết bằng các hạt ngọc quý báu, có loại được kết bằng những viên đá quý rất đẹp và giá trị rất lớn, và cũng có những sợi dây chuyền nhìn rất đẹp nhưng lại là đồ dõm, đồ giả mạo, người không kinh nghiệm về đá quý vàng bạc thì sẽ lầm ngay...

Trong đời sống tâm linh của chúng ta cũng vậy, cuộc sống tốt lành của mỗi người được kết bằng các nhân đức, làm cho chúng ta ngày càng nên giống Chúa hơn:

- Nếu cuộc sống được kết bằng nhân đức khiêm tốn, thì chúng ta sẽ ngày càng trở nên chỗ dựa của tha nhân.

- Nếu cuộc sống được kết bằng đức nhẫn nại, thì chúng ta sẽ trở nên nguồn cảm hứng cho anh chị em.

- Nếu cuộc sống được kết bằng đức ái, thì chúng ta sẽ trở nên giống Chúa Giê-su hơn.

- Nếu cuộc sống được kết bằng nhân đức hy sinh, thì tâm hồn của tha nhân sẽ trở nên phong phú hơn khi tiếp xúc với chúng ta...

Dây chuyền bằng đá quý châu báu thì giá trị của nó rất cao, dù cho hình dáng dây chuyền như thế nào chăng nữa, bởi vì đá quý tự nó đã quý rồi.

Nếu tâm hồn con người ta được trang sức bằng các nhân đức thì giá trị của họ sẽ tăng lên rất nhiều trước mặt Thiên Chúa và loài người, hơn cả trang sức bằng dây chuyền vàng bạc đá quý.

Về mục lục

99. LÀM VIỆC TẠI TÒA BẠCH CUNG

Một thanh niên người Mỹ tìm được một công việc sao chép tư liệu trong tòa Bạch Cung, tham gia tổng thống tiệc chiêu đãi các nhân viên làm việc trong tòa Bạch Cung. Dương dương tự đắc, trong lòng nghĩ nếu mẹ ở nhà mà nghe điện thoại gọi từ tòa Bạch Cung thì chắc chắn vạn phần vui vẻ, thế là anh ta đi qua tổng đài của Bạch Cung gọi điện thoại về nhà.

Điện thoại vừa được thông thì anh ta đắc ý nói:

- "Mẹ à, hôm nay có thể nói là một ngày tốt, mẹ biết không, con đang ở tòa Bạch Cung gọi điện cho mẹ đây."

Bên kia điên thoại trả lời, nhưng không hoàn toàn vui vẻ như anh ta tưởng tượng. Sau khi hai mẹ con trò chuyện chút xíu, và trước khi đặt ống nghe xuống, thì mẹ của anh ta nói:

- "Con trai ạ, hôm nay cũng là ngày tốt đẹp của mẹ."

- "Thật sao ? Có chuyện gì vui vậy mẹ ?"

- "Cuối cùng thì mẹ cũng đã lau chùi xong cái gác nhỏ thật sạch sẽ rồi."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Có những người làm công tác vệ sinh quét rác trong bệnh viện, nhưng dương dương tự đắc với những người quét rác ngoài đường phố; có những người chỉ làm công việc gác cổng của một xí nghiệp nước ngoài, nhưng lại dương dương tự đắc với hàng xóm vì mình làm việc cho người nước ngoài...

Lại có những người chỉ làm nô lệ cu li cho những ông chủ gia đình ở nước ngoài, nhưng mỗi khi gọi điện thoại về nước thăm gia đình thì nói mình đang làm quản đốc phân xưởng; có những cô gái lấy chồng người nước ngoài rồi li dị, thất nghiệp và làm gái, nhưng vẫn cứ dương dương tự đắc khi về thăm quê hương; có những người dối trá chồng con đi làm thêm giờ, nhưng là đi làm gái điếm để kiếm tiền gởi về cho gia đình, nhưng vẫn cứ dương dương tự đắc nói với cha mẹ là mình đang làm việc có tiền lương khá cao.v.v...

Cuộc sống có nhiều sự lạ, mà sự lạ kỳ dị nhất chính là có những người vì sĩ diện mà dương dương tự đắc với mọi người, quên mất mình là ai !?

Sống thực với con người và cuộc sống của mình chính là bác ái đối với bản thân và xã hội.

Về mục lục

100. BÁNH MÌ ĂN TRƯA

Giờ nghỉ trưa ở công sở đã đến rồi, mọi người đều mở cơm hộp của mình ra ăn. Có một công nhân mở cái nắp hộp ra thì buồn rầu không vui lẩm bẩm:

- "Lại là bánh mì."

Liên tiếp mấy ngày đều lẩm bẩm như thế, có công nhân nghe nhiều lần như thế thì nói với anh ta:

- "Mặc dù không thích ăn bánh mì, thế thì tại sao anh không nói với vợ đổi món khác cho hợp khẩu vị ?"

- "Tôi lại chưa kết hôn, bánh mì này là do tôi tự làm đó."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Nếu ngày nào cũng bị bắt buộc ăn bánh mì thì có thể than trời than đất, nhưng bánh mì là do tự tay mình mỗi ngày đều tự làm lấy mà ăn, thế nhưng không chịu thay đổi món ăn, để rồi buồn rầu ngán ngẫm...Cũng như có những người Ki-tô hữu khi vào tòa xưng tội, thì cứ xưng các tội quen phạm mà lần trước đã xưng rồi, xưng hoài các tội ấy mà không thấy chừa bỏ để rồi than trách mình sao cứ phạm hoài tội ấy...

Khi còn sống ở thế gian này, mỗi người đều được quyền tự do: tự do muốn làm con Chúa hay làm đệ tử của ma quỷ, tự do làm điều lành hay điều dữ, tự do muốn nên thánh hay không muốn nên thánh, tự do muốn lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, quyền tự do ấy Thiên Chúa ban cho mỗi người mà không bao giờ can thiệp. Đó chính là hồng ân to lớn nhất mà con người cần phải cảm tạ Thiên Chúa.

Biết mình cứ phạm hoài một tội khó chừa bỏ, thì phải quyết tâm sửa đổi, nhưng quyết tâm chừa bỏ tội thì cần phải cầu nguyện và xin ơn Chúa giúp, cầu nguyện là điều cần thiết nhưng ơn Chúa ban cho cần phải có sự hợp tác của bản thân mình, tức là phải tích cực thay đổi cách sống của mình, để tâm hồn không ngán ngẫm khi vào tòa xưng tội làm hòa với Chúa.

Biết mình có nhiều khuyết điểm thì nên cám ơn Chúa để sửa đổi, đó là điều mà Thiên Chúa thích nhất nơi con người.

Về mục lục

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.

Sưu Tập tại http://gxnamlo.org

2205    17-04-2012 21:43:05