Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Người Trẻ Quảng Đại Đi Tu

Vào Chúa Nhật IV Phục Sinh cầu cho ơn Thiên Triệu lần thứ 53, Nhà thờ Mặc Bắc đã được chọn làm nơi tổ chức ngày ơn gọi của Giáo Phận. Tại nơi đây, nhiều người trẻ có ước nguyện đi tu, dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội trong đời sống Tận hiến. Hẳn đây là một lý tưởng hết sức tốt đẹp cần được bồi đắp.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô nói một câu khiến nhiều người trẻ phải suy nghĩ rất nhiều: “Ơn gọi được sinh ra trong lòng Giáo Hội” đúng như chủ đề của ngày tìm hiểu ơn gọi hôm nay. Chúng ta sống chung dưới một mái nhà Giáo Hội, cùng chung suy nghĩ, cùng chung mục tiêu, cùng chung quan điểm nhưng không cùng sở thích và tính cách không ai giống ai cả”. Thật vậy, ơn gọi sinh ra được nuôi dưỡng và bồi đắp từ trong gia đình, họ đạo, trong lòng Giáo Hội. Do đó, gia đình và họ đạo chính là vườn ươm tốt nhất, đầy đủ “chất dinh dưỡng” để có thể nảy sinh những “hạt mầm ơn gọi đi tu” tốt, những người Kitô hữu phát triển tươi tốt, và nảy ra những “mầm sống tốt” những “mầm” thánh thiện.

Trong ngày tìm hiểu này, nhờ quý Thầy, quý Soeur, quý dì nhiệt tình giới thiệu những điểm riêng biệt của nhà dòng mình nên điều này đã giúp nhiều người trẻ hiểu biết thêm nhiều điều bổ ích.

Đời sống cộng đoàn bao giờ cũng đòi buộc mọi người từ bỏ cái riêng, ý riêng, sở thích riêng, dám bỏ đi cái tôi của mình để cùng sống chan hòa với nhau và yêu thương nhau để đi theo Chúa, và cộng tác với “vị Mục Tử nhân lành” lo cho đàn chiên, tìm kiếm các “chiên lạc”, kể cả đi đến những con chiên “lạ quơ lạ hoắc” những người chưa biết Chúa để đem về cùng một ràn chiên.

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, đây cũng là câu nói được Đức Cha đề cập trong bài giảng lễ của mình. Câu nói này ai cũng biết Chúa Giêsu chỉ thị cho các Tông đồ nhiệm vụ phải làm và hơn nữa trong bối cảnh ngày tìm hiểu ơn gọi hôm nay như một tiếng chuông hối thúc, một mệnh lệnh cho người trẻ  hôm nay đến cùng Chúa Giêsu là Cha nhân lành, cộng tác với Chúa Giêsu phục vụ anh em, phục vụ Giáo Hội của Ngài và sống liên kết với Ngài cách mật thiết hơn. Tuy nhiên có người lại cho rằng câu nói ấy có thể không còn phù hợp hay đã lỗi thời với thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa này nữa. Nếu bây giờ đi ra cánh đồng, người ta sẽ thấy máy móc làm thay. Ai lại gặt hái bằng tay nữa đâu mà thiếu thợ. Ngày nay người ta đã sáng chế ra máy cắt, máy suốt lúa để thay con người làm cả rồi!!!! Như vậy thì đúng với cái nhìn của con mắt đời thường – cái nhìn không đức tin. Nhưng với con mắt đức tin ta sẽ hiểu “lúa” – chính là những người không tôn giáo, những người chưa nhận biết Chúa, hay những người từ chối Chúa, khước từ Chúa vì những tiếng gọi bên ngoài... “Thợ gặt” ở đây chính là những người đi tu, can đảm dấn thân phục vụ, những người đem Chúa đến với mọi người đó là các Linh Mục và Tu Sĩ. Họ được sai đi bất cứ nơi nào. Có thể nơi mà khi nhìn vào trong nhà của gia đình của ai đó, ta không thấy bóng dáng cây Thập Giá ở trong nhà của họ. Hơn nữa, số giáo dân tin thờ Chúa chiếm tỉ số rất ít ỏi trong tổng số dân trên thế giới. Điều đó chứng tỏ người chưa biết đến Chúa thì rất nhiều, họ như hình ảnh những cánh đồng lúa bao la bát ngát đã chín rồi và rất cần thợ đến để gặt. Khi nhìn như thế ta cũng hãy nhìn về số lượng thợ gặt của mình thì quá ít. Cho nên, là những người trẻ, những “hạt mầm” đang được “vun trồng” trong “vườn ươm” của gia đình, của họ đạo, của Giáo Hội Công Giáo, những người trẻ chúng ta đang tràn trề sức sống, xin Chúa cho chúng ta cũng tràn trề nhiệt huyết, quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi và hăng hái ra đi thu gặt trong cánh đồng lúa của Chúa. Xin Chúa cho người trẻ chúng con can đảm dấn thân để phục vụ danh Ngài.     

 

1172    22-04-2016 02:13:42