Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

MỤC VỤ THÁNG 12: SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Vĩnh Long ngày 25.11.2016

 

Kính gửi: Quý Cha

                Quý Tu sĩ nam nữ

                Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

 

V/v Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

 

Anh chị em thân mến. Tháng trước tôi có dịp nói với anh chị em những nét tổng quát về Lòng thương xót nơi thánh nữ Faustina Kowalska. Tháng nầy, tôi đề cập chủ đề Giáo Hội cần phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô (Thông điệp Dives in Misericordia số 13-15).

 

- Giáo hội phải tuyên xưng và công bố tất cả chân lý về lòng Thiên Chúa thương xót, giống như mạc khải đã chứng thực với chúng ta. Chân lý về lòng thương xót đó được tìm thấy trong Thánh Kinh và Truyền thống. Dĩ nhiên Thánh Kinh nói nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, và Truyền thống đạo đức của tín hữu cũng chứng minh vấn đề nầy rất nhiều. Có nhiều thần học gia quả quyết rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa là ưu phẩm kỳ diệu nhất của Đấng Tạo Hoá và của Đấng Cứu chuộc khi Giáo Hội đem người Kitô hữu về gần với nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu chuộc. Cách quan trọng đặc biệt trong lãnh vực nầy là ý thức và suy nghĩ việc tham dự Thánh Thể và Bí Tích Thống hối (hay Hoà giải).

 

- Giáo Hội cố gắng thực thi lòng thương xót Chúa. Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những nhận và kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi “có hành động thương xót” đối với kẻ khác : “Phúc cho những ai biết thương xót, vì  họ sẽ được thương xót” (Mt 5, 7). Thương yêu mọi người trường kỳ và quyết định, có tính dịu dàng. Đặc biệt là sự tha thứ. Sự tha thứ chứng thực rằng trong thế giới tình thương mạnh hơn tội lỗi. Giáo Hội có bổn phận công bố và đưa vào trong đời sống mầu nhiệm lòng thương xót đã được mạc khải ở trình độ cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm lòng thương xót hàm chứa sự tha thứ mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của mình: “Xin Cha hãy tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12).

 

Lòng thương xót thật cần thiết, nhất là giữa những kẻ gần gũi nhau hơn cả, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè; nó cần thiết trong việc giáo dục và trong mục vụ, trong các lãnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị.

 

Thế giới ngày nay càng đánh mất ý nghĩa lòng thương xót vì nhiều lý do khác nhau, thì Giáo Hội càng có quyền và nghĩa vụ kêu gọi tới Thiên Chúa của lòng thương xót trong lời cầu nguyện thành khẩn của mình.

 

Tất cả mọi người chúng ta là thành phần của Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận công bố, cầu nguyện và sống lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội mà chúng ta đang sống. Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện được những điều đó.

 

     + Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

 

1102    03-12-2016 06:54:04