Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Linh Mục Nguyễn Văn Mầu ở Côn Đảo

Đã gần 50 năm trôi qua, có thể trong tấm lòng vị tha, nhân ái của cụ Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu không còn lưu đậm đến chi tiết những việc làm tốt đẹp cụ dành cho những người tù cách mạng bị thực dân Pháp đoạ đầy trên Côn Đảo. Nhưng những cựu tù chính trị ở Côn Đảo trong những năm 1947 - 1948 không bao giờ quên cụ. Họ thường trân trọng nhắc đến cha Mầu trong những câu chuyện kể, trong những thư từ liên lạc, trong những hồi ký về Côn Đảo. Trên báo Đại Đoàn Kết số tháng 08. 1991, một cựu tù chính trị nào đó nhớ đến cụ, muốn tìm kiếm thông tin về cụ đã nhắn thư: "Noel năm nay có ai biết cha Mầu ở đâu?".

Gặp cụ ở Toà Giám Mục Vĩnh Long, gợi hỏi những chuyện xưa lúc cụ nhận chức cha xứ ở đó, cụ chỉ cười và bảo: "Các anh ấy còn nhớ, chứ tôi thì lâu quá rồi không làm sao nhớ nổi. Hơn nữa lúc ấy thấy các anh khổ quá, tôi nghĩ làm được gì giúp các anh đỡ khổ thì làm, chứ tôi đâu phải là "Le père communiste" (Theo "Người tù Khám Lớn" của Trần Đình Vân) như chúa đảo Jacques Brulé từng bảo".

Cụ Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, sinh ngày 21 - 01 - 1914 trong một gia đình tiểu công chức ở làng Phước Lễ, huyện Châu Thành, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 12 tuổi (1926), sau khi học xong bậc sơ học trường làng, cụ được đưa vào trường đạo tạo là Chủng Viện Thánh Giuse ở Sài Gòn, học từ tiểu chủng viện lên hết Đại Chủng Viện. Năm 1940 được thụ phong linh mục. Từ đó, cụ được cử đi làm cha xứ nhiều họ đạo nhỏ ở vùng nông thôn Nam Bộ, có lần lên cả miền núi Tây Nguyên. Năm 1947 - 1948, cụ lãnh nhiệm vụ ở họ đạo Côn Lôn.

Năm 1955, cụ được chuyển về làm giáo sư giảng dạy tại Chủng Viện Thánh Giuse, nơi cụ được tu học trước đây. Từ năm 1966 - 1967, cụ là giám đốc Chủng Viện này.

Ngày 12 - 09 - 1968, cụ được thụ phong Giám Mục tại nhà thờ Chánh Toà (Nhà thờ Đức Bà) Sài Gòn. Ngày 19 - 09 - 1968, cụ về Toà Giám Mục Vĩnh Long, chăm lo việc đạo cả một giáo phận rộng lớn, bao gồm các họ đạo ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc, từ đó đến nay.

Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu sống cuộc đời thật giản dị, khiêm tốn. Cụ ít chú trọng về hình thức, không thích những lễ nghi cầu kỳ và rất ít nói về mình. Khi gợi hỏi những công việc qua hơn năm mươi năm hành đạo, cụ chỉ cười và vắn tắt "Lúc còn trẻ được cử đi nhiều họ đạo nhỏ, chẳng có gì đáng kể. Từ hồi về làm Giám mục đến giờ, công việc chỉ là xếp đặt các linh mục hướng dẫn các tín hữu quý đạo. Ngoài ra chẳng có công trình gì đáng nói".

Cụ nói: "Xưa nay tôi không theo phe phái chính trị nào cả, mà chỉ làm công việc chăn chiên". Nhưng khi ra lo việc đạo ở Côn Đảo, nơi mà ranh giới giữa việc đạo đức và phi đạo đức quá rạch ròi, nơi mà một phía là những kẻ bạo quyền, độc ác và một phía là những người bị đoạ đày khủng bố, cha dù "không theo phe phái nào" lòng cha lại nghiêng hẳn về phía những người tù Cách mạng, nên cha sẳn sàng "giúp chi có thể giúp được cho anh em bớt khổ". Cụ còn nhớ buổi diễn kịch "chào mừng" Cao uỷ Bolaert trở thành buổi đấu khẩu tố cáo chế độ thực dân Pháp. Cụ cũng còn nhớ một ít về các anh Phạm Gia, Trần Duy Giang, Trịnh Văn Hà, Lương Văn Thắng và nhất là anh Nguyễn Hoài Cư, một đội viên ban công tác I, người tử tù mang số G. 130, trước khi xử bắn đã từ chối rửa tội, và chỉ vào bọn Lê Dương, bọn cai ngục, nói với cha: "Ông phải rửa tội cho những người này, chính họ mới có tội".

Anh Cư không cho bịt mắt, nhìn thẳng kẻ thù hô vang khẩu hiệu cách mạng. Chứng kiến cảnh này, linh mục Nguyễn Văn Mầu sau đó thường trầm trồ với các tù nhân: "Người như ông Cư anh hùng lắm!".

Linh mục Nguyễn Văn Mầu trở thành chiếc cầu nối giữa tù nhân và gia đình, giữa những người cách mạng bị đầy ở đảo với đất liền đang kháng chiến. Không biết bao thư từ tin tức, thuốc men vật phẩm, qua đường nhà thờ của cụ về với gia đình, đến với anh em.

Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu còn giữ một kỷ vật thời kỳ ở Côn Đảo. Đó là cây Thánh giá làm bằng gỗ găng nặng và chắc. Mặt trước Thánh giá khảm bằng vỏ ốc màu sắc lấp lánh, phía dưới có khắc hai chữ Q.T. Đây là món quà do bàn tay những người tù cách mạng làm và tặng cụ khi cụ rời Côn Đảo về nhận việc trong đất liền. Q.T có lẽ là viết tắt hai chữ "Quyết thắng", một lời hứa đấu tranh cũng là lời hẹn thắng lợi trở về.

Nhà thờ của linh mục Nguyễn Văn Mầu ở Côn Đảo luôn rộng mở. Cha biết trong đám người thường lui tới, có một số người không phải là giáo hữu. Họ đến nương nhờ bóng Chúa để liên lạc với nhau, để bàn chuyện chống khổ sai, đàn áp, để tính chuyện vượt ngục. Cha nghĩ họ là "Những người kháng chiến chẳng có tội" và "Chẳng cần phải rửa tay hay phải giải chi về chuyện ấy cả" (Theo "Người tù Khám Lớn" của Trần Đình Vân). Trong đám con chiên cũng còn những giám thị, những cai ngục, cả Tây lẫn Việt. Họ đến xem lễ, đến xưng tội. Bằng tình yêu của Chúa, cha giải tội cho họ, khuyên nhủ họ làm điều lành, để cuộc sống yên vui, để linh hồn được cứu rỗi. Một số trong họ đã biết nghe lời cha.

Một cuộc sống bình dị, khiêm tốn. Một tấm lòng nhân ái vị tha hoà quyện với tình yêu nước thương dân đã tạo nên một giá trị cao đẹp, "một giá trị bên trong" (valeur intrinsèque) như lời Giám mục phó Nguyễn Văn Diệp khi nói về Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu. Những linh mục, những giáo dân, những người khác - trong đó có những người tù chính trị Côn Đảo - những ai đã gặp gỡ, đã gần gũi cụ, đều cảm nhận được cái "đức" đó và quý mến cụ.

Nguyễn Thái Hoà

(Trích từ Côn Đảo - ký sự và tài liệu)

2590    28-08-2012 08:49:49