Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Linh Mục: Người Là Ai?

Đức Kitô khác hay khác Đức Kitô ?

Người ta thường nói linh mục là một alter Christus. Tiếng LaTinh, có nghĩa là một Đức Kitô thứ hai hay là một Đức Kitô khác. Theo niềm tin của Giáo Hội Công Giáo, một vị linh mục đương nhiên được xem là một Đức Kitô khác, hoặc là một Đức Kitô thứ hai. Để ngầm ám chỉ rằng đời sống các ngài phản chiếu "giống hệt" như hình ảnh Đức Kitô lịch sử vậy; với một nghĩa trọng kính hoàn toàn, không có gì đáng nói cả.

Song nếu trường hợp một vị linh mục nào đó "lọt" ra khỏi vị thế đặc thù của mình, có những cách ứng xử không biểu lộ một chút nào tinh thần của Tin Mừng; thay vì là một Đức Kitô khác, thì họ lại mang hình ảnh phản diện chẳng có một tí gì giống Đức Kitô, Thầy của mình. Hay nói cách khác đi, họ là những vị "khác" Đức Kitô  thì "cái nói" trong trường hợp này lại là một lời nhận định trái ngược với ý nghĩa trên.

Nếu là một Đức Kitô khác; qua hình ảnh của linh mục người ta thấy như Chúa đang hiện diện bằng xương bằng thịt, sống động, đồng hành, đồng cảm, và có thể chia sẻ cả những yếu đuối tội lỗi của mình trong thân phận con người.

Nếu là một Đức Kitô khác, thì giáo dân thấy linh mục đúng là một mục tử nhân hậu, hết lòng vì sự an nguy, tồn vong của đàn chiên mình; sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.

Còn ngược lại, nếu linh mục là một vị khác Đức Kitô; thì hình ảnh linh mục là một phản chứng nhân Tin Mừng. Qua đó, người giáo dân thấy đây không phải là hình ảnh  của Thiên Chúa tình yêu; nhưng là hình ảnh của một tên quản gia bất lương; dựa dẫm, bám víu vào thiên chức linh mục để sống. Vì nếu không bám víu vào thiên chức linh mục; nếu huyền chức về sống đời thường thì... "cuốc đất không nổi, còn ăn mày thì hổ ngươi!" (x. Lc. 16,1-3)

Những linh mục khác Đức Kitô này là một nỗi ô nhục cho Giáo hội, không còn gì là tình yêu thương giữa mục tử và đàn chiên nữa. Họ chính là một phản chứng Tin Mừng. Người ta chỉ thấy nơi các "ông" linh mục này hình ảnh của một kẻ chăn chiên thuê, một con cáo đội lốt chiên hiền lành mà thôi.

Nói tới đây, trong đầu chợt nhớ tới câu chuyện Trư Bát Giới trong Tây Du Ký. Lúc Bát Giới đi hỏi vợ; nếu mang bộ dạng con heo yêu quái thì bố vợ chắc phải chết khiếp. Hắn ta ma mãnh nảy ra diệu kế "quỷ quái"; dùng tà thuật biến đổi ra hình dạng Thiên Bồng Nguyên soái đẹp trai, lịch lãm nguyên tuyền như lúc chưa phạm tội trên thiên đình, để "qua mặt" mọi người và bố vợ tương lai. Nhưng do thói ham tửu sắc của một yêu quái, khi ăn nhậu say xỉn ... thì dần để lộ nguyên hình là một yêu quái trong bộ dạng một con heo ghê tởm, hôi hám.

Cũng vậy, những linh mục biến chất, thường ngày làm ra vẻ hiền lành, thánh thiện, đạo đức; nhưng đụng chuyện thì lại hành xử thiếu nhân bản và thiếu bác ái, thiên kiến chủ quan, tư cách khệnh khạng, kệch cỡm trong cao ngạo! Đáng buồn thay! Thay vì phải là alter Christus, thì lại là hiện thân của một alter Luciferus! Một Lucifer khác chính hiệu!

Những Đức Kitô khác xét qua thiên chức và sứ vụ.

Lâu nay có nhiều ý kiến khác nhau khi tìm hiểu: chức linh mục là một thánh chức hay là một chức thánh?

Đấy, cũng như hai cách nói Đức Kitô kháckhác Đức Kitô đã vừa nói tới ở trên, là một lối chơi chữ do cái "thần" của tiếng Việt mà ra.

Xin đơn cử một lối giải thích khi dịch chữ "ordo" trong Giáo Luật ra tiếng Việt là thánh chức thay vì là chức thánh, như sau:

Nếu đặt nặng vấn đề chức tước với hàm ý là đương nhiên phải được sự kính nể, trọng vọng, thì dịch từ "ordo" là thánh chức. Nhưng nếu muốn ám chỉ một "phẩm trật" trong giai tầng quản nhiệm do Chúa Giêsu đặt ra để phân cấp trong hàng ngũ con cái Chúa, thì lại dùng từ chức thánh.

Theo tiếng Latinh, từ ngữ ORDO, nghĩa chính là thứ bậc (ordre), và nghĩa phụ là giới chức, ghép thêm vào đó chữ thánh: chức thánh tức là để nói lên nguồn gốc thiêng liêng của một sứ vụ.

Trong lễ nghi phong chức thánh, Giáo Hội dùng dầu (tiếng Hylạp: khrisis) để xức lên trán và bàn tay người được thụ phong, khiến kẻ được xức dầu (khristos), biến thành một Đức Kitô khác, dịch ra tiếng Latinh là Alter Christus. Do đó, chức thầy cả là một chức thánh do lễ thụ phong mà nên.

Ngoài ra, còn có các Bí tích khác trong Giáo Hội như: Rửa tội, Hôn phối, Thêm sức, Xức dầu bệnh nhân. Trong đó dầu thánh cũng được dùng để tạo nên nhiều loại chức thánh khác nữa. Như thế, không chỉ hàng giáo phẩm, mà trong hàng ngũ giáo dân như: người dự tòng, cô trinh nữ, bà góa phụ đều là những bậc có chức thánh cả, vì do một nghi thức trong Giáo Luật mà tác thành.

Thế nhưng "ngoài đời", sự kính nể và trọng vọng người "có" chức thánh không hẳn gắn liền vào chức tước, phẩm trật, mà lệ thuộc vào tư cách, đạo đức và sự thánh thiện của đương sự. Sự kính nể phát xuất từ gương sáng được tỏa ra từ những hành vi, những cung cách, đức độ của người được mang chức thánh, chứ không lệ thuộc hẳn vào bản chất của một phẩm trật nữa.

Xưa nay, các linh mục muốn phán bảo thế nào, hành xử ra sao "con chiên" răm rắp tuân theo, kẻ nào dám lên tiếng góp ý xây dựng trong tình cha con, nói lên những điều sai trái, vô lý vô luân, hoặc để truy tố những trường hợp gia trọng, nêu gương mù gương xấu cho mọi người, thì được xem là xúc phạm người được Chúa xức dầu! (sic). Có một kiểu "luật bất thành văn" từ rất xa xưa vẫn còn cho đến tận bây giờ; đó là "lắng nghe tiếng nói mục tử", chứ chẳng bao giờ có chuyện... "lắng nghe tiếng kêu đàn chiên" (sic).

Thiển nghĩ, được coi là xúc phạm người có chức thánh, theo tầm mức, tức là khi nào khích bác, mạt sát, chửi bới, đánh đập các ngài kìa. Như vậy không nên vội quy kết vào tội chống cha chống Chúa khi giáo dân "dám" đưa lời góp ý, xây dựng các đấng; vì không còn cách nào khác để quét sạch những mầm mống vấp phạm do những phong cách khác Đức Kitô, hiện nay vẫn còn đang tồn tại nơi một số rất ít linh mục trong cộng đồng dân Chúa.

 

Thế nào gọi là khác Đức Kitô?

Chức linh mục vốn là cao trọng, là chức thánh, một chức thánh vĩnh viễn theo phẩm trật từ thượng tế Melchisedec trong Cựu Ước. Tuy là một thiên chức quý trọng như thế; nhưng các linh mục của Chúa phải luôn tự nhắc nhở mình, phải luôn tự răn đe mình, phải luôn biến đổi mỗi ngày để trở thành "bản sao" của Thầy Giêsu; tức là phải hiền lànhkhiêm nhượng trong lòng (x. Mt 11,29). Có như thế các đấng mới tránh được những cơ nguy vấp ngã trong thánh-vụ của mình, để từ đó thật sự là những Đức Kitô khác, chứ không phải là những vị khác Đức Kitô.

Hiện nay, cái địa vị "cao vời khanh tướng" của các linh mục là địa vị số một trong Giáo Hội, theo cách nhìn của nhiều người trẻ hiện nay. Nhiều bạn trẻ đi tu để tìm một vị thế trong tổ chức và để thể hiện mình trong những sinh hoạt của Giáo Hội chứ không phải trong ý nghĩa đời sống đức tin và giá trị Tin Mừng. Chính điều này dễ tạo cho các linh mục trẻ một nhận định phiến diện về sứ vụ của mình: Thay vì thi hành sứ vụ phục vụ vô điều kiện trong đức ái; thì họ dễ trầm mình trong sự phong phú của vinh-dư để tạo cho mình một vị thế, một cơ ngơi và một môi trường sống thoải mái riêng tư. Rồi từ những dễ dàng do vật chất mang lại, cái não trạng "cao vời khanh tướng" dần dần xuất hiện và lấn át cái thiên chức mục tử của mình đi. Mọi vấn đề bê bối, khả dĩ gây vấp phạm, "xói mòn niềm tin" trong cơ chế Giáo Hội hiện nay đều nằm ở đấy.

Ai trong chúng ta cũng biết rằng: Trong đời sống nội tâm, đức ái là căn bản. Điều này là cốt tủy của Kitô giáo, là đòi hỏi chuyên biệt không những chỉ dành cho giáo sĩ, tu sĩ; mà cả những giáo dân chữ nghĩa kém cỏi, học hành lõm bõm. Thánh Phaolô nói: "Dù tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, tôi không có đức ái, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Dù tôi được ơn nói tiên tri, thấu suốt mọi mầu nhiệm và mọi lẽ cao siêu, hay tôi có đức tin mạnh mẽ khiến được núi non di chuyển, mà tôi không có đức ái, thì tôi cũng chỉ là hư vô, chẳng là gì. Nếu tôi có phân phát hết gia tài sản nghiệp của mình cho người nghèo khó, hay hy sinh cả thân xác tôi để chịu lửa thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì những hy sinh ấy cũng thành vô ích" (x. 1Cr. 13,1-3).

Khi nhận thức một cách xác tín đức ái là căn bản, tự nhiên người linh mục của Chúa cần phải được bồi dưỡng tốt, để trở nên trong sáng, phong phú và vững mạnh.

Khi đã đạt đến một trình độ văn hóa nhất định nào đó, chỉ cần ở mức trung bình chẳng hạn, thì trí óc con người có thể đủ bản lĩnh để đảm nhận cái thực trạng của chính mình hoặc đủ sáng suốt để truy xét một cách vô tư những điều ngay lẽ chính, hoặc lỗi lầm sai trái của mình hay nơi người khác một cách thẳng thắn, trung thực; huống chi là trình độ một linh mục.

Chắc chắn một điều là niềm tin không bị xói mòn bởi những lời nói lên sự thật. Vì, như Chúa Giêsu đã phán: Sự thật sẽ giải thoát anh em (Ga. 8,32).

Thay vì dìu đắt đàn chiên vào đường ngay lẽ chính, các linh mục biến chất lại gây phẫn uất, tức tối một cách vô ích, và trút giận oan uổng vào đàn chiên của mình.

 

Nhìn lại Sứ vụ đem Đạo vào Đời.

Hiện nay, phần đông nhiều người hiểu rằng "Đạo vào Đời" tức là lồng những giá trị trong Tin Mừng vào nếp sống đời thường của con người, một lối thích nghi Lời Chúa với những sinh hoạt thường nhật. Thật đáng sợ vì mọi người chúng ta đang sống trong một thời đại thế tục hóa và duy hưởng thụ khắp toàn cầu, làm cho con người dường như đã đánh mất vị thế và phẩm giá của mình, không còn xác định được vị trí và phương hướng của mình nữa. Vì thế, đời sống Giáo Hội không ít thì nhiều cũng chịu chung những ảnh hưởng này.

Thay vì dấn thân vào Đời, để nhằm "Đạo-hóa" Đời, hay nó khác đi là để Đạo Tin Mừng được thấm nhập vào Đời hòng thánh hóa mọi giá trị về con người và cuộc sống. Thì ngược lại bị "Đời-hóa" Đạo, một số chủ chăn lại hành xử như những quan chức ngoài đời: Hống cách, cửa quyền, độc đoán, độc tài, thành kiến, hoạnh họe với giáo dân của mình. Đây quả là một thách đố lớn của Giáo Hội trong giai đoạn hiện nay!

CÁT BIỂN

5938    18-10-2014 10:12:22