Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 05

CHƯƠNG V: LƯU ĐẦY- HỒI HƯƠNG
DO THÁI GIÁO- MACABÊ


SỰ PHỤC HƯNG THIÊNG LIÊNG CỦA BABYLON

178. H. Trong thời điểm bị lưu đày, niềm hy vọng cứu độ của Israen tập trung vào đâu?
T. Niềm hy vọng cứu độ tập trung về Babylon, vì Giêrêmia đã nói rõ rằng số còn sót lại được Thiên Chúa tuyển chọn để kiến tạo lại dân Ngài sẽ là những người bị lưu đày chứ không phải là những người Giuđa được để lại ở Palestine (x.Gr. 24, 4 - 8).

179. H. Dân Giuda bị đi lưu đày thế nào?
T. Khoảng 25 - 50 ngàn dân Giuđa bị lưu đày. Họ phải đi bộ 700 dặm đến Babylon, một cuộc hành trình lâu dài, khổ nhọc và thiếu thốn.

180. H. Nổi đau khổ lớn lao nhất của những người bị lưu đày là gì ?
T. Nỗi đau khổ lớn nhất của họ là bị thử thách về đức tin Giavê đã ở đâu khi thành Giêrusalem bị hủy diệt và hiện giờ ở đâu sao không cứu họ? Không lễ tế, không Đền Thờ, không còn Khám Giao ước, phải chăng thần Marduk của người Babylon quyền phép hơn Giavê? Lịch sử Giao ước giữa họ với Giavê phải chăng chỉ là ảo vọng; những hành động cứu độ phi thường thời xuất hành dường như đã chẳng xảy ra; ích gì triều đại nhà Đavít sẽ vĩnh viễn như Chúa từng hứa qua các ngôn sứ khi mà các vua của họ đều bị đi đày? Do đó nhiều người Israen bị lưu đày đã mất đức tin (x. TV 136 ).

181. H. Đâu là những giá trị tích cực của việc lưu đày?
T. Thiên Chúa muốn rút ra những điều tốt từ sự chết, lầm than, thất vọng và sầu khổ này: việc lưu đày là cần thiết để thanh tẩy dân của Thiên Chúa khỏi tệ sùng bái ngẫu tượng, loại bỏ việc chuộng hình thức khô khan bên ngoài, đưa dân trở lại con đường ngay chính là sống theo thánh ý Chúa. Như thế tại Babylon , Thiên Chúa bắt đầu công trình canh tân, cải cách và phục hưng dân Ngài.

182. H. Thói chuộng hình thức đã được canh tân thế nào?
T. Việc tách Đền Thờ khỏi lễ tế, vì Đền Thờ không còn nữa, đã loại bỏ được việc chuộng hình thức bên ngoài, đồng thời cũng nói lên điều cốt yếu là con người phải tự hiến toàn thân cho Chúa. Người ta không còn lấy lễ tế dâng thay cho chính mình nữa, vì trong cảnh lưu đày, con người biết lấy gì dâng ngoài chính mình.

183. H. Trong cảnh cùng khốn lưu đày, Israen còn nghiệm ra điều gì nữa không?
T. Israen nhận ra mối tương quan giữa Thiên Chúa và đời sống luân lý của họ, một chân lý mà trước đây họ thường lãng quên. Đó là hành động con người phải được đo lường theo thánh ý Thiên Chúa là Đấng quyết định sự lành cũng như sự dữ.

184. H. Cách cư xử của con người phải tuân theo thánh ý Chúa là phải làm sao?

T. Giuđa trước đây, đã tự dối mình bằng cách tin rằng Giavê không có, không thể và không nên can thiệp vào đời sống riêng tư của họ; nay họ nhận ra rằng những việc mà con người làm đều có liên quan đến Thiên Chúa, nhất là điều mà Thiên Chúa làm thì lại càng có liên quan đặc biệt đến Ngài. Và họ bỗng nhận ra rằng: tội đã lan tràn khắp cõi Israen.

185. H. Không còn Đền Thờ, không còn lễ tế, dân lưu đày thờ phượng Thiên Chúa cách nào?
T. Không còn Đền Thờ, không còn lễ tế, dân chúng bắt đầu đặt tầm quan trọng hơn vào đời sống thánh thiện bên trong cùng với việc cố gắng tìm hiểu và thực thi Lời Chúa. Họ tập trung vào việc nghiên cứu, học hỏi Sách Thánh và cầu nguyện.

186. H. Các ngôn sứ đã góp phần vào công trình thanh tẩy dân Chúa như thế nào?
T. Việc thanh tẩy thiêng liêng của Giuđa phải được coi là công lao của các ngôn sứ trước đây, đặc biệt là của Giêrêmia, vì những lời sấm của ông hẳn vẫn còn văng vẳng bên tai những người lưu đày. Giêrêmia cũng đã viết một lá thư an ủi và khuyến khích họ (x. Gr. 29, 10- 14).

187. H. Vai trò đặt biệt của các ngôn sứ cùng bị lưu đày thế nào?
T. Góp phần lớn nhất cho việc trở lại của Giuđa là công của các ngôn sứ cùng bị lưu đày, những người từng chia sẻ nổi thống khổ của các kẻ lưu đày và đem lại sứ điệp đầy khuyến khích của Thiên Chúa để dạy dỗ và an ủi họ. Hai vị nổi bậc nhất trong số này là Ezêkiel và Isaia đệ nhị.

ÊZÊKIEL

188. H. Êzêkiel là ai?
T. Êzêkiel, con của Budi, ngôn sứ của Giavê, là một người lạ thường và những thị kiến của ông còn lạ thường hơn nữa. Là một trong số những người bị đưa đi lưu đày đầu tiên năm 598 (tr. Chúa Giáng Sinh) khi vua Gioakin bị dẫn sang Babylon . Những lời tiên tri của ông gồm hai phần: trước và sau khi lưu đày.

189. H. Sứ mạng của ông là gì?
T. Sứ mạng của Êzêkiel là giữ cho đồng bào ông khỏi bị hoàn toàn mất hết tinh thần

190. H. Êzêkiel đã chuẩn bị tinh thần cho dân trước khi bị lưu đày thế nào?
T. Từ trước khi bị phát lưu, ông đã chuẩn bị cho đồng bào ông biết cách chịu đựng thảm kịch sắp xảy ra, đánh tan mọi hy vọng hảo huyền về việc thành thánh sẽ được giải thoát và cứu vớt. Ông nói rõ Giêrusalem phải sụp đổ và sẽ sụp đổ. Tội lỗi của Giêrusalem đã kéo bàn tay trừng trị của Thiên Chúa xuống.

191. H. Trong hoàn cảnh lưu đày ông đã an ủi dân thế nào?
T. Trong khi bị lưu đày, lúc mà dân chúng mỗi ngày một thêm thất vọng, thì nhiệm vụ chính của Êzêkiel là nâng đỡ tinh thần của họ.

192. H. Nội dung sứ điệp của Êzêliel là gì?
T. Sứ điệp của ông gồm ba điểm chính:
- Thiên Chúa ở khắp mọi nơi (Ed. 1, 16- 17.20).
- Trách nhiệm cá nhân của con người đối với tội lỗi và nhân đức (Ed. 18, 30- 32).
- Sẽ có một cuộc xuất hành mới (ra khỏi Babylon) ( Ed. 34, 23- 24.30)

193. H. Chân lý "Thiên Chúa ở khắp mọi nơi" dạy điều gì?
T. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nghĩa là Thiên Chúa của Giuđa đã hiện diện ở khắp nơi. Ngài không phải chỉ bị ràng buộc ở Giuđa, ở Giêrusalem hay ở trong Đền Thờ. Ngài cũng không phải là một vị thần Babylon nào đó với cánh tay uy quyền và bảo trợ quá ngắn, không thể vượt khỏi những thành thị và thôn xóm Babylon. Chân lý này được nhấn mạnh trong thị kiến đầu tiên của Êzêkiel.

194. H. Êzêkiel nói về trách nhiệm cá nhân đối với tội lỗi và nhân đức thế nào?
T. Theo Êzêkiel, các thế hệ trước đây đã được cơ cấu thành một tập thể xã hội và do đó, có trách nhiệm cộng đồng đối với tội lỗi; ngày nay ông nhấn mạnh đến trách nhiệm cá nhân: mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính mình. Ai ăn ở đạo đức thì được thưởng; ai làm ác sẽ bị phạt.

195. H. Đâu là mặt tích cực của chân lý này?
T. Nếu mỗi người phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi của thế hệ trước thì đâu còn hy vọng gì thay đổi, nhưng nếu mỗi người chỉ chịu trách nhiệm về hành vi của mình mà thôi thì tương lai sẽ khác hẳn với quá khứ và hiện tại. Một đời sống đạo đức sẽ làm cho mỗi người đẹp lòng Thiên Chúa, thì chắc chắn toàn thể dân chúng sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới tươi đẹp hơn.

196. H. Theo Êzêkiel, "cuộc xuất hành mới" là gì?
T. Êzêkiel hứa sẽ có một cuộc xuất hành mới ra khỏi Babylon, hồi hương về Giuđa, với việc phục hưng đời sống tôn giáo và quốc gia của dân Thiên Chúa. Một vị vua nhà Đavít sẽ xuất hiện, cai trị Israen như một mục tử hơn là một vị vua chuyên chế. Thiên Chúa sẽ lập lại Giao ước, thanh tẩy dân Ngài, ban cho họ một trái tim mới và một thần khí mới.

197. H. Khi nói về "cuộc xuất hành mới" Êzêkiel đã có thị kiến quan trọng nào?
T. Đó là thị kiến nổi danh về những khúc xương khô được hồi sinh. Dụ ngôn có nghĩa rất rõ ràng: Giuđa trong cảnh lưu đày chẳng khát nào một cánh đồng đầy xương khô. Nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho chúng được hồi sinh, bằng cách chấp nối xương này với xương kia, làm cho chúng đầy tủy và thịt, đoạn thổi sinh khí vào cho chúng và Giuđa sẽ nhận biết Chúa là Thiên Chúa của mình.

198. H.Sứ mạng của Êzêkiel có kết quả gì không?
T. Êzêkiel đã thành công khi đem lại niềm hy vọng cho dân trong những ngày đen tối. Ông được coi như Giuse thời lưu đày ở Babylon . Do sự quan phòng của Thiên Chúa, ông bị phát lưu trước đồng bào ông, để bảo toàn số còn sót lại của Israen trong niềm tin cậy. Ông không còn sống để thấy được cuộc xuất hành khỏi Babylon, cũng như Giuse đã không được chứng kiến cuộc hồi hương từ đất Ai cập. Tuy nhiên, công trình của mỗi vị là rất cần thiết cho cả hai cuộc hồi hương

ISAIA ĐỆ NHỊ

199. H. Isaia đệ nhị là ai?
T. Isaia đệ nhị là một ngôn sứ vô danh nào đó, tác giả những chương cuối cùng (40- 60) của sách Isaia hiện nay, hay ít ra cũng là tác giả những chương 40 - 50. Ông viết trong thời lưu đày, khoảng 550 (tr. Chúa Giáng Sinh). Cùng với Êzêkiel, ông là một trong hai cột trụ vững chắc nâng đỡ nước Giuđa trong những năm đen tối ngã nghiêng.

200. H. Nội dung sứ điệp của ông là gì?
T. Tác phẩm của ông được gọi là "Sách An ủi", vì chứa đựng những lời hứa tuyệt hảo cho tương lai của Giuđa và các dân nước. Ông còn nhắc lại hình ảnh người bạn trăm năm của Giavê mà Hôsê đã nói đến trong viễn cảnh cuộc xuất hành mới của Êzêkiel: vì yêu thương người bạn trăm năm của mình bị bỏ rơi, Thiên Chúa sẽ đem những người bị lưu đày trở về quê nhà.

201. H. Isaia đệ nhị đã góp công gì vàoLịch sử cứu độ?
T. Ông đã góp phần vào Lịch sử cứu độ qua bốn Bài Ca Người Tôi Tớ. Những bài ca này liên kết Do thái giáo với Kitô giáo, mà Kitô giáo là sự viên mãn của Do thái giáo.

202. H. Nội dung Bài Ca thứ nhất và thứ hai ( Is 42, 17 và 49, 1- 6) là gì?
T. Bài Ca thứ nhất và thứ hai nới rộng phạm vi ơn cứu độ qua việc giới thiệu Israen như là "ánh sáng muôn dân", nhưng dụng cụ để chuyển ơn cứu độ cho lương dân. Sống giữa lương dân, ông cảm nghiệm rằng mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên phải được hoà nhập cách nào đó vào chương trình cứu độ.

203. H. Nội dung của Bài Ca thứ ba ( IS 50, 4- 9) là gì?
T. Bài Ca thứ ba nói về sự thù nghịch và bách hại nhắm vào Người Tôi Tớ Đau Khổ của Giavê: bị đánh vào lưng, bị bứt râu, bị nhổ vào mặt.

204. H. Nội dung Bài Ca thứ tư ( Is 52, 15- 53,12) là gì?
T. Bài Ca thứ tư trình bày chân lý sâu xa của việc chịu đau khổ để đền tội. Hình ảnh Người Tôi Tớ trước đây là biểu tượng của Israen, nhưng nay thể hiện nơi một người. Con người này dù vô tội, nhưng phải gánh lấy tội của loài người, thí mạng cho loài người để họ được chữa lành và được tha các tội lỗi.

205. H. Hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê trong sách Isaia nói về ai?
T. Isaia đệ nhị đã có ý nói về Chúa Kitô như là Israen mới, là ánh sáng cho muôn dân, và là sự cứu rỗi cho các dân ngoại. Ngài đem lại ơn cứu độ cho nhiều người bằng cách thí mạng sống của mình để đền tội cho tất cả.

206. H. Đâu là thánh ý Chúa trong việc Israen bị lưu đày?
T. Thiên Chúa thường vẽ đường thẳng bằng những nét cong. Việc Giêrusalem bị tàn phá, đền Thờ bị hủy diệt, mất Khám ước, vương quốc bị diệt vong, cả dân tộc bị lưu đày là những biến cố kinh khủng đối với những kẻ bị phát lưu. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn ngủi lưu đày ở Babylon, sự thánh thiện bên trong trái ngược với thói chuộng hình thức bên ngoài đã hồi sinh cách mạnh mẽ nơi dân Thiên Chúa. Chính Êzêkiel và Isaia đệ nhị đã góp phần không nhỏ làm cho những bộ xương khô Israen chỗi dậy, mặt lấy sự sống mới.

HỒI HƯƠNG - DO THÁI GIÁO ESRA VÀ NÊHÊMIA

EZRA
Ch 1 :
Sắc chỉ của Cyrus
Ch 2 :
Tài thiết Đền Thờ
Ch 5 - 6:
Đền Thờ thứ nhì
Ch 7 :
Ezra đi về Giêrusalem

NÊHÊMIA
Ch 1:
Nêhêmia và các tường thành
Ch. 8-9:
Nghi lễ trọng thể

207. H. Đâu là bối cảnh lịch sử của cuộc hồi hương?
T. Các đế quốc hùng mạnh một thời lần lượt sụp đổ: hết Assyri đến Babylon. Năm 539 (tr. Chúa Giáng Sinh) Cyrus đại đế, vua Ba Tư và Mêđê, người sáng lập ra đế quốc Ba Tư đã tiến vào Babylon. Một năm sau đó, ông cho phép những người bị lưu đày được hồi hương.

208. H. Cuộc hồi hương được thực hiện như thế nào?
T. Năm 537 (tr. Chúa Giáng Sinh) một năm sau khi sắc chỉ hồi hương được ký, người Do Thái bắt đầu trở về lại Giuđa. Một số người giàu có đã ở lại Babylon. Những người Do Thái đầu tiên lên đường dưới sự lãnh đạo của Thượng tế Giôsua và của hai người thuộc hoàng tộc Đavít còn sống sót là Sêbanade và Dôrôbaben.

209. H. Những người hồi hương gặp phải những khó khăn nào khi về lại quê hương?
T. Đa số những người Do Thái từ Babylon trở về đều còn trẻ, họ là những người trước kia chưa bao giờ thấy Giuđa. Họ bị vỡ mộng trước cảnh trái ngược giữa các thành phố phồn thịnh ở Babylon vừa rời bỏ với cảnh điêu tàn ở Giuđa; nhà cửa không có, đất đai bị chiếm đoạt, quê hương chỉ là một xứ bé nhỏ, điêu tàn, nghèo nàn, bị tàn phá.

210. H. Đền thờ được tái thiết như thế nào?
T. Một trong những việc mà những người hồi hương làm trước tiên là tái thiết Đền Thờ. Hai vị ngôn sứ Haggai và Giacaria đã có công tạo lại niềm hứng khởi cho dân chúng. Đền thờ được xây cất theo mẫu Đền thờ của Salomon và hầu như cùng một kích thước, ngay trên chỗ cũ ở Giêrusalem (còn gọi là Đền Thờ của Dôrôbaben).

211. H. Nêhêmia là ai?
T. Nêhêmia là người Do Thái, làm quan chước tửu cho vua Artaxerxes Ba Tư, có công xây lại tường thành Giêrusalem năm 445 (tr.Chúa Giáng Sinh).

212. H. Ezra là ai?
T. Sau khi Nêhêmia có mặt ở Giêrusalem một thời gian thì Ezra, vị tư tế ký lục cũng đến đó. Ông góp phần vào việc phục hồi Giuđa về mặt thiêng liêng.

213. H. Ezra đã làm gì để hồi phục lòng đạo đức cho dân Giuđa?
T. Ông đã tập họp dân chúng lại trước cửa Đền Thờ và đọc cho họ nghe Luật Môsê. Hướng dẫn dân chúng cử hành nghi lễ lập lại Lời Giao ước một cách trọng thể qua việc nhắc lại Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, đã kêu gọi Abraham, đã ban đất hứa cho dân tộc của Ngài và Israen đã thất tín với Thiên Chúa ra sao..

214. H. Dân Giuđa hồi hương đã đáp lại lời Chúa qua miệng Ezra thế nào?
T. Mọi người nghe Ezra đều thú tội công khai và khẳng định lại ý muốn bước vào Giao ước mới với Thiên Chúa .

215. H. Nét độc đáo về chính trị của Israen vào thời kỳ nầy là gì?
T. Đó là một nhà nước được thiết lập bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chủng tộc và tôn giáo, giữa pháp luật đạo và đời để trở thành một pháp luật duy nhất tập trung vào tay vị thượng tế. Đây là hình thức Do Thái giáo sau thời lưu đày và còn tồn tại mãi cho đến khi Đền Thờ và Giêrusalem bị người Rôma hủy diệt năm 70 (sau Chúa Giáng Sinh).

216. H. Nhà nước Do Thái hay Do Thái giáo sau thời lưu đày được tổ chức thế nào?
T. Trong nhà nước nầy, vua được thay thế bằng vị thượng tế được xức dầu như các vua thời kỳ trước lưu đày. Luật pháp của vua được thay thế bằng giới luật Môsê. Vị trí của Khám Giao ước được thay bằng Sách Thánh. Việc thờ phượng được tôn trọng cùng với sự phát triển các tư tế; lề luật được nghiên cứu làm gia tăng các ký lục. Vị thượng tế trở thành thủ lãnh quốc gia và là người đại diện quốc gia trước mặt Thiên Chúa .

217. H. Ngôn sứ Malaki là ai?
T. Là vị ngôn sứ cuối cùng trong những năm đầu tiên của Do Thái giáo, một vị vô danh mà chúng ta gọi là Malaki nghĩa là: "Thần sứ của Ta". (Ml 3, 1). Ông xuất hiện gần như đồng thời với Nêhêmia và Ezra.

218. H. Sứ điệp của Malaki là gì?
T. Malaki vạch ra những bất công xã hội, tệ nạn ly dị, và sự thiếu nhiệt thành của các tư tế cũng như những lễ tế tầm thường hình thức bên ngoài của dân chúng thời đó.

219. H. Ngôn sứ Malaki đã đóng góp gì cho Lịch sử cứu độ?
T. Vai trò của Malaki rất quan trọng trong Lịch sử cứu độ nhờ hai đề tài độc đáo của ông: về Vị Tiền hô của Chúa và về Lời hứa thứ ba của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham.

220. H. Malaki đã nói gì về vai trò của Vị Tiền Hô?
T. Vị Tiền hô của Chúa, tức là sứ giả của Thiên Chúa được phái đi trước Người vào Đền Thờ. Malakia đồng hóa sứ giả nầy với Êlia, người sẽ xuất hiện trước ngày của Giavê. Sự xuất hiện của Gioan Tiền Hô đã ứng vào lời tiên tri nầy.

221. H. Malaki giải thích về Lời hứa thứ ba của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham thế nào?
T. Về lời hứa thứ ba của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham: Phúc lành sẽ được ban cho các dân nước nhờ dòng dõi Abraham. Các ngôn sứ trước kia cũng đã triển khai điểm này bằng cách nới rộng phạm vi ơn cứu độ đến các dân ngoại. Malaki giải thích thấu đáo hơn: các dân ngoại sẽ có ngày dâng lên Thiên Chúa một hy lễ thường xuyên và phổ quát đẹp lòng Ngài. Giao ước mới của Chúa Kitô sẽ sáp nhập Dân Ngoại vào Thân Thể Người như là con cháu thiêng liêng của Abraham. Giao ước này được thiết lập bằng máu của một hy lễ thiêng liêng mới, hằng ngày được dâng tiến khắp cùng trái đất.

NGƯỜI HY LẠP VÀ NGƯỜI LA MÃ

222. H. Bối cảnh lịch sử thời Nêhêmia và Ezra thế nào?
T. Thánh kinh không nói gì về lịch sử dân Do Thái thời Ezra và Nêhêmia cho đến khi anh em Macabê nổi dậy năm 166 -165 (tr. Chúa Giáng Sinh). Tuy nhiên khoảng thời gian 250 năm nầy là một thời kỳ hoạt động chính trị rất náo nhiệt ở các nước chung quanh Giuđa. Đó là thời kỳ đế quốc Ba Tư suy yếu và sụp đổ trước lực lượng hùng hậu của Hy Lạp.

223. H. Alexanđrô đại đế là ai? Chủ chương điều gì?
T. Alexanđrô đại đế lên kế vị cha là Philip Macêđôn bị ám sát năm 336 (tr. Chúa Giáng Sinh) lúc mới 20 tuổi. Ông này chủ chương thành lập một thế giới đại đồng: "Tất cà mọi người phải trở thành một dân tộc mà thôi". Và ông đã gần đạt được mục đích đó trong 13 năm chinh chiến.(336- 324), chiếm được đế quốc Ba Tư, tràn sang đến biên giới Ấn Độ rồi chết tại Babylon năm 324 (tr. Chúa Giáng Sinh) lúc ngoài 30 tuổi.

224. H. Giấc mộng của Alxanđrô đã được Kitô giáo thực hiện như thế nào?
T. Kitô đã thực hiện thành công giấc mộng còn dở dang của Alexanđrô, nhưng không phải bằng gươm giáo mà bằng cầu nguyện và Thánh Linh. 50 năm sau khi Đức Kitô chịu chết, Kitô giáo đã lan tràn khắp các miền mà Alexanđrô đã chinh phục. Trong tôn giáo này không còn phân biệt Do Thái hay Dân Ngoại, nô lệ hay tự do, nhưng tất cả đều trở nên một trong Đức Kitô.

225. H. Trên bình diện tự nhiên, Kitô giáo hưởng lợi gì từ các cuộc chinh phục của Alexanđrô?
T. Những cuộc chinh phục của Alexanđrô đã làm cho tiếng Hy Lạp được phổ biến trong khắp thế giới văn minh lúc bấy giờ. Nhờ tính phổ biến của ngôn sứ này, mà Thánh Phaolô có thể loan báo cách hữu hiệu Tin Mừng cứu độ cho thế giới.

226. H. Đế quốc của Alexanđrô bị phân chia thế nào?
T. Sau khi Alexanđrô chết, đế quốc rộng lớn của ông bị các tướng lãnh phân chia. Tướng Ptôlêmê chiếm Aicập và nắm quyền kiểm soát Palestine từ năm 301- 198 ( tr. Chúa Giáng Sinh). Ptôlêmê thành lập nước Aicập theo văn minh Hy Lạp và sống thân thiện với người Do Thái.

227. H. Bản dịch Kinh Thánh Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp đã ra đời trong hoàn cảnh nào?
T. Trong thời kỳ này, có nhiều người Do Thái sinh sống ở Alexandria và được nhiều đặc ân. Tại đây, một bản dịch Cựu ước quen gọi là bản Bảy Mươi, từ tiếng Hippri sang tiếng Hy Lạp được bắt đầu năm 250 (Tr, Chúa Giáng Sinh) và kéo dài trong hai trăm năm. Bản Bảy Mươi nhanh chóng trở thành Thánh Kinh của các Kitô hữu trong thời kỳ đầu của Giáo hội.

228. H. Vua Antiôkiô IV là ai? Ông này đã đối sử thế nào với người Palestine ?
T. Antiôkiô IV, con vua Antiôkô III (thuộc dòng họ tướng Selêucô, chiếm Ba Tư sau khi Alexanđrô chết) lên ngôi năm 175 (tr. Chúa Giáng Sinh) .Ông tự mệnh danh là "Thêô Êpiphanô" nghĩa là "Thiên Chúa hiện thân". Ông muốn hủy diệt Do Thái giáo và luật Môsê, Hy Lạp hoá người Do Thái.

229. H. Hành động nào cùa Antiôkô đã đi đến chỗ làm cho anh em nhà Macabê nổi dậy?
T. Antiôkô đã biến Đền Thờ Giêrusalem thành nơi thờ thần Zeus của người Hy Lạp. Điều này quá sức chịu đựng của người Do Thái. Năm 166 - 165 (tr. Chúa Giáng Sinh), Một năm sau khi Đền Thờ bị xúc phạm, một cuộc nổi dậy công khai của người Do Thái đã bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Matathia, tư tế thuộc dòng Giôdarip.

230. H. Giuđa là ai?
T. Giuđa, con trai thứ ba của tư tế Matathia, là tướng lãnh ngay từ đầu, có biệt danh là Macabê nghĩa là "cái búa" và danh hiệu này được dùng để chỉ gia đình những nhà ái quốc tôn giáo này.

231. H. Sách ngôn sứ Daniel xuất hiện trong hoàn cảnh nào?
T. Sách Daniel có lẽ soạn vào năm 165 (tr. Chúa Giáng Sinh) giữa thời kỳ bách hại này. Do đó, ta nên đọc Sách Daniel trong bối cảnh mà người Do Thái chủ trương bài ngoại, khác hẳn với thế giới đại đồng mà các ngôn sứ trước đây từng rao giảng. điều này cần thiết để giữ lấy sự sống còn của Giuđa và tôn giáo của họ.

232. H. Sách Daniel góp phần vào lịch sử cứu độ như thế nào?
T. Về phương diện lịch sử cứu độ, sách Daniel chứa đựng một đề tài rất quan trọng nói về "Con người". Qua từ ngữ "Con Người" Daniel đã đúc kết những đặc điểm Thiên Sai của vị vua thuộc dòng dõi Đavít và người Tôi Tớ Giavê: một mặt làm nổi bật sự cao sang, mặt khác nhấn mạnh sự thấp hèn của nhân loại.

233. H. Có phải Chúa Giêsu cũng dùng loại tước hiệu Con Người mà ngôn sứ Daniel đã đề cập đến?
T. Chính Chúa Giêsu đã dùng loại tước hiệu "Con Người" này để chỉ về mình. Qua đó Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là một vị vua thuộc dòng dõi Đavít, đại diện cho người thánh của Đấng Tối Cao, đến thiết lập vương quốc vĩnh cửu và phổ quát với những đau khổ nơi chính thân xác mình.

234. H. cuộc nổi dậy của anh em nhà Macabê có thành công không?
T. Cuộc nổi dậy đã thành công ngay tức khắc và họ đã lập nên triều đại "Hasmônê". Nhưng trên bình diện tôn giáo, thì đây không phải là sự thành công hoàn toàn. 60 năm sau cái chết của Giuđa Macabê, năm 161(tr. Chúa Giáng Sinh) Aristôbôlô I đã tự xưng là vua. Tệ hại hơn, dòng họ Hasmonê tự xưng mình là Thượng Tế, nên đã làm mất lòng nhiều vị tư tế đã được chính thức thiết lập ở Giêrusalem, gây nên sự chống đối nơi người Do Thái.

235. H. Người Do Thái đã chống đối triều đại Macabê như thế nào?
T. Một nhóm người mệnh danh là "Hasidim" xuất thân từ những người Do Thái đạo đức nhất thuộc mọi tầng lớp xã hội đã chống đối sự phản bội của dòng họ Hasmônê đối với Lề Luật và tinh thần Do Thái giáo.

236. H. Những người phản đối này, đã có những hành động gì?
T. Nhiều người trong số họ vẫn ở lại Giêrusalem để mắt theo dõi và phê phán những hành vi của dòng họ Hasmônê. Những người Biệt Phái xuất phát từ nhóm Hasidim này.

237. H. Cộng đồng Qumran xuất phát từ đâu?
T. Những người Hasidim khác gồm có tư tế và thường dân hoàn toàn phủ nhận quyền tôn giáo và chính trị của triều đại Macabê. Một số người trong nhóm này đã tạo thành cộng đồng Qumran nổi tiếng ngày nay ở phía tây bắc Biển Chết.

238. H. Người La Mã đặt chân đến Giuđa trong hoàn cảnh nào?
T. Năm 67 (tr. Chúa Giáng Sinh), hai người con thuộc dòng họ Hasmonê là Hyrcanô và Aristôbôlô, tranh nhau quyền kế vị và người Rôma được mời đến để giảng hoà. Tướng La Mã là Pompê đã tiến vào Giêrusalem, bắt họ làm chư hầu, đặt Hyrcanô làm Thượng tế chứ không phải là vua.

239. H. Vua Hêrôđê là ai?
T. Dưới triều Giuliô Xêsa, Antipater được cử làm tổng trấn xứ Do Thái, thuộc quyền Rôma. Con trai ông này là Hêrôđê lên làm vua từ năm 37 đến năm thứ tư (tr. Chúa Giáng Sinh), đã cắt chức Thượng Tế của Antigônô Matathia, người cuối cùng thuộc dòng họ Hasmonê. Từ đó chức vụ tư tế tuỳ thuộc vào chính quyền dân sự.

240. H. Với Đức Giêsu, Lịch sử cứu độ biến chuyển như thế nào?
T. Vài năm trước khi Hêrôđê chết, Đức Giêsu người thành Nazareth, con của bà Maria, đã ra đời. Với Ngài lịch sử chuẩn bị cho ơn cứu độ của dân Do Thái đã chấm dứt. Lịch sử hoàn tất ơn cứu độ bắt đầu.


7941    18-03-2011 17:05:25