Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 04_Phần 2


ISAIA VÀ MIKHA

(x. Isaia:
Chương 5:
Bài ca vườn nho.
Chương 6:
Isaia được kêu gọi.
Chương 7- 12:
Emmanuen.
Chương 33- 39:
Ezêkia và Sênnakêrib
Mikha: Chương 1- 7)

145. H. Hai ngôn sứ Isaia và Mikha đã thực thi sứ mạng của mình thế nào?
T. Cả hai đều có chung bối cảnh là nước Giuđa thời kỳ u tối. Cùng là người miền Nam Giuđêa, tiếp nối sứ mạng của Amos và Hôsê, quan tâm chính của hai ông là vương quốc Giuđa, dù một số sứ điệp của họ nhằm vào vương quốc miền Bắc (trước khi bị tiêu diệt năm 722 tr, CGS) . Họ hoàn toàn thành công trong sứ mạng này vì vua Ezêkia, một trong 3 vị vua anh minh (hai vị kia là Đavít và Giôsua) đã nghe theo lời khuyên nhủ của họ.

146. H. Bối cảnh lịch sử thời kỳ Isaia và Mikha như thế nào?
T. Đây là một thời kỳ rối ren, Giuđa liên tục bị quân Assyri đe dọa và tấn công, dù thoát nạn diệt vong như Israen năm 722. Năm 705 (tr,CGS), sau khi Sargon, người đã thôn tính Israen chết, Sennakêrib lên thay và bắt đầu xâm lăng Giuđa, rất thành công nhưng không chiếm được thành Giêrusalem, vì quân lính mắc phải một thứ bịnh ôn dịch và tan vỡ. Đây là một sự cứu thoát thần thánh đối với người Giuđa (x. Is 37, 36 - 38; 2 V 19, 35- 36)

147. H. Ngôn sứ Mikha là ai?
T. Người ta biết rất ít về ngôn sứ Mikha. Quê ông ở Môsêrết, cách Giêrusalem khoảng 20 dặm. Qua ngôn ngữ đơn sơ không chải chuốt cho thấy ông xuất thân từ một địa vị khiêm tốn, giống như Amos và cũng giống Amos, ông quan tâm sâu xa đến vấn đề công bằng xã hội. Những lời sấm của ông đã đem lại sự cải cách ít nhiều ở Giuđa.

148. H. Ngôn sứ Isaia là ai?
T. Ngôn ngữ Hippri, qua cách nói chải chuốt của Isaia cho thấy ông là người có học thức và việc ông đi lại dễ dàng với Vua Akhaz và Êzêkia cho thấy ông hay giao thiệp với hạng quyền quí. Ông có vợ và có ít nhất hai con. Ông được gọi làm ngôn sứ vào khoảng năm 740 tr.Chúa Giáng Sinh, 18 năm trước khi Israen sụp đổ. Ông đã giúp đỡ vua Ezêkia lúc bị Sennakerib xâm lăng vào khoảng năm 700 tr. Chúa Giáng Sinh.

149. H. Vì sao có nhiều điểm cực đoan trong tác phẩm của hai ngôn sứ nầy?
T. Vì sứ mạng của hai ngôn sứ nầy kéo dài khá lâu. Có những đoạn viết về sự an ủi, có đoạn lại lên án, vì họ phải lên tiếng không những với vị vua anh minh Ezêkia, mà còn phải đấu tranh với ông vua xấu khét tiến là Achaz. Tội lỗi vẫn còn đầy dẫy trong vương quốc, khiến cho Isaia và Mikha phải lên tiếng đả kích.

SỨ ĐIỆP CỦA NGÔN SỨ ISAIA VÀ MIKHA

150. H. Đâu là sứ điệp chung của hai vị ngôn sứ ?
T. Cả hai vị ngôn sứ : Isaia và Mikha đều đề cập đến những điểm tương đồng như: một Thiên Chúa duy nhất, sự công bằng xã hội, sự thánh thiện trong tâm hồn, về số ít người trung tín còn lại, về tính cách phổ quát của ơn cứu độ, về vương quyền và vai trò vinh hiển của vị cứu thế thuộc dòng dõi Đavít.

151. H. Một Thiên Chúa duy nhất nghĩa là gì ?
T. Đó là điểm cả hai vị ngôn sứ đều nhấn mạnh. Isaia diễn tả điều nầy bằng cách nêu lên quyền tối thượng của Thiên Chúa ngay cả đối với những nước ngoại giáo xa xôi. Hai ông cũng đả kích mạnh mẽ việc sùng bái ngẫu tượng. Đó là tội nặng nhất của Israen, và chính nó đã buộc Thiên Chúa phải xét xử phân minh.

152. H. Thế nào là công bằng xã hội?
T. Hai vị ngôn sứ nầy đều nhất trí với ngôn sứ Amos về công bằng xã hội. Mikha đã dùng những lời bóng bẩy chua cay chỉ trích mạnh mẽ những nhà lãnh đạo vương quốc đối xử bất công với dân.

153. H. "Nhóm nhỏ còn lại" là ai?
T. Cả hai vị đều nghĩ rằng có một nhóm nhỏ người sống sót vẫn trung thành với Thiên Chúa, giữa một quốc gia tội lỗi. Chính họ là những người tiếp đón lời hứa của Thiên Chúa và sự cứu độ sẽ đến với họ và qua họ.

154. H. Tính cách phổ quát của ơn cứu độ nghĩa là gì?
T. Theo hai ngôn sứ thì ơn cứu độ được rộng mở bằng cách nào đó ngay cả cho các dân ngoại. Chân lý nầy nhắc cho chúng ta một lần nữa lời hứa thứ ba của Thiên Chúa với Abraam. Theo đó, các dân ngoại cũng sẽ được chúc phúc qua Abraham và gia đình ông. Qua bao thế kỷ, lời hứa nầy trở nên xa lạ và dường như bị quên lãng đối với dân Israen. Chính các ngôn sứ đã nhắc nhớ và chuẩn bị cho vương quốc phổ quát và công giáo của Đức Kitô sẽ đến.

155. H. Các ngôn sứ nói gì về Đấng Cứu Thế và vương quyền của Ngài?
T. Cả hai đều nhấn mạnh vị cứu thế có vương quyền và vai trò vinh hiển của vị đế vương thuộc dòng dõi Đavít sẽ đến.

156. H. Isaia nói về Đấng Cứu Thế như thế nào?
T. Isaia nhấn mạnh: "Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, người sẽ được gọi là Emmanuen" (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Một chồi non xuất phát từ gốc Giêssê (11, 1): Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đavít, con của Giêssê. Điều nầy cho thấy, sự cứu độ được tập trung vào một cá nhân, một vị vua, con của Đavít.

157. H. Mikha đã nói gì về Đấng Cứu Thế?
T. Ngôn sứ Mikha cũng nói về vị đế vương thuộc dòng dõi Đavít mà mọi người chờ mong, về vương quốc phổ quát của Ngài và về thân mẫu Ngài (Mk 5, 1- 4).

158. H. Mục đích mà hai ngôn sứ saia và Mikha nhắm đến là gì?
T. Cả hai vị ngôn sứ đều nhắm đến hai mục đích: vạch ra những tội lỗi thông thường mà dân chúng thời đại các ngài thường lỗi phạm và hướng tư tưởng của họ về những ngày vinh quang trong tương lai, ngày mà vị đế vương sẽ đem lại ơn cứu độ, mở ra một thời đại hòa bình, loài người sẽ là bạn của Thiên Chúa và là bạn với nhau.

TRIỀU ĐẠI CỦA MANASSÊ: CON TRAI VUA ÊZÊKIA TỐT LÀNH
(Khoảng cách giữa Isaia và Giêrêmia)

159. H. Giêrêmia là ai?
T. Giêrêmia chào đời tại một thành phố nhỏ tên là Anatốt, cách Giêrusalem chừng vài dặm, vào khoảng cuối triều đại Manassê (650 tr.Chúa Giáng Sinh), con của Hêcia, một người thuộc hàng tư tế.

160. H. Giêrêmia xuất hiện trong bối cảnh lịch sử nào?
T. Thuở thiếu thời, ông sống dưới triều đại mục nát về tôn giáo của Manassê. Vị vua nầy đã hoàn toàn làm tiêu tan công trình tốt đẹp mà Ezêkia và hai vị ngôn sứ Isaia và Mikha đã thực hiện.

161. H. Manassê đã hủy hoại tôn giáo Giuđa như thế nào ?
T. Manassê đã phá hoại tôn giáo của Giuđa đến mức độ khó tưởng tượng được bằng việc xây cất tế đàn ngoại giáo ngay cả trong Đền Thờ. Cả vua cũng như dân không ai để ý đến bài học vương quốc miền Bắc bị hủy diệt để lại. Họ tiếp tục hành động như thể là Giavê không hiện hữu, hoặc có hiện hữu thì Ngài cũng không liên hệ gì đến hạnh kiểm, đạo đức của dân Ngài. Bàn tay Thiên Chúa đã sẵn sàng giáng xuống cho nước Giuđa lúc Giêrêmia hãy còn thơ ấu.

162. H. Giêrêmia được kêu gọi làm ngôn sứ trong hoàn cảnh nào?
T. Sau khi vua Manasse chết, Amos kế vị được hai năm thì Giôsia lên thay năm (638 tr.Chúa Giáng Sinh). Đây là một trong những vị vua tốt nhất nước Giuđa. Tình trạng sùng bái mẫu tượng đang lan tràn khắp vương quốc kể cả trong Đền Thờ. Giuđa đang cần một vị ngôn sứ can đảm để kêu gọi dân chúng trở lại. Giêrêmia xuất hiện trong thời gian này.

163. H. Chúa chọn Giêrêmia làm ngôn sứ thế nào?
T. Năm thứ 13 đời vua Giôsia (625 tr. Chúa Giáng Sinh), Chúa đến với Giêrêmia và gọi ông làm ngôn sứ cho Ngài. Ông đã từ chối: "Ôi! lạy Giavê, tôi đâu có biết nói, vì tôi chỉ là một đứa trẻ" (Gr. 1, 8). Là người dễ cảm, quen nếp sống yên tĩnh ở thành phố nhỏ, không thích hợp với lối sống xông pha và bị đối xử cai nghiệt, nhưng rốt cuộc ông vẫn nhận lãnh sứ mạng khiếp sợ này, vì tin tưởng ở lời hứa luôn trợ lực của Chúa.

164. H. Giêrêmia thực hiện sứ mạng của mình thế nào dưới thời vua Giôsia?
T. Sứ mạng của Giêrêmia tạm thời dễ dàng nhờ có cuộc cải cách rộng lớn của vua Giôsia, nhân việc tìm thấy một quyển sách Luật của Môsê trong Đền Thờ. Giôsia thật sự kinh hãi khi đọc quyển sách này, vì nhận thấy ông và vương quốc ông đã đi quá xa, không biết phục tùng thánh ý Chúa. Ông bắt đầu cuộc cải cách khi việc sùng bái ngẫu tượng đã lên đến mức độ kinh khủng.

165. H. Cái chết của Giôsia có ảnh hưởng gì đến cuộc đời của Giêrêmia?
T. Sau 13 năm cải cách, năm 609 tr.Chúa Giáng Sinh, Giôsia bị giết. Nhưng ngày bình an của sứ mạng Giêrêmia cũng chấm dứt theo cái chết của Giôsia. Những ông vua kế vị không phải là những người đẹp lòng Thiên Chúa nên Giêrêmia phải thường xuyên đối phó với họ và chỉ gặp thất vọng, vô hiệu quả, thậm chí tính mạng bị guy hiểm.

166. H. Giêrêmia phải đối phó với vị vua nào nhiều nhất trong các vua sau triều đại Giôsia?
T. Trong số bốn người lên kế vị triều đại Giôsia thì Giôkhaz và Gioakim chỉ cai trị được ít tháng. Giêrêmia phải bỏ ra hầu hết thời giờ và sức lực để đương đầu với Gioakin (609- 598 tr. Chúa Giáng Sinh) và Sêđêkia (598- trước khi Giêusalem bị hủy diệt năm 587 tr. Chúa Giáng Sinh). Trong bốn vị này thì Giôkhaz, Gioakim, Sêđêkia là con của Giôsia. Còn Gioakin là con của Gioakim.

167. H. Tại sao Giêrêmia được mệnh danh là "con người sầu khổ"?
T. Được mệnh danh là "con người sầu khổ", vì cuộc đời Giêrêmia gặp toàn đau khổ. Việc ông đã kích sự đồi trụy của các vua kế vị Giôsia, các tư tế hay dân chúng đã làm cho ông bị oán ghét kinh khủng và họ trút xuống đầu ông mọi cơn thịnh nộ. Có lúc ông như mất cả niềm tin và gần như bỏ cuộc.

168. H. Giêrêmia có bỏ cuộc trong cơn tuyệt vọng không?
T. Điều đáng ngạc nhiên là ông vẫn kiên trì trong cơn tuyệt vọng. Ông vẫn tin tưởng trong lúc không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ sự trợ lực của Thiên Chúa. Ông chỉ biết làm theo ý Chúa muốn và tiếp tục chịu đau khổ vì Chúa.

169. H. Còn nguyên do sâu xa nào khiến Giêrêmia phải đau khổ không?
T. Đó là cảnh Giêrusalem bị hủy diệt hoang tàn năm 587 tr. Chúa Giáng Sinh, đúng như lời ông cảnh cáo. Sau một năm rưỡi bao vây ác liệt ,lực lượng của Nabuchodonosor tiến vào Giêrusalem và phá hủy cả thành lẫn Đền Thờ."Ngày của Yahvê", ngày phán xử công minh đã đến ứng nghiệm lời tiên tri của ông. Tội lỗi của Giuđa đã kéo hình phạt từ trời xuống.

170. H. Giêrêmia làm gì sau khi Giêrusalem bị thất thủ?
T. Sau khi Giêrusalem bị tàn phá, Giêrêmia không đi lưu đày mà ở lại giữa cảnh điêu tàn của Giuđa. Sau khi Giôđôlia, bạn ông, được đặt lên cai trị những người ở lại, bị ám sát, ông và các bạn phải trốn sang Aicập. Ở đó, ông lại thêm đau khổ khi nhìn thấy những đồng bào Giuđa của ông hăm hở sùng bái những ngẫu tượng của dân địa phương.

171. H. Dân Giuđa nhận ra giá trị của Giêrêmia thế nào?
T. Cả đời Giêrêmia làm việc vất vả đau khổ rất nhiều và thành công rất ít. Ông chết đi giữa sự thất bại hoàn toàn dưới mắt thế gian. Chỉ sau khi ông mất đi, người Giuđa nhìn lại số phận của họ với những điều mà Giêrêmia đã nói trước, họ mới bắt đầu quý chuộng ông: những điều ông viết ra được bảo tồn, sứ điệp của ông được nghiên cứu và những lời giảng dạy của ông được áp dụng.

172. H. Nội dung sứ điệp của Giêrêmia là gì?
T. Nội dung sứ điệp của Giêrêmia có thể tóm tắt như sau: Ông lên án việc sùng bái ngẫu tượng và tôn giáo vụ hình thức; tiên báo về Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thiết lập.

173. H. Giêrêmia đề cập đến việc sùng bái ngẫu tượng như thế nào?
T. Nước Giuđa khi Gioakim lên ngôi cũng áp dụng chính những hình thức tôn giáo đồi bại đã khiến cho Israen bị trừng phạt: những thần ngoại giáo được sùng bái khắp nơi, ngay cả trong Đền Thờ, nhất là bắt trẻ con làm việc thiêu sinh lại bắt đầu ở thung lũng Hinnom, ngay phía nam Giêrusalem.

174. H. Giêrêmia nói gì về tôn giáo vụ hình thức?
T. Giêrêmia lên tiếng mạnh mẽ tố cáo Giuđa quá tin cậy vào sự hiện diện của Đền Thờ và tự đắc mình là dân Thiên Chúa, con cháu Ahraham, trong khi điều Thiên Chúa đòi hỏi là một sự cắt bì thiêng liêng, là sự dâng hiến tấm lòng và đôi tay để hiểu ý muốn Thiên Chúa và tuân theo.

175. H. Giêrêmia đề cập đến Giao ước mới thế nào?
T. Sứ điệp quan trọng nhất của Giêrêmia là nói vê Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thiết lập. Các chương 30 - 31 là cao điểm của lời sấm về một Giao ước mới sẽ đến, về một tôn giáo mới trong tâm hồn cùng với sự thành thật bên trong.

176. H. Đâu là tầm quan trọng của lời tiên tri này trong lịch sử cứu độ?
T. Lời tiên tri này hết sức quan trọng trong lịch sử cứu độ đang chuyển biến:
- Giao ước thời Môsê ràng buộc Israen với Thiên Chúa của họ một cách tốt đẹp;
- Giao ước thời Đavít mà Nathan đã loan báo nhấn mạnh vai trò trung tâm của vị vua dòng dõi Đavít. Vua ấy sẽ là con Thiên Chúa và một ngày nào đó sẽ có một vương quốc phổ quát và vĩnh cửu; nhưng Israen bất trung, bỏ Chúa thờ tà thần nên Giao ước này bị hủy bỏ.
- Giao ước mà Giêrêmia loan báo nhắm đến một tôn giáo mới. Giao ước mới này sẽ được bảo chứng bằng máu Chúa Kitô (1Cr. 11, 25). Ngài là Môsê mới và là con Đavít.

177. H. Đâu là những diễn biến lịch sử cuối cùng trước khi Giuđa bị tiêu diệt?
T. Đế quốc Assyri, có thủ đô là Ninivê, nắm quyền kiểm soát miền Cận Động trong 300 năm, bắt đầu suy yếu và sụp đỗ năm 612 tr. Chúa Giáng Sinh, dưới sức tấn công của quân Babylon.
Năm 605 tr. Chúa Giáng Sinh, Nabuchodonosor lên ngôi ở Babylon , đế quốc hùng cường nhất thời bấy giờ. Vua nầy bắt vua Giuđa là Goakin lưu đày sang Babylon. Sêđêkia lên kế vị Gioakin, liên minh với Aicập, Tyrô và Amos cống lại Babylon, nên năm 587(Tr. Chúa Giáng Sinh) quân Babylon đã hủy diệt cả thành lẫn Đền Thờ và đưa vua cùng với dân chúng đi lưu đày sang Babylon, ứng nghiệm lời Giêrêmia và các ngôn sứ đã nói trước về án phạt sẽ đến nếu Giuđa không hoán cải. Cả quốc gia lẫn tôn giáo Israen đều bị tiêu diệt.


6140    18-03-2011 17:02:49