Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2015

  1. Mở Cửa Tâm Hồn
  2. Bình An Đích Thực
  3. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  4. Chúa Thánh Thần – Đấng Qui Tụ Và Hiệp Nhất
  5. Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống 
  6. Chúa Thánh Thần - Sức Mạnh Nâng Đỡ Đức Tin
  7. Thần Khí Của Đức Kitô Phục Sinh
  8. Lễ Ngũ Tuần
  9. Ra Đi – Tha Thứ
  10. Chúa Thánh Thần – Nhà Đầu Tư Số Một
  11. ''Các Con Hãy Nhận Lấy Thánh Thần...''
  12. Chúa Thánh Thần Là Ai Và Người Làm Gì?
  13. Một Cuộc Hiện Xuống Mới
  14. Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần
  15. Thánh Thần Thiên Chúa
  16. Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần
  17. Sức Mạnh Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
  18. Thánh Thần Được Trao Ban Cho Con Người
  19. Lễ Chúa Thánh Thần Hiên Xuống
  20. Thánh Thần, Nguồn  Hiệp Nhất
  21. Thánh Thần, Khấn Xin Hiệp Nhất Chúng Con
  22. Chúa Giêsu Ban Thánh Thần
  23. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

MỞ CỬA TÂM HỒN
Ga 20, 19 - 23

Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy rất nhiều lần tiếng của Chúa Giêsu vang lên nói với các môn đệ “Đừng sợ”. Và hôm nay, chúng ta lại thấy Thánh Gioan một lần nữa lại ghi nhận rằng: “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. Làm nhà thì phải có cửa và cánh cửa thì rất có ích lợi. Cánh cửa vừa để đóng mà cũng vừa để mở ra. Cánh cửa nó đóng vào để mỗi người và mỗi gia đình trong những giây phút cần thiết có một cõi riêng tư của mình. Cánh cửa nó cần đóng vào để tạo cho sự an ninh bản thân và gia đình của mình vào những giây phút nào đó. Thành thử ra, cánh cửa nó đóng nhưng có lúc cần phải mở ra. Cánh cửa cần phải mở ra để kẻ ở ngoài có thể bước vào để chia sẽ buồn vui, kể cho nhau những chuyện về nhân tình thế thái. Khi cánh cửa mở ra thì người ở trong nhà có thể bước ra ngoài để gặp gỡ cuộc đời mà giáp mặt cuộc đời. Do đó, cánh cửa trở thành một phương thế cho sự gặp gỡ và hiệp thông. Cho nên, cánh cửa đóng nhưng đồng thời có lúc cần phải mở ra. Nhưng đằng này cửa nhà của các môn đệ thì đóng kín. Đóng như thế vì sợ.

Khi suy nghĩ về sự sợ hãi thì bao giờ nó cũng gắn liền với sự sống. Sợ bao giờ cũng là sợ mất sự sống. Chúng ta sợ bị cướp giật, sợ mất tiền của, sợ mất an ninh bản thân, sợ mất danh giá, sợ mất thời giờ... thì nói cho cùng cũng là sợ mất sự sống. Cho nên, lúc mà chúng ta sợ nhất là lúc chúng ta sắp chết. Các môn đệ ở đây cũng vậy thôi. Các ông sợ ở đây là sợ mất sự sống. Sự sống đó có thể bị người Do Thái tước đoạt. Bởi vì, lúc bấy giờ người Do Thái đang hừng hực, căm thù các môn đệ của Chúa Giêsu, nhổ cỏ thì nhổ tận gốc, họ đã giết Chúa Giêsu rồi thì họ cũng muốn thanh toán các môn đệ của Ngài. Cho nên, bây giờ các môn đệ đóng cửa là vì sợ và vì sợ cho nên các môn đệ phải đóng.

Thế nhưng, Chúa Giêsu Phục sinh thì không chấp nhận thái độ đóng cửa như vậy. Các môn đệ có đóng thì Chúa Giêsu vẫn cứ vào. Thành thử ra, cửa nhà các môn đệ đóng kín nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ vào. Và Ngài vào như thế để ban bình an và Thánh Thần cho các môn đệ và nói với các môn đệ phải mở ra: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em... Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần ”.

Chính nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các Tông đồ không đóng cửa nữa mà chúng ta thấy các ông đã mở ra. Trong bài đọc 1, sách TĐCV kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Maria ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà, có những lưỡi lửa xuất hiện trên mỗi người. Họ tràn đầy Thánh Thần. Bên ngoài thì dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây. Sự gì đã xảy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cánh cửa đã khép kín và bước ra ngoài, theo sau là các môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng phải bàn tán, nhưng họ không say rượu mà là say Chuùa Thaùnh Thaàn. Pheâroâ ñaõ giaûng baøi giaûng ñaàu tieân laøm cho 3000 ngöôøi trôû laïi. Caùc Toâng ñoà khaùc cuõng baét ñaàu söù maïng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về. Cho nên, chúng ta thấy nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các môn đệ không đóng cửa nữa mà mở ra, mở ra để thi hành sứ vụ rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu.

Khi suy nghĩ về ngôi nhà của các môn đệ, chúng ta cũng hãy suy nghĩ về ngôi nhà tâm hồn của mỗi người chúng ta. Nếu ngôi nhà của các môn đệ ngày xưa là hình ảnh tâm hồn của chúng ta thì cánh cửa của lòng ta nó đang đóng hay đang mở? Cánh cửa tâm hồn chúng ta có thể đóng khi mà chúng ta sống ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân của mình mà không quan tâm đến những người xung quanh đang cần chúng ta giúp đỡ. Cánh cửa tâm hồn chúng ta có thể đóng khi mà chúng ta không dám đến với người khác để chia sẻ và an ủi những người đang gặp khó khăn, bệnh hoạn, tật nguyền, cô đơn, già cả ... và nhất là cánh cửa tâm hồn chúng ta có thể đóng khi mà chúng ta chưa dám thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa qua đời sống tốt lành hằng ngày của mình là một người Kitô hữu, là một người con Chúa.

Thành thử ra, khi nhìn lại thái độ của các môn đệ ngày xưa. Tôi nghĩ rằng các ngài dám thay đổi thái độ đóng cửa vì sợ trở thành thái độ mở cửa để thi hành sứ vụ làm chứng Chúa Giêsu Phục sinh, bởi vì các ngài đã lãnh nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã được đầy tràn Thánh Thần, cho nên các ngài không còn sợ mất mát thiệt thòi gì nữa kể cả cái chết và từ đó các ngài dám mở cửa mà ra đi thi hành sứ vụ.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn có thái độ như các Tông đồ ngày xưa, khi mà chúng ta đóng kín tâm hồn của mình lại, bởi vì chúng ta sợ, sợ gặp khó khăn, sợ thiệt thòi, sợ mất thời giờ, sức khỏe, tiền bạc ... cho nên không dám mở ra đến với người khác để làm chứng cho Chúa.

Chính vì thế, trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho chúng ta, để nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm mở cánh cửa tâm hồn của mình ra mà đến với người khác vàø làm chứng cho Chúa qua lời nói, qua sự tha thứ, qua hành động chia sẻ và giúp đỡ người khác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Amen

BÌNH AN ĐÍCH THỰC
Ga 20, 19 - 23

Cuộc sống trần gian có nhiều điều làm cho con người bất an. Và vì thế, sự khát vọng lớn của con người vẫn là sự bình an. Nhưng sự bình an bên trong không thể mua được bằng tiền bạc, vật chất. Điều làm con người bất an là con người sống với nhiều nỗi lo sợ : sợ mất gia đình, sợ cô đơn, sợ thất nghiệp, sợ bệnh tật, sợ đau khổ, sợ chết, sợ mất của, v.v... Do đó, tìm đủ mọi cách để khống chế những nỗi sợ hãi đó. Người ta tìm thuốc “trường sinh” để khống chế quy luật lão, tử. Người ta tìm phương thuốc với sức đề kháng cao nhất khống chế bệnh tật. Người ta tìm cách tích luỹ của cải để phòng thân... và cuối cùng càng lo tìm phương cách, càng bất an, vì tất cả đều chóng qua, tất cả đều hư vô, đều sụp đổ.

Vậy thì đâu là điểm tựa để con người không còn cảm giác sợ hãi nữa ? Làm sao để có được bình an thật sự ? Lời Chúa trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay sẽ giúp chúng ta có câu trả lời.

Qua bài tường thuật của Thánh Gioan cho chúng ta thấy: CGS đến với các tông đồ, “khi các cửa đều đóng kín”. Các ông sợ người Do thái tìm giết các ông, như Thầy đã bị giết!, không dám lú mặt ra ngoài. Ra ngoài lỡ bị bắt gặp, không bị giết cũng bị đánh hoăc nhẹ nhất cũng bị chửi cho thúi đầu. Và các ông mặc cảm vì bỏ Thầy, vì không bảo vệ được Thầy, CGS đã thấu được những bất an và mặc cảm của các ông, Ngài đã đến và trấn an lòng họ bằng câu: “bình an cho anh em” . Ý Chúa muốn nói với các tông đồ đừng sợ, đừng buồn sầu, đừng mặc cảm, thôi đừng trách nhau ! Chúa còn cho các ông xem dấu đinh và cạnh sườn của Người. Đó là dấu chứng Chúa Phục Sinh, là thân xác Phục Sinh thật trước mắt các ông. Chúa hiện đến như một thông điệp bảo các tông đồ đừng sợ mà hãy an lòng vì “Thầy đã thắng thế gian”, hay thế gian không thể làm gì được Thầy đâu. Lòng các ông vui mừng đến tuôn trào nước mắt, khi thấy Thầy Phục Sinh thực sự. Thầy hiện diện với mình, mà không một lời trách móc! Đúng là Thầy thật rồi!

Không những thế lần này Ngài còn ban cho các ông sự bình an trong tâm hồn. Ngài đã thổi Thánh Thần vào các ông và trao quyền cho các ông. Hành động của Chúa Giêsu ban Thánh Thần nhắc nhớ cho chúng ta rằng: chúng ta cũng đã lãnh nhận Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được làm con Chúa, làm con của Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Phục Sinh

Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; với sức mạnh và quyền năng của Ngài: các TĐ từ những người nhát sợ, nghi ngại, và khép kín, thì Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông trở thành những người xác tín vào việc Chúa Giêsu Phục Sinh, và can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Từ những người sợ chết các ông đã dám lấy chính mạng sống của mình để minh chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Từ những người còn nghi kỵ chia rẽ, Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông nên hiệp nhất trong cùng một đức tin. Từ những người chưa hiểu Lờ Chúa dạy, thì nay Chúa Thánh Thần đã soi lòng mở trí và nhắc lại để các ông hiểu và đem ra thực hành. Là người Kitô hữu chúng ta đã đón nhận Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúng ta đã mạnh dạn can đam thực hành Lời Chuá và rao giảng lời Ngài, hay chúng còn nhút nhát, e sơ không dám mở cánh cửa ra bên ngoài cho thế giới lương dan nhận ra sự can đảm mạnh mẽ, mà vẫn còn đóng kín với con người ích kỷ không dám mạnh dan đem Chúa Phục Sinh đến cho người khác.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh. Khi xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì hôm nay xin cho chúng con cũng biết đón nhận Chúa Thánh Thần, để chúng con cũng được biến đổi trở thành tông đồ nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay . Amen.

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19 - 23

Sau khi về trời, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các Tông đồ như lời Người đã hứa. Trong ngày lễ Ngũ tuần của người Do thái, đang khi các môn đệ của Chúa Giêsu đang tề tựu một nơi thì Thánh Thần ngự xuống dưới hình dạng giống như lưỡi lửa đậu trên từng người. Nhờ Ngài mà các môn đệ của Chúa Giêsu được mạnh mẽ, hăng hái loan báo Tin mừng Cứu Chuộc cho đến tận cùng trái đất.

Nói về nguồn gốc lễ Ngũ tuần, lễ này bắt nguồn từ thời dân Do thái mới ra khỏi Aicập. Lúc tới núi Sinai, Môsê tập hợp dân chúng dươi chân núi và Chúa ngự đến ký kết với dân một Giao ước. Giao ước này có giá trị thành lập dân tộc Israel, dành riêng cho công trình của Thiên Chúa. Đó là dân Israel. Trong Giao ước Sinai, Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, lo cho dân, gìn giữ dân khỏi tay ngoại xâm. Và phần của dân là hứa thờ phượng một mình Yavê mà thôi và giữ các lệnh truyền của Người, cụ thể trong 10 điều răn và tin tưởng nơi Chúa. Và từ đó, hàng năm họ mừng lễ Ngũ tuần để kỷ niệm biến cố lập quốc này(x. Xh 19 - 24 ). Năm mươi ngày sau Phục sinh, cũng vào dịp lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đồ, để họ chính thức trở nên dân tộc mới. Dân tộc này không dựa trên lãnh thổ, ngôn ngữ, quốc tịch, nhưng dựa trên niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Dân thánh này được lập trên nền tảng các Tông đồ, có Chúa Giêsu là Đầu và Chúa Thánh Thần là linh hồn của mọi hoạt động chính thức trong Hội thánh.

Khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài ban sức mạnh cho các Tông đồ ra đi rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh. Chúa Thánh Thần tác động trên người giảng lẫn người nghe. Ngài mở trí cho các Tông đồ hiểu lời Kinh thánh và nói năng lưu loát; Ngài cũng mở lòng cho người nghe đón nhận lời giảng của các Tông đồ. Họ cũng được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần và sống đạo rất tốt.

Hơn nữa, xem sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần không chỉ hiện xuống một lần này rồi chấm dứt, nhưng Ngài còn tiếp tục hiện xuống cách tỏ tường hoặc âm thầm trong Giáo hội của Chúa kitô. Chẳng hạn, khi gia đình Cornêliô vừa nghe thánh Phêrô giảng, thì Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên họ cách tỏ tường; hay trên cộng đoàn tín hữu sơ khai đang cầu nguyện thì Chúa Thánh Thần đến an ủi, khiến mọi người trở nên sốt sắng. Họ không mong thoát khỏi đau khổ nhưng xin được mạnh dạn sống trong sự bách hại sắp xảy đến (x. TÐCV 4, 31). Chúa Thánh Thần cũng tiếp tục hiện xuống cách âm thầm trong các Bí tích, nhất là Bí tích Thêm sức để ban sức mạnh cho các tín hữu đủ sức làm chứng và loan báo Tin mừng Phục sinh cho mọi người. Nếu chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và nghe theo lời hướng dẫn của Ngài trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được đời sống đức tin vững mạnh và đầy lòng yêu mến Chúa.

Thực tế cho thấy, ngày nay nhiều người bị ảnh hưởng của trào lưu tục hoá, chạy theo vật chất, thích tìm cuộc sống dễ dãi, tìm những cái trước mắt hơn là đời sống thầm lặng nội tâm và tương lai vĩnh cửu. Người ta không còn để giờ thinh lặng để lắng nghe tiếng thì thầm của Chúa Thánh Thần trong lòng trí mình nữa. Chính vì vậy mà số người gặp thất vọng chán nản gia tăng vì họ không tìm thấy giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.

Vậy, để tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc sống, chúng ta phải năng ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, lắng nghe Ngài và cầu xin Ngài soi dẫn. Là những kitô hữu, chúng ta cần gắn bó với Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, mở lòng đón nhận lời Chúa, sống niềm tin của mình với lòng can đảm và cương quyết, sẵn sàng dâng hiến cuộc sống mình cho Chúa định liệu.

Mỗi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, tuỳ theo bậc sống của mình đều phải dấn thân, trở nên hình ảnh sống động của Chúa kitô giữa thế gian nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, lo rao truyền cho mọi người sứ điệp mang lại sự sống là Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô.

CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG QUI TỤ VÀ HIỆP NHẤT
Ga 20, 19 - 23

Có một câu chuyện rất hay được kể trong chương 11 của sách Sáng thế. Đó là câu chuyện về tháp Babel. Chuyện kể rằng: ngày xưa thì con người khắp nơi trên thế giới này chỉ nói một thứ ngôn ngữ chung với nhau. Rồi họ mới bàn tính với nhau là làm lò để nung gạch và xây thành để ở, đặc biệt là xây một cái tháp có ngọn thấu trời để ghi danh cho hậu thế và để khỏi bị phân tán ra khắp mặt đất. Đó là một dự tính đầy tham vọng và kiêu căng. Thế nên, Thiên Chúa can thiệp và phá vỡ dự tính và công việc của họ đang làm bằng cách làm cho ngôn ngữ của họ ra xáo trộn, mỗi người nói một thứ tiếng khác nhau không ai hiểu được ai. Thế là họ đành chia tay nhau và mỗi người đi một phương khác nhau để sống. Người ta gọi nơi đó là Babel, có nghĩa là “làm xáo trộn, làm hỗn độn”. Câu chuyện về tháp Babel muốn nói lên rằng: tội kiêu căng làm cho con người xa cách Thiên Chúa, xa cách nhau và không còn hiểu nhau nữa. Đó cũng là tội mà nguyên tổ chúng ta đã phạm xưa kia trong Vườn Địa đàng.

Nếu tội lỗi nói chung và đặc biệt là tội kiêu căng làm cho con người xa cách Thiên Chúa, không còn hiểu nhau, làm cho con người bị phân tán và bị chia cắt, thì chính Đức Giêsu bằng sự vâng phục thánh ý của Chúa Cha cách trọn vẹn, Ngài đã tái lập sự hiệp nhất loài người lại với nhau và với Thiên Chúa, một sự hiệp thông trong đức mến nhờ Chúa Thánh Thần. Bài đọc 1 trích sách Công vụ tông đồ cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chúa Giêsu sau khi về trời thì Ngài đã gửi Chúa Thánh Thần đến cho các tông đồ. Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và Ngài tác động trên các ông để các ông có khả năng làm cho con người khắp nơi trên thế giới, thuộc nhiều ngôn ngữ có thể hiểu được lời các ông rao giảng và cùng nhau ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa. Sách tông đồ công vụ ghi lại rằng: “Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng Bản xứ của mình mà loan báo những kỳ công của Chúa”.

Câu chuyện xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần hoàn toàn ngược lại với câu chuyện Tháp Babel. Điều đó cho chúng ta thấy được rằng: chính Chúa Thánh Thần là Đấng qui tụ và hiệp nhất con người lại với nhau. Sự hiệp nhất giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự hiệp nhất với Thiên Chúa, được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô và qua Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp nhất đó. Chúa Thánh Thần được diễn tả là Tình yêu: tình yêu nối kết Chúa Cha với Chúa Con, và tình yêu nối kết con người với Thiên Chúa. Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện hữu hình của Ngài ở trần gian. Nhưng chính Chúa Giêsu hứa với các tông đồ và với tất cả mọi người chúng ta rằng: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài hiện diện bằng cách nào? Thưa Ngài hiện diện bằng chính Thần Khí của Ngài và trong Thần Khí của Ngài. Thần Khí của Đức Giêsu Kitô chính là Chúa Thánh Thần.

Thế nhưng, hình như chúng ta ít quan tâm đến vai trò cực kỳ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta ít cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, ít kêu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta trong việc cầu nguyện và trong việc sống thân mật với Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta quên rằng: chính “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Quả thực, nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo hội của chúng ta được đứng vững và luôn được đổi mới để đáp ứng và thích nghi với những biến chuyển của mọi thời đại. Chính Chúa Thánh Thần đã qui tụ và hiệp nhất người tín hữu lại với nhau, giúp họ sống đúng giá trị của một con người và một người con cái Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho những tâm hồn khô cứng ra mềm dẻo, những tâm hồn nghi kỵ thành tin tưởng, những tâm hồn nguội lạnh thành sốt mến.

Chúa Thánh Thần rất tự do trong hoạt động của Ngài: “gió muốn thổi đâu thì thổi”. Vì thế, chúng ta hãy ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và điều khiển chúng ta. Chúng ta hãy tập sống “Buông theo Thánh Thần”, “Buông theo Ân sủng”. Chúng ta hãy nhớ rằng: đừng dập tắt Thánh Thần trong ta, tâm hồn người khác hay trong những sinh hoạt của Hội thánh, nhưng chúng ta cũng cần minh định rõ ràng đâu là hoạt động của Chúa Thánh Thần, kẻo ma quỷ lợi dụng mà xen vào đời sống đức tin của chúng ta và của Hội thánh Chúa. Vì không phải bất cứ một dấu lạ nào hay một lối sống khác biệt nào cũng xuất phát từ Chúa Thánh Thần cả đâu.

Đừng dễ dàng nghĩ tưởng và gán ghép cho Chúa Thánh Thần những hoạt động mang khác người và lập dị trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn. Cứ xem quả thì biết cây. Cứ xem hoa trái nào được sinh ra để biết đó là cây độc hay cây lành. Cứ nhìn những kết quả của một người mà biết họ có thuộc về Thiên Chúa hay không? Thánh Phaolô đã liệt kê cho chúng ta rất rõ ràng và cụ thể những hoa trái của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của con người. Hoa trái của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ Không có luật nào chống lại những điều như thế”(Gl 5,22-23). Thánh Gioan tông đồ cũng nói rõ cho chúng ta biết rằng: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa : thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa ; đó là thần khí của tên phản Ki-tô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. (1Ga 4,1-3)

Ước gì đời sống đức tin của chúng ta sinh được thật nhiều hoa trái của Thánh Thần nhờ biết kết hợp với với Đức Giêsu Kitô là Cây Nho đích thực. Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời chúng ta để chúng ta được sống và sống dồi dào trong Chúa, vì “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích gì!”. Chúng ta hãy biết sống thân mật với Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày và kêu cầu Ngài trợ giúp chúng ta trong mọi sự, nhất là trong đời sống cầu nguyện. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG  
Ga 20, 19 - 23

Trong tiếng Hípri, người ta dùng cùng một chữ để diễn tả “gió”, “hơi thở” và “thần khí”. Cũng như người ta không thể nhận thấy gió mà chỉ thấy hậu quả của nó..

Hơi thở thì gắn bó chặt chẽ với sự sống ; hơi thở là dấu chỉ của sự sống.

Trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam và ông trở nên sống động. Khi Thiên Chúa chọn những người để thi hành các sứ vụ đặc biệt, chẳng hạn như ông Samson, vua Saun, vua Đavid thì “thần khí của Thiên Chúa” cũng được ban cho họ. “Thần khí của Thiên Chúa” được xem như nguồn mạch của sự sống và của mọi thành tựu lớn lao của dân Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.

Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa việc Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ. Đó là dấu chỉ ngoài sự sống thể lý, họ còn lãnh nhận một sức sống thiêng liêng và họ được sai đi thi hành một sứ vụ lớn lao. Mọi sự đều biến đổi trong cuộc sống của họ. Sự sợ hãi đổi thành vui mừng và can đảm ; sự dữ của tội lỗi bị đánh bại bởi quyền năng của ơn tha thứ. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta được nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt. Chúng ta được tái sinh và được tuyển chọn để thi hành một sứ vụ đặc biệt. Chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Khi chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi kế hoạch, mọi ý riêng, để cho Thần Khí dẫn dắt, ban sự sống, tăng cường sức mạnh cho chúng ta mặc dù như là một sự mạo hiểm nhưng như các Thánh Tông Đồ ngày xưa, các Ngài đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn chúng ta, hãy để Người sử dụng quyền năng của Người mà biến đổi toàn diện cuộc đời của chúng ta.

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và cuộc đời của các ngài đã được biến đổi hoàn toàn. Giờ đây, xin Chúa cũng ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để chúng con vượt thắng mọi trở ngại mà trở nên một môn đệ can đảm của Chúa giữa trần gian.

CHÚA THÁNH THẦN - SỨC MẠNH NÂNG ĐỠ ĐỨC TIN
Ga 20, 19 - 23

Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Nếu sự kiện Chúa lên trời kết thúc Phúc Âm theo thánh Luca, thì chính sự kiện này lại mở đầu sách Công vụ Tông đồ. Không phải ngẫu nhin mà thánh Luca làm thế.

Trong quyển Phúc Âm của mình (Phúc Âm thứ III), thánh Luca hé mở một phần suy tư khi ghi lại câu nói của Chúa Giêsu ngay trước lúc Người lên trời: “Thầy sẽ gởi cho ácc con điều mà Cha Thầy đã hứa”1.

Và trong Công vụ Tông đồ, điều mà Chúa Cha đã hứa trở nên hiệu lực: Chúa Thánh Thần đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới.

Như vậy điều quang trọng đối với thánh Luca không phải kết thúc hay mở đầu quyển sách. Ngược lại, ngài muốn nói với chúng ta rằng: Chúa lên trời kết thúc một giai đoạn lịch sử và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, bao gồm các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một trong các hoạt động đó là nâng đỡ đức tin chúng ta.

1. Chúa Thánh Thần nâng đỡ đức tin trong ý thức truyền giáo nơi mỗi người.

Điều này rõ ràng qua thái độ của các tông đồ. Thánh Gioan kể: Một buổi chiều Chúa nhật, các tông đồ tụ họp và “đóng kín” cửa lại. Ở đây hai từ “đóng kín” cần được nhấn mạnh. Vì các ngài không “đóng kín” để tránh sự ồn ào, không “đóng kín” để tạm quyên đi những lo toan đời thường, không “đóng kín” vì gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng “đóng kín vì sợ người Do thái”. Bởi “sợ”, nên dù “đóng kín”, các ngài vẫn ở trong tâm trạng rối bời.

Nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự đến, tâm trạng rối bời này bị phá vỡ. Ý thức truyền giáo phát triển từ con số không, bỗng vượt quá sức người bé bỏng của các tông đồ, và tỷ lệ thuận với lòng can đảm phát xuất từ một đức tin dũng mãnh: Tin vào Đấng phục sinh. Từ đây, chính Chúa Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin dũng mãng ấy.

Lẽ nào, sau khi nhận ra thái độ truyền giáo của các tông đồ, chúng ta lại trở về với cuộc sống đời thường mà không có gì thay đổi?

Ngay bây giờ, ta hãy sắm cho mình một ý thức truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng ngày của ta:

- Người sống trong đời tu, hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ tu trì của một giám mục, linh mục, hay tu sĩ.

- Người sống giữa đời sống hoàn thiện ơn gọi của mình. Đó có thể là một người buôn bán, một người dạy học, một công nhân, một học sinh...

- Ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất lòng ta, dắt một cụ gi qua đường, chào hỏi những người ta quen biết...

Nếu ta có một ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc làm từ ngày này qua ngày khác như thế, không những đức tin khơng bị lung lạc giữa các môi trường ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa. Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc truyền gio thầm lặng của mọi người đạt hiệu quả.

2. Chúa Thánh Thần nâng đỡ đức tin trong hoàn cảnh khó khăn của đời sống.

Trong đời làm người, ai mà không ít là một lần thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh? Đó có thể là cái chết bất ngờ của một người thân, một cơn bạo bệnh, một tình yêu bị phụ bạc... Đó cũng có thể là cái nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng thiếu tin tưởng nhau... Trong hòan cảnh khó khăn như thế, đức tin bị chùn bước chăng?

Vì tính người mỏng dòn, nên đức tin cần được tôi luyện. Các tông đồ cũng từng được tôi luyện như thế. Chúa Giêsu, người đã từng được thánh Phêrô đại diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người đã từng hiển dung trước mặt chính thánh Phêrô cùng với thánh Gioan, và thánh Giacôbê; người đã từng giảng dạy và làm phép lạ như “Đấng có uy quyền” trước mặt coc người, bây giờ chỉ là một người bị đánh bại thê thảm. Trong hoàn cảnh đó, niềm hy vọng của các tông đồ như một tim đèn chực tắt. Đức tin đang lụn dần.

Khi Chúa Thánh Thần đến, đức tin các tông đồ trở nên mạnh mẽ. Người không chỉ nâng đỡ cách nhất thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.

Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn ở với ta. Tôi có kinh nghiệm thế này: trong những hoàn cảnh xem ra bi đát nhất, tôi lại được ơn nâng đỡ nhiều nhất. Khi biến cố ấy qua rồi, tôi thường nhìn lại, và rất nhiều lần phải tự thốt lên: Ôi tình yu nhiệm mầu!

Chính tôi tận mắt hoặc nghe kể lại những cảnh đời rất bế tắc, nhưng niềm tin yêu lại sáng ngời. Có ai từng chứng kiến cảnh một cô gái trẻ bị bệnh ung thư sắp chết, an ủi người mẹ đang nứt nỡ chưa? Đó là một giáo lý viên. Thấy tôi đến thăm, cô nhờ tôi nói chuyện với mẹ cô để xoa dịu nỗi đau của bà. Cô nói rằng, cô sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa, chỉ tội nghiệp mẹ cô, bà quá đau buồn. Cô hứa, trước tòa Chúa, cô sẽ cầu nguyện cho gia đình cô, cho cha sở, cho tôi và cho lớp giáo lý mà cô đang phụ trách. Trong tình cảnh đó, tôi chỉ còn biết im lặng đón nhận bài học về đức tin mà cô gái vừa giúp tôi đón nhận.

Bởi đâu nơi một cô gái yếu mềm lại ẩn chứa một đức tin can đảm đến thế? Chính Chúa Thánh Thần tạo nên tất cả. Đấng “Phù Trợ” mà Chúa Giêsu ban đang âm thầm nâng đỡ đức tin của Hội Thánh, của mỗi người. Chỉ cần biết mở lòng ra, chỉ cần khiêm tốn một tí, và đừng ở lỳ trong sự cứng cỏi, chúng ta sẽ khám phá ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang tác động nơi niềm tin của mình.

Đành rằng ai cũng sợ đối đầu với đau khổ, nhưng đau khổ lại là phương thế rèn luyện đức tin. Tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ không để chúng ta chiến đấu một mình, Người nâng đỡ như đã từng nâng đỡ các thánh tông đồ.

Lời của Đấng Phục sinh nói với chúng ta: “Bình an cho anh em”. Xin Ngài ban ơn đó cho chúng ta, vì ơn bình an rất cần cho những người sống đời truyền giáo, ơn bình an cũng rất cần cho những biến động, những thăng trầm của cuộc đời. Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh nâng đỡ đức tin chúng ta.

THẦN KHÍ CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
Ga 20, 19 - 23
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thần Khí của Đức Kitô phục sinh được trao ban cho Giáo Hội trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đồng thời chính Thần Khí ấy cũng được ban cho các tông đồ để các ngài hiểu được mầu nhiệm của Đức Kitô, nghĩa là hiểu được giáo huấn, sự nghiệp và bản thân của Ngài.Thần Khí mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa Cha một cách sung mãn.Lễ Chúa Thánh Thần là ngày khai sinh mới của Giáo Hội.

Xưa Chúa thổi hơi vào Ađam làm cho ông có sinh khí, có sự sống, trở nên một con người sống, hôm nay Đức Kitô phục sinh cũng thổi hơi vào các tông đồ khiến các ngài trở nên tạo vật mới : sự sống mới ngày Lễ Ngũ Tuần là Thần Khí của Chúa phục sinh, của Đấng đã chiến thắng thần chết, nên sự sống này là sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời.Thần Khí của Chúa phục sinh là hơi thở của Giáo Hội, là sự sống mới của Hội Thánh. Thần Khí của Đấng phục sinh chính là Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn, chỉ đường và gây nên sự hiệp nhất để xây dựng Giáo Hội.

Thực tế, khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, kết nạp, qui tụ các môn đệ, Ngài đã nói, đã làm nhiều việc, đặc biệt làm phép lạ để các môn đệ hiểu về Ngài, thấy sự thật về Ngài. Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết nhiều điều Ngài đã nhận nơi Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn còn rất nhiều điều phải nói với các môn đệ, các tông đồ, nhưng giờ này các ngài không hiểu nổi. Phải đợi Chúa phục sinh, Thánh Thần được ban xuống :” Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn “ ( Ga 16, 13 ).

Quả thật, khi Thánh Thần được ban xuống các tông đồ, các ngài hiểu được những điều Chúa đã dạy về Nước Trời, về con đường hoàn thiện Ngài đã vạch ra, về cuộc thương khó, sự chết và sự sống lại của Ngài, về những lời các ngôn sứ tiên báo trong Cựu Ước về Đấng Cứu Thế, nhận ra Chúa Giêsu đã thực hiện ý định của Thiên Chúa Cha, nhờ đó công cuộc cứu độ nhân loại được hoàn thành.

Chúa Thánh Thần làm cho các tông đồ hiểu chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là đường, là sự thật, là sự sống của nhân loại, của con người. Chúa Thánh Thần tỏ lộ cho các tông đồ hiểu được những nét mới, những điều mới lạ, những điều trước kia các ngài hiểu nhưng chưa rõ, những điều trước kia đã hiểu rõ, nhưng chưa sâu xa. Thánh Thần hay Thần Khí của Chúa phục sinh tạo nơi tâm hồn các tông đồ sự xác tín, nhờ sự xác tín các ngài đã tin và thêm vào đó, các ngài còn thuyết phục, cảm hóa và tạo sự xác tín nơi những người khác.

Thánh Thần đã hoàn toàn đổi mới các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Trước Lễ Ngũ Tuần,các tông đồ còn nhát đảm, tối tăm, nhưng từ khi Thánh Thần được ban xuống, các ngài đã trở nên những chứng nhân can đảm cho Chúa phục sinh.Các ngài không sợ bất cứ sức mạnh nào ở trần gian, tất cả các ngài đều hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa sống lại. Giáo Hội có một lịch sử lâu dài. Mỗi lễ Hiện Xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội. Khi xưa trong nhà Tiệc Ly, các tông đồ, Mẹ Maria, và nhiều phụ nữ đạo đức đã được thánh Phêrô mở tung cửa để đón nhận Thần Khí của Chúa sống lại. Ngày Lễ Ngũ Tuần nhiều người ngoại cũng được đón nhận Chúa Thánh Thần.

Lễ Chúa Thánh Thần là luồng gió mới thổi vào Giáo Hội.Công đồng Vatican II, là ngày lễ Hiện Xuống mới của Giáo Hội. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng Vaticanô II như một cuộc Hiện Xuống mới. Nhờ Công đồng Vaticanô, một luồng khí mới, nghĩa là với tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sống một cuộc thay đổi, mở rộng để bắt kịp đà tiến của văn minh thế giới.Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa phục sinh.

Qua sự vinh quang phục sinh của Chúa, qua sự tác động của Chúa Thánh Thần, mọi Kitô hữu trở nên chứng nhân cho Chúa sống lại tới tận cùng thế giới. Người môn đệ của Chúa ở muôn thời được mời gọi loan báo Tin Mừng phục sinh :” Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em “ ( Ga 20, 21 ).

Giáo Hội của Chúa luôn là Giáo Hội truyền giáo, bởi vì bản chất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, là Truyền giáo. Mọi Kitô có bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ đem Chúa Giêsu Kitô cho gần 7 tỷ người chưa biết Chúa trên thế giới. Mọi Kitô hữu là chứng nhân cho Chúa, là người xây đắp hòa bình và gây sự hiệp nhất:” Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha “.

Người môn đệ của Chúa là chứng nhân của Chúa khi đến với người nghèo, những người bất hạnh, cô thân, cô thế, những kẻ tàn tật, đui mù, neo đơn, tội lỗi vv…như Chúa Giêsu xưa đã đến với mọi lớp người.Thần Khí của Chúa phục sinh vẫn luôn tuôn tràn trên những tâm hồn thành tâm, thiện chí. Chúa phục sinh luôn cần đến những chứng nhân quảng đại, chân thành, đạo đức, thánh thiện. Chúa phục sinh cần đến những chứng nhân như thế để đổi mới bộ mặt thế giới, để “ đem yêu thương vào nơi oán hờn, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp…vv…”.

Lạy Thần Khí của Chúa phục sinh, xin mau đến với chúng con, biến chúng con trở thành những nhân chứng sống sống động, biết quảng đại, hy sinh, quên mình để làm chứng cho Chúa như các thánh tông đồ xưa. Amen.

LỄ NGŨ TUẦN
Ga 20, 19 - 23
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Ca nhập lễ, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có viết: ” Thánh Thần Chúa tràn ngập khắp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ “ ( Kn 1, 7 ). Lễ Hiện Xuống là lễ 50, có nghĩa là chung kết 50 ngày của Mùa Phục Sinh như thánh Phaolô nói: ” Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong chúng ta “ ( Rm 5, 5; 8, 11 ). Lễ Ngũ Tuần hôm nay hoàn tất sứ mạng của Chúa Giêsu trên mặt đất và khai mở đời sống của Giáo Hội ở trần gian.

Lễ Hiện Xuống, Thần khí của Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các tmôn đệ một cách đầy quyền năng như sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả: ” Ai nấy đều đầy tràn Chúa Thánh Thần. Và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa “ ( CV 2,4.11 ). Với lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu kết thúc sứ vụ công khai của Người trên mặt đất trong bản tính con người, đồng thời Người cũng khai mở đời sống và sứ vụ của Người trong Giáo Hội. Hội Thánh là thân xác phục sinh, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, được đầy tràn sự sống thần khí của Người, Thần khí là linh hồn của Giáo Hội bởi vì qua Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống, Đức Kitô Phục Sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các môn đệ của Người bằng một sự hiện diện thân thiện.

Vâng khi Chúa còn sống với các môn đệ, Ngài chưa tỏ cho các môn đệ biết tất cả về Ngài. Chúa đã cho các môn đệ biết mọi điều Ngài nghe được từ Cha, tuy nhiên, Chúa không bắt các môn đệ phải hiểu hết về Ngài bởi vì chính Thánh Thần sẽ cho họ biết những điều đó khi Chúa sống lại. “ Khi Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn “ ( Ga 16, 13 ). Để biết sự thật trọn vẹn, để hiểu về Chúa, về việc làm, về các phép lạ, về lời nói của Ngài, các môn đệ cũng như chúng ta cần có Thánh Thần hướng dẫn, Thánh Thần chỉ đạo. Đức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm cao vời. Thánh Thần sẽ giúp các môn đệ và nhân loại, cũng như chúng ta khám phá ra Người luôn mới mẻ. Lời của Chúa luôn luôn có sức thu hút mãnh liệt. Đức Kitô luôn luôn mới mẻ, luôn luôn hấp dẫn và lôi cuốn. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ và chúng ta luôn luôn mới mẻ. Giáo Hội luôn luôn mới mẻ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần luôn đổi mới Giáo Hội. Nhờ Thánh Thần, Giáo Hội luôn luôn lãnh nhận được luồng gió mát. Nhờ Thánh Thần, Giáo Hội luôn được đổi mới, được thức tỉnh. Chúa Thánh Thần là phát ngôn viên của Đức Kitô. Ngài chỉ nói những gì Chúa nói, Ngài chỉ làm những gì Chúa làm. Thánh Thần không làm những gì khác lạ nhưng chỉ thức tỉnh chúng ta nhớ lại, hiểu và sống Tin Mừng. Mỗi người chúng ta cũng là chứng nhân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải có thái độ khiêm nhượng để làm chứng.

Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần dưới hình lưỡi lửa đã đi vào tâm hồn các môn đệ. Đây là một cuộc xức dầu huyền nhiệm. Trước khi có Chúa Thánh Thần nếu các môn đệ nhút nhát sợ sệt, thì nay họ đã trở thành những con người kiên vững, can đảm, bất khuất. Phêrô chẳng hạn chỉ là con người chài lưới, ít học, quê mùa, nhưng khi Thánh Thần xuống, Phêrô đã lôi cuốn biết bao người theo Chúa. Quả thực, Phêrô là người đầy tràn Thánh Thần Thiên Chúa.

Mọi Kitô đều lãnh nhận được Chúa Thánh Thần, bởi vì tất cả đã được dìm trong Thánh Thần. Thánh Thần đã đến và lưu lại trong chúng ta ( Ga 14, 17 ).

Thánh Thần là sự sống của mỗi người, của Hội Thánh. Nhờ Thánh Thần, chúng ta đọc kinh tin kính và kinh tin kính trở nên suối mạch vọt lên sự sống đời đời. Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô biên. Ngài là bình an, vui mừng, hy vọng.

Tình yêu, vui mừng và bình an là ơn quí trọng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận món quà quí hóa ấy.

Đức Kitô đã xuống từ trời, đã đến từ Thiên Chúa Cha, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến Thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần co mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ).

RA ĐI – THA THỨ
Ga 20, 19 - 23

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI:“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

CHÚA THÁNH THẦN – NHÀ ĐẦU TƯ SỐ MỘT
Ga 20, 19 - 23
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Kể từ năm 1995, khi được bình thường hoá quan hệ với Mỹ, sau những năm tháng dài bị cấm vận, bị bao vây kinh tế, và nhất là khi được chính thức vào WTO tháng 01.2007, Việt Nam lập tức tìm mọi cách để thu hút sự đầu tư của nước ngoài trên mọi lĩnh vực: kinh tế, khoa học, y tế, giáo dục….. Các giải pháp cấp bách được đưa ra là cải cách đường lối, đổi mới chính sách, hội nhập kinh tế quốc tế… nhằm tạo ra một môi trường đều tư ổn định, minh bạch và tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng ghi nhận: hiện nay Hoa Kỳ vẫn đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Theo sau là Nhật Bản và Trung Quốc.

Thế đó là trong những lĩnh vực thuộc thực tại trần thế. Còn trong lĩnh vực tâm linh, chúng ta đang thu hút nhà đầu tư nào và ai là “nhà đầu tư” lớn nhất trong cuộc đời chúng ta, nếu không phải là Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, “nhà đầu tư số một” trong cuộc đời người Kitô hữu chúng ta là ai, nếu không phải là chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà chúng ta đang hân hoan mừng lễ kính Ngài.

Ta thấy rằng trong lãnh vực kinh tế, việc đầu tư có thể lời hay lỗ, nhiều khi lỗ te tua, như tập đoàn cho vay thế chấp khổng lồ Freddie Mac, tập đoàn tài chính Merrill Lynch & Co của Hoa Kỳ, nhà sản xuất xe hơi khổng lồ Fiat của Ý, Toyota của Nhật… Thậm chí nhiều công ty, tập đoàn phải tuyên bố sáp nhập hoặc phá sản, điển hình là tập đoàn xe hơi Hoa kỳ vĩ đại Chrysler.

Còn việc đầu tư của Chúa Thánh Thần thì sao ? Chúa Thánh Thần một khi Ngài đầu tư vào cuộc đời của ai thì cuộc đời người đó chỉ có “lời” chứ không bao giờ “lỗ”. Những thành quả, những “cái lời”, của “nhà đầu tư Tâm linh” mang lại cho chúng ta sẽ là gì ?

- Thành quả trước hết là hồng ân sự sống: một sự sống toàn diện và tròn đầy. Sự sống thể xác lẫn linh hồn. Sự sống có từ khởi đầu công trình sáng tạo và sự sống được tái tạo trong công trình cứu độ. Thành quả này ta có thể thấy một cách cụ thể là nền văn hoá sự sống mà Giáo hội đang ra sức xây dựng và cổ vũ mọi người bảo vệ và tôn trọng.

- Thành quả thứ đến là hồng ân sự thật. Vì Chúa Thánh Thần được mệnh danh là nguồn mạch chân lý, sự thật viết hoa. Sự thật về Thiên Chúa, về vũ trụ, về con người và sự thật lớn nhất là sự thật về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất. Một khi chúng ta biết yêu mến sự thật và sống theo sự thật là chúng ta đang cộng tác với nhà đầu tư Thứ Thiệt này.

- Thành quả sau nữa là hồng ân hiệp nhất yêu thương. Chúa Thánh Thần còn được định nghĩa là nguyên lý của sự hiệp nhất yêu thương, nguyên lý liên kết Chúa Cha và Chúa Con, nguyên lý nối kết con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Nền văn minh tình thương

Tuy nhiên, để có thể mang lại thành quả dồi dào, cần có sự cộng tác từ phía người được đầu tư. Sự cộng tác đó là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Bao gồm việc tạo “môi trường”, tức tâm hồn thông thoáng, cải cách “thủ tục”, tức lối sống đơn giản; dỡ bỏ các rào cản về “mặt bằng, thuế quan”, tức là dẹp các tính hư tật xấu…Có như thế Chúa Thánh Thần mới có thể hoạt động một các hiệu quả được.

Kinh nghiệm cho thấy trong lĩnh vực kinh tế nếu môi trường đầu tư lắm chướng ngại, thủ tục rườm rà, thuế quan lắt léo,… thì sức thu hút đầu tư sẽ giảm và việc đầu tư cũng sẽ kém phần hiệu quả. Trong đời sống tâm linh cũng thế.

Vậy câu hỏi đặt ra thay cho phần kết là tôi đang thu hút nhà đầu tư nào ? Thần tài, thần tiền, thần sắc dục, thần quyền lực danh vọng hay Thần Khí Sự Sống, Thần Chân Lý, Thần Tình Yêu ? Và những rào cản nào tôi chưa dỡ bỏ để Chúa Thánh Thần chiếm trọn vốn đầu tư 100% trong cuộc đời của tôi?

''CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN...''
Ga 20, 19 - 23

+ GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội. Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.

Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy có những lưỡi như lưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.

Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.

Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: "Ta trở thành một giọt nước hoà trong đại dương". Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cữu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.

Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.

Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. "Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô". Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ cụ thể. Đấy là cùng đích.

Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi: "Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết". Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: "Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.". Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.

Thưa anh chị em. Đấy chỉ là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.

Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.

Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình.Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: "Hãy yêu tha nhân như chính mình." Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình. Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem. Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ... Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.

Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm. Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.

Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ "tôi đang là" đến chỗ "tôi được mời gọi để trở thành..."Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình. Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: "Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành". Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một con người trong Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu. Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.

Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.

Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. "Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen."

CHÚA THÁNH THẦN LÀ AI và NGƯỜI LÀM GÌ?
Ga 20, 19 - 23

Lm. Phêrô Nguyễn Hương

Một người bạn linh mục kể với tôi một câu chuyện vui như sau: Một ngày nọ, Chúa Cha nói với Chúa Con: “Cha muốn đi thăm lại Sinai, nơi Cha đã tới đó một lần rồi”. Chúa Con nói: “Con muốn đi thăm Giêrusalem, nơi mà người ta đã giết Con, nào chúng ta cùng đi”. Còn Chúa Thánh Thần thì nói: “Tôi muốn tới thăm quan Vaticăng” Chúa Cha hỏi: “Tại sao”, Chúa Thánh Thần trả lời: bởi vì… Tôi chưa bao giờ tới đó lần nào cả”!!!

Đây chỉ là một câu chuyện tưởng tưởng thôi, nhưng có lẽ nó cũng nói với chúng ta một điều gì đó về sự lãng quên Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội như các nhà thần học cảnh tĩnh: “Chúa Thánh Thần là Đấng đại bị quên lãng” (von Baltharsar). Chúng ta thường không để ý tới Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Và Người làm? Chúng ta có thể nói về Người được không? Điều này không dễ tý nào! Quả thế, trong Ba Ngôi Vị thần linh, Chúa Thánh Thần là Đấng bí nhiệm hơn cả, ẩn dấu hơn cả, một Ngôi vị không có khuôn mặt, như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,5). Người không nói về mình và tự mình nói. Cả tên gọi của Người cũng không phải là riêng của Người, từ “Thánh – Thần” cũng có thể áp dụng tương tự cho Chúa Cha và Chúa Con, bởi vì “Thiên Chúa là Thần khí và thánh thiện” (Ga 4,24). Chúa Thánh Thần tự trút bỏ chính mình (kenosi) để được liên hệ tất cả với Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, Người là Deus sempre major (Thiên Chúa luôn lớn hơn), là Đấng không thể diễn tả, nói theo Thánh Basilio Cả. Chúng ta không thể biết Người cách trực tiếp, nhưng chúng ta có thể tới gần với mầu nhiệm của Người qua sự biểu lộ, những hoạt động và dấu chỉ của Người trong lịch sử cứu độ.

Trong bài đọc I: Chúa Thánh Thần được diễn tả bởi hai hình ảnh: đó là gió và lửa. Trước hết, gió là sự diễn tả về sức mạnh. Đối với thế giới cổ đại, gió là dấu chỉ của sức mạnh thần linh làm thay đổi thế giới và chuyển dời các tinh tú. Nhưng gió cũng là sự diễn tả về một trong bốn yếu tố chính cấu thành vũ trụ - không khí (ruach). Chỉ ở đâu có không khí, thì ở đó có thể hít thở và có sự sống ở đó. Chỉ ở đâu hít thở được, ở đó có thể tồn tại con người, nhân loại và đời sống tinh thần.

Hình ảnh thứ hai được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần đó là lửa: Nếu trong thế giới cổ đại, không khí xuất hiện như là yếu tố nền tảng của sự sống, thì lửa là những gì mà nền văn minh nhân loại cổ dùng nó để phát triển. Lửa là ánh sáng, là sức nóng, là sự vận động, là sức mạnh của sự biến đổi. Và lửa cũng là yếu tố của sư huỷ diệt, của sự phá hủy nếu. Lửa cũng được coi là một phần của mặt trời, là yếu tố của sức mạnh thần linh. Nên khi con người biết sử dụng lửa, con người ý thức mình là giống thần linh. Thế giới hy lạp đã tạo ra huyền thoại về Prometeo, nhân vật đã chiến đấu với các thần, ăn cắp lửa từ trời, rồi mang lửa xuống trái đất và từ đó khởi đầu một thế giới mới.

Như vậy, biểu tượng gió và lửa được dùng trong Kinh Thánh muốn xác định sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Giáo Hội và trong thế giới như là nguyên lý của sự sống, của sự biến đổi, của sự thanh tẩy và soi sáng. Biến cố ngày lễ hiện xuống nói với Chúng ta rằng: Chúa Thánh Thần là lửa và Chúa Kitô là Prometeo đích thực đã lấy lửa từ trời và đã mang xuống trái đất để “canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,30). Với việc sai Thánh Thần như gió và lửa, Giáo hội được khai sinh và bắt đầu sứ mạng truyền giáo mà chính Thánh Thần là vai chính của việc truyền giáo (protagonist of mission). Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội, Người tập hợp tất cả các dân tộc khác nhau về màu da, ngôn ngữ, quốc gia… trong một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô (Bài đọc I). Qua Giáo hội, “Lửa Thánh Thần” của Đức Kitô đó đã bùng lên khắp thế giới từ hơn 20 thế kỷ qua, và đã thay đổi khôn mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn, tự do hơn, đẹp đẻ hơn.

Chúng ta chuyển sang ý nghĩa khác của bài đọc Tin Mừng trong đó Chúa Thánh Thần xuất hiện như là “Đấng Phù trợ mà Thầy sẽ sai xuống trên các con từ Chúa Cha, Thánh Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Chúa Cha sẽ dẫn các con tới Chân lý toàn vẹn” (Ga 15,26). Ở đây, Mạc khải về Chúa Thánh Thần không chỉ đơn thuần là sức mạnh, là năng lực, nhưng là chính Thiên Chúa, là Ngôi Ba. Trong trật tự của Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu-Ngôi Vị (Amore-persona) như là nexus amoris (rợi dây tình yêu) của Chúa Cha và Chúa Con; là sự viên mãn và sự kết thúc của sự phì nhiêu thần linh ba ngôi. Trong nhiệm cục cứu độ, Người là Quà Tặng (Dono-persona) của tình yêu ba ngôi dành cho nhân loại. Như lời thánh Phaolô nói: “Tình Yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Như thế, Chúa Thánh Thần không xuất hiện như một ngôi vị “xa lạ” với chúng ta, nhưng là Đấng ở trong chúng ta, thần hóa chúng ta và hành động với chúng ta (x. 1Cor 3,16). Chúng ta biết rất ít về Người không phải tại vì Người ở quá xa chúng ta, nhưng tại vì Người ở quá gần chúng ta. Một cách tuyệt vời theo lời Thánh Agustino, Người là Thiên Chúa ““intimior intimo meo et superior summo meo” (Thiên Chúa gần gủi thân mật hơn cả chính con với con), Người trở thành Luật Mới, luật của Tình Yêu được in vào lòng người. Người thực hiện sự thánh hóa của chúng ta, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Chúa Cha, và nhờ Người, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Abbà, Cha ơi! (Rm 8,15). Và như thế đời sống của người kitô hữu là hành trình bước đi theo và trong Thánh Thần: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Những việc do tính xác thịt gây nên, thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, hận thù, bất hoà, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Tôi nói cho mà biết: những kẻ làm những điều đó sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,16.19-21).

Ngày hôm nay chúng ta đang đối diện với đầy dẫy những dối trá và nộ lệ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả chúng ta được mời gọi hãy nhạy bén và dễ bảo với Chúa Thánh Thần. Ai bước đi trong Thần Khí và Sự Thật sẽ đón nhận được hoa quả của Thánh Thần: đó là “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 16,22).

Veni Sancte Spiritus! Xin Chúa Thánh Thần hãy đến để thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Bởi lẽ chỉ có ngọn lửa của Thánh Thần mới có thể biến đổi chúng con, chỉ có Tình Yêu mới cứu độ! Amen!

MỘT CUỘC HIỆN XUỐNG MỚI
Ga 20, 19 - 23

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Lúc nhỏ mỗi lần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tôi vẫn có những ấn tượng rất đẹp và rất mạnh bởi vì khi đọc đọan sách Công vụ tông đồ 2, 1-11, tôi vẫn cảm thấy như có một cái gì đó thật thôi thúc và thúc đẩy tôi sống lại biến cố Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho các tông đồ và sai các Ngài đi làm nhân chứng cho Chúa khắp mọi nơi. Biến cố này vẫn theo tôi từ lúc có trí khôn cho đến ngày nay, và chắc chắn còn theo tôi mãi mãi đến muôn đời.Ngày lễ Ngũ Tuần thời xưa cũng là một cuộc hiện xuống mới hôm nay và mãi mãi…

Dân Ít-ra-en được Thiên Chúa thương giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, Chúa ban cho dân mười giới luật để đóng ấn giao ước giữa Chúa và dân của Ngài. Dân Ít-ra-en đã mừng biến cố này hết sức long trọng và hoành tráng 50 ngày sau lễ Vượt qua, nên ngày này được gọi là lễ Ngũ Tuần.Biến cố ấn tượng và hết sức lạ lùng này được Sách Công vụ tông đồ tường thuật lại một cách hết sức thuyết phục.” Chúa Thánh Thần đã xuống trên các Tông đồ và Hội thánh mới được thành lập “.Biến cố lễ Ngũ Tuần được Sách Công vụ tông đồ diễn tả bằng những lời văn sống động gần giống cách tường thuật việc Thiên Chúa ban Lề Luật cho dân Chúa trên núi Sinai. Với khí thế tưng bừng, náo nhiệt, ào ạt gió bão, Chúa Thánh Thần tràn ngập cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi, gồm 11 môn đệ Chúa Giêsu, Mẹ Maria, một số phụ nữ đạo đức và 120 tông đồ ( Cv 1, 15 ). Trong ngày lễ Ngũ Tuần mọi môn đệ, tông đồ và những người hiện diện đều được tràn đầy Thần khí và đều cất tiếng ca ngợi những kỳ công Chúa đã làm, cao rao Lời Chúa hứa ban ơn cứu độ nay đã nên thành sự. Việc nói tiếng lạ là do Thần khí ban cho đã làm cho ngày lễ Ngũ Tuần rất sinh động. Các Môn đệ, các Tông đồ đã rao giảng đến nỗi ai cũng hiểu được ngôn ngữ của dân tộc mình là một điều hết sức lạ lùng. Các Ngài rao giảng sứ điệp của Chúa, sứ điệp về Tin Mừng cứu độ. Hết thảy các dân tộc nói ở đây là tất cả những người Do Thái bị tản mác khắp nơi trên khắp thế giới, nay trong ngày lễ Ngũ tuần qui tụ về Giêrusalem và họ đã nhận được Thần khí, do đó, họ đều ca ngợi Chúa.

Ngày nay Thần khí Chúa hiện diện khắp mọi nơi, mọi chỗ trên toàn thể thế giới. Tác động của Thần khí đảm nhận mọi nền văn hóa riêng biệt và đa dạng trong một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sứ điệp Tin Mừng của Chúa chỉ có một nhưng đối với từng dân tộc thì sứ điệp ấy được rao truyền bằng ngôn ngữ của chính nước họ. Thần khí của Thiên Chúa cũng chỉ có một nhưng ở nơi đâu thần hứng được diễn tả bằng những phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương họ để một ngôn ngữ được diễn tả hợp với tư tưởng, suy nghĩ phù hợp với khẩu vị, truyền thống của từng dân tộc. Đó là việc hội nhập văn hóa địa phương mà Đức cố Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã viết: ” Khi đức tin chưa trở thành văn hóa, thì đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa được suy tư đầy đủ, chưa được sống một các trung tín”.Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23, tức chân phước Gioan 23 đã mở Công đồng Vatican II: đây là cuộc Hiện Xuống mới. Công Đồng Vatican II đã tái thiết lập một cuộc hiện Xuống mới đầy thần khí trong một thế giới tưởng đang đi tới việc chối bỏ đức tin.

Thần khí của Thiên Chúa vẫn đang tràn đầy khắp thế giới, nhưng mọi nước, mọi nơi có biết lãnh nhận Thần khí và có biết tái hiện lại ngày lễ Ngũ Tuần trong Hội Thánh địa phương không ? Điều này đòi hỏi phải sống hội nhập văn hóa. Bởi vì, mỗi nước, mỗi ngôn ngữ có một cách diễn tả đức tin khác nhau. Mỗi ngôn ngữ đều có nền văn hóa riêng biệt, người Au Châu có cách diễn tả riêng, người Phi Châu có cách diễn tả của lục địa họ, người Á Châu có cách diễn tả riêng của Á Châu.Thần khí của Thiên Chúa luôn chan hòa và tràn ngập thế giới này, nhưng để đón nhận dược Thần khí lại là một chuyện đòi hỏi con người phải biết mở lòng ra.

Hãy nhìn vào thực tế, xưa các môn đệ Chúa cũng đã được sống với Chúa, được nghe Lời Chúa, được chứng kiến các phép lạ Ngài làm, các Ngài cũng đã phó thác cho Chúa, tín nhiệm Chúa, nhưng khi xẩy ra thử thách, các môn đệ cũng đã bấn loạn, Giuđa thì bán Chúa, Phêrô thì chối bỏ Chúa, các môn đệ khác bỏ chạy trốn. Phải đợi đến ngày Lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần của Chúa Giêsu đến, các Ngài mới thực sự được biến đổi hoàn toàn.Mọi Kitô hữu hãy xin Chúa Thánh Thần đến để biến đổi tâm hồn mình và để ban cho mình một trái tim mới hầu mình có thể làm chứng cho Chúa tốt đẹp hơn.

Cách đây 2009 năm, Thần khí của Đức Kitô phục sinh bắt đầu ngự trong tâm hồn các môn đệ một cách đầy quyền năng. Hôm nay chúng ta mừng ngày lễ ấy bởi vì Chúa Kitô phục sinh đang ở với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến biến đổi tâm hồn chúng con. Amen.

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Ga 20, 19 - 23

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”. Cái nhìn triết học này chủ yếu căn cứ vào các hiện tượng lặp đi lặp lại, trong tự nhiên lẫn xã hội, để rồi rút ra những quy luật nào đó khả dĩ giúp ta đặt vấn đề, dù rằng có thiên về tính chủ quan nhưng vẫn phản ảnh một điều gì đó rất thật của cuộc sống. Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín ( x.Ga 20,26 ). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý. Một hiện tượng khác: Đang là chủng sinh thì sống phải phép, lịch sự đủ đầy, bỗng sau khi được đặt tay ban Thánh Thần qua Nghi thức phong chức linh mục, thì có đôi vị lại hành xử theo cung cách cha chú, ta đây.

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” ( ex opere operato ) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy ? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “ Hãy nhận lấy Thánh Thần !” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Ai trao cho chúng ta một tặng phẩm mà chúng ta không nhận hay chưa nhận thì cũng là chưa có, nói đúng hơn, là chưa có hiệu quả. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng ( x.1Cor 13,12 ). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn ( x. Lc 1,26-38 ). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý ( x.Lc 10,21 )

2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc ( x.Mt 10,30; Lc 12,7 ), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân ( x. Mt 5,44-45 )

3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng ( x. 1 Cor 12,7-11 ). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi ( x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây ( x.Mt 7,16-20 ). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, ngưòi kém phận…

THÁNH THẦN THIÊN CHÚA
Ga 20, 19 - 23

LM Phạm Thanh Liêm, SJ
Mùa Phục Sinh kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Nhật kế tiếp Giáo Hội sẽ mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính nhờ Đức Giêsu mà người ta biết một cách đặc biệt về Thánh Thần Thiên Chúa.

1. Đức Giêsu đã nói về Thánh Thần

Quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh đã đề cập đến Thần Khí của Thiên Chúa: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St.1, 2). Trong sách Thánh Vịnh, người ta đọc thấy: “Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv.103, 30). Thần Khí (hơi thở) của Thiên Chúa đã được biết tới trong Cựu Ước.

Các tông đồ chỉ nhận ra căn tính của Đức Giêsu một cách đặc biệt sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết. Cùng với dân chúng, các tông đồ nhận ra Đức Giêsu là một tiên tri, là Đấng Kitô (Mt.16: 16: Đấng Thiên Chúa xức dầu, Đấng Thiên Sai) ngay khi Ngài còn sống đời tại thế; nhưng chỉ sau biến cố Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, các tông đồ mới nhận ra Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, ngự bên hữu Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, hay một cách chính xác hơn Ngài là Lời Thiên Chúa nhập thể. Chính nhờ Đức Giêsu, mà con người biết về Thánh Thần một cách rõ ràng hơn.

Tin mừng theo thánh Gioan cho thấy chính Đức Giêsu mặc khải cho con người biết về Thánh Thần một cách đặc biệt. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ sẽ được Thiên Chúa sai gởi tới nhân danh Đức Giêsu, để ở với mãi với con người (Ga.14: 16.26). Có một tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa, Đức Giêsu, và Thánh Thần Đấng Bảo Trợ. Không ai biết rõ Cha trừ Con và những người Con muốn mặc khải (Mt.11: 27). Cũng chính Đức Giêsu nói cho con người biết về Thánh Thần. Thánh Thần có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Cha, và được chính Thiên Chúa Cha sai gởi (Ga.14: 16.27). Thánh Thần cũng được Đức Giêsu sai gởi nữa (Ga.15: 26).

2. Sứ mạng của Thánh Thần

Thánh Thần luôn ở với con người. Thánh Thần được sai tới, để ở mãi với con người (Ga.14: 16). Thánh Phaolô diễn tả: “anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1Cor.3, 16-17). Ở với con người, đó là sứ mạng chính của Thánh Thần. Hiện tại Thánh Thần đang ở với mỗi người chúng ta. Thánh Thần đang hiện diện nơi cung lòng mỗi người. Không bao giờ Thánh Thần rời bỏ chúng ta.

Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng làm cho con người nên thánh, Đấng làm cho con người thuộc về Thiên Chúa. Một ngôn từ khác để diễn tả tác động làm con người thuộc về Thiên Chúa, đó là tha tội (Ga.20: 22-23). Thiên Chúa như người cha nhân từ luôn tha thứ tội lỗi cho con người, ngay cả khi người con chưa kịp nói lời xin lỗi. Chính Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy làm cho con người sám hối trở lại với Thiên Chúa. Không phải chờ cho tới lúc con người tới tòa hòa giải để nghe lời xá giải qua trung gian linh mục, Thánh Thần Thiên Chúa mới tác động tha thứ tội lỗi con người; nhưng ngay ý định thống hối, hành vi thống hối đầu tiên, đã là do tác động của Thánh Thần rồi. Vị linh mục nơi tòa hòa giải là dấu chỉ hữu hình của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.

Thánh Thần là Thầy dạy dỗ con người về Thiên Chúa (Ga.14: 26; 16: 12-13). Không ai có thể dạy con người về Thiên Chúa. Con người có thể nói về Thiên Chúa, hoặc lặp lại những lời về Thiên Chúa, nhưng không thể dẫn con người tới gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đã làm điều này nơi các tín hữu (Rm.8). Thánh Thần dạy mỗi người về Thiên Chúa, làm chứng về Thiên Chúa cho con người, làm con người trở thành những chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa (Ga.15: 26).

3. Sống dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần

Vũ trụ bao la là những “lời” hoặc những “dấu chỉ” cho thấy Thiên Chúa hiện hữu và tốt lành, v.v… Qua vũ trụ thiên nhiên, Thiên Chúa “nói” với con người một cách nào đó. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa nhập thể. Đức Giêsu cho con người biết nhiều về Thiên Chúa. Với Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, Thiên Chúa sẵn sàng đánh đổi tất cả để được con người. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người vô cùng.

Thánh Thần được ban cho con người, cũng vì yêu thương. Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng tâm trí mỗi người, giúp mỗi người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa qua lý trí của mình. Hãy lắng nghe Thiên Chúa nói qua Kinh Thánh, qua những lời giảng dạy của những vị có thẩm quyền, qua tha nhân và cả qua những biến cố hằng ngày nữa. Thiên Chúa đang nói với con người, và Thánh Thần đang soi sáng hướng dẫn con người. “Đừng dập tắt Thần Khí” (1Thes.5: 19). Thiên Chúa có thể nói với mỗi người qua những trung gian và thời điểm khác nhau, hãy lắng nghe dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, để nhận ra và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn chúng ta sống bình an hạnh phúc. Những gì giúp chúng ta bình an và hạnh phúc thật, đều đến từ Thiên Chúa; những gì làm chúng ta bất an, lo lắng, giận hờn thù ghét, không đến từ Thiên Chúa. Hãy tập nhận định để mỗi người được sống an bình thanh thản hơn trong Thiên Chúa. Chính Thánh Thần là nước mát rửa sạch tâm hồn con người; cũng chính Thánh Thần là lửa mến sẽ hun đốt lòng con người cháy lửa tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Thần giúp tất cả mọi người, để tất cả sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Ga 20, 19 - 23

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Chính trong ngày thứ năm mươi sau biến cố Phục sinh, Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, đánh dấu một trang sử mới trong công trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo hội được khai sinh. Kể từ đây, hành trình của Giáo hội tiến về nhà Cha được tràn đầy ơn thánh Chúa và rộng mở dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn cảm hứng, sự bình an, lòng hân hoan và sự mạnh mẽ làm cho các môn đệ cũng như cho Giáo hội thời sơ khai can đảm ra đi loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc.

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống nhằm vào ngày lễ Ngũ tuần của người Dothái. Có thể nói biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cách nào đó đã làm mờ đi ý nghĩa của ngày lễ ngũ tuần vốn xuất phát từ ngày lễ truyền thống của nhà nông cũng như sau này dùng để kỷ niệm ngày Giavê ban Lề luật và thiết lập Giao ước Xinai với dân. Bởi biến cố hôm nay chính là ngày lễ Ngũ Tuần mới, ngày mà sách Công vụ Tông đồ ghi lại rất nhiều dấu lạ do Chúa Thánh Thần mang đến.

Tiếng gió và hình lưỡi lửa là những hiện tượng khác thường trong ngày lễ Ngũ tuần. Tiếng gió hẳn gợi nhớ đến thời gian lúc khởi đầu công trình tạo dựng vũ trụ, khi mà “Thần Khí Giavê bay lượn trên mặt nước” (St 1,2b) để tác tạo muôn loài. Chúa Thánh Thần chính là làn gió, là hơi thở làm bừng lên sự sống như Ngôn sứ Edêkien xưa đã trông thấy chính Thần Khí đã làm hồi sinh cả một thung lũng xương khô và gầy đét (x. Ed 37, 1-14). Trong ngôn ngữ Hípri, từ ngữ Thần Khí thuộc giống cái, dường như có ngụ ý rằng Thần Khí của Thiên Chúa giống như người mẹ hiền sản sinh những người con trong tình yêu thương từ ái của mình.

Còn hình ảnh Lưỡi Lửa, chúng ta có thể hiểu lưỡi chính là lời nói, là lời ca của con người. Để con người nói lời của Thiên Chúa, truyền thông sứ điệp của Thiên Chúa, lưỡi đó cần phải được thanh luyện, cần thiết phải đi qua ngọn lửa Thánh Thần để có thể đi vào tâm trí người nghe những lời nói chân thật nhằm đốt nóng tâm hồn mọi người lòng yêu mến Thiên Chúa. Các môn đệ nhờ được tôi luyện bởi ngọn lửa tình yêu và lòng nhiệt thành của Chúa Thánh Thần, khiến các ông hăng hái ra đi, rao giảng Tin mừng và làm chứng cho tình yêu Chúa Giêsu.

Đồng thời với những dấu lạ chính là những ơn ích thiêng liêng do Chúa Thánh Thần mang đến. Một trong số đó chính là ơn nói “các thứ tiếng khác nhau”. Các thứ tiếng khác nhau ở đây cần phải hiểu thế nào? Thật thú vị là có nhiều cách giải thích khác nhau xung quanh vấn đề này. Có người cho rằng các môn đệ biết nói nhiều ngoại ngữ (Công vụ Tông đồ ghi lại 16 thứ tiếng khác nhau)! Có lẽ không đúng. Vì các môn đệ lúc bấy giờ đa số là dân biển, đánh bắt cá làm sao có thể “siêu quần bạt chúng” như vậy được. Ngôn ngữ mẹ đẻ của các ông chính là tiếng Aram, và cùng lắm thì các ông nói được tiếng Hylạp chứ làm gì có chuyện biết nói mười mấy ngoại ngữ trên.

Có người lại cho rằng các ông nói tiếng lạ. Thánh kinh có ghi lại ơn nói tiếng lạ này (x. Cv 2,3-4; 10, 44-46; 1 Cr 12, 10). Ơn nói tiếng lạ tức là một thứ ngôn ngữ chẳng ai có thể hiểu được bởi xuất phát từ nguồn cảm hứng của Chúa Thánh Thần và giống như tình trạng xuất thần. Vì là thứ tiếng “chẳng giống ai” nên cần phải có người thông dịch lại. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho người hiểu được loại ngôn ngữ này để truyền đạt cho người nghe. Thế nhưng sách Công vụ Tông đồ không ghi lại có ai đứng ra để giải thích cho đám đông đang nghe các môn đệ nói. Đám đông hiểu trực tiếp tiếng nói của các môn đệ.

Có lẽ cách giải thích sau đây dễ chấp nhận hơn, vì nó liên quan đến câu chuyện về tháp Baben (x. St 11). Thời đó, con người nói cùng một thứ tiếng. Chính vì thế sinh ra lòng kiêu ngạo, phạm thượng đến Giavê Thiên Chúa. Họ muốn làm một ngọn tháp cao chọc trời và bất cần sự có mặt của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thiên Chúa đã khiến cho tiếng nói của con cháu Nôe phải xáo trộn, chẳng còn ai hiểu ai. Nay nhờ biến cố Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hàn gắn sự chia rẽ ngôn ngữ đó của loài người. Các môn đệ tuy nói tiếng mẹ đẻ của mình nhưng nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng khiến cho mọi dân tộc, tuy không cùng một ngôn ngữ, đều có thể hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa.

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các môn đệ hăng hái ra đi, theo chân Thầy Chí Thánh rao giảng Tin mừng. Hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là bình an và sự tha thứ. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ của tình yêu sẽ nối kết tất cả nên một. Từ nay, sứ mạng của Giáo hội chính là đi đến muôn dân để rao giảng về một Đức Kytô chịu đóng đinh, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới với sự trợ giúp cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến canh tân bộ mặt thế giới, Giáo hội và gia đình nhân loại hầu tất cả cùng chung một tiếng nói của Tình yêu, ơn an bình và sự hiệp nhất.

SỨC MẠNH CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19 - 23
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

Có một câu truyện kể rằng : Một hôm thần dữ Xa-tan triệu tập tất cả các sứ giả của hắn lại, để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi. Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả trở về. Thần dữ Xa-tan ngạc nhiên hỏi : “Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh thế, hay là có chuyện gì trục trặc ?”. Các sứ giả đồng thanh đáp : “Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ ghen ghét nhau, họ gian tham, trộm cắp, sa đọa, họ chém giết nhau…không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này, mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa”.

Con người sống như thể Thiên Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đáng cho chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, suy nghĩ để kiểm điểm lại đời sống của mình. Vài chục năm gần đây, người ta tỏ ra lo ngại cho Giáo Hội, khi thấy có một số đông Ki-tô hữu tại nhiều nước Âu Châu dửng dưng với đạo. Đạo hầu như chẳng còn ảnh hưởng gì đối với họ; đạo hầu như đứng ngoài cuộc sống của họ. Phải chăng Ki-tô giáo đã qua những ngày hưng thịnh và đang đi vào giai đoạn lụi tàn ? Phong trào “Thời Mới”, một phong trào mang tính tôn giáo huyền bí hàm hồ, đang phát triển tại Mỹ và Âu Châu xác tín rằng : Kỷ nguyên Ki-tô giáo sắp qua đi và một kỷ nguyên mới với một tôn giáo mới đang xuất hiện.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài người. Ngài đã sống kiếp người như chúng ta, Ngài đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận đau thương và chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chết thật, nhưng không phải là chết luôn, trái lại, Ngài đã sống lại và sống mãi. Ngài vẫn hiện diện trên trần gian dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chúa Thánh Thần.

Quả thực, ngay từ khi tại thế, Chúa Giêsu đã sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài chưa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa Giêsu phải ra đi, rồi mới cử Thánh Thần đến với họ được, nghĩa là Ngài phải được tôn vinh, mới có thể ban Thánh Thần cho họ. Vì thế, ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ; đồng thời ban cho họ quyền tha tội. Như vậy, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần, và các tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày Phục Sinh.

Tuy nhiên, để đánh dấu việc các tông đồ thực sự thoát khỏi tình trạng “khép kín” vì sợ hãi hay nuối tiếc quá khứ, và “mở cửa” lao mình về phía trước để công bố Tin Mừng Phục Sinh cho các dân tộc, đem ơn hòa giải đến cho mọi người, hầu qui tụ mọi người vào trong đại gia đình của Thiên Chúa…Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các tông đồ một cách long trọng và rõ ràng với những dấu hiệu bề ngoài như gió thổi mạnh, lưỡi lửa xuất hiện trên đầu họ. Gió và lửa là những dấu hiệu để chứng tỏ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và liền theo đó, mọi người được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Như vậy, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ, đã biến đổi họ thành những con người mới, đã tác động nơi họ để trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi người. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và ngọn lửa Ngài đậu trên đầu các tông đồ không gì khác chính là ngọn lửa tình yêu. Chính ngọn lửa đó đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi từng con người thiện chí, từng Kitô hữu, đang hăng say hoạt động để đem chân lý, bình an, yêu thương và hy vọng đến với những người chung quanh.

Mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta đã cộng tác với Chúa Thánh Thần thế nào ? Chúng ta có để Chúa Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta tính ích kỷ, hẹp hòi không ? Chúng ta đã làm gì và đang làm gì cho thế giới này, cho những người sống chung quanh chúng ta được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận ? Thật là đau đớn cho Thiên Chúa và Giáo Hội khi những người mang danh Kitô hữu, những môn đệ của Chúa, lại sống ích kỷ, ghen ghét nhau, cạnh tranh nhau…Nếu ngày nay biết bao người chưa biết đến tình yêu thương của Chúa, có lẽ một phần trách nhiệm là do chúng ta; có lẽ chúng ta phải đấm ngực mình mà nhận rằng : vì chúng ta chưa sống tốt, chưa làm chứng nhân, vì trong chúng ta còn nhiều ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi…

Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống, để xác quyết rằng : Thiên Chúa đang sống và đang hành động trong trần gian.

THÁNH THẦN ĐƯỢC TRAO BAN CHO CON NGƯỜI
Ga 20, 19 - 23

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, Giáo Hội mừng cao điểm mầu nhiệm phục sinh: lễ Chúa thăng thiên. Chúa về trời, Ngài lìa các môn đệ, xa con người, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa con người cho tới ngày cùng tận, ngày tận thế. Đây là điều thật diệu kỳ, nhưng cái kỳ diệu nữa vẫn là Chúa sai Thánh Thần đến để đổi mới trần gian và đổi mới cõi lòng con người.

Sống lại, hiện ra với các môn đệ, Chúa phục sinh muốn minh chứng sự hiện diện của Người. Chúa sống lại vẫn là một con người thật, con người đã sống ở Nagiarét 30 năm, một con người đã rong duổi khắp nơi khắp chốn để giới thiệu nước trời, loan bao Tin Mừng cứu độ. Chúa sống lại vẫn đang ở với các môn đệ để củng cố lòng tin cho các ông, lòng tin đang bị giao động, đang chao đảo mạnh mẽ vì con người mà các môn đệ tin là Con Thiên Chúa lại bị chết một cách nhục hình mà các Ngài không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Do đó, trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, các Ngài sẽ bị thế gian thù ghét, ganh tỵ, quyền lực của sự dữ, của Satan, ma quỷ tấn công, ngộ giả các Ngài đơn độc chiến đấu, đương đầu, các Ngài sẽ bị sự dữ đè bẹp và như thế, các Ngài sẽ bị ngã gục cách ê chề. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Chúa Giêsu không cầu nguyện cho các môn đệ có sức mạnh đánh Đông dẹp Bắc, không cầu nguyện cho các Ngài có quyền lực vì họ sẽ dễ ỉ nại và dễ sa vào hố tự mãn, tự kiêu, sa vào hố diệt vong. Chúa cầu nguyện và về trời là để xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến với nhân loại để thay đổi mặt địa cầu, để đổi mới cõi lòng âm u, lầm lạc của các môn đệ và cõi lòng còn đầy tối tăm của nhân loại. Chúa cầu xin để các môn đệ và nhân loại được hiệp nhất, để Chúa luôn ở với các môn đệ và ở với nhân loại, hầu tất cả đều được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa Cha.

Suốt thời gian sống với các môn đệ, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho họ, để họ không bị hư đi, ngoại trừ Giuđa, kẻ không biết trở lại. Giờ đây, trước lúc về trời, Chúa Giêsu không khỏi che dấu nỗi lo sợ của Ngài. Ngài đã cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, nhờ đó các môn đệ được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, nghĩa là các Ngài nhờ đó có đủ sức mạnh thắng vượt mọi thử thách, mọi trở ngại. Chúa Thánh Thần sẽ đến với họ. Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới cuộc đời của họ. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho họ một sự sống mới, một sự sống luôn có Chúa hiện diện để Chúa cùng họ chiến đấu trong cuộc hành trình đức tin. Chúa sai các môn đệ như Chúa Cha sai Ngài đi rao giảng. Bây giờ, Chúa Thánh Thần sẽ giữ vai trò nồng cốt trong đời sống rao giảng của các tông đồ. Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ, công việc của Người là làm chứng về Chúa Giêsu.Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến từ Cha, sẽ cho các tông đồ thấy việc phải làm và con đường phải đi. Do đó, các môn đệ sự luôn luôn được đổi mới: can đảm, hiên ngang, không sợ nguy hiểm vì chính Thánh Thần đến để ban cho họ sự sống mới, sự sống vĩnh hằng.

Khi Chúa bị chôn vào mồ, mọi sự hầu như đã tan biến. Giấc mộng công hầu khanh tướng của các môn đệ, giấc mơ làm đầu, lãnh đạo, đè đầu người khác hầu như đã tan tành theo mây khói. Nhưng Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ và nhân loại có cái nhìn rộng mở. Chúa Giêsu sống lại, một tạo dựng mới hình thành.

Chúa đã phá tạn tội lỗi, xé tan bóng đêm âm u để trả lại cho thế gian sự sống mới. Việc Thiên Chúa Cha sai Chúa Giêsu, giờ này được lập lại, Chúa cũng sai các môn đệ ( Ga 20, 21 ) và mọi người. Nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là lời cầu xin của Chúa Giêsu:”…Chớ gì chúng cũng nên một trong Ta”( Ga 17, 21 ). Và đây là sứ mạng, một sứ mạng không dựa trên sức mạnh, không dựa vào sự chiến thắng bề ngoài vênh vang mà là tình thương tràn đầy, tình yêu cao vời của người thí mạng sống vì người mình yêu( Ga 15, 13 ).

Ngày lễ Ngũ Tuần tái diễn lại việc thổi hơi của Chúa phục sinh vào các tông đồ ngày thứ nhất hiện ra với các môn đệ” Hãy nhận lấy Thánh Thần”( Ga 20, 22 ). Thánh Thần làm cho mọi người hiểu nhau, hiệp nhất với nhau, khác với loài người khi xây tháp Babel. Thánh Thần đến để xây đắp tình thương. Thánh Thần đến để hòa hợp mọi người lại với nhau. Trong Thánh Thần mọi người trở nên anh em và bạn hữu với nhau. Thánh Thần sẽ luôn liên kết mọi người và như Chúa Giêsu nói:”Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”( Mt 18, 20 ). Đấng phục sinh không ở lại trên núi Galilê, Người đi theo các tông đồ của Người trên mọi nẻo đường trần gian”( J. Potin “ Jésus, l’ histoire vraie” ).

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến với chúng con đổi mới địa cầu và thay đổi cõi lòng của chúng con.

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIÊN XUỐNG
Ga 20, 19 - 23

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

Thế là chúng ta đã hân hoan đón mừng Lễ Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô hơn bẩy tuần lễ rồi; trong thời gian ấy, chúng ta đã cùng nhau ôn lại những lần Chúa hiện ra cùng các thánh Tông đồ. Khi nhận ra sự hiện diện của Chúa bên mình, trái tim các ông như bừng cháy bên trong, các ông đã tràn đầy an ủi, tin tưởng bình an và sức mạnh nội tâm. Chúa nhật hôm nay còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhắc lại việc Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới hình thức cơn gió thổi, và lưỡi lửa.

Bài đọc đầu tiên mô tả những tác động hiệu quả phi thường nơi các tông đồ sau khi được Thần Khí ngự xuống trên các ông. Nếp sống các ông thay đổi đến kinh ngạc vì Thần Khí luôn thúc giục các ông trở nên hoàn thiện hết mình. Các ông gạt sang một bên những dè dặt đề phòng, không còn sợ hãi để mà hối hả ra đi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, nhất là can đảm công bố niềm tin vào Đức Kitô chịu đóng đanh. Đột nhiên các ông không còn chút nghi hoặc, mọi thứ cứ như đâu vào đấy và trở nên rõ ràng minh bạch đầy đủ ý nghĩa. Nhất là mọi lời Kinh Thánh, mọi lời giảng dạy của Đức Chúa Giêsu tự nhiên ăn khớp với nhau mạch lạc trong tâm trí các ông. Đúng lúc này Giáo Hội được khai sinh. Thần Khí đổ tràn tâm hồn các ông một niềm hy vọng mới và lòng dũng cảm khác thường. Sau khi đã nhận được quyền năng và sức mạnh, các tông đồ đã lên đường đi khắp thế gian và hăng say tiếp tục công trình Đức Kitô đã khởi sự.

Việc Thần Khí ngự đến vào ngày đầu tiên trong mùa Lễ Ngũ Tuần đã không phải là một biết cố một lần thay cho tất cả nhưng chính là biến cố khởi đầu cho sự hiện diện của Giáo Hội nơi trần thế. Nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, Thần Khí đã được ban tặng cho chúng ta, nêh Thần Khí luôn gần gũi kề cận chúng ta hơn là chúng ta dám nghĩ tới. Bất cứ nơi đâu có những tâm hồn mở rộng đón nhận Thần Khí, Thiên Chúa sẽ đổ tràn Thần Khí xuống tâm hồn ấy để khai lòng mở trí, thúc đẩy họ đảm nhân nhiệm vụ mới: làm sứ giả cho Đức Kitô.

Lễ Hiện Xuống hôm nay nhắc lại cho chúng ta một điều này là Thiên Chúa hằng kêu gọi chúng ta bước sâu vào mối thâm giao với Ngài và muốn chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống với Ngài. Đó là lời mời gọi nhóm lên ngọn lửa Tình Yêu và khuấy động lên tất cả ân sủng của nhiệm tích Thánh Tẩy. Chúng ta hoàn toàn không biết Thần Khí sẽ dẫn đưa chúng ta đi đâu, đi lúc nào, nhưng chúng ta lại thường lắm phen ngạc nhiên vì thấy Thần Khí dẫn đưa chúng ta làm việc này việc nọ. Bất cứ khi chúng ta bước ra khỏi tính do dự ích kỷ của riêng mình và vươn ra đến với những con người đang gặp khó khăn, thì ngay lúc ấy Thần Khí hoạt động hướng dẫn chúng ta, trao cho chúng ta một sức mạnh canh tân để đảo ngược những giá trị cố hữu của con người và một ý chí mãnh liệt tiến lên theo một chiều hướng mới.

Khi chúng ta đối diện với những thử thách và thánh giá, khi đương đầu với những khó khăn và thất vọng, chúng ta cần đến sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, vì sự hiện diện của Ngài sẽ chẳng những thay đổi cái nhìn của chúng ta mà còn cả dáng vẻ bên ngoải của chúng ta nữa. Đức Kitô đã hứa rằng nếu chúng ta cầu xin, quyền năng của Thần Khí sẽ đến với chúng ta. Bởi thế trước khi cầu nguyện, chúng ta cần mở rộng tâm hồn mời đón Chúa Thánh Thần ngự đến. Chúng ta sẽ trở nên những con người khác, con người đã được đổi thay bao nhiêu tùy theo mức độ chúng ta cho phép Thần Khí can thiệp vào cái tính tự mãn ù lì cố hữu của chúng ta và dọn đường cho chúng ta phát triển con người một cách lành mạnh... Nếu chúng ta cứ để cho Thần Khí dẫn dắt như thế, thì hoa trái của Ngài đem lại cho đời sống chúng ta sẽ là niềm vui, bình an và yêu thương.

Nhân dịp lễ Hiện Xuống hôm nay, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta món quà quý giá là Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động với vô số phương thức kín đáo để khơi dậy và đào sâu đức tin, củng cố sức mạnh, thúc đẩy cảm hứng và canh tân cuộc sống chúng ta.

THÁNH THẦN, NGUỒN  HIỆP NHẤT
Ga 20, 19 - 23

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Trong Chúa Nhật lễ Thăng Thiên vừa qua, cũng là ngày “Thế giới truyền thông”, Đấng Phục Sinh đã trao cho chúng ta sứ mạng lên đường truyền thông cho mọi người biết Tin Mừng cứu độ. Sứ mạng này thật vinh dự nhưng cũng không kém phần khó khăn. Cảm thông được với sự giới hạn của bản thân từng người chúng ta, trước khi về Trời, Đức Giêsu đã nhắn bảo các tông đồ và từng người chúng ta: “Hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép Rửa trong Thánh Thần”. Lời hứa đó, hôm nay, đã trở thành hiện thực với việc Chúa Thánh Thần được ban xuống cho các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, mà chúng ta vừa nghe thuật lại trong bài đọc một.

Chúa Thánh Thần chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh, và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Không ai có thể nói: “Đức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần”.

1. Chúa Thánh Thần, ân huệ của Đấng Phục Sinh

Nhìn lại những đoạn Tin mừng theo thánh Gioan được trích đọc trong hai tuần lễ vừa qua, chắc hẳn chúng ta đều nhận ra rằng lời hứa ban Thánh Thần là điều được Đức Giêsu lập đi, lập lại rất nhiều lần. Chính Ngài đã khẳng định với các tông đồ: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16, 7).

Và quả thật, Đức Giêsu đã thực hiện trọn vẹn lời hứa này của Ngài. Ngay khi hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ vào “ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã phán bảo với các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như thế, đối với thánh Gioan, việc Đức Giêsu Tử nạn - Phục Sinh - Ban Thánh Thần là một. Chính vì thế, phụng vụ đã chọn đọc bài Tin Mừng hôm nay chính thức hai lần trong mùa Phục Sinh: một là vào ngày Chúa Nhật trong tuần Bát Nhật Phục Sinh và hôm nay, trong ngày lễ Chúa Thánh Thần. Cũng theo chiều hướng đó, thánh Gioan đã gắn liền cái chết của Đức Giêsu trên thập giá với việc trao ban Thần Khí, thánh sử đã thuật lại giờ ra đi của Đức Giêsu như sau: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30). Với cái chết của mình, Đức Giêsu thực sự mở ra một giai đoạn mới trong nhiệm cục cứu độ, giai đoạn hoạt động của Thánh Thần. Nói là giai đoạn của Thánh Thần, bởi vì trước đó, mặc dù vẫn hiện diện và hoạt động trong chương trình cứu độ, nhưng vai trò của Chúa Thánh Thần vẫn còn chưa được làm rõ. Chính Đức Giêsu, trong lần lên Giêrusalem vào dịp Lễ Lều của người Do thái, đã minh nhiên tuyên bố: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 38-39). Giờ Đức Giêsu được tôn vinh, “được giương cao”, chính là giờ Đức Giêsu bị treo trên thập giá (x. Ga 12, 23-32). Và ngay trên thập giá, “một tên lính đã lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34). Như thế, “máu và nước” này chẳng phải là “Dòng nước hằng sống, dòng nước Thánh Thần” mà Đức Giêsu đã hứa trước đó sao?

Như thế, Thánh Thần chính là ân huệ lớn lao nhất mà Đức Giêsu trao ban cho chúng ta từ cuộc Vượt Qua của Ngài. Đồng thời, Thánh Thần còn là nguồn sức mạnh liên kết muôn người lại với nhau, và với Thiên Chúa. Thánh Thần cũng chính là Đấng tái tạo lại sự hiệp nhất nguyên thuỷ mà con người đã đánh mất bởi tội của mình.

2. Chúa Thánh Thần, nguồn hiệp nhất:

Trước hết, Chúa Thánh Thần, chính là Đấng qui tụ muôn dân nên một trong Giáo Hội.

Thật vậy, các tông đồ trước khi nhận lãnh Thánh Thần đã “đóng kín cửa vì sợ người Do thái”. Thế nhưng, sau khi đã nhận được sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin Mừng về Đấng Phục Sinh khiến mọi người đều bỡ ngỡ. Theo sách Tông đồ Công vụ thuật lại lúc đó, tại Giêrusalem có rất nhiều người thuộc các dân tộc với nhiều tiếng nói khác nhau, từ muôn nơi đổ về nhân dịp lễ Vượt Qua, nhưng có một điều lạ là tất cả đều nghe rõ và hiểu điều các tông đồ loan báo, họ thắc mắc: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do thái và tòng giáo, là người Crêta và Árập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”. Khi nêu lên danh sách các dân tộc này, thánh sử Luca đã cho thấy tính phổ quát của Tin Mừng cứu độ. Mọi dân nước dù xa xôi như Rôma, mút cùng của thế giới theo quan điểm của người Do thái hay bé nhỏ như Pamphylia, một thành phố rất nhỏ của đế quốc Rôma, cũng phải được nghe loan báo Tin Mừng và được qui tụ về thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền của một Chủ chiên là Đức Kitô.

Như thế, Chúa Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần”.

Kế đến, theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần còn là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh. Mỗi người, mỗi thành phần trong Hội Thánh không đứng riêng rẽ, nhưng liên đới và gắn bó chặt chẽ với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể, như lời thánh Phaolô: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy”. Có lẽ đây là một trong những hình ảnh sống động và rõ ràng nhất để diễn tả sự hiệp nhất và liên đới của mọi thành phần trong Giáo Hội.

Mặt khác, vì cùng chung một thân thể, nên mỗi chi thể cho dù hoạt động có khác nhau cũng không nhằm đem lại lợi ích cho riêng mình, nhưng là cho toàn thân thể. Mắt có nhìn thấy cũng là để hướng dẫn cho toàn thân thể; tay có làm việc cũng là làm cho toàn thân thể; miệng có ăn cũng là để nuôi sống toàn thân thể, … hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng làm mọi sự trong mọi người”. Và thánh nhân kết luận: “Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”.

Lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay là cơ hội để mỗi người chúng ta ý thức lại vị trí của chúng ta trong cộng đoàn Giáo Hội, Giáo xứ. Trong cộng đoàn đó, mỗi người chúng ta có một vị trí, và vai trò độc đáo không thể thay thế. Do đó, chúng ta hãy cố hết sức chu toàn nhiệm vụ của mình trong gia đình, trong giáo xứ. Trong mọi suy nghĩ, lời nói, cũng như hành động… chúng ta cần loại bỏ tất cả những gì không mang lại sự hiệp nhất, vì đó không phải là hoạt động của Thánh Thần.

Chớ gì nhờ việc rước chung cùng một tấm Bánh trên bàn thờ đây, mỗi người chúng ta khi trở về nhà cũng luôn biết quên mình, để tạo nên sự hiệp nhất trong gia đình, giáo xứ… nhờ đó, cộng đoàn chúng ta ngày càng dẫn đưa được nhiều người trở về với Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Amen.

THÁNH THẦN, KHẤN XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON
Ga 20, 19 - 23

Lm. Trần Bình Trọng, USA

Khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu học hỏi về Ngôi Ba Thiên Chúa, về ơn Chúa Thánh linh và những hoạt động của Chúa Thánh thần trong Giáo hội và trong đời sống người tín hữu. Giáo lý công giáo dạy có bảy ơn Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông thái, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa. Đó là những ơn căn bản cần thiết cho đời sống người Ki-tô giáo. Còn có những ơn khác nữa như ơn nhẫn nại, chịu đựng, ơn đơn sơ, hồn nhiên… Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô giải thích là ơn Chúa Thánh thần không chỉ giới hạn nơi các tông đồ mà thôi, nhưng còn được tác động trong nhiều cách thế, nơi nhiều người khác nhau.

Ta thấy ơn Chúa Thánh thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo hội như Thánh Phao-lô chỉ dạy : Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một thánh thần, có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người (1Cr 12:3). Như vậy tất cả các phần tử trong Giáo hội đều đóng những vai trò quan trọng khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau. Ơn Chúa Thánh thần ban cho mỗi phần tử khác nhau là để hợp nhất các phần tử. Và cái dấu chỉ của việc hoạt động tông đồ nhằm mục đích tìm kiếm vinh danh Chúa là cộng tác và ủng hộ hàng giáo sĩ ít là về phương diện tinh thần.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử của Giáo hội đều được gọi để sống đời thánh thiện và làm chứng nhân của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi để đóng vai trò của mình trong việc hoạt động tông đồ của Giáo hội tuỳ theo khả năng và phương tiện có thể. Cũng như một thân thể có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay.. và mỗi chi thể có phận vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhắm lợi ích cho toàn thân. Và cái dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang nước Chúa không chỉ tuỳ thuộc vào cái tài khéo, mưc độ học vấn, hay địa vị xã hội của mỗi người mà thôi, nhưng còn tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với ơn Chúa.

Khi so sánh về những hoạt động của Chúa Thánh thần trong thời Giáo hội sơ khai với đời nay, một số giáo dân nghĩ rằng họ không có đủ tài năng và ân sủng để hoạt động tông đồ. Vì thế họ rút lui vào bóng tối, không muốn xuất đầu lộ diện làm việc tông đồ. Có những người khác nghĩ rằng họ yếu hèn và tộị lỗi nên không muốn hiến thân trong đời sống và thực hành đức tin. Lại có những người khác cho rằng họ phải được Chúa vỗ vai mời gọi làm việc phục vụ nước Chúa. Khi mà Chúa muốn để lại cái ấn tượng sâu xa về quyền năng của Người, Chúa không ngần ngại dùng những dấu hiệu đặc biệt cho ta nhận thấy. Tuy nhiên đối với đa số, thì đức tin đi vào đời sống ta được phát triển một cách từ từ khó nhận ra ngay. Nói cách khác là Thiên Chúa đi vào đời ta một cách âm thầm, lặng lẽ. Ngoài ra còn có những người tự hỏi tại sao Chúa Thánh thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống ? Để trả lời, ta cần nhận định là Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống miễn là ta biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống.

Khi để Chúa Thánh thần hoạt động trong con người và đời sống, ta sẽ không phân chia trí óc, trái tim thành những ngăn ô khác nhau : một ngăn dành cho công việc làm ăn, một ngăn cho việc giải trí, nghỉ ngơi, ngăn kia cho việc ăn uống… Và những ngăn đó thì ta không mời Chúa vào. Còn ngăn cuối cùng ta dành cho Chúa, cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Để cho ơn Chúa Thánh thần có thể tác động trong đời sống, ta phải đem Chúa vào tất cả mọi ngăn ô và lãnh vực của cuộc sống. Đó chính là điều mà Thánh Phao-lô nói: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi (Gl 2:20).

CHÚA GIÊSU BAN THÁNH THẦN
Ga 20, 19 - 23
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT.

Chúa nhật hôm nay giới thiệu về Chúa Thánh Thần, Đấng mà có thể trong các bài suy niệm, giảng lễ ít được đề cập đến, nhưng Đấng ấy vẫn luôn hiện diện như hình với bóng trong cuộc đời của Chúa Giêsu và luôn ở với Hội Thánh trong mọi sinh hoạt, trong sứ mệnh Chúa Kitô trao phó.

Ngày lễ Ngũ Tuần, đánh dấu lại một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ đối với dân Do Thái. Đây là biến cố lòng tin: ngày dân Do Thái đượcThiên Chúa yêu thương giải thoát ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Chính Môsê đã vâng lệnh Chúa, đưa dân Do Thái chạy trốn khỏi đất Ai Cập,khỏi bàn tay hung ác của vua Pharaon. Nên, ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái có một tầm vóc lớn lao, mang một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cứu độ, nói lên lòng chạnh thương vô bờ vô bến của Thiên Chúa đối với dân của Người. Nó đánh dấu giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Israen tại núi Sinai. Biến cố ngày lễ Ngũ Tuần ghi dấu một sự kiện rất có ý nghĩa. Đây là dịp trùng hợp với những ngày lễ lớn của dân Do Thái, ngày qui tụ rất đông người Do Thái từ các nước khác nhau về Giêrusalem. Chính thời điểm này mà hoạt động của Chúa Thánh Thần được biểu lộ cách rõ ràng. Biểu lộ của Chúa Thánh Thần được diễn tả nơi bài đọc I : các người ở khắp nơi nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tiếng bản địa, thổ âm vv… nhưng

mọi người đều hiểu được tiếng của mình. Đây là ơn lạ do Chúa Thánh Thần ân ban: nó nói lên cộng đồng hiệp thông do Chúa Thánh Thần tái lập chứ không rải rác và lộn xộn như biến cố tháp Babel làm mất sự duy nhất của ngôn ngữ ( xem C 2, 1-11 ), khiến không ai hiểu được ai.

Như vậy, rõ ràng ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái,việc Chúa Thánh Thần hiện xuống nói lên cao điểm của Mầu Nhiệm vượt qua mới.Ngày Hội Thánh được tràn đầy Thánh Thần, ngày các tông đồ mang sức mạnh của Thần khí Thiên Chúa, ra đi khắp nơi để rao giảng( Mt 28,19- 20 ), nói lên các kỳ công của Thiên Chúa. Ngày nhân loại ý thức tình thương của Thiên Chúa, ý thức tình thương liên kết giữa mọi người. Đúng

như lời thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã viết:" Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Đức Chúa. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần"( I Co 12, 3b- 4a ).

Theo thánh Gioan tác giả Tin Mừng thứ tư thuật lại thì ngay từ lúc xế chiều, ngày thứ nhất phục sinh, Chúa đã hiện đến với các môn đệ, thổi hơi trên họ và nói:" Hãy nhận lấy Thánh Thần". Thực sự, Thánh Thần đã hoạt động ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ ( Stk 1, 1tt…) và Thánh Thần có thể đến nhiều lần với một người trong đời sống để làm những công việc khác nhau.Thánh Thần được trao ban trong ngày lễ Ngũ Tuần ở nhà Tiệc Ly không chỉ riêng cho các tông đồ mà còn có Đức Mẹ và các người phụ nữ khác nữa( Cv 1, 14 tt ), sau đó cả lương dân cũng được đón nhậnChúa

Thánh Thần( Cv 10, 45 ). Ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban xuống cộng đoàn các môn đệ chỉ rõ ra rằng đây là một biến chuyển lớn trong lịch sử cứu rỗi. Còn việc Chúa ban Thánh Thần cho các tông đồ ngày thứ nhất phục sinh lại có một ý nghĩa khác hay nói đúng hơn, thánh Gioan chỉ muốn cho nhân loại thấy việc Chúa sống lại hiện ra và ban bình an cho các môn đệ, biến cuộc hội họp của họ sau khi Chúa phục sinh thành buổi hội họp phụng vụ, biến các tông đồ từ tình trạng sợ sệt,hoang mang, lo âu, xao xuyến đến tình trạng sinh động, không sợ hãi vì họ được ơn Chúa Thánh Thần, họ đã hiên ngang, can đảm, nhất nhất làm chứng cho sự chết và phục sinh của Chúa sống lại.

Đức Giêsu Kitô chết, sống lại, ban Thánh Thần để nói lên sự duy nhất của Hội Thánh Ngài. Là chi thể của Chúa phục sinh, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, sống tình huynh đệ và tung vãi niềm tin yêu cho mọi người, để họ nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa đang hiện diện giữa thế gian.

Thánh Thần hiện xuống ban sự hiệp nhất, ơn bình an cho Giáo Hội, cho nhân loại. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần:

- Biến đổi lòng trí chúng ta để nhất nhất mọi sự chúng ta làm đều cho vinh danh Chúa phục sinh.

-Ban ơn an bình cho mọi người, mọi gia đình để năm thánh hóa gia đình được hoàn toàn tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, xin hãy tái diễn nơi Giáo Hội ngày lễ Hiện Xuống mới.

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19 - 23

John Nguyễn

1. Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, nhưng… bị quên lãng

Từ khi Giáo Hội khai sinh, vai trò và hoạt động của Thánh Thần mới được chú ý tới nhiều, qua sự ý thức và nhấn mạnh của Giáo Hội, đặc biệt của Đức Giêsu, của các tông đồ. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, An Ủi cho Giáo Hội: «Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16). Và Đấng Bảo Trợ ấy chính là Thánh Thần: «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em» (Ga 14,26). Đức Giêsu đã ra đi để giao lại nhân loại và Giáo Hội cho Thánh Thần: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em» (Ga 15,26). Chính vì thế, hiện nay chúng ta đang sống trong thời hoạt động của Thánh Thần, Ngài đang hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội và trong chính tâm hồn ta. Nhưng ta ít chú ý tới Ngài. Chúng ta thường tập trung quan tâm của mình vào Chúa Cha, nhất là Đức Giêsu. Vì thế, Thánh Thần trở thành vị Thiên Chúa bị quên lãng. Do đó, chúng ta ít hợp tác với Thánh Thần, và Thánh Thần không biến đổi ta một cách hữu hiệu được. Vì dù hoạt động mạnh mẽ thế nào, Thánh Thần vẫn luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Thánh Thần luôn luôn mời gọi, nhưng con người vẫn luôn luôn có thể làm ngơ vì không quan tâm, hoặc từ chối lời mời gọi đó. Chính vì thế, công việc của Thánh Thần thật hết sức khó khăn.

2. Kế hoạch của Thiên Chúa

Thánh Thần là Đấng tiếp tục công trình của Đức Giêsu trong thế giới và Giáo Hội. Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đổi mới trong Giáo Hội, để Giáo Hội ảnh hưởng tốt đến thế giới. Nhưng để được làm điều ấy, Thánh Thần luôn luôn phải hoạt động trong mỗi cá nhân. Cá nhân có thay đổi thì Giáo Hội mới thay đổi, cá nhân có nên thánh thì Giáo Hội mới thánh thiện. Tất cả mọi đều bắt đầu từ những cá nhân, và lan truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác. Kế hoạch của Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời là chiến lược «men trong bột» (x. Mt 13,33), «muối ướp đời» (x. Mt 5,13) hay «đèn sáng cho trần gian» (x. Mt 5,14). Men là một chất có hoạt tính, có khả năng biến đổi chất bột tiếp xúc với mình trở nên giống như mình. Mất hoạt tính này, men không còn là men nữa, nó trở thành một thứ bột vô dụng. Muối hay đèn cũng có hoạt tính tương tự. Một hình ảnh khác là lửa, nhưng lửa có tác dụng lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì thế, Thánh Thần khi hiện xuống trên các tông đồ đã lấy hình lưỡi lửa làm biểu trưng cho mình.

Trong quá trình phát triển từ xưa đến nay, Giáo Hội vẫn theo chiến lược «men trong bột», nhưng phải nói rằng Giáo Hội đã phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu. Nội dung lan truyền chủ yếu là danh nghĩa, hình thức tôn giáo bên ngoài, hơn là đích thực sống tinh thần Tin Mừng bên trong. Biết bao Kitô hữu chỉ giữ đạo theo tập tục (siêng năng đọc kinh, dâng lễ, chịu các bí tích), nói chung là chuộng những thực hành thấy được, và lấy đó làm đủ, mà ít sống đạo, ít đi vào chiều sâu tâm linh, ít khi thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa chưa đúng với tinh thần «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), mà còn mang nặng tính thể lý, bên ngoài, nên còn nhiều tính giả dối, không trung thực (ngoài và trong khác nhau). Vì thế, Giáo Hội dường như không còn phát triển mạnh như những thế kỷ trước nữa, thậm chí dừng lại hoặc sút giảm về mặt tỷ lệ dân số (mặc dù số lượng vẫn tăng theo đà phát triển dân số).

Chiến lược «men trong bột» đòi hỏi phải có những cá nhân thật tốt, thật nhiệt thành. Những cá nhân tốt ấy sẽ ảnh hưởng tốt sang những cá nhân khác bằng gương sáng, bằng những hoạt động nhiệt thành và tích cực, biến họ nên tốt, nên nhiệt thành như mình. Nhờ đó, những cá nhân tốt càng ngày càng được nhân lên. Càng nhiều cá nhân tốt thì Nước Trời càng phát triển, càng lớn mạnh. Nhưng ai sẽ là men đây? Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta trở nên «men,», không chỉ là «men» mà còn là «men tốt». Mỗi khi lắng đọng tâm hồn lại, chúng ta đều nghe thấy tiếng Ngài mời gọi.

3. Làm sao trở thành men tốt?

Trong chiến lược phát triển Nước Trời, «men trong bột» phải có một «hoạt tính» rất mạnh, nghĩa là có khả năng biến đổi người khác nên tốt và nhiệt thành giống như mình. Như vậy, chính mình phải là người tốt và nhiệt thành đã, chính mình phải thật sự sống tinh thần Tin Mừng đã. Muốn thế, ta phải tiếp xúc với Thánh Thần, nguồn phát sinh «hoạt tính» ấy. Nhưng làm sao tiếp xúc với Thánh Thần? Bằng cách kêu cầu Ngài với những kinh hay những bài ca về Thánh Thần chăng? Phải nói đó là những cách thấp nhất để tiếp xúc với Thánh Thần, thường chỉ dành cho những người chưa thể cầu nguyện tự phát hay chưa biết cách cầu nguyện. Muốn có một đời sống nội tâm thật sự, muốn tiến triển trên con đường tâm linh, ta cần phải tiếp xúc với Thánh Thần một cách thật sự và hữu hiệu.

4. Làm sao để tiếp xúc với Thánh Thần thật sự và hữu hiệu?

Muốn tiếp xúc với Ngài, trước hết phải biết Ngài ở đâu, bản chất của Ngài thế nào. Thánh Thần là thần khí (spirit = tức tinh thần), hiện diện khắp nơi, tràn đầy trong vũ trụ, trong không gian và thời gian. Chúng ta có tinh thần, và tinh thần của ta cũng là thần khí. Một cách nào đó, tinh thần của ta phần nào đồng bản chất với Ngài. Chính vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, phải gặp bằng chính thần khí hay tinh thần của ta. Đức Giêsu đã nhắc nhở: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Nếu ngày xưa thánh Phaolô nói: «Chúng ta, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, mới thật là những người được cắt bì» (Pl 3,3), thì ngày nay ta cũng có thể nói: chỉ những ai thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí mới là người Kitô hữu đích thực. Đó là những người thờ phượng Thiên Chúa bằng tinh thần, bằng tâm hồn, bằng ý thức và bằng tình yêu, bằng việc thật sự gặp gỡ và sống trong Thánh Thần, chứ không phải chỉ bằng những nghi thức bề ngoài, dù những nghi thức này lắm khi cũng cần thiết. Thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài mà không có bên trong là thờ phượng trong giả dối, không phải là trong chân lý.

Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ trụ, nhưng lại hiện diện «đặc sệt» và tràn đầy nhất trong tâm hồn ta: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16); «Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19). Vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, không gì tốt hơn là gặp Ngài trong chính bản thân mình, bằng tinh thần của mình. Việc gặp gỡ Ngài rất dễ dàng: chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Điều quan trọng trong việc gặp gỡ Thánh Thần là những ý thức và tâm tình có thực bên trong, chứ không phải là những lời cầu nguyện phát biểu ra, dù là phát biểu trong tâm trí. Tuy nhiên, nếu những lời ấy tự nhiên bộc phát ra từ đáy lòng, thì cũng là điều rất tốt. Tuyệt đối không nên sáng tác ra bất kỳ lời nào khi không có những tâm tình đích thực bên trong, vì cầu nguyện như thế là thờ phượng trong giả dối. Lời bộc phát ra phải luôn luôn phù hợp với tâm tình có thực bên trong mới là thờ phượng trong chân lý.

5. Ý thức và tâm tình phải có khi tiếp xúc với Thánh Thần

Khi hồi tâm để tiếp xúc với Thánh Thần, ngoài việc ý thức sự hiện diện thật sự của Ngài trong tâm hồn ta, ta nên ý thức rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương của ta. Hãy giục lòng tin tưởng rằng: nếu năng tiếp xúc với Ngài thì sức mạnh và khả năng yêu thương vô biên của Ngài sẽ truyền sang ta, như năng lượng từ dòng điện truyền sang dụng cụ điện, làm dụng cụ ấy hoạt động. Thường xuyên tiếp xúc với Ngài như vậy, nội lực và tình thương của ta ngày càng tăng lên một cách cảm nghiệm được.

Ngoài ra, ta cần tan hòa trong Thánh Thần bằng tâm tình «tự hủy» (kenosis), «tự sát tế» của Đức Giêsu. Nghĩa là có sự quyết tâm muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha nhân, không tự coi bản thân mình, ý riêng của mình, và những gì của mình là quan trọng. Tâm tình ta cần có là: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30), nhỏ đi chừng nào tốt chừng nấy.

Song song với tâm tình «tự hủy» cần phải có là tâm tình «vị tha». Nghĩa là có sự quyết tâm sống cho Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần đề nghị để gieo tình thương và hạnh phúc nơi nơi, cho tất cả mọi người chung quanh ta.

Và cuối cùng là lắng nghe tiếng của Thánh Thần vang dội trong lòng mình. Tiếng của Ngài ngày càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ nếu ta luôn luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Tiếng của Ngài sẽ dần dần yếu đi nếu ta bỏ lơ hay không đáp lại lời mời gọi ấy.

Thường xuyên gặp gỡ Ngài như thế, chắc chắn cuộc đời của ta sẽ biến đổi và trở nên men tốt, muối tốt ánh sáng rực rỡ cho xã hội, Giáo Hội và đặc biệt cho môi trường chung quanh ta. Và đó chính là cách ta «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật».

Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban Thánh Thần cho thế giới. Nhưng dường như sự hiện diện của Ngài trong thế giới ít được người Kitô hữu quan tâm đến trong đời sống thực tế của mình. Nếu có thì thường chỉ được nhắc đến trong phụng vụ. Xin Cha giúp con năng tiếp xúc với Thánh Thần để được tan hòa trong Ngài và nhận được tràn đầy sức mạnh và khả năng yêu thương của Ngài. Nhờ đó con trở nên muối men cho đời, cho những người chung quanh con, để biến họ nên tốt lành và hạnh phúc hơn.

Nguồn vietcatholic.org

 

1676    23-05-2015 20:20:44