Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Họ Đạo Phước Hảo

z5112121669303f171bccded341c327f3f1c0267ac3c231
Địa chỉ: Ấp Hòa Hảo, Xã Phước Hảo, Huyện Châu Thành, Tỉnh Trà Vinh

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XIX Thường Niên

Số giáo dân: 4950

Năm thành lập:

Giờ lễ:           

Chúa nhật:       04g30;     08g00;     15g00

Ngày thường: 04g30  

                     Chiều thứ 5:    17g00

Linh mục Chánh sở: Phêrô Huỳnh Văn Quang

Linh mục Phụ sở: Giuse Võ Văn Minh Phụng
                             Phaolô Nguyễn Thanh Trà

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Năm 1824 có 4 người từ Bạc Liêu qua vùng Bàng Đa, cách Trà Vinh 10 Km về phía Đông- Nam lập nghiệp. Bốn người đó là: - Nguyễn Văn Nhân; - Nguyễn Văn Triều; - Trương Văn Vầy; - Huỳnh Văn Binh.

Ban đầu chung quanh toàn là vùng đồng năng và trồng tràm, nên họ chọn một Giồng để sinh sống. Giồng này của một người Khmer tên là Krùm nên có tên là Giồng ông Krùm. Họ Giồng Rùm bắt đầu từ đó. Từ từ những người có đạo khác tìm đến sinh sống tại đây, nên số giáo dân lúc đó lên đến 100 người.

Năm 1856 là lúc bắt đạo gắt gao, một số giáo dân tại đây bị bắt và còn lại thì tản lạc để mưu sinh. Khi đó đã có một Nhà Thờ tạm bằng tre lá, nhưng đã bị phá hết.

I. PHÁT TRIỂN

Khi mọi sự đã yên ổn. Vào thời Đức Cha Gioan Miche, đã sai 2 Linh Mục người Pháp là Cha Nhơn và Cha Lập đến khôi phục lại Họ Đạo.

Từ năm 1856 – 1896 nhiều Linh Mục người Pháp đã thay phiên nhau đến để khai phá và phát triển Họ Đạo. Đáng kể nhất là Cha P. Favier (Cha Hiền) đã xây cất Nhà Thờ, nhà xứ, trường học, nhà Dì, nhà mồ côi, Đất Thánh và đào những giếng nước để bà con sinh sống. Số giáo dân lúc bấy giờ lên đến 700 người và ruộng nhà chung có trên 500 mẫu.

Khoảng thời gian từ 1920 – 1927 có các Linh Mục Việt Nam coi sóc Họ Đạo Cổ Chiên và cho con em đi tu vào các Chủng viện, Nhà Dòng, Nhà Phước. Giai đoạn này các Cha lo đắp nền Nhà Thờ trên diện tích Nhà Thờ hiện nay.

Vào năm 1933 Cha Giuse Bạch lo xây cất Nhà Thờ mới tốt đẹp, chắc chắn và khang trang như hôm nay. Khi đó giáo dân có khoảng 1.200 người.

Khoảng năm 1955 về sau thì Họ Đạo Giồng Rùm được đổi tên là Phước Hảo và cất thêm được ba Nhà Thờ nhỏ là Vĩnh Hòa, Bãi Vàng, Xóm Chòi.

II. DUY TRÌ

Nhiều Cha sở đã lo gìn giữ và phát triển để Họ Đạo Phước Hảo còn giữ được những nét đẹp và lòng đạo đức như hiện nay.

Đầu thế kỷ 21 Phước Hảo có được khoản trên 4200 người, bao gồm trên 900 hộ dân.

Những tổ chức chính của Họ Đạo:

    1. Quới chức: gồm 1 ông Trùm, 4 ông Câu và 30 ông Biện, được chia ra làm 10 Sở biện, mỗi sở Biện có Biện sở và Biện phó phụ trách. Có một tượng đài cho mỗi Sở biện.

    2. Đạo tỳ: là một nhóm trên 30 anh em chuyên lo mai táng và các việc khác trong tang gia, mỗi tháng họp một lần, lấy ngày 29/09 làm bổn mạng.

    3. Legio Mariae: có một Curia hoạt động tại đây bao gồm 12 Praesidium.

    4. Hội Thiện Tử: sinh hoạt trong Họ Đạo, tổng số hội viên có 780 gia đình. Khi hữu sự thì Hội lo hòm rương, đồ liệm, đạo tỳ, nhà rạp, bàn ghế.

    5. Nhà trẻ: được thành lập và cưu mang của bà con trong Họ Đạo. Số học sinh khoảng 120 em được học tại đây. Mỗi ngày có bán trú từ 10g – 4g chiều.

Một nguồn tài liệu liệu khác. Họ Đạo Phước Hảo.

I. THỜI KỲ KHAI SÁNG

Không rõ Họ Đạo Phước Hảo được thành lập từ năm nào và do ai. Chỉ nghe biết một điều là tổ tiên giáo dân Phước Hảo là người miền Trung có lẽ là Qui Nhơn theo gió mùa mà vào nam lập nghiệp (thời kỳ nam tiến) hoặc trốn tránh cuộc bắt đạo. Tương truyền rằng một trong những người tín hữu đầu tiên đến Giồng Rùm là ông Bốn. Ông và gia quyến là người Khánh Hòa gồm 14 người đến Bãi Xan vào khoảng 1854. Một thời gian sau vì bất thuận với ông cả Mậu cũng là người gốc Khánh Hòa đến Bãi Xan trước ông 4 năm, ông Bốn đem gia đình về Sóc Rùm đời Chúa Nguyễn Phước Toản.

Đến 1833 á Thánh Marchand Du đã đến lánh nạn tại Họ Giồng Rùm và lúc đó xem chừng đã có qui củ như một Họ Đạo hẳn hoi.

Năm Thiệu Trị thứ 2, đất ruộng Họ Giồng Rùm đã đăng bạ tại sổ địa bộ lên tới 611 mẫu 60 và thổ cư gồm 22 mẫu 40, trích bản kê khai ruộng đất của ty địa chánh và cải cách điền địa.

Cha sở đầu tiên là Cha Charles Fontaine.

Vào đầu thập niên 1850, Thánh Philipphê Phan Văn Minh có dịp làm mục vụ tại Giồng Rùm. Cũng có nguồn đồn lại rằng trong thời cấm cách (trước 1846) Họ Giồng Rùm có bị một cuộc bắt đạo mà nạn nhân lên tới số 120 người nam phụ lão ấu. Tất cả đều bị giải về Trấn Long Hồ, giam tại trại Tuyển Phong và tất cả đều quá khóa.

II. THỜI KỲ KIẾN THIẾT (1864 – 1937)

Khi Hội Thánh được bình an, Họ Giồng Rùm được củng cố. Thoạt tiên Giồng Rùm là Họ chánh. Về sau nhận thấy đất Giồng Rùm không màu mỡ nên dời về Vĩnh Kim. Vì Cha Benoît Amans là hạt trưởng nên Giồng Rùm trở thành Họ lẽ (détaché) của Vĩnh Kim. Suốt thời gian Cha sở dời về hạt Vĩnh Kim, Cha trú tại Giồng Rùm là Cha phó của Vĩnh Kim. Vì thế vào các dịp đại lễ và đầu tháng Cha Giồng Rùm phải giúp làm phước cho Cha sở Vĩnh Kim. Về sau (có người cho rằng thời Cha Giuse Bạch) Họ Giồng Rùm mới trở thành độc lập với Vĩnh Kim về thiêng liêng và vật chất.

Tương truyền rằng vào thời Pháp thuộc có một Nhà Nguyện tại Bàng Đa ngay chỗ nền Đình Khánh Phước bây giờ.

Trong thời gian Hội Thánh được bình an, các cơ sở vật chất được kiến thiết và ngày nay còn thâu lượm được các dữ kiện như sau:

Nhà Thờ Họ được thành lập cặp theo đường hương lộ Trà Vinh – Long Toàn hiện thời: mặt hướng về phía Bắc (kinh Nhà Thờ). Nhà Thờ xây bằng gạch, lợp ngói, ngồi trệt trên đệm. Có lẽ là vào năm 1894 (căn cứ vào chuông nhứt, trên có ghi Giồng Rùm hội 1894 do ông J. M. Favier tặng). Hai bên hông có 2 hàng sứ, ngày nay còn lại 4 cây, tháp chuông coi bằng gỗ vị trí ngay chỗ núi Đức Mẹ hiện thời.

Nhà Cha sở không biết chính xác cất từ lúc nào nhưng theo lời ông câu Mỹ (1909 – 1982) thì lúc ông có trí khôn nghe nói là đã có trên 60 năm.

Nhà các Dì không biết do ai xây cất và vào năm nào. Vị trí ở tại ranh Nhà Thờ và út Cưởng hiện thời. Các Dì trách nhiệm là Nhà Phước Mến Thánh Giá Cái Mơn.

Đất Thánh vị trí hiện thời. Nhưng phía Tây lấn ra đường hương lộ. Cây Thánh giá giữa Đất Thánh gọi là Thánh giá toàn xá được dựng lên vào năm 1928 trào Cha Phaolô Duông. Trào Cha Giuse Bạch chỉnh trang lại như ta thấy ngày nay.

Vựa lúa Giồng Rùm điền thổ nhiều mặc dù năng suất kém cũng có vựa lúa chứa độ chục ngàn giạ. Vựa lúa nhà sàn bằng cây căm xe, cà chất, lợp ngói, vách thao lao theo mẫu vựa lúa Vĩnh Kim. Vị trí nằm giữa nhà Dì và nhà Cha sở chạy dài đến phòng Thánh ngày nay. Sau nhiều cuộc biến đổi vựa lúa thâu hẹp lại còn 4 căn và triệt hạ luôn vào năm 1977.

Thánh Đường ta thấy ngày nay là công trình của Cha Giuse Bạch (1933 – 1941). Cha khởi công xây cất ngày đầu tháng Đức Mẹ năm 1935 và khánh thành 2 năm sau. Bổn mạng Nhà Thờ là Chúa Giêsu Vua.

Thánh Đường Giồng Rùm lấy kiểu theo 3 Nhà Thờ ở Sài Gòn là Tân Định, chợ Đũi và Hạnh Thông Tây. Chiều cao tháp chuông 37 m. Mái lợp ngói tây. Từ tháng 6 – 1957 đến 3 – 1958, Cha Giuse Bạch lại trở về Giồng Rùm thay thế cho Cha sở Nguyễn Linh Nhạn dưỡng bệnh tại Vĩnh Long. Chính trong thời gian này mà Cha Giuse đã sửa chữa mái Nhà Thờ, dùng ngói móc thay cho ngói tây. Phần ngói tây lấy ra từ Nhà Thờ đem lợp trường Họ có tên là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vị trí ngôi trường này nằm phía sau phòng Thánh và giáp ranh bà 4 Ca, mặt tiền hướng về phía Bắc. Trong trường một ảnh giấy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, phía dưới có hàng chữ: xin Mẹ hằng cứu giúp học sinh trường này.

Về mặt xã hội Cha Giuse Bạch chú trọng đến nông nghiệp, nguồn gốc cơ bản của giáo dân. Cha cho nong kinh Nhà Thờ nhằm 2 mục đích: di chuyển vật liệu xây cất Nhà Thờ và dẫn thủy nhập điền. Cha sửa lại kinh Hàng Tràm và khai cho xuyên qua Đất Thánh.

Ánh sáng (khí đá và điện) là dấu hiệu của sự phát triển. Khi chưa có điện, Cha Giuse dùng khí đá soi sáng Nhà Thờ và núi Đức Mẹ. Khi ánh sáng điện khí tràn tới Việt Nam thì Giồng Rùm đã có máy điện và nêông. Về phương diện xã hội, nhà máy chà được hình thành vào đầu năm 1958 và hoàn thành sau đó do Cha Nguyễn Cang Thường. Vị trí nhà máy nằm phía sau nhà Dì, mặt quay ra hướng kinh Nhà Thờ. Tại đây có 1 cầu bến thuận tiện cho việc ghe cộ tới lui.

Núi Đức Mẹ và núi Calavariô là 2 công trình tiếp nối sau ngôi Thánh Đường. Mỗi tuần vào chiều thứ sáu mọi người viếng Chúa đều ra viếng núi sọ. Ngày thứ bảy thì viếng núi Đức Mẹ. Tại đây Cha làm một hệ thống phun nước trông rất đẹp mắt.

Cổng Nhà Thờ, Cha Giuse xây theo mẫu Arc de Triomphe, kiến trúc theo lối Roman. Về sau đời Cha Phillipphê Thạnh thêm phía trên khải hoàn môn hình chim bồ câu mà nhiều người gọi nôm na là chiếc máy bay.

Cha Bạch rất quan tâm về tương lai của Địa phận. Chính Cha đã gỡ án phạt của Đức Cha Quinton không cho học trò đi Chủng viện. Trào của Cha trẻ em nào muốn đi Nhà Phước hoặc Chủng viện, Cha đều gọi để đến sống với Cha hoặc các Dì. Hoa quả đầu mùa của Chủng viện là Cha Phêrô Đinh Tài Tướng.

Tổng kết. Các cơ sở vật chất xem ra vững bền tại Phước Hảo ngày nay đều do công trình của Cha Bạch. Đa số giáo dân nghĩ như thế. Ngoài những cơ sở thuần túy tôn giáo, Cha chú trọng đến sự trường tồn của Họ Đạo bằng cách tìm nhiều người cộng tác (quới chức) và tiếp nối công việc chăn dắt (Linh Mục Tu sĩ). Bất cứ lãnh vực nào cũng có sự cầu tiến.

Công việc huấn luyện giáo dân do Cha Bạch thực hiện rất đa diện:

Tôn giáo đối với Ngài không phải chỉ gói ghém và nhốt trong Nhà Thờ nhưng còn ở ngoài xã hội nữa. Ngài chú trọng đến văn hóa. Về xã hội, việc đời được tinh thần tôn giáo soi sáng.

Về tôn giáo thuần túy, ngài chú trọng đến các việc đạo đức như tôn sùng Đức Mẹ, Các đẳng linh hồn …

III. CHIẾN TRANH (1938 – 1975)

Các cơ sở xây dựng trong thời kỳ này:

Nhà Thờ Bãi Vàng cùng với trường học.

Nhà trường ngói 8 căn đối diện với trường Họ Đức Mẹ hằng cứu giúp.

Nhà lầu cạnh nhà bếp.

Nhà Thờ Vĩnh Hòa.

Nhà trường Thánh Mẫu.

Tất cả các cơ sở này là do sáng kiến của Cha Nguyễn Cang Thường. Đặc biệt trong thời kỳ này tòa Giám Mục Vĩnh Long đã cất nhắc Họ Giồng Rùm lên Họ Đạo chính thức vào năm 1960 và từ đó trở đi gọi là Họ Đạo Phước Hảo (tên hành chánh của xã).

IV. THỜI KỲ LẬP LẠI HOA BINH (SAU 1975)

Thu gọn Đất Thánh: đường đưa xác trong khuôn viên Nhà Thờ.

Thu gọn nhà trường: nhà ngói tân tạo cho các Dì Saint Paul Mỹ Tho ở. Nhà trường Đức Mẹ hằng cứu giúp lấy cây và tôle sửa nhà Cha sở.

Thu gọn nhà máy xay để chuyển sang thứ khác phục vụ người nghèo đắc lực hơn.

Sắp xếp lại hội Thiện Tử giúp người nghèo trong khi tang chế.

CÁC CHA SỞ VÀ CHA PHÓ GIÚP HỌ ĐẠO PHƯỚC HẢO:

            1. Cha Nhơn và Cha Lập khoảng năm      1856

            2. P. Fontaine (Cha Hương)

            3. P. Le Prince (Cha Báu)

            4. P. Favier (Cha Hiền):                           1874-1896

            5. P. H Clair (Cha Quang):                       1896-1897

            6. Henry Hay:                                        1898-1915

            7. Cha Viện:                                           1898-1915

            8. Cha Phêrô Tròn:                                  1915-1920

            9. Cha Giacôbê Lê Quang Bạch:               1920-1926

            10. Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Truyên:    1926-1927

            11. Cha Phaolô Nguyễn Văn Duông:         1927-1930

            12. Cha Đặng:                                        1930-1933

            13. Cha Giuse Nguyễn Văn Bạch:             1933-1941

            14. Cha Giuse Đặng Phước Hai:                1941-1948

            15. Cha GBt Nguyễn Văn Nhạn:               1948-1959

            16. Cha Phêrô Nguyễn Cang Thường:       1955-1965

            17. Cha Phil Võ Phước Thạnh:                  1965-1969

            18. Cha Félix Nguyễn Văn Xuân:              1969 (phó)

            19. Cha Dm Thân Trọng Hoan:                 1968 (phó)

            20. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tý:                1969-1975

            21. Cha Phêrô Nguyễn Văn Đổ:                1973-1974 (phó)

            22. Cha Phêrô Nguyễn Phước Lợi:             1975-1993

            23. Cha Antôn Nguyễn Văn Trạch:            1975 (phó)

            24. GBt Dương Công Đức:                       1976-1986 (phó)

            25. Cha Phêrô Lê Công Rạng:                  1976-1993 (phó)

            26. Cha Augustinô Nguyễn Sơn Đoài:       1993-2005

            27. Cha Tôma Lai Văn Biên:                    1993-2000 (phó)

            28. Cha Matthêu Nguyễn Văn Hiền:          2000-2005 (phó)

            29. Cha Phêrô Ngô Văn Be:                      2005

            30. Cha Philipphê Minh Trương Thanh Sơn 2005 (phó).

            31. Phêrô  Nguyễn Kim Tùng                    2009- 2010 (phó)

            32. Giuse Nguyễn Phước Lễ                      2011 – (phó)           

11309    22-02-2011 09:56:26