Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Họ Đạo Mặc Bắc: Giáo Dân Chăm Lo Phần Đất An Nghỉ Cho Người Thân Của Minh - 2015

Những người Công Giáo được dạy cho biết sống hai chữ YÊU.

Có thể chữ này như hai thanh của cây Thập giá. Thanh dọc là đối Thiên, con người sống bổn phận hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Chủ Tể Vạn Vật. Người Kitô hữu còn có tên gọi là “người con” – con trong CHÚA CON, người con sống hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha, biết phụng sự Cha, làm theo ý Cha, làm sáng danh Cha,..

Trong thập giới – mười điều răn Đức Chúa Trời của người Công Giáo, 3 giới luật đầu tiên người ta phải yêu mến Thiên Chúa, lo phụng sự Thiên Chúa. Đó chính là bổn phận của người con. Là thanh dọc đối với Thiên Chúa.

Và vế thứ hai, thanh thứ 2 của cây thập giá phải là thanh ngang, đây là hình ảnh tượng trưng cho tương quan con người với con người, tương quan vị tha, hướng tha. Người ta không ai là hòn đảo, sống cho, sống cùng và sống với. Thế nên nếu trong mười điều răn, ba giới răn đầu nói về bổn phận của người con đối với Thiên Chúa thì 7 giới răn còn lại, là bổn phận, là trách nhiệm, là lề luật Tình Yêu họ phải thể hiện trong các mối tương quan đối với nhau: tương quan người với người, biết sống yêu thương tha nhân như chính mình.

Trong điều răn đầu tiên trong 7 điều răn còn lại thì điều răn thứ 4 dạy người ta sống biết ơn với tha nhân, đầu tiên là ông bà cha mẹ và những người đã có công sinh thành dưỡng dục người ta. Đấng sinh thành dưỡng dục có những người còn sống và có những người đã chết. Bổn phận làm con, người ta phải có trách nhiệm yêu thương, yêu mến, quý trọng.

Vì thế, Giáo Hội Công Giáo dành Tháng 11 để cầu nguyện cho người quá cố.

 Hòa trong tâm tình chung của Giáo Hội, vào những ngày cuối tháng 10, đặc biệt ngày 26/ 10/ 2015, đông đảo bà con giáo dân Mặc Bắc dành ngày này tập trung đi ra Đất Thánh của Họ đạo, họ dành thời gian để chăm lo phần mộ cho người quá cố, tổ tiên Ông bà cha mẹ, những người thân của mình, ... Bằng tất cả tấm lòng thảo hiếu, bà con ai ai cũng hết sức cố gắng, sửa sang, trang trí, làm cỏ, sơn phết, làm lại cho phần mộ Ông bà tổ tiên thân bằng quyến thuộc của mình. Kẻ thì xách nước lau chùi, người thì làm cỏ sạch sẽ, .... người lớn và kẻ nhỏ đều nô nức làm như một việc, một món quà để trao gởi cho người thân, như phần nào trả hiếu cho những người đã chết... Từ người lớn đến trẻ nhỏ, kể cả những cụ già xem chừng quá “sức lao động” nhưng vẫn miệt mài góp phần làm cho khuôn viên đất thánh Mặc Bắc trở nên một bức tranh có giá trị thiêng liêng, cao quý, giá trị của những hy sinh và quảng đại, giá trị phúc đức dâng cho người đã chết mà còn là phần phúc tích lũy cho con cháu để dành hậu thế mai sau.

Nhìn thấy những cụ già chỉ.. lau lau.. chùi chùi... một cách nỗ lực hết sức, chợt tôi hỏi: lau chùi như vậy cụ có mệt không??

Cụ già, ngẩng mặt lên, vén lại cái nón, lau những giọt mồ hôi trên trán rồi trả lời nhanh nhảu: - làm gì mà mệt, chuyện này có đáng là bao so với công ơn cha mẹ tui đã “mang nặng đẻ đau” hay một đời vất vả vì con cái. ...

Bây giờ tôi thấm thía hơn câu nói của ông cha ta:

 “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.”

Hay những vầng thơ khác diễn tả:

“Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.

 Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.”

Vì thế, Đó là hình ảnh thiêng liêng cao quý ấp ủ trong trái tim của mỗi người, con người dù có đi đâu hay làm nghề nghiệp gì, dù là quyền cao chức trọng đi nữa, cũng nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục nên mình.

Tôi nói thêm như lời động viên: - Vậy là cụ hiếu thảo lắm rồi!!!

Cụ nhìn tôi rồi nói như chỉ dạy:

 - Tôi lo phần an nghỉ cho cha mẹ tôi, đó là điều Hội Thánh dạy và đồng thời tôi lo cho người chết đồng nghĩa tôi nhắc nhở tôi sẽ phải chết.  Chỉ có Chúa mới vĩnh cửu nên tôi lo bám vào Thiên Chúa mà chu toàn bổn phận của mình.

Quả đúng như vậy, Cao Bá Quát đã nói:

 Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy những nực cười”.

Hay tác giả sách Giảng viên nói :

Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa.

Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết,

ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn”.

Và sau đó tác giả nói thêm : “Chỉ mình Chúa là tồn tại vĩnh viễn muôn đời”. 

Vì thế, những bà con Giáo dân Mặc Bắc nói riêng và những người Công Giáo nói chung đã thể hiện tấm lòng yêu quý, yêu thương ông bà tổ tiên của mình, quý trọng phần đất an nghỉ của người quá cố nên họ đã quảng đại chăm lo phần đất an nghỉ đó như một phần để trả hiếu, làm theo lẽ đạo làm con của mình. 

Bổn phận hiếu thảo đối với Thiên Chúa giúp cho người Công Giáo cũng biết sống hiếu thảo đối với tổ tiên Ông bà cha mẹ của mình.

Nếu cây thập giá có hai thanh ngang và dọc thì cuộc sống người Công Giáo cũng phải biết sống thờ phượng Thiên Chúa và hiếu thảo với tổ tiên mình.

Xin Chúa thương ban cho các linh hồn được nghỉ an muôn đời. Xin Chúa cũng cho mọi người nhớ rằng tháng mười một cầu nguyện cho những người đã mất thì chính mình cũng đang cầu nguyện, lo sống yêu thương, lo cho phần rỗi đời đời của mình nữa!!!

 

 Xin xem hình >>>

864    04-11-2015 17:04:56