Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hãy Trở Thành Hiện Thân Của Lòng Thương Xót

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Cv 5, 12-16; Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19; Ga 20, 19-31

Sau biến cố tử nạn của Thầy mình, các tông đồ tìm đến với nhau để ở lại với nhau trong sự an ủi nhau khi bơ vơ tất bạt vì mất Thầy. Và cũng vì sợ người Do Thái truy lùng như trang Tin Mừng hôm nay thuật lại mà các tông đồ tụ họp trong phòng lầu tại Giêrusalem, đóng cửa và gài chốt bên trong.

Các ông tụ họp nhau lại cầu nguyện để an ủi, nâng đỡ nhau sau cảnh tang thương bi đát trước cuộc tử nạn của Thầy mình,. Bỗng nhiên Ðức Giêsu hiện ra trước mắt các ông để củng cố đức tin gần như bị tàn lụi của các ông.

Tin mừng thuật lại hai lần Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin của các.

Lần thứ nhất (c 19-25): vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Phục Sinh đã hiện đến đứng giữa các môn đệ đang hội họp  không có Tôma. Người cho các ông xem các vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn để chứng minh Người đã sống lại sau cuộc tử nạn, rồi thổi hơi ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông.

Lần thứ hai (c 24-29): Tám ngày sau, Chúa Giê-su lại hiện ra với các môn đệ và có Tôma. Người đặc biệt đáp ứng các đòi hỏi của ông. Rồi khi ông đã đạt đến đức tin, thì Người dạy: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

Riêng có ông Tôma lại tách rời ra khỏi các bạn đồng chí hướng. Do đó đức tin của ông đã bị dập tắt: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào vết đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi nhất định không tin (Ga 20, 25). May phúc cho ông là chính Ðức Giêsu lại đích thân hiện ra để phục hồi đức tin của ông. Lúc này ông kêu lên: Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con (Ga 20, 28).

Tôma là người cứng tin, nhưng sau khi đã được gặp gỡ Chúa và đã cảm nghiệm về sự phục sinh của Người, ông đã đạt tới một đức tin sâu xa và vững mạnh nhất, thể hiện qua lời tuyên xưng đức tin : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20, 28). Ngang qua Tôma, Chúa Giêsu chúc phúc cho các tín hữu sẽ tin theo Người sau này như sau: “Vì đã trông thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay người không thấy mà tin”. 

Ngày nay, dẫu rằng không ai trong chúng ta được gặp Chúa Phục Sinh, không trực tiếp nghe lời nói của Người, cũng không được ăn uống tiếp xúc với Người như các Tông đồ xưa, nhưng đức tin của chúng ta sẽ có phúc nếu chúng ta tin vào lời rao giảng của các Tông đồ là những chứng nhân đức tin, là những người không dễ tin nhưng đã từng cảm nghiệm về mầu nhiệm phục sinh như ông Tôma trong Tin Mừng hôm nay.

Do đó, cùng với thánh Grêgôriô chúng ta có thể nói: “Ngón tay đa nghi của Tôma đã trở nên ông thầy của toàn thế giới ; bàn tay đa nghi của Tôma đã dạy cho mọi người một sự thật chắc chắn, đó là thân xác Đức Giê-su Kitô thực sự đã sống lại”.

Trong đời sống thường nhật, ta cần biểu lộ đưc tin bằng việc làm như cầu nguyện, dự lễ, hi sinh, bác ái. Nếu là thiên thần, người ta không cần biểu hiệu. Là loài người có xác, người ta cần biểu lộ đức tin bằng những cử chỉ đạo hạnh như qùi gối, chắp tay, cúi đầu... để khơi dạy tâm tình đạo đức bên trong. Người ta cũng cần những biểu hiệu như tượng ảnh đạo treo trong nhà, hay trong phòng để nhắc nhở cho mình về sự hiện diện của Chúa, Mẹ Maria và các thánh.

Thế giới ngày nay quá nhiều người hoài nghi và không tin tưởng vào Tin Mừng Phục Sinh. Cách thức duy nhất làm cho họ được ơn biến đổi trong lòng tin là làm sao để họ có thể “nhìn thấy Đức Giêsu và đụng chạm vào Người qua con người nhân bản của các tín hữu, qua lời nói thân thiện lễ độ và lối ứng xử khiêm tốn phục vụ vị tha của chúng ta.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Người thời nay không thích nghe các thầy dạy, mà chỉ thấy các chứng nhân; và giả sử như người ta có thích nghe các thầy dạy, thì các thầy dạy đó trước tiên phải là những chứng nhân”.

Hôm nay cũng là lễ kính “Lòng Thương xót của Chúa” mà Đức Gioan-Phaolô II đã thiết lập ngày 30-4-2000. Chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh Đức Giêsu từ bi thương xót do thánh Faustina Kowalska để lại: Người mặc y phục trắng, bàn tay phải ban phép lành, bàn tay trái vén mép áo ngực, từ đó thoát ra các tia sáng xám và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội. Đức Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng với thánh nữ Faustina Kowalska thưa với Người rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác vào Người !”

Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hiệp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau.

1118    02-04-2016 23:07:45