Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 5_phần 1

Ngày 1 tháng 5 
THÁNH GIUSE THỢ

Gương thánh nhân: Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã lập lễ thánh Giuse thợ. Mỗi năm kính nhớ vào ngày 1 tháng 5, ngày mà hầu hết các nước trên thế giới chọn làm ngày lễ lao động, tán dương khích lệ công lao con người đã dùng tài năng sức lực của mình để phục vụ đồng loại. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ý nghĩa ngày lễ thánh Giuse thợ như sau:

"Chắc chắn chúng ta phải hân hoan, vì người thợ vô danh ở Na-da-rét chẳng những là hiện thân cho giá trị chân tay trước mặt Chúa và Hội thánh mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình và các bạn lao động."

Như chúng ta biết, thánh Giuse được Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu, khi Người sinh ra làm người để cứu độ nhân loại. Thánh nhân là người công chính, luôn tuân hành thánh ý Chúa, sẵn sàng vâng nghe và làm theo lời Chúa dạy. Ngài tận tâm bảo vệ Đức Mẹ, nhiệt thành cộng tác với Mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc Chúa Giêsu. Để chu toàn sứ mệnh đó. Ngài làm nghề thợ mộc vất vả hằng ngày. Ngài lấy sức lao động của mình bảo đảm cuộc sống hằng ngày của Thánh gia .

Ngài là gương mẫu cho mọi người sống nghề lao động chân tay và cách riêng cho các Kitô hữu: lương thiện, cần mẫn, siêng năng làm việc lo cho gia đình. Chẳng những lo cho gia đình mà còn phát triển xã hội và tôn vinh Chúa, vì theo thánh công đồng Vaticanô II: "Đối với các tín hữu, chỉ có một điều chắc chắn là: hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, các nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ là nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống. Việc này tự nó phù hợp với ý định của Thiên Chúa.

Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó. Họ phải cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện. Nhận diện Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài, họ phải quy hướng cả bản thân mình cũng như muôn vật về Người: để khi con người chinh phục được tất cả, thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu.

Điều đó cũng ứng dụng cho những công việc rất thường nhật. Khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, những người đàn ông, đàn bà hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để coi lao động của mình tiếp nối công trình của Đấng Tạo hóa, phục vụ đời sống của anh em và đóng góp công lao vào việc hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử." 1

Thánh Giuse là gương mẫu của người lao động. Ngài còn là vị Giám hộ của những người làm việc chân tay. Và Ngài là vị Giám hộ đắc lực nhất, như lời Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói: "Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc Âm cho đời sống thợ thuyền bằng thánh Giuse thợ."

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi siêng năng làm việc, để giúp ích cho gia đình, xã hội, theo gương thánh Giuse, và chuyên cần kêu xin thánh nhân cầu thay nguyện giúp cho những người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa.Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, mà cho chúng con biết noi gương người để lại, là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành.

Thánh Âutinh Đông và Gioan Lu-y Hươg
Linh mục thừa sai tử đạo.

Gương thánh nhân: Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã phán bảo các môn đệ: "Anh em hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo..."(Mc 16,15). Thực hành lệnh truyền đó của Chúa, các linh mục Âu tinh Đông và Gioan Lu-y Hương đã rời bỏ nước Pháp và quê hương xứ sở mình, đến loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, và chịu chết đổ máu ra, để làm chứng đạo Chúa là đạo thật

Âu tinh Đông sinh năm 1822 tại Lo-ren ( lorraine ), nước Pháp.

Ngay từ nhỏ Âu tinh đã được Chúa ban cho ước muốn giảng đạo Chúa. Cậu đã được Cha xứ xin cho vào chủng viện địa phận Nan-cy, sau một năm học thần học, thầy Âu tinh đã xin phép cha mẹ gia nhập Hội Thừa sai Paris, là một Hội chuyên đào tạo linh mục truyền giáo các nước. Nhưng giữa lúc đó, tin tức về việc giảng đạo ở Đông Nam Á rất bi đát. Có thể nói đi giảng đạo là đi vào chỗ chết, nên song thân thầy ngăn cản, không cho thầy gia nhập Hội Thừa Sai. Dù vậy thầy cũng xin vào Hội, vì nghĩ phải theo thánh ý Chúa hơn vâng lời cha mẹ.

Ngày 29 tháng 5 năm 1847, thầy được thụ phong linh mục và được gởi đi giảng đạo ở Việt Nam .. Lúc đó, Đức Cha Liêu làm Giám mục Tây Đàng Ngoài, ngài vui mừng đón tiếp cha, đặt tên là Cố Đông, cho cha học tiếng Việt, rồi sai đi giúp xứ Đoài.

Còn gì hạnh phúc hơn khi con người được Chúa ban mọi sự như lòng sở nguyện. Cha Đông ước muốn di đến các nơi xa để rao truyền Danh Thánh Chúa, nay cha được đến Việt Nam , được sai đến cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát. Cha hết sức vui mừng, hăng say rao truyền đạo Chúa. Và kết quả thật khả quan: số người trở lại đạo ngày càng nhiều, còn giáo dân thì nhờ lời cha dạy bảo mà thêm nhiệt thành phụng sự Chúa.

Giữa lúc cha hăng say hoạt động truyền giáo, thì ngày 1 tháng 3 năm 1851, cha bị quân lính bắt giải lên tỉnh Sơn Tây. Sau nhiều lần bị tra tấn, cha vẫn cương quyết sẵn sàng chịu khổ chịu chết vì Chúa. Thế nên ngày 1 tháng 5, cha bị trảm quyết tại pháp trường Năm Mẫu ở Sơn Tây.

Gioan Lu-y Hương sinh năm 1824, tại Ly-on, nước Pháp. Chúa đã thương chọn cậu giúp việc giảng đạo Chúa, nên năm 12 tuổi cậu đã xin gia nhập chủng viện.

Trong thời gian tu luyện ở chủng viện, cậu được nghe nhiều tin tức, nhất là các gương tử đạo anh dũng của các linh mục thừa sai ở các xứ truyền giáo. Cậu ước muốn đến giảng đạo ở các nơi đó, đồng thời mong được chịu chết để làm chứng cho Chúa. Thế nên năm 1846, cậu đã xin vào Hội Thừa Sai Paris, là Hội các linh mục chuyên lo truyền giáo tại vùng Viễn Đông. Và sau khi hoàn tất chương trình thần học, thầy Gioan Lu-y đã được thụ phong linh mục ngày 24 tháng 12 năm 1848.

Từ ngày đó, vị tân linh mục ngày càng ước mong được đi truyền giáo ở các xứ, nhất là ở Việt Nam . Và ngài đã được mãn nguyện. Đầu năm 1849, cha được bề trên gởi sang Việt Nam . Cha đến Địa Phận Tây Đàng Ngoài, được Đức Cha Liêu đặt tên mới là Hương, và sai đi giúp hai xứ Kẻ Trình và Kẻ Báng.

Từ lâu mong ước, nay được đến nơi truyền giáo, cha Hương hết sức vui mừng tạ ơn Chúa. Hằng ngày cha hăng hái phục vụ đoàn chiên Chúa và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Nhờ cha, các tín hữu thêm lòng sốt sắng, người ngoại đạo nhìn biết tin kính Chúa. Mùa chay năm 1852, cha tổ chức cấm phòng cho xứ Kẻ Báng, nhiều giáo hữu ở xung quanh đến tham dự. Mãn tuần tĩnh tâm, giáo dân họ Bối Xuyên mời cha đến giúp họ. Đang khi cha ban bí tích Rửa tội cho một số trẻ em ở đó, thì quân lính đến bao vây. Cha vội vàng cởi áo lễ bỏ chạy, nhưng quân lính đuổi theo bắt được, giải về huyện.

Đức cha Liêu thấy cha nhiệt tình làm tông đồ, muốn cứu cha, để cha tiếp tục lo cho đoàn chiên Chúa. Ngài cho người đem tiền chuộc cha, nhưng quan huyện từ chối, và giải cha về tỉnh Nam Định.

Sau một tháng giam cầm, hành hạ, tra tấn, cha Hương vẫn cương quyết trung thành theo Chúa. Quan tổng đốc thấy không thể lay chuyển nổi lòng trung tín của cha, nên đệ đơn xin vua kết án trảm quyết. Ngày 1 tháng 5 năm 1852, cha bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu. Và sau hồi chiêng báo hiệu, lý hình đã chém đứt đầu cha, rồi đem cả đầu và thân mình cha bỏ trôi sông, nhưng Đức Cha Liêu đã cho người đi vớt đem về chôn ở chủng viện Vĩnh Trị.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo chủ Lê-ô XIII đã tôn cha Gioan Lu-y Hương và Âu-tinh Đông lên Chân phước. Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. 

Quyết tâm: Sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa gọi, đi đến những nơi xa xăm nguy hiểm để rao giảng đạo Chúa, bằng lời cầu nguyện, việc khuyên bảo và gương sáng, nhất là bằng sự hy sinh theo gương các thánh Âu-tinh Đông và Gioan Lu-y Hương linh mục tử đạo.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 2 tháng 5 
THÁNH A-TA-NA-XI-Ô
Giám mục tử đạo

Gương thánh nhân: Thánh A-ta-na-xi-ô sinh năm 296, tại A-lét-xan-tri, nước Ai-cập. Từ nhỏ, ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp nơi gia đình. Lớn lên, ngài lại được Đức Giám mục giáo phận đem về dạy dỗ. Nhờ đó, thánh nhân thêm thông giỏi và tấn tới trên đường nhân đức, đặc biệt đời sống ngài thấm nhuần Kinh thánh.

Năm 325, Đức Giám mục giáo phận đi dự công đồng Ni-xê, thánh nhân được theo dự. Lúc đó, ngài đã chịu chức phó tế. Năm tháng sau, Đức Giám mục qua đời, ngài được bầu thay thế, mặc dù đã hết sức khiêm tốn từ chối.

Từ đó, thánh nhân phải nhận trách nhiệm nặng nề khó khăn, vì giáo phận A-lét-xan-tri đã đông giáo dân, lại thêm bè rối A-ri-ô đang lan tràn mạnh mẽ. Họ phủ nhận Thiên tính của Chúa Giêsu. Họ chống đối ngài, vì ngài dạy mọi người nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật theo đức tin chân chính. Nhiều lần, họ tấn công ngài dữ dội, đến nỗi ngài phải chạy ra khỏi Giáo phận. Có lúc, ngài phải trốn chui, trốn nhũi nơi mồ mã hoặc trong sa mạc. Nhưng họ cũng vẫn bắt ngài và đem đi đày 17 năm trời vất vả khổ cực.

Dầu vậy, thánh nhân cũng không ngã lòng chán nản. Ngài trông cậy Chúa và đem hết khả năng chỉ vạch cho những kẻ lảm khổ ngài nhận biết lỗi lầm của họ. Chẳng những ngài dùng lời nói mà còn viết nhiều sách giải thích và bảo vệ đức tin chân thật về Ngôi Lời Nhập Thể:

"Ngôi Lời Thiên Chúa là Đấng vô thể xác, bất hoại và vô thể chất. Người đã đến trong miền đất chúng ta, mặc dù trước đó, Người chẳng bao giờ ở xa. Quả vậy, chẳng có vùng vũ trụ nào không có Người. Bởi ví hiện hữu làm một với Cha Người, Người ở đầy trong mọi sự và ở mọi nơi.

Nhưng vì lòng nhân từ đối với ta, Người đã đến để tỏ mình ra rõ ràng cho ta thấy. Người đã thương loài người và thân phận yếu đuối của ta. Người động lòng trắc ẩn thấy ta bị hư hại. Người không chịu cho sự chết làm chủ ta mãi; nghĩa là để tạo dựng của Người hư đi, để công trình Cha Người đã làm khi tạo dựng nên con người khỏi ra không, thì Người đã nhận mặc lấy thân xác không khác gì với thân xác của ta; bởi vì Người không phải chỉ muốn có thân xác hay chỉ muốn hiện thân ra mà thôi...

Vậy, sau khi đã nhận mặc một thân xác giống như của ta và lấy từ hân xác của ta; và vì mọi người chúng ta phải chịu luật hư nát của sự chết, nên vì mọi người chúng ta, Người đã phó nộp thân xác của mình để chịu chết, để làm lễ dâng cho Cha Người với tất cả lòng nhân ái, để mọi người chết ở trong Người sẽ được giải thoát khỏi luật hư hoại. Vì chưng, luật ấy đã vung sức phá hoại trong thân xác Người rồi thì không còn quyền làm hại người ta, đồng loại với Người nữa. Như vậy, xưa người ta đã đi vào con đường hư hoại, thì nay Người lại làm cho họ trở thành bất hoại. Người kêu gọi họ bỏ sự chết trở về sự sống nhờ chính thân xác mà Người đã nhận mặc cho mình. Và nhờ ơn của việc phục sinh, Người đã gạt hẳn sự chết ra khỏi người ta..." 1

Nhưng ngài càng chịu khó khai sáng cho họ bao nhiêu thì họ càng thù ghét ngài bấy nhiêu.

Mãi đến năm 378, tức là 5 năm sau khi thánh nhân qua đời, bè rối A-ri-ô mới chấm dứt.

Quyết tâm: Noi gương thánh A-ta-na-xi-ô, tôi sẵn sàng chịu mọi sự khốn khó gian lao, để gìn giữ và bảo vệ đức tin chân thật.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh Giám mục A-ta-na-xi-ô được can đảm đứng lên bệnh vực niềm tin của Giáo hội, về Thiên Tính của Đức Kitô, Con Một Chúa.Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng con biết nghe lời ngài giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu 
Trùm họ tử đạo

Gương thánh nhân: "Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là mạng sống con và gia đình vợ con của con."

Đó là lời thánh Giuse Lựu khấn nguyện với Chúa, lúc sắp chết rũ tù tại Vĩnh Long. Thánh nhân đã sẵn sàng dâng hiến cho Chúa tất cả gia đình và mạng sống để làm chứng cho Chúa.

Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1789 tại họ đạo Cái Nhum, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long. Cha là Nguyễn Văn Sách, mẹ là bà Minh. Ông bà rất đạo đức sốt sắng, hết lòng mến Chúa yêu người. Nhờ đó, ngay từ tuổi thơ ấu, Giuse Lựu đã hấp thụ được lòng đạo sâu xa.

Nhưng chẳng bao lâu, bà Minh ngã bệnh mất sớm, cậu Giuse phải mồ côi mẹ. Thấy gia cảnh đơn chiếc khó khăn, cha cậu đã cưới vợ khác. Bà này cũng thương yêu chăm sóc cậu như con ruột, lo cho cậu học hành đạo lý chữ nghĩa đầy đủ. Và bà sinh được bốn người con: một trai là Thức, và ba gái là Ngũ, Yên, Tĩnh.

Vì cuộc sống ở Cái Nhum khó khăn vất vả, năm 1799, cha cậu phải đem gia đình đến sinh sống, làm ăn ở họ Bò Ót, nhưng ở đây làm ăn cũng không khá, cha cậu phải đùm bọc vợ con đến họ đạo Mặc Bắc. Lúc đó cậu đã trưởng thành, nên kết hôn với cô Maria Thể là người ở trong họ đạo.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng cậu Giuse lo tận tụy làm ăn sinh sống, để bớt gánh nặng cho cha mẹ. Đặc biệt hai người lo thành tâm sống đạo, siêng năng tham dự thánh lễ, xưng tội, rước lễ vì tin chắc rằng: mọi sự đều cần nhờ ơn Chúa. Đúng như lời Chúa Giêsu phán: "Nếu không có Thầy, chúng con không làm gì được" Chẳng những ông bà hết lòng kính mến Chúa, mà còn thực hành bác ái cách hoàn hảo. Hằng ngày ông khuyên bảo mọi người sống đạo sốt sắng. Thấy ai nghèo khổ, bệnh tật, ông sẵn sàng giúp đỡ hết khả năng. Gặp những người làm việc nặng nề vất vả, ông luôn giúp đỡ. Nhiều lần ông đắp bờ, nhổ mạ, dặm lúa với những người xung quanh.

Lúc đó cha Phêrô Lựu là chánh sở Mặc Bắc. Cha thấy ông đạo đức thí quý mến và chọn làm biện sở. Và vì vua Tự Đức ra sắt chỉ cấm đạo gắt gao, nên cha đến trú ẩn tại nhà ông. Thấy ông tận tình lo giúp bổn đạo cũng như siêng năng lo việc nhà thờ, ít lâu sau cha đặt ông lên làm trùm nhất trong ho.

"Ở Mặc Bắc có người bổn đạo là bếp Nhẫn, tánh tình ngang ngược, lại thêm tật cờ bạc rượu chè. Nó muốn làm tiền cha Lựu để xài phí và trả nợ, nhưng vì cha không có tiền cho nó, nên nó quyết báo thù cha. Nó lên tỉnh Vĩnh Long tố cáo cha, để được thưởng tiền như Giuđa khi xưa bán Chúa.

Thế là ngày 26 tháng 2 năm 1853, quan tổng đốc Vĩnh Long sai một toán quan quân đi ghe xuống Mặc Bắc, bắt cha Phêrô Lựu. Họ đến bao vây nhà ông trùm, bắt trói ông bà đánh đập tra khảo, bảo phải khai nộp cha Phêrô Lựu. Nhưng cha Phêrô chẳng còn ở đó, Đức Cha đã đổi cha đi họ Ba Giồng, có cha Philipphê Minh đến thế. Thấy ông trùm bị đánh đau đớn quá, cha ra tự nhận là đạo trưởng. Quan quân liền bắt trói cha với ông trùm và mấy người bổn đạo giải về tỉnh.

Bị giam cầm hành hạ khổ sở, ông trùm vẫn can đảm giữ vững đức tin. Nhưng vì tuổi già sức yếu, phần vì cực hình xiềng xích nặng nề, ông đã chết rũ tù ngày 2 tháng 5 năm 1854. Trước khi chết ông đã cố gắng nguyện với Chúa: Lạy Chúa, con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng hiến dâng lên Chúa hy sinh lớn lao hơn hết là mạng sống con và gia đình vợ con của con.

Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong ông lên bậc Chân phước ngày 2 tháng 5 năm 1909. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển thánh. 

Quyết tâm: Noi gương thánh Giuse Lựu, hằng ngày hết lòng thờ phượng kính mến Chúa, thương yêu giúp đỡ hồn xác mọi người và sẵn sàng hiến dâng mạng sống, mọi sự để làm chứng cho Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 3 tháng 5 
THÁNH PHI-LIP-PHÊ VÀ GIA-CÔ-BÊ
Tông đồ

Gương thánh nhân: Thánh Phi-lip-phê sinh tại Bết-sai-đa, ở Ga-li-lê, đồng hương với thánh Phêrô và thánh An-rê. Ngay trong những ngày đầu đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã gặp ngài và kêu gọi theo Người." Đức Giêsu quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-lip-phê và nói:

  • Anh hãy theo tôi.

Ông Phi-lip-phê là người Bết-sa-đa, cùng quê với ông An-rê và ông Phêrô. Ông Phi-lip-phê gặp ông Na-ta-na-en và nói:

  • Đấng mà sách Luật Mô-se và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Na-da-rét" ( Ga. 2, 43-45 ).

Thánh nhân chẳng những mau mắn đi theo Chúa, mà còn giới thiệu Người cho Na-ta-na-en. Khi Chúa sắp hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, Chúa đã muốn nhờ ngài giúp:

"Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-lip-phê:

  • Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?

Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.

Ông Phi-lip-phê đáp:

- Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút" ( Ga .6, 5-7 ).

Dịp lễ Vượt qua, những người lương dân đã nhờ ngài hướng dẫn cho được gặp Chúa Gêsu: "Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Chúa, có mấy ngưới Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-lip-phê, người Bết-sai-đa, miến Ga-li-lê và xin rằng:

  • Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu.

Ông Phi-lip-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-lip-phê đến thưa với Chúa Giêsu." ( Ga. 12, 20-22 ).

Và chính thánh nhân đã xin Chúa cho thấy Chúa Cha trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc ly:

" Đức Giêsu bảo:

  • Nếu anh em biết Thày, anh em cũng biết Cha Thày. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.

Ông Phi-lip-phê nói:

  • Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con biết Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.

Đức Giêsu trả lời:

  • Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-lip-phê, anh chưa biết Thày ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha." ( Ga. 14, 7-9 ).

Sau ngày lễ Hiện Xuống, thánh nhân đã đi rao giảng ở những vùng rộng lớn miền Tiểu Á. Tương truyền, một hôm, ngài thấy dân chúng tụ họp cúng tế một con rắn to mà họ coi như chúa tể. Ngài tức giận giết con rắn. Dân chúng xúm lại đánh ngài, rồi đem đóng đinh vào thập giá và ném đá ngài chết.

Thánh Gia-cô-bê chúng ta mừng kính hôm nay là Gia-cô-bê hậu, khác với Gia-cô-bê tiền là anh em với thánh Gioan. Ngài sinh tại Ca-na, ở Ga-li-lê, thuộc dòng tộc Giu-đa, và hai em khác là Giuse và Si-môn là môn đệ Chúa.

Sau ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ đi khắp nơi giảng đạo. Ngài ở lại Giê-ru-sa-lem để rao giảng kêu gọi người Do thái trở lại với Chúa. Ngài rất có thế giá trong Giáo hội sơ khai. Và trong Công đồng tại Giê-ru-sa-lem, thánh nhân đã lên tiếng phát biểu sau thánh Phê-rô, quyết định cho người ngoại giáo gia nhập đạo Chúa mà không cần phải chịu phép cắt bì theo luật Do-thái:

"Ông Gia-cô-bê lên tiếng nói: Thưa anh em, xin nghe đây: ông Simon đã thuật lại cho chúng ta rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với các điều ấy, như đã chép;

"Sau đó ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều Đa-vít đã sụp đổ, đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy, các người còn lại, và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa. Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa. Nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế, vì đã cúng cho ngẫu tượng: tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết. Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thánh, ông Mô-sê đều có những người rao giảng: họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày Sa-bát." (Cv. 15,13-21 ).

Thánh nhân đem được nhiều người Do-thái trở lại với Chúa. Vì thế mà các đầu mục của họ thù ghét ngài. Và họ đã âm mưu bắt ngài. Họ đem ngài lên nơi cao Đền thờ và bảo:

- Hãy nói cho chúng tôi biết sự thật về Giêsu.

Ngài nói:

- Tại sao các ông hỏi tôi về Chúa Giêsu? Người đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại phán xét các ông.

Họ la lên, rồi áp tới xô ngài xuống vực sâu. Ngài bị thương nặng, nhưng còn rán kêu lên như Chúa Giêsu:

- Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.

Rồi ngài tắt thở... 

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi chịu khó hy sinh giúp việc giảng đạo Chúa. Đem anh chị em tôi trở về với Chúa như thánh Phi-lip-phê và thánh Gia-cô-bê. Nhất là xin Chúa cho tôi biết tha thứ và cầu nguyện cho kẻ nghịch thù.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mứng lễ hai thánh tông đồ Phi-lip-phê và Giacôbê.Xin Chúa thương nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời.

* Thánh Giuse Hiển
Linh mục tử đạo.

Gương thánh nhân: Thánh Giuse Hiển là linh mục dòng Đa-minh. Thánh nhân muốn gia nhập Hội Dòng chuyên thuyết giáo này, để sống khắng khít với Chúa, và rao giảng Tin Mừng đắc lực hơn. Nhờ lời cha giảng dạy, nhiều người đã tin theo Chúa; cả trong lúc tù ngục, cha cũng rửa tội được nhiều người.

Giuse Hiển sinh năm 1769 tại làng Quần Anh, tỉnh Nam Định, trong một gia đình rất ngoan đạo, sẵn sàng hiến dâng con cái để phụng sự Chúa. Chính vì thế, ngay từ lúc Giuse còn nhỏ, cha mẹ đã gởi gấm cho Đức cha Đen-ga-đô Y, để ngài đào tạo, huấn luyện cậu nên tông đồ của Chúa.

Sau khi học xong thần học, thầy Giuse Hiển đã chịu chức linh mục, và được gởi đi du học ở Ma-ni-la, thủ đô nước Phi-luật-tân. Trong thời gian học ở đây, cha Giuse đã xin gia nhập dòng thánh Đa-minh. Và ngày 13 thàng 10 năm 1813, cha đã khấn Dòng, chính thức trở thành linh mục Dòng Anh Em Thuyết Giáo.

Mãn các khóa học, bề trên gọi cha về Việt Nam , sai đi giúp giáo dân trong các xứ đạo. Chá đảm trách họ đạo Cao Mộc lâu nhất. Ở đâu cha cũng hết lòng phục vụ giáo hữu và rao truyền đạo Chúa cho lương dân. Và để cho lời giảng dạy được kết quả, hằng ngày cha chuyên cần cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Nhờ đó, Chúa ban cho cha đặc ân hoán cải được lòng người. Hễ ai nghe cha khuyên bảo an ủi, thì cũng thay lòng đổi dạ: từ một người không tin trở lại tin Chúa, từ một người nguội lạnh trở nên sốt sắng...

Cha đang hoạt động tông đồ đắc lực thì đầu năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo. Tất cả các cha đều phải ẩn náu rày đây mai đó, âm thầm lén lút giúp đỡ giáo dân, không còn đi lại công khai được nữa. Tuy hoàn cảnh khó khăn, cha Giuse vẫn tìm đủ mọi phương cách tới lui, thăm viếng, ủy lạo và ban các bí tích cho giáo dân. Cha biết làm như thế là rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng cha sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình vì Chúa và vì đoàn chiên, đoàn chiên càng bị thử thách, bắt bớ thì càng cần được chủ chăn chăm sóc, bảo vệ. Cha luôn cố gắng thực hành đúng như lời Chúa Giêsu : "Mục tử tốt lành hiến mạng sống vì đoàn chiên".

Đêm 20 tháng 12 năm 1839, đang lúc cha ở Kiên Trung, có người nhà của ông đội Nhất đến rước cha đến giải tội xức dầu cho ông, vì ông bệnh nặng và đã nhiều năm bỏ mùa Phục Sinh, không có xưng tội rước lễ. Cha đang ngồi tòa giải tội cho ông thì một người ngoại giáo phát giác. Họ đi tố cáo với tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan liền đem binh lính đến vây bắt cha, dẫn về đình làng tra tấn đánh đập dã man, rồi giải về tỉnh Nam Định.

Dù bị giam cầm khổ sở trong ngục, cha Giuse đã chịu khó khuyên bảo các giáo hữu cùng bị giam với cha, khuyến khích họ can đảm giữ vững đức tin, sẵn sàng chịu cực hình tra tấn để hiệp cùng sự Thương Khó Chúa Giêsu, cứu rỗi các linh hồn. Cha phổ biến việc tôn sùng Thánh Giá Chúa, để tăng thêm nghị lực cho các giáo hữu nhát đảm sợ chết.

Trong thời gian giam cầm, cha bị đưa ra tra tấn nhiều lần hết sức đau đớn, nhưng cha cương quyết bền lòng theo Chúa, nên quan tổng đốc kết án trảm quyết. Và triều đình đã chuẩn phê bản án, nên ngày 8 tháng 5 năm 1840, cha bị trảm quyết tại pháp trường Nam Định, được lãnh nhận triều thiên tử đạo mà cha hằng mong ước. Thi thể cha được chôn ngay tại Pháp trường, và tám tháng sau được cải táng về chủng viện Lục Thủy.

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn cha lên Chân phước. Và Đức Gioan Phaolô II tôn phong cha lên Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 cùng với 116 vị Hiển thánh tử đạo Việt Nam.

Quyết tâm: Biết dùng mọi hoàn cảnh thuận lợi cũng như khó khăn để rao giảng đạo Chúa, đặc biệt biết dùng lời cầu nguyện và sự hãm mình hằng ngày để giảng đạo cho đắc lực, và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa và đồng loại, theo gương thánh Giuse Hiển, linh mục tử đạo.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

* Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẩm
Giáo dân tử đạo

Gương thánh nhân: Gia đình thánh Matthêu Gẩm diễm phúc, vì có được ba người chết vì đạo: người con trai thứ ba của thánh nhân ngăn cản không cho người ta đốt nhà thờ nên bị giết, người con trai thứ tư bị bắt vì đạo và bị thiêu sống trong khám đường cùng với nhiều tín hữu khác tại Bà Rịa, ngày 7 tháng giêng năm 1862, và chính thánh nhân đã chịu chết đổ máu ra vì trung thành tin theo Chúa.

Mát-thêu Gẩm sinh năm 1813, tại làng Long Đại tỉnh Biên Hòa, nay thuộc huyện Thủ Đức, cha là Phaolô Lê Văn Lại, mẹ là Maria Nguyễn Thị Nhiệm. Hai ông bà sống rất đạo đức nhiệt thành, có tất cả 6 người con, cậu Matthêu Gẫm là con cả.

Nhờ gương nhân đức và lòng sốt sắng của cha mẹ, cậu Gẫm rất mến mộ dâng mình giúp việc Chúa. Cậu đã trình lên cha mẹ và linh mục chánh sở ước nguyện tốt đẹp đó, và đã được chấp nhận. Năm lên 15 tuổi cậu đã được gia nhập chủng viện Lái thiêu để tu luyện làm linh mục. Từ ngày cậu gia nhập chủng viện, song thân cậu phải làm việc cực khổ quá sức mà không đủ ăn, buộc lòng đến xin rước cậu về phụ giúp, vì cậu là anh cả của một đàn em nhỏ dại. Và cậu đã vui lòng vâng lời cha mẹ, trở về giúp đỡ gia đình, mặc dầu lòng vẫn tha thiết với lý tưởng tông đồ.

Sau một thời gian phụ giúp cha mẹ, cậu thấy gia đình đã khấm khá đủ ăn, nên xin phép kết hôn với một thiếu nữ có đạo ở Long Điền, Bà Rịa. Từ đó hai vợ chồng chung sống hòa thuận, cần cù làm việc, siêng năng sống đạo, và luôn sẵn sàng giúp đỡ các linh mục trong việc truyền giáo. Hai ông bà sinh được 4 người con mà hai người đã được phước chết vì đạo.

Matthêu Gẩm là người buôn bán, ông có thuyền riêng và rất thông thạo sông biển, lại sẵn sàng phụ giúp nhà chung và các linh mục. Vì thế cha Lợi ở Bà Rịa thường nhờ ông đi Hạ Châu (Singapo) và Pê-năng (Mãlai), đưa đón các linh mục thừa sai và các chủng sinh du học. Ông đã đi được mấy chuyến êm xuôi, nhưng các quan quân cũng bắt đầu tình nghi theo dõi.

Năm 1846, cha Lợi lại nhờ ông sang Singapo rước Đức Cha Nghĩa, cha Lộ và ba chủng sinh về Sàigòn. Ông biết đây là chuyến đi rất nguy hiểm, nhưng vì lợi ích cho Hội thánh, ông hy sinh ra đi.

Ngày 6 tháng 6 năm 1846, thuyền ông đã chở Đức Cha và chủng sinh về đến Cần Giờ. Theo dự tính sẽ có ghe ra đón tại đây, nhưng vì bị bão tố, thuyền ông về trễ, nên ghe ra đón đã trở về. Ông đánh lều kéo bườm cho thuyền chạy vào Sàigòn, thì bị thuyền tuần tiểu chặn lại tra xét, và tất cả đều bị bắt.

Nhiều lần ông bị các quan đưa ra tra khảo, và dù bị đánh đòn đau đớn, ông vẫn cương quyết không bước qua Thánh Giá, các quan thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của ông, nên đệ đơn về kinh xin kết án xử trảm. Mãi bảy tháng sau, vua Thiệu Trị mới chuẩn phê bản án. Ngày 11 tháng 5 năm 1847, Mátthêu Gẫm được đưa ra pháp trường Da Còm, thuộc xứ Chợ Quán, đầu vị anh hùng tử đạo đã lìa khỏi cổ, màu tuôn đổ làm hạt giống đức tin trổ sinh nhiều tín hữu khác...

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã phong ngài lên Chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm:Noi gương thánh Matthêu Gẩm tử đạo, hết lòng thương yêu giúp đỡ cha mẹ và sẵn sàng hy sinh tất cả vì lợi ích
Hội Thánh, dù có đau khổ chết chóc cũng vui lòng chấp nhận.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

1708    09-03-2011 08:16:10