Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Giáo Lý Ơn Gọi _ Bài 9: Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu

Bài 9. CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU. 

"Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác".

Mầu Nhiệm Vượt Qua (Tử Nạn và Phục Sinh) của Đức Giêsu là Đỉnh cao trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

"Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vàovinh quang của Người sao?" (Lc. 24, 26). 

I - Hoàn cảnh xã hội. 

Xã hội Do thái thời bấy giờ đang bị người Rôma đô hộ. Toàn dân đang trông chờ một Đấng Cứu thế chính trị, họ trông chờ Đấng Cứu Thế để đánh đuổi người Rôma và đem tự do cho đất nước cho dân tộc Do Thái.

Chúa Giêsu đến không đáp ứng những nhu cầu trần thế , Người kêu mời mọi người hướng về Thiên Chúa, ăn năn sám hối để lãnh nhận ơn cứu chuộc, lãnh nhận sự tự do vĩnh cữu. Những người Do thái thời bấy giờ không chấp nhận, họ tìm cách loại trừ Chúa Giêsu bằng những lời tố cáo để đưa Ngài đến cái chết. Nhưng tất cả mọi việc, qua bàn tay của Thiên Chúa đều trở nên có ích và tốt đẹp.

1 . Đối với lề luật .

Đây là điểm quan trọng đối với người Do Thái. Chúa Giêsu tôn trọng và giữ luật Moisen, hơn thế nữa, Ngài kêu gọi mọi người giữ trọn tinh thần của lề luật. Ngài lên án những người chỉ chú ý đến hình thức mà quên đi tâm tình.

2 .  Đền thờ.

Đối với đền thờ cũng thế, vì là nhà cầu nguyện, Ngài không chấp nhận những hình thức lợi dụng đền thờ để tìm lợi ích cá nhân. Ngài kêu gọi mọi người trở về với niềm tin chính đáng vào Thiên Chúa.

Các thủ lãnh tôn giáo thời bấy giờ, bị Ngài chỉ trích, họ tìm cách tiêu diệt Ngài để quyền lợi không bị động chạm.

Vì những lý do trên, Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Cây Thánh Giá, Chết và chịu táng xác trong mồ đá. 

II - Ý nghĩa cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. 

1 . Chương trình của Thiên Chúa.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nằm trong chươngtrình mầu nhiệm của Thiên Chúa:

"Người đã bị nộp theo ý Thiên Chúa đã định và biết trước". (Cv. 2, 23).

Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của "Người Tôi Tớ Đấng Công Chính". ( Is. 53, 11 - 12).

2 . Chết để cho con người được sống.

Vì yêu thương loài người, Con Thiên Chúa vâng phục Thánh Ý Chúa Cha " đến nỗi chết trên cây thập giá" (Pl. 2, 8). Đức Giêsu hoàn tất sứ mạng của "Người tôi tớ đau khổ", "làm cho muôn người nên công chính, bằng cách gánh lấy tội của họ". (Is. 53, 11; Rm. 5, 19). 

III - Ngục tổ tông. 

1 . Ngục tổ tông:

Là tình trạng, có thể gọi là nơi những người công chính trú ngụ khi chưa được ơn cứu chuộc. Từ khi Adam phạm tội, không một người nào được vào thiên đàng.

2 . Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông.

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người, nên Ngài có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Khi chịu nạn chịu chết, bản tính loài người cũng đau khổ và chết như con người, còn linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Ngài hợp nhất lại, xuống ngục tổ tông để rước về trời những người công chính đã chết trước khi được ơn cứu chuộc.

3 . Ý nghĩa việc xuống ngục tổ tông.

Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông nói lên ý nghĩa là: Ơn Cứu chuộc có giá trị cho những người còn sống cũng như cho những người đã chết. 

IV - Con người cộng tác vào ơn cứu chuộc. 

Chúa Giêsu đã chịu đau khổ để mang ơn cứu chuộc đến cho loài người, nhưng Ngài không áp đặt, Ngài vẫn tôn trọng tự do của con người, như Thánh Augustinô đã nói: "Khi con người được sinh ra, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến của họ. Nhưng để được cứu chuộc, Thiên Chúa cần con người đồng ý cách tự do, nghĩa là cộng tác bằng hành động".

Chúng ta xin Chúa ban ơn thêm sức mạnh cho mỗi người, biết siêng năng đến với Chúa, để nhận lấy ơn cứu chuộc, bằng cách sống theo như những gì Chúa chỉ dạy qua cuộc sống hằng ngày. 

1306    11-02-2011 15:43:28