Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 13 đến Bài 15

Bài 13
CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA ÐỨC GIÊSU
(x. SGLC từ 0512 đến 0560)

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).

Kinh Tin Kính chỉ nói đến những mầu nhiệm, liên quan đến đời sống Chúa Kitô về nhập thể (thụ thai, giáng sinh) và vượt qua (khổ nạn, thập giá, chết, mai táng... sống lại, lên trời). Không nói gì rõ ràng về những mầu nhiệm trong đời ẩn dật và công khai của Chúa, Nhưng những tín điều liên quan đến nhập thể và vượt qua của Ðức Giêsu lại soi sáng toàn bộ cuộc sống trần thế của Người. Tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và dạy, từ khởi đầu cho đến ngày được đưa về trời cần phải được nhìn dưới ánh sáng của những mầu nhiệm giáng sinh và vượt qua.


I. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm


Nhiều điều người ta tò mò muốn biết về Ðức Giêsu thì Tin Mừng không nói. Hầu như cuộc sống ở Nazareth chẳng được nói đến, và ngay cả phần lớn cuộc sống công khai cũng không được kể lại. Bởi vì những gì được viết lại trong Tin Mừng chỉ là "để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô. Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người" (Ga 20,31). Tin Mừng được viết ra do những người có niềm tin đầu tiên vào Ðức Giêsu. Họ muốn làm cho những người khác nhận ra những dấu hiệu của mầu nhiệm. Qua những cử chỉ của Ðức Giêsu, dấu lạ và lời nói của Người, Người đã tỏ ra rằng "nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để mặc khải Chúa Cha. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để cứu chuộc con người. Và hiện nay Ngài hằng "đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 9,24).


II. Ðời thơ ấu - ẩn dật


A. Thơ ấu.

1.Giáng sinh: là biến cố vô cùng trọng đại nên Thiên Chúa sửa soạn rất kỹ. Ngài đã qui hướng những nghi thức, hy lễ, hình ảnh và biểu trưng của Giao Ước cũ về Chúa Kitô: loan báo qua các ngôn sứ và khơi dậy nơi các dân ngoại niềm mong đợi nào đó. Sau cùng "vị ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" (Lc 1,76) được sai đến trực tiếp dọn đường cho Ðấng Cứu Thế. Chính ông sẽ chỉ cho mọi người thấy "Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29). Khi cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi sống động Ðấng Cứu Thế. Trong khi thông dự, vào sự chuẩn bị lâu dài cho lần đến đầu tiên của Ðấng Cứu Thế, người tín hữu cũng sống ước vọng nóng bỏng hướng tới lần ngự đến thứ hai của Người. Ðức Giêsu sinh hạ khiêm tốn trong máng chiên lừa, trong một gia đình nghèo và những mục đồng đơn sơ là những chứng nhân đầu tiên của biến cố nầy. Chính trong cảnh nghèo hèn nầy, vinh quang trời cao đã tỏ hiện. Hội Thánh không ngừng ca tụng vinh quang của đêm nầy:

Hôm nay Trinh Nữ sinh hạ Ðấng bất diệt Và trái đất dâng một hang động cho Ðấng không thể với tới. Thiên Thần và mục đồng ca tụng Người Các đạo sĩ theo sao lạ tiến tới Ngài đã sinh ra vì chúng tôi Thưa Hài Nhi, Thiên Chúa vĩnh cửu.


Trong tương quan với Thiên Chúa, trở nên trẻ thơ là điều kiện để vào Nước Trời. Phải hạ mình xuống, nên bé nhỏ, nhưng phải sinh ra từ trời cao, từ Thiên Chúa, để trở nên con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hoàn thành nơi chúng ta khi Chúa Kitô thành hình nơi chúng ta, Giáng Sinh là mầu nhiệm trao đổi lạ lùng. Trong đời thơ ấu của Chúa có những biến cố đáng ghi nhớ:


a) Cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Biến cố nầy là một tuyên cáo việc Ngài sáp nhập vào dòng dõi Abraham, vào dân của Giao Ước và cũng là dấu chỉ phục tùng lề luật.


b) Những nhà thông thái đến kính viếng. Là đại biểu của dân ngoại, họ là hoa quả đầu mùa của các dân tộc, họ đón nhận Tin Mừng qua việc nhập thể. Họ đã tìm được nơi Ít-ra-en vị vua của mọi dân tộc.


c) Dâng Chúa vào đền thờ. Chứng tỏ Ngài là con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Simêon và Anna tượng trưng cho niềm mong đợi Ít-ra-en đã đến gặp gỡ Chúa. Ngài là ánh sáng muôn dân và vinh quang của Ít-ra-en. Qua Phụng vụ lễ Nến, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa Kitô và thắp sáng niềm tin trong ánh sáng Chúa Kitô.


d) Việc chạy trốn sang Ai Cập và việc tàn sát trẻ thơ của Hêrôđê. Không phải Người bất lực không bảo vệ được mình và các em nhỏ. Việc nầy tỏ rõ cuộc đời Ngài chỉ toàn nhận lấy bách hại và hất hủi. Một sự tranh đấu không ngừng giữa bóng tối và ánh sáng.


B. Ðời ẩn dật

Phần lớn cuộc sống, Ðức Giêsu đã chia sẻ điều kiện sống của đa số nhân loại: một cuộc đời bình thường không dáng vẻ rầm rộ bên ngoài, cuộc sống lao động bằng chân tay, một cuộc sống theo tôn giáo Do Thái tùng phục lề luật Thiên Chúa... Ngài hằng vâng phục cha mẹ Ngài, thi hành tuyệt hảo giới điều thứ tư. Ðó là hình ảnh trần thế về lòng tùng phục hiếu thảo với Cha trên trời của Ngài. Sự vâng phục nầy là nền tảng cho việc vâng phục ý Cha ở Vườn Cây Dầu. Hằng ngày cộng tác lo việc cho cha mẹ chính là sửa soạn lo việc Cha trên trời, khởi đầu phục hồi những gì do sự bất phục của Ađam và làm tiêu hủy. Việc cậu bé Giêsu lúc 12 tuổi bị lạc và tìm lại được trong đền thờ đã làm vỡ tan sự im lặng dầy đặc trong những năm ẩn dật. Ngài muốn cho ta thoáng thấy mầu nhiệm việc dâng hiến trọn vẹn cho một sứ mạng phát sinh từ mối quan hệ thần linh của Ngài: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).

III. Ðời công khai


A. Khai mạc.

1. Phép rửa: Ðức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng phép rửa của Gioan. Ðức Giêsu cùng đến với nhiều người. Gioan ngập ngừng, nhưng Ðức Giêsu yêu cầu Gioan cứ làm như lệ thường. Vì đây là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọng đại: Thánh Thần như hình Chim bồ câu đậu xuống trên Ðức Giêsu, đồng thời có tiếng Chúa Cha phán: "Ðây là Con yêu dấu của Ta" (Mt 3,17). Với phép rửa, Ðức Giêsu chấp nhận và khai mạc sứ mạng của Người tôi tớ đau khổ. Ngài để cho mình bị kể vào số tội nhân. Ngài đã là "Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29). Tiếng của Cha trả lời cho sự chấp nhận nầy và Thánh Thần ngự xuống. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, cửa trời mở ra và nước được thánh hóa, báo trước cuộc sáng tạo mới sắp bắt đầu.

2. Chúa chịu cám dỗ. Sau phép rửa, Ðức Giêsu vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày. Kết thúc những ngày đó, Xa-tan đến cám dỗ Ngài ba lần. Biến cố nầy có một ý nghĩa cứu độ. Ðức Giêsu là Ađam mới luôn trung thành trong khi Ađam cũ sa ngã. Ðức Giêsu hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của Ít-ra-en trái với những người khiêu khích Thiên Chúa suốt 40 năm trong sa mạc. Ðức Giêsu là Ðấng chiến thắng ma quỷ trong sa mạc. Chiến thắng báo trước chiến thắng cuộc tử nạn.


B. Rao giảng Nước Thiên Chúa.

1. Loan báo: Sau khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu trở về Galilêa, Ngài công bố Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến bằng những lời nầy: "Thời k#273;ã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15). Ðể chu toàn ý Chúa Cha. Chúa Kitô đã khai mạc Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Cha tập họp con người xung quanh. Con của Người là Ðức Giêsu Kitô. Cuộc tập họp nầy chính là cộng đoàn Hội Thánh mà Chúa Kitô là trung tâm. Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Trời. Muốn gia nhập phải tuân giữ lời Ðức Giêsu dạy. Tuy thế Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho: kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi:

  • "... để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn". (Lc 4,18).
  • "... Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái... nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn". (Mt 11,25).
  • "Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi". (Mc 2,17).

Tất cả đều phải tuân theo một điều kiện: Sám hối, nếu không, không thể gia nhập Nước Trời.

1. Dấu chỉ Nước Trời. Ðức Giêsu kèm theo lời giảng của Ngài nhiều dấu lạ điềm thiêng và những dấu chỉ (x. Cv 2,22) để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài, làm chứng Ngài là Ðấng Cứu Ðộ đã được báo trước, và cũng chứng tỏ Ngài được Chúa Cha sai đến. Những dấu chỉ đó mời gọi con người tin vào Ngài, tăng cường niềm tin vào Ðấng thi hành công việc của Cha. Khi thi hành những dấu lạ để giải phóng con người khỏi những đói khát, bất công, bệnh tật, chết chóc, Ðức Giêsu đã thực hiện những dấu chỉ thời cứu độ. Nhưng mục đích của Ngài không phải đến để tiêu diệt sự dữ trần gian mà là giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi.

2. Xây dựng Hội Thánh. Trong việc rao giảng Nước Trời, Ðức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và cho tham dự vào sứ mạng của Người: "Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9,2). Trong số đó có ông Phêrô giữ địa vị cao nhất: "Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (Mt 16,18). Ngài còn trao cho ông Chìa Khóa Nước Trời: "Thầy sẽ trao cho anh Chìa Khóa Nước Trời" (Mt 16,19). Quyền Chìa Khóa chỉ uy quyền để cai trị Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh.

3. Biến hình: Khung cảnh bề ngoài của việc biến hình nói lên tầm quan trọng của biến cố: có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện, có các nhân vật đại diện Cựu và Tân Ước, và toàn thể thân xác Chúa Kitô tỏa sáng lạ lùng. Việc biến hình lại đi trước cuộc tử nạn, điều đó cho biết "để đi vào vinh quang" (Lc 24,26) Ngài phải qua thập giá tử nạn ở Giêrusalem. Việc biến hình cho chúng ta hưởng trước vinh quang của Chúa Kitô. Ðấng sẽ "biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,12). Nhưng cũng nhắc chúng ta rằng: chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).

I. Kết thúc: lên Giêrusalem

"Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem" (Lc 9,51). Hướng về Giêrusalem Người nói: "một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được" (Lc 13,33). Ngài tránh né tước vị vua trần thế mà người ta muốn trao tặng, nhưng Ngài lại long trọng bước vào thành của "Ða-vít tổ tiên Người" (Lc 1,37) và để cho người ta tung hô như là con vua Ða-vít, hoặc là "vua vinh quang" (Tv 24,7) cưởi lừa (Dcr 9,9) tiến vào thành của mình. Tiếng hô vang của dân chúng: "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến" đã được Hội Thánh dùng lại trong Phụng Vụ Thánh Thể mở đầu việc tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Chúa. Việc tiến vào Giêrusalem của Ðức Giêsu tỏ rõ việc thành tựu vương quốc mà vị Vua Cứu Thế sắp hoàn tất bằng cuộc Vượt Qua tử nạn và phục sinh. Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá của Hội Thánh khởi đầu một Tuần Thánh vĩ đại; giúp nhìn lại biến cố long trọng xưa kia và đồng thời cũng hướng về ngày vinh quang hiển thắng sẽ đến trong thời gian.

II. Lắng nghe tiếng gọi

1. Mỗi năm cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi Ðấng Cứu Thế. Sống lại tâm tình của Dân Chúa chờ mong Chúa đến lần thứ nhất, người tín hữu hâm nóng lại ước vọng nóng bỏng hướng đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Người.

2. Sự vâng phục cha mẹ trần thế của Ðức Giêsu hoàn tất trọn hảo giới luật thứ tư. Nó là hình ảnh về sự vâng phục đối với Cha trên trời của Ngài và là tấm gương cho chúng ta.

3. Mỗi năm, bằng 40 ngày chay tịnh. Hội Thánh sống mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Giêsu. Ðây là dịp thuận lợi để người tín hữu canh tân cuộc sống đức tin của mình.



Bài 14
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
(x. SGLC từ 0571 đến 0628)

"Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16,21). Mầu nhiệm Vượt Qua (Tử nạn và Phục Sinh) của Ðức Giêsu là đỉnh cao trong công trình cứu độ của Thiên Chúa "Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26). Vì thế, người tín hữu Kitô phải quan tâm tìm hiểu và suy niệm về khung cảnh lịch sử đã dẫn đến cái chết của Ðức Giêsu, vừa lắng nghe Lời Thiên Chúa để khám phá ý nghĩa của cái chết đó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

I. Tìm về khung cảnh lịch sử


Cái chết của Ðức Giêsu không phải là chuyện đột xuất, bất ngờ, nhưng là cao điểm của cuộc đối kháng kéo dài giữa Ðức Giêsu và những thủ lãnh tôn giáo Do Thái đương thời: các thượng tế, tư tế, kinh sư và biệt phái. Có thể nhìn cuộc đối kháng đó ở ba khía cạnh:


1. Ðối với Lề Luật.

Trong bài giảng trên núi, Ðức Giêsu đã tuyên bố "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Ngài kiện toàn Lề Luật vì Ngài "giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (Mt 7,29), như Ðấng có quyền ban bố lề luật chứ không chỉ là những điều khoản ghi khắc trên "bia đá" mà là "bia lòng". Chính vì thế, Ngài chống đối, phê phán và tố giác những hình thức nệ luật và coi đó như sự phản bội Ý muốn của Thiên Chúa (x.Mc 7,13). Nhưng cũng vì thế, mối quan hệ giữa Ðức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo trở nên căng thẳng.

2. Ðối với đền thờ.

Ðức Giêsu dành cho Ðền thánh Giêrusalem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Ngài đã được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa (x.Lc 2,22-31). Nơi đó, Ngài đã đến hằng năm, trong suốt thời gian sống tại Na-gia-rét (x.Lc 2,41). Cả cuộc sống rao giảng của Ðức Giêsu cũng bắt nhịp với những lần hành hương về Ðền Thánh. Hơn thế nữa, Ngài coi Ðền thánh là nhà của CHA, nhà cầu nguyện. Vì thế, Ngài không thể chấp nhận sự lạm dụng đền thờ, biến đền thờ thành nơi buôn bán, hang trộm cướp (x.Mt 21,13). Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Ðức Giêsu đã loan báo đền thờ sẽ bị phá hủy, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào (x.Mt 24,1-2) với ý nghĩa: Thời cuối cùng đã đến, nhưng lời tiên báo ấy đã bị xuyên tạc và trở thành lời tố cáo Ðức Giêsu để lên án tử hình cho Ngài. (x.Mc 14,58).

3. Ðối với niềm tin vào Thiên Chúa và vào Ðấng Cứu Ðộ.

Trong khi rao giảng, Ðức Giêsu loan báo Thiên Chúa là CHA, một vị Thiên Chúa khác xa với hình ảnh Thiên Chúa mà nhiều người đạo đức thời đó tin tưởng. Ngài loan báo Thiên Chúa bằng lời rao giảng và bằng cả cách sống của Ngài. Thay vì xa cách người tội lỗi và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Ðức Giêsu lại tìm đến với họ để chia sẻ, nâng đỡ và an ủi như Ngài xác quyết "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32). Hơn thế nữa, Ðức Giêsu còn tỏ mình là Ðấng Cứu Ðộ, đặc biệt khi Ngài thực thi quyền tha tội (Mc 2,5), quyền chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa (Mc 2,7). Ðối với các thủ lãnh tôn giáo đương thời, hành động đó của Ðức Giêsu bị kết án là phạm thượng và sự đối kháng giữa Ngài với họ càng lúc càng gia tăng (Ga 5,18). Tóm lại, sự đối kháng giữa Ðức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo đã gia tăng theo thời gian, cho đến cao điểm là bản án tử hình dành cho Ngài. Họ đã quyết định thủ tiêu Ngài vì "không hiểu biết" (Lc 23,34) vì "cứng lòng" và "bất tín" (Mc 3,5).

II. Ý nghĩa cái chết của Ðức Giêsu trong chương trình của Thiên Chúa


1. Vụ án Ðức Giêsu.

Vụ án Ðức Giêsu là vụ án phức tạp về mặt lịch sử. Không phải tất cả mọi thành phần lãnh đạo tôn giáo đều nhất trí thủ tiêu Ngài. Cũng có "nhiều kẻ tin vào Ngài" (x.Ga 12,42). Tuy nhiên, những người cực đoan đã thắng: Biệt phái đe dọa trục xuất tất cả những ai theo Ðức Giêsu (x.Ga 9,22). Caipha đưa ra lý do biện minh "Thà một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50). Cuối cùng, họ đã dùng bàn tay của đế quốc Rôma để sát hại Ðức Giêsu dưới một tội danh chính trị (x.Ga 19,12). Tuy nhiên, người tín hữu Kitô không thể qui trách nhiệm sát hại Ðức Giêsu cho toàn dân Do Thái, vì chính Ðức Giêsu đã tha thứ cho họ (Lc 23,34) và Hội Thánh hôm nay xác quyết "Mặc dầu quyết định của chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể qui trách cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Ðức Giêsu bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như người Do Thái hôm nay" (NK 4). Ðúng hơn, người Kitô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận: chính mình có trách nhiệm trong cái chết của Ðức Giêsu, như thánh Phanxicô Assisi đã nói thật tha thiết "Không phải quỷ ma đóng đinh Ngài, nhưng chính anh em đã và vẫn đang đóng đinh Ngài, khi anh em đắm chìm trong tội lỗi và nết xấu của anh em".

2. Cái chết cứu độ trong chương trình của Thiên Chúa.

Cái chết của Ðức Giêsu không chỉ là chuyện ngẫu nhiên, tình cờ nhưng nằm trong "kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước" (Cv 2,23). Kế hoạch ấy đã được Kinh Thánh tiên báo, đặc biệt là lời ngôn sứ Isaia viết về Người Tôi tớ đau khổ. (x. Is 53, 7-8; Cv 8,32-35). Khi sống lại từ cõi chết, chính Ðức Giêsu đã dùng Kinh Thánh mà dẫn giải cho các môn đệ hiểu về cái chết của Ngài (x.Lc 24,45-46) và thánh Phaolô lập lại lời tuyên xưng đức tin "Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh" (1 Cr 15,3). Chương trình ấy là chương trình yêu thương và cứu độ "Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta" (1 Ga 4,10). Vì yêu thương, "đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta" (Rm 8,32) và "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5,21); nhưng chính nhờ cái chết của Chúa Kitô, "chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa" (Rm 5,10), được nên công chính.

3. Chúa Kitô dâng mình cho Thiên Chúa Cha.

Toàn bộ cuộc sống Ðức Giêsu là một hiến tế dâng lên Thiên Chúa Cha, hiến tế của tình yêu vâng phục đối với Cha, cũng là tình yêu cứu độ con người. Khi đến trong cuộc đời nầy, Ngài đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x.Dt 10,5-10) và trọn cả cuộc sống được định hướng bằng Thánh Ý của Cha đến nỗi Ðức Giêsu nói "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy" (Ga 4,34). Ðứng trước cuộc khổ nạn đau thương, nếu một đàng, Ðức Giêsu cảm thấy kinh hãi trước khổ đau nên kêu lên "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy" thì ngay sau đó, Ngài lại thưa "nhưng chính vì giờ nầy mà Con đã đến" (Ga 12,27) và "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?" (Ga 18,11). Ðức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý của Cha, vâng phục không vì ép buộc nhưng với tất cả tự do "Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,18). Chính vì thế, trong khổ đau và cái chết, nhân tính Ðức Giêsu trở thành khí cụ tự do và tuyệt hảo để Thiên Chúa tỏ bày tình yêu cứu độ cho thế gian. Tình yêu vâng phục ấy vươn tới đỉnh cao trong những ngày cuối đời của Chúa Cứu Thế. Vào đêm Người bị trao nộp. Ðức Giêsu đã biến bữa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm hiến tế Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha để cứu độ loài người "Ðây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em... Ðây là Máu Thầy, Máu để lập ra Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26, 39) nhưng vẫn đón nhận trong tâm tình vâng phục "Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha". Chính tình yêu đi đến tận cùng ấy (x.Ga 13,1) đã làm cho hiến tế của Chúa Kitô mang giá trị cứu chuộc và đền tội cho tất cả chúng ta.

4. Ðể cứu chúng ta khỏi tội.

Tại sao những đau khổ và cái chết của một người lại có thể cứu chuộc tất cả chúng ta? Ðó là một câu hỏi thường được đặt ra. Phải quan tâm đến ý niệm của Kinh Thánh về sự liên đới tập thể. Bốn bài ca về Người Tôi Tớ của Isaia (42, 1-4; 49;, 1-6; 50,4-9; 52,13-53, 12) trình bày hình ảnh Người Tôi Tớ được Thiên Chúa chọn để "hiến mạng sống làm của lễ đền tội cho chúng ta". Qua đau khổ, Người Tôi Tớ sẽ công chính hóa nhiều người và sẽ mang lấy tội lỗi của họ. Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh đã lấy lại những lời nầy để nói về Chúa Kitô, và những đau khổ Ngài chịu vì chúng ta. "Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra, Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngã. Nhưng Ðức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta". (Is 53,4-6). Thánh Phaolô đã dùng nguyên tắc liên đới tập thể để giải thích về tội lỗi của loài người và về ơn cứu độ chúng ta trong Chúa Kitô: "Vì một người duy nhất (Ađam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn đến mọi người... thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy" (Rm 5,12-15). Không ai trong cuộc đời nầy - dù là người thánh thiện nhất - lại có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và đền thay cho họ. Nhưng Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người. Ðấng vượt trên loài người, đồng thời ôm lấy mọi người trong nhân tính của Ngài và là Ðầu của cả nhân loại, chỉ một mình Ngài có thể cứu độ mọi người. Hiến tế của Chúa Kitô là hiến tế cứu độ duy nhất và quyết định.

5. Và sự cộng tác của chúng ta.

Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta (x.1 Cr 15,3). Nhưng ơn cứu độ của Ngài không biến ta thành những kẻ lãnh nhận cách thụ động, như Thánh Phêrô nói "Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài... " (1 Pr 2,24). Như vậy, người tín hữu phải cộng tác với Chúa Kitô bằng cách dõi bước theo Ngài trong cuộc sống công chính. (x. Pr 2,24). Hơn thế nữa, người tín hữu được mời gọi chia sẻ hiến tế của Chúa Kitô. Ngài đã hành động thay cho ta, đã chết vì ta ngay khi ta còn là tội nhân (x.ra 5,8), nhưng hy tế cao cả của Ngài không làm cho hy tế của chúng ta thành vô ích, trái lại, làm cho chúng trở thành những thực tại cứu độ. Chính vì thế, đối với thánh Phaolô, nhận biết Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, có nghĩa là chia sẻ những đau khổ với Ngài "Vấn đề là được biết chính Chúa Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người, trong cái chết của Người" (Pl 3,10). Và ngài hãnh diện mà nói "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24). Mỗi người tín hữu cũng được mời gọi để mang lấy trong cuộc đời những tâm tình như thế của vị Tông Ðồ dân ngoại.

III. Chúa Kitô xuống ngục tổ tông


Gắn với cuộc khổ nạn và cái chết cứu độ của Chúa Kitô, người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính "Ngài xuống ngục tổ tông".


Ý nghĩa đầu tiên có thể chỉ là chứng thực Ngài đã chết thực sự. Chúa Kitô đã trải qua thử thách cuối cùng của loài người là cái chết (SGLC 632).


Tuy nhiên, lời tuyên xưng còn bao hàm một ý nghĩa khác nữa, đó là công cuộc cứu độ của Chúa Kitô dành cho người công chính đã chết trước khi Ngài đến (SGLC 633). Thánh Phêrô nói đến việc "Chúa Kitô đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm" (1 Pr 3,19) và bài đọc các giờ Kinh phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh diễn tả "Hôm nay khắp trái đất đều im lặng. Trái đất kinh sợ rồi im hơi vì Thiên Chúa đang nghĩ yên trong xác thịt và đánh thức những kẻ ngủ mê từ muôn thế hệ chuỗi dậy".

Ý nghĩa thứ ba của việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông là lời xác quyết: Tất cả mọi người được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, mà hiệu quả không bị giới hạn trong thời gian và không gian (SGLC 634-635). Ðây là giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ cứu thế của Chúa Kitô: Công trình cứu độ của Ngài trải rộng ra cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Từ bây giờ trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh nắm giữ "chìa khóa Ðịa ngục và cõi chết" và "Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ÐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA!" (Pl 2,10-11).

Bài 15
ÐỨC GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI
(x. SGLC từ 0638 đến 0664)

"Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức Giêsu sống lại" (Cv 13,32-33). "Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng" (1Cr 15,14). Ðối với Kitô giáo, Ðức Giêsu Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của Ðức Tin, và là tâm điểm đời sống người tín hữu, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng Ðức Giêsu Phục Sinh có thực là biến cố lịch sử không? Tại sao biến cố ấy lại là nền tảng cho đức tin? Và nếu Ðức Giêsu đã sống lại lên trời, Ngài có còn liên hệ đến tôi trong cuộc sống hôm nay không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và thúc đẩy chúng ta suy niệm mầu nhiệm nầy trong ánh sáng Lời Chúa.

I. Ðức Giêsu Phục Sinh: Biến cố lịch sử và siêu việt


1. Biến cố lịch sử:

Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết là biến cố có thật, với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Hai yếu tố cần được quan tâm là sự kiện mồ trống và những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh.

Yếu tố đầu tiên là NGÔI MỘ TRỐNG (x.Ga 20; 5-7). Ở tự nó, sự kiện nầy chưa phải là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa sống lại, vì người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích khác (x. Mt 28, 11-15). Tuy nhiên sự kiện nầy đã là dấu chỉ quan trọng, là bước đầu dẫn các môn đệ đến chỗ nhìn nhận Chúa đã sống lại. Thánh Gioan viết: "Ông đã thấy và đã tin" (20,8); nghĩa là ông đã thấy ngôi mộ trống và việc đó đã dẫn ông đến chỗ tin rằng Thầy Mình đã sống lại.


Yếu tố thứ hai là NHỮNG LẦN HIỆN RA của Ðấng Phục Sinh. Khi sống lại từ cõi chết, Ðức Giêsu đã hiện ra với nhiều người: trước hết là bà Maria Mađalêna và các phụ nữ ra mồ từ sáng sớm để hoàn tất việc ướp xác Chúa Giêsu; sau nữa là thánh Phêrô và cả Nhóm Mười Hai. Ngoài ra, thánh Phaolô còn cho biết Ðức Giêsu "đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt. Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ" (1 Cr 15,6-7). Với những chứng từ nầy, chúng ta có thể khẳng định Ðức Giêsu đã sống lại thực sự và đây là biến cố có nền tảng vững chắc. Chính các môn đệ đã không dễ dàng tin vào việc Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, đến nỗi Ðức Giêsu đã "khiển trách các ông không tin và cứng lòng" (Mc 16,14). Nhưng cuối cùng các ông đã tin và mạnh dạn làm chứng cho niềm tin của mình. Niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng như của chúng ta hôm nay được xây dựng trên lời chứng của các ngài, những "chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô" (x. Cv 1,22).


2. Biến cố siêu việt:

Ðức Giêsu đã sống lại. Ðó là sự kiện lịch sử nhưng đồng thời cũng là biến cố siêu việt, là mầu nhiệm đức tin vượt trên lịch sử. Ðức Giêsu sống lại không có nghĩa là Ngài trở lại với cuộc sống trần thế như cũ, để rồi một ngày nào đó lại chết thêm một lần nữa, như con trai bà góa Naim, con gái ông Zairô, hay như Lazarô. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô hoàn toàn khác: Ngài đã ngang qua sự chết mà bước vào cõi hằng sống, vượt trên không gian và thời gian; thần xác Ngài là thân xác tràn ngập quyền năng Thánh Thần, và được chia sẻ sự sống thần linh. Chính vì thế, khi hiện ra với các môn đệ, một đàng Ðức Giêsu vẫn có thể đến trong thân xác cũ, với dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (x. Ga 20, 20; 21,9, 13-15); nhưng đàng khác, thân xác ấy lại mang những đặc tính mới; không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, vì Ngài có thể hiện ra lúc nào và thế nào như Ngài muốn, cũng như Ngài có thể hiện ra với nhiều dáng vẻ khác nhau (x. Mc 16,12; Ga 20,14-16). Như vậy sự Phục Sinh của Chúa Kitô vừa là biến cố lịch sử, vừa là biến cố siêu việt. Một đàng các chứng nhân đã đích thân gặp gỡ Ðấng Phục Sinh; nhưng đàng khác không ai tận mắt chứng kiến và cũng không thánh sử nào mô tả cảnh Chúa sống lại. Một đàng phục sinh là sự kiện mang tính lịch sử; nhưng đàng khác phục sinh vẫn là mầu nhiệm đức tin, vượt trên mọi giới hạn của lịch sử.

II. Tầm vóc Cứu Ðộ của mầu nhiệm Phục sinh


Chúa Kitô đã sống lại. Nhưng việc sống lại này không chỉ là công việc của Chúa Kitô, mà là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động, đồng thời biểu lộ tính cách riêng biệt của mình. Phục Sinh được thực hiện trước hết do quyền năng của Chúa Cha (x. Cv 2,24); qua đó Ngài đưa trọn nhân tính của Chúa Kitô vào trong mối hiệp thông hoàn hảo của Ba Ngôi. Chúa Cha thực hiện công trình này qua tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, thánh Phaolô nói rằng Ðức Giêsu được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thánh Thần, do việc Ngài từ cõi chết sống lại (x.ra 1,3-4). Về phần Chúa Con, Ngài sống lại vì chính Ngài là Thiên Chúa Quyền Năng, như Ngài đã nói: "Tôi hy sinh mạng sống để rồi lấy lại... Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy" (Ga 1,17-18). Như vậy Phục Sinh là công trình của Ba Ngôi, và là sự can thiệp siêu việt của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Chính vì thế, Mầu Nhiệm Phục Sinh chứa đựng tầm vóc cứu độ lớn lao cho toàn thể nhân loại:


1. Phục Sinh xác nhận Thiên Tính thật của Ðức Giêsu: Phục Sinh chứng tỏ rằng Ðấng chịu đóng đinh chính là Ðấng Hằng Hữu, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu" (Ga 8,28). Vì Phục Sinh xác nhận Ðức Giêsu là chính Thiên Chúa, nên Phục Sinh cũng xác nhận tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và đã dạy là Chân Lý Cứu Ðộ, vì Ngài giảng dạy với thẩm quyền của Thiên Chúa. Ðồng thời khi sống lại, Ðức Giêsu đã hoàn tất mọi lời hứa trong Cựu Ước cũng như của chính Ngài. Vì thế, các thánh sử hay dùng thuật ngữ: "đúng theo Kinh Thánh" (x. 1Cr 15,3-4).


2. Phục Sinh ban tặng cho ta đời sống mới: "Như Ðức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Ðời sống mới là chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra, và được thông phần lại vào ơn thánh sủng, nghĩa là ta được công chính hóa. Ðồng thời đời sống mới hoàn toàn tất ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa, và làm anh em của Chúa Kitô, không do bản tính tự nhiên của ta, nhưng do hiệu quả của ân sủng Thiên Chúa.


3. Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của ta. "Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Ðức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống" (1Cr 15,22). Trong lúc đợi chờ sự hoàn tất đó, Ðức Giêsu sống trong lòng mọi tín hữu, khiến họ "không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình" (2 Cr 5,15).


III. Ðức Giêsu lên trời và Ðấng Trung gian


Ðức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại và lên trời. Khi sống lại, Ngài đã nói với Maria Mađalê: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17). Vì thế, ba biến cố: tử nạn, sống lại và lên trời của Ðức Giêsu không thể tách biệt nhau, nhưng liên kết chặt chẽ trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Phêrô đã tuyên bố điều đó: "Ðức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà chết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người sống lại, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lĩnh và Ðấng Cứu Ðộ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội". (Cv 5,30-31). Ðức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài tham dự vào quyền năng và chính uy quyền của Thiên Chúa. Ðức Giêsu là Ðức Chúa, vì thế Ngài nắm mọi quyền hành trên trời và dưới đất, vì Chúa Cha "đã đặt mọi sự dưới chân Ngài" (Ep 1,20-22). Như thế, Ngài là Chúa của vũ trụ và của toàn thể lịch sử (x.Ep 1,10). Ðức Giêsu lên trời và được tôn vinh sau khi đã chu toàn sứ mạng của mình, là một biến cố cứu chúng ta. Vì Ngài đã gửi Thánh Thần đến là Ðấng bảo trợ chúng ta: "Thầy ra đi thì có lợi cho anh em... Thầy gửi Ðấng Bảo Trợ đến cho anh em". (Ga 16,17). Ðức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng không xa cách Hội Thánh, xa cách chúng ta, vì Ngài hiện diện sống động hơn nhờ sức mạnh của Thánh Thần, để nâng đỡ... soi sáng, dạy dỗ và làm sáng tỏ những gì Ngài đã nói, và đã làm khi còn sống ở trần gian. Ðức Giêsu là Ðức Chúa, cũng là Ðầu của Hội Thánh. Hội Thánh là Thân Thể của Ngài. Nên khi lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha, Ðức Giêsu vẫn luôn thi hành chức tư tế của Ngài để cầu bầu, và là Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, như thánh Phaolô đã nói: "Ai sẽ kết án họ, chẳng lẽ Ðức Giêsu! Ðấng đã chết, hơn nữa đã sống lại và đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?" (Rm 8,34). Chúng ta là chi thể của Hội Thánh, và Hội Thánh là Thân Thể của Ðức Giêsu, Ðức Giêsu đã lên trời, và trong niềm hy vọng, chúng ta là chi thể của Ngài, sẽ bước vào trong nước Vinh Quang của Ngài, như lời Hội Thánh hằng tuyên xưng: "Ðức Giêsu là Vua Vinh Hiển! Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết... lên trời và Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người... không phải lìa xa chúng tôi, là những kẻ yếu hèn, nhưng để chúng tôi là những chi thể của Người được tin tưởng theo Người, đến nơi mà chính Người là Ðầu, và là nguyên thủy chúng tôi, đã đi trước chúng tôi" (Kinh Tiền Tụng Thăng Thiên I).


IV. Sống mầu nhiệm Phục Sinh


1. Phụng vụ đêm vọng Phục Sinh được cử hành hằng năm, diễn tả nội dung của Mầu Nhiệm cách sâu sắc và sống động. Ngọn nến Phục Sinh được thắp lên, tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian. Và ánh sáng cho mỗi người chúng ta đang bước đi trong tăm tối. Ngọn nến ấy sẽ được nhúng vào nước rồi lấy ra, tượng trưng cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Rồi sau đó, chính dòng nước ấy sẽ đổ lên đầu những người chịu phép Rửa Tội, để nhờ Chúa Kitô, họ được đời sống mới. Dù đã được rửa tội rồi, ta cần tham dự nghi thức ấy với tất cả ý thức được tin và làm sống lại ơn Chúa khi ta được rửa tội.


2. Chúa Kitô sống lại trở thành Ðấng Hằng Sống, và Ðấng Ðang Sống. Vì Ngài vẫn đang sống nên ta có thể gặp gỡ Ngài. Gặp gỡ Ngài trong cử hành Bí Tích, vì chính Chúa Kitô đang hành động trong Bí Tích. Gặp gỡ Ngài khi đọc và suy niệm Lời Chúa, vì chính Ngài đang giải thích Kinh Thánh cho ta (x.Lc 24,27). Gặp gỡ Ngài nơi anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khó và đau khổ, vì Ngài đang ở trong họ, và tự đồng hóa với họ (x. Mt 25,40).


1836    22-03-2011 07:23:55