Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 09 đến Bài 12

Bài 9
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI
(x.SGLC từ 0355 đến 0379)

Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ. Con người có vị trí ưu việt trong công trình sáng tạo và được tham dự vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Không có câu hỏi nào gay gắt cho bằng câu hỏi con người đặt ra về chính mình: "Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau" (MV 12) và chính quan niệm ấy dẫn lối cho cuộc sống. Chính vì thế, câu hỏi về con người có tầm quan trọng đặc biệt, và Hội Thánh "được Thiên Chúa là Ðấng mặc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giãi bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người" (MV 12).

I. Con người là hình ảnh Thiên Chúa


Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đưa ra định nghĩa đơn sơ mà sâu sắc "Con người là hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,24). Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, đến nỗi tác giả Thánh Vịnh phải kêu lên: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, Muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-7) Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết và yêu mến (x. MV 12), nhờ đó con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương với Ngài. Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người là đỉnh cao của tạo thành và Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự là cho con người "Trời và đất, biển khơi và mọi tạo vật là để cho con người" (Thánh Gioan Kim Khẩu). Nhưng đồng thời, con người không thể quên rằng họ được tạo nên để phụng sự, yêu mến Thiên Chúa, và phải hiến dâng tất cả tạo thành cho Ngài. Phẩm giá cao cả nầy chỉ hiểu được trọn vẹn nhờ Ðức Giêsu, vì "Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể" (MV 22). Chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu bày tỏ tất cả nghĩa cao cả của bản thân và cuộc sống con người.


II. Con người là xác và hồn


Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh mô tả "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7). Như thế, nơi con người có cả yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, và cả hai tạo nên bản tính duy nhất, liên kết chặt chẽ với nhau: con người duy nhất xác hồn. "Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng tổng hợp vật chất ấy lại được linh động hóa bởi nguyên lý tinh thần là hồn thiêng. Vì thế, "con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, và không chỉ coi mình như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật" (MV 14). Hồn thiêng ấy do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên và ban tặng, chứ không do cha mẹ tạo nên. Ðồng thời, hồn thiêng mang tính bất tử, không bị tiêu diệt, kể cả khi hồn lìa khỏi xác trong giờ chết, nhưng sẽ kết hợp lại với thân xác trong cuộc phục sinh sau cùng.


III. Con người là nam và nữ


"Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam và có nữ" (MV 12; St 1,27), nghĩa là có sự khác biệt nhưng đồng thời lại bình đẳng với nhau: khác biệt về phái tính cùng với những nét độc đáo của mỗi phái, nhưng bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, phản ánh sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài. Họ được tạo dựng để sống với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả: "Ðức Chúa là Thiên Chúa phán: con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Nhưng bởi vì giữa bao nhiêu thú vật, chim trời và dã thú, người nam vẫn không tìm được một trợ tá tương xứng, nên "Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ người nam, làm thành một người đàn bà" và lúc ấy người nam reo lên "Ðây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 1,22-23), tiếng reo của khám phá, của tình yêu và thông hiệp. Và cả hai kết hợp với nhau "thành một xương một thịt" (St 2,24). Sự liên kết giữa họ và tạo nên cộng đoàn đầu tiên giữa người với người (MV 12), trong đó hai người nam nữ vừa bình đẳng, vừa bổ túc cho nhau. Nhờ đó, họ "cộng tác đặc biệt vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài đã chúc lành cho họ, và phán: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (MV 50). Sự liên kết ấy còn diễn tả bản tính thâm sâu của con người "là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với người khác, sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình" (MV 12).


IV. Con người trong vườn địa đàng.


Con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh địa đàng, nơi con người sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15). Hội Thánh gọi tình trạng đó là tình trạng công chính nguyên thủy, và con người "được tham dự đời sống thần linh" (GH 2). Trong hạnh phúc nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không chịu sự thống trị của dục vọng, không phải đau khổ và chết chóc, lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hạnh phúc nguyên thủy ấy đã bị mất đi khi con người sa ngã trong Adam. (x. GH 2).


V. Sống ơn gọi làm người


Mặc khải của Thiên Chúa về phẩm giá con người phải trở thành ánh sáng soi lối cho cuộc sống người Kitô hữu, trong cuộc sống của bản thân cũng như trong mọi mối quan hệ đời sống.


1. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Ðức Giêsu, Ðấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con đường của Hội Thánh, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đang hiện diện trong họ (x. Mt 25,40).


2. Ý thức về con người duy nhất xác hồn giúp người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng "Nhân linh ư vạn vật" và "mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn" (MV 10). Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi.


Bài 10
CON NGƯỜI SA NGÃ
(x. SGLC từ 385 đến 412)

"Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,18-19).

Thiên Chúa vô cùng tốt lành đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, nhưng thực tế thường ngày lại cho thấy những giới hạn và bất toàn của thiên nhiên, những bất công và xấu xa trong xã hội ; và những con người gian ác. Niềm tin Kitô giáo giải thích như thế nào ? Những thắc mắc của ông Gióp về đau khổ và của thánh vịnh gia về những người gian ác (Tv 72,3-12) chỉ được giải đáp nơi Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhờ Người, "mầu nhiệm của sự gian ác" (2Tx 2,7) được sáng tỏ dưới ánh sáng của "mầu nhiệm của đạo thánh" (1Tm 3,16). Khi từ cõi chết sống lại, Ðức Giêsu Kitô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi (Rm 5,21) bởi vì Người là Ðấng duy nhất chiến thắng sự ác (Lc 11,21-22 ; Ga 16,11 ; 1Ga 3,8) "Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm" (MV 22).


I. Tội lỗi và ân sủng


Ngày nay người ta có khuynh hướng giải thích tội lỗi như là sự thiếu trưởng thành, sự yếu đuối của tâm hồn, là sự lầm lẫn, là hậu quả đương nhiên của hoàn cảnh xã hội. Thật ra con người phạm tội, vì đã lạm dụng tự do Chúa ban, mà không vâng phục lệnh truyền của Người, từ chối tình yêu của Người. Tội lỗi là từ khước Thiên Chúa và đặt mình đối nghịch với Người. Nên muốn hiểu tội lỗi là gì, cần phải đặt tội lỗi trong tương quan với Thiên Chúa - Ðặt mình trước mặt Thiên Chúa, con người không những nhận ra tội lỗi của mình, mà còn cảm nhận được lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa, để quay về với Người và dấn bước theo Người (Lc 5,8-11 ; Ga 8,11). Tội lỗi đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử nhân loại. "Ðược thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13). Sách Sáng Thế (3,1-15) đã nói đến việc sa ngã của con người đầu tiên, nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện sa ngã chỉ được bày tỏ trọn vẹn nơi Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, để trở thành Cứu Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại (Cv 4,12). Tin nhận Chúa Kitô, Adam mới, là nguồn mạch ân sủng của sự sống, thì sẽ nhận ra Adam là nguồn mạch tội lỗi đưa đến cái chết.


II. Ma quỷ gây ra tội lỗi


Con người phạm tội, nhưng con người không phải là tạo vật đầu tiên chống lại Thiên Chúa. Con người phạm tội, vì đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, "vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu" (1Ga 3,8), ma quỷ có tên là Xa-tan. Xa-tan cùng với đồng bọn đều là những thiên thần tốt lành được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, nhưng đã trở nên xấu xa, vì đã chống lại Thiên Chúa cách dứt khoát. Họ đã từ chối Thiên Chúa cách vĩnh viễn và trở thành thù địch với con người, nhằm mê hoặc con người vào con đường xấu xa giống như họ. Nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, để trợ giúp và giải thoát con người khỏi áp lực của ma quỷ. "Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ" (1Ga 3,8). Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoành hành trên thế giới cho đến ngày tận thế, nhưng những ai tin vào Ðức Giêsu Kitô đều chiến thắng ma quỷ (1Ga 5,5). Ðức Giêsu Kitô không những mạnh hơn ma quỷ (x.Lc 11,22) thống trị chúng (qua các lần trừ quỷ mà Tin Mừng kể lại), nhưng nhờ cái chết và cuộc sống lại của Người, ma quỷ đã bị đánh bại (x.Ga 12,31) để chờ ngày "Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài" (1Gr 15, 25; x.Tv 110, 1).


III. Tội Nguyên Tổ


1. Con người bị thử thách và sa ngã Ðược dựng nên cách Thánh Thiện để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, con người đã lạm dụng tự do để làm theo ý mình mà không theo ý Chúa, muốn coi mình hơn Thiên Chúa mà mất tin tưởng và không vâng phục Người. Ðó là tội đầu tiên của con người. Tội đầu tiên này sẽ lôi kéo theo muôn vàn tội lỗi của mọi người qua các thời đại. Khi phạm tội từ bỏ Thiên Chúa. Ðấng duy nhất tốt lành (x.Mt 19,17), con người tự ý nhận lấy mọi hậu quả xấu xa của tội lỗi.


2. Hậu quả tội nguyên tổ. Sau khi sa ngã, ông bà nguyên tổ mất quân bình khi thấy mình trần truồng (x.St 3,7), chạy trốn Thiên Chúa (x.St 3,8), tương quan giữa hai người không còn bình đẳng hòa hợp như trước (x.St 3,16), đất đai đã chống lại con người, và con người phải vất vả cực nhọc mới chinh phục được thiên nhiên. Cuối cùng, thì con người phải trở về bụi đất (x.St 3,18-19). Như vậy, hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là mất tình nghĩa với Thiên Chúa (ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy). Ðánh mất sự hòa hợp với Thiên Chúa, con người bị chia rẽ và xáo trộn nơi chính bản thân mình, mất hòa bình với người khác và xung khắc với vạn vật. Và hậu quả bi đát nhất là : con người phải chết. Cái chết đã đến với con người, nên làm người ai cũng phải chết (x.ra 5,12). Và từ tội đầu tiên này, tội lỗi đã lan tràn và thống trị khắp thế giới. "Nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng, mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thọ tạo (MV 13).


3. Tội nguyên tổ truyền lại cho con cháu. Con người đầu tiên là Adam đã phạm tội mất tình nghĩa với Thiên Chúa, nên tất cả con cháu thuộc dòng giống loài người, đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi của Adam. Bởi vì Adam đã nhận được ơn Thánh thiện và công chính ban đầu, không chỉ cho một mình ông, nhưng cho toàn thể nhân loại. Vậy một khi Adam đã đánh mất đặc ân đó vì tội mình, thì nhân loại sinh ra từ Adam cũng không còn được ở trong tình nghĩa hòa hợp với Thiên Chúa. Tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa của mọi người sinh ra ở đời này, ta gọi là tội tổ tông truyền. "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Nhưng nếu tội lỗi và sự chết xâm nhập mọi người, thì ân sủng và sự sống của Chúa Kitô cũng tràn ngập tất cả nhân loại. ( Rm 5,18 )


4. Bản tính con người bị tổn thương do tội lỗi. Chính vì mọi người sinh ra trong tình trạng mất ơn Thánh Thiện và Công Chính ban đầu, nên bản tính con người đã bị tổn thương, suy yếu và hướng về điều xấu. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô ban qua Thánh Tẩy, xóa sạch tội lỗi, đưa ta vào trong ơn nghĩa thân tình với Chúa, nhưng tính suy yếu và nghiêng chiều về sự ác vẫn tồn tại nơi bản tính con người. Như vậy, và con người phải luôn sẵn sàng chiến đấu để thắng vượt tội lỗi.


IV. Lời Hứa Ban Ơn Cứu Ðộ


Thiên Chúa là Ðấng toàn Năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn tìm đến với con người (x.St 3,8), và kêu gọi họ tin tưởng là sự ác sẽ bị đánh bại (x.St 3,15) và con người sẽ lại được phục hồi phẩm giá. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã phục hồi phẩm giá con người cách k?iệu hơn cả phẩm giá lúc được sáng tạo (x. Lời nguyện nhập lễ, Lễ giáng Sinh ngày). Thật ra tội lỗi con người không làm hỏng chương trình của Thiên Chúa, mà là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình là : sự sống muôn đời, "Thế Giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì ; thế Giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn" (MV 12). Chiến thắng tội lỗi do Chúa Kitô thực hiện, đã mang lại cho chúng ta những lợi ích lớn lao hơn là những lợi ích mà tội đã làm mất đi. "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20) - "Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Ðấng Cứu Tinh cao cả dường này" (Bản công bố Tin Mừng Phục Sinh, canh thức vượt qua).


V. Hệ Luận Mục Vụ.


"Có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội" (MV 10) "Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô" (MV 37). Như vậy tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi. Cuộc sống con người trên trần gian trở thành cuộc chiến đấu chống lại sự ác dưới mọi hình thức, nơi bản thân cũng như nơi xã hội, để đạt tới sự tốt lành như Thiên Chúa muốn. Trong cuộc chiến khốc liệt và kéo dài suốt đời này, luôn có Chúa Kitô đồng hành và trợ giúp con người. "Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao" (Ep 6,12). Nên chúng ta "hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ" (Ep 6,11).


Bài 11
ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 0422 đến 0451)

Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,15-16). "Ngôi lời đã trở nên người phàm... là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1,14). "Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu" ( Lc 1,31).

I. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KITÔ


Sinh ra làm người ai cũng có một tên gọi. Tên gọi chỉ tính cá biệt của mỗi người. Nhưng trong kinh Thánh, tên gọi thường bao hàm một sứ mạng. Trong ngày truyền tin, Sứ Thần loan báo cho Đức Maria: "Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu" (Lc 1,31). Trong ngôn ngữ Do Thái, từ Giêsu có nghĩa là: "Thiên Chúa Cứu Độ" như lời Thiên Thần nói với Giuse: "Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,21). Với biến cố Phục Sinh, danh Thánh Đức Giêsu được tôn vinh và tỏ ra quyền năng cao cả trên hết "muôn ngàn danh hiệu" (x.Pl 2,9-10). Danh Thánh Đức Giêsu còn được đặt ở trung điểm của lời cầu nguyện Kitô Giáo. Vì thế ta xin bất cứ điều gì, cùng Thiên Chúa Cha cũng phải nhân danh Chúa Kitô (x.Ga 15,16).


Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô, Kitô là từ Hy lạp bởi từ Do Thái là Messia, nghĩa là Đấng được xức dầu. Theo truyền thống Do Thái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn, trao sứ mạng như các Vua (x.IV 1,39), Tư Tế (x.Xh 29,7; Lv 8,12), Ngôn Sứ (x.IV 19,16) đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa, và Đức Giêsu đã xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Ngài là Đấng mà ngay từ đầu "Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36). Và khi Gioan làm phép rửa cho Ngài "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người" (Cv 10, 38). Sau này chính Đức Giêsu đã công khai tuyên bố sứ mạng của mình mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: Ngài được Thần khí Thiên Chúa xức dầu để trở thành Ngôn sứ, Tư Tế, Vương Đế đích thực của Thiên Chúa: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi... Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh" (Lc 4,18-21). Ý nghĩa đích thực và hoàn hảo của Danh Kitô tỏ hiện sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại như Phêrô tuyên xưng: "Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36).


II. ĐỨC GIÊSU "CON MỘT THIÊN CHÚA"


Đức Giêsu là Con Một duy nhất của Thiên Chúa, mà Hội Thánh hằng tuyên xưng: Tôi tin kính một Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa (Kinh Tin Kính). Chính Phêrô cũng tuyên xưng Đức Giêsu là: "Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) và Đức Giêsu cho Phêrô biết đó là mặc khải từ Cha Ngài. (x.Mt 16,17) Sau khi trở lại, Phaolô cũng tuyên xưng và rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x.Gl 1,15-16; Cv 9,20). Chính Đức Giêsu đã xác định lại lời tuyên xưng của các Tông Đồ khi người ta tố cáo Ngài: "Ông là con Thiên Chúa sao?" Đức Giêsu đã trả lời: "Đúng như các ông nói chính Tôi đây" (Lc 22,70) và là "Con một của Thiên Chúa" (Ga 3,16). Đàng khác, khi chịu phép rửa ở sông Giodan, và biến mình trên núi Tabo, Chúa Cha đã long trọng tuyên bố Đức Giêsu là "Con yêu dấu". Cuối cùng, viên bách quản cũng thốt lên khi nhìn Đức Giêsu trên thập giá: "Quả thật, người này là con Thiên Chúa" (Mc 15,39).


Nhưng tước hiệu là "Con Thiên Chúa" của Đức Giêsu vượt trên tước hiệu "Con Thiên Chúa" mà Cựu Ước gán cho các Thiên Thần, cho dân Ít-ra-en, cho các vua Ít-ra-en. Tước hiệu "Con Thiên Chúa" trong Cựu Ước chỉ muốn nói đến sự liên hệ mật thiết của Thiên Chúa với các tạo vật của Ngài; trái lại, Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa" vì Ngài "Biết Cha Ngài" (x.Mt 11,27) đồng bản tính với Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... (Kinh Tin Kính). Vì thế, Đức Giêsu đã phân biệt rõ ràng: "Cha của Thầy cũng là Cha của Anh em" (Ga 20,17).


III. ĐỨC GIÊSU LÀ CHÚA


Để gia nhập Hội Thánh, mỗi người chúng ta đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa: "Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần... ". Người tín hữu cũng hằng tuyên xưng Đức Giêsu: "là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật... đồng bản tính với Đức Chúa Cha..." (Kinh Tin Kính). Suốt cuộc đời công khai, Đức Giêsu chứng tỏ uy quyền của Ngài đối với thiên nhiên, như truyền cho sóng gió im lặng "Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay" (Lc 8,24). Cả những người mắc bệnh hiểm nghèo, cũng được Ngài chữa trị, chỉ một lời phán ra, ma quỉ đều run sợ, kẻ chết được sống lại và nhất là kẻ có tội được tha. Cuối cùng ta thấy chính Đức Giêsu công khai nhận Ngài là Chúa khi Ngài dạy dỗ các Tông Đồ, "Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa" (Ga 13,13). Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và Tông Đồ Tôma đã tuyên xưng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28). Khi cử hành nghi thức phụng vụ, Hội Thánh luôn tuyên xưng "Chúa ở cùng anh chị em" hoặc "Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con".


IV. SỐNG VỚI CHÚA KITÔ


Như vậy Đức Giêsu, chẳng những là Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhưng cũng là Chúa, là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Do đó, chúng ta hết lòng tôn thờ, yêu mến tin tưởng và nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha đã truyền dạy: "hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35), phải siêng năng đọc Thánh Kinh để biết và yêu mến Đức Giêsu vì "không biết Thánh Kinh, tức là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giê-rô-ni-mô). Để yêu mến Đức Giêsu, hãy giữ lời Ngài: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy" và nhất là khi ta yêu thương nhau. Đặc biệt yêu thương kẻ thù là dấu chứng cụ thể ta yêu mến Thiên Chúa: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em con hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34) và "hãy yêu kẻ thù, và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc 6,27).


Bài 12
CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
(x. SGLC từ 0456 đến 0507)

"Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5). Con Thiên Chúa chính là Ðức Giêsu Kitô. "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người" (Kinh Tin Kính).


I. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?


Ở trên trái đất nầy con người là "Nhân linh ư vạn vật" nhưng lại đau khổ hơn hết mọi loài. Chỉ cần nhìn quanh thế giới hôm nay hoặc, xem lại lịch sử loài người cũng thấy rõ sự thật. Ðó không phải do Thiên Chúa, vì Người đã sáng tạo mọi sự đều tốt đẹp, nhưng do chính con người đã sử dụng trí tuệ và tự do cách sai lầm để bất phục Thiên Chúa, và chuốc lấy muôn vàn thất bại trên đường hạnh phúc của mình. Dầu Thiên Chúa có thể bỏ mặc cho họ phải hư đốn vì tội của họ, nhưng Người là Cha yêu thương và toàn năng, không thể làm ngơ trước nỗi khổ của họ, nên Người phải ra tay cứu độ. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế làm người:


• Để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: "Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,10).


- Để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống". (1 Ga 4,9).


- Để Người trở nên khuôn mẫu thánh thiện cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12) "Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13,15).

- Để chúng ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4) "nhờ sự hiệp thông với Người" (Thánh Irênê).


I. Bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống Thai

Biến cố truyền tin cho Ðức Maria (x.Lc. 1,16-38) cho ta biết "thời gian tới hồi viên mãn". Chúa Thánh Thần là "Ðấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính) được sai đi để thánh hóa cung lòng Ðức Maria và làm cho bà thụ thai Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, chính là Chúa Kitô, Ðấng được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần ngay khi bắt đầu làm người. Và sau nầy trong suốt cuộc đời, Ðức Giêsu Kitô dần dần chứng tỏ: "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người (Cv 10,38).

II. Sinh bởi Ðức Maria Ðồng Trinh


Biến cố truyền tin cho Ðức Maria cũng cho biết Thiên Chúa đã muốn loài người tự nguyện hợp tác với công trình cứu độ của Người. Người đã tuyển chọn một thiếu nữ Ít-ra-en ở làng Na-gia-rét, thuộc xứ Ga-li-lê "đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria" (Lc. 1,26-27).

Ðức Maria đã được Thiên Chúa "ban cho nhiều ơn cân xứng với một vai trò cao cả như thế" (Lg 56). Tân Ước gọi Ðức Maria là "Ðấng đầy ân sủng" (Lc 1,28). Và Hội Thánh công bố rằng: "Ðức Trinh Nữ Maria ngay từ lúc mới được thụ thai, nhờ ân sủng và ơn huệ đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô cứu độ loài người, đã được gìn giữ toàn vẹn, không lây nhiễm chút vết nhơ nào của tội nguyên tổ" (DS-2803), và cũng tinh tuyền không một tội riêng nào trong suốt cuộc đời. Người là "Ðấng Vô nhiễm nguyên tội". Khi Ðức Maria thưa lời "xin vâng". Người đã trở thành Mẹ Ðức Giêsu để thuộc quyền Con và cùng với Con phục vụ mầu nhiệm cứu độ (x.GH 56). Nhưng Ðức Giêsu, Con của Người lại chính là Con Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nên Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau hết, vì Ðức Maria thụ thai Ðức Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, nên dầu đã sinh Ðức Giêsu, Ðức Maria được Hội Thánh tuyên xưng là Ðấng trinh khiết vẹn toàn (x.GH 57). Như thế Ðức Maria vừa là Mẹ vừa là Trinh Nữ vẹn toàn, theo ý định của Thiên Chúa Quan Phòng, Người "đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có của Hội Thánh" (GH 63).

III. Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật


Việc Con Thiên Chúa làm người không có nghĩa là nơi Ðức Giêsu có một phần là Thiên Chúa - một phần là người; cũng không phải là hai yếu tố Thiên Chúa và loài người hòa trộn lẫn nhau nơi Người. Ðức Giêsu đã làm người thật mà vẫn là Thiên Chúa thật. Chân lý nầy Hội Thánh luôn phải bảo vệ và làm sáng tỏ trong những thế kỷ đầu tiên để đối phó với nhiều lạc giáo.

Công đồng Nicée (325) tuyên xưng Ðức Giêsu "đồng bản tính với Ðức Chúa Cha" chứ không phải có bản tính khác với Chúa Cha, Công đồng Ephêsô (431) tuyên bố "Ngôi Hai Thiên Chúa đảm nhận bản tính nhân loại trong ngôi vị của Người" chứ không phải Người có hai ngôi vị. Công đồng Chalcédonie (451) tuyên xưng "Chúa Kitô có bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, cả hai không lẫn lộn nhưng hiệp nhất trong một ngôi vị". Công đồng Vatican II xác định rằng: "nơi Chúa Kitô bản tính nhân loại được đảm nhận (mặc lấy) chứ không bị tiêu diệt... Người làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ bằng trí tuệ con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng trái tim con người... thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi" (MV 22).

Như vậy Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Thân xác, trí tuệ và ý chí con người của Người cũng phải "lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan" (Lc 2,40) vì Người đã tự nguyện "trở nên giống phàm nhân" (Pl 2,7). Tuy nhiên, chúng lại hoàn toàn hòa hợp và tuân phục trí tuệ và ý chí của Thiên Chúa. Ðức Giêsu yêu thương tất cả chúng ta bằng trái tim con người. Vì thế, Hội Thánh coi Thánh Tâm Ðức Giêsu, bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta, "như dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu Người đối với Chúa Cha và với tất cả chúng ta" (Ðức Piô XII).

IV. Con Thiên Chúa làm người và con người hôm nay

Nhiều người hôm nay do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, và do lối sống hưởng thụ tiện nghi vật chất, đã bị cám dỗ như nguyên tổ xưa để tự hào tự mãn, muốn "đạt tới cùng đích đời mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13), gạt bỏ Thiên Chúa để mình làm chủ tất cả... Nhưng đa số người Việt Nam theo truyền thống Á đông vẫn luôn quý mến sự hòa hợp giữa Trời Ðất Người (Thiên Ðịa Nhân), biết vâng mệnh Trời, nhân ái với mọi người, và trân trọng thiên nhiên, để mong được an hòa hạnh phúc. Ðây là truyền thống rất tốt đẹp và thuận lợi, giúp ta dễ chấp nhận hơn việc "Con Thiên Chúa làm người để hiệp thông với con người và vạn vật". Việc hiệp thông của Người mang một ý nghĩa sâu sắc, và là lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay:

1. Ý nghĩa sâu sắc
Con Thiên Chúa nhập thể làm người để thể hiện cuộc sống hiệp thông giữa Trời - Ðất - Người, làm cho Trời - Ðất - Người hòa giải hòa hợp với nhau, nhưng vẫn trân trọng phẩm giá của mỗi thành phần. Ðó là để phục hồi phẩm giá đích thực và cao quý mà nguyên tổ đã làm hư mất. Người đã mở ra con đường cứu độ là mời gọi ta trở nên "đồng hình đồng dạng" với Người, để có thể chu toàn lề luật yêu thương mới của Người (MV 22). "Con Thiên Chúa làm người ta được hiệp thông với Người mà trở nên con Thiên Chúa". (thánh Irênê).

2. Lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay
Con Thiên Chúa làm người mời gọi Kitô hữu mang tên của Người, hãy tiếp nối công trình nhập thể cứu độ của Người bằng cách "trở nên đồng hình đồng dạng với Người" (Rm 8,29), noi gương Người hội nhập vào dân tộc mình để phục vụ; đồng hành với đồng bào để xóa dốt giảm nghèo, nhất là hội nhập vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để có thể biểu lộ đức tin và loan báo Tin Mừng cứu độ của Người cho thích nghi với dân tộc hơn (Thư chung của HÐGM Việt Nam 1980).



2314    22-03-2011 07:38:07