Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Gia Đình Xây Dựng và Phát Triển Xã Hội - tháng 11 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Quới Chức
  14. Sống Đẹp
  15. Hỏi Đáp Mục Vụ
  16. Chuyện Thường Ngày
  17. Một Chút Tâm Tình
  18. Thần Học Kinh Thánh
  19. Chia Sẻ Mục Vụ Bác Ái
  20. Một Chút Tâm Tình


LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.10.2014


 Kính gửi: Quý Cha
               Quý Tu sĩ nam nữ
               Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Cầu Nguyện Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời

Vào cuối mùa thu, lá vàng rơi rụng (mùa thu chấm dứt vào 23 tháng 12 để bắt đầu vào mùa đông) nhắc nhở ta về số phận con người: cuộc sống ta tàn lụi từ từ và tiến về cõi chết. Chúng ta được nhắc nhở là phải lo cho thân xác ta: lão, tử; và lo cho linh hồn ta (không phải chết, nhưng có thể chết đời đời là xa cách Chúa mãi mãi).

Việc hiếu thảo đối với ông bà chia thành:

a . Hiếu thảo với ông bà còn đang sống "sớm viếng, tối thăm", lo lắng cho phần hồn, phần xác, nhất là những ngày cuối đời.

b . Hiếu thảo với ông bà đã qua đời, nhưng đã về trời. Có những trường hợp Chúa cho biết là họ đã được cứu độ.

c . Hiếu thảo với ông bà đã qua đời, nhưng còn ở luyện tội, sách vở chép nhiều về trường hợp các đẳng linh hồn cần nhờ những hy sinh, lời cầu nguyện thiết tha của con cháu, của những người tốt lành. Được về với  Chúa, hưởng nhan thánh Chúa là một hồng ân quá lớn, những linh hồn được rời luyện tội vui sướng biết bao, về hưởng mặt Chúa, hết lòng cám ơn con cháu và ân nhân.

Đức bác ái và lòng hiếu thảo đòi hỏi chúng ta ngày nay phải ăn chay, cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn ở luyện tội "lên chốn nghỉ ngơi" bên Chúa là tình thương.

Lm. Phêrô Dương Văn Thạnh
              Giám Quản GP. Vĩnh Long

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: GIA ĐÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó, người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống tương giao nơi gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội (GLHTCG, 2207).

Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Ðời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội.

Gia đình phải sống thế nào để các thành viên biết quan tâm và nhận trách nhiệm đối với những người trẻ và những người già, người đau yếu, tật nguyền và nghèo khổ. Có nhiều gia đình đôi khi không đủ sức giúp nhau như vậy. Bấy giờ, những người khác, những gia đình khác và xã hội, phải chăm lo cho những người này. "Thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian là đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa Cha" (Gcb 1,27) (GLHTCG, 2208).

DIỄN GIẢI

Gia đình loan báo Tin mừng: Xây Dựng và Phát triển Xã hội

Lời Chúa: [Hãy dâng lời cầu nguyện cho những người cầm quyền] "để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh" (1Tm 2,1-2).

Ý cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho những người cầm quyền để họ, qua việc bảo vệ và thăng tiến các gia đình như tế bào của xã hội, dẫn đưa dân tộc đến bến bờ bình an và hạnh phúc

Bài ca ý lực: Ba Ngọn Nến Lung Linh (Ngọc Lễ).

1. Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội

- "Đấng Tạo hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người" nên gia đình trở thành "tế bào đầu tiên và sống động của xã hội".[1] Gia đình là một xã hội tự nhiên, trong đó, người nam và người nữ được kêu gọi trao hiến bản thân trong tình yêu và trao tặng sự sống[2]. Chính từ giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên học tập các đức tính xã hội, vốn là linh hồn cho sinh hoạt và phát triển xã hội.

- Kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm

của đời sống hằng ngày của gia đình, tạo nên phần thiết yếu và nền tảng mà gia đình đóng góp được cho xã hội. Các tương quan trong gia đình được sống và nuôi dưỡng bằng luật "cho không". Trong gia đình, người ta học ý thức phẩm giá của nhân vị và kính trọng nhân vị như là nguồn giá trị duy nhất, cụ thể qua thái độ tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, phục vụ vô vị lợi, tương trợ,... nhưng trên cơ sở biết kính trọng và công bằng. Từ đó các tương quan cộng đồng được mở rộng. Như thế, gia đình giúp kiến tạo thế giới, mang lại một cuộc sống thực sự nhân đạo, cách riêng bảo tồn và thông truyền lại các nhân đức và các giá trị[3]. Gia đình là "nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp đỡ nhau trở nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội".[4]

- Bốn nguyên tắc giúp phát triển đời sống xã hội ngay từ trong gia đình:

1.     Thời gian lớn hơn không gian.

2.     Hiệp nhất lớn hơn xung đột

3.     Thực tế lớn hơn ý tưởng

4.     Toàn thể lớn hơn thành phần.

(X. ĐTC Phanxicô, Evangelii Gaudium, 222-237).

2. Vai trò xã hội và chính trị của Gia đình

- Vai trò xã hội của gia đình không thể chỉ giới hạn vào việc truyền sinh và giáo dục. Gia đình, cách riêng tư hay kết thành hiệp hội, có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng cho người nghèo, cho những người mà các tổ chưc từ thiện và cứu tế công không thể lo hết được. "Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu" (Mt 10,42).

- Gia đình cần mở lòng chăm chú lắng nghe tiếng kêu xin của người nghèo (x. Xh 3,7-8.10; Tl 3,15; Đnl 15,9) và đáp lại (Mc 6,37), bằng cách:

. loại trừ các cơ cấu tạo ra đói nghèo;

. cổ võ sự phát triển toàn diện của người nghèo;

. làm những việc nhỏ hàng ngày liên đới với người nghèo;

. tạo một tư duy mới: ưu tư cho cộng đồng trước, cho công ích hơn tư hữu. (X. ĐTC Phanxicô, EG, 186-216).

- Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức can thiệp chính trị. Chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của Nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực. Gia đình là người đi đầu của "chính sách gia đình", và phải lãnh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội; nếu không chính gia đình sẽ là nạn nhân đầu tiên của những điều xấu vì đã thụ động lãnh đạm đứng nhìn.[5]

3. Xã hội phục vụ Gia đình

- Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội còn theo chiều ngược lại: xã hội không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của nó là tôn trọng và thăng tiến gia đình. "Gia đình phải được giúp đỡ và bảo vệ bằng những biện pháp xã hội thích hợp. Nơi nào các gia đình không đủ khả năng chu toàn các nhiệm vụ của mình, thì các tổ chức xã hội khác có bổn phận trợ giúp các gia đình đó và nâng đỡ thể chế gia đình. Theo nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity) những cộng đồng lớn hơn phải lưu ý để không tiếm quyền các gia đình đó, cũng không xen vào đời sống của họ"[6]. Chắc chắn gia đình và xã hội có những vai trò bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ và thăng tiến công ích cho hết mọi người và cho con người toàn diện. Nhưng phải nhận rằng gia đình là "một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên"[7].

- Cộng đồng chính trị có bổn phận tôn trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho gia đình có được các quyền sau đây:

- Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lí và tôn giáo của mình;

- Quyền bảo toàn sự bền vững của dây liên kết phu thê và thể chế gia đình;

- Quyền tự do tuyên xưng đức tin, lưu truyền và giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và thể chế cần thiết;

- Quyền tư hữu, tự do kinh doanh, có việc làm, có nhà ở, quyền di cư;

- Quyền được chăm sóc y tế, trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, theo thể chế của quốc gia;

- Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, nhất là tránh các nguy cơ như xì ke ma túy, sự khiêu dâm, thói nghiện rượu, v.v...

- Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập các hiệp hội và như thế, được có đại diện trước các quyền bính dân sự.[8]

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Gia đình làm thế nào để góp phần phát triển xã hội và đời sống công dân trong tình hình hiện nay ?

2. Gia đình không chỉ phục vụ xã hội, mà xã hội cũng phải làm hết sức để thăng tiến phúc lợi cho gia đình. Xã hội phải làm thế nào để củng cố gia đình ?

3. Nếu gia đình anh chị được mời gọi góp ý, để giúp xã hội tạo điều kiện thăng tiến gia đình thì anh chị ưu tiên góp ý điều gì ?


[1] X. AA, 11. X. FC 42.

[2] X. GLHTCG 2207.

[3] X. FC 43,

[4] GS 52.

[5] X. FC 44; GS 30. Nghi vấn: Ví dụ, luật cho phép "hôn nhân" đồng giới và nhận con nuôi; hoặc như luật cho phép "mang thai hộ",... sẽ ảnh hưởng lên gia đình truyền thống như thế nào?

[6] GLHTCG 2209.

[7] X. FC 45.

[8] GLHTCG 2211; X. FC46

 Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời:  Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu ngự đến đem ơn cứu rỗi và hoà bình cho trần gian. Ngài chỉnh đốn trật tự xã hội, xây dựng và phát triển xã hội hướng đến vinh quang thiên quốc, trên nền tảng tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh và gia đình Công Giáo, tích cực xây dựng và phát triển xã hội, làm cho mọi người đạt tới sự sống dồi dào của Chúa.

2. Chúa phán: "Của Cêza, hãy trả cho Cêza". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, luôn quan tâm cộng tác và tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm xây dựng và phát triển ích chung của xã hội.

3. Chúa phán: "Con hãy câu cá, nộp thuế phần của Thầy và của con". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, luôn tuân theo luật lệ chính đáng, bảo vệ tài nguyên môi trường lành mạnh, và giúp phát triển xã hội theo ý Chúa.

4. Chúa phán: "Hãy đem những thứ tệ nạn này ra khỏi đây". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, chẳng những không lây nhiễm việc xấu, mà còn biết giúp cải thiện xã hội ngày càng hợp với giáo lý Phúc Âm.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Xin ban Thánh Thần giúp chúng con nên "muối cho đời, ánh sáng cho trần gian"; thúc đẩy chúng con xây dựng và phát triển xã hội theo thánh ý Chúa.Chúng con cầu xin... Amen.

ÁP DỤNGTHỰC HÀNH

GIA ĐÌNH - CỘNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO

Gia đình Kitô hữu là một cộng đoàn yêu thương và hợp nhất, một cộng đoàn sống đức tin, một cộng đoàn phụng tự và gia đình Kitô hữu phải là một cộng đoàn truyền giáo.

Hẳn chúng ta còn nhớ lời Chúa đã truyền cho các tông đồ, và qua các tông đồ cho mỗi người chúng ta, trước khi Ngài về trời và ngự bên hữu Chúa Cha. Ngài phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khuyên bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho các con."

Người ta thường quan niệm cho rằng: Việc tông đồ truyền giáo chỉ là một việc làm dành riêng cho các linh mục, tu sĩ  hay cho một số người nào đó trong các hội đoàn.

Không phải thế. Đã là Kitô hữu, chúng ta phải trở nên ánh sáng cho người khác. Đã là người tín hữu, chúng ta phải trở nên muối ướp cho trần gian. Đã là người giáo dân, chúng ta phải trở nên men làm cho xã hội này dậy lên hương thơm thánh thiện. Đã là phần tử của Giáo Hội, chúng ta có bổn phận phải làm cho thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô luôn lớn mạnh.

Thế nhưng, chúng ta làm việc tông đồ truyền giáo như thế nào?

Ăn nói, rao giảng như các tông đồ thì ta không có tài, hơn nữa kiến thức về đạo giáo, về Phúc Âm của ta còn nông cạn và hời hợt. Đi truyền bá như các vị thừa sai, thì làm sao được, không phải ai cũng có thể có khả năng ra đi rao giảng Tin mừng. Vậy phải làm sao?

Dầu vậy, chúng ta vẫn phải góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền giáo. Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Ngài bằng gương sáng cho đến tân cùng trái đất, để mọi người nhìn thấy việc chúng ta làm mà khen gợi Cha trên trời.

Làm việc tông đồ bằng gương sáng là một việc làm mà ai cũng có thể và có bổn phận phải thực hiện. Hơn thế nữa, làm việc tông đồ bằng gương sáng sẽ là một phương tiện hữu hiện để đem Chúa đến với người khác, bởi vì: Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo.

Và gia đình chính là một môi trường thuận tiện nhất để chúng ta thực hiện việc tông đồ bằng gương sáng.

Nhờ gương sáng, chúng ta có thể làm việc tông đồ trực tiếp cho những người thân yêu, để rồi từ đó, chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng và làm tông đồ cho những gia đình chung quanh. Anh chị em lương dân sẽ nhìn thấy đạo Công Giáo theo mức độ thánh thiện của các gia đình Kitô hữu.

Do đó, gia đình giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo. Chúng ta phải sống thế nào để khi nhìn vào các gia đình Công Giáo, anh em lương dân sẽ phải sửng sốt kêu lên: Tại sao họ lại có thể sống hạnh phúc, hiệp nhất, yêu thương và trung thành với nhau như thế ?

Gia đình công giáo phải trở thành một trung tâm ánh sáng, soi lối cho mình đã đành, mà còn phải soi lối cho những người chung quanh. Gia đình Kitô hữu phải trở nên một ngọn lửa tình yêu, sưởi ấm cho cuộc đời mình đã đành, mà còn có sức sưởi ấm cho cả nhân loại, phá tan đi những băng giá của ích kỷ và hận thù.

Ngày nào mọi gia đình Kitô hữu đều trở thành những trung tâm ánh sáng chiếu tỏa tình bác ái yêu thương, ngày ấy thế giới sẽ là một đại gia đình đầy vui mừng và hy vọng, trong đó mọi người đều là anh em và cùng tôn thờ một vị Cha chung, là chính Thiên Chúa.

Bầu khí đạo đức và yêu thương trong gia đình sẽ trở nên một động cơ thúc đẩy chúng ta sống tốt lành và thánh thiên, như lời Chúa đã phán: Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu. Làm sao có thể tìm thấy trái vả nơi bụi gai.

Lời cầu nguyện và gương sáng của chúng ta có thể cảm hóa được những người thân yêu trong gia đình để họ thay đổi nếp sống, làm lại cuộc đời mà trở về với Chúa.

Chính đời sống bác ái và yêu thương, hòa thuận và hợp nhất của những gia đình Kitô hữu sẽ có sức lôi cuốn và hấp dẫn đối với những người chung quanh. Đời sống bác ái và yêu thương, hòa thuận và tha thứ của những gia đình Kitô hữu sẽ là một dấu hỏi lớn cho anh em lương dân, để họ phải thắc mắc, phải đặt lại vấn đề và tự tìm lấy lời giải đáp.

Tóm lại, chúng ta thấy gia đình Kitô hữu nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới bản thân, thánh hóa xã hội và canh tân bộ mặt Giáo Hội cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Gia đình Kitô hữu phải là chứng tích của tình yêu để liên kết nhân loại đang chia rẽ trầm trọng. Gia đình Kitô hữu phải sống đức tin bằng việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, mà hiện nay đang bị lãng quên.

Sau hết, gia đình Kitô hữu cùng chia sẻ trách nhiệm loan truyền ơn cứu độ cho  muôn dân bằng một đời sống yêu thương và phục vụ, bằng những lời nói an ủi và khích lệ, bằng chính thái thái độ ân cần và niềm nở.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

BÍ TÍCH RỬA TỘI (tt) - CHA MẸ và NGƯỜI ĐỠ ĐẦU

1. Cha Mẹ

Tuy rằng theo Giáo luật, tiếng "tác viên" dành để chỉ người ban bí tích, qua việc đổ nước và đọc mô thức; nhưng theo nghĩa rộng, có thể hiểu tiếng "tác viên" là những ai giữ một phận vụ đặc biệt nào đó trong việc cử hành. Theo nghĩa nầy, chúng ta tìm hiểu vai trò của cha mẹ trong việc rửa tội cho con cái của mình. Điều 867 của Bộ Giáo luật dạy rằng :

Các bậc cha mẹ buộc phải lo cho con cái mình được rửa tội trong vòng những tuần lễ đầu tiên; vào dịp sớm nhất sau khi sinh và ngay cả trước khi sinh, họ phải đến gặp cha sở để xin ngài ban bí tích cho con mình và để được chuẩn bị kỹ lưỡng về bí tích ấy (đ.867§1).

a.     Trường hợp bình thường

Nghi thức rửa tội cho trẻ nhỏ, ở số 5 dùng tiếng "tác vụ" để diễn tả những hành vi sau đây của cha mẹ trong lúc cử hành bí tích cho con mình:

- họ công khai xin cho con mình được rửa tội;

- họ ghi dấu thánh giá trên trán con của mình, hoạ theo cử chỉ của linh mục;

- họ từ bỏ ma quỉ và tuyên xưng đức tin;

- họ bế con mình đến giếng rửa tội;

- họ cầm đèn sáng;

- họ nhận lãnh phép lành đặc biệt.

Ngoài ra, cha mẹ còn cam kết sẽ giáo dục đức tin cho con cái mình. Xét vì vai trò đặc biệt của cha mẹ trong việc cử hành bí tích như vậy, nên Giáo hội ước ao cho cha mẹ có mặt trong nghi lễ rửa tội. Đó là lý do vì sao Bộ Giáo luật hiện nay, ở điều 867§1 chỉ đòi phải rửa tội "trong những tuần lễ đầu", chứ không dùng tiếng "càng sơm càng tốt" như trong bộ luật 1917. Điều nầy hiểu rằng vì muốn chờ cho bà mẹ khoẻ mạnh lại sau khi sinh con để có thể tham dự nghi lễ bí tích; đàng khác, với sự tiến bộ của y khoa ngày nay, nạn trẻ em chết vừa mới sinh ra cũng đã giảm nhiều.

Giáo hội nói là "các tuần lễ đầu tiên", có nghĩa là chưa đến 1 tháng trọn, vì mọi người cần được giải thoát khỏi tội (tội nguyên tổ) và lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô trong mọi thời gian của đời sống con người. Vì thế, các bậc làm cha mẹ và các mục tử đừng lạm dụng cụm từ "các tuần lễ đầu tiên" nầy mà kéo dài cách quá đáng (có nhiều cha sở quy định chỉ rửa tội vào những ngày đầu tháng mà thôi, như vậy, cách chung là các em đã hơn một tháng tuổi rồi!).

Cụm từ "họ (cha mẹ) phải đến gặp cha sở để xin ngài ban bí tích cho con mình". Điều nầy thể hiện trách nhiệm của cha mẹ, và đàng khác, Giáo hội không cưỡng bách ai chấp nhận đức tin Công giáo (748§2), mà là sự tự do của đương sự và gia đình.

Ngoài ra, việc cha mẹ xin rửa tội cho con cái mình cũng nói lên quyền và nghĩa vụ của cha mẹ : quyền định đoạt cho con được rửa tội hay không; nghĩa vụ giáo dục con cái trong đức tin. Việc bảo đảm giáo dục con cái trong đức tin là điều tối cần thiết, vì nếu không, khi trẻ nhỏ được rửa tội rồi bỏ luôn thì không khác nào một cây non đem trồng giữa sa mạc nắng cháy và sỏi đá.

b.    Trường hợp nguy tử

Điều 867 dạy rằng "Nếu nhi đồng đang lâm cơn nguy tử, thì được rửa tội ngay không chút trì hoãn"(đ.867§2). Việc Giáo hội dùng từ "không chút trì hoãn", nghĩa là phải thực hiện ngay, vì phần rỗi của linh hồn. Trong trường hợp nầy, chắc chắn không mấy khi có thừa tác viên thông thường hiện diện đó. Cho nên, những ai hiện diện đó (cha mẹ là chắc chắn nhất) mà biết cách rửa tội, thì phải ban bí tích rửa tội cho bé. Công thức đơn giản là đổ nước và đọc mô thức. Nếu có người đỡ đầu thì càng tốt (nếu không thì chính cha mẹ lấy thánh mình mà đặt cho con). Sau đó trình với cha sở để ghi sổ rửa tội. Nếu sau đó bé khoẻ mạnh lại thì cũng không buộc đem đến nhà thờ để bổ túc các nghi thức khác (luật 1917 đòi buộc phải bổ túc x.đ.759§3).

Như vậy, để chuẩn bị cho các đôi hôn nhân về giáo lý, đời sống gia đình, các mục tử còn đòi buộc phải dạy cho họ biết cách thức rửa tội trong những nố cần kíp nữa. Xét vì trong lúc nguy tử của các trẻ nhỏ thì cha mẹ là người hiện diện đầu tiên hơn ai hết.

2. Cha mẹ đỡ đầu (vú-bỏ)

TRANG LINH MỤC

GIÁO DỤC ĐỨC TIN (tt)- Giáo Dục bằng Dạy Giáo Lý

"Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác" (GLCG 2226).

"Sứ mệnh giáo dục đòi hỏi các cha mẹ Kitô giáo phải trình bày cho con cái tất cả các đề tài cần thiết để các em từ từ trưởng thành về nhân cách theo quan điểm giáo dục của Hội Thánh" (FC, số 39).

Điều này có nghĩa là dù dạy con ở nhà, gửi các em đến trường Công Giáo hay trường công lập, kể cả các lớp Giáo Lý, nhiệm vụ dạy Giáo Lý cho con cái vẫn là nhiệm vụ chính của cha mẹ. Điều này có thể thực hiện được bằng cách trước hết là làm gương cho con bằng việc học đạo và sống đạo của mình, rồi bỏ ít thì giờ ra mỗi ngày để dạy con về cách sống đạo. Có thể mỗi tối vài phút trong giờ kinh tối, có thể trước bữa ăn, hoặc nghe băng trong lúc lái xe thay vì nghe nhạc...

Cách tốt nhất để dạy Giáo Lý cho con là cùng con ôn lại các bài Giáo Lý trong các sách hay các bài tập mà các em đem về từ các lớp Giáo Lý tại nhà trường. Chúng ta là giáo dân không ai hoàn toàn hiểu về Giáo Lý, nhưng trong khi giúp con cái học Giáo Lý ở nhà, chúng ta cũng có dịp học thêm về Giáo Lý.

Nếu gia đình có con trong tuổi thiếu niên hay thanh niên, cha mẹ có thể đem ra những đề tài về tín lý hay luân lý để cả nhà bàn thảo...

Muốn được như thế, chính cha mẹ phải dành một ít thì giờ để học thêm về Thánh Kinh và Giáo Lý.

Cũng vậy, nếu bạn chưa bao giờ cố gắng học hỏi và lớn lên trong sự hiểu biết và yêu mến đức tin Công giáo, các con của bạn sẽ dễ dàng cho rằng sống đức tin Công giáo thật sự không quan trọng đối với bạn. Khi chúng lớn lên, có lẽ chúng sẽ đi chỗ khác để nêu những câu hỏi về Chúa và ý nghĩa cuộc đời. Bạn không muốn điều đó xảy ra chứ?

Giáo Dục đức tin bằng việc 'tiêm phòng ngừa' cho con khi chúng đếnTrường Học

Nhiều cha mẹ Công giáo mất hết hy vọng khi con cái họ đi học đại học và bị chế ngự bởi một giáo sư theo thuyết vô thần, hay bị kéo ra khỏi Giáo hội bởi những người Tin lành theo phái Tin mừng quá khích, vì những người này thách thức niềm tin Công giáo bằng cách dùng Kinh thánh.  Hoặc, nếu con cái họ không từ bỏ đức tin vì một hệ tư tưởng nào đó (thuyết vô thần, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa thế tục), thì có khi chúng đầu hàng trước những dụ dỗ của thế gian. Những thứ mà Kinh thánh nói đến như là "thế gian, xác thịt, và ma quỷ."

Vì vậy cha mẹ phải chuẩn bị cho con cái đương đầu với những thách thức, không phải là với sự sợ hãi, nhưng với đầu ngẩng cao như những người Công giáo yêu mến Đức Giêsu Kitô, không sợ làm ánh sáng chiếu soi nơi tối tăm. (Mt 5,14-16). Cha mẹ phải dạy con cái cách dẫn dắt người khác đến với Đức Kitô, chứ không để bản thân bị dẫn đi xa Người.

Hãy chuẩn bị con cái những gì chúng phải đối mặt sau này. Hãy cho con cái biết những gì mà người theo thuyết vô thần, người theo thuyết hoài nghi, người theo thuyết tương đối tin, và tìm cho chúng câu trả lời cho những vấn đề này và cả những thách thức tương tự khác.

Hãycho chúng biết những sai lầm của người Tin Lành, và cách để trả lời những thách thức của họ ngay từ trong Kinh thánh. Con cái có lẽ không hiểu ngay được tầm quan trọng của mọi thứ màcha mẹ nói với chúng vào lúc này, nhưng khi chúng thật sự phải chống lại những thách thức này, thì những nỗ lực cha mẹ chuẩn bị trước cho chúng sẽ có tác dụng tốt. Chúng sẽ nhớ những gì cha mẹ đã nói, và điều này sẽ làm củng cố trong tâm trí chúng rằng: Cha mẹ của chúng là người hiểu đời và biết cách giải quyết với đời.Thậm chí chúng sẽ tin tưởng hơn khi bàn hỏi với cha mẹ những vấn đề quan trọng khác, như giới tính, hôn nhân, sự nghiệp và tiền bạc, vì chúng thấy cha mẹ là người đáng tin cậy, hiểu biết và khôn ngoan. Và có cha mẹ nào lại không muốn điều đó!

Hầu hết các em dễ bị ảnh hưởng của bạn bè hơn là của cha mẹ. Cha mẹ nên tìm cách để biết bạn bè con mình là ai và gia đình các em ra sao. Không nên cấm cung con cái, nhưng nên để con cái đến nhà bạn bè mà chính cha mẹ cũng đến để quen biết cha mẹ của bạn con mình. Cách tốt nhất là cho các em tham gia các đoàn thể thanh thiếu niên Công Giáo như Hướng Đạo Công Giáo, Hùng Tâm Dũng Chí và Thiếu Nhi Thánh Thể. Muốn cho các đoàn thể này có hiệu quả trong việc giáo dục con cái mình, chính cha mẹ nên tham gia làm huynh trưởng, cố vấn hay ban phụ huynh để có thể theo sát các sinh hoạt của đoàn thể và góp tiếng nói cũng như công sức vào việc xây dựng tương lai của các đoàn thể này. Khi các em tham gia những đoàn thể như thế, các em sẽ có một môi trường và một nhóm bạn tốt để giúp nhau chống lại những ảnh hưởng xấu của các bạn bè và các môi trường khác.

Nhưng dù học ở đâu và gia nhập đoàn thể nào, cha mẹ vẫn không tránh né được nhiệm vụ day con về đức tin và làm gương sống đạo cho con ngay ở trong gia đình của mình.

Kết Luận

Là con người, chúng ta không ai hoàn hảo, nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, và Ngài ban cho chúng ta đủ ân sủng và phương tiện để chu toàn bổn phận này nếu chúng ta biết khiêm nhường chạy đến cùng Ngài và dùng các phương tiện Ngài ban. Giáo dục con cái là bổn phận chính yếu nhất của cha mẹ, còn quan trọng hơn cả cơm ăn áo mặc. Đôi khi cha mẹ cố gắng rất nhiều mà dường như thất bại, vì không thấy kết quả cụ thể nơi con cái. Chúng ta cần kiên nhẫn. Những gì chúng ta làm hôm nay chỉ là những hạt giống nằm sâu trong tâm hồn các em. Chúa sẽ làm cho chúng mọc lên vào đúng thời điểm của Ngài. Phần chúng ta hãy làm hết sức, còn kết quả hãy dâng cho Thiên Chúa, như Đức Mẹ và Thánh Giuse kiên nhẫn làm mọi việc vì vâng lời Thiên Chúa mà không bao giờ thắc mắc rằng tương lai Con Trẻ Giêsu sẽ đi về đâu.

TRANG TU SĨ

GIA ĐÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Xã hội được gầy dựng từ gia đình, mà trong đó người nam và người nữ được kêu gọi trao hiến bản thân trong yêu thương và trao tặng sự sống. Do đó gia đình là nền tảng và là tế bào sống của xã hội. Một gia đình hạnh phúc thật là khi mọi thành viên biết yêu thương, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ với nhau trong tình đoàn kết tương trợ cách vô vị lợi.... từ đó các tương giao trong xã hội cũng được mở rộng và phát triển.

Anh chị Hoàng - Kim kết hôn đã được 20 năm, có 2 người con, đứa con trai lớn tên Phong đang học đại học ở Sài Gòn, đứa con gái út sau khi tốt nghiệp cấp II đã xin gia nhập Hội Dòng Mến Thánh Giá và vẫn đang tiếp tục việc học, còn anh chị thì ở nhà chăm lo cho miếng vườn trồng cây ăn trái, và hiện tại anh đang là Biện trong Họ Đạo. Xem ra cuộc sống gia đình của anh chị là điều mơ ước của bao gia đình. Mặc dù không phải là gia đình giàu có nhưng anh chị luôn hãnh diện và hạnh phúc vì các con. Nhưng "đùng" một cái anh chị nhận được tin Phong, con trai của anh chị đang bị bắt giam vì tội dính líu tới vụ việc hút sách. Nghe tin như sét đánh, chị gần như sắp xỉu, chị không tin rằng đứa con trai ngoan hiền hiếu thảo đang còn ở tuổi "ngồi ghế nhà trường" vậy mà bây giờ... chị nấc nghẹn trong tiếng khóc, anh thì bình tĩnh hơn chạy lo sắp xếp công việc rồi tức tốc bắt xe lên với con xem sự việc ra sao. Khi anh chị đến nơi thì mới biết, trong thời gian gần đây Phong đã theo một nhóm bạn xấu, rồi nghe lời xúi dục của bọn họ nên sự việc mới xảy ra như ngày hôm nay. Vừa nhìn thấy con trong vẻ mặt tiều tụy đau khổ, chị Kim không thể dằn được nước mắt, chị nói với con trong đau đớn tột cùng:

- Con à, mẹ đã sai rồi khi đã không quan tâm nhiều đến việc học và nơi con đang sống?! Đáng lẽ mẹ phải nhận ra sự khác thường của con trong thời gian gần đây để có thể giúp con tránh những điều này. Con bị như ngày hôm nay là do lỗi của mẹ, vì đã không nuôi dạy con cho tốt... Mẹ xin lỗi con!

Nhìn mẹ cha phải đau khổ vì mình, nhưng lại không một lời la mắng hay phiền trách, Phong không cầm được nước mắt và em òa khóc như một đứa trẻ:

- Mẹ ơi, nếu mẹ cứ la mắng con, Ba cứ đánh con thật đau thì chắc con sẽ dễ chịu hơn. Con đã lớn rồi và đã biết phân định điều tốt xấu... vậy mà con vẫn dính vào nghiện ngập, đó là lỗi của con, con xin lỗi Ba Mẹ, xin mẹ đừng tự trách. Con hứa với Ba Mẹ, con sẽ cai nghiện thật tốt để sớm trở về với gia đình mình. Xin Ba Mẹ đừng quá lo cho con.

Tình yêu và sự quan tâm của gia đình chính là phương thuốc tốt nhất để chữa lành mọi vết thương tâm hồn, nhất là có thể để cải biến một con người từ tình trang xấu tệ trở nên tốt lành. Cũng chính nhờ tình yêu thương của gia đình đã giúp Phong nhận ra giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.

Cuộc sống lắm lúc không theo ý ta muốn, nhưng cũng chính nhờ những chông gai trong cuộc đời sẽ dạy cho ta bao điều hay đẹp. gia đình và xã hội có những vai trò bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ và thăng tiến công ích cho hết mọi người. Do đó, để xây dựng và phát triển xã hội trong đời sống gia đình hôm nay thì cần rất nhiều những cố gắng nổ lực, nhất là niềm tin Kitô giáo phải được nuôi dưỡng từ chính trong gia đình.

MTG Cái Nhum

GÓP PHẦN BÉ NHỎ

Vừa đọc kinh hôm xong, Bé  n nghiêng mình kề sát vai Bà ngoại và nói:

- "Bà ơi! Bà kể chuyện cho cháu nghe nữa nha Bà!

- Ừ! Các cháu nghe Bà kể nè. Ngày xưa... xưa thật là xưa...

Bà đã nghỉ an trong Chúa cách đây hơn10 năm, nhưng những mẫu chuyện được nghe Bà kể năm nào vẫn còn đậm nét trong ký ức của Gia  n, người cháu ngoại của Bà.  n còn nhớ như đinh đóng cột, vào những buổi tối, vừa đọc kinh xong, chị em  n cùng xúm xích bên Bà. Bà thích kể cho các cháu nghe những câu chuyện mang nội dung dạy đời như: Tham thì thâm, Ở hiền gặp lành... Tuy nghèo nhưng đời sống Bà rất trong sáng, Bà cũng muốn dạy con cháu sống thành thật, không tham lam và luôn biết thương người nhất là người nghèo khổ.

Những câu chuyện dạy đời của Bà đã ăn sâu vào xương tủy chị em  n nên đứa nào cũng biết thương người và không dám gian dối vì sợ có tội. Được sự giáo dục về đức công bằng và lòng thương người ngay từ nơi gia đình. Nên khi đến trường,  n luôn sống thành thật và có tấm lòng tốt đối với bạn bè.  n luôn cố gắng học và hay quan tâm, giúp đỡ các bạn yếu hơn. Nhìn thấy sự gian lận mánh mun nơi học đường,  n có thái độ bất mãn. Nhiều khi bị bạn xấu ganh ghét do tính khí chân thật và lòng tốt của  n.  n sống giữa môi trường giáo dục thiếu lành mạnh của nhà trường và lớn lên giữa một xã hội gian dối lọc lừa với nhiều bộ mặt giả: hàng giả, bằng cấp giả, đám cưới giả... Chân lý dường như không còn chỗ đứng trong xã hội thực dụng hôm nay. Nhất là gần trong xóm của  n,  n thấy những trẻ em nghèo: nghèo học thức, nghèo nhân bản, nghèo hèn...  Xóm làng có nhiều tệ nạn do sự thiếu giáo dục của đám trẻ nầy.

Sau khi học xong cấp III, thâm tâm  n thật bức xúc, muốn làm điều gì đó để góp phần làm cho xóm làng, cho xã hội được phát triển hơn. Ngoài công việc giúp đỡ gia đình,  n dành thời gian đi sâu vào trong xóm làm quen với những trẻ thất học, nghèo nàn, qua những lần đi hái rau, bắt ốc... Dần dần  n gần gũi thân quen với đám trẻ, nhờ đó nhận ra điểm yếu của các em về tinh thần và thiếu thốn vật chất.  n tạo tình thân qua những giờ sinh hoạt vui chơi và giúp đỡ các em bằng khả năng tinh thần của mình.  n nhờ các Dì lo việc bác ái xã hội đến tiếp sức về vật chất. Từ đó, các trẻ nghèo trong xóm được dạy dỗ và quan tâm đến chén cơm tấm áo nên nhóm trẻ nầy dễ dạy, dễ thương hơn. Làng xóm khá yên ổn và bớt đi những lời thô tục.

Cùng phụ giúp công việc bác ái với các Dì,  cảm nhận được niềm vui vì thấy mình có cơ hội gíúp cho người nghèo bớt khổ, xóm làng được an vui. Nhận thấy sự dấn thân phục vụ của quí Dì thật đáng trân trọng, góp phần cho xã hội tốt hơn.  n cũng muốn tận hiến trọn vẹn đời mình để dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, muốn góp phần bé nhỏ của mình làm cho xã hội được vươn lên.

Thật vậy, khi biết giáo dục con cháu ngay thời thơ bé là gia đình đang xây dựng và phát triển xã hội vì gia đình là phần tử của xã hội, là một xã hội thu nhỏ. Gia đình tốt, xã hội sẽ tốt. Xã hội chúng ta đang phát triển nhưng có nhiều gian dối như hôm nay, gia đình chúng ta phải làm gì? Đừng nản chí buông xuôi, nhưng mỗi người chúng ta hãy lạc quan tin tưởng và tự nhủ: "Một con én không làm nỗi mùa xuân, nhưng nhiều điểm đen xuất hiện trên không sẽ báo hiệu mùa xuân sắp đến."  Mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống trung thực, giáo dục con cái sống thành thật là chúng ta đang góp phần xây dựng xã hội và làm cho xã hội thăng tiến trên con đường chân thiện mỹ.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

BAO DUNG VÀ TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Triết gia Plaute, người La Mã, có nói : "người đối với người thật là chó sói", hay gần đây triết gia người Pháp Jean Paul Sarte còn nói cách mạnh bạo hơn: "hoả ngục chính là tha nhân". Phải chăng hai nhà triết gia kia có cái nhìn tiêu cực về tha nhân như thế là do họ chứng kiến quá nhiều ngừơi thiếu lòng quảng đại, bao dung.

Vậy bao dung là gì ? Nó có cần thiết không ? Và nó được biểu hiện ở những khía cạnh nào trong cộng đồng con người nói chung và cộng đoàn tu trì nói riêng ?

Khái niệm bao dung : theo Đại từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, thì "Bao dung là rộng lòng cảm thông, thương yêu độ lượng với mọi người". Như vậy bao dung bao gồm lòng vị tha, tôn trọng và cảm thông.

Ngay từ khởi thuỷ, Thiên chúa đã không dựng nên con người cô độc mà "Ngài đã tạo dựng có nam có nữ". Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, từ bản chất thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính, đó là nhu cầu giao tiếp. Nhưng mỗi người lại có cá tính khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, sống trong môi trường văn hoá, xã hội khác nhau, nên trong quá trình giao tiếp dễ gây ra hiểu lầm, xung khắc...Do đó, trong mối tương giao rất cần đến lòng bao dung. Có lòng bao dung, con người dễ cảm thông, gần gũi và sống với nhau có tình người hơn. Riêng đối với cộng đoàn tu trì thì sự bao dung còn là điều gì đó rất cao cả.

Lòng bao dung trước hết được thể hiện ở lòng vị tha, tức là có lòng vì kẻ khác. Thói thường, người ta chỉ hay nghĩ đến mình mà ít khi nghĩ đến người khác. Nhưng đã sống trong cộng đồng nhân loại, người ta không thể chỉ biết có mình mà không nghĩ đến người khác. Người ta không chỉ sống cho riêng mình mà còn phải biết sống cho người khác nữa. Ngạn ngữ Tây phương có câu : "Người ta chỉ được sung sướng khi nào mình làm cho người ta sung sướng". Muốn có lòng vị tha, phải có lòng trắc ẩn, tức là lòng thương yêu, tình huynh đệ. Nhưng muốn có lòng thương yêu, tình huyng đệ thì cần phải hiểu và cảm thông với người khác, tức là cần đặt mình vào địa vị của người khác mới biết rõ được tình cảm của người để giúp đỡ, an ủi, động viên và chia sẻ với người anh em mình.

Thứ đến là lòng tôn trọng. Tôn trọng lẫn nhau cũng là một cách thức thể hiện tình thương yêu nhau; ngược với chiều hướng khá phổ biến là nghiêm khắc phê phán và chỉ trích tha nhân. Thánh Phao-lô dạy : "Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình" (Rm 12,10). Lời khuyên của Thánh Phao-lô khuyến khích chúng ta khám phá nơi người anh em những phẩm chất của họ. Nhưng tôn trọng nhau không có nghĩa là né tránh để khỏi làm mất lòng nhau mà cần năng tiếp xúc với nhau và không ngại đụng chạm với nhau. Bởi lẽ, đa số các thành viên trong cộng đoàn đều ở mọi miền đất nước, khi gia nhập công đoàn, họ vẫn mang theo những sắc thái văn hoá của quê hương mình, nên trong đời sống cộng đoàn không sao tránh khỏi những xung khắc hay hiểu lầm. Xét theo một khía cạnh nào đó, xung khắc không hẳn là xấu. Tốt hay xấu là do hệ quả của nó. Nhưng chính trong xung khắc, va chạm ấy; anh em có thể hiểu thêm tính tình của nhau, tôn trọng những sự khác biệt, lối suy nghĩ và hành động của anh em để từ đó có thái độ, cử chỉ tế nhị và khôn khéo hơn.

Cùng với lòng vị tha, tôn trọng, trong đời sống cộng đoàn còn cần mỗi người "mang lấy gánh nặng cho nhau". Mang lấy gánh nặng cho nhau nghĩa là cảm thông và chấp nhận những lỗi lầm thực sự hay hiển nhiên của người khác, cho dù họ làm cho ta khó chịu và sẵn sàng chấp nhận tất cả những hy sinh cần thiết phải có khi sống chung với những người không có cùng não trạng, không có tính khí phù hợp hoàn toàn với cái nhìn và sự phán đoán của riêng ta. Do đó, lòng quảng đại cũng cần phải có nơi mỗi người. Priông nói :"Đối vối nhân đức của người, hãy quảng đại; đối với lỗi lầm của người, hãy mù quáng một chút". Mù quáng ở đây không phải là nhắm mắt làm ngơ trước những lầm lỡ của người anh em, mà cần có sự giúp đỡ chân thành để người em mình nhận ra lầm lỗi và mau mắn sửa đổi, như Vonte nói "Thông cảm nỗi khổ của người là tốt mà ra tay cứu bạn còn hay hơn". Do đó "không có nhiệm vụ nào cao quý hơn là giúp đỡ những người sa ngã".

Như vậy, bao dung trong đời sống xã hội là điều cần thiết, và đối với cộng đoàn tu trì, thì đó là đức tính không thể thiếu. Lòng vị tha giúp mọi người không chỉ sống cho riêng mình mà biết quan tâm đến người khác; lòng tôn trọng giúp mọi ngừơi thương yêu và đón nhận những sự khác biệt của nhau; lòng cảm thông giúp mọi người chấp nhận nhau và sửa lỗi cho nhau. Những đức tính trên sẽ giúp con người nhìn đời, nhìn người một cách tích cực hơn để cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương cho xã hội nói chung và xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn tu trì nói riêng.

TRANG THIẾU NHI

SỰ LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC GIA ĐÌNH TRONG XÃ HỘI

Con người được sinh ra và lớn lên trong gia đình. Mỗi gia đình  là một tế bào của xã hội. Sự liên đới giữa các gia đình trong xã hội là điều cần thiết. Sự liên đới này được thể hiện bằng nhiều hình thức.

Đại gia đình tam hay tứ đồng đường là nét nổi bật của văn hóa Á Đông. Nhiều gia đình cùng sống dưới một mái nhà và có những sinh hoạt chung với nhau. Sự nâng đỡ giúp nhau thăng tiến được thực hiện tốt trong môi trường này. Các gia đình có cùng huyết thống sẽ nhắc nhở nhau gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dòng tộc mình.

Tình làng nghĩa xóm cũng là một nét đẹp trong sự liên đới giữa các gia đình. Những khi gia đình này có hữu sự thì các gia đình còn lại xung quanh cùng đến giúp. Hình ảnh nhiều gia đình cùng lo cho một gia đình thật là một hình ảnh đáng trân trọng nói lên tình tương thân tương ái giữa con người với nhau.

Ngày nay việc đi lại dễ dàng và các bạn trẻ đi làm xa quê hương cũng có thể là một thuận lợi cho sự liên đới các gia đình. Những điều hay ở miền này, vùng này sẽ có cơ hội nhiều để du nhập cho vùng hay miền kia. Để rồi các gia đình có dịp bổ túc và học hỏi lẫn nhau về nhiều phương diện trong đời sống.

Sử dụng tốt các phương tiện truyền thông hiện đại sẽ làm cho các gia đình được xích lại gần nhau hơn. Các thông tin liên lạc từ gia đình này đến với các gia đình khác cách mau chóng sẽ giúp nhau dễ dàng hơn.

Sự liên đới giữa các gia đình cũng còn thể hiện nơi sự chung thủy vợ chồng và tôn trọng sự sống. Trong xã hội hiện đại hai việc này dường như có chiều hướng lỏng lẻo. Nếu xã hội hiện đại mà các gia đình không biết tôn trọng sự chung thủy vợ chồng và bảo vệ sự sống thì thật là một nghịch lý.

Càng có nhiều gia đình biết gìn giữ sự chung thủy vợ chồng sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Lời thề hứa của các cặp vợ chồng ngày thành hôn trước mặt Chúa và Giáo hội thật ý nghĩa. Lời thề hứa này giúp cho họ ý thức không để cho sự tan vỡ giữa vợ chồng xảy ra với gia đình mình.

Điều răn thứ 5 của mười điều răn Đức Chúa Trời dạy người tín hữu biết tôn trọng. Nghĩa là sự sống con người từ lúc thụ thai đến khi già yếu cần được bảo vệ. Nhờ có điều răn này mà các gia đình kitô hữu hiểu rõ hơn giá trị của sự sống con người.

Xã hội loài người dù ở thời đại nào cũng cần có sự đóng góp rất nhiều nơi các gia đình. Các gia đình kitô giáo cần nên vận dụng tất cả những gì biết được về đạo lẫn về đời để sự liên đới giữa các gia đình được mỗi ngày tốt đẹp hơn.

BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

Trong cuốn sách "Người Do Thái dạy con" có mẩu chuyện xảy ra từ thời thế chiến lần thứ hai, với nội dung như sau:

Chiến hạm Tatula của hải quân Đức cập bến cảng. Thiếu tá Leidel từ trên tàu lên bờ chuẩn bị tham gia một cuộc bán đấu giá, nhưng người bán không cho biết trước hàng hóa là gì. Vị thương gia chủ trì cuộc bán đấu giá hôm đó vốn là một nhà buôn khét tiếng về thủ đoạn lừa đảo. Ông ta rao bán đấu giá một chiếc thùng gỗ to, nhưng không cho biết trong đó chứa đựng thứ hàng gì. Khi cuộc đấu giá bắt đầu thì mọi người tham dự đều xì xào bán tín bán nghi. Nhiều người nghĩ rằng trong cái thùng kia chắc chắn là đựng toàn đá cuội.

Khi đó, duy chỉ có Leidel là không nghĩ như thế. Viên sĩ quan hải quân này vẫn trả một giá khá cao: 30 đô la. Với giá này, không ai tham dự dám đặt giá cao hơn. Thế là chiếc thùng gỗ thuộc về ông ta. Khi mở thùng ra xem, mọi người thấy rõ và đều đồng thanh ồ lên ngạc nhiên, vì trong đó có hai thùng rượu Whisky chính hiệu. Ngay lúc đó, nhiều con nghiện rượu muốn bỏ ngay ra 30 đô la để mua lấy một chai Whisky quý nhưng Leidel từ chối nói:

- Tôi sắp được điều đi làm ở nơi khác, cần dùng số rượu này để tổ chức một buổi tiệc liên hoan giã biệt bạn bè.

Thi hào Heinrich Heine biết tin này và đã tìm đến gặp Leidel. Ông nói với viên thiếu tá Leidel rằng: Nghe nói ngài có rượu Whisky rất quý. Tôi xin mua 6 chai, ngài lấy bao nhiêu tiền?

Ngay lúc đó, viên sĩ quan người Đức cự tuyệt, nhất định không bán. Nhà văn nổi tiếng nước Đức và thế giới bèn rút ra một nắm giấy bạc rồi nói:

- Hãy bán cho tôi 6 chai, ông lấy bao nhiêu tiền tôi cũng chấp nhận.

Leidel nhìn nắm giấy bạc, suy nghĩ một lúc rồi mới nói: Tôi không lấy tiền mà chỉ xin đổi 6 chai rượu lấy 6 bài học, mong ngài dạy cho tôi trở thành một nhà văn, được không?

Heinrich nhăn mặt đáp: Anh bạn ơi, tôi phải học vất vả bao nhiêu năm mới thành nghề đấy. Cái giá phải trả lớn đấy, nhưng thôi tôi đồng ý.

5 ngày đầu tiên, Heinrich theo đúng thỏa thuận dạy cho Leidel 5 bài học về văn chương. Viên sĩ quan có vẻ đắc chí lắm, chỉ mất có 6 chai rượu mà đã có thể trở thành nhà văn, cái giá thật quá rẻ. Đến bài thứ 6, Heinrich hỏi:

- Xem ra ông cũng là một tay buôn bán sành sỏi đấy. Xin hỏi thực, ông đã pha bao nhiêu rượu rẻ tiền vào các chai Whisky này.

Viên thiếu tá khẳng định: Không, hoàn toàn không có chuyện đó.

Đến lúc này, đại văn hào Heinrich mới nói:

- Nay tôi xin dạy cho ông bài học thứ 6. Trước khi miêu tả một nhân vật, đầu tiên ông cần phải là một người có tu dưỡng. Một là, ông phải có tấm lòng đồng cảm. Hai là ông phải lấy cái mềm trị cái cứng, không được khinh rẻ người bất hạnh.

Nói đến đây, đột nhiên Heinrich nói với giọng rất nghiêm túc: Trước khi gửi giấy mời bạn bè đến dự liên hoan cáo biệt, xin ông hãy kiểm tra kỹ lại rượu Whisky.

Viên sĩ quan Đức trở về phòng mình, soát kỹ lại từng chai Whisky, thì ra trong đó đều là nước trà pha loãng. Chắc là thi hào Heinrich đã biết trước chuyện này nhưng ông vẫn không chế nhạo vị sĩ quan bị lừa mà vẫn thực hiện đúng lời hứa dạy đủ 6 bài với tinh thần cốt lõi: Muốn trở thành nhà văn, nhà thơ lớn thì trước hết phải biết học làm người.

Lời bàn: Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng, bất cứ ai khi còn nhỏ nếu muốn trở thành con ngoan, trò giỏi và khi đã trưởng thành là người có ích cho quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ... thì ắt phải biết dùi mài kinh sử, tức là phải biết tu chí mà học. Và học ở đây không phải chỉ có học chữ, mà phải biết trước hết là học để làm người. Tuy nhiên, nếu ai đó chỉ có học không thì cũng chưa đủ, chưa thể trở thành người có ích nếu như người đó không biết tu dưỡng, khổ luyện trong thực hành và nhẫn nhịn trong tu tâm, dưỡng đức.

Bởi ở đời chỉ những ai có tu dưỡng mới biết đồng cảm với cảnh khổ đau hay nỗi buồn đau của người khác và có như vậy mới hiểu được lòng người, cùng đạo lý ở đời. Với những người cầm bút, có tu dưỡng mới viết được những trang tuyệt tác làm rung động lòng người, mới biết vui với cái vui của trần thế. Cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ và còn biết bao danh sĩ khác... cũng đều là những người giỏi về tu dưỡng mới viết được những kiệt tác để lại cho muôn đời sau. Thế mới hay rằng, học để làm người và là người có tâm, có đức... quả không phải dễ.

- Sưu tầm -

TRANG GIỚI TRẺ

 Bài Giáo Lý IX Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô: Hội Thánh Là Dân Thiên Chúa

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ chín của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 12 tháng 6 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn suy niệm ngắn gọn về một thuật ngữ khác mà Công Đồng Vaticanô II đã dùng để định nghĩa Hội Thánh, đó là "Dân Thiên Chúa" (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 9; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 782). Và tôi làm thế với một số câu hỏi để mọi người có thể suy nghĩ.

1. Làm "Dân Thiên Chúa" nghĩa là gì? Trước hết, nó có nghĩa là Thiên Chúa không thuộc riêng về một dân tộc nào cả; vì chính Ngài kêu gọi chúng ta, triệu tập chúng ta, mời gọi chúng ta thành phần tử của dân Ngài, và lời mời gọi này dành cho tất cả chúng ta, không phân biệt, vì lòng thương xót của Thiên Chúa "muốn mọi người được cứu rỗi" (1 Tim 2:4). Chúa Giêsu không bảo các Tông Đồ và chúng ta lập ra một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu nói: hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Mt 28:19). Thánh Phaolô nói rằng trong dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh, "không còn là Người Do Thái hay người Hy Lạp ... vì tất cả anh em là một trong Đức Chúa Giêsu Kitô" (Gl 3:28). Tôi cũng muốn nói với những người cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, với những người sợ hãi hoặc thờ ơ, với những người nghĩ rằng họ không còn có thể thay đổi: Chúa cũng mời gọi bạn làm phần tử của dân Ngài và Ngài làm thế với sự tôn trọng và tình yêu lớn lao! Ngài mời gọi chúng ta làm phần từ của dân này, dân Thiên Chúa.

2. Làm thế nào để một người trở thành một phần tử của dân này? Không phải qua huyết thồng (qua việc sinh ra theo thể lý), nhưng qua việc tái sinh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng một người phải được sinh ra từ trên cao, bằng nước và Thánh Thần để được vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3:3-5). Chính nhờ Phép Rửa Tội mà chúng ta được giới thiệu vào dân này, nhờ đức tin vào Đức Kitô, là một hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta phải nuôi dưỡng và làm cho phát triển suốt đời mình. Chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào mà tôi có thể phát triển đức tin tôi đã nhận nhận được trong Bí tích Rửa Tội? Làm thế nào để phát triển đức tin này mà tôi đã nhận được và dân Thiên Chúa sở hữu?

3. Một câu hỏi khác. Lề luật của Dân Thiên Chúa là gì? Đó là luật của tình yêu, tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân theo giới luật mới mà Chúa đã để lại cho chúng ta (x. Ga 13:34). Tuy nhiên, một tình yêu không phải theo tính đa tình vô bổ hoặc một điều gì mơ hồ, nhưng là một tình yêu nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất của cuộc đời, đồng thời chấp nhận người khác như anh em thật sự, vượt trên những chia rẽ, cạnh tranh, hiểu lầm, ích kỷ; hai điều này đi cùng nhau. Chúng ta còn phải làm cách nào nữa để sống luật mới này một cách cụ thể, luật của Chúa Thánh Thần là Đấng hành động trong chúng ta, luật của đức ái, của tình yêu!

Khi chúng ta xem báo hay truyền hình, chúng ta thấy có rất nhiều cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu; nhưng làm sao điều này có thể xảy ra? Trong dân Thiên Chúa, có quá nhiều chiến tranh! Trong các khu phố, ở sở làm, có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh vì đố kỵ và ghen tương! Thậm chí trong cùng một gia đình, có bao nhiêu cuộc chiến tranh nội bộ! Chúng ta phải cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu lề luật của tình yêu này. Đẹp biết bao khi yêu thương nhau như anh em thật. Đẹp biết bao! Chúng ta hãy làm một điều gì hôm nay. Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có những người chúng ta có cảm tình và không có cảm tình; có lẽ nhiều người trong chúng ta hơi có một chút giận dữ với một người nào đó; như vậy chúng ta hãy thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, con đang giận người này hay người kia. Con sẽ cầu nguyện cho anh ấy và cho chị ấy. Cầu nguyện cho những người mà chúng ta giận là một bước tiến tốt đẹp trong lề luật của tình yêu. Chúng ta có làm điều ấy không? Chúng ta hãy làm điều ấy ngày hôm nay!

4. Sứ mệnh có dân này là gì? Là để mang đến cho thế giới niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa, là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả mọi người vào tình bằng hữu với Ngài; thành men làm dậy tất cả đống bột, muối làm cho có hương vị và giữ cho khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi. Chung quanh chúng ta, chỉ cần mở một tờ báo - như tôi đã nói - chúng ta có thể thấy rằng có sự hiện diện của sự dữ, là những điều mà Quỷ Dữ làm. Nhưng tôi muốn nói lớn tiếng rằng: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Anh chị em có tin điều này không: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn? Nhưng chúng ta cùng nhau nói điều ấy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Và anh chị em có biết tại sao Ngài mạnh mẽ hơn không? Bởi vì Ngài là Chúa, là Chúa.

Và tôi muốn nói thêm rằng thực tại, đôi khi đen tối và bị đánh dấu bởi sự dữ, có thể được thay đổi, nếu chúng ta, là những người đầu tiên, mang ánh sáng của Tin Mừng đến, đặc biệt là bằng đời sống của mình. Nếu ở một vận động trường, nơi đây chúng ta nghĩ đến vận động trường Thế Vận Hội ở Roma, hoặc vận động trường San Lorenzo ở Buenos Aires, trong một đêm đen có một người thắp lên một ánh sáng, thì người ta có thể nhìn thấy chút ít, nhưng nếu hơn 70.000 khán giả mỗi người đều thắp lên ánh sáng của họ, sân vận động sẽ sáng ngời. Hãy làm cho cuộc đời của chúng ta thành một ánh sáng của Đức Kitô; cùng nhau chúng ta sẽ mang ánh sáng của Tin Mừng đến cho toàn thể thực tại.

5. Cùng đích của dân này là gì? Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa, đã khởi sự trên trần thế bởi chính Thiên Chúa, và cần phải được lan rộng cho đến lúc hoàn thành, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Lumen Gentium, 9). Như thế, lý do chính của cuộc đời là hiệp thông hoàn toàn với Chúa, liên hệ quen thuộc với Chúa, bước vào sự sống thần linh của Người, nơi chúng ta sẽ sống niềm vui của tình yêu vô hạn Người, một niềm vui trọn vẹn.

Anh chị em thân mến, là Hội Thánh, là dân Thiên Chúa, theo chương trình cao cả của tình yêu của Chúa Cha, có thể nói là men của Thiên Chúa trong nhân loại chúng ta, có nghĩa là công bố và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những câu trả lời khích lệ, ban hy vọng cho nó, ban cho nó sức lực mới trong cuộc hành trình. Nguyện xin cho Hội Thánh thành một nơi của cả lòng thương xót lẫn hy vọng của Thiên Chúa, nơi mà mỗi người có thể cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ để sống cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng. Và để làm cho người khác cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ, Hội Thánh cần phải mở các cửa ra, để mọi người có đi vào. Còn chúng ta, chúng ta phải đi ra ngoài qua những cánh cửa ấy và rao giảng Tin Mừng.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
    Nguồn: giaoly.org.vn

TRANG GIA ĐÌNH

HÃY BIẾT ƠN

Chuyện kể rằng: Có một cô gái rất hận đời vì cô bị mù. Cô thù ghét mọi người trừ người bạn trai của mình. Anh luôn ở bên cô và chăm sóc cô chu đáo.

Cô nói với anh: "Chỉ cần được sáng mắt là em lấy anh làm chồng ngay."

Một ngày kia, có người tặng cho cô đôi mắt. Khi tháo băng, cô thấy được mọi thứ, kể cả anh bạn trai yêu dấu của cô.

Anh hỏi cô: "Bây giờ thấy được rồi, em lấy anh chứ?"

Cô gái nhìn anh bạn của mình và bàng hoàng khi thấy anh bị mù. Cô không hề trông đợi điều nầy. Cô khiếp sợ khi nghĩ đến cảnh phải thấy đôi mắt hõm và nhắm nghiền của anh suốt quãng đời còn lại của mình và cô từ chối lấy anh.

Anh đau khổ bỏ đi và vài ngày sau cô nhận được vài chử của anh dặn dò như sau: "Em yêu, hãy chăm sóc cẩn thận đôi mắt của em nhé, vì trước khi là của em, cặp mắt ấy là của anh."

Thái độ của con người sau khi thay đổi cuộc sống thường là như thế. Chỉ có một số rất ít nhớ lại tình trạng trước đây của mình như thế nào và ai là người luôn ở cạnh mình trong những lúc đau khổ nhất.

Thế nên, bạn thân mến, hãy biết ơn đời!

Hôm nay trước khi nói điều gì không hay, bạn hãy nghĩ đến những người không thể nói được.

Trước khi kêu ca thức ăn mặn hay lạt quá, hãy nghĩ đến những người không có gì để ăn.

Trước khi than thở về chồng hay vợ của mình hãy nghĩ đến những người đang than khóc xin cho được một người bạn đồng hành.

Trước khi than vãn về cuộc đời, hãy nghĩ đến những người đã lìa đời quá sớm.

Trước khi than phiền về con cái, hãy nghĩ đến những người mong muốn có con nhưng lại vô sinh.

Trước khi phàn nàn nhà cửa dơ bẩn bừa bãi vì không ai lau dọn, hãy nghĩ đến những người phải sống ngoài đường.

Trước khi càu nhàu vì phải lái xe quá xa, hãy nghĩ đến những người phải lội bộ cũng một quảng đường như thế.

Khi mệt nhọc và ta thán về công việc, hãy nghĩ đến những người không có việc làm, những người  khuyết tật và những người chỉ mong có được một công việc như bạn.

Trước khi nghĩ đến kết tội hoặc lên án ai, hãy nhớ rằng không một người nào trong chúng ta là vô tội.

Và khi những tư tưởng yếm thế làm bạn chán nản, hãy tươi nét  mặt lên và nghĩa rằng: bạn vẫn đang còn sống đây.

Sưu tầm

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 9: Quan Hệ Giữa Phaolô Với Những Tông Đồ Và Kitô Hữu Khác Thế Nào? 
(tiếp theo)

Khi Phaolô đến Giêrusalem, "ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ" (Cvtd 9:26).

Ngay Phaolô cũng nhận là nhiều người biết Ngài chỉ qua việc Ngài bắt bớ đạo thánh Chúa: "Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt" (Gal 1:22-23)

Đọc thư thánh Phaolô, chúng ta có thể đọc được tâm trạng của một người mang nhiều ưu tư, phải tự biện minh cho việc làm và con người mình, chỉ vì sự nghi ngờ của những người chung quanh. Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Ngài viết:

"Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi" (1 Cor 9:1-3).

Nơi khác, Phaolô mạnh mẽ khắng định quyền năng giảng dạy của mình, và nhắc nhở cho các tín hữu rằng sứ mạng ngài lãnh nhận không từ các Tông đồ hay tự mình, nhưng trực tiếp từ Thiên Chúa (Gal 1:1, 12).

Phaolô tự nhận mình bất xứng: "Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa" (1 Cor 15:9).

Tất cả những dữ kiện trên cùng với lối viết thư có tính cách tự biện luận của thánh Phaolô có thể cho ta thấy một chút những đối xử của nhiều người đương thời đối với thánh nhân. Trong khi được chấp nhận và kính nể từ những cộng đoàn của dân ngoại (người Hi lạp hay Rôma) theo Chúa Kitô, Phaolô cũng gặp nhiều nghi kỵ, chống đối từ những người Do thái theo Chúa Kitô.

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

SỐNG ĐẸP

7 điều ít người biết về Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Đức Hồng Y Montini đã rất lo lắng trong thời gian Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, vì ngài biết rõ những gì sắp diễn ra. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm triều Giáo Hoàng của ngài, ngài không sợ hãi phải đối mặt với những thách đố của một giai đoạn đặc biệt khó khăn thông qua 7 cử chỉ đáng ngạc nhiên.

1. Ngài đã bán vương miện

Tin rằng Đức Giáo Hoàng không phải là một vị vua, ngài đã từ bỏ vương miện ba tầng chỉ một năm sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Số tiền bán được đã dành để giúp đỡ các công việc bác ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Từ đó, đến nay không có vị Giáo Hoàng nào sử dụng vương miện nữa.

Một nhóm người Công Giáo Mỹ đã mua lại vương miện này với giá 1 triệu Mỹ Kim. Quý vị nào có dịp đến Washington DC, ghé thăm Đền Thánh Quốc Gia Hoa Kỳ, nơi cũng có một nhà nguyện kính Mẹ La Vang của người Việt Nam sẽ thấy vương miện này được trưng bày ở đó.

2. Đức Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là vị Giáo Hoàng đầu tiên thực hiện các chuyến tông du trên thế giới bên ngoài nước Ý.

Trên tờ bìa số ra ngày 4/1/2004, tờ Quan Sát Viên Rôma đã trình bày những suy tư về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục xảy ra trước đó 40 năm, tức là 50 năm tại thời điểm năm 2014 này. Tờ báo này nhận định rằng dù ngắn ngủi (chỉ có 3 ngày), đây là chuyến tông du "hết sức quan trọng".

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét "Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng dùng phi cơ, và thực hiện một chuyến đi đến miền đất của Thánh Phêrô và các thánh tông đồ".

Ngài đã đến thăm 19 quốc gia trên khắp năm châu trong 9 chuyến tông du. Ngài đã viếng thăm New York, Iran, Philippines, Colombia, và Bồ Đào Nha. Khi trở về từ Thánh Địa, ngài gặp gỡ dân chúng trên đường phố Rôma với vòng tay rộng mở.

Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói: "Trong mỗi chuyến tông du, ngài thường yêu cầu những nhà tổ chức để ngài được tiếp xúc trực tiếp với người dân và các gia đình. Ngài cũng yêu cầu đến thăm các vùng ngoại ô của thành phố."

3. Vị Giáo Hoàng chỉ còn cách Trung Quốc có 29km

Năm 1970, ngài tới thăm Hương Cảng. Phần đất này lúc đó vẫn còn dưới quyền cai trị của người Anh. Thống đốc David Trench, người đã chính thức mời ngài sang thăm Hương Cảng đã chịu một áp lực nặng nề và những lời hăm dọa của Mao Trạch Đông đến mức ông phải làm bộ cáo ốm đi nghỉ hè để không chính thức tiếp đón Ngài.

Roberto Paglialonga, tác giả cuốn "La Chiesa in uscita di Paolo VI" nói thêm: "Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên rất gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngài đã có thể nói chuyện trực tiếp với mọi người, với những từ ngữ của hòa bình và tình yêu."

4. Bãi bỏ danh mục các sách bị cấm

Năm 1966, Đức Phaolô Đệ Lục đã loại bỏ danh mục các sách cấm người Công Giáo đọc, vốn đã tồn tại bốn thế kỷ.

Cha Gianfranco Grieco, tác giả, cuốn " Pablo VI. He visto, he creído" nói: "Ngài là một nhà nhà trí thức và đồng thời là một người cam kết đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới. Ngài biết rằng một kỷ nguyên đã kết thúc và một kỷ nguyên khác đã bắt đầu."

5. Đề cao sự hiệp nhất trong Công Đồng Vatican II

Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa mới diễn ra chỉ có 191 nghị phụ và bàn thảo về một chủ đề giới hạn trong phạm vi mục vụ gia đình. Tuy nhiên, đã có những ý kiến rất khác biệt. Vì thế, người ta phải nhìn nhận rằng Đức Phaolô Đệ lục đã thành công trong một kỳ công gần như không thể đó là ngài đã đưa 2,500 nghị phụ tham gia Công Đồng Chung Vatican II, bàn thảo về nhiều vấn đề bao quát trong Giáo Hội, đến chỗ đồng thuận với nhau. Ngài đã cho thấy khả năng của mình trong việc hòa giải mà không tương nhượng bất cứ tín lý nào.

6. Xây dựng nhịp cầu với Giáo Hội Chính Thống

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là người đã có thể chấm dứt 1,000 năm mất lòng tin giữa người Công Giáo và Chính Thống Giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Chính Thống Giáo. Ngài đã làm mọi thứ có thể để thiết lập một tình bạn trực tiếp và cá nhân với ngài mở ra quan hệ tốt đẹp như hiện nay.

7. Giá trị của tình yêu

Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố bảy thông điệp trong triều đại giáo hoàng kéo dài 15 năm của ngài.

Thông điệp cuối cùng là Humanae Vitae (Sự sống con người), có lẽ một trong những tài liệu gây tranh cãi nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.

Cha Roberto Regoli thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriô nói: "Đối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác."

Năm 1968, Hoa Kỳ và nhiều nước trong thế giới phương Tây đã trải qua những thay đổi đáng kể về phương diện văn hóa và xã hội.

Các thế hệ sinh viên mới của những năm cuối thập niên 1960 đã nổi dậy chống lại các giá trị của cha mẹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức và tình dục.

Cha Roberto Regoli nói thêm:  "Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã phải thực hiện những thay đổi sâu rộng được Công đồng Vatican II đưa ra giữa một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, vượt ra ngoài Giáo Hội, đó là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và văn hóa."

Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng " hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản."

Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo.

Cha Roberto Regoli cho biết: "Đó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài."

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã cảnh báo về những hậu quả mà phong cách sống mới này có thể gây ra cho gia đình. Những hậu quả như ngoại tình, mất sự tôn trọng đối với phụ nữ, và các biện pháp tránh thai trở thành quốc sách của các nhà nước trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông điệp Humanae Vitae có tính tiên tri và Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã có "can đảm đi ngược lại với đa số," khi quyết liệt "bảo vệ kỷ luật đạo đức."

Đặng Tự Do 19/10/2014

TRANG QUỚI CHỨC

CÂY TỐT SINH TRÁI TỐT

Ngày 11 tháng 3 năm 2011, nước Nhật đón nhận một thảm họa kép: động đất - sóng thần. Hậu quả của nó thật khủng khiếp và đã được các phương tiện truyền thông loan đi khắp thế giới.

Nhưng có một câu chuyện, có lẽ ít người biết đến. Đó là câu chuyen về một cô bé khoảng 11-12 tuổi khiến ai biết được cũng phải cảm phục.

Sau khi sóng thần rút, cả thế giới họp nhau lại để cứu giúp những người còn sống sót tại nới xãy ra sóng thần (Fukushima) bởi vì họ trong hoàn cảnh rất bi đát, không còn nhà cửa, không lương thực....không còn gì cả. Đói, lạnh mất người thân.vv...

Đang lúc cùng các phái đoàn từ thiện phát lương thực cứu trợ cho các nạn nhân, dòng người xếp hàng còn quá dài, ngày cũng đã xế, trời mưa lất phất, nhiều người gần như không thể đứng vững vì đói và lạnh. Một phóng viên người Việt trông thấy một bé gái mặt nhợt nhạt, run run đứng cuối hàng, anh nghĩ không biết đến lúc nào mới đến lượt cô bé. Anh cảm động đến bên cô bé lấy khẩu phần của mình trao cho cô bé, cô bé không nhận vì biết là khẩu phần của anh, nếu cô nhận thì anh sẽ bị đói. Anh phóng viên vì muốn cô bé nhận nên nói rằng: anh đã ăn rồi, mặc dầu từ sáng đến giờ anh vẫn chưa ăn gì. Cô bé nhận ổ bánh mì nhưng thật ngạc nhiên thay vì đưa lên miệng ăn như phản ứng của những người đang đói, cô bé lại cầm khẩu phần đó đi đến thùng phát cứu trợ bỏ vào đó. Anh phóng viên này rất đổi ngạc nhiên đến hỏi : tại sao em không ăn? Cô bé bình thản trả lời: vẫn còn nhiều người xếp hàng đợi đến lượt mình, em không thể ăn được.

Một hành động thật đáng khâm phục! Đọc câu chuyện này xong tôi tự nhủ nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó tôi có hành động được như cô bé này không? Và tôi tự cảm thấy hổ thẹn với cô bé.

Đó là một cô bé người Nhật, nói đến nước nhật, chúng ta nghĩ ngay đến một quốc gia có nền kinh tế đứng vào tốp đầu  thế giới;  một nền kỷ thuật công nghệ hàng đầu chỉ sau nước Mỹ;  nhưng ít ai nghĩ đến đó là một quốc gia nhỏ bé luôn đối mặt với sóng thần, động đất, đã từng bị ném hai quả bom nguyên tử trong thế chiến thứ hai và kiệt quệ vì chiến tranh.

Tại sao một đất nước trong hoàn như thế lại có thể phát triển được như vậy? Người Nhật có lẽ không thông minh hơn người Việt, cũng không được thiên nhiên ưu đãi hơn người Việt, vậy nguyên nhân là do đâu ? Đó là do nến giáo dục của họ. Họ trọng danh dự, không tham lam, ích kỷ, biết nghĩ đến công ích...

Đó là việc giáo dục đạo đức mà nền tảng, gốc rể từ gia đình, cha mẹ ông bà, rồi từ đó trở thành truyền thống dân tộc. Không có ai tốt hay xấu mà từ đất nẻ chui lên hay từ trên trời rớt xuống, mọi người đều tư gia đình mà ra. Người đó sẽ như thế nào là do nền giáo dục từ gia đình mà họ xuất thân và từ những con người như thế họp lại thành xã hội, dân tộc có những truyền thống, tập quán đáng trọng hay đáng khinh. Chính họ sẽ là những nhân tố làm cho quốc gia  phát triển hay lụn bại.

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

 

CÓ THƯỞNG PHẠT ĐỜI ĐỜI KHÔNG ?

 

Hỏi: Nhân tháng các linh hồn sắp tới, xin cha cho biết:

 

1- Chúa có phạt ai xuống hỏa  ngục không ?

 

2- Luyện ngục ,hỏa ngục khác nhau như thế nào ?

 

3- Tín điều các Thánh thông công là gì ?

 

Trả lời:

 

1- Chúa có phạt ai xuống hỏa ngục không ?

 

Thiên Chúa là tình thương, Người chậm bất bình và  hay tha thứ. Người tạo dựng  con người chỉ vì yêu thương vô vị lợi và " muốn cho mọi người được cứu đo và nhận biết chân lý." (1 Tm 2 : 4). Nghiã là Chúa muốn cho mọi người được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người trên Thiên Đàng, là nơi không còn đau khổ , bệnh tật, nghèo nàn, bất công và chết chóc nữa.

 

Hạnh phúc Thien Đàng là hạnh phúc  mà "mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe  lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người." (1 Cor 2: 9) như Thánh Phaolô đã viết.

 

Nhưng muốn hưởng  hạnh phúc Thiên Đàng thì phải yêu mến Chúa và tuân giữ các giới răn của Người.

 

Tại sao?   Tại vì Thiên Chúa là "tình thương" nên " ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa" (1 Ga 4 : 8).

 

Biet Thiên Chúa là tình thương, mà quả thật Người là tình thương thì lẽ tự nhiên ta phải  yêu mến Người  với tất cả tâm trí và nghị lực để đáp trả phần nào tình thương quá lạ lùng của Chúa dành cho con người. Vả Lại, yêu mến Chúa chỉ có lợi cho ta chứ  Chúa không được lợi lộc gì vì Người đã quá đủ hạnh phúc , giầu sang nên không cần ai thêm gì cho Người nữa.

 

Tuy nhiên, vì Thiên Chúa tạo dựng con người với hai đặc tính độc đáo là co lý trí và ý muốn tự do (intelligence and free will) và  Thiên Chúa  hoàn toàn tôn trọng cho con người sử dụng hai khả năng đó, nên vấn đề thưởng  phạt mới được đặt ra cho riêng con người mà thôi. Nghĩa là nếu con người , qua lý trí, nhận biết có Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất và muôn vật - trong đó có con người -  thì con người phải sử dụng ý muốn tự do của mình để chọn yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Người để được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, chiếu theo ánh sáng của lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa là:

 

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa !, Lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu,  nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi." (Mt 7: 21)

 

Nhưng thế nào là thi hành ý muốn của Chúa Cha ?

 

Chúa Giê su đã chỉ rõ cho ta cách thi hành ý muốn của Chúa Cha như sau :

"Ai yêu mến Thầy , thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người  ấy." (Ga 14: 23)

 

Giữ lời Thầy có nghĩa là thực thi những gì Chúa đã rao giảng và dạy bảo  , cụ thể là hai Điều Răn quan trọng nhất, đó là mến Chúa và yêu người, như Chúa đã nói với một luật sĩ  Do Thái xưa. (Mt 22: 37-39)

 

Như vậy , thực thi hai Điều Răn đó là chứng minh cụ thể lòng yêu mến Chúa và xứng đáng được "Cha Thầy và Thầy đến ở" với ta như Chúa Giê su nói trên đây.

 

Là con người, ai lại không muốn hạnh phúc, sung sướng và bình an ? nên yếu mến Chúa là yêu mến  chính nguồn hạnh phúc, an vui  vĩnh cửu đó.Như thế, chỉ có lợi cho con người khi chọn  yêu mến Chúa, chứ tuyệt đối không có lợi lộc gì cho   Chúa hết. Chúng ta phải xác tín điều này, để đừng ai nghĩ rằng Thiên Chúa  được lợi lộc gì khi ta yêu mến và tuân giữ các giới răn của  Người.

 

Đó là điều chắc chắn ta phải tin khi thi hành các Điều Răn của Chúa để không giết người, trộm cắp, gian dâm, thông dâm, mãi dâm, ấu dâm, phái thai, ly dị, thù oán người khác, kỳ thị chủng tộc, nói xấu , vu cáo làm hại  danh dự và đời tư  của người khác, bất công , bóc lột  người làm công cho mình, và dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của anh chị em đồng loại.

 

Nếu ta tuân giữ các Điều Răn của Chúa để không làm những sự dữ  hay tội lỗi nói trên, thì chúng ta đã yêu mến Chúa cách cụ thể  để được "ở lại trong tình thương của Người" như Chúa Giêsu đã dạy trên đây. Ngược lại,  nếu ai dùng " ý muốn tự do" (free will) để làm những sự dữ nói trên thì đã tự  ý  và công khai khước từ Thiên Chúa và tình thương của Người. Như thế họ phải lãnh chịu mọi hậu quả của việc mình làm vì tự do chọn lựa.

 

Chính vì con người có tự do để chọn lựa, hoặc sống theo đường lối của Chúa để được chúc phúc;   hay khước từ Chúa để sống theo ý riêng mình và chạy theo những lôi cuốn của thế gian, nhất là những cám dỗ của ma quỉ để tôn thờ tiền bạc, của cải vật chất và mọi thú vui vô luân vô đạo,  như thực trạng sống của  con người ở khắp nơi trong thế gian tục hóa ngày nay. Nếu ai chọn sống  như vậy, thì  cũng đã tự ý chọn nơi cư ngụ cuối cùng cho mình, sau khi phải chết trong thân xác có ngày phải chết đi này. Thiên Chúa yêu thương con người và đã cứu chuộc con người nhờ  Chúa Kitô. Nhưng Thiên Chúa cũng  gớm  ghét mọi tội lỗi, vì tội lỗi và sự dữ  đi ngược lại với bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Người. 

Nhưng  cho dù Thiên Chúa quá yêu thương con người như vậy, mà  con người không cộng tác với ơn cứu chuộc  của Chúa Kitô,  bằng quyết tâm sống theo đường lối của Chúa và xa tránh mọi sự dữ và tội lỗi thì Chúa vẫn không thể cứu ai được.  Lý do là  Chúa không tiêu diệt hết mọi  tội lỗi  và vì con người  còn có tự do để  cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa, hay khước từ ơn cứu chuộc này để sống theo thế gian và làm nô lệ cho ma quỉ, kẻ thù của Thiên Chúa.

 

Như vậy, nếu Thiên Đàng là nơi dành cho những ai thực tâm yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của Người và quyết tâm xa tránh mọi tội lỗi, thì hỏa ngục phải là nơi dành cho những ai đã  cố ý khước từ Chúa và tình thương của Người để sống theo ma quỷ và làm những sự dữ như giết người, hiếp dâm  và bán con gái nhỏ dại  cho bọn buôn người  cung cấp cho bọn đi tìm thú vui man rợ cực kỳ khốn  nạn là thú "ấu dâm",  như đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới trống vắng niềm tin này. Như thế, phải có hỏa ngục dành cho những kẻ gian ác đã tự ý chọn cho mình nơi ở vinh viễn xa lìa Thiên  Chúa ngay từ ở đời này. Nghĩa là họ đã tự  ý chọn hỏa ngục vì cách sống của họ, chứ không phải vì Thiên Chúa muốn phạt ai ở chốn này, vì Người là Cha đầy yêu thương và " không muốn  cho ai  phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người  đi tới chỗ ăn năn hối cải." (2 Pr 3 : 9).

 

2- Sự khác biệt giữa hỏa ngục và  Luyên tội :

 

Chúa Giê su thường nói đến hỏa ngục là nơi lửa không bao giờ tắt ( Mt 5: 22).

 

Thánh Gioan Tông Đồ đã coi những kẻ sát nhân là những kẻ không có sự sống đời đời ,tức là phải xa lìa Thiên Chúa trong nơi gọi là hỏa ngục:

 

 "Phàm ai ghét  anh  em mình, thì là kẻ sát nhân và anh  em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó" (1 Ga: 15).

 

Nhưng cần phân biệt điều này: con người dù tội lỗi đến đâu, mà biết sám hối ăn năn thì vẫn  được Chúa thương tha thứ. Cụ thể là Chúa Giêsu đã tha thứ cho người  gian phi (kẻ trộm lành)  nhận biết tội mình và xin Chúa tha thứ:

 

" Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với  tôi trên  Thiên Đàng."  ( Lc 23: 39-43) .

 

Ngược lại, chỉ những ai tội lỗi mà không hề sam hối  để xin Chúa tha thứ, đặc biệt là tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức  tội  hoàn toàn  từ chối lòng thương xót của Chúa cho đến chết , thì sẽ  không bao  giờ được tha thứ,  như Chúa Giê su đã nói rõ trong Tin Mừng Thánh Marcô. (Mc 3: 29)

 

Lại nữa, những ai chết đang khi mắc tội trọng (mortal sin) thì cũng chịu hình phạt hỏa ngục, căn cứ theo giáo lý của Giáo Hội. (x. GLHTCG, số 1035). Tuy nhiên, cần nói lại là Thiên Chúa không tiền định cho ai phải xuống hỏa ngục, hoặc muốn phạt ai trong nơi "lửa không hề tắt"  này. Nhưng vì con người có tự do trong đời sống thiêng liêng, nên nếu  ai dùng tự do này để xa lìa Chúa , để  tự do làm những sự dữ mà không hề biết ăn năn, xin Chúa thứ tha thì đã tự ý chọn hỏa ngục làm nơi cư ngụ cuối cùng cho mình.

 

Trái với hỏa ngục, Luyên ngục hay Luyên tội (Purgatory) là nơi các linh hồn thánh (holy souls)  được thanh luyện để đạt được sự thánh thiện cần thiết trước khi  vào Thiên Đàng vui hưởng Thánh Nhan Chúa là nguồn vui  hạnh phúc của các thánh và các thiên thần. Các linh hồn đang  " tạm trú" ở đây là những người đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa, tức  là được bảo đảm về ơn cứu độ, nhưng vẫn cần được thanh luyện để đạt mức thánh thiện cân xứng trước khi  gia nhập hàng ngũ các Thánh trên Thiên Quốc. Các linh hồn thánh này không thể làm thêm việc thiện, và cũng không thể phạm tội được nữa vì thời giờ đã mãn cho họ trên trần gian  này.  Vì thế, trong khi còn được thanh luyện  ở nơi đây, các linh hồn mong đợi các Thánh trên Thiên Đàng và các tín hữu còn sống cứu giúp họ bằng lời cầu nguyện và các  việc lành. Ngược lại, các linh hồn cũng có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu còn sống trên trần thế và trong  Giáo Hội lữ hành. Nhưng các Thánh trên Trời, các linh hồn thánh trong Luyện ngục và các tin hữu còn sống không thể giúp gì cho các linh hồn đã lìa xa Chúa trong hỏa ngục, vì không có sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên Đàng, Luyện ngục và Giáo Hội đang lữ hành trên trần thế.

 

3 - Tín điều các Thánh Thông Công (communion of  Saints)

 

Tín điều này dạy: chỉ có sự hiệp thông giữa Giáo Hội vinh thắng (Triumphal Church) trên trời và Giáo Hội lữ hành (Pilgrim Church)  trên trần thế cùng với Giáo Hội đau khổ  (Suffering  Church) trong Luyện Tội. Nghĩa là các Thánh trên Trời , các linh hồn thánh trong Luyện tội và các tín hữu còn sống và đang hiệp thông với Giáo Hội, cả ba thành phần này được hiệp thông với nhau trong cùng một niềm tin, tôn thờ Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

 

Các Thánh nam nữ trên trời hiệp thông với các linh hồn thánh trong Luyện Tội và các tín hữu trên trần gian bằng lời nguyện giúp cầu thay đắc lực trước Tòa  Chúa  cho các linh hồn và các tín hữu còn sống. Các linh hồn trong Luyện tội không thể tự giúp mình được nhưng có thể cầu xin cho các tin hữu còn sống. Các tín hữu có thể làm việc lành như cầu nguyện, làm việc bác ái và xin lễ cầu cho các linh hồn trong Luyên Tội (cách riêng trong tháng 11 là thánh dành cầu nguyện cho các linh hồn) được mau vào Thiên Đàng hưởng Thánh Nhan Chúa.

 

Đó là nội dung tín điều các Thánh thông Công giữa các Thánh trên Thiên Đàng, các linh hồn thánh trong Luyện Tội và các Tín hữu trên trần thế.

Như thế,  chỉ có những ai đang  xa lìa Chúa  ở chốn hỏa ngục thì không được thông hiệp với các Thánh trên trời , các Linh hồn trong Luyện tội  và các Tín hữu còn sống  trên trần gian này.Do đó, không ai có thể làm gì để cứu giúp họ được nữa.

 

Vậy chúng ta hãy cố gắng làm việc lành trong tháng  11 này để cầu cho các linh hồn được mau hưởng Thánh Nhan Chúa.Chắc chắn các linh hồn sẽ biết ơn và cầu xin Chúa cách đắc lực cho chúng ta.

 

Lm Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

 

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

 

TÔI XIN CHỌN NGƯỜI (KỲ 2): TÌNH YÊU LỨA ĐÔI

 

Các bạn thân mến, có bao giờ con tim của các bạn thổn thức vì một ai đó đến nỗi chẳng còn thiết ăn thiết ngủ không? Người ấy ám ảnh tâm trí ta và lòng ta khao khát khôn nguôi được ở bên cạnh người ấy. Trong tâm trí mình, ta bắt đầu tự hỏi người ấy nghĩ gì về mình, người ấy có thích mình không? Và thế là người ấy đã "đánh cắp" con tim của bạn. Hạnh phúc biết bao, nếu một ngày đẹp trời, người mà bạn phải lòng cũng bắt đầu cảm nhận được làn sóng thương yêu phát ra từ con tim của bạn. Để rồi từ ánh mắt chan chứa yêu thương đến hai con tim cùng hòa chung một nhịp đập, tiếng sét ái tình đã đánh trúng các bạn. Khoảng thời gian hai bạn ở bên nhau không bao giờ là đủ và bạn chắc cũng ước mong giá như thời gian tạm ngừng trôi. Bạn cũng chợt nhận ra dường như không ai hiểu tôi và đối xử tốt với tôi như người mà bạn phải lòng. Bạn đi đến ý nghĩ mình không thể sống thiếu người ấy. Và thế là ta đã yêu.

 

Chỉ có con người khao khát yêu và được yêu. Chẳng có loài vật nào trên thế giới biết yêu như con người. Ta cũng chẳng biết tại sao ta lại yêu một người vì con tim có những lý lẽ riêng của nó. Ta chỉ có thể nói yêu là yêu hay vì ta yêu thế thôi. Cũng chẳng ai có thể ép ta yêu một ai đó khi con tim ta chẳng thổn thức một tí nào. Tình yêu đôi lứa đẹp và huyền nhiệm đến vậy nên không thể ngẫu nhiên mà tự có được. Nó phải có một nguồn gốc và một lý do để tồn tại.

 

Nếu không có sáng kiến của Thiên Chúa chắc cũng chẳng có tình yêu lứa đôi. Theo Sáng Thế Ký, sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa thấy con người ở một mình thì không tốt. Vì thế, Ngài đã tạo dựng nên con người có nam có nữ. Eva và Adam đều mang hình ảnh của Thiên Chúa và tình yêu giữa họ nảy sinh từ chính tình yêu mà Thiên Chúa dành cho cả hai. Và như thế tình yêu lứa đôi là tặng phẩm mà Thiên Chúa dành riêng cho con người.

 

Thiên Chúa dựng lên Eva cho Adam đơn giản chỉ vì Ngài muốn họ nâng đỡ nhau trong đời sống. Cùng một loài với nhau, nhưng phái này vừa giống lại vừa khác phái kia. Cái thiếu và yếu của phái này, lại là cái thừa và cái mạnh của phái còn lại. Huyền diệu thay, hai phái lại thu hút nhau như hai cực của nam châm. Cực nào thiếu vắng cực kia thì "bị khuyết" hệt như mình chỉ còn một nửa. Thiếu, nên con người phải khởi sự đi tìm cho bằng được một nửa còn lại đang lạc xa nơi phương trời nào đấy. Ta không yêu bất kỳ người nào khác mà ta gặp gỡ. Nhưng trái tim ta chỉ bần thần và bối rối khi đối diện với một nửa của mình. Như Adam đã xác tín khi nhìn thấy Eva : "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi".

Các bạn thân mến, Thiên Chúa đã làm ra tình yêu đôi lứa và mong muốn con người hạnh phúc và triển nở với nó. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, ngày nay cũng có không ít các bạn trẻ có những cái nhìn lệch lạc và làm cho tình yêu bị bóp méo. Có bạn nghĩ mình phải có thật nhiều người yêu thì mới chứng tỏ được bản lĩnh. Có những bạn chỉ sử dụng tình yêu như công cụ để kiếm chác hay trục lợi. Điều họ mong muốn có thể là thân xác, tiền bạc, hay danh vọng mà người yêu mang lại cho họ. Tệ hại hơn, các bạn đến với nhau và tự nguyện dâng hiến cho nhau rồi phủi tay ra đi mà chẳng có chút tinh thần trách nhiệm.

 

Bao sự lêch lạc và bóp méo tình yêu ấy chỉ giản đơn bởi vì tình yêu đó không được đặt nền trên Thiên Chúa. Thực ra, tình yêu lứa đôi không đơn thuần là cả hai nhìn nhau nhưng là cả hai phải cùng nhìn về một hướng. Hướng thượng đến tận Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu của họ. Chỉ khi thực sự nhìn lên ta mới có thể hướng tha mà yêu mến người bạn của mình như Chúa mong muốn. Điều Thiên Chúa muốn là đôi lứa phải tôn trọng nhau. Nếu ta xác tín người mình phải lòng thực sự "là xương là thịt" của chính mình như cách Adam nhìn Eva thì người nam cũng phải hết lòng tôn trọng người nữ. Người nữ được dựng nên bình đẳng với người nam thế nên người nam không thể coi người nữ như là công cụ để sử dụng tùy ý mình được. Đồng thời, tôn trọng nhau thì đòi hỏi các bạn phải hy sinh để đón nhận trọn cả người mình yêu với tất cả ưu và khuyết điểm. Điều đó có nghĩa là ta phải sẵn lòng đón nhận cả những đau khổ, tổn thương mà người mình yêu mang lại.

 

Các bạn thân mến, ai cũng khao khát yêu và được yêu nhưng không phải ai cũng muốn học hỏi để biết yêu thế nào cho đúng. Điều chúng ta cần làm là các bạn hãy cầu nguyện cho người mình yêu và hãy dâng tình yêu của mình cho Thiên Chúa. Bởi chính Người là Đấng đã se duyên các bạn với nhau. Vì thế, đừng ngần ngại mời Ngài bước vào tình yêu lứa đôi của các bạn. Như tiệc cưới Cana ngày xưa, Chúa luôn sẵn sàng làm phép lạ để tiếp thêm rượu mới, sức sống mới, tình yêu mới cho các bạn. Với men yêu thương mà Ngài ban tặng, rượu tình yêu sẽ làm đôi lứa các bạn mãi đắm đuối bên nhau.

 

Jos. Nguyễn Huy Mai, SJ
Nguồn: vietvatican.net

 

THẦN HỌC KINH THÁNH

 

Lời Cầu Than Thở Của Ông Môsê Trước Các Chống Đối Của Dân Israel

 

Sách Dân Số cũng kể lại một số các biến cố xảy ra trong sa mạc Sinai, nhưng bao gồm một vài chi tiết nêu bật nỗi khổ tâm của ông Môshê trong việc chu toàn sứ mệnh dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập và băng ngang sa mạc Sinai để vào Đất Hứa.

 

Chương 11 kể rằng dân Israel kêu ca vì những khổ cực họ phải chịu khiến Giavê nổi cơn thịnh nộ và lửa đốt cháy nơi họ ở và thiêu hủy đầu trại. Dân liền kêu cứu ông Môshê và ông chuyển cầu cho họ.

 

Nhưng họ bắt đầu thèm ăn, toàn dân kêu khóc và nói: "Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai Cập, mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi, mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy manna thôi". Nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình, còn Giavê thì bừng bừng nổi giận, ông Môshê khổ tâm thưa với Giavê: "Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng qúa sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn - ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ."

 

Nghe lệnh Giavê ông Môshê bảo đảm với dân là Giavê sẽ cho họ thịt ăn: "Anh em sẽ ăn, không phải một ngày, hai ngày, năm mười ngày hay hai mươi ngày mà thôi, nhưng suốt cả tháng, cho đến khi thịt lòi ra lỗ mũi làm anh em phải ngấy vì anh em đã khinh thường Giavê, Đấng ngự giữa anh em, và đã kêu khóc trước nhan Người rằng: chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì?"

 

Tuy nhiên, ngoài nỗi khổ vì thái độ vô ơn lẩm bẩm, kêu ca, nổi loạn của dân đối với Thiên Chúa, ông Môshê còn đau khổ vì sự chống đối của chính chị và anh mình là bà Miriam và ông Aharon. Họ phản đối ông vì ghen tức với ông nhưng nại lý do ông lấy một người đàn bà xứ Cút. Họ nói: "Giavê chỉ phán với một mình Môshê sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?" Thiên Chúa truyền cho cả ba người đi ra Lều Hội Ngộ và phán: "Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Giavê Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Môshê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Giavê nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Môshê tôi tớ Ta?".

 

Giavê nổi cơn thịnh nộ với họ mà bỏ đi. Bà Miriam bị phong cùi, mốc thếch như tuyết. Tuy ông Môshê xin Thiên Chúa chữa cho bà, nhưng bà phải ở ngoài trại bẩy ngày, như kể trong chương 12 sách Dân Số.

 

Chương 14 kể lại vụ dân Israel nổi loạn sau vụ ông Môshê sai người vào thám thính đất Canaan từ sa mạc Paran. Sau bốn mươi ngày đoàn thám thính trở về đem theo các hoa trái lấy được từ miền đất phì nhiêu tràn trề sữa và mật. Nhưng dân cư mạnh, thành thị lại kiên cố và rông lớn. Nghe thế dân Israel sợ hãi phản đối ông Môshê. Những người thuộc đoàn thám thính bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám và còn nói: đó là miền đất nuốt những người ở đó và họ là những người cao lớn. Họ là những người khổng lồ và coi mình chỉ là châu chấu. Toàn thể cộng đồng lớn tiếng kêu la, dân chúng khóc lóc cả đêm ấy. Tất cả con cái Israel đều kêu trách ông Môshê và ông Aharon.

 

Toàn thể cộng đồng nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai Cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong! Sao Giavê lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Ai Cập có tốt hơn không?" Họ bảo nhau: "Chúng ta hãy đặt lên một người cầm đầu và trở về Ai Cập."

 

Ông Giôsuê và ông Caleb xé áo mình ra và can ngăn họ đừng nổi loạn chống Giavê, nhưng cứ tiến chiếm vùng đất phì nhiêu này vì có Giavê ở với họ. Nhưng cả cộng đoàn bàn chuyện ném đá các ông. Thiên Chúa xuất hiện trong Lều Hội Ngộ và cho ông Môshê biết Ngài sẽ đánh phạt không cho dân này hưởng gia nghiệp, và sẽ làm cho ông một dân tộc lớn và mạnh hơn chúng. Nhưng ông Môshê đã xin Chúa "tha thứ lỗi lầm của dân theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng chịu đựng dân này từ Ai Cập cho đến đây".

Nể lời ông Môshê xin, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài phán: "Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai Cập và trong sa mạc, nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe tiếng Ta, không một ai trong những người ấy sẽ được thấy đất ấy, trừ ông Giosuê và ông Caleb".

 

Và thế là dân Israel phải lang thang trong sa mạc bốn mươi năm, vì đã liên tục lẩm bẩm kêu trách chống lại Thiên Chúa.

 

Sau này khi nhớ lại các điềm thiêng dấu lạ Giavê Thiên Chúa đã làm bên Ai Cập cho cha ông họ, dân Israel đã sáng tác các Thánh Vịnh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Chẳng hạn Thánh Vịnh 106 ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với dân Israel luôn bất trung và nhắc lại các tội lỗi phản loạn của họ như sau:

 

"Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương... Cùng các bậc tổ tiên chúng con đã phạm tội, đã ở bất công làm điều gian ác. Xưa bên Ai Cập tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa, đã chẳng nhớ ân huệ vô vàn, và phản loạn ở nơi Biển Đỏ. Nhưng vì Thánh Danh, Người thương cứu họ, để biểu dương uy vũ của Người... Nước dìm quân đối nghịch không một kẻ thoát thân... Nhưng rồi họ chóng quên công việc của Chúa, chẳng đợi lệnh Người ban. Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng, chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời. Chúa liền ban điều họ đã xin, cho dư đầy đến độ chán ngấy... Trong doanh trại họ ghen với Môshê và Aharon người được Chúa thánh hiến. Đất bỗng rẽ ra nuốt sống Đathan và chôn vùi bọn Aviram cả lũ. Lửa hồng bừng lên đốt cháy trọn bầy, ngoạn hỏa hào thiêu rụi phường gian ác. Tại Khôrép họ đúc một con bê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ. Họ quên Thiên Chúa là vị cứu tinh, từng làm việc lớn lao bên miền Ai Cập, việc diệu kỳ trong cõi đất Kham, việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ. Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Môshê, chẳng đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân. Họ khinh thường miền đất xanh tươi mầu mỡ, chẳng tin tưởng chi vào lời Chúa phán, trong lều trạm lẩm bẩm kêu ca, chắng thèm nghe tiếng Chúa. Người giơ tay trên họ mà thề sẽ làm họ gục ngã trong miền sa mạc, bắt giống nòi tản mác giữa chư dân, phân tán họ đi nhiều miền khác.... " Phần còn lại của Thánh Vịnh 106 kể ra các tội của dân Israel, trong đó có tội tôn thờ các thần giả và sống buông thả tội lỗi như các dân ngoại.

 

Thánh Vịnh 114 cũng nhắc lại biến cố vượt Biển Đỏ bên Ai Cập: "Halleluia, thuở Israel ra khỏi Ai Cập, thuở nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự, Israel nên lãnh địa của Người... "

 

Còn Thánh Vịnh 136 là lời tạ ơn Thiên Chúa vì mọi việc Người làm từ công trình sáng tạo cho tới cuộc giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và đưa họ vào miền Đất Hứa. Thánh Vịnh có cấu trúc đối đáp: một ca viên hay ca đoàn xướng và toàn cộng đoàn đáp lại bằng điệp khúc chúc tụng tình thương muôn ngàn đời của Chúa.

 

Lời cầu chúc tụng và tạ ơn mở đầu như sau: "Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương." Sau khi chúc tụng Giavê là Thần các thần, Chúa các chúa, thánh vịnh ca ngợi chỉ có Chúa làm nên những kỳ công vĩ đại, tạo dựng trời cao tài tình, trải mặt đất trên làn nước bao la. Người lại còn là làm ra những đèn trời to lớn, cho thái dương điều khiển ban ngày, đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm. Người là Đấng đã sát hại các con đầu lòng Ai Cập, dang cánh tay uy quyền mạnh mẽ, dẫn Israel ra khỏi xứ này. Nước Biển Đỏ Chúa phân làm hai khối, dẫn Israel lối giữa băng qua, xô xuống biển Pharaô cùng binh tướng. Ngài dẫn đưa dân qua sa mạc, sát hại bao lãnh chúa hùng cường, tiêu diệt những quân vương hiển hách... Người chiếm đất của các dân tộc khác để ban cho họ làm gia sản. Người đã nhớ tới họ giữa cảnh nhục nhằn và gỡ họ thoát khỏi tay thù địch.

 

Cứ sau mỗi hành động của Chúa thì cộng đoàn lập lại điệp khúc: "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tinh thương".

 

Các thánh vịnh này là các lời cầu chúc tụng lấy hứng từ mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Israel trong lịch sử của họ. Chúng diễn tả tương quan của họ với Giavê Thiên Chúa là Chúa duy nhất của họ là dân riêng của Ngài.

 

Thần Học Kinh Thánh bài số 1197
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.net

 

CHIA SẺ MỤC VỤ BÁC ÁI

 

Nỗi Đau Của Người Phong Bị Lãng Quên

 

Mỗi người sinh ra và lớn lên, ai ai cũng cầu mong cho mình có một cuộc sống tốt đẹp và ngày càng hạnh phúc hơn. Nhưng ở đời mấy ai đạt được mọi điều như lòng mình mong muốn; trái lại, đôi khi còn phải gánh chịu những sự nghiệt ngã từ cuộc sống.

Người phong là một ví dụ diển hình

 

Khi chị em Nữ tu Hội dòng Mến thánh giá Cái Mơn đến tận nhà thăm hỏi và chứng kiến hoàn cảnh sống của Anh Chị Em bệnh phong ở vùng sâu, vùng xa của 3 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động trước hoàn cảnh thật đáng thương của họ.

 

Men theo lối mòn nhỏ chạy dọc con rạch, thỉnh thoảng chúng tôi phải vượt qua bụi rậm đầy gai, phải đi qua bờ bên kia con rạch bằng chiếc cầu tre nhỏ xíu bắt ngang đám lá dừa nước, chị em chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Hành, một bệnh nhân phong, ở xã Tân Thanh Bình, Huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Mặc dù đã nghe các anh chị ở Trạm y tế nói nhiều về bệnh nhân nầy cũng như gia đình chị, nhưng chúng tôi vẫn thật sự bị sốc khi đối diện với chị.

 

Khi chúng tôi đến, chị tránh né không muốn tiếp xúc, không chuyện trò. Chị khép nép, rụt rè ngồi tránh xa với vẻ mặt thẹn thùng, ái ngại lúc nào cũng muốn lẫn tránh đi nơi khác. Sau một hồi thuyết phục, khích lệ, chị mới chịu ngồi đón tiếp và tâm sự với chúng tôi về số phận đầy cay đắng của chị.

 

Cuộc sống cô độc của chị lẳng lặng trôi theo năm tháng trong căn chòi nằm chênh vênh sát mé sông. Người phụ nữ tuổi lục tuần ấy hằng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà không dám tiếp xúc với thế giới bên ngoài và cũng chẳng dám nhìn mặt ai. Trong cảnh cô đơn, tủi cực, đau đớn chị tâm sự "nhiều khi chỉ muốn chết đi cho rồi!".

 

Chị kể trong nước mắt: cuộc sống của chị và gia đình trông chờ vào cô em gái út bị bệnh tâm thần và người chị kế khù khờ. Hằng ngày 2 người phụ nữ nầy bơi xuồng dọc theo con rạch tìm vớt những trái dừa trôi theo con nước. Công việc tiếp theo đem về bổ ra lấy trái bán còn vỏ thì phơi khô khi đủ trăm (120 vỏ) bán với giá 20.000đ/trăm.

 

Khi chúng tôi mang những món quá của các ân nhân đến trao tặng chị, chị rất cảm động đến nỗi rơi nước mắt và thầm thì nói lời cám ơn. Dù cuộc sống không mỉm cười với số phận không may mắn của những bệnh nhân phong, nhưng họ họ vẫn cố gắng để giành lấy sự sống. Và cần lắm bàn tay, những tấm lòng nhân ái để cùng tiếp thêm sức sống và nghị lực cho những con người đau khổ nầy để họ được thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật và đương đầu với cuộc đời lắm nghiệt ngã nầy.

 

Chia tay chị Hành, chúng tôi ra về mà lòng vẫn còn trĩu nặng với một nỗi buồn khôn tả.

 

Nhìn lại đôi tay, đôi chân chân lỡ loét, co quấp có mùi khó ngửi thoang thoảng, với gương mặt bị biến dạng, chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi phải chia tay. Bệnh tật nó phá hủy con người đến thế sao? Cả đời họ mang một bản án chung thân mà không hy vọng có ngày được ân xá. Nỗi đau thể xác đã vậy nhưng sánh sao bằng nỗi đau tinh thần khi bị những người chung quanh xa lánh, ghê tởm. Cuộc đời họ dường như rơi xuống tận đáy vực thẳm của kiếp nhân sinh. Họ cố lê lết từng ngày trong đơn côi cô quạnh. Đau đớn mỗi ngày một tăng thêm. Không biết cuộc sống của những đứa con mai ngày rồi sẽ ra sao? Việc học hành, tương quan của chúng với những người chung quanh như thế nào đây?

 

Nếu không có niềm tin có lẽ con người sẽ dễ rơi vào tuyệt vọng vì những câu hỏi không có lời đáp.

 

Caritas Vĩnh Long

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Diễn từ bế mạc Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình

 

Buổi chiều ngày thứ Bẩy 18 tháng Mười, trong diễn văn kết thúc Thượng Hội Đồng về gia đình tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn các nghị phụ về các cố gắng của các ngài tại Thượng Hội Đồng và nói tới một số cám dỗ có thể có trong cuộc họp đặc biệt này.    

Ngài khuyến khích các vị thẳng thắn trao đổi. Đức Thánh Cha nói: "bản thân tôi rất lo ngại và buồn bã nữa nếu không có những cám dỗ và những cuộc thảo luận hào hứng này... Thay vào đó, tôi đã vui mừng và biết ơn được thấy và được nghe những bài nói và tham luận đầy đức tin, đầy nhiệt tâm mục vụ và tín lý, đầy khôn ngoan, chân thành và can đảm: và cả bộc trực nữa. Và tôi thấy đặt trước chúng ta là thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và 'luật tối cao', 'lợi ích của các linh hồn (xem Giáo Luật Điều 1752)".        

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng:        

"Vì là một cuộc hành trình của những con người nhân bản, nên bên cạnh những điều đáng khích lệ còn có những giây phút phiền muộn, căng thẳng và cám dỗ, mà ta có thể nhắc tới một vài khả thể như sau:      

Thứ nhất, cám dỗ chống lại sự mềm dẻo một cách thù nghịch, nghĩa là, muốn tự khóa chặt mình bên trong chữ viết và không để cho mình được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, khoá chặt mình trong lề luật, trong sự chắc mẩm điều mình biết chứ không phải điều mình vẫn còn cần phải học và đạt cho được. Từ thời Chúa Kitô, vốn đã có cơn cám dỗ của kẻ ghen tương, người quá thận trọng, quá lo lắng và người ngày nay gọi là "duy truyền thống" và của những nhà trí thức nữa.  

Thứ hai là cơn cám dỗ của khuynh hướng muốn phá hủy sự thiện, tức là nhân danh lòng từ tâm lừa đảo băng bó các vết thương mà trước đó không chữa chạy gì cả; là chỉ trị các triệu chứng mà không chịu trị nguyên nhân và gốc rễ. Đây là cơn cám dỗ của "người lo làm điều tốt", của người sợ sệt, và của cả những người gọi là "cấp tiến và duy tự do".     

Thứ ba là cơn cám dỗ muốn biến đá thành cơm để đã cơn chay tịnh lâu dài, nặng nề và đau đớn (xem Lc 4:1-4); cũng như biến cơm thành đá để dùng nó liệng vào người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn (xem Ga 8:7), nghĩa là, biến nó thành những gánh nặng không thể nào chịu đựng nổi (Lc 11:46).    

Thứ tư là cơn cám dỗ bước xuống khỏi thập giá, để làm vui lòng người, chứ không chịu ở trên đó, ngõ hầu chu toàn thánh ý Chúa Cha; là rạp mình trước tinh thần thế gian thay vì phải thanh tẩy nó và bắt nó rạp mình trước Thần Trí Thiên Chúa.         

Cuối cùng là cơn cám dỗ lãng quên "kho tàng đức tin", không nghĩ mình là người canh giữ mà là chủ nhân ông hay ông chúa của nó; hoặc, mặt khác, cơn cám dỗ lãng quên thực tại, sử dụng những ngôn ngữ cầu kỳ, những ngôn ngữ êm tai để nói thật nhiều mà cũng là chẳng nói được chi. Người ta gọi họ là "chủ nghĩa Byzantyne", tôi nghĩ thế, đại loại như vậy...  
Anh chị em thân mến, các cơn cám dỗ không nên làm ta sợ hãi hay luống cuống, hoặc thậm chí ngã lòng, vì không đồ đệ nào lớn hơn thầy mình; bởi thế, nếu chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ, thậm chí còn bị gọi là qủy Bendêbút (xem Mt 12:24), thì các đồ đệ của Người không mong gì được đối xử tốt hơn.     

Nhiều nhà bình luận, hay những người hay nói, đã tưởng tượng rằng họ đang chứng kiến một Giáo Hội cãi cọ nhau, trong đó, thành phần này chống lại thành phần kia, hoài nghi luôn cả Chúa Thánh Thần, Đấng cổ vũ và bảo đảm sự hợp nhất và hòa hợp của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần mà suốt trong lịch sử, luôn sử dụng các thừa tác viên của Giáo Hội, để hướng dẫn con thuyền, cả những lúc gặp sóng to gió cả, và cả những thừa tác viên bất trung và người tội lỗi.    

Và, như tôi từng dám nói và đã nói từ đầu Thượng Hội Đồng, điều cần thiết là phải sống qua tất cả những điều trên trong thanh thản, trong bình an nội tâm, để Thượng Hội Đồng này diễn ra với Phêrô và dưới Phêrô, và sự hiện diện của Giáo Hoàng bảo đảm mọi việc trên.  

Hướng đến Thượng Hội Đồng năm 2015, ngài nói "chúng ta vẫn còn một năm nữa để, với việc biện phân thiêng liêng chân thực, chúng ta hãy làm cho các ý niệm đã đề xuất được chín mùi; để tìm ra các giải pháp cụ thể cho rất nhiều khó khăn và muôn vàn thách đố mà các gia đình hiện phải đối phó; để đem lại các giải đáp cho nhiều nỗi thất vọng đang bủa vây và làm ngột ngạt các gia đình".        

(Thế Giới Nhìn Từ Vatican)

2307    01-11-2014 15:33:22