Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Gia Đình Loan Báo Tin Mừng - tháng 10 năm 2014

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
  3. Diễn Giải
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Tìm Hiểu Giáo Luật
  7. Trang Linh Mục
  8. Trang Tu Sĩ
  9. Trang Sống Ơn Gọi
  10. Trang Thiếu Nhi
  11. Trang Giới Trẻ
  12. Trang Gia Đình
  13. Trang Quới Chức
  14. Sống Đẹp
  15. Hỏi Đáp Mục Vụ
  16. Chuyện Thường Ngày
  17. Một Chút Tâm Tình
  18. Thần Học Kinh Thánh
  19. Chia Sẻ Mục Vụ Bác Ái

 

LỜI CHỦ CHĂN

Vĩnh Long ngày 25.9.2014

Kính gửi: Quý Cha
              Quý Tu sĩ nam nữ
              Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v Tháng Môi Khôi

Mai, mai quế là cây bông hồng, vì thế mai khôi là bông hồng tươi đẹp, là một tràng bông hồng. Hội Thánh thương kính Đức Mẹ Maria, dâng lên Mẹ những bông hồng tươi thắm (tháng hoa), nhưng cũng dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng. Đó là những lời cầu nguyện phát xuất từ lòng mến Mẹ, nhất là khi đọc chung với nhau, và kết hợp với tâm tình yêu mến Chúa (tôn thờ Chúa Cha qua kinh Lạy Cha, do Chúa Giêsu đã dạy; tôn thờ  Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là Chúa Thánh Thần, qua kinh Sáng Danh).

Người miền nam đọc “mai” thành “môi”, còn them chữ “khôi” là đẹp. Môi khôi là bông hồng tươi đẹp chúng ta dâng kính Mẹ. Thay vì bông hồng, chúng ta có thể thay bằng bông khác, nhất là bông huệ vì Đức Mẹ là “rosa mystica” (hoa hường mầu nhiệm).

Như vậy, chúng ta hiệp với Chúa Giêsu và Hội Thánh tôn kính Mẹ qua kinh Kính Mừng, qua chuổi Môi Khôi, và cùng với Mẹ, ta có tâm tình yêu mến, tôn kính Chúa Cha và Chúa Ba Ngôi.

Lm. Phêrô Dương Văn Thạnh
           Giám Quản GP. Vĩnh Long       

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

CHỦ ĐỀ: GIA DÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG

Nguồn gốc và mục đích của truyền giáo. Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh : "Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha" (x. AG. 2). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần tình yêu (x. Gio-an Phao-lô II, RM. 23)(GLHTCG 850).

Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của họ bằng việc phúc âm hóa, "nghĩa là loan báo Ðức Ki-tô bằng đời sống chứng tá và lời nói". Nơi giáo dân, "hoạt động phúc âm hóa này ... mang sắc thái và có một hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần gian" (LG 35) (GLHTCG 905).

Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời (GLHTCG 2225).

DIỄN GIẢI

GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG: GIÁO ĐIỂM TRUYỀN GIÁO

Lời Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Ý cầu nguyện: Xin ban cho các gia đình Kitô hữu một sinh lực mới xuất phát xuất từ Niềm Vui Tin Mừng gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, để ra đi chia sẻ Tin mừng ấy cho mọi anh em lương dân.

Bài ca ý lực: Giêsu ánh sáng (Bài ca thông truyền đức tin tr.34).

1. Lệnh truyền giáo và niềm vui luôn tươi mới của Tin Mừng

- “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người”[1]. “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Ơn cứu độ được gặp thấy trong chân lý. Những ai vâng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần chân lý, thì đã ở trên đường cứu độ; nhưng chân lý này đã được ủy thác cho Hội Thánh, nên Hội Thánh phải đáp ứng khát vọng của những người đó là mang chân lý đến cho họ. “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người được tham dự vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí tình yêu của các Ngài[2].

- NIỀM VUI của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô tràn đầy nơi trái tim và cuộc sống của những ai đã gặp gỡ Người[3]. Niềm vui ấy luôn luôn tươi mới và muốn chia sẻ cho nhiều người khác, để “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”[4]. Niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc Loan báo Tin mừng làm mới lại nhiệt huyết của chúng ta, cả khi phải gieo trong nước mắt... Ước mong sao thế giới hôm nay, một thế giới vốn đang kiếm tìm khi trong lo âu khi trong hi vọng, đón nhận được Tin mừng không phải từ những người rao giảng buồn bã, chán nản, nôn nóng hay lo âu, nhưng từ những người phục vụ Tin mừng tỏa sáng đầy nhiệt thành, những người trước hết đã đón nhận niềm vui của Đức Kitô. Vì thế, như thánh Phaolô nói, “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Loan báo Tin mừng, thực ra là để hoàn thành bản thân, bởi lẽ “chúng ta khám phá ở đây một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta được sống và sống tràn đầy chính khi chúng ta dâng hiến sự sống ấy hầu cho người khác được sống. Ý nghĩa của truyền giáo chắc chắn là như thế”[5].

2. Gia đình : giáo điểm truyền giáo

- Bổn phận bảo vệ và thông truyền đức tin, vốn phát xuất từ bí tích rửa tội và thêm sức, được tiếp nối và đề xướng một lần nữa trong bí tích hôn phối. Bí tích ấy biến đôi vợ chồng và người cha người mẹ Kitô hữu thành những chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), thành những “nhà truyền giáo” thực sự của tình yêu và sự sống[6]. Ngay từ trong gia đình, khi có một thành viên nào đó còn chưa biết Chúa, hoặc thiếu đức tin hay “nguội lạnh” và không sống phù hợp với đức tin, những người khác phải cống hiến cho người ấy một chứng tá đức tin sống động hầu có thể thúc đẩy và nâng đỡ người ấy trên đường hướng đến kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc họ.

- Hội Thánh tại gia được linh hoạt bởi tinh thần thừa sai được mời gọi trở thành dấu chỉ hiện diện của Đức Kitô cũng như tình yêu Người dành cho “những kẻ ở xa”, cho các gia đình còn chưa tin và cho các gia đình có đạo mà không sống phù hợp với đức tin. Hội Thánh tại gia được mời gọi “dùng gương sáng và lời chứng” để soi sáng cho “những ai đang tìm kiếm chân lý”.[7]

- Thuở sơ khai, có gia đình Aquila và Priscilla như gia đình đi truyền giáo (x. Cv 18), ngày nay cũng có các đôi vợ chồng và gia đình Kitô hữu, ít là trong một thời gian nào đó, đi tới các “vùng ven” thuộc miền truyền giáo để loan báo Tin mừng qua sự phục vụ con người bằng tình yêu của Đức Kitô. Có như thế Hội Thánh mới được luôn luôn mới mẻ và sinh hoa kết trái.

- Các gia đình còn góp phần cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng ơn gọi thừa sai nơi con cái, và nói chung bằng cách dạy con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra Tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người.

3. Gia đình loan báo Tin mừng bằng việc phục vụ và quan tâm đến các thực tại xã hội

- Tại tâm điểm của công cuộc Loan báo Tin mừng là Tình Thương cứu độ của Thiên Chúa thể hiện ở đỉnh điểm là Thập giá vinh quang của Đức Kitô Chết và Phục sinh. Thần Khí Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn tiếp tục trong đời sống và công trình của Hội Thánh, một cách thường trực và thu nhỏ tại các gia đình Kitô hữu, “Hội Thánh tại gia”. Mọi công trình đều khởi nguồn từ và qui về đức ái.

- Loan báo Tin Mừng hay Phúc âm hóa không thể tách biệt với sự thăng tiến con người. Được cứu độ có nghĩa là thực thi tình huynh đệ trong gia đình và ngoài xã hội. Mỗi anh em là một sự nhập thể nối dài (x. Mt 25, 40). Bác ái xã hội Kitô giáo thuộc chiều kích siêu việt (x. Mt 7,2). Ước muốn sâu xa của người thừa sai là biến đổi thế giới theo các giá trị tin mừng. Hội Thánh không được đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình. Vì thế, gia đình có thể và phải góp phần phát triển xã hội bằng cách quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của các cơ chế dân sự, phải có ý kiến và dấn thân biến đổi xã hội, đất nước, nhân loại, biểu lộ NIỀM HI VỌNG cánh chung.

- Không gì hấp dẫn mạnh mẽ mọi người đến với Đức Kitô, cho bằng khi chính gia đình Kitô hữu luôn sống quan tâm phục vụ cho nhau và cho mọi người; trước hoàn cảnh của cộng đồng cư dân, họ là người có mặt đầu tiên để phục vụ. Gia đình Kitô hữu quan tâm đến mọi thành phần cư dân sống quanh mình nhất là những người bất hạnh, cô thế cô thân, nghèo khổ; quan tâm đến môi trường sống. Công tác xây dựng bảo vệ nếp sống của nền văn minh tình thương mà Hội Thánh đề xướng: xây dựng tình huynh đệ có sức công phá hận thù, chia rẽ, bạo lực, bất công. Gia đình Kitô giáo luôn mở rộng tấm lòng để đón nhận bài học phục vụ nơi thập Đức Kitô.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

1. Cách thức sống đạo của gia đình tôi có làm làm chúng tôi tách biệt hay xa lạ với xóm giềng hay nên gương sáng để họ đối chiếu và bị cuốn hút?

2. Đối với một thành viên nào đó trong gia đình còn chưa thuộc về ràn chiên của Chúa, các thành viên Kitô hữu khác có ý thức mình phải cống hiến một chứng từ sinh động và nhiệt thành cho Thần Khí của tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô Con Thiên Chúa ?

3. Gia đình tôi có cộng tác trong những chương trình đặc biệt khi này khi khác với cộng đoàn Hội thánh địa phương (giáo họ, giáo xứ, giáo phận) hay với Giáo hội hoàn vũ, trong sứ vụ Hiệp thông Truyền giáo hay không?

[1] AG 1. X. GLHTCG 849.

[2] X. Gioan-Phaolô II, Redemptoris missio, 23. Xt. GLHTCG 850.

[3] X. ĐGH Phanxicô, Th. Evangelii Gaudium (EG), 1.

[4] Phaolô VI, Th. Gaudete in Domino (9.05.1975), 22. X. EG, 3.

[5] EG 10.

[6] X. FC 54.

[7] Ibid. Xt. LG, 35; AA, 11.

Nguồn: ubmvgiadinh.org

LỜI NGUYỆN CHUNG

 Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Từ tình yêu của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi. Thì cũng vậy, từ tình yêu của gia đình Kitô-giáo, chúng ta có bổn phận loan truyền ơn cứu rỗi ấy cho mọi người. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1.     Chúa phán: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh và gia đình Công Giáo, bằng hết khả năng của mình mà làm cho mọi người nhận biết Chúa.

2.     Chúa phán: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, với khả năng và địa vị của mình mà trở nên chứng tá đạo Chúa cho mọi người ở mọi nơi.

3.     Chúa phán: “Con hãy về nhà và nói lại cho thân nhân con những gì Chúa đã làm cho con”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình, tích cực đem giáo lý Phúc Âm đến trong gia đình và trong lối xóm của mình.

4.     Chúa phán: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần gia đình trong họ đạo chúng ta, trung thành yêu thương nhau và giúp nhau loan báo Tin Mừng.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu rỗi, Chúa cũng muốn các gia đình tham gia sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Xin cho các gia đình tích cực đem ơn cứu rỗi Chúa đến cho mọi người, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIA ĐÌNH SỐNG LỜI CHÚA

Công  đồng Vaticanô II gọi gia đình Kitô hữu là Hội Thánh thu nhỏ hay Hội Thánh tại gia. Các thành viên trong gia đình Kitô hữu, Hội Thánh nhỏ là những thành phần có đức tin và đã nhận phép rửa; họ là những con cái của Thiên Chúa, là con dân của Nước Thiên Chúa, là chi thể của Hội Thánh, Thân Thể Đức Kitô.      

Toàn thể dân Thiên Chúa được tham dự vào ba chức năng mà Đức Kitô đã được xức dầu và tấn phong là “Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế”, và lãnh trách nhiệm thực hiện sứ mạng phục vụ xuất phát từ ba chức năng ấy.
 Là Hội Thánh tại gia, cộng đoàn gia đình Kitô hữu thuộc dân Thiên Chúa cũng được tham dự vào ba chức năng ấy và cũng có trách nhiệm thực hiện sứ mạng phát xuất từ ba chức năng ấy nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Hôn phối.   
 
Hội thánh nhỏ là một cộng đoàn yêu thương nhau.      
 
Những bổn phận của các thành viên trong gia đình là: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng sa ngã” (Cl 3, 18-21).       
Riêng phận làm con, sách Huấn ca đã dạy: khi còn trẻ thì vâng lời tôn kính cha mẹ. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ. Ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”. (Hc 3, 2 - 6)        
 
Và khi cha mẹ về già thì lại phải: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi  người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghiã đối với cha sẽ không bị quên lãng, và đền bù tội lỗi cho con” (Hc 3, 12- 14).      
 
Vợ chồng yêu thương và tùng phục nhau như Chúa Kitô yêu Hội thánh, và như Hội thánh tùng phục Chúa Kitô. Con cái vâng lời tôn kính cha mẹ và làm vẻ vang cha mẹ như  dân Thiên Chúa tôn kính tuân phục Thiên Chúa.      
 
Những đức tính mà vợ chồng phải đối xử với nhau là yêu thương thủy chung với nhau, chấp nhận, tha thứ những thiếu sót của nhau như sự trung tín của Thiên Chúa với Giao ước của Ngài, như sự trung tín của Đức Kitô với Hội thánh. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vĩnh viễn và không bao giờ rút lại, thì tình yêu chung thủy của vợ chồng cũng được tham dự vào tình yêu thủy chung ấy.
 
Cộng đồng yêu thương, chung thủy, hợp nhất phải được xuất phát từ Thiên Chúa Tình yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa.       
 
Gia đình Kitô hữu, Hội thánh nhỏ phải là một cộng đoàn cầu nguyện và sống đức tin.
 
Để có được một cộng đoàn sống đức tin, phải đặt Thiên Chúa làm trung tâm của gia đình, phải biến gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Hiệp thông với nhau trong kinh nguyện là phương tiện củng cố đức tin, đồng thời tạo được sự hiệp nhất trong gia đình. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện. Thánh Phaolô đã khuyên: “Ước gì lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do thần khí linh ứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl. 3: 16 - 17).

         
Siêng năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, cùng nhau cầu nguyện trong gia đình, học hỏi và thực hành Lời Chúa giúp cho Hội thánh tại gia đươc vững mạnh trong đức tin và được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa.   
Hội thánh tại gia còn là một cộng đoàn ra đi phục vụ để Phúc – âm - hóa  thế giới.    
 
Gia đình là một cộng đồng phục vụ sự sống, cộng tác với Thiên Chúa Sáng Tạo qua việc sinh con cái có trách nhiệm và giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên dạy con cái các đức tính nhân bản và sống đức tin. Mọi thành viên trong gia đình Kitô hữu là những người sống và làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống yêu thương hiệp nhất của mình trong tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó, mới có thể ra đi chia sẻ, giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Ðó là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu.    

Hội thánh tại gia nói riêng và Hội thánh Thân Thể của Đức Kitô nói chung là một cộng đồng gồm những thành phần “được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” thì phải “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl. 3: 12-14).        
 
Thảo kính cha mẹ là dấu chỉ của sự thảo kính Thiên Chúa. Vâng lời  cha mẹ là vâng lời thánh ý Thiên Chúa.        
Gia đình cầu nguyện là giây phút hồi tâm để canh tân đời sống gia đình  từ đó ra đi làm chứng cho Thiên Chúa bằng cuộc sống của mình.
 
Để thực hiện được những sứ mạng của mình, mọi gia đình Kitô hữu hãy noi gương Thánh Gia Thất trong sự yêu thương phục vụ lẫn nhau, luôn lắng nghe tìm biết thánh ý Thiên Chúa và mau mắn thực hành.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo Về Hôn Nhân Đồng Giới

WHĐ (22.04.2013) – Như tin đã đưa, ngày 17-04-2013, New Zealand đã thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới và trở thành quốc gia thứ mười ba trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới. Ngay lập tức, Giáo hội Công giáo New Zealand, qua Đức Tổng giám mục John Dew - Chủ tịch Hội đồng giám mục New Zealand - đã lên tiếng chống lại luật trên, theo quan điểm của Giáo hội Công giáo.

Sau đây xin trích đăng giáo lý Hội Thánh Công giáo về vấn đề này (các số 2357, 2358, 2359).

Đức khiết tịnh và sự đồng tính luyến ái

2357 Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống HộiThánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn “Persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.

2358 Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa.

2359 Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Kitô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi.

Nguồn: hdgmvn.org

TRANG LINH MỤC

GIÁO DỤC ĐỨC TIN (tt)

Khi con cái lãnh nhận các bí tích:

- Bí tích rửa tội: Rửa tội cho trẻ em rất quen thuộc với truyền thống Kitô giáo, làm cho chúng ta hiểu ngay về bản chất đích thực của ơn cứu độ. Đó là ân sủng, nghĩa là ơn huệ nhưng không của Chúa. Sự dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô giải thoát con người tận cội rễ khỏi tội lỗi và sự chết, để thực hiện một cuộc tái sinh mới theo Thần Khí, cho sự sống mới vĩnh cửu. Do đó, ngày rửa tội được coi như ngày đứa con được sinh ra về phần thiêng liêng, sau khi cha mẹ đã sinh ra nó về phần xác, ngày đánh dấu mốc quan trọng trong gia đình. Nhân dịp này, cha mẹ nhắc anh chị nó về sự cao quý của ơn được làm con cái Chúa, hướng chúng về gia đình thiên quốc mai sau, nhắc lại cho chúng những bổn phận người đã chịu phép rửa tội.

- Xưng tội, Rước lễ lần đầu, Thêm sức: Đây là ba bí tích khai tâm quan trọng con cái bạn sẽ lãnh nhận khi tới tuổi khôn. Cha mẹ nhắc con cái ý thức về ơn huệ cao cả Chúa ban, cố gắng dọn mình xứng đáng và ra sức sống bí tích lãnh nhận, đẹp lòng Chúa: quyết tâm chừa tội, gìn giữ hình ảnh Chúa, làm chứng cho Chúa bằng đời sống tốt lành. Thánh Don Bosco nhớ mãi và vui sướng kể lại rằng : “Mẹ của cha để tâm nhất là lo dạy các con hiểu biết và sống đạo, hướng dẫn các con biết vâng lời và bận bịu với các công việc hợp với tuổi của mình. Ngay từ nhỏ, chính mẹ dạy cha cầu nguyện … Cha nhớ chính mẹ chuẩn bị cho cha xưng tội lần đầu, cùng cha đi đến nhà thờ, chính mẹ xưng tội trước, gửi gắm cha cho cha giải tội, rồi sau đó giúp cha cám ơn Chúa. Mẹ tiếp tục giúp cha như thế cho đến khi mẹ thấy cha có khả năng xưng tội một mình cách xứng đáng”.

- Bí tích Hôn phối:  Dịp con cái chịu phép hôn phối, lập gia đình là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chúng. Cha mẹ nhắc nhủ, dạy dỗ con cái những điều cần về bí tích hôn phối, về đời sống vợ chồng, bổn phận trong gia đình họ hàng, trong Hội Thánh, trong xã hội.

Đối với những em chưa lập gia đình, biết chuẩn bị xứng đáng bằng đời sống đạo đức, đứng đắn trong sạch, trau dồi nhân cách, tập luyện nghề nghiệp để sau này thành công trong đời sống gia đình. Lưu ý chng, nhất là với các em nữ,khi giao thiệp với người khác pháiphải đứng đắn, để tránh những lầm lỡ đáng tiếc làm hư hỏng cả cuộc đời.

- Xức dầu và an táng: Khi trong nhà có ông bà hoặc người thân bệnh nặng hoặc qua đời, cha mẹ quy tụ con cái bên giường bệnh an ủi, cầu nguyện cho người thân. Nhân dịp này nhắc con cái ý thức sự mỏng dòn yếu đuối của kiếp người, giá trị tương đối của vật chất trần thế và kêu gọi chúng còn được sống phải cố gắng liêm chính, trong sạch, xa tránh tội lỗi, làm nhiều việc tốt để được chết lành, chết thánh.

Các dịp lễ khác

- Lễ bổn mạng của cha mẹ

Nhân dịp lễ bổn mạng của chồng, vợ: nhắc con cái về công ơn cha mẹ, gia tăng cầu nguyện để cha mẹ mạnh khoẻ làm việc, nuôi nấng gia đình… cố gắng sống tốt, giúp đỡ, hiếu thảo để cha mẹ vui lòng.

- Lễ bổn mạng của con cái

Nhắc mọi người trong gia đình cầu nguyện, quan tâm đến nó. Cho nó thấy tình thương của gia đình dành cho. Điều này sẽ khích lệ, thúc đẩy nó cố gắng hơntrong công việc, trong đời sống. Kêu gọi nó bắt chước đời sống, gương mẫu của thánh bổn mạng.

- Lễ bổn mạng của các vị mục tử: Cha xứ, Cha phó, Đức Giám Mục.

Nhắc con cái cầu nguyện đặc biệt cho các ngài. Gợi cho chúng biết công ơn của các vị, khuyến khích chúng bày tỏ tình liên hệ cha con thiêng liêng và cố gắng sống xứng đáng, nhiệt thành cộng tác với việc tông đồ của các ngài.

Khi may mắn hạnh phúc, khi thử thách đau khổ

- Khi vui mừng thịnh vượng: nhắc con cái tạ ơn Chúa, ra sức làm việc, quảng đại phục vụ, sống tốt.

- Khi thử thách đau khổ: không ngã lòng thất vọng. Tin tưởng vào lòng thương và thánh ý Chúa. Can đảm chấp nhận và phấn đấu vượt qua. Không phàn nàn trách móc, đổ lỗi, gây gỗ…

Chính  những cơ hội này có tác dụng rất tốt cho con cái thâu nhận kiến thức kinh nghiệm, và rèn luyện đức tin. (còn tiếp)

TRANG TU SĨ

VÌ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Gia đình là nền tảng của xã hội, và của Giáo hội. Không thể nào có một xã hội tốt đẹp, một Giáo hội thánh thiện mà không có những gia đình đạo đức thánh thiện. Tìm hiểu nguyên nhân của những trẻ em phạm pháp ta sẽ nhận thấy rằng hầu hết các trường hợp đều xuất phát từ những gia đình tan vỡ, hay rạn nứt: cha mẹ li dị, chia tay, sống lang bang, bất hòa chia rẽ…

Nhìn vào các gia đình Công giáo, hôn nhân Kitô giáo là một Bí tích mà Thiên Chúa đã lập - Bí tích Tình yêu. Bí Tích này là Giao ước tình yêu kết hợp người nam và người nữ thành vợ thành chồng và mở ra cho việc đón nhận và vun trồng sự sống, qua việc truyền sinh, sinh con và giáo dục chúng. Họ được mời gọi trở nên dấu chỉ và hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại bằng chính đời sống phục vụ và hiến thân trao ban trên thập giá. Như thế, ơn gọi hôn nhân Kitô giáo là ơn gọi nền tảng, hiện thực hóa chính sứ mạng Phúc Âm hóa của Đức Giêsu.

Trên chuyến xe từ Sài Gòn về Vĩnh Long, ngồi cạnh tôi là một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi, cách ăn mặc đơn sơ, nhìn có chút đượm buồn và khắc khổ. Vì mắc chứng say xe nên tôi không nói chuyện nhiều trên xe, tôi tháo vòng chuỗi trong tay để lần hạt, thấy chị nhìn sang tôi chỉ mỉm cười và gật đầu chào hỏi, chị cũng lịch sự chào tôi bằng một nụ cười thật tươi. Xe chạy được một lúc, chị quay sang bắt chuyện:

- Có phải chị là MA-SOEUR không?

- Dạ phải? Ah, mà sao chị biết?

- Dạ, chào Soeur. Con cũng là người Công giáo. Gia đình con đang sống ở Vĩnh Long. Nhìn Soeur hiền từ con thấy có gì đó thân thiện và gần gũi lắm!

Sau một lúc nói chuyện qua lại, chị chia sẻ với tôi về chuyện gia đình và những khó khăn mà chị đang vướng mắc. Chị kết hôn lúc 22 tuổi, chồng chị là người ngoại giáo nhưng vì yêu chị nên anh chấp nhận vô Đạo theo yêu cầu của nhà vợ. Chồng chị là con út nên chị về sống cùng với cha mẹ chồng không Công Giáo. Thời gian đầu không có gì khó khăn cho việc chị đến Nhà Thờ, và mỗi lần đi chị kéo anh theo, nên hầu như anh chị không bao giờ bỏ Lễ Chúa nhật. Sau khi có con trai đầu lòng, chị phải tranh đấu nhiều với ba mẹ chồng để con chị được nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội. Chị cố gắng chăm lo cho ba mẹ chồng chu đáo làm tròn bổn phận con dâu, phần khác chị không quên dạy con sống Đạo. Dù bận rộn với công việc nhưng đến Chúa Nhật là chị nhắc chồng và đưa con đến nhà thờ đi Lễ đầy đủ. Nhiều lần ba mẹ chồng chị tỏ vẻ không đồng ý khi thấy chị giựt dậy sớm đứa cháu cưng còn đang ngây ngủ để dậy đi Lễ. Lần kia, ba chồng chị khó chịu nói :

- Vợ chồng tụi bây muốn đi đâu cũng được, nhưng thằng nhỏ nó còn con nít đang tuổi ăn tuổi ngủ, hơn nữa suốt tuần học mệt chỉ có ngày Chủ nhật phải để nó ngủ thêm...

Chị thấy đau lòng và có chút nóng giận nhưng cố gắng dằn lòng, chị ôn tồn thưa lại :

- Thưa Ba, Ba thấy con đối với Ba Mẹ như thế nào ?! con luôn yêu kính và hiếu thảo với Ba Mẹ như Ba Mẹ ruột của con... chỉ vì con là người Công giáo, và con muốn con của con sau này cũng yêu kính và hiếu thảo với con như vậy. Vậy nên xin Ba hãy giúp con dạy dỗ con của con – cháu của Ba ... được nên người tốt.

Và từ đó Ba Mẹ chồng chị không còn ngăn cản hay tỏ vẻ khó chịu khi chị đưa con đến Nhà Thờ tham dự Thánh lễ cũng như các giờ học Giáo lý. Chị còn có một ước mơ cho con đi tu, nhưng cái khó khăn của chị hiện giờ là người chồng. Tuy anh rất yêu vợ thương con nhưng cái tật rượu chè cờ bạc vẫn không bỏ được. Đã bao lần chị nói với anh trong nước mắt hy vọng một ngày anh cảm nhận được sự chân thành của vợ mà lo cải thiện đời sống. Nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, lần này thì lớn chuyện, anh thua nặng nên phải vét cạn tài sản mà anh chị đã chắt chiu bấy lâu mang ra trả nợ. Chị buồn và giận quá định ly hôn với anh nhưng vì thương con còn nhỏ và vì chị là người Công giáo không được phép ly dị. Chị đến trình bày với Cha Sở, Cha khuyên chị nên có thời gian suy nghĩ, đừng vội quyết định mà làm tan vỡ một gia đình mà chị đã cố công gìn giữ bấy lâu, hơn nữa gia đình ấy đã được sự chứng nhận và chúc lành của Thiên Chúa và Giáo Hội. Đã hai tuần qua chị về gia đình Cha Mẹ ruột ở Sài Gòn để nghỉ ngơi và cũng để suy nghĩ nhưng chị không dám nói thật với con mà chỉ nói « Mẹ về thăm Ông Bà ngoại », còn chồng chị cũng đã hối hận, mấy lần anh đến xin lỗi và rước chị về, nhưng chị muốn thêm thời gian để anh thật sự hối lỗi và quyết tâm từ bỏ. Hôm nay nguôi ngoai cơn giận chị trở về nhưng vẫn còn thấp thỏm lo âu không biết khi nào anh sẽ lại tái phạm. Tôi cầm tay chị động viên an ủi :

- Chị là một người vợ, người mẹ tuyệt vời! Thiên Chúa đã và đang chúc phúc cho gia đình của chị. Chị hãy nhìn gương của Thánh Nữ Mônica mà cố gắng thêm chút nữa. Hãy cho chồng chị thêm một cơ hội để gia đình chị được hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Chị gật đầu mỉm cười,  mắt  ánh lên một niềm vui hạnh phúc như có thêm nghị lực để tiếp bước.

MTG Cái Nhum

GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO

Tính đến thời điểm này, “Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình” 2014 của Giáo Hội Việt Nam đã qua ba phần thời gian, chỉ còn mấy tháng nữa là kết thúc.  Với những nỗ lực Hội Đồng Giám Mục tại Việt Nam, nhiều lá thư mục tử được phổ biến và đón nhận cách tích cực, nhiều chương trình học hỏi với những hình thức khác nhau về đề tài gia đình trong sứ vụ Tân Phúc Âm hóa, rất hữu ích cho đời sống gia đình kitô hữu được tổ chức, giúp mở rộng và đào sâu hiểu biết cho các gia đình về thái độ sống và loan truyền Phúc Âm trong đời sống thường ngày.  

Ý thức được “việc Phúc âm hóa tương lai phần lớn phụ thuộc vào Hội Thánh tại gia”, và “Gia đình là trái tim của công cuộc Phúc âm hóa mới”, các Vị Mục tử cùng với con chiên là các gia đình Công Giáo trên toàn quốc đã không ngừng khám phá vai trò và sứ mạng của gia đình trong nhiều phương diện và cách thức khác nhau theo gợi ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho từng tháng trong năm.  Những thực hành cụ thể được các Vị Chủ Chăn đề nghị làm vực dậy ý thức về vai trò không thể thiếu của các gia đình trong toàn bộ đời sống truyền giáo của Giáo Hội.  Thật ra, trong mọi lúc và mọi nơi, vẫn có những người Công Giáo âm thầm hoặc công khai làm chứng cho Tin Mừng, một hình thức truyền giáo hữu hiệu ngay trong môi trường sống của mình.

Tú là con gái út trong một gia đình Công Giáo tại một họ đạo nhỏ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tính tình dễ thương, hoạt bát. Cha mẹ Tú tuy rất bận rộn với việc mưu sinh cho gia đình, nhưng vẫn chu toàn tốt bổn phận dạy dỗ các con nên người tốt, nhất là không bao giờ bỏ đọc kinh sáng tối chung với các con. Nhờ sự dành dụm chắt chiu của cha mẹ, anh trai lớn của Tú đã vào đại học, còn người anh kế và Tú đang học cấp III. Hiểu được những vất vả của cha mẹ, Tú sống ngoan ngoãn, cố gắng học giỏi và không bao giờ đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Ngoài giờ học ở trường, Tú dành thời gian phụ giúp cha mẹ những công việc nhà; cô còn tích cực tham gia những sinh hoạt ở họ đạo như ca đoàn, huynh trưởng, và nhất là siêng năng dự lễ misa.

Một biến cố đau thương bất ngờ xảy đến làm xáo trộn tất cả, khi anh trai lớn của Tú bị tai nạn và chết trên đường về thăm Cha mẹ và các em sau kỳ học dài. Người mẹ vì quá đau khổ nên sinh bệnh liên miên. Cha em thì trầm tĩnh hơn, một mình chống chọi với bao khó khăn chồng chất, quyết tâm nuôi hai đứa con còn lại ăn học. Cũng từ đó, hai anh em Tú trở nên trầm lặng, ít nói hơn. Nhưng cả nhà vẫn hết lòng tin tưởng vào Chúa, đón nhận thánh giá Chúa gởi đến, không xao lãng việc đạo đức. Riêng Tú thì thuyết phục cha và anh cùng mình đi dự lễ hàng ngày, dâng lên Chúa những đau khổ của gia đình và cầu nguyện thật nhiều cho người mẹ yếu đau.

Quả nhiên, sau một thời gian, mẹ Tú đã khỏi bệnh và cùng gia đình dự lễ mỗi ngày. Sau thời gian đó, cha mẹ Tú bắt đầu tham gia các sinh hoạt của họ đạo, dành giờ đi thăm và an ủi những người già cả, đau yếu trong xóm, không phân biệt tôn giáo. Nhờ đó, nhiều người đã trở về với Chúa. Ngoài ra, nhà Tú còn là “điểm kể chuyện Chúa Giêsu” cho các em nhỏ trong xóm. Ước mơ của Tú là sau khi tốt nghiệp, cô sẽ đi tu để có cơ hội hiến thân trọn vẹn hơn cho Chúa và tha nhân.

Khi Cha Sở thông báo về “Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình” của Giáo Hội Việt Nam, cùng với chương trình học hỏi và những thực hành cụ thể cho các gia đình, cha mẹ Tú luôn trong số những giáo dân tích cực nhất trong công tác tông đồ, nhất là việc bác ái. Với tính tình hiền hòa nên luôn được mọi người quý mến. Khi có ai hỏi về đứa con đã mất, hai ông bà luôn tỏ ra sự tuân phục trước thánh ý của Thiên Chúa: “Con cái là do Chúa ban, Ngài muốn lấy lại lúc nào tùy ý mà!” Thế đó, gia đình họ luôn là gương sáng cho người khác trong tình thần yêu thương, chia sẻ và phục vụ.

Thật vậy, dù trong hoàn cảnh nào, gia đình cũng có thể loan báo Tin mừng.  Cách thức truyền giảng của họ không phải là những bài giảng thuyết dài dòng, nhưng qua tình yêu thương, lòng bác ái, nhiệt thành, sự quan tâm chia sẻ cụ thể trong đời sống hàng ngày… giống như Thánh gia đình Nagiareth xưa. Đó là phương thế tốt nhất làm cho Tin mừng được lan tỏa ngay trong chính môi trường của mình. “Tương lai Hội Thánh đi ngang qua các gia đình.” Ước mong mỗi gia đình Công Giáo đều ý thức sứ mạng cao cả đó. Nhờ vậy, Giáo Hội có thêm nhiều tay thợ gặt đắc lực trong cánh đồng truyền giáo bao la rộng lớn, và Nước Chúa ngày càng được rộng mở hơn.

1.     Diễn văn của Thánh GH Gioan Phaolô II tại Đại Hội lần III các Giám mục Mỹ Châu Latinh, 1979.

2.     Diễn văn của Thánh GH Gioan Phaolô II nói với các Giám mục Phi Châu đặc trách mục vụ gia đình, 1992.

3.     Thánh GH Gioan Phaolô II, Thư gửi các Gia đình, năm 1994.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

HÔN NHÂN HAY TU TRÌ

Các bậc làm cha mẹ vẫn thường tự hỏi không biết con mình có ơn gọi đi tu hay không nhất là khi thấy con cái có vẻ ham thích việc đạo đức, ưa bắt chước các cha hay các bà sơ…

Ơn gọi nào cũng bao gồm hai yếu tố: lời mời gọi từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người. Vậy, làm sao biết được Thiên Chúa kêu gọi mình sống trong ơn gọi nào để có thể đáp lại tiếng gọi ấy? và ơn gọi nào mơi giúp tôi nên thánh? Do đó, chúng ta có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa cho ơn gọi riêng của mình.

Đã là con người thì ai cũng có ơn gọi làm người và qua Bí Tích Rửa tội chúng ta lại được sống ơn gọi làm con Chúa hay còn gọi là ơn gọi làm Kitô hữu. Đối với những người lập gia đình, họ có thêm ơn gọi sống đời đôi bạn hay làm cha mẹ. Ngoài ra, một số người còn có ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ.

Ơn gọi đời sống hôn nhân hay tu trì, không mâu thuẫn với ơn gọi làm Kitô hữu; trái lại, nó củng cố, làm thăng tiến và phong phú hơn. Hai ơn gọi này dẫn đến hai bậc sống khác nhau: bậc sống tu trì và bậc sống hôn nhân. Nhưng tất cả đều được kêu gọi trở nên trọn lành (x. Mt 5, 48). Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua con đường tu trì.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt “nên thánh” trong bậc giáo dân và “nên thánh” trong bậc tu trì: sự thánh hiến phổ quát và sự thánh hiến riêng biệt, ơn gọi phổ quát nên thánh và ơn gọi cụ thể nên thánh theo từng bậc sống. Trong Cựu ước, có sự thánh hiến của toàn thể dân Chúa và cũng có sự thánh hiến của riêng các ngôn sứ. Cũng vậy, trong Tân ước, ngoài sự thánh hiến phổ quát dựa trên bí tích Rửa tội, còn có sự thánh hiến đặc biệt của bí tích Truyền chức, của bí tích Hôn nhân (x. GS 48), của các hình thức tu trì (x.LG 44). Nói chung, nên thánh là con đường của đức ái. Càng yêu nhiều, càng thánh thiện. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Dù sống trong bậc sống nào, chúng ta cần phải hiểu rằng TÌNH YÊU là sức sống nền tảng của mọi ơn gọi: “Một cách đơn giản, ơn gọi là một tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô, với ý thức rằng, không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người. Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó. Tôi yêu mến Chúa thế nào? Tôi minh chứng tình yêu của tôi cho Thiên Chúa thế nào? Thưa, bằng cách làm thật tốt đẹp công việc được trao phó, bằng cách thực hiện một cách đơn sơ những gì Chúa ủy thác cho tôi dưới bất kỳ dạng thức nào.

Như thế, cho dù bạn sồng trong bậc giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân – đều là cơ hội giúp cho bạn nên thánh trong bậc sống đó... Do đó, nếu tôi biết làm thế nào để yêu mến Ðức Kitô, nếu tôi muốn biết tôi có thực sự ở trong tình yêu với Thiên Chúa không, tôi chỉ cần nhìn xem tôi đã làm công việc Ngài đã trao phó cho tôi như thế nào. Ơn gọi không phải là những gì chúng ta đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc tôi đã được trao phó. Những gì bạn đang làm, có thể tôi không làm được... Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa.” (Mẹ Têrêxa Calcutta)

Cha mẹ của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, ông  Martin  và bà Guerine, đã đi tìm hiểu ơn gọi tu trì, nhưng Chúa không muốn cho họ đi con đường ấy và họ đã bước vào cuộc sống hôn nhân và nên thánh. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng hôn nhân Kitô giáo là một ơn gọi nên thánh và gương của những cha mẹ thánh thiện là điều kiện thuận lợi đầu tiên cho việc nở hoa những ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Từ khởi nguyên, Chúa đã muốn con người sống có đôi: “Ðàn ông ở một mình không tốt.” (St 2, 18) Nhưng Chúa, nhất là trong Tân ước, cũng mời gọi chúng ta bước đi trên con đường hẹp của Tin Mừng, sống hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ (x. Mt 19, 12). Cũng như ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ là ơn Chúa ban nhưng không. Chúa là người đi bước trước, là người đưa ra sáng kiến kêu gọi chúng ta theo Ngài: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con.” (Ga 15, 16)           

Bởi đó, mỗi người đều được đặt trước một sự chọn lựa. Hạnh phúc cả cuộc đời tùy thuộc vào sự lựa chọn này. Sự chọn lựa luôn bao gồm trách nhiệm. Chọn lựa cũng bao gồm sự hy sinh và dấn thân. Hy sinh và dấn thân để theo đuổi điều mình chọn lựa. Chúng ta chọn lựa một cách dứt khoát, nhưng hy sinh và dấn thân thì kiên trì, bền bỉ và kéo dài suốt cuộc đời. Nếu chọn lựa sống đời Kitô hữu hoàn hảo đã phải chiến đấu nhiều với chính bản thân, thì chọn lựa sống đời tu trì còn phải chiến đấu nhiều hơn nữa. Vì chọn lựa ấy đòi buộc sống giữa đời nhưng không để bị vương vấn mùi đời.

TRANG THIẾU NHI

GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG

"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng" (Lc 8, 16 - 17).

Dưới ánh sáng hai câu Tin mừng này ta có thể thấy Chúa muốn nói đến hiệu quả của Tin mừng. Tự bản chất Tin mừng có sức lan tỏa. Sự lan tỏa ấy ít hay nhiều còn tùy thuộc vào môi trường và nhất là vào những con người được Tin mừng gieo vào.

Một trong những yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của gia đình kitô hữu là Tin mừng. Họ đón nhận Tin mừng ấy bằng nhiều cách.

Tin mừng mà họ đón nhận được chính là Tin mừng cứu độ - Tin mừng yêu thương. Thiên Chúa dùng Hội thánh và những phương tiện trong Hội thánh để loan báo Tin mừng cho từng gia đình kitô hữu. Ngài cũng tha thiết mong muốn những gia đình kitô hữu biết làm cho Tin mừng được đón nhận lan tỏa ra rộng rãi như ngọn đèn được đặt trên giá cao.

"Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo". Một đời sống thấm đượm Tin mừng nơi gia đình kitô hữu là một đời sống yêu thương chan hòa với mọi người. Trong bầu khí một xã hội người ta sống ích kỷ, hưởng thụ nhiều thì gia đình kitô hửu biết sống quảng đại, quan tâm để giúp đỡ về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần nơi anh chị em thật là cao quý.

Hình ảnh những người cha mẹ tạo điều kiện cho con cái sống quãng đại như đưa tiền cho con giúp những người kém may mắn hay bỏ tiền kết trong Nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật thật đep. Cũng thế cha mẹ nhắc nhở con cái thăm hỏi những người già yếu bệnh tật thật là điều nên khuyến khích nhiều hơn nữa.

Hơn bao giờ hết ngày nay nhiều gia đình trẻ có những tiêu cực như dễ dàng ly dị vì những lý do rất đơn giản, chưa được sẵn lòng rộng rãi để đón nhận bất cứ sự sống mới nào mà Thiên Chúa ban tặng. Các gia đình trẻ Công giáo nên bảo vệ Bí tích Hôn phối của mình bằng mọi giá. Đồng thời, họ cũng được kêu mời không chủ động sử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo và nhất là phá thai. Thực hiện được hai điều này cũng là lời loan báo Tin mừng hùng hồn và sống động...

Tin mừng yêu thương - Tin mừng cứu độ từ Thiên Chúa sẽ không trở nên vô ích nếu các gia đình kitô tích cực sống tốt. Lúc ấy, Tin mừng này sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều anh chị em chưa được đón nhận hoặc chưa bao giờ biết đến Tin mừng.

Dạy Con Ngoan: Nghệ Thuật Nói “Không” Với Con

“Không” là một từ ngắn gọn, súc tích nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết áp dụng một cách đúng đắn, nhất là để từ chối một số yêu cầu vô lý từ phía trẻ con. Bài viết sau sẽ chỉ cho bạn điều gì nên làm và nên tránh trong cách từ chối những đòi hỏi có khi hơi “trái khoáy” của con trẻ.

Giải thích trước khi từ chối  
Trẻ con với nhận thức non nớt sẽ chẳng thể hiểu được vì sao chúng không nên làm cái này, và tại sao chúng nên tránh cái kia. Nếu có thể, bạn nên nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu trước khi phải dùng đến quyền phủ quyết của cha mẹ. Chẳng hạn, nếu bé đòi ăn kẹo trước khi ngủ thì bạn nên từ tốn giải thích rằng “Ăn kẹo buổi tối mà không đánh răng thì sẽ bị sâu răng.

Nếu đã bị sâu răng thì răng sẽ đau nhức hoặc tệ hơn là con sẽ không còn răng để tiếp tục ăn kẹo vào ban ngày.” Một điều lưu ý là bạn nên giải thích một cách hợp lý chứ không nên giải thích sai sự thật vì trước sau gì bé cũng sẽ biết và sẽ không còn tin vào lời bạn sau này nữa. Lúc đó, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc uốn nắn bé làm theo lời mình.

Lắng nghe lý lẽ của con        
Khi bạn đã nói “Không” nhưng bé vẫn khăng khăng đòi làm theo ý mình, hãy yêu cầu bé giải thích và thuyết phục bạn vì sao bé muốn làm việc đó. Để làm được điều này, bạn cần tôn trọng con mà không áp đặt cái gọi là quyền cha mẹ đối với con từ rất sớm. Cụ thể, ngoài việc cấm đoán con thì bạn nên đưa ra những nguyên nhân và lý lẽ cho con biết việc đó là chưa đúng và sau này khuyến khích con trình bày lý lẽ của riêng chúng.

Điều này hoàn toàn không phải là “vẽ đường cho hưu chạy” – dạy con đôi co với cha mẹ mà bạn đang hướng con đến việc có đòi hỏi thì cũng phải hợp lý, hợp tình và có khả năng thuyết phục người khác chấp nhận những đòi hỏi của mình. Đây chính là một kỹ năng rất hữu ích cho cuộc sống và công việc của con sau này.

Cha mẹ phải nhất quán        
Xét về tâm lý và cách thể hiện, cha thường là người nghiêm khắc và mẹ sẽ là người dịu dàng. Trong một số gia đình, sự biểu hiện này có thể ở chiều hướng ngược lại. Tuy nhiên, dù cha hoặc mẹ đóng vai nghiêm khắc hay dịu hiền thì mỗi khi con trẻ ương bướng và quấy khóc, cả hai nên thống nhất trong thái độ đối với con.

Nếu đòi hỏi của trẻ là quá đáng, cả cha lẫn mẹ cần tỏ rõ sự nghiêm khắc; không nên cha thì đe nẹt còn mẹ lại bảo bọc và bênh con. Trẻ sẽ dễ dàng nhận ra đâu là người mà chúng có thể thoả hiệp và điều này lý giải vì sao một số cha mẹ thường than phiền, “Sao con của mình càng ngày càng khó bảo.”

Thoả thuận với con     
Trẻ con đa số đều hay “có mới nới cũ” đối với đồ chơi, truyện tranh, quần áo,… và rất hay đòi hỏi ba mẹ chúng mua thêm mặc dù đồ chơi hoặc sách truyện ở nhà đã có rất nhiều. Nếu con bạn cũng không là ngoại lệ, bạn cần áp dụng chiến thuật thoả thuận và làm rõ với con về những thứ bạn sẽ mua và không mua cho chúng. Tuyệt đối tránh hứa mua cho con để qua chuyện vì trẻ thường sẽ không bao giờ quên những lời hứa đó. Ví dụ như bạn cần đưa bé đến một cửa hàng để mua quà sinh nhật cho bạn của con.

Bạn nên làm “tư tưởng” với con trước như, “Hai mẹ con mình sẽ đến cửa hàng đồ chơi để mua đồ cho bạn Tí. Vì đây là quà sinh nhật của Tí nên hai mẹ con mình chỉ mua cho Tí thôi. Nếu con muốn thì đến sinh nhật con, mẹ sẽ cùng con đi mua quà giống như sinh nhật bạn Tí lần này nhé.” Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ đúng lời hứa dẫn con đi mua quà sinh nhật cho bé nếu ngày sinh của bé sắp đến.

Ghép tên con vào “Không”  
Một điều tưởng chừng nhỏ nhoi mà nhiều bậc cha mẹ không lường hết được tác động to lớn đó là ghép tên con vào sau chữ “không”. Thay vì nói cộc lốc và lạnh lùng “không” mỗi khi con làm sai hoặc yêu sách, bạn có thể nhẹ nhàng nhưng cương quyết “Không được đâu Bin!” khi cu Bin đòi chơi dao hoặc “Không nên Na à!” lúc bé Na muốn trèo lên cửa sổ.

Các nhà tâm lý đã phát hiện ra khi những câu mệnh lệnh hoặc cảm thán mà có tên của một cá nhân bất kỳ nào đó thì cá nhân đó có xu hướng bị tác động mạnh mẽ hơn nhiều lần đối với những câu ra lệnh hoặc yêu cầu cụt ngủn và thiếu đối tượng răn đe.

Lùi 1 bước, tiến 3 bước         
Bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy tổn thương ít nhiều khi bị từ chối và con nít với hiểu biết hạn chế sẽ rất có thể quấy khóc nếu đòi hỏi của chúng bị khước từ một cách thô bạo. Thay vào đó, sao bạn không “lùi một bước” nhập hội cùng con để “tiến ba bước” từ chối yêu cầu của con một cách khéo léo.

Chẳng hạn, nếu bé mè nheo nằng nặc đòi chơi kéo, bạn có thể chơi cùng con và rồi chỉ con thấy kéo là một vật dụng nguy hiểm như “Nào, hai mẹ con mình cùng lấy kéo cắt mấy mảnh giấy này nha… Ôi, mẹ thấy cây kéo này có đầu nhọn dễ đâm vào tay chảy máu quá…  mẹ biết mình cũng có thể xé giấy bằng thước kẻ. Để mẹ làm cho con xem nhé… Được rồi này, giờ tới lượt con xé giấy bằng thước đó.” Bằng cách này, trẻ vẫn bị cuốn hút vào trò chơi mà quên bẵng đi cây kéo ban đầu chúng đòi hỏi.

Từ chối luôn là một nghệ thuật. Và dạy con ngoan cũng thế. Sau bài viết này, hi vọng bạn đã có thêm sự tinh tế trong nghệ thuật từ chối con trẻ – đối tượng chưa hiểu hết những mối nguy và sự vô lý từ các đòi hỏi của chúng.

Trang Vàng
Nguồn: Marry Baby.vn

TRANG GIỚI TRẺ

Bài Giáo Lý VIII Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô
Hội Thánh Là Gia Đình Của Thiên Chúa

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ tám của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, hôm thứ tư ngày 29 tháng 5 năm 2013. Hôm nay Ngài tiếp tục loạt bài về Kinh Tin Kính mà ĐTC Bênêđictô XVI đã bắt đầu.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ tư tuần trước tôi đã nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Hôm nay tôi muốn bắt đầu một số bài giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh, một mầu nhiệm mà trong đó tất cả chúng ta đều sống và chúng ta là một phần của mầu nhiệm ấy. Tôi muốn bắt đầu với một số từ ngữ mà ai cũng biết trong các bản văn của Công Đồng Vaticanô II.

Bài giáo lý thứ nhất, hôm nay: Hội Thánh như gia đình của Thiên Chúa.

Trong những tháng gần đây, tôi đã nhiều lần nhắc đến dụ ngôn người con hoang đàng, hay đúng hơn là dụ ngôn người cha nhân hậu (x. Lc 15:11-32). Người con thứ của ông rời bỏ nhà cha mình, hoang phí tất cả và quyết định trở về bởi vì anh ta nhận ra rằng mình đã sai, nhưng anh không còn coi là mình xứng đáng làm một người con, và nghĩ rằng mình có thể trở về như một người đầy tớ. Thay vào đó, người cha chạy đến gặp anh, ôm chầm lấy anh, phục hồi phẩm giá của một người con cho anh và mở tiệc ăn mừng. Dụ ngôn này, cũng như những dụ ngôn khác trong Tin Mừng, cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Kế hoạch này của Thiên Chúa là gì? Là làm cho tất cả chúng ta thành một gia đình con cái của Ngài, trong đó mỗi người cảm thấy gần gũi và cảm thấy được Ngài yêu thương, như trong dụ ngôn của Tin Mừng, và cảm thấy sự ấm áp được thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Trong kế hoạch vĩ đại này Hội Thánh tìm thấy nguồn gốc của mình; Hội Thánh không phải là một tổ chức được thành lập bởi một hợp đồng với một số người, nhưng - như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta - là công việc của Thiên Chúa, được sinh ra tử kế hoạch yêu thương thể hiện cách tiệm tiến trong lịch sử. Hội Thánh được sinh ra từ ý muốn của Thiên Chúa là kêu gọi tất cả mọi người vào hiệp thông với Ngài, vào tình bằng hữu của Ngài, và thực ra thông phần vào sự sống thần linh của Ngài như những người con.

Gốc của từ “Hội Thánh” là từ ekklesia Hy Lạp, có nghĩa là “cuộc tập họp”: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, thúc giục chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, khỏi khuynh hướng khép kín nơi chính mình, và kêu gọi chúng ta làm phần tử của gia đình Ngài. Ơn gọi này bắt nguồn từ chính việc tạo dựng. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để sống trong một mối liên hệ bằng hữu sâu xa với Ngài, và ngay cả khi tội lỗi làm đứt mối liên hệ này với Thiên Chúa, với người khác và với các tạo vật, Thiên Chúa đã không bỏ rơi chúng ta. Toàn thể lịch sử cứu độ là câu chuyện về Thiên Chúa tìm kiếm con người, ban cho họ tình yêu của Ngài và đón chào họ. Ngài đã gọi ông Abraham làm cha của nhiều người, Ngài đã chọn dân Israel để lập một giao ước bao trùm mọi dân tộc, và đến thời viên mãn đã sai Con Ngài xuống ngõ hầu kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài được thực hiện trong một giao ước mới và vĩnh cửu với nhân loại. Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu tụ họp quanh Người một cộng đồng nhỏ bé là cộng đồng đón nhận lời Người, đi theo Người, chia sẻ cuộc hành trình của Người, trở thành gia đình của Người, và với cộng đồng này Người chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người.

Vậy Hội Thánh đã sinh ra ở đâu? Hội Thánh đã sinh ra từ hành động tối cao của tình yêu trên thập giá, nơi cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu mà từ đó máu và nước chảy ra, một biểu tượng của Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy. Trong gia đình của Thiên Chúa, trong Hội Thánh, các mạch máu là tình yêu Thiên Chúa được diễn tả trong việc yêu mến Ngài và yêu thương tha nhân, tất cả mọi người không phân biệt ai, và không đo lường. Hội Thánh là một gia đình trong đó chúng ta yêu thương và được yêu thương.

Hội Thánh tỏ lộ khi nào? Chúng ta mừng ngày này cách đây hai tuần: Hội Thánh tỏ lộ khi hồng ân của Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn của các Tông Đồ và thúc đẩy các ông đi ra ngoài và bắt đầu cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, truyền bá tình yêu của Thiên Chúa.

Ngày nay vẫn còn có người nói rằng, “Đức Kitô thì vâng, nhưng Hội Thánh thì không”. Giống như những người nói: “tôi tin vào Thiên Chúa nhưng không tin vào các linh mục.” Nhưng chính Hội Thánh đem Đức Kitô đến với chúng ta và dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa; Hội Thánh là đại gia đình của con cái Thiên Chúa. Tất nhiên Hội Thánh cũng có những khía cạnh con người; trong những người hợp thành Hội Thánh, là các mục tử và các tín hữu, có những thiếu sót, khiếm khuyết, tội lỗi, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng có chúng, và ngài có rất nhiều, nhưng điều đẹp đẽ là khi chúng ta nhận ra rằng mình là những người tội lỗi, chúng ta tìm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn tha thứ. Đừng quên điều này: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ và đón nhận chúng ta trong tình yêu tha thứ và thương xót của Ngài. Một số người nói rằng tội lỗi là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng cũng là một cơ hội để khiêm nhường, để nhận ra rằng có một điều gì tốt hơn: lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi yêu Hội Thánh nhiều bao nhiêu? Tôi có cầu nguyện cho Hội Thánh không? Tôi có cảm thấy mình là phần tử của gia đình Hội Thánh không? Tôi phải làm gì để Hội Thánh thành một cộng đồng nơi mà tất cả mọi người cảm thấy được chào đón và thông cảm, cảm thấy lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là những điều canh tân cuộc sống? Đức tin là một hồng ân và một hành động ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta, nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống đức tin với nhau, như một gia đình, như Hội Thánh.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cách đặc biệt trong Năm Đức Tin này, để các cộng đoàn của chúng ta, toàn thể Hội Thánh, càng ngày càng trở nên những gia đình thật sự sống và mang trong mình sự ấm áp của Thiên Chúa. Cám ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Nguồn: giaoly.org.vn

 TRANG GIA ĐÌNH

TIỀN BẠC CÓ MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC KHÔNG?
Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình

1. LỜI CHÚA: Khi ấy Chúa Giêsu phán:"Không ai có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc họ sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).

2.CÂU CHUYỆN:

Trước đây, Xuân cũng thuê làm chủ một cửa hàng cắt tóc và chăm sóc móng. Từ khi kết hôn, Xuân chỉ ở nhà nghỉ ngơi sinh con vì nghe chồng bảo rằng: công việc nhuộm, sấy tóc không tốt cho sức khỏe của bà bầu. Từ ngày nghỉ việc, không có thêm đồng ra đồng vào, cuộc sống của Xuân vô cùng khó khăn. Cần mua gì Xuân cũng phải hỏi chồng mà ông xã của Xuân thì lại quá chặt chẽ chi ly. Chẳng hạn nhiều lần Xuân đề cập đến việc cần sắm sửa vài bộ váy cho bụng bầu được thoải mái nhưng Tâm lại bảo: “Dạo này công việc làm ăn của anh không được tốt lắm. Em chịu khó xin lại quần áo cũ của bà chị để mặc cho đỡ tốn !”. Biết có năn nỉ thêm cũng vô ích nên cô đành phải im lặng chịu đựng cho qua chuyện.

Không giống như nhiều ông chồng đưa tiền cho vợ mỗi đầu tháng khi mới lãnh lương, chồng của Xuân lại đưa tiền cho vợ đi chợ từng ngày. Mỗi sáng vợ chồng bàn nhau xem thực đơn hôm nay ăn món gì. Sau đó Tâm sẽ tạm tính chi phí và đưa tiền cho vợ. Tối về, Xuân lại phải làm bản liệt kê mua mớ rau, con cá tổng cộng hết bao nhiêu trước vẻ mặt không mấy vui của chồng..

Đồng ý rằng đồng tiền luôn là chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa, nhưng cánh cửa hạnh phúc của hôn nhân gia đình thì vô giá và người ta không thể mở được hạnh phúc bằng tiền. Thiết nghĩ Tâm cũng đừng vì đồng tiền mà đánh mất đi hạnh phúc đang nắm giữ.

3. SUY NIỆM:

1) Một số nhận định về giá trị của đồng tiền như sau:

- Tiền có thể mua đuợc một ngôi nhà nhưng không thể mua đuợc một tổ ấm.

-Tiền có thể mua một chiếc giuờng nhưng không thể mua được một giấc ngủ.

- Tiền có thể mua đuợc một chiếc đồng hồ nhưng không thể mua đuợc thời gian.

- Tiền có thể mua đuợc một cuốn sách nhưng không thể mua đuợc kiến thức.

- Tiền có thể mua đuợc thuốc men nhưng không thể mua đuợc sức khỏe.

- Tiền có thể mua đuợc ngừơi yêu nhưng không thể mua đuợc tình yêu của họ.

- Tiền có thể mua đuợc bảo hiểm nhưng không thể mua đuợc sự an toàn.

Gần đây tờ Los Angeles Times cũng đưa ra nhận định về ảnh hưởng của tiền bạc trên hạnh phúc gia đình như sau:

- 70% ngừơi Mỹ nói rằng: “Họ bị nợ nần quá nhiều và điều đó ảnh huởng đến bầu khí gia đình” và đó cũng là nguyên nhân gây ra đổ vỡ hạnh phúc nơi nhiều gia đình.

- Tiền bạc là nguyên nhân số một cho những xung đột của các cặp vợ chồng mới cứơi.

- Trong một bản khảo sát của 1001 ngừơi thì có tới hơn một nửa trong số họ cho rằng tiền bạc là chủ đề nhạy cảm trong gia đình. 40% nhận là họ đã nói dối bạn đời về số tiền đã chi.

Những nhận định nói trên cho thấy tiền bạc ảnh huởng lớn đến hạnh phúc gia đình. Khủng hoảng kinh tế hiện nay đang gõ cửa từng gia đình và đe dọa đến hạnh phúc của họ.

2) Giữa hai vợ chồng ai nên giữ tiền?

- Tài sản là của chung: Ông bà ta từng nói: "Của chồng công vợ". Tài sản mà hai người cùng nhau dành dụm, cho dù do ai làm ra cũng đều là của chung. Chỉ khi nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự nói được câu: "mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai" và mới chứng tỏ hai vợ chồng tin tưởng trọn vẹn và thật sự thương yêu nhau. Dù trong hoàn cảnh nào, vợ chồng tránh gây thắc mắc cho nhau về mức thu nhập, và sự chi tiêu của mình. Tốt nhất vợ chồng nên có chung một tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng đứng tên chồng và ủy quyền cho vợ. Khi phải chi những việc lớn cần có sự thống nhất trước. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là chồng hay vợ không có quyền giữ lại một phần thu nhập để chi cho những nhu cầu cá nhân hợp lý, nhưng cần phải cho nhau biết.

- Vợ chồng ai quản lý tài sản?: Điều tối kỵ là chồng không bao giờ nên "chi tiền cho vợ đi chợ". Trường hợp vợ có mức thu nhập cao hơn chồng thì vợ càng phải có lối ứng xử tế nhị hơn. Cần tránh cho chồng mang mặc cảm thua kém vợ. Tuy hòan tòan có khả năng tự lo chi tiêu cho gia đình, nhưng tốt nhất các bà vợ này hãy để chồng cùng chia sẻ trách nhiệm thu chi tài chánh với mình. Có như vậy người chồng mới tự tin và có cảm giác được vợ tôn trọng.

- Trao đổi thẳng thắn về cách thức và mục đích chi tiêu: Chẳng hạn: Chồng thích chiu tiêu thoải mái nhưng vợ lại thích tằn tiện; Vợ thích làm từ thiện nhưng chồng lại không muốn; Chồng thích hùn vốn đầu tư làm ăn lớn nhưng vợ lại sợ bị mất trắng và chỉ muốn gửi tiền ngân hàng lấy lãi hằng tháng cho chắc ăn… Tất cả những mâu thuẫn nói trên đều có thể gây ra tranh cãi hay "chiến tranh lạnh" giữa hai vợ chồng. Do đó, tốt nhất là vợ chồng nên thảo luận cởi mở thẳng thắn về vấn đề này hầu có thể hiểu nhau hơn và cùng nhau bảo vệ hạnh phúc gia đình.

- Nên thảo luận khi nào?: Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, vấn đề tiền bạc nên được thảo luận càng sớm càng tốt, thậm chí trước khi kết hôn. Khi đã có kế hoạch kết hôn, mỗi người cần trình bày các khoản nợ đang vướng mắc để tránh gây bất ngờ hụt hẫng đe dọa cuộc sống chung sau này.

- Một số điểm vợ chồng cần thống nhất:

* Chi tiêu tiết kiệm, tích lũy tương lai: Cuộc sống gia đình có nhiều vấn đề phải lo, vì vậy “sống thấp hơn một chút so với những điều kiện đang có” là xu hướng mà nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn. Họ sẽ không hoang phí, cũng không xài hết khoản tiền kiếm được mà chi tiêu tiết kiệm để tích lũy cho tương lai. Vì vậy, hai vợ chồng không nên chi xài hoang phí và nên dành tiền tiết kiệm hằng tháng đề phòng các bất trắc như đau ốm, tai nạn…cần chi tiêu ngoài dự tính.

* Lên kế hoạch và mục tiêu chung: Hôn nhân là một chuyện trọng đại nghiêm túc. Cả hai vợ chồng cần bàn bạc và thống nhất về vấn đề tiền bạc của gia đình, các món nợ hay các khoản tiêu riêng của mỗi nguời cũng nên đưa ra bàn bạc cụ thể. Các kế hoạch và mục tiêu dài hạn như mua nhà, sắm sửa trang thiết bị nội thất, chăm sóc con cái, đi du lịch năm... cần được lên kế hoạch chi tiết để tránh những tranh cãi có thể phát sinh sau này.

* Vợ chồng chỉ nên có một “quỹ”: Quỹ chung đang là xu hướng của các cặp vợ chồng hiện đại. Nếu không lập quỹ chung rất dễ xảy ra tình trạng một người sẽ phải chi trả tất cả các khoản tiền từ nhỏ đến lớn trong gia đình, đang khi người kia lại có thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, dễ dẫn đến bất hòa tranh cãi giữa hai vợ chồng. Vì vậy, vợ chồng cần chỉ có một quỹ chung với sự thống nhất về nguyên tắc chi tiêu giữa hai vợ chồng.

* Năng trao đổi về tài chính: Sau khi thống nhất kế hoạch tương lai và nguyên tắc chi tiêu, nhưng chắc vẫn không tránh khỏi những thay đổi hoặc một số vấn đề mới phát sinh. Do đó vợ chồng cũng nên thường xuyên bàn bạc về tài chính để hiểu nhau hơn và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình tài chính đã thay đổi.

* Về các khoản chi cho người thân: Cuộc sống không chỉ của riêng hai người. Vợ chồng còn cần quan tâm đến cha mẹ đôi bên và con cái. Đây có thể là một khoản tiền không nhỏ nên vợ chồng cần thống nhất ngay từ đầu để tránh những xung đột về sau như về các khỏan cần chu cấp giúp đỡ cha mẹ hai bên mỗi tháng. Một giải pháp đảm bảo tương lai cho con cái được nhiều cha mẹ trẻ thực hiện là mua những gói bảo hiểm phù hợp cho con.

4. THẢO LUẬN: Bạn có đồng ý với các điểm cần lưu ý nói trên không? Tại sao ?

5. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ chúng con tránh sự mâu thuẫn tranh cãi nhau về tiền bạc. Xin cho chúng con thống nhất trong cách làm tiền, tiêu tiền, và dùng tiền xây dựng hạnh phúc và góp phần vào sư vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.- AMEN.

Lm. Đan Vinh, HHTM

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

25 Bài Giáo Lý Về Thánh Phaolô

Bài 7: Quan hệ giữa Phaolô với những tông đồ và Kitô hữu khác thế nào?

Là một người bắt bớ Kitô hữu và hãm hại Hội thánh, Phaolô gặp nhiều khó khăn khi đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô: những tiếp đón không niềm nở hay nghi kỵ của các Tông đồ, các môn đệ và Kitô hữu.

Trong thư gởi tín hữu Corintô kể về việc Chúa Kitô Phục sinh hiện ra, Phaolô nói: trước là với Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, với hơn năm trăm anh em.. Tiếp đến, với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau cùng… với tôi (1 Cor 15:5-8).

Với các Tông đồ, Phaolô nói đến việc Ngài gặp Phêrô, Giacôbê và Gioan trong những lần khác nhau. Sau khi gặp Chúa Giêsu trên đường Damas, Phaolô lên Giêsuralem gặp Kêphas trong 2 tuần (Gal 1:18), và găp Giacôbê, người anh em của Chúa (Gal 1:19). Phaolô cũng gặp Gioan, một trụ cột của Giáo hội (Gal 2:9). Không thấy Phaolô nói đến việc gặp các Tông đồ khác.

Với Phêrô, có lúc Phaolô đối chất trực diện về điều mà ông cho là Phêrô giả hình. Khi một số môn đệ của Giacôbê (có lẽ là người Do thái tin theo Chúa Kitô) gặp Phêrô ở Antiokia, Phêrô vì nể hay sợ những người Do thái này nên đã không dám ngồi ăn với những người dân ngoại (không chịu cắt bì). Phaolô trách Phêrô và những người theo ông là giả hình (Gal 2:12-14).

Phaolô gặp nhiều khó khăn khi tranh đấu dành cho mình vị thế của một Tông đồ trong việc mục vụ.

Luca ghi lại chuyện Phaolô lên Giêrusalem để họp Công đồng liên quan đến vấn nạn truyền giáo cho dân ngoại: liệu người muốn gia nhập giáo hội mà không là Do thái có phải chịu phép cắt bì không? Luca kể lại trong sách Công vụ tông đồ với những lời xoa dịu tình trạng căng thẳng của cuộc họp, trình bày một cuộc họp chung, công khai với những nhà lãnh đạo giáo hội: sau khi nghe Phaolô và Barnaba trình bày, Phêrô và Giacôbê lên tiếng và cả hai đồng thuận không cần cắt bì với những người ngoại theo Kitô giáo (Cvtd 15:1-21).

Trong thư Phaolô viết, Ngài nói đến việc gặp riêng với một vài nhân vật lãnh đạo quan trọng như Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Và dù ba vị này đồng ý với Phaolô, nhiều người khác vẫn không đồng ý (Gal 2:1-10).

Với những Kitô hữu khác, sách Công vụ tông đồ cho hay là Khanania phản đối Chúa khi được sai đón tiếp Phaolô: Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm… (Cvtd 9:13-14).

Lm. Mt. Nguyễn khắc Hy, S.S.
Nguồn: liendoanconggiao.net

SỐNG ĐẸP

 SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT

Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cữa nối liền hai thế giới như cữa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông. Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta. Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều.

Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự ám sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết. Chỉ cần nói sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta. Như một hoa trái đang chín dần, mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta, nhưng thông thường chúng ta không để ý đến như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi. Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ. Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít. Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy. Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau. Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương.

Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta  ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều. Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta ? Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, khiến chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.

Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy. Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình. Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đãm chấp nhận sự sống lẫn sự chết. Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc.                                                                                         

Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ. Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta ? Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta ? Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.

Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiên tại. Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế.

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế.

Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng KiTô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới. Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có một đời sống tương đối xứng đáng với nhân phẩm hơn.

Nói đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi. Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.

Trong chuyến du hành sang Hy lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:

Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara, như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ, hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh. Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế. Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời. Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng. Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy. Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút. Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi. Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.

Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích. Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bỡi một tảng đá to rơi xuống. Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không. Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.

Tôi lại nằm xuống. Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng. Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi. Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy. Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được. Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi. Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông. Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông. Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được. Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc. Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ thêm và đã hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.

Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi, cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu ?

Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá ấy ? Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn. Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.

Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống. Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.

Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì? Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta. Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không ? Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi. Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta.

Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.

(Trích trong cuốn SỨC MẠNH TÌNH YÊU của linh mục Lê văn Quảng, tiến sĩ tâm lý )

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Vì Sao Trong Quá Khứ Tòa Thánh Lại Ở Avignon, Nước Pháp?

Hỏi : - Xin cha cho biết vì sao trong quá khứ Tòa Thánh lại ở Avignon, Nước  Pháp?

- Cuộc ly giáo Tây Phương xảy ra trong  Giáo Hội vì  nguyên do nào ?

Trả lời :

1- Trong lịch sử Giáo Hội, đây là thời kỳ duy nhất Tòa Thánh La Mã phải “di cư”  sang Pháp, đóng tại thành phố Avignon  trong   một thời gian khá lâu dài là 68 năm, kể  từ năm 1309 đến năm 1377 . Các sử gia đã gọi thời kỳ này  là “cuộc lưu đầy Babilone của Ngôi vị Giáo Hoàng” (The  Babilonian captivity  of  the papacy) .

Nguyên nhân của “ cuộc lưu đầy” này có thể được  tóm tắt như sau :

Thời kỳ  cuối thế kỷ cuối 12 và trong  thế kỷ 13 , các phe phái chính trị và tôn giáo ở Ý và Pháp muốn tranh dành ảnh hưởng đối với Giáo Hội Công Giáo La Mã,  nên đã là nguyên nhân chính khiến   Ngai Tòa  Phêrô  bị  di chuyển từ Rôma sang Avignon, Pháp,  từ năm 1309  dưới triều Đức Giáo Hoàng Clement V  ( người Pháp ) ( 1305- 1316).

Ngài  được Hồng Y đoàn bầu lên năm 1309  với hy vọng làm dịu bớt căng thẳng giữa các phe người Pháp và Ý đang muốn dành ảnh hưởng đối với Giáo Hôi sau những năm sóng  gió  dưới triều Đức Giáo Hoàng Boniface VIII ( 1294- 1303).

Vì là người Pháp, nên Đức Clement V  đã mang Tòa Thánh từ Rome  về Avignon, một thành phố phía nam nước Pháp,  năm 1309  để tránh  phải đương đầu với gia đình Colonna, đầy quyền lực  ở Ý , đang muốn nắm quyền cai trị về mọi phương diện  chính trị, xã hội và tôn giáo ở Rôma thời đó. Ngài được Hồng Y đoàn bầu lên ngôi Giáo Hoàng năm 1309 như một nhượng bộ nhằm hòa giải  giữa hai phe người Ý và Pháp đang có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội Công Giáo Tây phương lúc bấy giờ, nhưng đã không đạt được mục đích mong muốn .Vì thế,  Đức Giáo Hoàng Clement V đã  mang Tòa Thánh về Avignon để tránh  áp lực của các  thế lực người Ý  đang muốn dành quyền chi phối Giáo Hội trong gian đoạn khó khăn đó.

Tuy nhiên, khi cư trú trên đất Pháp, thì  7  Giáo Hoàng  kế tiếp nhau lên ngôi ở đây  cũng không tránh được  bị  chi phối và ảnh hưởng   cúa các  nhà vua trị vì Nước Pháp trong  suốt thời kỳ đó. Dầu vậy, truyền thống Tông Đồ ( Apostolic succession) vẫn được  tôn trọng  trong việc chọn Giáo Hoàng  cũng như   sứ vụ  tông đồ  vẫn được tiếp tục theo truyền thống  trong việc cai quản Giáo Hội, mặc dù có bị thế quyền Pháp  chi phối  phần nào do việc  Giáo Hội nằm trên  lãnh thổ của Nước Pháp  trong suốt  68 năm, với 7 Giáo Hoàng  được bầu lên cách hợp pháp  và có tên  sau đây :

1-    Clement  V (1305-1316)

2-    Joan XXII (1316-1334)

3-    Benedict XII (1334-1342)

4-    Clement VI    (1342-1352

5-    Innocent  VI   (1352-1362)

6-    Urban  V         (1362-1370)

7-    Gregory XI     (1370- 1378)

Đức Gregory XI  là Giáo Hoàng cuối cùng  tại Avigon, đã quyết định mang Tòa Thánh trở lại Rôma năm 1377, do công khởi thủy của Đức Giáo Hoàng Urban V (1362- 13700)  và đặc biệt  thể theo lời khẩn khoản  nài van của nữ tu bí nhiệm Dòng ĐaMinh (Mystic Dominican Sister) mà sau này  đã trở thành Thánh Nữ Catherine  thành  Sienna.

Nhưng  dù Tòa Thánh được  mang trở lại Rôma  với Đức Giáo Hoàng Gregory XI ,  Giáo Hội vẫn chưa  an vị được ở Rôma, mà  còn  xảy   ra cuộc ly giáo Tây phương  (Western Schism) giữa những  người cùng hiệp thông với  Giáo Hội Công Giáo La Mã  về phía Tây phương   vì  lý do  sau đây:

2- Ly Giáo Tây Phương( Western Schism)

 Từ ngữ ly  giáo (schism)  xuất phát từ  nguyên ngữ  Hy lạp “ schisma” có nghĩa là xé  rách  ra (tear).Do đó,  từ  ngữ  này được dùng để chỉ một tình trạng hay sự kiện rạn nứt trong sự hiệp nhất của Giáo Hội (Unity in the Church) .Nhưng  khác với  tà giáo hay lạc giáo (heresy) và  bội giáo (Apostacy) , ly giáo ( schism)không nhằm chối bỏ một  chân lý nào của Kitô Giáo, hay đặt lại vấn đề  về một tín lý nào,( dogma)  mà chỉ  là gương xấu  đưa đến hậu quả làm mất  sự hiệp thông (communion) và hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội do một vài  phe nhóm chủ xướng mà thôi.

Cụ thể,  quyết định mang Tòa Thánh trở lại  Rôma của Đức Giáo Hoàng Gregory XI  đã bị các Hồng Y và thế quyền  Pháp chống đối, nên sau khi  Đức Gregory XI  qua đời ngày  27 tháng 3 năm 1378, Đức Urban VI  được  bầu lên kế vị ở Rôma , thì  các Hồng Y người Pháp ở Avignon lại bầu  một ngụy Giáo Hoàng (antipope) lên ngôi và   lấy danh hiệu là Clement  VII  để  tranh ngôi Giáo Hoàng với  Đức Urban VI ở Rôma . Và đây là nguyên nhân gây ra  cuộc ly giáo Tây Phương trong Giáo Hội, kéo dài từ năm 1378 cho đến năm  1417 với hai Giáo Hoàng tại chức , một ở Avignon và một ở Roma; và sau này có thêm một Giáo Hoàng nữa do Công Đồng Pisa bầu lên, như sẽ nói dưới đây.

Cuộc ly giáo trên   đã xẩy ra vì có hai phe tranh giành ngôi vị Giáo Hoàng trong thời gian sóng gió đó. Trước hết phe các nước nói tiếng Latinh và Pháp ủng hộ  Giáo Hoàng Clement VII ở Avignon , đối đầu với phe người Đức và Anh ủng hộ Giáo Hoàng Urban VI ở Rome..

Giáo Hoàng Clement VII mất năm 1394 và người kế vị được bầu lên thay là Benedict XIII, tiếp tục cai trị ở Avignon. Ở bên kia, Giáo Hoàng  Urban VI  cũng mất  năm 1397, và người kế vị được bầu lên là Gregory XII, người Roman. Như vậy trong thời kỳ này  có hai giáo hoàng cùng tranh ngôi , một ở Pháp và một ở Rôma

 Để giải quyết tình trạng này, các Hồng y và nghị phụ đã họp Công đồng tại Písa ngày 29-3-1409 và bầu Giáo Hoàng mới lấy danh hiệu là Alexander V, nhưng ngài chưa kịp về Roma nhậm chức thì đã mất ở Bologna ngày 3-5-1410, và người kế vị được bầu  lên  ngày  17-5-1411 đã lấy danh hiệu là Gioan XXIII.  Nhưng tân Giáo Hoàng tỏ ra là người  không  có đủ tài đức và khả năng lãnh đạo Giáo Hội, lại được bầu lên nhờ áp lực và tham vọng cá nhân, nên bị coi là nguy giáo hoàng ( antipope), và buộc phải thoái vị.

Như vậy, Giáo Hội  một  lúc có tới ba Giáo Hoàng cùng tranh giành Ngôi Tòa Phê rô: Đó là Gioan XXIII  do Công Đồng Pisa bầu lên ngôi ngày 17-5-1411, trong lúc có hai Giáo Hoàng  nữa đang tại chức  là  Benedict XIII ở Avignon và Gregory XII ở Rome như đã nói ở trên.

Vì thế,  để  giải quyết tình trạng  bế tắc và gây tai tiếng trên đây , theo sáng kiến của Hoàng Đế Rôma là Sigismund of Luxembourg,   Công Đồng Constance  được triệu tập  ngày 1-11-1417 như một cố gắng cuối cùng để giải quyết  tình trạng  ly giáo  do việc ba Giáo Hoàng  trên cùng tranh nhau quyền cai trị Giáo Hội. Kết quả, Công Đồng đã thuyết phục được  Giáo Hoàng Gregory XII  từ chức, hạ bệ ngụy giáo Hoàng Gioan XXIII, và truất phế  vắng mặt  Giáo Hoàng Benedict XIII ở Avignon. (Ông này đã bỏ chậy trốn khi biết không còn hy vọng  ở yên trên  ngôi vị Giáo Hoàng được nữa)

 Sau đó,  ngày 11-11-1417  Công Đồng Constance  đã bầu  được Giáo Hoàng mới là  Oddo Colonna , một nghị  phụ  tham dự Công Đồng, lên ngôi với danh hiệu Martin V  để chấm dứt cuộc ly giáo Tây Phương  kéo dài  từ năm 1378 đến năm 1417.

 Martin V  là một thường dân (layman)  trí thức, đạo đức  nhưng   không có chức  chức linh mục và  giám mục. Nên sau khi được bầu lên,  ngài  đã được truyền chức linh mục và giám mục trước khi đăng quang Giáo Hoàng  với danh hiệu Marin V.

 Như thế , Công  Đồng Constance  đã đạt được thành quả lớn  : đó là chấm dứt cuộc ly giáo Tây phương kéo dài  từ năm 1378 đến 1417.  Cuộc ly giáo này xảy ra  chỉ vì các phe nhóm có thế lực ở Âu Châu, cụ thể là Pháp và Ý, đã  tranh dành ảnh hưởng   để dành địa vị  Giáo Hoàng của Giáo Hội  La Mã. Có thể nói tắt một điều : đây là hậu quả của thời kỳ thế quyền  và thần quyền lẫn lộn tranh giành  quyền cai trị  Giáo Hội  nên đã gây ra cuộc ly giáo đáng tiếc nói trên.

Có một chi tiết đáng chú ý  trong  giai đoạn ly giáo này là sự kiện Giáo Hoàng Gioan XXIII , lên ngôi năm 1410,  bị coi là ngụy giáo hoàng (antipope) vì không được bầu lên cách hợp pháp , lại thêm kém tài đức và nhân cách.Vì thế,  sau này, khi  Đức Hông Y Roncali được bầu Giáo Hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, để  kế vị Đức Thánh Cha Piô XII  qua đời ngày 9-10-1958, ngài đã lấy lại danh hiệu Gioan XXIII  để  cai trị Giáo Hội cho đến ngày qua đời. ( 3-6-1963)

Trên đây là  đại cương  nguyên nhân  và  diễn tiến cuộc  ly giáo Tây Phương, một vết thương trong thân thể của Giáo, mặc  dù chỉ kéo dài trong 38 năm., trong khi một vết thương khác  lớn hơn  và  kéo  dài hơn nữa cho đến nay :   đó là cuộc ly giáo Đông Phương (Eastern Schism) xảy ra  giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống Constantinople (Hy Lạp) bắt đầu  từ năm 1054 cho đến nay.  Và chưa biết đến bao giờ mới  có thể  chấm dứt vĩnh viễn  để Giáo Hội của Chúa Kitô được hiệp thông và hiệp nhất trong cùng  một  sứ mệnh tuyên xưng đức tin Kitô Giáo và phúc âm hóa thế giới, để mang ơn cứu độ của Chúa Kitô đến với hết mọi người trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa, cho đến ngày mãn thời gian.

Vấn đề này xin được nói trong một dịp khác.

Chúng ta tiếp tục cầu xin cho sự hợp nhất của Giáo Hội sớm được thực hiện qua cố lực  đại kết (ecumenism) mà cả hai Giáo Hội Công Giáo La Mã  và Chính Thống Đông Phương đều  đã có thiện chí theo đuổi trong mấy thập niên qua.

Lm Phanxicô  Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: conggiaovietnam.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

TÔI XIN CHỌN NGƯỜI (KỲ 1): ĐIỀU ĐÁNG LO NHẤT!

Sống trên đời, ai mà chẳng có những nỗi lắng lo. Vượt thoát được nỗi lo này, bận tâm khác lại đến xâm lấn lấy tâm trí ta. Đời ta hệt như một công trường, ngổn ngang những bộn bề âu lo của kiếp người. Ta hay lo vì cho rằng không ai sống thay cho mình nên ta phải tự mình bươn chải. Nếu có một ai đứng ra, bảo đảm an toàn cho cuộc sống mình thì ta có thể thảnh thơi mà sống cách an nhiên tự tại. Thật ra, Kinh Thánh cho ta biết Thiên Chúa là Đấng vẫn không ngừng săn sóc ta và mời gọi ta hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống.

Thiên Chúa luôn chăm lo cho ta vì Ngài là Đấng đã tác tạo nên ta. Sáng Thế Ký cho chúng ta biết Thiên Chúa chính là vị Hóa Công đã sáng tạo nên con người. Ta là thụ tạo của Thiên Chúa thì hơn ai hết, Đấng Tạo Hóa thừa biết thụ tạo của mình cần những gì. Chẳng phải là trước khi tạo ra con người, Thiên Chúa đã tạo dựng nên đất đai với cây cỏ mọc đầy, chim muông thú rừng hằng hà sa số; biển cả đầy cá và sinh vật lúc nhúc; tất cả là nguồn đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho ta đó sao? Đức Giêsu cũng đã từng dạy rằng ngay cả những con chim sẻ không gieo, không gặt, không thu tích vào kho cũng được Thiên Chúa chăm lo cho đầy đủ thức ăn. Hoa huệ ngoài đồng dù chẳng bận tâm tô son vẽ phấn làm đẹp cho bản thân cũng được Thiên Chúa trang hoàng lộng lẫy, sang trọng tột bậc hơn vua Sa-lô-môn mặc toàn gấm vóc lụa là. Ngay cả từng sợi tóc trên đầu con người rơi xuống cũng không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Không chỉ sáng tạo nên con người, Thiên Chúa còn đặt để nơi họ một dự định và kế hoạch của Ngài.

Ý định của Thiên Chúa là để con người làm bá chủ mọi loại và thống trị toàn cõi đất. Cũng là thụ tạo, nhưng con người lại ở cấp bậc cao hơn mọi thứ khác. Mọi thứ trên trần gian này được Thiên Chúa dựng nên cho con người và vì con người. Như thế, con người là quản lý của Thiên Chúa để coi sóc mọi thụ tạo. Làm quản lý thì ở vị trí cao hơn mọi thụ tạo và không được lụy phục chúng. Không được để chúng lèo lái hay thao túng. Chỉ là quản lý nên ta chỉ được sử dụng các thụ tạo khác theo cách thức mà ông chủ duy nhất và đích thực- là Thiên Chúa- mong muốn. Thiên Chúa muốn ta dùng tất cả thụ tạo như phương tiện để đạt đến Ngài. Tiếc thay, đó chỉ là mong muốn tốt lành của Thiên Chúa mà con người ít khi muốn vâng theo.

Con người bất tuân ý muốn tốt lành đó khi tự bươn chải một mình, và gạt Thiên Chúa ra bên lề. Và cứ thế, ta sống đời mình với những lo âu của kiếp người dù ta biết lo âu chẳng đưa ta đi đâu về đâu. Nếu biết rằng có một Thiên Chúa đã tạo dựng nên mình và đặt để nơi ta một sứ mệnh để thực thi thì ta sẽ biết đâu là nỗi lo mà ta cần phải bận tâm để vun đắp cho đời mình được tốt đẹp hơn.

Con người bất tuân dự định tốt lành của Chúa khi muốn Thiên Chúa quan tâm theo ý mình. Thói đời thường nghĩ tất cả những danh vọng-lợi lộc-lạc thú trên trần gian này đều tốt cho bản thân mình nên đã cố công vơ vào tất cả. Tất cả bận tâm của ta là đi kiếm tìm các thụ tạo. Thụ tạo ta nghĩ là tốt, chưa chắc đã tốt thực cũng như phù hợp và sinh ích lợi cho ta. Tỉ dụ như: thuốc uống để chữa bệnh là tốt nhưng chỉ hợp với người bệnh, còn người lành uống vô đang khỏe có thể thành bệnh. Ý thức điều này, thánh Phao lô nói: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích” (1 Cr 6, 12). Thế đó, Thiên Chúa biết điều nào là tốt và quan trọng hơn là phù hợp với mỗi người. Và Ngài ban cho ta những thứ phù hợp nhất với chính ta. Còn ta thì lại ảo tưởng mọi thứ đều tốt và hợp với mình nên ta cứ mải miết kiếm tìm trong lo âu. Tiếc thay, có lo lắng mấy thì ta cũng chẳng kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay, như lời Đức Giêsu đã nói.

Cuộc sống luôn đầy dẫy những bất trắc, hiểm nguy rình rập. Ta chẳng thể đảm bảo cho tương lai của mình ngay cả khi ta ở trong tháp ngà hay điện ngọc. Chỉ phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa thì cuộc sống ta mới được đảm bảo. Có điều, Ngài không thể chỉ là một mối quan tâm như bao mối âu lo về các thụ tạo khác của ta. Ngài phải là bận tâm lớn nhất, trước tiên và chính yếu. Hãy trút cả mọi âu lo cho Người. Trời đất muôn vật này to lớn và vĩ đại là thế, Thiên Chúa chỉ cần một lời phán là đã từ không mà có, huống hồ gì những lo lắng cỏn con của ta. Thực ra, cốt yếu nhất mà con người nên lo lắng là cuộc đời mình có Chúa hay không? Và Ngài có là chủ của cuộc đời mình không? Đó mới là nỗi lo đáng bận tâm nhất của kiếp người chúng ta.

Jos. Nguyễn Huy Mai, SJ
Nguồn: vietvatican.net

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Bài Học Cuộc Sống Từ Cát Và Đá

Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn.

Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình.      

Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi".

Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.

Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi". Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: "Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?"

Và câu trả lời anh nhận được là: "Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn". Nhưng "Khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi". 

Hãy học cách viết những nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc bạn tận hưởng trong cuộc đời lên tảng đá để mãi không phai

Nguồn: ngoisao.net

THẦN HỌC KINH THÁNH

Lời cầu của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, và lời cầu của vua Đavít

Khi đọc Thánh Kinh Cựu Ước, ngoài sách Thánh Vịnh thu góp các lời cầu nguyện của dân Israel, chúng ta có thể ghi nhận nhiều lời cầu của một số nhân vật như lời cầu của bà Anna mẹ của ngôn sứ Samuel và lời cầu của vua Đavít. Chúng ta đang ở vào khoảng năm 1050 trước công nguyên.

Sách Samuel I kể rằng bà Anna vợ ông Elcana hiếm muộn. Mỗi lần cùng chồng lên tế lễ Giavê Thiên Chúa tại trung tâm thờ tự Shilô thì bà lại buồn phiền. Vì bà bị bà Pơnina vợ hai của ông Elcana khinh rẻ, chọc tức và hạ nhục bởi không có con. Tâm hồn bà cay đắng, bà lên đền thờ cầu nguyện với Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: ”Lậy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Giavê mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó”.

Vì bà cứ cầu nguyện lâu trước nhan Giavê nên ông Eli để ý đến miệng bà. Bà Anna thầm thì trong lòng chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà. Ông Eli nghĩ rằng bà say rượu. Ông Eli bảo bà: ”Bà còn say đến bao giờ? Hãy lo dã rượu đi!” Bà Anna trả lời rằng: ”Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm hồn đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Giavê. Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại; chỉ vì qúa lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ”.

Ông Eli trả lời rằng: ”Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Israel ban cho bà điều bà đã xin Người!”. Bà thưa: ”Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp lòng ngài!” Rồi người đàn bà ra đi; bà dùng bữa và nét mặt bà không còn như trước nữa” (1 Sm 1,10-18).

Ở đây chúng ta có thêm một định nghĩa khác về lời cầu nguyện: cầu nguyện là than thở, thổ lộ tâm can âu lo buồn phiền trước Thiên Chúa và xin Ngài ban ơn, trong trường hợp của ba Anna là được có con trai để dâng cho Chúa.

Hiệu qủa của lời cầu nguyện thiết tha tín thác nơi Chúa là sự an bình thanh thản, nếu không nói là tươi vui và chú bé Samuel, ngôn sứ tương lai của Giavê Thiên Chúa.

Và quả thế Thiên Chúa đã cho bà có con trai. Bà nuôi con lớn cho tới khi nó cai sữa, rồi đem con lên đền thờ Shilô hiến dâng cho Thiên Chúa. Hai ông bà cũng đem theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ tới với thầy cả Eli. Bà Anna nói: ”Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Giavê. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Giavê đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Giavê. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Giavê.”

Họ ở đó thờ lậy Giavê. Bà Anna hát lên bài ca chúc tụng và cảm tạ có nội dung hơi giống bài thánh ca Magnificat, mà mười một thế kỷ sau trinh nữ Maria làng Nagiarét sẽ hát lên ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa, là Đấng triệt hạ kẻ kiêu căng quyền thế và nâng người hèn mọn lên. Bà Anna hát như sau: ”Tâm hồn con hoan hỉ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ. Chẳng có Đấng thánh nào như Đức Chúa, chẳng một ai khác, ngoại trừ Ngài, chẳng có núi đá nào như Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi chớ nhiều lời huênh hoang tự đắc, miệng đừng thốt ra lời ngạo mạn, vì Đức Chúa là Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi chính Người xét xử. Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bẩy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn. Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao. Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền qúy, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của Đức Chúa. Người đặt cả hoàn vũ lên trên. Chúa gìn giữ bước chân người trung hiếu, còn ác nhân bị tiêu diệt trong chốn mịt mù, vì con người đâu phải mạnh mà thắng. Kẻ thù Đức Chúa sẽ bị đập tan, từ trời cao Người cho sấm sét giáng trên đầu. Đức Chúa xét xử khắp cùng cõi đất, ban quyền năng cho đức vua Người chọn, nên uy thế đấng Người đã xức dầu tấn phong.” (1 Sm 2,1-10).

Ông Elcana và bà Anna trở về nhà, còn chú bé Samuel thì ở lại trung tâm thờ tự Shilô, dưới sự chăm sóc của thầy cả Eli. Chính nơi đây Giavê đã gọi Samuel làm ngôn sứ của Ngài.

Vào thời đó dân Israel bắt chước các dân ngoại nên đến xin ngôn sứ Samuel cho họ một vua cai trị họ. Ngôn sứ tức giận không muốn nghe lời họ xin, vì như thế là đồng ý cho họ chối bỏ Thiên Chúa là vua duy nhất của dân Israel. Nhưng Giavê bảo ông cứ làm theo lời họ xin, nhưng chỉ báo trước cho họ biết các hệ lụy khổ cực và thiệt thòi họ sẽ phải gánh chịu vì các vua. Ngôn sứ Samuel đã xức dầu tấn phong Saul làm vị vua đầu tiên của dân Israel. Sau khi vua Saul qua đời Đavít lên làm vua thay thế. Đó là năm 1004 trước công nguyên. Đavít là vì vua có tài đã đánh đông dẹp bắc và thành lập một vương quốc hùng cường nhất trong lịch sử Israel.

Ông đã tổ chức việc rước Hòm Bia Thánh vào thành Giêrusalem và vui mừng múa nhảy trước Hòm Bia. Nhà vua ngỏ ý với ngôn sứ Nathan là muốn xây nhà cho Thiên Chúa, vì cho tới lúc đó Hòm Bia Thánh vẫn ở trong Lều, mà vua thì ở trong nhà bằng gỗ bá hương. Giavê sai ngôn sứ Nathan nói báo vua biết không phải nhà vua, nhưng một người con do ông sinh ra sẽ xây nhà cho Thiên Chúa: ”Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để kính danh Ta và Ta sẽ cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng roi của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Saul, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-16). Đây là lời tiên tri liên quan tới vua Salomon con vua Đavít, người sẽ xây Đền Thờ Giêrusalem để giữ Hòm Bia Giao Ước; nhưng nó cũng liên quan tới vì vua Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô thuộc dòng tộc Đavít.

Sau khi nghe ngôn sứ Nathan nói lại các lời của Giavê, vua Đavít vào ngồi chầu trước nhan Đức Chúa và thưa: ”Lậy Giavê là Thiên Chúa, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này? Nhưng lậy Giavê là Thiên Chúa, Ngài còn coi là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là luật chung cho con người, lậy Giavê là Thiên Chúa? Đavít còn nói được gì thêm với Ngài? Ngài biết tôi tớ Ngài, lậy Giavê là Thiên Chúa! Vì lời Ngài đã phán và theo như lòng Ngài muốn, Ngài đã thực hiện tất cả công trình vĩ đại này, để làm cho tôi tớ Ngài được biết. Vì thế, lạy Giavê là Thiên Chúa, Ngài thật vĩ đại, không ai sánh được như Ngài; và không có Thiên Chúa nào khác ngoại trừ Ngài, theo như mọi điều tai chúng con đã từng được nghe. Dưới đất có một dân tộc nào được như dân Israel? Thiên Chúa đã đến cứu chuộc dân này để làm thành dân của Ngài, đặt tên cho nó, thực hiện cho nó những điều vĩ đại và khủng khiếp, hầu xua đuổi các dân tộc và các thần của chúng cho khuất mắt dân mà Ngài đã cứu chuộc từ đất Ai Cập về cho mình. Ngài đã lập Israel, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy Giavê, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng. Giờ đây lạy Giavê là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán. Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: ”Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Israel”. Nhà của tôi tớ Ngài là Đavít sẽ vững bền trước nhan Ngài. Thật vậy, lậy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng Ta sẽ xây cho người một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy. Giờ đây lậy Giavê là Thiên Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy. Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lậy Giavê là Thiên Chúa, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi.” (2 Sm 7,18-29).

Lời cầu trên đây của vua Đavít cũng giúp chúng ta nhận ra một vài yếu tố khác. Trước hết nó là lời cầu cảm tạ, chúc tụng và tuyên xưng đức tin nơi Giavê Thiên Chúa quyền năng vĩ đại của dân Israel, dân riêng Chúa chọn. Ngài là Đấng giải phóng Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập cho họ vào Đất Hứa và luôn hướng dẫn chở che họ. Ngài là Đấng đã chọn Đavít và cất nhắc ông từ một kẻ chăn chiên lên làm vua và lại còn hứa cho vương triều nhà Đavít tồn tại mãi muôn đời.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1198)
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican.net

CHIA SẺ MỤC VỤ BÁC ÁI 

VIỆC LÀM NHỎ, HIỆU QUẢ CAO

Theo tôi được biết, một số vùng quê miền Nam Việt Nam có việc chơi Hụi khá phổ biến. Không biết cách thức chơi nầy có từ bao giờ và xuất xứ của nó từ đâu, nhưng xem ra đây là một lối hùn vốn giúp nhau làm ăn rất hiệu quả. Các “tay chơi” không cần thế chấp gì cả. Người trong làng rủ nhau lập nên một dây hụi. Người đứng ra lập thì gọi là đầu thảo. Người nầy có bổn phận thông báo cho các tay em ngày giờ khui hụi. Khi có người hốt (người nào kêu cao hơn hết) thì người đầu thảo đi gom tiền của các tay em để giao cho người hốt. Người đã hốt có nghĩa vụ phải đóng trả lại hằng tuần hay hằng tháng tùy theo dây hụi tuần hay tháng, gọi là đóng hụi chết. Nếu có tay em nào thiếu hụt chưa đủ tiền đóng vào thì đầu thảo phải bỏ tiền ra đóng giùm cho người đó vài ngày, gọi là “chàng” cho tay em. Vài năm trở lại đây, vì kinh tế khó khăn sa sút nên hiện tượng giựt hụi khá phổ biến làm cho hình thức giúp vốn nầy ở nhiều địa phương không còn lưu dụng nữa.

Từ năm 2004, các Dì thuộc 2 Hội Dòng MTG Cái Nhum và Cái Mơn đã cho phổ biến một kiểu tương trợ giúp vốn ở một hình thức khác: TÍN DỤNG-TIẾT KIỆM-TƯƠNG TRỢ cũng nhằm mục đích giúp bà con nông thôn nghèo, đặc biệt là các chị em phụ nữ, có số vốn nhỏ để chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ. Đến năm 2008, Caritas Việt Nam hoạt động trở lại, Caritas Vĩnh Long cũng thành lập và đẩy mạnh hình thức tín dụng nầy đến nhiều họ đạo trong Giáo phận.

Điểm khác biệt sâu xa và làm nên điểm đặc thù của chương trình TD -TK- TT so với việc chơi hụi trình bày trên đây hay với việc vay vốn ngân hàng là: tập cho các Tổ viên thói quen TIẾT KIỆM & TƯƠNG TRỢ. Bằng cách hằng tuần, có nơi 2 tuần hoặc 4 tuần phải trả dần số vốn theo mức thỏa thuận ban đầu, kèm theo tiền lãi và Tiết kiệm cũng theo thỏa thuận lúc đầu trong vòng một năm phải hoàn tất.

Thủ quỹ giữ số tiền nầy - thông thường là các Nữ tu ở họ đạo hoặc chính cha sở -  khi gia đình các Tổ viên có việc cần tiền tiêu dùng, như: người nhà đau bệnh bất ngờ, cần tiền mua sách vở cho cái đầu niên học v. v… họ được mượn lại số tiền đã góp trước đó. Việc nầy chúng tôi gọi là vay ngắn hạn, thường thì thời hạn phải trả số vốn vay ngắn hạn trong vòng từ 3-6 tháng.

Việc làm này cũng tạo nên “tình làng nghĩa sớm” qua việc khi gia đình Tổ viên nào có người đau bệnh hay gặp tang chế, các chị em trong Tổ cử người đến thăm hỏi, giúp ít sữa đường hay tiền mặt…số tiền nầy trích từ tiền lãi quỹ ngắn hạn. Điều nầy nói lên sự quan tâm chỉa sẻ của các Tổ viên trong Tổ. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả tinh thần mang đến cho các thành viên trong nhà một sự khích lệ, an ủi hết sức lớn lao.  

Chương trình TD-TK-TT,  tuy đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng hiệu quả cao vì nó tạo cho các tay chơi biết giữ chữ tín với nhau. Tập cho họ biết TIẾT KIỆM và biết TƯƠNG TRỢ lẫn nhau.

Caritas Vĩnh Long

1857    30-09-2014 20:36:41