Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 03_Bài 9


Bài 9. DIỄN TIẾN MỘT BUỔI DẠY GIÁO LÝ

(Phương pháp 7 bước: cho trẻ 12 tuổi)


1. Chú ý:

     a. Phương pháp này thích hợp với trẻ 12 tuổi tức là: tuổi xưng tội, rước lễ, thêm sức.

     b. Lớp ít học viên thì thuận lợi về mặt sư phạm, tức là 50 học viên cùng trình độ.

     c. Lớp học kéo dài trung bình về thời gian là từ 1h đến 1h30 phút. Gồm 7 bước như sau:

2. Cầu nguyện mở đầu:

Phần này vắn tắt và thay đổi hình thức luôn bằng đọc một kinh, hát một bài thánh ca với một lời cầu nguyện ngắn của giáo lý viên. Mục đích của phút cầu nguyện này là tạo bầu khí tôn giáo và đặt học viên trước sự hiện diện của Chúa.

3. Bài giảng: Đây là phần chính yếu của giờ giáo lý, ta trình bày nội dung của giờ giáo lý.

a. Bài giảng và bài nói chuyện phải cùng lúc đạt hai mục tiêu sau đây:

     + Trình bày đề tài của bài học. Ví dụ: Bài dạy về "Chúa Giêsu quyền phép".

     + Khơi dậy tâm tình tôn giáo tương ứng với bài học.

Ví dụ: Tâm tình: "Cảm phục Chúa Giêsu" với bài "Chúa Giêsu quyền phép".

b. Bài nói chuyện phải theo phương pháp quy nạp (đi từ một sự kiện hay một câu chuyện để rút ra một kết luận).

Do đó, giáo lý viên phải để ý điều này: muốn soạn bài nói chuyện, tức là bài giảng, ta phải tìm một sự kiện hay một câu chuyện làm khởi điểm.

Ví dụ: Đề tài giáo lý là: "Chúa Giêsu quyền phép".

     - Tâm tình phải gợi lên là: "Cảm phục Chúa Giêsu".

     - Câu chuyện khởi điểm là: "Chúa Giêsu làm sóng gió yên lặng trên biển hồ Galilêa.

Xác định được ba điểm trên đây, thì việc soạn giáo án sẽ dễ dàng.

c. Bài nói chuyện ngắn dài, tuỳ theo tuổi và hình thức"

     - Nếu giảng viên độc thoại: thì bài giảng dưới 7 phút; nếu đối thoại: dài hơn, nhưng dưới 12 phút.

     - Hãy can đảm cắt bỏ những dư thừa, phụ thuộc. Lời giảng phải mạch lạc, dễ hiểu.

4. Nghe lời Chúa:

Trong phần này, chủ đích là cho học viên nghe chính lời Chúa về đề tài của buổi nói chuyện. Chỉ cần đọc một hoặc hai câu ngắn, nội dung phong phú. Ta tập cho các em có thái độ kính cẩn khi nghe lời Chúa.

5. Cầu nguyện: (còn gọi là cầu nguyện giữa giờ hay cầu nguyện sau bài giảng):

Phần cầu nguyện này là đỉnh cao của bài giáo lý. Tâm tình tôn giáo vừa được thức tỉnh qua bài giảng, được tăng cường khi nghe lời Chúa, thì giờ đây được kết thành lời cầu nguyện sống động, đối diện với Thiên Chúa. Phần này không cần dài, nhưng phải có sức tác động và thu hút tâm hồn học viên thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa.

6. Sinh hoạt: Phải nói đây là sinh hoạt giáo lý, có chủ đích là:

     a. Vận dụng các cơ năng của học viên (như trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ, khéo léo chân tay...) để giúp học viên hiểu bài sâu hơn, và đồng hoá với bài cách nhẹ nhàng thích thú và tự nhiên.

     b. Giúp giáo lý viên kiểm điểm được cách thức giảng bài của mình và đánh giá sự tiếp thu của học viên.

7. Tóm kết và chỉ bài học:

Cần cho học viên học thuộc lòng một số câu vắn tắt của bài giảng đó (thường là những câu giáo lý đã được viết ra trong sách Giáo Lý Công Giáo). Nhận xét của buổi học hôm nay.

8. Cầu nguyện kết thúc:

Lần cầu nguyện này có tính cách tạ ơn va quyết tâm thực hành những điều đã lãnh hội được trong bài giảng, nhưng phải đơn giản, vắn tắt như phần mở đầu.



4926    24-03-2011 15:38:09