Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 03_Bài 8


Bài 8. MẤY NGUYÊN TẮC SƯ PHẠM CĂN BẢN

Dựa vào những phương thức rao giảng của Chúa Giêsu đã nói ở trên, ta rút ra một số nguyên tắc sư phạm cần thiết sau đây:

I. Cụ thể:

Để huấn giáo cho tốt và lợi ích cho người thụ giáo, bài giáo lý còn phải được trình bày một cách cụ thể; nghĩa là:

1. Để tưởng tượng, hình dung, hiểu ngay được. Người nghe càng nhỏ tuổi, thì bài giáo lý cần phải dễ hiểu, dễ tưởng tượng, càng cụ thể.

2. Dùng từ ngữ dễ hiểu, kiểu nói dễ hiểu để trình bày giáo lý đầy trừu tượng. Cần chuyển ý niệm thành hình ảnh (như Chúa ví mình là ánh sáng, là mục tử...).

3. Để cụ thể hoá bài giáo lý: Giáo lý viên còn dùng tranh ảnh cụ thể thấy được (ảnh Chúa và các thánh, ảnh phong cảnh, thiên nhiên, vạn vật...).

4. Phương pháp tốt nhất cho bài giáo lý nên cụ thể: Là dùng lối kể chuyện.

II. Phương pháp quy nạp: (khác diễn dịch).

Là phương pháp đi từ nhiều sự kiện đặc thù để rút ra một kết luận tổng quát. Chúa Giêsu đã theo đường lối này.

Ví dụ: Chúa kể một câu chuyện hay nhiều câu chuyện để từ câu chuyện đó rút ra một bài học.

Ví dụ: Câu chuyện  -   Bài học

1. Người con phung phá

Thiên Chúa đón nhận tội nhân

2. Những người từ chối dự tiệc cưới.

Kẻ gọi thì nhiều, kẻ chọn thì ít.

3. Người Samaritano nhân hậu

Mọi người đều là anh em với nhau.

4. Cỏ lùng trong ruộng lúa

Đời này vàng thau lẫn lộn.

5. Chiếc lưới thả xuống biển

Ngày tận thế, người lành-kẻ dữ tách ra.


Vậy để áp dụng phương pháp quy nạp vào giáo lý, giáo lý viên có thể phân biệt ba giai đoạn:

a. Giới thiệu: Bằng cách đưa ra một sự kiện làm khởi điểm.

b. Giải thích: Từ sự kiện đó rút ra những ý tưởng, những bài học thích hợp.

c. Áp dụng: Đem những ý tưởng, bài học đó soi sáng đề tài giáo lý mình muốn trình bày.

III.  Chủ động:

Là tạo cho học viên có cơ hội tích cực tham gia vào việc khám phá và đồng hoá chân lý chứ không phải là nhồi sọ hay thụ động. Giáo lý viên phải giúp cho học viên vận dụng khả năng suy tư của họ.

1. Đối thoại (đàm thoại):

Giáo lý viên đặt câu hỏi giúp các em suy nghĩ, bước gần tới chân lý. Câu hỏi phải có tính chất gợi ý, tiệm tiến, tức là nối tiếp ăn khớp với nhau trong thứ tự câu hỏi.

Ví dụ: Đề tài của bài là: "Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho ta".

Giáo lý viên đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Người ta có sợ chết không nhỉ? (thường thường, người ta rất sợ chết).
  • Có khi nào người ta dám liều chết không nhỉ?
  • Vậy, khi nào người ta dám liều chết?
  • Chính Chúa Giêsu đã nói gì và đã làm gì?
  • Chúa Giêsu hiến thân để làm gì?

2.  Sinh hoạt giáo lý: chủ đích của sinh hoạt giáo lý:

Là cách để cho học viên hiểu sâu vào bài giáo lý. Có vài cách thức sinh hoạt giáo lý sau đây:

a. Sinh hoạt do một học viên làm thay cho cả lớp;

Ví dụ:

- Đọc một đoạn Thánh Kinh.

- Tìm một hay hai đoạn Thánh Kinh phù hợp với đề tài giáo lý.

- Thuật truyện cho cả lớp nghe.

- Mời một học viên cho ý kiến về bài giáo lý.

- Chỉ một học viên tóm lược bài giáo lý.

- Chỉ một học viên cầu nguyện lớn tiếng thay cho cả lớp.

b. Sinh hoạt từng nhóm:

- Mỗi nhóm hội thảo về một điểm trong bài giáo lý.

- Mỗi nhóm soạn một lời cầu nguyện.

- Mỗi nhóm vẽ một bức hình về chủ đề giáo lý.

- Mỗi nhóm diễn tả một cành Phúc âm theo đề tài giáo lý.

c. Sinh hoạt cá nhân chung cho cả lớp:

- Cả lớp cùng hát về một bài về đề tài giáo lý.

- Vẽ sáng tác cảnh Phúc âm.

- Sắp một câu, một đoạn Kinh Thánh.

- Câu đố hoặc trò chơi giáo lý, hay một băng reo theo đề tài giáo lý.

IV. Cảm nghiệm:

Khi ta trình bày chân lý, cần đồng thời lay động tâm tình người nghe. Thế là cả trí tuệ và tâm hồn cần được vận dụng trong giờ giáo lý.

V. Tiến dần dần trong chương trình và cách dạy (tiệm tiến).

1. Tiến dần dần trong chương trình: Nghĩa là mỗi tuổi có vấn đề riêng, vì nhu cầu tâm lý khác nhau. Đằng khác, giáo lý và một việc dài hạn phải liên tục suốt đời mọt người tín hữu, không thể thu gọn trong ít tuần, ít tháng, ít năm...

2. Trong cách dạy: Giáo lý viên phải trình bày vấn đề dần dần, mở rộng cao hơn, sâu hơn.

VI.   Vận dụng trí nhớ:

Không loại bỏ học thuộc lòng, nhưng cần tăng cường những điểm sau đây:

1. Vận dụng trí nhớ cần thiết cho cả hai phương diện sư phạm và giáo dục đức tin.

     -  Về sư phạm: hiểu và nhớ liên quan tới nhau, hỗ trợ cho nhau.

     - Về giáo dục đức tin: muốn tin và nuôi dưỡng đức tin thì cần phải nhớ những giáo huấn và kỳ công của Thiên Chúa.

2. Phương pháp giáo lý mới cải tiến việc vận dụng trí nhớ theo hai hướng:

     a. Trong bài giáo lý cần được chọn để học thuộc lòng một số câu.

     b. Trích nguyên văn hay tóm lược những lời Kinh Thánh hay Phụng vụ để học thuộc lòng.



3517    24-03-2011 15:32:17