Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 02_Bài 3


Bài 3. HỘI THÁNH DẠY GIÁO LÝ TRONG SÁU THẾ KỶ ĐẦU (I-VI)

Hội Thánh dạy giáo lý trong sáu thế kỷ đầu theo hình thức như sau: dẫn đường đến

sống theo Chúa Kitô trong cộng Hội Thánh.

Bài này giúp giáo lý viên hiểu biết hoạt động giáo lý của Hội Thánh trong những hoàn cảnh xã hội và văn hoá khác nhau, ở vào thời các Tông Đồ và các Giáo Phụ.

I.  Hoàn cảnh xã hội và văn hoá trong đế quốc Rôma:

1. Xã hội:

Các Tông Đồ bắt đầu thi hành sứ mệnh của Chúa trong xứ Palestin là phần đất nằm trong đế quốc Rôma.

Đế quốc Rôma có từ năm 29 trước công nguyên dến năm 395 sau công nguyên. Đế quốc Rôma kế thừa đế quốc Hy Lạp do vua Alêxanđê Đại Đế gầy dựng, nó bao gồm các xứ xung quang Địa Trung Hải. Xã hội đế quốc an ninh trật tự, giao thông đường bộ, đường thuỷ dễ dàng, là điều kiện thuận lợi cho các môn đệ Chúa đi loan báo Tin mừng khắp đế quốc. Trong xã hội Rôma có 3 hạng người: công dân Rôma (như thánh Phaolô - x. Cv 22,27); hạng công dân thường (Chúa Giêsu và các môn đệ.v.v.); hạng người nô lệ (như ông Ônêsimô - Plm 10-15).

2. Văn hoá và tôn giáo:

Dân sóng trong đế quốc Rôma bấy giờ chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp, ngôn ngữ chung của cả đế quốc là tiếng Hy Lạp phổ thông. Đó là thứ tiếng mà các Tông Đồ đã dùng để viết thư cho các giáo đoàn và chép các sách Tin mừng.

Về tôn giáo, họ coi hoàng đế Rôma như bậc thần linh, mọi dân trong đế quốc phải thờ lạy. Đây cũng là nguyên nhân cuộc bách hại các Kitô hữu, vì họ không chịu thờ lạy hoàng đế (Kh 17,1-6). Ngoài ra dân chúng còn thờ các thần khác của mỗi quốc gia. Họ cúng tế các loài vật các vị thần.

3. Đối xử với các Kitô giáo?

Trong ba thế kỷ đầu đế quốc Rôma đã bách hại Kitô Giáo. Khởi sự từ vua Neron (năm 60-70), có lúc lơi lỏng, có lúc gắt gao. Mãi đến năm 313, hoàng đế Constantino mới cho Hội Thánh tự do hành đạo.

II.  Hoàn cảnh xã hội và văn hoá trong xứ Palestin:

1. Xã hội:

Dân Dothái ở Palestin là một dân nhỏ bé được Thiên Chúa tuyển chọn từ thời Abraham. Họ có vua, có đền thờ Thiên Chúa, nhưng đã bị lưu đày ở Babilon, bị người Ba Tư thống trị, người Hy Lạp đô hộ. Đến thời Chúa Giêsu thì họ đang bị đế quốc Rôma cai trị. Dân số khoảng 600 nghìn, sống bằng nghề nông và chăn nuôi, đa số là dân nghèo. Palestin chia làm 3 miền, từ Bắc xuống Nam là: Galilê, Samaria, Giuđêa.

2. Văn hoá:

Trong đời thường họ nói tiếng Aram, Chúa Giêsu dùng tiếng Aram để giảng dạy và tiếp xúc với dân chúng. Dân chúng kém học thức, trừ mấy nhóm giàu có và quyền lực như giới tư tế, giới kinh sư, giới kỳ mục là những người có địa vị và giàu có.

3. Tôn giáo:

Bốn nhóm chính:

-  Nhóm Sađốc: gồm giáo sỹ, tư tế và kỳ mục.

- Nhóm Pharisêu: gồm đa số là dân thường, giai cấp trung lưu có lòng đạo đức, nhưng sống tách biệt nên gọi là biệt phái.

-  Nhóm Etxênô: gồm những người tập họp với nhau sống thành cộng đoàn (như các tu viện bây giờ), họ cầu nguyện, sống nghèo khó, lao động và vâng lời.

-  Nhóm Samaria: gồm những người gốc Dothái, nhưng sau cuộc lưu đày đã trà trộn với dân ngoại sứ Samaria, không thờ phượng Thiên Chúa ở Giêrusalem. Họ có đền thờ riêng, nên người Dothái coi họ là người rối đạo.

Về các lễ tôn giáo:

-  Có lễ Vượt Qua: kỷ niệm được giải phóng khỏi nô lệ Ai-Cập.

-  Lễ Ngũ Tuần: vào 50 ngày sau lễ Vượt Qua, dịp mùa gặt để nhớ việc Chúa trao ban Giao Ước trên núi Sinai.

-  Lễ Lều: nhớ lại thời gian sống trong sa mạc.

Họ có đền thờ Giêrusalem làm trung tâm tôn giáo, còn các nơi khác có các hội đường.

4. Đối xử với các Kitô giáo:

Khi Chúa Giêsu loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa ở Palestin, giáo quyền Dothái đã không chấp nhận, họ xin Rôma kết án tử hình thập giá cho Ngài. Giáo quyền Dothái lại tiếp tục bách hại Kitô giáo thời các Tông Đồ.

Tuy họ có nhiều nhóm khác biệt nhau, nhưng có cùng một mối thù với đế quốc Rôma: nhiều lần nổi dậy nhưng đều bị dẹp tan. Năm 70 đền thờ Giêrusalem bị thiêu rụi. Năm 134 xứ Palestin chỉ là một tỉnh nhỏ trong đế quốc Rôma.

III.  Hoạt động giáo lý thời các Tông Đồ:

1. Tầm quan trọng của thời các Tông Đồ:

Giáo lý viên cần quan tâm đặc biệt để học hỏi cho biết kinh nghiệm các Tông Đồ, vì các Ngài đã sống bên cạnh Chúa Giêsu, được Chúa trực tiếp huấn luyện để làm giáo lý viên lại được Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn và sai đi.

Giáo lý viên có thể tìm ở đây cơ sở và tiêu chuẩn để nhận định và đánh giá công việc dạy giáo lý pr địa phương mình. Hội Thánh luôn phải trở về nguồn là "truyền thống Tông Đồ" để tiếp nối mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong lịch sử.

2. Tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần:

Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu thế nào, thì Ngài vẫn tiếp tục hoạt động trong các Tông Đồ và Hội Thánh như vậy.

3. Các hoạt động giáo lý của các Tông Đồ:

Các Tông Đồ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để tổ chức việc dẫn đường mọi người đến sống theo Chúa Kitô trong ba việc chính sau đây:

- Giảng giải Kinh Thánh (Cựu Ước) rồi dẫn tới việc loan báo Chúa Giêsu đã chịu chết và sống lại là Thiên Chúa và là Đức Kitô.

-  Mời gọi sám hối và chịu phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi.

- Tập họp thành nhóm hay cộng đoàn để nghe giảng dạy, dự lễ, cầu nguyện, sống tinh thần huynh đệ bác ái, chia sẻ của cải vật chất. Cộng đoàn trở thành một chứng từ rất hữu hiệu để rao giảng Phúc âm.

4. Những đặc điểm thời các Tông Đồ:

a. Quy về Chúa Kitô là trung tâm của hành động giáo lý với bốn hình thức:

     -  Giảng dạy và loan báo Chúa Kitô Phục Sinh.

     -  Dẫn vào đời sống với Chúa Kitô bằng bí tích và Phụng vụ.

     -  Tập sống hiệp thông với nhau trong Hội Thánh.

     -  Làm chứng về Chúa Kitô cho mọi người.

b. Dùng lời nói, thư từ và sách Tin mừng:

Lúc đầu các Tông Đồ và Môn đệ chỉ dùng lời nói như loan báo Tin mừng cho người khác: nói ở Đền Thờ, ở hội đường, ở nơi công cộng. Sau thì dùng thư từ để khuyên bảo, dãy dỗ như các thư của ông Phaolô, Gioan, Phêrô, Giacôbê... Sau cùng là các sách Tin mừng ghi lại cái gì cốt yếu đã giảng dạy. Chúng ta có Tin mừng của thánh Matthêu, Maccô, Gioan và Luca.

c. Hoạt động nhắm tới muôn dân có tính phổ quát:

Tin mừng không loại trừ những người ngoại (không phải Dothái).

5. Các Tông Đồ luôn trung thành với Thiên Chúa và với con người:

a. Trung thành với Thiên Chúa:

Bằng cách theo sát huấn lệnh Chúa Kitô làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều. Khi gặp kẻ có tư tưởng rối đạo, thánh Gioan khuyên phải canh chừng. Các ngài còn trung thành đến liều mạng sống vì đạo.

b. Trung thành với con người:

Các Tông Đồ chú ý đến từng hạng người để thích nghi với họ, như thánh Phaolô đã phát biểu: "Tôi là người Dothái với người Dothái, là người Hy Lạp với người Hy Lạp, là người nô lệ với người nô lệ, là người tự do với người tự do...".

IV. Hoạt động giáo lý thời các Giáo Phụ:

1. Những khó khăn và thuận lợi thời này:

a. Ngay cuối thời các Tông Đồ, đã có những tư tưởng gây tranh luận về việc tạo dựng, về sự dữ, về việc Chúa Giêsu nhập thể làm người... mà thánh Gioan gọi là những kẻ phản Kitô (x. 1Ga 2,18).

b. Ít lâu sau thời các Tông Đồ lại xuất hiện nhiều sách ghi chép các lời giảng của các Tông Đồ về Chúa Kitô nhưng có một số chứa đựng nhiều điều tưởng tượng không hợp với Tin mừng, để thoả mãn tính tò mò của quần chúng. Vì thế, các Giáo Phụ phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng để loại trừ những sách sai lạc kia gọi là nguỵ thư (ngoại thư).

c. Sau năm 313, hoàng đế Constantino cho phép Hội Thánh được tự do hành đạo, nên các Giáo Phụ được nhiều thuận lợi trong việc giảng dạy. Đặc biệt việc dạy giáo lý được mở rộng đến vùng nông thôn. Tuy nhiên, cũng có nhiều tư tưởng nghịch với đức tin xuất hiện như bè rối của linh mục Ariô, Luther...

2. Những cố gắng để trung thành với Thiên Chúa và với con người:

a. Soạn bài giáo lý để soi sáng cho cộng đoàn mình thấy rõ đâu là đức tin chân thật. Giải thích Kinh Thánh để hiểu cho đúng với sự mặc khải của Thiên Chúa. Minh chứng rằng Chúa Kitô là Đấng thực hiện các mặc khải trong Kinh Thánh.

b. Tập luyện thực hành cho dự tòng để họ có thái độ dấn thân dứt khoát vào đời sống mới, từ bỏ những phong tục tập quán không đúng với Tin mừng. Sách "Truyền Thống Tông Đồ" cho ta thấy một số thích nghi với một số hoàn cảnh mới như: đương sự phải dứt bỏ một số thói quen hoặc nghề nghiệp nghịch với Tin mừng.




2065    24-03-2011 10:53:23