Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 02_Bài 2


Bài 2. TÌM HIỂU TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ CỦA GIÁO PHẬN

Mục đích của bài:

Trước hết, muốn giáo lý viên hiểu: dạy giáo lý là gì? Bằng việc ôn lại cách Chúa Giêsu thi hành sứ mệnh của Ngài về việc dạy giáo lý viên như thế nào? Sau đó đưa ra một cái nhìn tổng quát để thấy trong thời gian từ đầu tới nay, Hội Thánh thực hiện việc dạy giáo lý theo nguyên tắc nào? Đồng thời cũng thấy được mối liên lạc giữa các hình thức và nhất là nắm được cái gì là cốt lõi? Cái gì là phụ thuộc hay tương đối trong hoạt động giáo lý.

I. Chúa Kitô là trọng tâm của việc dạy giáo lý:

1. Nhìn ngắm Chúa Giêsu dạy:

Ngay những trang đầu của Tông huấn "Dạy giáo lý" Đức Gioan Phaolô II đã nêu bật Chúa Kitô là trọng tâm của hoạt động giáo lý. Vì Đức Kitô là Thầy duy nhất dạy giáo lý, hơn nữa chính Ngài là giáo lý. Vì lý do đó, không thể hiểu dạy giáo lý là gì, nếu không ngắm nhìn Chúa Kitô.

a. Chúa Kitô dạy bằng lời nói:

Chúng ta cùng nhau ôn lại vắn tắt về Chúa Kitô là Thầy dạy bằng lời nói, ví dụ: Chúa Giêsu giảng về Tám mối phúc thật, các dụ ngôn: người chăn chiên nhân lành, bánh hằng sống,...

b. Chúa Kitô dạy bằng việc làm

Ví dụ: Chúa rửa chân cho các môn đệ, làm bánh hoá nhiều, chữa bệnh tật,...

c. Chúa Giêsu dạy bằng tất cả đời sống:

Lúc Chúa mới sinh nằm trong máng cỏ, chưa biết nói, chưa làm chủ được hoạt động,... nhưng Chúa đã dạy nhiều bài học khiêm nhường, giản dị, khó nghèo, quên mình, chia sẻ thân phận con người,...

Khi đi loan báo Tin mừng, Chúa lang thang đây đó, gặp đâu dạy đó. Ví dụ: bên bờ giếng Giacop, Chúa giảng về Nước hằng sống; trên núi Chúa giảng về Tám mối phúc thật; bên bãi biển Chúa giảng về; rao giảng Tin mừng như đi đánh cá.

2. Chúa huấn luyện giáo lý viên.

Chúa không mở khoá dạy ngắn ngày, dài ngày, không sách vở, tài liệu, mà chỉ cần sống với Ngài, hiệp thông với Ngài.

Chúa là Thầy huấn luyện bằng tất cả đời sống Ngài:

Ngài huấn luyện không chỉ giảng bằng bài nói miệng, nhưng dạy theo nhiều nghĩa của chữ "Dạy" như dạy lái xe, dạy nghề, dạy may, dạy chồng, dạy con, dạy vợ,... nghĩa là vừa cho biết lý thuyết, vừa tập luyện để biết làm, biết sống. Ngài dạy bằng cả đời sống, nghĩa là sống sao là dạy vậy (Mt 11, 29: Anh em hãy mang lấy ách của Tôi... Mt 17, 24: về việc nộp thuế...) ngay cả khi Ngài im lặng, bị đóng đinh vào thập giá, sống lại từ cõi chết, thì Ngài cũng mạc khải và dạy dỗ nhiều có ý nghĩa sâu sắc.

II. Dạy giáo lý là gì?

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã huấn lệnh cho các môn đệ "Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền" (Mt 28, 19-20). Huấn lệnh này chứa đựng những yếu tố cơ bản để định nghĩa việc dạy giáo lý. Nó bao gồm 3 điểm cơ bản:

1. Việc làm cho mọi người trở thành môn đệ:

Trong cộng đoàn của Chúa là Hội Thánh, chứ không phải chỉ thuộc lòng giáo lý và sống riêng lẻ.

2. Trở thành môn đệ để làm con cái Chúa Ba Ngôi: nhờ bí tích Rửa tội và tham dự Phụng vụ cũng như bí tích khác (Thêm sức, Thánh Thể...)

3. Tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền cho các môn đệ của Ngài phải dạy bảo.

III.  Một định nghĩa về dạy giáo lý.

1. Một định nghĩa mô tả việc dạy giáo lý:

Chiêm ngắm Chúa Kitô thi hành sứ mạng nơi quê hương của Ngài xưa (Palestin) cũng như dựa vào kinh nghiệm dạy giáo lý của Hội Thánh trong suốt 2.000 năm qua, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa về dạy giáo lý. Định nghĩa này không chỉ chú ý đến chủ đích (chẳng hạn như dạy giáo lý là để giáo dục đức tin) nhưng cố gắng mô tả hoạt động giáo lý cho đầy đủ, nhờ đó, chúng ta thấy được dạy giáo lý khác với dạy thần học, dạy Phụng vụ, dạy Kinh Thánh, dạy truyền giáo,... tuy nhiên, dạy giáo lý lại liên kết chặt chẽ với tất cả các môn đó.

Dạy giáo lý là một hoạt động của Hội Thánh, do các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyển đạt lời Chúa cho những người đang sống trong một nơi, một thời nhất định để giúp họ suy nghĩ, tìm hiểu, tập sống theo lời Chúa và cử hành Phụng vụ bí tích nhằm khơi dậy đức tin và làm cho đức tin phát triển hoặc được duy trì luôn sống động.

2. Định nghĩa bao gồm những yếu tố cơ bản:

Định nghĩa này bao gồm những yếu tố cơ bản của việc dạy giáo lý như:

             a. Hoạt động: có tính cách cơ bản của cộng đoàn Hội Thánh do các giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân.

             b. Truyền đạt lời Chúa về Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài, tức là dựa vào Kinh Thánh, Phúc âm để dạy giáo lý, dạy về việc Chúa làm, lời Chúa nói và cách sống của Chúa.

             c. Truyền đạt bằng 3 cách: giảng dạy, tập luyện sống và dẫn vào cuộc cử hành bí tích cũng như Phụng vụ.

             d. Truyền đạt để khơi dậy và xây dựng đức tin.

             e. Dùng những cách truyền đạt tác động đến toàn diện con người cả thân xác, tâm tình và trí tuệ.

IV. Dạy giáo lý là môi trường thuận lợi để chuyển đạt truyền thống tông đồ.

1. Truyền thống tông đồ là gì?

Những gì chúng ta vừa ôn lại về đời sống và giáo huấn của Chúa Kitô (xem lại số I) thì trước khi về trời Chúa đã bảo cho các môn đệ phải truyền lại cho mọi người (Mt 28, 16-20). Các môn đệ là những chứng nhân về đời sống và giáo huấn của Chúa, nhất là chứng nhân về Chúa chịu chết, sống lại và lên trời. Các tông đồ tuân lệnh Chúa, truyền lại cho các thế hệ sau những gì đã lãnh nhận từ Chúa, rồi thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau cho đến ngày nay rồi cho đến tận thế. Hội Thánh gọi đó là truyền thống tông đồ.

a. Thường ngày chúng ta vẫn nghe nói đến truyền thống như: nhà truyền thống, truyền thống dân tộc,...

b. Truyền thống tông đồ: là "những gì các tông đồ lãnh nhận từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Ngài và thấy Ngài hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý. Những cái đó các tông đồ dùng lời giảng dạy, gương lành, thể chế để truyền lại".

2. Môi trường thuận lợi để truyền đạt:

Các thế hệ Kitô hữu sau các tông đồ tuân theo lời Chúa và giáo huấn các tông đồ để "Chuyển đạt truyền thống đó trong việc dạy giáo lý, trong đời sống và trong việc thờ phượng".

Do đó, việc dạy giáo lý là một sứ vụ quan trọng và thường xuyên phải thi hành của Hội Thánh, đã trở nên môi trường có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đạt truyền thống tông đồ.

V.  Dạy giáo lý là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

Truyền thống tông đồ gói ghém tất cả những gì về Thiên Chúa. Các tông đồ cũng như các thành phần trong Hội Thánh nối tiếp các ngài có nhiệm vụ chuyển đạt cho các thế hệ tiếp theo. Các tông đồ đã sống trong những hoàn cảnh xã hội và văn hoá khác nhau (dân Do thái, dân ngoại, người Hy lạp và người Ả Rập); các ngài lại phải chuyển đạt truyền thống ấy cho các người khác nhau (người có học, người bình dân, ngôn ngữ của mỗi dân tộc với những phong tục, tập quán khác nhau,..)

VI.   Dạy giáo lý phải trung thành với Thiên Chúa:

Trung thành với Thiên Chúa có hai ý nghĩa:

a. Trung thành với những gì Thiên Chúa mạc khải: qua các việc Thiên Chúa làm như sáng tạo, cứu độ,... nhất là qua Chúa Kitô và những giáo huấn của Ngài. Tất cả được chuyển đạt qua truyền thống tông đồ. Nói cụ thể hơn, trung thành với Thiên Chúa là trung thành với nội dung đức tin, bao gồm: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh, bí tích, Kinh Thánh, Phụng vụ,... mà không thêm không bớt, không giải thích lệch lạc.

b. Trung thành với tính cách đặc biệt của đức tin: vì đức tin là ân huệ của Thiên Chúa và do sự tự nguyện dấn thân của con người. Do đó, dạy giáo lý là tôn trọng hoạt động của Thiên Chúa và tự do của con người: giáo lý viên luôn biết mình phải tìm hiểu thêm nữa nội dung của đức tin để có thể truyền đạt đầy đủ và trọn vẹn hơn.

VII. Dạy giáo lý là phải trung thành với con người:

1. Để học viên hiểu cho đúng: vậy thì đòi hỏi phải thích ứng với người nghe. Vì thế, dạy giáo lý phải tìm những phương pháp thích hợp với khả năng và điều kiện của học viên để truyền đạt lời Chúa được trung thực và học viên tiếp thu thật đúng.

2. Để học viên sống cho đúng: tiếp thu rồi họ còn phải sống theo nữa, vì hoạt động giáo lý có mục đích dẫn học viên tới sự đổi mới và hoán cải theo lời Chúa dạy.

3. Để học viên trung thành như thế nào?

Muốn trung thành với con người, hoạt động giáo lý phải tìm hiểu để tôn trọng khả năng hiểu biết và hành động của họ. Phải quan tâm đến tình cảm và phong tục, tập quán địa phương, rồi giáo lý viên tìm hiểu ngôn ngữ và phương thế thích hợp và giúp họ hiểu và sống theo.



1868    24-03-2011 10:54:21