Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 7

Bài 7. ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT VÀ CHÂN THỰC (Phong cách 2)

I. Đời sống thống nhất là gì?

Thống nhất là hợp lại thành một cho phù hợp với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, không mâu thuẫn trái nghịch với nhau. Ví dụ: đất nước thống nhất là đất nước có cùng chung một tổ chức, một lãnh đạo duy nhất.

Như vậy, đời sống thống nhất là đời sống có một đường lối duy nhất, một chương trình được sắp đặt, mọi lời nói, việc làm, được gắn bó chặt chẽ với nhau, không "tiền hậu bất nhất" và không có hai đời sống tách biệt và đối nghịch nhau.

II. Đời sống chân thực.

Chân thực là trong lòng thế nào là bày tỏ ra ngoài như vậy, nghĩa là lời nói và việc làm phát xuất từ đáy lòng, nghĩ sao thì nói vậy, trong lòng muốn gì thì bày tỏ ra như vậy, không giả dối, việc giả hình hay lừa gạt.

Đời sống chân thực là đời sống đích thực chứ không giả hiệu giả hình, nghĩa là lời nói, cử chỉ, việc làm đều đúng với thâm tâm hay lương tâm, không phải chỉ có tính cách xã giao, chiến thuật hay thủ đoạn.

Đời sống thống nhất và chân thực luôn phải đi đôi với nhau. Đời sống thống nhất thì cần phải luôn chân thực vì có thể thống nhất để xã giao theo thủ đoạn xảo quyệt, thống nhất một cách giả hiệu để lừa gạt và đời sống chân thực thì cũng cần phải thống nhất theo một chương trình kỷ luật trước sau như một, chứ không "Tiền hậu bất nhất"

III. Đời sống thống nhất và chân thực rất cần thiết:

1. Vì nhiệm vụ của giáo lý viên.

Giáo lý viên phải vận dụng tất cả đời sống và con người mình vào nhiệm vụ loan báo Lời Chúa. Trước khi loan báo Lời Chúa, thì giáo lý viên phải cởi mở và sống lời Chúa. Dạy giáo lý không phải là dạy một môn học về văn hoá, cũng không phải dạy ý kiến của giáo lý viên, mà là dạy lời Chúa, dạy những điều mà Hội Thánh tin, nên giáo lý viên phải tin và sống những điều mình tin trước, cảm nghiệm về niềm tin ấy để có thể làm chứng cho mọi người.

Vì thế, trước khi dạy giáo lý, giáo lý viên đã phải cố gắng sống theo những giáo lý mình dạy cách chân thực. Làm như vậy, giáo lý viên chứng minh cho mọi người rằng mình là một con người, là một giáo lý viên có phẩm chất, có ý thức trách nhiệm và sống đúng trách nhiệm của giáo lý viên.

2. Vì thế giới hôm nay

Thế giới hôm nay đã phải nghe nhiều lời tuyên truyền rất hùng hồn và hấp dẫn của những hạng người (nói vậy mà không phải vậy). Vì vậy, người ta đòi hỏi những người đi Phúc âm hoá người khác phải nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính người đó đã hiểu biết quen thân, cảm nghiệm được, như thể người ấy đã được thấy được "Đấng vô hình". Vậy, giáo lý viên là người đi Phúc âm hoá người khác mà chỉ nói về một Thiên Chúa mà mình đã học trong sách vở chứ chẳng quen thân và cảm nghiệm gì, thì đời sống giáo lý viên đã không thống nhất, không gắn bó chặt chẽ giữa biết và sống giữa dạy và làm, đời sống như thế làm sao cảm hoá và thuyết phục người khác được.

Giáo lý viên cần nhớ lời thánh Maccô nói về ơn gọi làm tông đồ để áp dụng cho chính mình như sau: "Chúa Kitô đã lập nhóm 12 tông đồ để họ ở với Người và sai họ đi rao giảng" (Mc 3, 14-15), nghĩa là giáo lý viên cũng phải ở với Chúa Kitô, sống thân quen và cảm nhận được tình thương của Chúa Kitô, rồi mới có thể rao giảng về Người cách xác tín được. Đây là một nét riêng biệt mà thánh Maccô lưu ý chúng ta.

IV. Đời sống chân thực được biểu hiện như thế nào?

Đời sống chân thực là phong cách thứ hai của linh đạo giáo lý viên, nó được biểu hiện qua ba hành động chính là: cầu nguyện, cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần.

1. Cầu nguyện.

Cầu nguyện là gặp gỡ để nghe Chúa nói và để nói với Chúa, để có cùng ý nghĩ và ước muốn như Chúa. Cầu nguyện là "Ở với Chúa" (như cây nho, cành nho). Chúa Kitô có đời sống chân thực nhờ cầu nguyện, nhờ thái độ "ở với Chúa Cha". Người tìm nơi thanh vắng, dành thời gian ban đêm để gặp gỡ, tâm tình với Chúa Cha, nhờ đó đời sống của Người luôn chân thực vì Người chỉ lo thực thi đúng ý Chúa Cha mọi nơi mọi lúc.

Giáo lý viên cầu nguyện thực thi đời sống chắc chắn phải chân thực, vì cầu nguyện thực sự là hiệp thông, là hiệp nhất với Chúa, nhờ đó giáo lý viên không thể nào sống giả hiệu, giả hình, dối trá.

2. Cảm nghiệm về Thiên Chúa.

Đây là một dấu chỉ sâu sắc hơn về đời sống chân thực, nó phát xuất từ việc gặp gỡ, hiểu biết, cảm phục, tạ ơn, chúc tụng và xin ơn cần thiết cho hồn xác, đó là những tâm tình của việc cầu nguyện. Nó nằm ở bề sâu tấm lòng của con người. Chính trong bề sâu của lòng ta, mà ta có kinh nghiệm rằng: Thiên Chúa rất gần gũi, đáng kính, đáng yêu. "Cảm nghiệm" khác vơi suy nghĩ hay suy luận, cảm nghiệm như một trực giác nghĩa là một cảm nhận trực tiếp không do suy luận nhưng do Chúa Thánh Thần gợi lên trong đáy lòng.

Cảm nghiệm về Thiên Chúa làm cho ta đạt tới mức thân mật với Thiên Chúa cách đơn sơ chân thành, nghĩ sao nói vậy. Cảm nghiệm sao bày tỏ vậy. Đây chính là đời sống chân thực ở mức độ cao. Chẳng hạn, cảm nghiệm của hai môn đệ làng Emau "Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao..." (Lc 24, 30-34).

3. Sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần.

Giáo lý viên cần ý thức vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã gửi đến để thường xuyên hướng dẫn uốn nắn mỗi Kitô hữu. Người gợi hứng cho ta biết cầu nguyện đơn sơ và chân thành với Chúa Cha. Người dạy ta cầu nguyện sao cho phải (xem thư gửi Rôma 8, 26). Do đó, ta cứ buông theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, uốn nắn, thì đời sống ta sẽ chân thực, không thể giả hiệu, giả hình. Buông theo Chúa Thánh Thần không phải là ta thả mình như "Bèo lục bình trôi" nhưng là phải cố gắng dẹp bỏ mọi bám víu vấn vương bụi trần để Chúa Thánh Thần dẫn ta theo ý Chúa Cha trên trời.

V. Đời sống thống nhất và chân thực có liên quan gì tới linh đạo giáo lý viên

Nhiệm vụ giáo lý viên đòi hỏi giáo lý viên hiểu biết Chúa Kitô mỗi ngày hơn và sống theo Người để đời sống luôn thống nhất và chân thực. Đây là việc không dễ, cần có nghị lực và quyết tâm, cần theo một kỷ luật bản thân bề trong (như ý nghĩ, tình cảm... ) lẫn bề ngoài (như lời nói hành động...) và còn cần lo liệu cho đời sống kỷ luật ấy phù hợp với hoàn cảnh của một giáo dân sống giữa đời. Vì thế, giáo lý viên cần xác tín về tầm quan trọng của mối liên quan giữa đời sống và linh đạo.

1. Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng làm chứng và dạy dỗ hữu hiệu hơn:

Muốn xác tín như vậy, giáo lý viên cần phải dẹp bỏ ý nghĩ sai lầm là mình chỉ là giáo dân sống giữa hoàn cảnh trần thế, làm sao tổ chức được đời sống kỷ luật và có các điều kiện thuận lợi như các linh mục và tu sĩ.

Thực ra, giáo dân không thể tổ chức đời sống và có các điều kiện thuận lợi như linh mục và tu sĩ, nhưng bất cứ Kitô hữu nào, bất cứ ai sống theo linh đạo nào cũng phải lo sắp xếp để có những lúc cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ Chúa trong yên tĩnh và thinh lặng để lòng mình có điều kiện lắng xuống và cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn và uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Sống như vậy, giáo lý viên, trở thành bằng chứng rõ ràng hơn cho học viên vì mình đã sống với Chúa thực sự, và mọi hoạt động của giáo lý viên sẽ có sức cảm hoá và thuyết phục mạnh mẽ hơn, đúng với đòi hỏi linh đạo.

2. Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng đầy niềm vui và hy vọng để chia sẻ cho học viên và mọi người.

Cố gắng sống thống nhất và chân thực sẽ mang lại cho giáo lý viên niềm vui và tự hào, vì mình không hổ thẹn nói một đàng làm một nẻo, chỉ nói mà không làm. Nhưng mình cảm thấy an nhiên tự tại nghĩa là an bình và hồn nhiên, vì đời sống chân thực và trong sáng; tự tại là bản thân được thư thái vì mình sống trong trung thực, nói và làm đi đôi với nhau.

Kết luận: đời sống thống nhất và chân thực là phong cách quan trọng và cần thiết của giáo lý viên, vì nó là dấu chỉ giáo lý viên sống đích thực linh đạo giáo lý viên của mình trước mặt học viên cũng như mọi người. Giáo lý viên dạy sao sống vậy, dạy các em cầu nguyện thì mình cũng thực hành cầu nguyện như vậy. Phong cách này làm cho giáo lý viên dễ cảm hoá các học viên. Nhiệm vụ của giáo lý viên sẽ dễ dàng và chắc chắn hữu hiệu hơn. Đời sống thống nhất và chân thực theo linh đạo giáo lý viên sẽ làm cho giáo lý viên hưởng được hoa quả của Chúa Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, trung tín, hiền hoà (x. Gl 5,22-23).

Giáo lý viên sẽ được hưởng hoa quả của Chúa Thánh Thần thì nhân danh Hội Thánh, giáo lý viên phải là người gieo rắc niềm vui và hy vọng mà Chúa Kitô Phục Sinh đã đem lại cho mình.



3159    24-03-2011 09:14:46