Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 4


Bài 4. ĐỔI MỚI HÌNH ẢNH NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN

I. Tại sao phải đổi mới:

Ở Việt nam ngày nay, vì hoàn cảnh, hình ảnh người giáo lý viên ở nhiều nơi không được tốt đẹp cho lắm, vì họ ít được huấn luyện chu đáo, lại chỉ giữ vai trò, nhiệm vụ phụ thuộc: người giáo sĩ hay tu sĩ thường giữ vai trò chính và người giáo dân cũng tín nhiệm giáo sĩ hay tu sĩ hơn. Vì thế, không thể không nghĩ tới việc đổi mới và tăng cường hình ảnh người giáo lý viên cho đúng căn tính của họ.

1. Trong quá khứ:

Mọi người đều nhận thấy hoạt động của giáo lý viên nhiều khi khiêm tốn và kín đáo, nhưng nhiệt thành, hăng hái và quảng đại. Đó là hình thức tuyệt vời của việc tông đồ giáo dân. Họ rất xứng đáng nhận danh hiệu là giáo lý viên hơn hết, đặc biệt là các xứ truyền giáo. Riêng ở Việt Nam trước đây, qua nhiều hình thức khác nhau như: thầy giảng, quý chức, ông quản, bà quản, ông Trương, bà Trương ...

Trong xứ đạo: họ đã góp phần tích cực để thiết lập và phát triển những giáo xứ mới, họ đạo mới. Nhiều người đã hiến cả mạng sống vì nhiệm vụ của giáo lý viên như: thầy giáo Chân phước Anrê Phú Yên chẳng hạn. Họ là niềm tự hào của Hội Thánh truyền giáo, mà nếu không có họ thì nhiều người giáo đoàn thịnh đạt ngày nay có lẽ sẽ không được thành lập.

2. Ngày nay:

Hội Thánh đang muốn dốc toàn lực về việc truyền giáo, mà việc truyền giáo cho thế giới hôm nay cần được đổi mới khác xưa rất nhiều. Riêng ở Việt Nam, Kitô hữu chỉ là thiểu số giữa đa số rất lớn dân chúng (93%). Có những người theo những tôn giáo lâu đời như Phật giáo, Khổng giáo đã có những ảnh hưởng sâu rộng trong dân tộc. Hơn nữa, có những người chịu ảnh hưởng của xã hội ngày nay rất nhiều. Xã hội ngày nay rất dửng dưng với tôn giáo có khi coi tôn giáo là một cản trở tiến bộ con người, như thế, việc truyền giáo cho xã hội chắc chắn đòi hỏi giáo lý viên phải được chuẩn bị và nâng cấp cho thích đáng: không những thấm nhuần đạo lý của Tin mừng mà còn phải hiểu đúng về các tôn giáo ở địa phương mình. Việc truyền giáo cho xã hội ấy, chắc chắn đòi hỏi giáo lý viên phải sống thánh thiện, có lòng can đảm và nhiệt tâm truyền giáo.

II. Dành ưu tiên tuyệt đối để nâng cao phẩm chất:

Muốn củng cố và nâng cao phẩm giá người giáo lý viên hôm nay, việc đầu tiên là phải dành ưu tiên tuyệt đối để nâng cao phẩm chất của họ. Vì việc dạy giáo lý chưa được đạt hiệu quả tốt là do thiếu giáo lý viên được chuẩn bị thích đáng.

Muốn chuẩn bị cho thích đáng thì phải tuyển chọn, huấn luyện và thực tập, rồi bồi dưỡng thường xuyên.

Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng: "Dạy giáo lý là việc dạy Phúc âm căn bản, cần có nhiều thợ về số lượng và nhất là phẩm chất".

III. Chú trọng hơn đến việc nhiệt tâm truyền giáo:

Việc thứ hai phải suy nghĩ và củng cố người giáo lý viên là chú trọng đến việc nhiệt tâm truyền giáo là lòng sốt sáng hăng say muốn đem Tin mừng đến cho tất cả mọi người để họ nhận biết Thiên Chúa và tình yêu mến Ngài, lòng hăng say truyền giáo phải phát xuất từ lòng yêu mến Chúa.

1. Lý do:

Ngày này Hội Thánh đặc biệt hướng đến muôn dân, nhất là ở các xứ truyền giáo thì nhiệt tâm truyền giáo càng cần thiết hơn. Giáo lý viên Việt Nam ở các xứ truyền giáo sống giữa 93% người chưa biết Kitô giáo, riêng ở Giáo phận Banmêthuột là 97%, thế mà thiếu nhiệt tâm truyền giáo là chuyện bất thường. Giáo lý viên phải ý thức mình đang mang trách nhiệm của người tông đồ giáo dân tiền tuyến.

Do đó, giáo lý viên Việt Nam phải được huấn luyện để làm nổi bật nhiệt tâm truyền giáo như đã có trong thời trước đây.

2. Để thực hiện nhiệt tâm truyền giáo:

Giáo lý viên đã tình nguyện dạy giáo lý là muốn cho Chúa được yêu mến và hiểu biết hơn. Nhưng nếu có nhiệt tâm truyền giáo thì giáo lý viên không thể bằng lòng chỉ giới hạn trong việc dạy giáo lý cho trẻ em có đạo, nhưng phải luôn sẵn sàng dùng mọi cơ hội có thể.

- Để đích thân mình làm việc truyền giáo như: cầu nguyện gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với người chưa biết Kitô giáo.

- Ngay khi dạy giáo lý cho học viên, cũng hướng dẫn học viên cầu nguyện cho việc truyền giáo và tập cho các em truyền giáo cho các bạn bên lương, bằng cách nêu gương chăm học, kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè, sẵn sàng giúp bạn vượt khó...

IV. Chọn lựa những phương thế thích đáng:

Để đạt được hai mục tiêu trên, tức là nâng cao phẩm chất và củng cố nhiệt tâm truyền giáo cho giáo lý viên, ta cần chọn những phương thích đáng như:

1. Soạn thảo chương trình huấn luyện cụ thể để chuẩn bị cách tốt nhất.

2. Tổ chức cơ cấu cho thích hợp, tìm kiếm kinh phí.

3. Tìm những huấn luyện viên chuyên môn.

Mỗi địa phương phải tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng đạt tới những mục tiêu trên. Nhưng tất cả đều phải cố gắng đạt được ít là tối thiểu bất chấp mọi khó khăn.

V. Củng cố các nhân sự nòng cốt (nhân sự khung)

1. Ý nghĩa:

Nòng cốt là bộ phận chủ yếu, làm chỗ dựa vững chắc cho những bộ phận khác xung quanh, như: cái khung nhà, khung cửa, khung xe... Nhân viên nòng cốt là người có vai trò thực hiện công tác chủ yếu để xây dựng và làm chỗ dựa cho những người khác.

2. Hoạt động.

Nhân sự nòng cốt trong giáo lý phải hoạt động như: giáo lý viên chuyên nghiệp được huấn luyện trong những trung tâm thích đáng: "Dưới sự chỉ đạo của các mục tử hầu đạt được ở những vị trí then chốt trong tổ chức dạy giáo lý. Giáo lý viên nòng cốt phải lo đào tạo những thế hệ mới, phải khai thông cho họ và phải hướng dẫn để họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhân viên nòng cốt phải có mặt ở các cấp bậc: Giáo xứ, Giáo phận, Quốc gia".

Đây là một điểm thật mới mẻ đối với giáo lý viên Việt nam hôm nay, vì Hội Thánh Việt Nam chưa có trường đào tạo hay huấn luyện giáo lý viên, dù giáo lý viên thường hay nòng cốt.

VI.  Phát triển một vài loại giáo lý viên mới:

Chúng ta hãy nhận dạng và xác định căn tính của họ để mọi người quan tâm và chuẩn bị.

1. Các giáo lý viên viên có tinh thần truyền giáo nổi bật:

Cần động viên các giáo lý viên này để họ trở thành những linh hoạt viên về truyền giáo cho các cộng đoàn Giáo hội. Nếu được Chúa Thánh Thần mời gọi và các mục tử sai đi, họ sẵn sàng rời khỏi địa sở của mình ra đi loan báo Tin mừng. Chuẩn bị cho các dự tòng lãnh nhận phép thánh tẩy và góp phần vào xây dựng các giáo đoàn mới.

2. Các giáo lý viên dấn thân tích cực vào việc dạy giáo lý:

Cần tăng số các giáo lý viên này vì có nhiều giáo đoàn trẻ đang trên đà phát triển và đang đòi hỏi nhiều việc tông đồ giáo dân khác với việc của giáo lý viên. Vì thế cũng cần có giáo lý viên đặc biệt (hay là biệt động) chẳng hạn như:

- Các giáo lý viên dấn thân để làm hồi sinh các cộng đoàn mà đang số đã được rửa tội nhưng vì giáo lý và đời sống đức tin là yếu kém.

- Các giáo lý viên sẵn sàng đáp ứng những thách thức mới ngày nay như:

          a. Việc đô thị hoá, tức là việc dân tộc tập chung ngày càng đông ở các đô thị làm cho vai trò của đô thị ngày càng tăng cao, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

          b. Việc mở các trường học gia tăng, sinh viên, học sinh ngày càng đông.

          c. Vấn đề giới trẻ, vấn đề di dân.

          d. Vấn đề thế tục hoá làm cho mọi người rời bỏ tôn giáo, rời bỏ tu trì không muốn bị Hội Thánh chi phối.

          e. Vấn đề văn nghệ quần chúng được các phương tiện thông tin đại chúng cổ vũ.



2718    24-03-2011 08:51:51