Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 2


Bài 2. ƠN GỌI VÀ CĂN TÍNH GIÁO LÝ VIÊN

I. Ơn gọi là gì?

1. Ơn gọi sống cho một cuộc sống.

Khi nói đến ơn gọi, ta thường hiểu là tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong bậc giáo sĩ. Những ơn gọi cũng có ý nghĩa chung là lời Thiên Chúa mời gọi mọi người vào một bậc sống nào đó như bậc sống giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân (sách Gl 277). Mỗi người đã được Rửa tội trong Hội Thánh đều được Chúa Thánh Thần kêu gọi để được sống theo bậc sống phù hợp với mình góp phần làm cho Nước Thiên Chúa sớm hoàn thành.

2. Trong cùng một bậc sống còn có những ơn gọi riêng.

Cũng nên hiểu thêm rằng trong một bậc sống còn có những hình thức khác nhau như: bậc giáo sĩ có thể là linh mục hay phó tế; bậc tu sĩ có thể là chiêm niệm hay hoạt động; bậc giáo dân nảy ra những thứ ơn gọi riêng, nhiều con đường thiêng liêng và tông đồ khác, như ơn gọi giáo lý viên, ơn gọi sống trong tu hội đời sống độc thân ở giữa đời, sống đời hôn nhân, trở thành vận động viên, trở thành ca sĩ....

II. Ơn gọi giáo lý viên.

Ơn gọi giáo lý viên là ơn gọi chung với giáo dân bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, nhưng có điểm riêng là được Chúa Thánh Thần kêu gọi cách đặc biệt, nghĩa là ban cho một đặc sủng (ơn đặc biệt) được Hội Thánh công nhận và đặc sủng này được biểu hiện công khai rõ ràng qua sự uỷ nhiệm của Đức Giám Mục.

Như vậy, trong công cuộc truyền giáo, giáo lý viên có ơn gọi riêng cho việc dạy giáo lý nhưng cùng chung ơn gọi với các giáo dân khác để làm tông đồ nhằm thiết lập và thăng tiến Hội Thánh.

Vì thế, giáo lý viên cần khám phá và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của ơn gọi mình để phân định và vun trồng ơn gọi đó theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đáp lại rằng: "Này con xin đến" và noi gương ngôn sứ Isaia thưa với Thiên Chúa: "Này con đây, xin hãy sai con".

III. Căn tính là gì?

1. Căn tính của một người

Trong xã hội hôm nay, khi đã lớn ai cũng phải làm Chứng Minh Nhân Dân hay Thẻ Căn Cước. Trong thẻ có nhiều chi tiết như: Tên, tuổi, quê quán, hình ảnh, dấu vết riêng, dấu tay... Tất cả chỉ để xác định tính cách riêng biệt của một người. Đó là đặc tính căn bản của một người được gọi là căn tính. Thẻ Căn Cước hay Chứng Minh Nhân Dân ghi căn tính đó. Tuy nhiên, đây chỉ là một căn tính tuỳ theo xã hội muốn biết nên quy định, chưa phải là tất cả căn tính của mỗi người.

2. Căn tính của Kitô hữu.

Kitô hữu là thành phần của Hội Thánh. Trong Hội Thánh có nhiều bậc sống khác nhau. Trong mọi bậc sống cũng có nhiều cách sống khác nhau, bậc giáo sĩ có linh mục, phó tế; bậc tu sĩ có ẩn tu, trinh nữ. Mỗi lối sống theo ơn gọi của Thiên Chúa đều có những tính cách căn bản riêng, đó cũng là căn tính. Ngày nay ta thường thấy nói đến căn tính linh mục, căn tính tu sĩ, căn tính giáo dân, căn tính giáo lý viên.

Như vậy, căn tính của Kitô hữu tuỳ thuộc vào ơn Thiên Chúa kêu gọi và được Hội Thánh xác định tuỳ theo mỗi bậc sống.

IV. Căn tính của giáo lý viên.

1. Chung với giáo dân

Căn tính giáo lý viên có phần chung với căn tính giáo dân tuỳ theo ơn gọi giáo dân mà Hội Thánh đã xác định là giáo dân không theo hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Hội Thánh công nhận, họ thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian theo phận sự riêng của họ.

Phận vụ riêng là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các việc trần thế và sắp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa cảnh sống đời thường trong gia đình và ngoài xã hội.

2. Khác với giáo dân

Căn tính giáo lý viên khác với giáo dân ở chỗ: giáo lý viên có nhiệm vụ dạy giáo lý. Tuy nhiên, dạy giáo lý còn được sách giáo lý Hội Thánh công giáo và giáo luật chia làm hai loại:

Loại 1: dạy giáo lý trong cộng đoàn giáo sĩ đã có đạo lâu đời.

Loại 2: dạy giáo lý cho cả người có đạo và nhất là cho muôn dân chưa có đạo.

Do đó, căn tính giáo lý viên thuộc loại một gồm ba yếu tố sau đây: là được Chúa Thánh Thần kêu gọi, được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh, được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục.

3. Căn tính giáo lý viên ở xứ truyền giáo

Căn tính này gồm ba yếu tố trên, tức là được Chúa Thánh Thần kêu gọi, được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh, được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục, thêm một yếu tố nữa là được liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho muôn dân.

Tóm lại, căn tính giáo lý viên ở xứ truyền giáo gồm 4 yếu tố chung và riêng sau đây:

-  Được Chúa Thánh Thần kêu gọi.

-  Được Hội Thánh trao cho một sứ mệnh.

-  Được cộng tác với nhiệm vụ tông đồ của Giám Mục.

-  Được liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho muôn dân.

V.  Sự cần thiết và quan trọng của căn tính.

1. Để đánh giá đúng và tôn trọng mọi người.

Căn tính của một người giúp ta biết người đó có nguồn gốc cha mẹ nào, thuộc dân tộc hay nước nào, nam hay nữ, già hay trẻ, có chức vụ nghề nghiệp đặc biệt khác với người khác, đó là cơ sở để mọi người đánh giá đúng và tôn trọng nhiệm vụ và quyền lợi của người đó, cũng như để kiểm tra xem người đó có sống và cư xử đúng với căn tính của mình không.


2. Để mỗi người có ý thức và sống đúng căn tính của mình.

Xã hội hôm nay đang thời mở cửa, theo kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn sinh sống. Nhiều người bị cám dỗ và lôi cuốn theo những suy nghĩ mới về căn tính của mình, dựa theo những đòi hỏi tự do và thực dụng. Trong gia đình người phụ nữ không muốn làm vợ làm mẹ như trước, không muốn làm nội trợ. Đàn ông không muốn làm chồng, làm cha, không muốn chịu trách nhiệm về gia đình. Trong Hội Thánh, do thiếu linh mục, thiếu ơn gọi giáo sĩ, phụ nữ hay tu sĩ muốn làm linh mục. Linh mục muốn có gia đình và muốn coi ơn gọi chỉ là dịch vụ.

Kết luận:

1. Giáo lý viên phải luôn khám phá, phân định và vun trồng ơn gọi của mình.

Giáo lý viên luôn ý thức mình là giáo dân, phải hiểu đúng ơn gọi người giáo dân để sống cho đúng bổn phận trong Hội Thánh và thế giới hôm nay, đồng thời giáo lý viên còn được Thiên Chúa mời gọi để dạy giáo lý, đó là một sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh, Hội Thánh trao lại cho giáo lý viên.

Vì thế, giáo lý viên phải hiểu ơn gọi và căn tính của mình, phải học hỏi luôn luôn, không những để dạy mà còn để sống đạo cho mình, dạy giáo lý không chỉ bằng lời nói mà cả bằng nếp sống của mình như thế mới có tính thuyết phục.

2. Giáo lý viên sống đúng căn tính giáo lý viên.

Giáo lý viên Việt Nam là giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo, căn tính có thêm yếu tố là liên kết đặc biệt với hoạt động truyền giáo cho muôn dân chưa biết Kitô giáo.

Cả nước Việt Nam mới có khoảng 7% theo Kitô giáo, còn 93% chưa biết Tin mừng của Chúa Kitô. Riêng ở Giáo phận Banmêthuột chỉ có hơn kém 260.000 giáo dân trên tổng số dân của tỉnh Đăklăk là 1.800.000. Vì thế, giáo lý viên Việt Nam không thể bằng lòng với việc dạy giáo lý cho trẻ em có đạo để chúng giữ đạo và chịu các bí tích, mà còn có bổn phận loan báo Tin mừng cho số người rất lớn chưa nghe biết Tin mừng, đồng thời khi dạy giáo lý cho các em, người hướng dẫn phải luôn nhắc nhở và tập cho các em biết cầu nguyện truyền giáo, tập cho các em biết truyền giáo cho các bạn của mình bằng cách chăm chỉ học hành, vâng lời thầy cô, sẵn sàng yêu thương giúp đỡ các bạn đang gặp khó khăn vì yếu kém hay nghèo khó.

Câu hỏi gợi ý:

1. Ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân, giáo lý viên. Các ơn gọi ấy có gì khác và giống nhau?

2. Ơn gọi giáo lý viên là gì? Có nét gì riêng biệt khác các ơn gọi khác?

3. Căn tính là gì? Căn tính của giáo lý viên là gì?

4. Tại sao phải xác định cho đúng căn tính của một người?

5. Căn tính của giáo lý viên được chia làm hai loại, là những loại nào? Có những gì giống và khác nhau?

6. Căn tính của giáo lý viên thuộc xứ truyền giáo đòi hỏi giáo lý viên ấy phải làm những gì đặc biệt hơn?


5497    24-03-2011 08:37:32