Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 12


Bài 12. ĐỐI THOẠI VỚI CÁC ANH EM

THUỘC GIÁO HỘI KITÔ VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC

I. Tinh thần đối thoai:

1. Ý nghĩa của đối thoại:

Đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau để trao đổi, tìm hiểu, bàn bạc, hầu biết rõ tâm tư, nguyện vọng của nhau, xoá bỏ những thành kiến, hiểu lầm và giải quyết những tranh chấp trong tôn trọng nhau và trong hoà bình.

2. Cần thiết và quan trọng:

Ngày nay nhiều người đã quan niệm rằng cần phải giải quyết mọi tranh chấp, mâu thuẫn bằng đối thoại vì giải quyết bằng vũ lực thường gây chết chóc và không tôn trọng phẩm giá con người: đối thoại Kitô giáo còn cân thiết và quan trọng hơn vì là một phần trong sứ mệnh Phúc âm hoá của Kitô giáo. Phúc âm hoá bao gồm việc loan báo Tin mừng và đối thoại với người khác. Cả hai việc này đều nhằm thông truyền chân lý cứu độ cho anh em, là việc có liên quan đến số phận của cả đời họ.

3.  Tinh thần đối thoại:

Tinh thần đối thoại là mối quan tâm thường xuyên để có thái độ và ý nghĩa định hướng cho hành động của mình, đó là:

      a. Tránh những tranh cãi; cạnh tranh vô ích; những đả phá, những chế nhạo, những kỳ thị (phân biệt đối xử theo thành kiến) tránh áp đặt dụ dỗ người ta.

      b. Luôn sẵn sàng cởi mở, lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự tự do lương tâm của mỗi người.  

II. Đối thoại với các anh em thuộc các Giáo hội Kitô khác.

Ở Việt Nam có các anh em Giáo hội Tin lành thuộc Kitô giáo. Họ đã tách khỏi Hội Thánh vào thế kỷ 16, nhưng vẫn tin vào Chúa Kitô và Tin mừng của Người, song không phục quyền Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị Thánh Phêrô. Còn trên thế giới có các Giáo hội Tin lành, Giáo hội Anh Giáo, Giáo hội Chính Thống (tách khỏi Hội Thánh vào thế kỷ 11). Trước công đồng Vatican II, đôi bên không liên lạc, không tiếp xúc mà còn chỉ trích, kết án nhau. Từ sau công đồng, phía Giáo hội công giáo đã chọn một thái độ mới là đối thoại để tái lập sự hiệp nhất đã có từ trước gọi là đại kết.

1. Lý do để đối thoại.

Công đồng đã nêu lý do là: "Sự chia rẽ đối với các Kitô hữu là trái với ý Chúa làm gương xấu cho thế giới và tổn hại đến sự nghiệp rất thánh thiện là việc truyền bá Phúc âm cho mọi tạo vật" (Xem Sắc lệnh về Hiệp nhất số 1).

2. Việc thực hành đối thoại:

Ý thức về hậu quả tai hại của việc những người cùng tin Chúa Kitô mà lại chia rẽ nhau, Hội Thánh kêu mời mọi thành phần trong Hội Thánh tích cực sẵn sàng làm bất cứ việc gì: Để lời Chúa Kitô cầu xin với Chúa Cha: "Xin cho chúng nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con". Đừng trở thành vô ích.

Việc giáo lý viên có thể làm:

     a. Vun đắp cho mình một ý muốn hiệp nhất sâu xa, tự nguyện đi vào đối thoại với các anh em thuộc Giáo hội Kitô khác và quảng đại, dấn thân vào những sáng kiến đại kết... Ước muốn đó được thể hiện trong việc tìm hiểu và trình bày cách đúng đắn và trung thực về các Giáo hội Kitô khác.

     b. Cố gắng để có những quan hệ thân tình với các anh em thuộc các Giáo hội ấy; tránh những tranh cãi, cạnh tranh vô ích, giúp các tín hữu sống chung trong sự hoà hợp kính trọng nhau, dấn thân cùng với họ để trở thành những người thợ xây dựng hoà bình.

III. Đối thoại với các anh em thuộc các tôn giáo khác:

1. Lý do phải đối thoại:

Trước công đồng Vatican II, người công giáo đối với các Giáo hội Kitô khác hoặc đối với các tôn giáo khác thường có thái độ cách biệt, không có tiếp xúc với các tín đồ, hoặc đọc sách vở, báo chí của họ vì sợ lây nhiễm những sai lầm và vì muốn bảo vệ đức tin công giáo. Ngày nay, công đồng trình bày một thái độ mới: "Hội Thánh không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Vì thế, Hội Thánh khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì, cổ động cho những thiện ích, thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với các tín đồ các tôn giáo mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo" (Tuyên ngôn về liên lạc số 2).

2. Tầm quan trọng đối với hoàn cảnh ở Việt Nam.

Đồng bào Việt Nam chúng ta đa số sống theo Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Cao đài, (Phật giáo hoà hảo). Các tôn giáo này đã ăn sâu vào nền văn hoá dân tộc cũng như vào đời thường của người dân. Chỉ cần nhìn qua các lễ hội hàng năm ở khắp đó đây: lễ Thanh Minh, Lễ Vu Lan, Vía Bà, giỗ tổ Hùng Vương, lễ Phủ giày,... hoặc thờ cúng ông bà tổ tiên là chúng ta thấy rõ. Còn người Công giáo Việt Nam chỉ là một thiểu số. Riêng ở giáo phận Banmêthuột, người công giáo chỉ chiếm 3%.

Qua nhận định trên, nếu người công giáo không đến gặp gỡ, đối thoại với các anh em thuộc các tôn giáo lâu đời đó thì làm sao họ biết mình và biết đạo của mình. Vì thế, trong mối quan hệ giữa Hội Thánh và các tôn giáo khác là một hoạt động thiết yếu và đáng được quan tâm một cách nghiêm túc.

3. Những chỉ dẫn cho việc đối thoại:

Người công giáo đối thoại với các anh em thuộc các tôn giáo khác là một đối thoại nhằm: "Đem lại kết quả cứu độ". Vì thế, giáo lý viên phải:

     a. Lắng nghe Chúa Thánh Thần: Đấng luôn thúc đẩy ta "Gạn đục khơi trong" để loại bỏ những thiếu sót đạt tới sự thanh luyện nội tâm mà nếu thiếu, cuộc đối thoại chẳng đem lại kết quả cứu độ.

     b. Hiểu biết đúng đắn về các tôn giáo: về mặt lịch sử và tổ chức của họ, về những giá trị có thể được coi là "những hạt giống Lời Chúa" giúp cho con người dễ dàng đón nhận Tin mừng; những giới hạn và lầm lẫn nghịch với Tin mừng, cần được điều chỉnh và bổ túc trong sự kính trọng.

     c. Xác tín rằng ơn cứu độ đến từ Đức Kitô nên trong khi đối thoại vẫn phải loan báo Tin mừng, và không được coi các văn bản hoặc truyền thống của các tôn giáo khác ngang hàng với mạc khải của Đức Kitô, cũng không thể coi đạo nào cũng như đạo nào.

    d. Cộng tác thiết thực với các tổ chức tôn giáo ngoài Kitô giáo nhằm đối phó với các thách đố lớn lao mà loài người đang phải đương đầu như hoà bình, công lý phát triển.

IV.  Lưu tâm đến sự lan tràn của các giáo phái.

1. Giáo phái:

Trong thế kỷ 20 này đã xuất hiện rất nhiều giáo phái, khoảng 22.000 giáo phái bắt nguồn từ Kitô giáo. Ở Việt Nam trước đây, giáo phái "Cơ đốc phục lâm" (Chúa Kitô đến phán xét) đã có mặt và hoạt động. Thường những giáo phái do một người tự xưng là được thần khí chọn làm ngôn sứ, người đó đối chiếu hoàn cảnh xã hội xáo trộn, chiến tranh tội lỗi,... với những lời tuyên bố trong Thánh Kinh về "Tận thế" rồi đưa ra những chủ trương "Cứu thế" riêng và thành lập giáo phái tách khỏi Hội Thánh.

2. Lan tràn các giáo phái.

Các giáo phái đã gia tăng rất nhiều và lan tràn mau chóng, ít nhất cũng là vài chục và nhiều hơn cũng là 4 triệu (như giáo phái Mormon ở Mỹ), nó lại hấp dẫn nhiều người và đáp lại tâm lý thường tình, giải đáp tức thời và đơn giản cho những nhu cầu của con người, và những phương thế sử dụng thường gắn liền với tình cảm và văn hoá địa phương được giáo phái yểm trợ về tinh thần và vật chất, họ hăng say dấn thân hoạt động.

3. Thái độ của giáo lý viên:

Hội Thánh rất quan tâm đến các giáo phái vì họ biết lợi dụng Thánh Kinh, lợi dụng hoàn cảnh thực tế của con người thời nay để đưa ra những giải đáp thực dụng rất hấp dẫn những người rất yếu kém về Thánh Kinh và giáo lý, lại đang sống trong hoàn cảnh lo âu bất ổn, không hy vọng gì nơi xã hội hay Hội Thánh.

Giáo lý viên cần nắm vững Thánh Kinh và giáo lý Hội Thánh để không dễ dàng chạy theo những chủ trương "cứu thế thực dụng" và nghịch với đức tin. Phải sẵn sàng giúp các học viên biết cái gì là đúng, là sai.

 

Kết luận: Giáo lý viên cần hiểu biết và có thái độ về một số vấn đề.

Về mặt nghiệp vụ thiết thực và quan trọng trong hoàn cảnh Hội Thánh hôm nay, đó là:

1. Phục vụ cộng đoàn, phục vụ từng hạng người một, không phải chỉ trẻ em.

2. Hội nhập văn hoá: đem Tin mừng hội nhập với văn hoá của người ở địa phương để cho Tin mừng không còn xa lạ với họ và để làm cho văn hoá của họ tốt đẹp hơn.

3. Thăng tiến con người, đặc biệt là người nghèo vì ở Việt Nam đa số dân còn nghèo và chưa được xã hội quan tâm đúng mức.

4. Đối thoại thoại với các anh em thuộc Giáo hội Kitô (như anh em Tin lành nói chung, Giáo hội Chính Thống,...) và thuộc các tôn giáo khác (như: Phật giáo, Cao đài giáo, Khổng giáo...)

5. Lưu ý đến các giáo phái có thể có để luôn trung thành với đức tin và Hội Thánh Chúa.














1947    24-03-2011 09:49:10