Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đào tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 11


BÀI 11. HỘI NHẬP VĂN HOÁ VÀ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

I. Văn hoá và văn minh.

1. Văn hoá.

Giáo lý viên thấy xã hội hôm nay nói nhiều về văn hoá: học văn hoá, xây nhà văn hoá, ấp văn hoá,... Thật khó mà định nghĩa văn hoá cho ngắn gọn, vì văn hoá có ý nghĩa phong phú và bao quát mọi sinh hoạt của con người trong một xã hội: có thể hiểu văn hoá là tổng thể các kiến thức có giá trị về vật chất cũng như tinh thần được biểu hiện trong nghệ thuật (ca nhạc, kiến trúc,...) trong văn học (sách, báo, phim ảnh,...) trong lối sống (chào hỏi, ăn mặc, nói năng, giải trí,...) mà một dân tộc đã sáng tạo ra trong quá trình lịch sử để thoả mãn những nhu cầu về vật chất, tinh thần của mình, và lưu truyền từ đời này sang đời kia. Chẳng hạn, văn hoá Việt Nam, văn hoá Á Châu.

2. Văn minh.

Khi một nền văn hoá đã đạt tới trình độ nhất định nào đó với những đặc trưng riêng, tiểu biểu cho một xã hội rộng lớn, hay một thời đại, thì người ta gọi là văn minh, chẳng hạn: Văn minh Ai cập, Hy lạp, văn minh tinh thương. Văn hoá là biểu hiện của một trình độ văn minh, nghĩa là khi văn hoá cao thì trình độ văn minh cũng cao.

II. Hội nhập văn hoá.

1. Hội nhập giữa văn hoá với văn hoá.

Hội nhập văn hoá là hai nền văn hoá gặp nhau, mỗi bên, tìm hiểu, xem xét rồi bổ túc cho nhau những thiếu xót, sửa đổi cho nhau những lệch lạc làm cho cả hai bên thêm tốt đẹp, phong phú hơn. Hội nhập đó có ý nghĩa hỗ tương và nhắm đến sự tốt đẹp,cao quý hơn, chứ không phải một bên tiêu diệt văn hoá kia và áp đặt văn hoá của mình thay vào, cũng không phải để chỉ nhập những cái mới lạ mà không có gì cao đẹp hơn. Cũng nên lưu ý rằng tôn giáo là yếu tố quan trọng trong văn hoá.

2. Hội nhập giữa Tin mừng và văn hoá:

Hội Thánh dùng hội nhập văn hoá để chỉ việc Tin mừng của Chúa Kitô hội nhập vào các nền văn hoá khác nhau. Đây là hội nhập đức tin vào một nền văn hoá khác, đức tin thuộc phạm vi tôn giáo và tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong văn hoá. Tin mừng của Chúa Kitô không đông hoá với bất cứ của một nền văn hoá nào, nghĩa là Tin mừng ấy không phải là văn hoá Do thái, không phải là văn hoá Tây phương,... nhưng Tin mừng phải được hội nhập vào tất cả mọi nền văn hoá, để giúp nền văn hoá đó "Gạn đục, khơi trong" nghĩa là gạt bỏ những gì không chân thật, không tốt đẹp, đồng thời nâng cao, cũng như làm cho những gì là chân thật và tốt đẹp được phong phú hơn. Đức Gioan Phaolô II đã nói: "Qua việc hội nhập văn hoá, Hội Thánh đưa Tin mừng nhập thể vào các nền văn hoá khác nhau đồng thời cũng đưa các dân tộc với các nền văn hoá của họ vào cộng đoàn Hội Thánh. Hội Thánh truyền thông cho các nền văn hoá những giá trị của mình bằng cách đảm nhận những gì tốt đẹp nơi các nền văn hoá đó và bằng cách đổi mới từ bên trong".

III. Tầm quan trọng và cần thiết của hội nhập văn hoá.

1. Một biến cố để chứng minh:

Để hiểu biết tầm quan trọng của hội nhập văn hoá trong công cuộc loan báo Tin mừng, chúng ta cùng nhau ôn lại một biến cố cụ thể.

Vào thế kỷ 17 khi các linh mục thừa sai dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam, các ngài học tiếng Việt, ăn mặc theo người Việt, tôn trọng các phong tục tốt của người Việt như: thờ kinh ông bà để báo hiếu,...

Nhưng năm 1742, Toà Thánh ra sắc lệnh kết án các nghi lễ thờ kính ông bà tổ tiên vì cho là có mê tín dị đoan, trong đó Kitô hữu không được tham gia và thực hành các phong tục đó. Việc này làm cho vua quan và dân chúng Việt Nam không còn cảm tình với Kitô giáo như trước và tạo ra một thành kiến là: Theo đạo Thiên Chúa là bỏ không thờ kính ông bà tổ tiên.

Mãi đến năm 1939, Đức Thánh Cha Piô XII mới xác định rằng: các nghi thức này tỏ lòn hiếu thảo với ông bà tổ tiên đã quá cố đều được phép làm. Và đến năm 1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ra thông báo: "Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ nên được thi hành và tham dự cách chủ động".

2. Lý do hội nhập văn hoá:

Lý do chính là khi Thiên Chúa muốn mạc khải ý định và loan báo Tin mừng cứu độ cho loài người, sinh sống và ăn nói như một người, thuộc một gia đình, một dân tộc, và dùng văn hoá của dân tộc mà diễn giải giáo lý (những dụ ngôn của Thiên Chúa) cũng như để bày tỏ tâm tình (như việc tẩy rửa, vượt qua của người Do thái) làm như thế là Chúa Giêsu hội nhập văn hoá để người nghe dễ hiểu, dễ đón nhận và sẵn sàng sống theo Tin mừng của Chúa. Không cảm thấy có gì xa lạ hay ngược lại những truyền thống tốt đẹp của họ. Rồi các tông đồ của Chúa đi theo con đường hội nhập ấy, đặc biệt là thánh Phaolô, Ngài đã "trở nên tất cả cho mọi người" (1Cr 9, 22) để bằng mọi cách cứu được một số người. Đức Gioan Phaolô II coi việc hội nhập văn hoá như: "Một đòi hỏi đặc biệt rõ rệt và cấp bách, nếu muốn loan báo Tin mừng cho hữu hiệu".

IV.  Chỉ dẫn của Hội Thánh về hội nhập văn hoá:

1. Trách nhiệm.

Các Giáo hội địa phương có trách nhiệm hội nhập văn hoá nơi địa phương của mình, vì mỗi địa phương có một nền văn hoá riêng. Chẳng hạn, Giáo hội ở Việt Nam phải lo hội nhập văn hoá Việt Nam. Đây là việc quan trọng phải nghiên cứu và phải thực hiện.


2. Nguyên tắc.

Toà Thánh đưa ra hai nguyên tắc hướng dẫn việc hội nhập văn hoá:

       a.  Phải dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh.

       b. Phải triển khai dựa theo truyền thống của Hội Thánh và những chỉ dẫn của huấn quyền, không làm hại đến sự hợp nhất mà Chúa mong muốn.

3. Thực hành:

Giáo lý viên có bổn phận:

1. Trước hết là ý thức tầm quan trọng và cần thiết của hội nhập văn hoá.

2. Tích cực tham gia và thi hành đường lối hội nhập của Giáo hội địa phương mình: quý trọng những gì tốt đẹp trong văn hoá Việt Nam như: lòng hiếu thảo, các đức tính của người Á Đông như Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín; Cần-Kiệm-Liêm-Chính; cách ăn mặc, kiến trúc, ca nhạc.

3. Tránh phiêu lưu trong những kinh nhiệm riêng lẻ có thể làm cho các tín hữu hoang mang (chẳng hạn như: dùng lễ phục hay ca nhạc thời cổ xưa).  

V.  Thăng tiến con người.

1. Ý nghĩa:

Thăng tiến con người là làm cho đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị và văn hoá được nâng cao và phát triển mỗi ngày một hơn: xoá bỏ dần nghèo đói, dốt nát, thiếu dân chủ và tự do, áp bức bóc lột.

2. Liên quan với việc loan báo Tin mừng:

Sứ mệnh của Hội Thánh thuộc phạm vi tôn giáo chứ không thuộc chính trị, kinh tế. Nhưng sứ mệnh đó được thi hành trong lịch sử con người và trong đời sống thường của mọi người, nghĩa là Hội Thánh ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, Hội Thánh không được "Xuất thế" nhưng phải "Nhập thế" nghĩa là đồng hành với con người trong những lo âu và hy vọng, thất bại và thành công,... như Chúa Kitô đã làm gương để quan tâm làm cho đời sống con người được thăng tiến về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần.

Do đó, loan báo Tin mừng và thăng tiến con người là sứ mệnh duy nhất của Hội Thánh: "Nhờ sứ điệp Tin mừng, Hội Thánh đem lại một sức mạnh giải thoát và cổ vũ việc phát triển vì sứ điệp đó mời gọi cải hoá con tim và trí óc làm cho con người nhận ra phẩm giá của mỗi người, cổ vũ tình liên đới, sự dấn thân, việc phục vụ người khác, đưa con người vào kế hoạch của Thiên Chúa là xây dựng vương quốc bình an của đời này" (Lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II).

Loan báo Tin mừng để đem thế giới loài người tiến dần đến "trời mới, đất mới", đó chính là thăng tiến con người cách toàn diện và hoàn hảo nhất.

VI.  Ưu tiên thăng tiến người nghèo.

1. Tại sao?

Một sự thật không ai chối cãi là người nghèo đang chiếm đa số trong thế giới hôm nay cũng như trong đất nước chúng ta. Đây là một vấn đề lớn của toàn thế giới cũng như của đất nước. Do đó, phải ưu tiên chọn lựa người nghèo vì họ đang chịu thiệt thòi quá nhiều nhưng không có nghĩa loại bỏ người giàu hay người không nghèo nhưng có ý nghĩa là ưu tiên lo cho người nghèo vì đó là đòi hỏi của đức bác ái, đức công bằng.

2. Ai là người nghèo?

Trước hết là những người có đời sống eo hẹp. Số người này chiếm rất đông ở nước ta cũng như ở các nước thế giới thứ ba: Châu Phi, Nam Mỹ, Á Châu. Giới nghèo này không thể bị bỏ rơi, họ cần phải được cảm nhận ít là tình mẫu tử của Hội Thánh qua các thành phần của Hội Thánh.

Ngoài những người nghèo theo nghĩa trên còn các người khác nữa như: những người bị áp bức, bị đẩy ra ngoài lề xã hội, người bị bách hại, và tất cả những người đang trong tình cảnh cùng quẫn, như những người tàn tật, thất nghiệp, tù tội, di cư, nghiện hút, những bệnh nhân Siđa (Aids).

3. Bổn phận của giáo lý viên.

Giáo lý viên sống trong cùng hoàn cảnh với đồng bào mình nên có thể thấu hiểu những người nghèo mình. Giáo lý viên có thể giúp đỡ họ bằng gặp gỡ để giải thích cũng như giải quyết những vấn đề của họ theo ánh sáng Tin mừng. Đồng thời nếu cần giáo lý viên cũng phải dũng cảm lên tiếng thay cho những người nghèo để bênh vực quyền lợi của họ hoặc tìm cách động viên người khác cùng nhau giúp đỡ, thăng tiến họ.

Kết luận: hội nhập văn hoá và thăng tiến con người là hai vấn đề mà Hội Thánh quan tâm đặc biệt, vì Hội Thánh đã nhận thấy kết quả việc loan báo Tin mừng tuỳ thuộc rất nhiều vào hai vấn đề này, nhất là vùng Á Châu, nơi có đông người đang theo những tôn giáo lớn và có từ lâu đời hơn như đạo Khổng, đạo Phật, cũng là nơi người nghèo chiếm đa số. Bởi vì loan báo Tin mừng là loan báo cho những người đang sống hôm nay trong hoàn cảnh chính trị kinh tế khác nhau, văn hoá khác nhau.

Hội Thánh theo gương Chúa Kitô đã thực hiện hai việc này ngay từ thuở ban đầu, nhưng sau vì hoàn cảnh mà sao lãng việc hội nhập văn hoá. Nhưng từ công đồng Vatican II năm 1965 đến nay chú ý đặc biệt hơn đến hội nhập văn hoá qua nghiên cứu học hỏi, và thực hành.

Đặc biệt ngày nay chúng ta có tông huấn Hội Thánh tại Á Châu thúc đẩy việc hội nhập văn hoá trong việc truyền giáo.

Ở Việt Nam đã có những việc như tôn kính ông bà tổ tiên, dùng nhang và lư hương, những bài hát có nét nhạc dân tộc, kiến trúc nhà thờ theo kiểu Á Đông, các chương trình giúp đỡ những người nghèo,... đã có những bước khởi đầu, nhưng còn việc khác phải làm như hội nhập văn hoá trong Phụng vụ như: thần học, giáo dục, phục vụ,...

Trong thực hành, giáo lý viên có thể quan tâm đến hai vấn đề này, trong phạm vi của mình như: tôn trọng và chấp nhận việc hội nhập những gì tốt đẹp của văn hoá dân tộc vào Kitô giáo như: tôn kính tổ tiên, dùng nhang, hương,... mỗi người đều có trách nhiệm làm cho Kitô giáo không còn xa lạ, ngoại lai đối với người Việt Nam; và Kitô giáo không còn tách biệt với người nghèo.



2666    24-03-2011 09:41:16