Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 01_Bài 1


PHẦN I: GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ GIÁO LÝ VIÊN

BÀI 1: HỘI THÁNH QUAN TÂM ĐẶC BIỆT  ĐẾN GIÁO LÝ VIÊN GIÁO DÂN

 

I.        Hội Thánh quan tâm đặc biệt với lý do:

1. Vì hoàn cảnh xã hội hôm nay

- Một xã hội nghèo khổ đó là hàng triệu người đang sống trong khốn khổ đói nghèo, do hoàn cảnh ở Á Châu và ở Việt Nam chúng ta "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó"

- Một xã hội đạo đức suy đổ: bởi khát vọng thịnh vượng giàu sang của các dân tộc ngày nay đang suy sụp đến nỗi nền tảng đạo đức như: Cần-Kiệm-Liêm-Chính lại lung lay tận gốc rễ, bằng chứng là nạn tham nhũng, hối lộ, lừa gạt xảy ra khắp nơi.

- Vì xã hội hôm nay dửng dưng với Giáo hội: cảnh nghèo đói vẫn mênh mông, làm cho nhiều người dân không thiết tha mấy đến các Giáo hội, tức là các tôn giáo ở chung với họ (như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo...). Vì họ nhận thấy rằng các Giáo hội đang có mặt ở đó mà phẩm giá và quyền lợi con người vẫn bị coi rẻ và bị chà đạp, cho nên họ ít tin vào tôn giáo.

- Vì Giáo hội hôm nay cũng tìm đến những gì là thiêng liêng: Tuy dửng dưng với các tổ chức Giáo hội, nhưng con người lại vẫn đi tìm một sự siêu thoát để được sức mạnh linh thiêng cứu giúp (như lễ hội, hành hương, vía bản, cầu may)

2. Vì hoàn cảnh Hội Thánh hôm nay.

Một Giáo hội đang lây nhiễm chủ nghĩa hưởng thụ, nghĩa là nhiều thành phần của Hội Thánh bị lây nhiễm xã hội say mê vật chất và chỉ lo tìm mọi cách để hưởng thụ tối đa. Họ giữ đạo hời hợt bên ngoài, chạy đua làm giàu khiến lôi kéo nhiều người xa rời Kitô giáo. Nhiều người được rửa tội nhưng không thiết gì sống đạo nữa.

Ví dụ: Người con hư: mê man hưởng thụ và cắm đầu làm giàu.

- Vì thiếu hiểu biết giáo lý: người Kitô hữu hình như muốn có lòng sốt sáng, nhưng vì thiếu hiểu biết giáo lý. Chỉ giữ thói quen Kitô giáo cách máy móc, chỉ có vốn liếng giáo lý học từ nhỏ, thiếu sách giáo lý, thiếu giáo lý viên.

- Nhiều cải cách cộng đồng chưa được thực hiện như về vấn đề Truyền giáo, Hội Nhập Văn hoá.

3.     Vì vai trò quan trọng của giáo lý viên.

Tại Việt Nam, lúc mới bắt đầu loan báo Tin mừng các vị thừa sai tổ chức đào tạo giáo lý viên giáo dân để họ trở thành những người trợ tác đắc lực trong việc truyền giáo như thầy giảng Anrê Phú Yên.

II.      Để thực hiện mối quan tâm đặc biệt đó:

1. Bộ Phúc âm hoá xin các nơi góp ý:

Kết quả rút ra từ 400 năm truyền giáo đã soạn. Một tập tài liệu "Hướng dẫn dành cho Giáo lý viên giáo dân thuộc xứ truyền giáo" nói về căn tính giáo lý viên, việc tuyển chọn, việc huấn luyện, linh đạo giáo lý viên.

 

2. Đưa ra hình ảnh rất mới về giáo lý viên.

Giáo lý viên là người truyền bá Phúc âm không thể thay thế, vì họ cống hiến một trợ lực đặc biệt và tuyệt đối cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở mang Hội Thánh.

Giáo lý viên thuộc đội quân tông đồ giáo dân rất đáng tuyên dương, một lực lượng đi hàng đầu để Phúc âm hoá.

Giáo lý viên là niềm tự hào của Hội Thánh truyền giáo. Công việc của họ là phục vụ cần thiết cho Tin mừng.

Khi nêu lên hình ảnh mới về giáo lý viên giáo dân là để thúc đẩy các Giám mục, Linh mục và cộng đoàn dân Chúa cùng quan tâm cho thích đáng.

III.    Quan tâm về những gì?

Phần I: Một tông đồ hợp thời

Ở đây xác định ơn gọi và căn tính của giáo lý viên để mọi người nắm vững vai trò và nhiệm vụ của họ trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh. Giáo lý viên biết rõ ơn gọi và căn tính để sống theo một lớp sống, một linh đạo phù hợp với căn tính của mình.

Phần II: Tuyển chọn và huấn luyện giáo lý viên.

Muốn có giáo lý viên xứng đáng với căn tính, ta phải tuyển chọn cẩn thận và huấn luyện chu đáo. Họ phải là những con người trưởng thành về nhân bản và thiêng liêng. Họ phải có vốn kiến thức về giáo lý và sư phạm giáo lý.

Phần III: Trách nhiệm đối với giáo lý viên.

Các giám mục, các linh mục và cả cộng đoàn dân Chúa phải có trách nhiệm đào tạo và nâng đỡ các giáo lý viên để họ đem lại hiệu quả tốt cho việc truyền giáo trong ngàn năm thứ ba này.

IV.  Quan tâm thế nào?

1. Quan tâm một cách toàn diện đến giáo lý viên, nghĩa là ơn gọi, căn tính, linh đạo của giáo lý viên cho đến việc tuyển chọn, huấn luyện, bồi dưỡng thường xuyên.

2. Quan tâm không chỉ vì lý thuyết và nguyên tắc mà cả về những gì có tính cách thực tế. Ví dụ: giáo lý viên nam hay nữ, già hay trẻ, có gia đình hay không, học lực và văn hoá, hoàn cảnh sinh sống của họ, chương trình huấn luyện và thời gian, nơi chốn để huấn luyện.

3. Vấn đề được nêu trên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu địa phương.

V. Cùng quan tâm với Hội Thánh.

1. Sẵn sàng đổi mới những thành kiến.

Toà thánh có nhận xét rằng còn nhiều linh mục và giáo dân cũng như giáo lý viên chưa thay đổi quan niệm của mình về việc dạy giáo lý như Hội Thánh đã đổi mới. Từ công đồng Vatican II (1961-1965) cách đây 35 năm họ vẫn coi trọng giáo lý là để dạy cho trẻ em, là chỉ dạy cho chúng học thuộc lòng, dạy cho chúng biết phải tin-xin-chịu, làm những gì? Dạy cho chúng dọn mình rước lễ, Thêm sức... đáng lẽ ra họ phải hiểu rằng hình thức dạy giáo lý cho người lớn là yếu tố quyết định trong việc Phúc âm hoá mới hôm nay. Họ cũng phải hiểu rằng chủ đích của việc dạy giáo lý là để giáo dục con người Kitô hữu có một niềm tin vừa có tính cách cá vị và hướng dẫn việc truyền giáo.

2. Mau mắn cảm nghĩ và hành động với Hội Thánh.

Hội Thánh quan tâm đặc biệt giáo lý viên vì đã nghe thấy tiếng gọi khẩn cấp từ cánh đồng thế giới và vì nhận thấy giáo lý viên là những người có thể đáp lại tiếng gọi ấy. Giáo lý viên giáo dân có ơn gọi "sống giữa trần thế cách riêng biệt". Do đó, họ chứng tỏ ơn gọi là nhiệm cụ không thể thay thế của họ trong sứ mệnh Phúc âm hoá thế giới của Hội Thánh. Giáo lý viên giáo dân luôn luôn là một tông đồ hợp thời và cần thiết cho thế giới cũng như Hội Thánh hôm nay.

Kết luận: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Dạy Giáo Lý đã nói với giáo lý viên như sau: "Hoạt động của các con là một hình thức tuyệt vời của tông đồ giáo dân. Các giáo lý viên ở xứ truyền giáo rất xứng đáng được danh hiệu là giáo lý viên hơn mọi người khác. Cha cầu chúc cho con số giáo lý viên đông hơn nữa để lo cho công việc truyền giáo".

 



4014    24-03-2011 08:30:19