Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

ĐỪNG SỐNG HAI MẶT NHƯ LUẬT SĨ & BIỆT PHÁI

ĐỪNG SỐNG HAI MẶT NHƯ LUẬT SĨ & BIỆT PHÁI

Trang Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Chúa Giêsu khiển trách các thầy Luật Sĩ về tội giả hình. Một mặt, họ tiếc nuối các tiên tri nhưng mặt khác họ lại từ chối Chúa Giêsu là tiên tri cao cả đang sống với họ. Họ độc quyền giải thích Thánh Kinh theo ý mình, đòi buộc người khác phải tuân giữ lế luật còn họ thì không hề tuân giữ.

Lời Chúa hôm nay cảnh giác người Kitô hữu chúng ta đừng nệ vào đạo gốc mà lơ là, bỏ việc bổn phận đọc kinh, đi lễ, thờ phượng Chúa và sống bác ái yêu thương. Mặt khác ngày nay, nhiều Kitô hữu thích tham gia nhiệt tình tổ chức lễ cho long trọng rình rang bên ngoài nhưng bỏ qua việc dọn lòng xưng tội rước lễ để mùng lễ ...Vì thế chúng ta hãy để Chúa quan phòng biến đổi chúng ta, cộng tác với ân sủng của Chúa, để ý xây dựng tinh thần bên trong con người mình, có tinh thần sống yêu thương của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu lên án họ vì việc cha ông họ đã không đón nhận các ngôn sứ của Thiên Chúa mà còn giết chết các ngài, còn họ thì lại xây lăng tẩm cho các ngôn sứ. Nghĩa là những hành động bên ngoài của họ chỉ là để che mắt dân chúng, chứ thực tâm họ không muốn đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu tiếp tục chỉ trích lối sống giả hình và độc ác của các Biệt Phái và luật sĩ. Họ đã tìm cách ám hại Ngài vì Ngài đã nói lên tất cả sự thật xấu xa nơi con người của họ. Còn Ðức Giêsu, Ngài luôn trung thành với sứ mệnh của mình: Ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật và không có một sức mạnh nào làm cho Ngài đi ngược lại với sứ mệnh ấy, dù là bị bắt bớ, bị hãm hại, bị sỉ nhục... và cuối cùng là chịu chết trên thập giá.

Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.

Những luật sĩ Do Thái, những nhà thông luật của dân Do Thái thời Chúa Giêsu là những kẻ có thể nói là nắm lấy kỷ cương cho sinh hoạt của dân chúng. Vai trò của những người thông luật này trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu giống như vai trò của những thần học gia, những nhà chú giải Kinh Thánh, những chuyên viên về luân lý. Họ nắm giữ sự hiểu biết về Kinh Thánh, giải thích giáo huấn của Môisen cho dân chúng sống, nhưng trớ trêu thay họ đã không chu toàn bổn phận làm người hướng dẫn chỉ đường mà đã trở thành kẻ cản đường vì các tật xấu của họ, những người nắm giữ chìa khóa. Chúa Giêsu không làm giảm giá trị sự hiểu biết Lề Luật của những luật sĩ này, nhưng Chúa Giêsu đã trách họ nặng lời vì thái độ sống phản chứng của họ: “Các ông không bước vào mà còn cản không cho kẻ khác bước vào”. Họ không tin nhận Chúa mà còn cản trở không cho người khác gặp Chúa và tin nhận Ngài.

Họ giữ luật chỉ ở bình diện chữ viết, chứ không hướng tới cùng đích khởi đi từ nguồn gốc, nên tất yếu sẽ thấy nặng nề. Nặng nề, nên họ không tuân giữ, nhưng lại buộc người khác phải tuân giữ. Như Đức Giê-su nói rõ: “Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11, 46).

Họ giữ luật chỉ ở bình diện chữ viết, chứ không hướng tới cùng đích khởi đi từ nguồn gốc, nên tất yếu họ sẽ dùng lề luật làm phương tiện hại người. Đó là cung cách ứng xử của cha ông họ và của chính họ: “Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng”. Thực vậy, chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: « Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7) .

Họ là những là thông luật, nên chắc chắn họ có được “chìa khóa hiểu biết”, đó là biết được nguồn gốc và cùng đích của Lề Luật; nhưng trong lòng họ có một lựa chọn khác, lựa chọn hành động dò xét, gài bẫy, tố cáo, lên án và giết chết. Từ đó, nhân danh chính Lề Luật, họ ngăn cản thậm chí bách hại người khác sống theo sự thiện. Điều này đặt tới cực điểm nơi cách họ đối xử với Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó.

Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Các ngài đã xuất hiện trong dòng lịch sử cứu độ, giữa lòng dân tộc Dothái. Khi dân Chúa đi sai đường lối Chúa dạy, các ngài liền lên tiếng cảnh báo. Lời các ngài nói thường làm cho người ta chói tai nên các ngài đã bị bách hại và giết chết. Gioan Tẩy giả cũng lên tiếng tố cáo Herôdê và cũng đã bị giết chết.

Chúa Giêsu là Sự Thật đã đến thế gian. Ngài là ‘Ngôn sứ’ vĩ đại nhất Thiên Chúa đã sai đến. Cho nên số phận của Ngài cũng bị thế gian bách hại. Cụ thể là những người biệt phái và luật sĩ đang âm mưu tìm cách bách hại Ngài “Họ cố tình gài bẫy Ngài để may ra bắt bẻ được lỗi gì từ miệng Ngài thốt ra chăng”.

Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết "người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người.

Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống.

Tội của những tiến sĩ luật là họ cầm luật lệ trong tay như một thứ chìa khóa Nước Trời, nhưng họ không vào được vì họ đã dựa vào những luật lệ đó để cho mình là công chính. Tệ hại hơn họ còn dùng những luật lệ đó như một thứ rào cản để người khác không thể đến với Chúa được.

Tật xấu của những nhà thông luật cũng chính là tật xấu của tôi ngày hôm nay, khi rất nhiều khi tôi đến với Chúa cũng chỉ vì những luật lệ, những hình thức bên ngoài. Tôi đọc kinh, dự lễ, tích cực làm những việc bác ái… thực ra chỉ để che đậy con người xấu xa, gian tham, ích kỷ, hận thù, ghen ghét, đam mê…

Lời trách của Chúa Giêsu có thể cũng thức tỉnh chúng ta ngày hôm nay, có thể là chúng ta hiểu biết Chúa, có chìa khóa để gặp Chúa nhưng chúng ta vì những tật xấu của mình, vì những tội lỗi của mình, chúng ta không đến với Chúa mà còn làm gương xấu cản trở không cho anh chị em đến với Chúa, vì thái độ sống phản chứng niềm tin Phúc Âm của chúng ta.

 

 

 

1271    12-10-2016 08:36:59