Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chương 21: Giáo Hội Thời Cận Đại_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI

Thông tri của hồng y Gerlier, TGM Lyon, buộc đọc tại nhà thờ Chúa nhật 6-9-1942, không được thêm bớt.

Việc áp dụng những biện pháp lưu đày và truy lùng người Do Thái, hiện đang gây ra trên khắp lãnh thỗ những cảnh rất thương tâm, buộc chúng tôi theo lương tâm, thấy có bổn phận khẩn thiết và đau đớn lên tiếng phản kháng. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình phải chia lìa nhau dù họ đã già nua tuổi tác, đang yếu đau, bệnh tật, vẫn không sao thoát khỏi. Trái tim phải se thắt lại khi nghĩ đến cảnh hàng ngàn người bị đối xử tàn tệ, và sẽ còn biết bao người khác nữa mà ta chưa thể thấy trước được.

Những ai muốn khiển trách Giáo hội, trước những vấn đề được đặt ra, đã khẳng định lớn tiếng trong giờ phút đen tối này, về những quyền không thể hủy diệt của con người : về đặc tính thiêng liêng của mối quan hệ gia đình, sự bất khả xâm phạm của quyền cư trú và những yêu sách bó buộc của đức ái huynh đệ mà Chúa Kitô đã lập như dấu chỉ riêng biệt của môn đệ Ngài. Không bao giờ rời bỏ những nguyên tắc này, đó chính là danh dự của nền văn minh Kitô giáo, và cũng là vinh dự của nước Pháp, .

Không thể nào xây dựng một trật tự mới trên bạo lực và căm thù. Người ta chỉ có thể xây dựng được trật tự mới, cùng với sự hòa bình, bằng cách tôn trọng công lý, trong hiệp nhất các tâm trí và tấm lòng, như tiếng nói lớn lao của ngài Thống chế đã mời gọi chúng tôi, và cũng nhờ đó mà uy tín lâu đời của quê hương tổ quốc của chúng ta sẽ triển nở.
(JC Để đọc LSGH II,t,192)

CÁC KITÔ HỮU KHÁNG CHIẾN

Chúng ta biết rằng có nhiều nỗ lực được theo đuổi, nhằm hợp nhất hữu hiệu các lực lượng kháng chiến (...). Những sáng kiến trên cho chúng tôi cơ hội để xác định lập trường của kitô hữu đối với Mặt Trận Kháng Chiến Thống Nhất. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng nói đến những người kitô hữu (...)

Phát biểu với tư cách là kitô hữu, chúng tôi ý thức đầy đủ về tính siêu việt nơi sứ điệp của mình. Không thể chấp nhận nổi việc đặt Chúa Kitô vào một tổ chức nhân loại, trên cùng một bình diện như một vị lãnh đạo nào đó chấp nhận cho đảng mình gia nhập vào một cơ cấu nhân loại lớn hơn. Chúa Kitô siêu vượt trên mọi đảng phái và các dự án tạm bợ (...)

Nhưng cũng không thể nào chấp nhận được việc trốn tránh trước thảm kịch đang làm rung chuyển thế giới, viện lẽ tính siêu việt của Kitô giáo. Kitô giáo siêu việt, chứ đâu phải kitô hữu. Những kitô hữu Pháp đều là công dân Pháp. Kitô giáo không miễn cho họ những bổn phận của người Pháp bình thường, mà ngược lại, còn thêm vào những bó buộc này, những nghĩa vụ khác, vì là một Kitô hữu (...)

Chính vì thế, các tín hữu Pháp có thể như mọi công dân Pháp, tìm được chỗ đứng của mình trong các phong trào kháng chiến.
JC Để đọc LSGH II,tr 193)

LẬP TRƯỜNG ĐỨC PIO XII

Sau đây là vài văn bản trong đó Đức Piô XII ám chỉ đến sự diệt chủng. Về sau, những văn bản này bị phê bình là không rõ rệt lắm.

* Sứ điệp truyền thanh, nhân dịp Giáng sinh 24.12.1942

(...) Khát vọng (lập lại hòa bình), nhân loại phải có đối với hàng trăm triệu người, không vì một lỗi lầm nào của họ, nhưng chỉ vì lý do quốc tịch hoặc do nguồn gốc chủng tộc, đã bị dẫn đến cái chết hoặc sự diệt chủng dần dần.

* Thư gởi Đức cha Von Preysing, giám mục Bá linh, ngày 30 tháng 4 năm 1943.

Ta mong các vị chủ chăn trong quyền hạn tại chỗ, suy xét nhận định rõ ràng, lúc nào và bằng biện pháp nào, phải dùng đến điều dự trữ cho lúc cần thiết (mặc dầu có nhiều lý do lẽ ra phải can thiệp), để tránh xảy ra những tai họa lớn hơn, vì biết rằng những tuyên cáo của giám mục có nguy cơ kéo theo những cuộc trả thù và áp bức, cũng cần xét đến những hoàn cảnh khác có thể phát sinh do cuộc chiến kéo dài và cũng vì tâm lý của cuộc chiến. Đó cũng là một trong những động cơ khiến chính ta, ta cũng giới hạn trong những tuyên bố của ta.

* Ngỏ lời cùng Hồng Y đoàn (Sacré-Collège), ngày 2-6-1943

(...) Trái tim của ta đáp lại bằng mối âu lo ân cần và xúc động trước những lời cầu xin của những người hướng về ta bằng cái nhìn khẩn khoản âu lo, bị dày vò đau đớn vì lý do quốc tịch hay chủng tộc của họ, bởi những bất hạnh lớn lao hơn, vì những biện pháp diệt chủng, dù họ không có lỗi lầm gì.

Chư huynh không nên đợi ta trình bày dù là một phần trong tất cả những gì mà ta đã cố gắng và thử hoàn thành, để làm giảm bớt những thống khổ của họ, để xoa dịu tình trạng đạo đức và pháp lý của họ, để bảo vệ quyền lợi tôn giáo không thể chối bỏ của họ, để trợ giúp cho sự thiếu thốn và những gì cần thiết cho họ.

Tất cả những lời của ta, nhân dịp này ngỏ ý cùng với các thẩm quyền, tất cả những ám chỉ công khai của ta, phải được cân nhắc thận trọng và đo lường kỹ, nhằm có lợi cho những ai đau khổ, để không làm cho tình trạng của họ, điều ta không muốn, bị trầm trọng thêm và bị thống khổ hơn.

Thông điệp HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI
Đức Gioan XXIII, ngày 11.4.1963

Thưa quý chư huynh Thượng phụ, giáo chủ, tổng giám mục, giám mục... giáo sĩ và mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu cũng như mọi người thiện chí (...)

Những tiến bộ khoa học và những phát minh kỹ thuật đã thuyết phục được chúng ta điều này : trong mọi sinh vật sống động và trong những sức mạnh của vũ trụ, có một trật tự đáng khâm phục ngự trị, chính là sự vĩ đại của con người, có thể khám phá các trật tự này và có thể làm nên những dụng cụ, nhờ đó làm chủ những nguồn năng lực thiên nhiên và sử dụng chúng nhằm phục vụ con người (...)

Tất cả mọi người có quyền sống, quyền được toàn vẹn thể lý và hưởng dùng những phương tiện cần thiết và đầy đủ, cho một cuộc sống xứng đáng, thường liên quan đến vấn đề cơm ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, thuốc men và an sinh xã hội (...)

Mọi người có quyền tôn thờ Thiên Chúa theo đúng lề luật chân thật của lương tâm, và có thể tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời tư cũng như công...; quyền tự do chọn lựa bậc sống (...) ; quyền có việc làm và sáng kiến trong lãnh vực kinh tế (...).

Chúng tôi nhìn nhận Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10-12-1948) như là một bước tiến hướng tới việc thành lập một tổ chức pháp lý chính trị cho công đồng nhân loại (...). Vì vậy chúng tôi mong mỏi sao cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc càng ngày càng thích nghi những cơ cấu và phương tiện hành động của mình. Mong sao cho tổ chức Liên Hiệp Quốc sớm bảo vệ hữu hiệu được những quyền của con người (...).

Xin gởi những người thiện chí hiện đang gánh vác trọng trách bao la, là lặp lại những tương quan đời sống trong xã hội dựa trên những căn bản nền tảng của chân lý, công lý, nhân đạo và tự do : những tương quan giữa những tư nhân với nhau, giữa công dân với nhà nước, giữa những quốc gia, và sau cùng, tương quan giữa những cá nhân, gia đình, những đoàn thể trung gian một mặt với những quốc gia, và mặt khác với cộng đồng thế giới. Trọng trách cao cả hơn hết, bởi vì nó nhằm làm cho hòa bình chân thật ngự trị, trong trật tự do Thiên Chúa quyết định.

GIẢI THƯỞNG HÒA BÌNH BALZAN

Ngày 1.3.1963, Hội đồng tặng giải thưởng Hòa Bình Balzan gồm 37 thành viên thuộc 21 quốc tịch quyết định tặng giải Hòa Bình cho Đức Giáo Chủ (trong hội đồng có 4 thành viên Liên xô, cả 4 vị đều nhất trí bỏ phiếu cho Đức Gioan XXIII). Hội đồng ra tuyên bố tặng giải Hòa Bình cho Đức Giáo Chủ :

1. VÌ HÒA BÌNH giữa mọi người và giữa các dân tộc, do sự quan tâm không biết mệt mỏi của Giáo chủ để góp phần duy trì những quan hệ hòa bình giữa các nước, bằng cả những lời kêu gọi hòa bình gửi đến thiện chí của mọi người lẫn những hành động về ngoại giao mới đây.

2. VÌ TÌNH HUYNH ĐỆ giữa người với người và giữa các dân tộc, do sự đóng góp lớn lao của Giáo chủ cho tình huynh đệ ấy; cách riêng trong năm qua Giáo chủ đã mời đại diện các Giáo hội Kitô giáo khác; Chính thống và Tin lành đến dự và đặc biệt tham gia sinh hoạt Công đồng.

3. Làm như thế, Giáo chủ đã khiến các tín hữu của các Giáo hội đó cũng như của Giáo hội Công giáo có một thái độ hiểu biết lẫn nhau cao hơn và đưa lại những hậu quả vừa nhiều vừa quan trọng.

4. Giáo chủ đã thiết lập những sự giao tiếp mở rộng ra ngoài cả Cộng đồng Kitô giáo.

HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM

(...) Thiên Chúa đã muốn rằng con người không được thánh hóa và cứu độ cách riêng rẽ, ngoài mọi liên hệ hỗ tương; trái lại, ngài đã muốn kiến tạo họ thành một dân nhận biết Ngài theo chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện... Chúa Kitô kêu gọi đông đảo con người từ giữa người Do Thái và từ giữa dân ngoại, để thành lập nên một không theo xác thịt nhưng theo Thần trí và trở nên dân tộc mới của Thiên Chúa.

Thế nên, những ai, tin vào Chúa Kitô thì được "tái sinh" không phải từ một mầm giống có thể bị hủy diệt, nhưng từ mầm giống không bị hủy hoại là Lời Thiên Chúa sống động (1Pr 1,23), không theo xác thịt, nhưng trong nước và Thánh Thần (Ga 3,5-6), do đó, họ trở nên một dòng giống được tuyển lựa, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân riêng mà Thiên Chúa đã dành cho Ngài, những kẻ xưa kia không phải là một dân tộc mà nay đã thành Dân Thiên Chúa (1Pr 2,9-10) (...)

Dân tộc Thiên sai này, dù vẫn chưa hoàn toàn phổ quát tính trong nhân loại, mới chỉ xuất hiện như một đàn chiên nhỏ bé, tuy vậy nó đang cấu tạo cho toàn thể nhân loại mầm mống hiệp nhất, hy vọng và cứu độ mạnh mẽ nhất. Được Chúa Kitô thiết lập để cùng thông hiệp vào sự sống; vào đức ái và vào chân lý, Dân tộc Thiên sai này là dụng cụ trong tay Chúa Kitô để cứu độ mọi người, và cũng là được Chúa Kitô sai đến với thế giới như ánh sáng và muối trần gian (Mt 5,13-16) (...).

Được chỉ định lan tràn trên mọi phần đất thế giới, Giáo hội có một chỗ trong lịch sử nhân loại, dầu Giáo hội đồng thời cũng siêu việt trên những giới hạn dân tộc trong thời gian và không gian. Tiến bước xuyên qua những cám dỗ, những nghịch cảnh Giáo hội được nâng đỡ bởi tiềm lực ân sủng của Thiên Chúa, cho Giáo hội mà Chúa Giêsu đã hứa qua sự yếu đuối xác thể của mình, Giáo hội không vấp ngã phạm đến sự hoàn thiện của lòng trung tín nhưng luôn vẫn xứng đáng là Hiền thê của Chúa mình, không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi, nhờ Thập giá, Giáo hội đến được với Ánh sáng không hề tắt.

HIẾN CHẾ VUI MỪNG VÀ HY VỌNG

Những vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của con người thời đại này, nhất là của những người nghèo và tất cả những ai đau khổ, cũng là niềm vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của những môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự thuộc về con người mà không gây âm hưởng trong lòng họ (...).

Tất cả những gì là chân thiện mỹ trong những cơ cấu rất đa đạng nhân loại đã và đang dấn thân vào, công đồng rất ngưỡng phục và quan tâm. Và Công đồng cũng tuyên bố rằng, Giáo hội muốn giúp đỡ, cổ võ tất cả những cơ chế này bao nhiêu có thể, và rằng trách nhiệm này tương hợp với sứ mạng của chính Giáo hội...

Công đồng khuyến khích các Kitô hữu, là công dân của đô thành trần gian và đô thành thiên quốc, hãy nhiệt tâm và trung tín chu toàn bổn phận trần thế của mình bằng cách để cho Thánh Thần của Tin Mừng hướng dẫn. Họ sẽ xa rời chân lý, nếu họ nói rằng : chúng tôi không có quê hương vĩnh viễn ở trần thế này, chúng tôi đang tiến bước về quê hương tương lai, rổìi vì thế tin rằng có thể sao lãng những trách vụ nhân loại, mà không nhận thấy rằng chính đức tin, bao gồm cả ơn gọi của kitô hữu, đòi hỏi họ một nghĩa vụ khẩn thiết hơn.

Nhưng ngược lại, cũng không kém sai lầm, những ai tin rằng có thể hoàn toàn hiến thân cho những hoạt động trần thế ... Với họ, đời sống tôn giáo giới hạn trong việc cử hành phượng tự và một vài bó buộc đạo đức. Cuộc ly dị giữa đức tin mà họ viện dẫn và cung cách sống thường ngày của những người đó, phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta.

CÁC LINH MỤC TỰ GIẢI PHÓNG

Trong phần lớn các địa phận tại Pháp, các linh mục đã chọn lựa quyền tự do : đó là có những người trong chúng tôi đã từ chối sống bằng tiền "puộc-boa", như người ta nói, họ tham gia lao động để sống như mọi người ; đó là có những người trong chúng tôi từ chối độc quyền rao giảng Lời Chúa để tạo cơ hội cho người tín hữu phát biểu ; đó là có những người trong chúng tôi gia nhập đảng phái chính trị, hoặc từ chối những đặc quyền giáo sĩ, để sống kinh nghiệm của cộng đoàn cơ bản. Cũng có những người khác kết hôn vì trung thành với đức tin và với cuộc sống của chính mình (...)

Chính vì điều đó, "Trao đổi và đối thoại" : mà các linh mục không còn muốn là những công chức, phù thủy, khán giả ngổi ở bao lơn, tự cho phép mình reo hò và múa máy cỗ võ người khác dấn thân.

(Báo cáo hội nghị "Trao đổi và đối thoại", Dijon, th. 4-1970.
Trích trong R.SOLE, Les Chrétiens en France, PUF, 1972.)

PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÓNG

Ngày nay, vấn đề quan yếu mà mỗi người phải ý thức là vấn đề xã hội có tầm vóc toàn cầu (...). Đã xảy ra nhiều tình trạng bất công thấu đến trời cao. Khi có nhiều dân tộc, bị tước đoạt những thứ cần thiết, phải sống trong sự lệ thuộc đến độ ngăn cản họ có bất kỳ sáng kiến và trách nhiệm nào (...) Họ bị cám dỗ dùng bạo động để đẩy lùi những bất công như thế, nhằm cổ võ phẩm giá con người (...).

Sự phát triển không thể giản lược vào việc gia tăng kinh tế đơn thuần. Để là phát triển chân thực, nó phải toàn diện, nghĩa là thăng hoa toàn diện con người và mọi người (...). Vấn đề là xây dựng một thế giới, trong đó mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, có thể sống một cuộc đời hoàn toàn xứng đáng là con người, được giải thoát khỏi mọi thứ nô lệ đến từ phía con người hay từ thiên nhiên chưa được điều khiển cách đầy đủ (...). Nếu phát triển là tên gọi mới của hòa bình, còn có ai không ao ước hoạt động hết sức mình cho phát triển chăng ?

(Đức PhaoLô VI ngỏ lời với người Colombia
ngày 23 tháng 8 năm 1968).

Chúng tôi sẽ còn tố cáo những bất bình đẳng kinh tế, những bất công giữa người giàu và người nghèo, những lạm dụng độc tài và hành chánh gây thiệt hại cho các bạn và cho tập thể. Chúng tôi sẽ còn cổ võ cho những quyết định và những chương trình hữu ích cho các dân tộc trên đường phát triển (...). Chúng tôi khích lệ anh chị em đừng đặt tin tưởng vào bạo động và cách mạng ; điều đó phản lại tinh thần Kitô giáo và điều đó cũng có thể làm chậm công việc thay vì khích lệ cho việc thăng tiến xã hội mà anh chị em khao khát cách chính đáng.

(Văn kiện chung kết Hội Nghị Medellin
các giám mục Châu Mỹ Latinh, tháng 8-9 măm 1968)

Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một thời đại mới của lịch sử lục địa chúng tôi, thời đại đầy Thần Khí với ước muốn toàn diện, giải phóng khỏi mọi nô lệ, ước vọng trưởng thành nhân vị cho cá nhân và sự hội nhập tập thể (...). Như xưa kia Israel, dân tộc Cựu Ước, đã cảm nghiệm sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa khi Ngài giải thoát họ khỏi sự áp bức của Ai Cập, ngày nay cũng thế, chúng ta là Dân Mới của Thiên Chúa, chúng ta không thể không cảm nghiệm về cuộc ghé thăm cứu độ của Ngài, khi nói đến vấn đề phát triển chân thực, là cuộc vượt qua của từng người và của mọi người khỏi những điều kiện sống không xứng với nhân phẩm, đến những điều kiện sống xứng hợp với con người hơn.
(Văn kiện trích trong Documentation Catholique, 1968)

THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

(...) Vấn đề phát triển gặp được vị trí đích thực trong viễn cảnh toàn cầu hơn, sâu sắc hơn và triệt để hơn của việc giải phóng. Chỉ trong khung cảnh này, việc phát triển có được ý nghĩa đích thực, và có được những khả năng để thực hiện (...). Tiến trình giải phóng hiện ra như một đòi hỏi phải làm triển nở mọi chiều kích của con người, một con người đang được hình thành trong cuộc sống và suốt giòng lịch sử (...). Sau hết, từ ngữ phát triển giới hạn và làm lu mờ đôi chút vấn nạn thần học hiện hành trong tiến trình đang nói đây. Ngược lại, từ ngữ giải phóng khiến ta liên tưởng và dẫn chúng ta đến những nguồn Thánh Kinh, nói về sự hiện diện và hoạt động của con người trong lịch sử.

Trong Thánh Kinh, Chúa Kitô được trình bày cho chúng ta như Đấng mang đến sự giải phóng. Đức Kitô cứu độ giải thoát con người khỏi tội, nguồn gốc sau cùng của mọi đoạn giao bằng hữu và cũng là nguồn gốc của mọi bất công và áp bức. Chúa Kitô làm cho con người được tự do một cách chân thực; nghĩa là Ngài làm cho con người được sống kết hiệp với Ngài, Đấng là nền tảng của mọi cộng đoàn nhân loại. Nói về nền thần học giải phóng, đó là tìm kiếm một lời giải đáp cho vấn đề sau : đâu là tương quan giữa ơn cứu độ và tiến trình lịch sử của sự giải phóng con người ?
(Gustavo GUTIERREZ, Théologie de la libération Lumen Vitae, 1974, tr. 52t)

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN TRUYỀN THỐNG

Là thành viên của Hiệp Hội CREDO... chúng tôi đau lòng tuyên cáo và quyết liệt đấu tranh :

* Chống lại mọi sự phản bội đức tin trong việc giảng dạy giáo thuyết cách công khai và tư riêng.

* Chống lại mọi sự phủ nhận về nền đạo đức Kitô Giáo (...)

* Chống lại những chế biến thêm thắt vào việc cải tổ phụng vụ, gây hiểu lầm đối với các Kitô hữu có hiểu biết và có thể đưa đến chỗ thiếu nghiêm trang, vô hiệu mọi lễ nghi, vô hiệu các bí tích và gây nên sự phạm thánh.

Chính vì vậy chúng tôi lên tiếng chống lại lối dạy giáo lý mang những hình thức đa đạng, vì như thế có những bãi bỏ rất gây tai hại và việc bóp méo rất nghiêm trọng, mà hiện nay chưa có phản ứng nào, cũng như chưa có lời tuyên bố đề phòng và sửa sai của các cấp có Thẩm quyền.

Chính vì vậy chúng tôi từ chối những bản dịch đáng nghi ngờ văn kiện thánh, về tín lý, phụng vụ hoặc về kỷ luật...
(André MIGNOT và Michel de SAINT PIERRE,
Les Fumées de Satan, La Table Ronde, 1976.)

ĐỨC GIOAN XXIII ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO LA CROIX (5-6-63)

"Nhiệm kỳ Giáo chủ ngắn ngủi này đã được bù lại bằng sự cô đọng sâu sắc. Trong thời kỳ đó, Giáo hội được hình dung bằng một hình ảnh mới, ít là với người ngoài Giáo hội. Giáo Hội không còn là một pháo đài kiên cố, sừng sững trên nền đá, hãnh diện về thành lũy bất khả xâm phạm, chằng chịt những lệnh cấm và hàng rào phòng thủ, chỉ thích che chở cho những ai yên thân sống ở trong... Ngày nay Giáo hội xuất hiện như một con tàu, mà quê hương chân thật là sự thân thương với gió khơi, sóng nước và sao trời, để nối liền tình huynh đệ giữa những bến gần bờ xa... Nhờ Đức Gioan XXIII, người đời biết được rằng, sự thật mà ở bên ngoài lòng yêu mến thì không phải từ Thiên Chúa".

Thanh bạch : Đức Gioan XXIII, Angelo Roncalli, sinh ngày 25-11-1881 trong một gia đình nông dân gần Bergamo. "Nghèo thế, nhưng mỗi khi có người hành khất đến trước cửa bếp, dù trong bếp đã có đến 20 đứa trẻ háu ăn đang chờ dĩa súp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho ông hành khất và mau mắn mời người lạ đến ngổi gần"

ĐẾN VỚI CON NGƯỜI QUA CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH

Thụ phong linh mục năm 1904, Roncalli làm thư ký cho giám mục Bergamo đến 1914, và cùng với ngài đấu tranh cho quyền lợi của công nhân ở Renica. Thời này ngài chứng kiến vụ án Duy Tân thuyết, và đưa ra nhận định : "Đúng là chúng ta cần nói sự thật, tất cả sự thật, nhưng tôi không hiểu vì sao lại phải hòa sự thật với sấm sét nhọn sắc của núi Sinai, thay vì sư thanh thản của Chúa Giêsu bên bờ hổ hay trên sườn núi".

Chính Roncalli cũng bị nghi ngờ vì có thư từ với những linh mục bị theo dõi. Sau này khi đã 78 tuổi, ngài đọc lại, bổ túc thêm "hồ sơ" và chia sẻ : "Anh em thấy không, một linh mục bị theo dõi, cũng làm được giáo hoàng cơ đấy".

Trong thế chiến I, Roncalli nhập ngũ : "Chiến tranh đã cho tôi một dịp để đến gần các tâm hồn hơn, và để tìm ra những con đường tốt nhất đi vào lòng người. Qua kinh nghiệm này, tôi trở nên tốt hơn, sẵn sàng hơn để cảm thương lỗi lầm của kẻ khác, biết quên mình đi và quên cả những gì có thể tạo danh giá hay vinh dự cho mình ở đời này"

1920-25: Thành viên bộ truyền giáo, chủ tịch hội truyền bá đức tin ở Ý. Cha đi khắp nơi vận động cho công cuộc truyền giáo.

1925-44 : Tổng giám mục Roncalli làm đại diện tòa thánh tại Bungari (1% công giáo), Hy lạp (0,8%) và Thỗ Nhĩ Kỳ (0,66%).

"Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ Chúa" (Ngày nhận chức thượng phụ Venise)

"Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, sẽ thấy cửa sỗ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy gõ cửa đi. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không ? Chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu nồng hậu chào mời".

1944-53 : Sứ thần tòa thánh tại Paris, trong thời điểm De Gaule đòi 20 giám mục Pháp phải từ chức. André Latreille đại diện phía Pháp nhận định khi gặp gỡ Roncalli :

"Khi ngài biết tôi có 10 đứa con, ngài liền quan tâm và coi tôi là một người nghiêm túc... Nhờ tính lạc quan, chắc nịch, sáng suốt, khéo léo và nhẫn nại, ngài đã góp một phần lớn trong việc tái lập lại ngoại giao mà sáu tháng trước đây khó mà tiên liệu được".

Vị giám mục chia sẻ : "Tôi cứ bình thản, làm xong một việc rồi làm một việc kế tiếp. Tôi hoạt động, nói, yên lặng và nhẫn nại chờ đợi, và luôn làm sáng tỏa tinh thần trong sáng, hiền hòa và vui tươi trước những gì diễn ra trước mắt tôi... Không biết do hiện tượng nào, có lẽ 20 năm sống ở Đông phương đã giúp tôi nhanh lẹ hơn, tinh tường hơn trước những mưu chước của phương Tây". Ngài rất ít tuyên bố lập trường, nhưng thích thú đặc biệt trong việc gặp gỡ các giới trí thức cũng như bình dân để lắng nghe và học hỏi.

1953-58 : Thượng phụ giáo chủ Venise. " Đời giám mục mà cứ phải ngổi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá". "Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình" (72 tuổi). "Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo... Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo".

Và từ sáng sớm ngài đã tản bộ trên đường phố còn trống vắng, ghé thăm dân lao động : anh bán tranh, anh hầu bàn quán cà phê, bắt tay người gác cửa khách sạn, hỏi han bà bán rau và cô hàng hoa. Còn buổi tối, ngài xuống bến đò nói chuyện với dân chài Gondola.

28.10.1958 : Đắc cử Giáo Hoàng. "78 tuổi mới làm giáo chủ thì chắc chả có gì lớn, rồi ngẫm nghĩ một lát ngài tiếp, nhưng tin tưởng vào Chúa thì không việc gì phải ngại".

Thế nhưng, liền sau ngày đắc cử người ta đã thấy nhân cách độc đáo của ngài, khi ngài bỏ cung điện không báo trước sang bệnh viện nhi đồng thăm các cháu thiếu nhi và vào trại giam thăn tù nhân. Rồi ngài sẽ đi hành hương Loretto, Assisi... Dân lao động có thể bao vây quanh ngài để nói chuyện, thanh niên du đãng tại các trại cải huấn thì hoan hô ầm trời khi cụ già Gioan đến thăm và tặng quà. Cảnh sát Roma bảo vệ một thời gian rồi cũng chán. Các nhà báo thích săn tin giật gân cũng bỏ cuộc khi thấy ngài thường đến các xứ đạo nghèo.

Mục sư Casalis nhận xét : "Chưa có ai trong chức vụ giáo chủ mà ung dung đến thế. Người ta yêu mến vị giáo chủ đã làm cho nội dung Tin Mừng của đạo, bấy lâu nay được bao bọc trong bầu khí tôn nghiêm đền thánh, bổng trở nên hồn nhiên và hiện thực. Vì xét cho cùng, đó cũng là cung cách của Đức Giêsu tìm đến với mọi người, Đức Giêsu của hoa đồng cỏ nội, của thiếu nhi và người nghèo, của Thập giá và Nước Trời..."

Nhà báo Francis Mayor viết : (tóm ý) Khi hỏi giáo chủ Gioan XXIII về công đồng Vatican II rằng : Chương trình ra sao ? Khi nào khai mạc ? Thì được trả lời "Để xem Chúa bảo sao đã"... Giáo chủ Gioan XXIII đọc báo mỗi ngày, ngài không đòi phải thấy điềm lạ trên trời, ngài nghe Chúa nói qua con người và biến cố, ngài thấy Chúa trong nhật báo, trong ý kiến nghe một giám mục, trong các diễn từ hoặc tuyên ngôn của các vị lãnh đạo khác. "Giáo chủ đã suy niệm Tin Mừng thứ Năm theo con người, theo nỗi đau và niềm vui từng ngày".

Đối với ngài, Công Đồng chỉ để "đưa một làn khí mát vào Giáo hội", và để "quét sạch bụi bặm trên khuôn mặt Giáo hội"


1510    02-02-2011 09:08:01